Lưu trữ Blog

2 tháng 7, 2013

Đến với những bài thơ hay



HỌC MỖI NGÀY. Đến với những bài thơ hay kỳ này: Chèo tiễn biệt thơ Chế Lan Viên, Đọng thơ Việt Phương, Nhắn bạn thơ Dương Phương Toại. Cám ơn anh Lê Mai và anh Dương Phương Toại đã chia sẻ. Ba bài đủ cho ta say, thấm thía và ... đọc lại

CHÈO TIỄN BIỆT

Chế Lan Viên

Có lẽ ta từng ly biệt nhau
Tự thời xưa xửa. Trái tim đau
Vẫn chưa lành hẳn. Nay em hát
Bèo dạt mây trôi, nước qua cầu...

Người xưa ra trận có như mình
Có hát chèo chăng, buổi tiễn hành?
Trời xanh hẳn cũng xanh như vậy
Con đường chia biệt tận cùng xanh

Theo suốt đường anh ngút lửa bom
Câu chèo dân dã tối liên hoan
Em xoay tà áo là chia khuất
Sênh phếch chào anh, nhịp đổ dồn...

(những năm 70)

ĐỌNG

Việt Phương

Ta còn một phía trời xa
Hạt sương đọng ở đài hoa loa kèn
Ta còn hương dịu đầm sen
Sông trăng heo hút con thuyền đơn côi

Ta còn biển cả mặn mòi
Mênh mang tím gió bồi hồi vàng rơm
Ta còn bóng áo chập chờn
Lời ru của lá hoàng hôn của trời

Ta còn một chút ngậm ngùi
Biết bao đen bạc lòng người đổi thay
Ta còn hy vọng trong tay
Những vồng ngực trẻ căng đầy ước mơ

Ta còn một phút một giờ
Một chèo một chống một chờ một tin


NHẮN BẠN

Dương Phượng Toại

Tặng Hoa Mai-TP HCM

Thương nhau xin chớ lòng vòng
Có sao nói vậy nằm lòng nhà quê
Người về, ta đón người về
Rượu ngâm trong hũ đề huề rót ra.

Làng còn bánh đúc bánh đa
Sẵn rau sẵn quả, tương cà... đãi nhau
Thời gian xối tóc phai màu
Khế chùm vẫn chín vườn sau trĩu cành.

Chỉ hiềm chẳng có lá chanh
Cho người múc ánh trăng thanh gội đầu.
Chợ quê nhan nhản những dầu
Hương nhu lá sả, cơi trầu... hiếm hoi.

Tơ trời vẫn dệt con thoi
Người không về sớm thiệt thòi lắm a
Đất làng trước bảy còn ba
Khó tìm hạt gạo chiêm ta thuở nào. (*)

Đêm qua sau trận mưa rào
Sót vài tiếng ếch vọng vào trong sân...
Cánh sen vừa rụng xuống đầm
Ngõ quê trúc đứng lặng thầm đợi trăng!

(*) Hạt gạo chiêm ta: Hạt gạo đỏ, cơm thơm và bùi, rất
bổ dưỡng.

Đọc thêm

Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

SẺ HAY XẺ

Nguyễn Trung Hiếu

BÁO LAO ĐỘNG. Gần đây, trên nhiều trang mạng về ngôn ngữ đã có cuộc tranh luận khá nóng bỏng về nghĩa của chữ sẻ hay xẻ trong “chia sẻ” và “chia xẻ”.

Điểm xuất phát của cuộc tranh luận là do gần đây trên báo chí, sách truyện, các tác giả và biên tập viên, sử dụng hai từ trên như một từ ghép tương đồng về nghĩa, như từ share của tiếng Anh.

Trong một bài đăng trên trang “Thế giới chữ”, một người cho rằng: “Khi đặt ra vấn đề cho mẫu tự “s” hay “x” ở đây, có lẽ ta nên xét đến cách phát âm. Trong ngữ học, khi nói đến cách phát âm là đề cập đến một trong các mặt của phương ngữ tức cách phát âm tuỳ vào mỗi địa phương. Ở đây âm “s” đã di chuyển sang âm “x” và ngược lại, cũng như miền khác âm “l” thành “n”.

Vì vậy chia sẻ đơn giản chỉ là cách phát âm theo địa phương mà thôi. Một ý kiến khác “phản đối” cách lập luận trên và cho rằng: chia sẻ là giúp ai đó một việc có lợi cho họ, mang tinh thần vị tha; còn chia xẻ là giành giật, đòi quyền lợi về cho mình, mang tinh thần vị kỷ. Trên diễn đàn Việt học của Viện Việt học, có ý kiến còn cho rằng từ sẻ với cái nghĩa: xẻ: phân ra... được thêm vào ngôn ngữ VN không hơn 60 năm nay... và không có trong các từ điển (Việt Nam) trước năm 1954... và ở miền Nam trước năm 1975 cũng không có. Và còn trở nên nghiêm trọng hơn khi trong vài tự điển từ và nghĩa tiếng Việt hiện nay vẫn không thống nhất trong cách sử dụng hai âm này. Ví dụ từ xẻ trong thành ngữ chia năm xẻ bảy, của Tự điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học) thì viết mẫu tự x, còn trong Từ điển Từ và Ngữ của GS Nguyễn Lân thì viết bằng chữ s.

Trong thực tế, hai từ nói trên đều đã hiện diện trong kho tàng ngôn ngữ Việt Nam rất lâu, từ trước thế kỷ 20. Cả hai từ này là tiếng Nôm, riêng biệt và có nghĩa. Tự điển chữ Nôm của Nguyễn Quang Xỹ và Vũ Văn Kính giải thích: sẻ là loại chữ hài thanh, cấu tạo bởi bộ thủ (tay –ý) + (sĩ - âm): san sẻ, chia sẻ. Còn từ xẻ, loại chữ giả tá, có cấu tạo Hán đọc là xỉ: xẻ gỗ, xẻ rãnh. Điều đó càng rõ ràng hơn khi cuốn tự vị tiếng Việt đầu tiên (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị) xuất bản cách đây hơn một thế kỷ (1895), học giả Huình Tịnh Paulus Của, phân loại cả hai từ trên đều là tiếng Nôm và nghĩa được chú giải rành mạch: Mục từ sẻ được ghi: mở ra, dở ra, giương ra, trải ra.

Và xẻ - cắt dài, mổ ra làm hai. Đến cuốn “Việt Nam Tự Điển - 1931” của Hội Khai trí Tiến Đức khởi thảo, sẻ được giải nghĩa: San chia ra. Sẻ bát cơm làm hai; nhường cơm sẻ áo. Còn từ xẻ - (nghĩa 1) bổ dọc ra: xẻ gỗ. Vì lẽ này phần thành ngữ trong Từ điển Việt Nam do Viện Ngôn ngữ ấn hành năm 1998, sử dụng chúng khá rạch ròi. Ví dụ cả hai đi với từ chia (làm ra từng phần từ một chỉnh thể): chia sẻ - cùng chia với nhau để cùng hưởng, cùng chịu (thành ngữ: Nhường cơm sẻ áo). Và chia xẻ - chia ra từng mảnh và không làm cho nguyên khối nữa (TN - Chia năm xẻ bảy).

Gần đây, khá nhiều ý kiến đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng lo ngại về lỗi chính tả và sử dụng từ ngữ tiếng Việt tuỳ tiện đang có xu hướng trở nên phổ biến. Hiện tượng trên không chỉ xảy ra ở lứa tuổi mới lớn, trên các trang mạng Internet, mà kể cả sách, truyện, báo chí và nhiều bộ tự điển vẫn vấp phải vô số. Từ đó nhiều ca dao, thành ngữ trong kho tàng văn học dân gian của dân tộc bị biến dạng, bị hiểu sai ý nghĩa. Trước năm 1975, nhằm thống nhất chính tả, thường Bộ Giáo dục hàng năm đều tổ chức thẩm định các bộ tự điển và ra thông báo khuyên dùng của tác giả, nhà xuất bản nào.

Ví dụ đến thời điểm tháng 3 năm 1975, bộ Từ điển Việt Nam có chú giải bằng hình ảnh của Thanh Nghị được sử dụng rộng rãi trong các trường học. Còn hiện nay tuy Trung tâm Từ điển học, thuộc Viện Ngôn ngữ đã phát hành bộ Từ điển Tiếng Việt, có bổ sung chỉnh lý hàng năm nhưng vẫn hiếm thấy được dùng ở những nơi cần có. Đáng chú ý, đối với học sinh, sinh viên ngày nay thói quen sử dụng từ điển ngày càng xa lạ. Nếu cứ kéo dài tình trạng người người, nhà nhà làm từ điển và viết, nói tiếng Việt theo cách mình cho là đúng, thì tương lai tiếng Việt rồi sẽ không biết đi về đâu.


Video yêu thích

SECRET GARDEN - Pastorale by Andreea Petcu (Vườn thiêng hạnh phúc)
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam

Trở về trang chính
Hoàng Kim, Ngọc Phương Nam, Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Học mỗi ngày, Danh nhân Việt, Kim on Twitter, Kim on Facebook, Food Crops News, CassavaViet, foodcrops.vn

Người theo dõi