Lưu trữ Blog

3 tháng 1, 2008

NGÔN NGỮ BÁC HỒ

Hoàng Kim

Cái gốc của sự học là HỌC LÀM NGƯỜI. Tiếp đó, là ”HỌC ĂN, HỌC NÓI, HỌC GÓI, HỌC MỞ”. Điều này tưởng chừng đơn giản nhưng học suốt đời không bao giờ xong. Học ăn, học nói không dễ. Trăm bệnh từ miệng mà vào, trăm họa từ miệng mà ra. Học gói học mở càng khó. Chuyên tâm đúng, nổ lực đúng, học điều đáng học, làm việc đáng làm, dạy điều đáng dạy, nói đi đôi với làm là căn bản của học gói, học mở.

Học cái hay, cái đẹp của từ ngữ tiếng Việt là công việc phải học suốt đời và thực hành suốt đời vì ngôn ngữ là vỏ bọc của trí tuệ và nhân cách. Học ngôn ngữ không những cần thiết đối với những người trong ngành khoa học xã hội nhân văn mà cho tất cả mọi người trong mọi ngành kinh tế kỹ thuật ... Từ những người lao động bình thường đến những chính khách lão luyện đều rất cần thiết phải học cái đẹp, cái hay của ngôn ngữ mà mình muốn diễn đạt.

“NGÔN NGỮ BÁC HỒ” được tập hợp dựa trên những mẫu chuyện hoặc bình chú ngôn ngữ thơ văn của Bác do thầy Trịnh Mạnh gợi ý. Thầy là chuyên viên cao cấp ở Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, người đã liên tục 45 năm làm công tác giảng day và nghiên cứu tiếng Việt, là tác giả của sách Tiếng Việt lý thú (Tập 1, Nhà Xuất bản Giáo dục, mã số 8H780T5-TTS năm 2005) đã tái bản lần thứ tư. Tôi thích thơ văn của Bác và cảm động trước lời khuyên này nên mạnh dạn sưu tầm, chọn bài để ước mong cùng học với bạn đọc.

BÁC HỒ CHỌN TỪ KHI NÓI VÀ VIẾT

Trịnh Mạnh

Trong Tuyên ngôn Độc lập, để vạch trần thái độ tàn ác của thực dân Pháp trước công luận, Bác viết: “Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu”. Từ tắm có nghĩa mạnh hơn từ dìm, còn nói lên sự khát máu của bọn thực dân Pháp, chỉ rõ được tim đen của bọn xâm lược.

Từ thuần Việt mà Bác dùng hay nhất có lẽ là từ ngóc trong câu: “Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên”. Từ ngóc, một khẩu ngữ thông thường nhưng được dùng rất hay, diễn tả rất đúng. Ngóc chỉ tư thế một người đang nằm sát đất, nằm sấp, đầu và thân mình nằm trên một mặt phẳng… Từ ngóc chỉ tình thế khốn quẫn, sống dở chết dở của tầng lớp tư sản dân tộc trước năm 1945. Họ là những người có tinh thần dân tộc, muốn mở mang công nghiệp nhưng bị thực dân cấm đoán, chèn ép, đè bẹp.

Để phát huy hiệu lực nghệ thuật và mang tính đại chúng, bản Tuyên ngôn Độc lập có 46 câu, số câu ngắn đã chiếm đến 38 câu. Ví dụ: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị”. Số câu dài có từ 30 tiếng trở lên, Bác đều ngắt đoạn rất rành mạch. Vì vậy, ai đọc cũng hiểu.

(Dựa theo bản thống kê và một số ý của Phan Đăng Khải)

Người theo dõi