Trang

11 tháng 9, 2008

Người hiền của văn chương Nam Bộ

Nguyên Ngọc

Tôi biết anh Trang Thế Hy đã lâu, nhưng thật thân nhau là từ một chuyện như sau: lần ấy, sau một chuyến lang thang dưới đồng bằng miền Tây trở về Thành phố, tôi ghé lại thăm anh, và hồ hởi nói với anh về một cây bút trẻ tôi vừa “phát hiện” được dưới đó. Vốn là người hay bốc, tôi nói với anh theo tôi, cậu ấy là tài năng hiếm đấy, anh ạ, lâu lắm tôi mới gặp lại được một người như vậy, mừng và quý lắm. Anh Tư cười nhẹ, rót cho tôi một chén rượu đầy: “Vậy thì anh tài – anh bảo – tôi cũng chấm đúng cậu ấy. Anh ở xa tới mà nhằm trúng được như thế là rất tinh. Đúng là của hiếm. Viết đường được thì nhiều, nhưng tài thì quả chỉ mới được nó. Rất độc đáo. Rất Nam Bộ. Rất miền Tây. Tưng tửng mà chẳng hề giống ai. Cứ như chẳng có gì mà sắc, mà sâu. Rất có văn. Nhiều người cũng đã xuống dưới đó, nhưng chưa có ai nhận ra. Anh mới xuống, đã nhìn ra được, giỏi!”… Vậy đó, anh bạn viết trẻ tài năng ở tít dưới miền Tây đã khiến cho chúng tôi thật sự đến với nhau, trở thành tri kỷ. Tri kỷ, tôi nghĩ, là biết cùng nhau nhận ra những giá trị thật, những cái đẹp lẩn khuất giữa chợ trời thiên hạ, giữa cuộc đời ồn ào, láo nháo bao nhiêu bong bóng ảo. Tình bạn của chúng tôi là một tình bạn như thế đó. Từ ngày anh về Bến Tre, tôi có ít dịp gặp anh. Bến Tre là một tỉnh nằm hơi trái đường, tôi chỉ mới tìm về cái tỉnh đảo ấy thăm anh được vài lần, ngồi với anh vài tiếng trong căn vườn rất yên tĩnh của anh, uống ruợu nhâm nhi với pho mát không biết anh tìm được ở đâu giữa cái chốn bốn bề sông nước này. Và lại nói chuyện với nhau về “cậu ấy” – mà hoá ra cả hai chúng tôi vẫn âm thầm theo rõi. Và về những tài năng khác, Đông Tây, mà cả hai chúng tôi đều mến phục.

Ngồi nói chuyện với anh Trang Thế Hy rất thích. Anh giản dị, mà uyên bác và thâm trầm. Và những lúc đó tôi thường có một liên hệ bất ngờ, bất ngờ nhưng tôi không sao dứt ra được, và tôi vẫn cố tự giải thích: tôi thường nhớ đến một tác giả ở rất xa, xa cả địa lý lẫn văn hoá: … Nguyễn Tuân. Thậm chí có lúc tôi đã nghĩ: nếu như Nam Bộ có một Nguyễn Tuân, thì cái ông Nguyễn Tuân đó ắt sẽ là Trang Thế Hy! Hai con người đó, hai tài năng đó khác nhau biết chừng nào, thậm chí ở chừng mực nào đó có thể nói thuộc hai cực đối nhau của thẩm mỹ, vậy mà sao dường như vẫn có điều gì đấy rất chung, và cái chung đó không nhỏ chút nào. Tôi thường cố lần cho ra cái chung đó.

Như chúng ta đều biết, Nguyễn Tuân là người suốt đời đi tìm cái đẹp, mải mê đuổi theo cái đẹp, tẩn mẩn, chăm chút, rất kỹ tính, khó tính, nhiều khi đến kỳ cục, và có phần hơi nhấm nháp nữa. Trong muôn vàn ngổn ngang chợ đời, ông soi mói chắt lọc tìm cho ra cái đẹp, từng chút, ngòi bút tài hoa của ông mân mê nó, vờn lấy nó, chộp lấy rồi lại buông ra, buông ra rồi lại chộp lấy, đôi lúc cảm giác cứ như... mèo vờn chuột. Đến cực đoan. Chữ người tử tù, ông tìm cái đẹp ở đó, ừ thì còn được đi. Đến Chém treo ngành, ông cũng không dừng tìm thấy cái đẹp ở đấy. Thực đến mức thẩm mỹ chủ nghĩa, có người đã gán cho ông điều đó tôi nghĩ cũng không hoàn toàn oan đâu… Tôi có một anh bạn làm lý luận văn học, anh ấy bảo: Văn học, nói theo cách nào đó, là một cái thú chơi, các cụ ta xưa chẳng từng coi văn chương là thú chơi thanh nhã là gì! Người ta chơi văn chương, chơi cái đẹp, cho nên soi mói tìm cho ra cái đẹp trong từng ngóc ngách cuộc đời, và chăm chút, mân mê từng từ, tức là cái thứ chỉ có nó mới lột được hết cái đẹp ấy ra cho mình, và cho đời. Văn học nhân văn chính là vì vậy và như vậy đấy… Chính ở chỗ này có cái ly lai sợi tóc, chỉ cần chệch đi, quá đi một chút là rơi sang cái gọi thẩm mỹ chủ nghĩa như chơi!

Có lẽ đọc thật kỹ Trang Thế Hy, sẽ thấy anh gần Nguyễn Tuân chính ở chỗ này. Anh cũng là người chơi cái trò chơi thanh nhã ấy, (nghĩa là tiếp tục cái truyền thống của các bậc tao nhân mặc khách xưa, cho nên, nhìn kỹ mà xem, ở Trang Thế Hy vừa có cái gì đó rất hiện thực, hiện đại, vừa có cái gì đó rất xưa, thậm chí có phần cổ kính nữa). Anh cũng là con người suốt đời chăm chú lần mò đi tìm cái đẹp, trong chốn ngổn ngang nhân sinh. Anh không ồn ào tuyên bố, nhưng suốt đời anh sống vì cái đẹp. Tất nhiên hoàn cảnh của anh khác rất nhiều. Anh là một người viết văn, và là một người viết văn hoạt động bí mật – trong nhiều sáng tác của mình, anh không hề giấu giếm tư cách đó – “nằm vùng” trong thành phố địch chiếm, dựa vào những người tốt trong tầng lớp hạ lưu của xã hội, ở những xóm lao động nghèo, nơi cái nghèo lôi con người ta vào những hoàn cảnh, cả những nghề nghiệp bị khinh bỉ đến tận cùng. Chính trong cái đám bùn nhơ nhầy nhụa tưởng chừng đến tuyệt vọng ấy, anh lần tìm ra cái đẹp, và cái đặc sắc, độc đáo của Trang Thế Hy là cái đẹp anh chắt chiu tìm ra được và vô cùng trân trọng nhặt lên từ bùn nhơ, bỗng sáng lên long lanh, như ngọc, như kim cương. Trang Thế Hy là người đi tìm ngọc, tìm kim cương, không phải giữa chốn phồn hoa đô hội, cũng không phải trong tỷ mẩn trà dư tửu hậu, mà giữa cuộc đời nhọc nhằn, trần tục, ở nơi tận đáy cùng của xã hội. Không gian của anh là không gian nghèo hèn của những xóm lao động ngoại ô, trong ngôi nhà của những người đàn bà chuyên sống bằng nghề “nuôi em út”, nơi giữa đêm giao thừa vẫn nghe được “tiếng thùng khua và tiếng nước đổ vào lu ở tầng dưới nhà bên cạnh”, và nơi ấy có một cô gái “chơi bời”, một cô gái giang hồ biết nói với anh rằng “em biết thân em lắm”, và “em có tiền, nhưng tiền của em thì anh gớm lắm, em biết”, cô gái ấy một hôm đột ngột trở lại vào một ngày cuối năm sau thời gian dài biệt tăm “đi làm ăn”, và bỗng có cái khát khao sang trọng bất ngờ, bỗng thấy “thèm thơ”, bỗng đòi anh làm cho cô một bài thơ, “một cô gái chơi bời thì có nói gì được thành thơ (không anh)? – cô hỏi. Nhưng em không đòi thơ cho em đâu. Cho bất cứ cô gái chơi bời nào cũng được.” Và anh chàng thi sĩ đã lâu lắm không còn làm thơ, không còn chút cảm hứng thơ nào, bỗng “nghe trong lòng một niềm vui mong manh đang thức dậy” và bỗng thấy “thèm làm thơ một cách đáng gọi là làm thơ”… Vậy đó, Trang Thế Hy nói rằng không phải một cô gái trong trắng mà là một cô gái điếm ê chề, hoặc đúng hơn, cái chất ngọc vẫn còn trong veo trong cô gái bán hoa đã nhàu nát lắm ấy, là nguồn cảm hứng thơ chân chính của anh. Tôi nghĩ có thể coi cái truyện ngắn tuyệt diệu này, “Thèm thơ”, là tuyên ngôn nghệ thuật nghiêm túc của Trang Thế Hy.

Rất lạ, - tôi không ngần ngại nói lên điều này đâu, - hình như hình ảnh những cô gái đẹp nhất trong văn của Trang Thế Hy là hình ảnh những cô gái làm nghề ăn sương, lặn lội trong nhầy nhụa bùn nhơ của xã hội. Anh trân trọng nhặt họ lên từ đấy, trân trọng và nhẹ nhàng lau bùn cho họ, và nói với ta rằng: Thấy không, trong những con người này cũng có ngọc đấy, long lanh! Hoặc là những con người đang bị đẩy đến đứng mấp mé trên bờ vực của cái vũng bùn ghê sợ đó, chỉ một chút thiếu gượng lại nữa thôi là rơi tõm ngay xuống, và họ đã quyết cưỡng lại số phận kinh hoàng đó bằng cái chết vô cùng dữ dội, cô gái Hứa Lệ Mai trong truyện “Nguồn cảm mới” của anh, mà cái chết đã khiến bác Tư xích lô áng chừng là “Con “xẩm” con ngang bướng nó gan dạ mà liều lĩnh lắm… nó mượn ngọn lửa để kết liễu cuộc đời bệnh hoạn của cha nó rồi nó tự thiêu luôn”. “Áng chừng” ư? Nhưng nghĩ kỹ lại mà xem, còn có lối thoát nào khác nữa cho cô Hứa Lệ Mai trinh trắng như một nụ hoa mong manh mà mãnh liệt ấy nữa đâu! Cô “xẩm” ấy, dưới ngòi bút của Trang Thế Hy, hiện lên sáng toả như một liệt nữ. Trang Thế Hy viết về những liệt nữ ở chốn bùn đen…

Có lẽ đến đây thì đã có thể nhận rõ ra điều này rồi: Trang Thế Hy là người chăm chút đi tìm những cái đẹp nhỏ nhoi, lẩn khuất, bị bỏ quên, hoặc ở trong những góc hẻo của cuộc đời, hoặc bị vùi trong bùn đất của nghèo khốn. Và tôi muốn nói điều này: thấy được và ngợi ca những vẻ đẹp hùng tráng, tất nhiên cũng cần lắm, nhưng dễ hơn nhiều. Tìm ra được cái đẹp nhỏ nhoi, không tên kia mới khó, cần rất nhạy, rất tinh, và có lẽ còn quan trọng hơn nữa, cần một tấm lòng nhân ái sâu xa lắm, một chất nhân văn không ồn ào, cường điệu, mà đậm đà lắm.

Và bây giờ, thử trở lại với so sánh ban đầu: Trang Thế Hy và Nguyễn Tuân. Nguyễn Tuân đi tìm cái đẹp ở chỗ cầu kỳ, ở “Ấm trà trong sương sớm”, ở “Chữ người tử tù”… Trang Thế Hy, cũng tinh vi không kém, nhưng anh đi tìm cái đẹp trong sự giản dị của cuộc đời thường, trong “Áo lụa giồng”, trong “Mỹ Tho - Mỹ Thơ”…, ở những con người “thường”, ở “Anh Thơm râu rồng”, và ở tận đáy nữa của cuộc đời ấy… Ở hai hướng khác nhau, nhưng đều vì cái đẹp, và như vậy, họ khiến cho thế giới phong phú ra rất nhiều.

Còn một điều này khiến họ gần gũi với nhau nữa: cả hai đều là những người cầm bút vừa có Nho học vừa có Tây học uyên thâm. Gần mà cũng lại khác nhau: ở Trang Thế Hy phảng phất sự trong sáng, đôi khi hóm hỉnh nhẹ nhàng nữa, của Alphonse Daudet, Anatole France. Nguyễn Tuân thì hay cái hay rắc rối của Baudelaire hay Edgar Poe… Chỉ cần hơi tinh một chút để nhận ra chất trí thức Tây học ở Trang Thế Hy. Và có điều rất thú vị: chính sự thâm thuý văn hoá phương Tây đó khiến cho những người cầm bút thấm nhuần được nó lại tha thiết, mặn nồng quay về nâng niu những giá trị dân tộc và địa phương. Dường như chính vì họ có hiểu biết sâu rộng về văn hoá nhân loại, nên họ càng nhìn rõ hơn giá trị của văn hoá bản địa, và muốn nâng nó lên thành một phần nữa của những giá trị ấy, mà nó không hề thua kém chút nào. Ta đã biết Nguyễn Tuân độc đáo trong ngôn ngữ Việt của ông như thế nào. Ông “chơi” rất tinh, đến cầu kỳ nhiều khi, trên từng con chữ. Trang Thế Hy kỹ chẳng kém, tài hoa chẳng kém, cũng chơi trên từng con chữ, nhưng ông rất Nam Bộ, rất miền Tây, nơi có những rừng dừa bạt ngàn, “cao trật ót”, có nghề hái dừa “hụt sào” hiểm nguy, nơi những đứa trẻ con “èo uột như một trái cà đèo” đi bú nhờ người ta thì gọi là “đi bú khính”, còn những đứa bụ bẫm thì được gọi là “tốt đứa”… Và hai vị trí thức Tây học ấy cũng lại rất đậm cái khí cốt nhà Nho, đương nhiên cũng mỗi người một cách. Nguyễn Tuân là kiểu nhà Nho tài hoa mà bạt mạng Nguyễn Công Trứ. Trang Thế Hy thì nghiêm cách cái chất Nguyễn Đình Chiểu, cả cái khí tiết ấy, nhưng thoáng hơn nhiều, không chỉ dùng xà phòng Tây, mà còn biết nhâm nhi cả phó mát Tây, tinh tế trong cái ăn, cái uống chắc chắn chẳng hề thua gì ông Nguyễn Tuân, người hơi ồn ào trong sự thưởng thức cuộc sống của mình. Trang Thế Hy tinh mà kín hơn. Cả trong chữ nghĩa nữa cũng vậy, mới đọc anh thường có cảm giác anh viết rất dễ, thực ra tôi cho đó là một cảm giác đánh lừa, để viết được như vậy, anh kỹ lắm trên từng chữ, cũng nhâm nhi từng chữ chẳng thua gì ông Nguyễn Tuân kia đâu, sở dĩ anh “đánh lừa” được chúng ta, để cho ta tưởng anh làm văn thật dễ, vì anh rất tài, viết rất chăm chút, kỹ tính lắm, tự khó tính với mình lắm đấy, mà vẫn để cho người ta tưởng là nhẹ nhàng như không! Một ông Nguyễn Tuân rất Nam Bộ, phóng khoáng cái phóng khoáng của những cánh đồng cò bay thẳng cánh miền Tây…

Làm được như vậy, chính là vì đằng sau người cầm bút đó có một cái nền rất rộng, rất sâu, rất vững chắc. Đọc Trang Thế Hy, chính vì vậy, mà thú thật, tôi vừa vui vừa cảm thấy một chút… lo và buồn: những người cầm bút có được sau lưng mình một cái nền như vậy ngày nay có còn không? Có một cái nền rộng, lớn, sâu như vậy, để mà suốt đời viết rất ít, khiêm nhường, cái khiêm nhường của người biết rất nhiều, chỉ người biết rất nhiều mới có được. Một cái nền rất sâu, rất rộng, để mà viết về những cái rất nhỏ, rất âm thầm, rất địa phương, rất bản địa. Có lẽ chỉ có như vậy thì mỗi nhà văn mới làm được cái việc mà người ta gọi là “đóng góp” vào gia tài chung của văn hoá, văn học dân tộc, và thế giới. Ngày nay hình như người ta viết mạnh mẽ hơn, bạo dạn hơn, xông xáo, ồn ào hơn, liều lĩnh hơn…, đều rất quý. Nhưng một cái nền cho tất cả những cái đó, mong sao cũng có được như thế hệ Trang Thế Hy từng có. Và để có được cái nền đó, vậy mà là cả một công cuộc lớn, và có thể cả lâu dài lắm, tôi nghĩ vậy.

Trang Thế Hy, do vậy không chỉ để lại cho chúng ta một sự nghiệp sáng tác rất quý, anh còn để lại một bài học lớn. Tôi muốn được gọi anh là một “người hiền” của văn chương Nam Bộ.

Tháng 7-2006

(Báo Tuổi Trẻ)

Cần nhìn lại văn hoá Việt Nam một cách sòng phẳng



Phỏng vấn Nguyên Ngọc
Minh Thi thực hiện

Khi văn hoá xuống cấp, đó là trách nhiệm của cả dân tộc, tất nhiên không thể không có vai trò của nhà văn? Sau đây là cách nhìn của nhà văn Nguyên Ngọc về khía cạnh này.

Vì sao ông nhấn mạnh thị hiếu con người xuống cấp chính là mảnh đất gieo cái ác, cái xấu?

Văn hoá không phải là vấn đề đúng - sai, mà là hay - dở. Mình hay canh gác "đúng - sai", mà coi thường cái dở, để cái dở tràn lan, điều đó rất nguy hiểm. Bởi chính cái dở mài mòn thị hiếu con người, làm con người thấy sự dung tục là bình thường. Đó chính là môi trường cho cái ác, cái xấu phát triển.

Theo ông, vấn đề của văn hoá Việt Nam hôm nay là gì?

Vấn đề rất lớn của văn hoá Việt Nam là chưa lúc nào có sự bàn bạc, nhìn lại cho nghiêm túc, toàn diện những vấn đề văn hoá. Ở ta có rất nhiều kiêng kỵ, nên nhiều vấn đề văn hoá chưa được nhìn đến nơi đến chốn. Phải nhìn lại một cách sòng phẳng, minh bạch lịch sử Việt Nam, lịch sử văn hoá Việt Nam ít nhất vài thế kỷ qua. Nói chung theo tôi, cần một sự tự vấn của dân tộc. Thực ra, nền văn học của một dân tộc phải góp phần to lớn để làm việc đó. Bởi nếu không, xã hội sinh ra nhà văn để làm gì?

Dĩ nhiên, do điều kiện địa lý, dân tộc ta có nhiều ưu điểm, nhưng nhược điểm cũng không ít. Việt Nam đứng giữa hai nền văn hoá khổng lồ là Ấn Độ và Trung Hoa, nên người Việt có khả năng tiếp nhận giỏi, ứng dụng ngay, có hiệu quả. Chính sự tiếp nhận dễ dàng này cũng mang nét thực dụng và cũng không sâu. Một dân tộc không có triết học thì không triệt để. Người Việt làm gì phần lớn đều dở dang.

Những doanh nhân Việt Nam khi đã giàu thường dừng lại rất sớm, không có chí lớn trở thành những tỉ phú của hành tinh. Tương tự, lâu nay mình diễn đạt lịch sử bằng mục đích thực dụng, vẫn còn nhiều kiêng kỵ. Chẳng hạn, 3 thế kỷ Nam tiến vẫn chưa được nói rõ. Phần đất phương Nam trong lịch sử Việt Nam rất quan trọng, vì chiếm hết cả một nửa lịch sử và chiều dài đất nước. Lâu nay, người ta phân tích văn hoá Việt là văn hoá phía bắc, chứ chưa nói nhiều về phía nam...

Thưa ông, chính ông đã đề ra việc cần thiết khai hoá, khai trí trở lại cho dân ta. Điều đó bắt đầu từ đâu?

Ngay từ đầu thế kỷ 20, con đường cứu nước của cụ Phan Chu Trinh là không dùng bạo lực. Cụ chủ trương khai trí cho dân bằng cách mở nhiều trường học với cách đào tạo khá tân tiến theo kiểu Châu Âu ở miền Trung. Muốn nước mạnh, vững, thì trước tiên dân chúng phải sáng láng. Lẽ ra sau 1975, chúng ta cần bình tĩnh trở lại. Lịch sử bị cắt suốt 100 năm giành độc lập, ta phải nối lại đoạn bỏ dở đầu thế kỷ 20 là khai hoá dân tộc, mở mang dân trí.

Chúng tôi nghĩ, trước một thực trạng văn hoá đang xuống cấp về mọi mặt, điều quan trọng là phải bắt đầu từ một nền giáo dục toàn diện. Để thực hiện điều này, nhóm giáo sư Hoàng Tụy đã trình lên Thủ tướng dự án mở trường đại học hoa tiêu đầu tiên của Việt Nam ở Hội An. Cái hổng nhất của giáo dục nước ta là ở triết lý giáo dục. Giáo dục tiên tiến dạy cho con người ta khả năng đầu tiên là khả năng phản đối trước khi đồng ý, với nguyên lý cơ bản là tạo ra con người độc lập, tự do cho xã hội.

Xin cảm ơn ông

Minh Thi thực hiện
Nguồn: Báo Lao Động

8 tháng 9, 2008

Có phải người Việt thường không triệt để?



Nguyên Ngọc

Cũng rất cần suy nghĩ về cách tiếp nhận các ảnh hưởng bên ngoài của người Việt, có lẽ càng đặc biệt quan trọng trong thời hội nhập hiện nay. Người Việt tiếp nhận văn hóa Phật giáo rất sớm, thậm chí còn sớm hơn cả Trung Hoa. Phật giáo từ Chămpa và qua đường biển đã vào đất Việt ngay từ trước Công nguyên. Luy Lâu (Kinh Bắc) là trung tâm Phật giáo lớn và rất sớm của Việt Nam, từng là một trong những nguồn truyền Phật giáo sang Trung Quốc.

Suốt một nghìn năm Bắc thuộc, hệ tư tưởng để tập hợp dân tộc, chống đồng hóa quyết liệt và tàn bạo của phương Bắc là hệ tư tưởng bản địa của người Việt được tăng cường bằng văn hóa Phật giáo … Đến thế kỷ thứ 10, sau khi khôi phục được nền độc lập, thì người Việt lại có một lựa chọn độc đáo: Chủ động tiếp nhận Nho giáo, chủ động rời bỏ gốc Đông Nam Á của mình, chuyển sang văn hóa Đông Á.

Lý do nằm ở chỗ, tổ chức nhà nước đông Nam Á là tổ chức theo kiểu “liên hiệp” các tiểu quốc, một hình thức tổ chức nhà nước mềm mại, “dân chủ”, nhưng lại rất lỏng lẻo, không thể nào đủ sức chống ngoại xâm phía Bắc từ nay đã trở nên thường trực.
Người Việt tiếp nhận Nho giáo chính là để học lấy cách tổ chức nhà nước trung ương tập quyền mạnh theo kiểu Trung Hoa, để chống lại chính ngoại xâm thời Trung Hoa phong kiến.Như vậy, có thể thấy cả hai lần người Việt tiếp nhận ảnh hưởng của hai nền văn hóa rất lớn ở quanh mình đều là để nhằm mục đích chống ngoại xâm.

Phật giáo, như chúng ta biết, là một hệ thống triết học hết sức uyên thâm, nhưng người Việt hầu như chưa bao giờ tiếp nhận đến nơi đến chốn, triệt để chất triết học sâu xa của Phật giáo. Ở cấp triều đình thì đưa Phật giáo vào tổ chức hệ thống nhà nước, vận những điển huấn của Phật làm thành một kiểu luật pháp cai trị đất nước, còn bên dưới thì Phật giáo lại hòa nhập với những đức tính nhân ái của người bình dân để trở thành một thứ đạo đức dân gian giản dị, hiền hòa.

Có lẽ chỉ đời Trần đã có cố gắng tương đối rõ rệt xây dựng một hệ tư tưởng riêng của Việt Nam trên cơ sở vận dụng triết học Phật giáo. Nhưng nhìn chung cũng chưa được bao nhiêu và cũng là dở dang. Vua Trần Nhân Tông từng nhường ngôi cho con, lên tu ở núi Yên Tử, viết Khóa Hư Lục, nhưng chỉ được mấy năm thì đã lại xuống núi đánh giặc, rồi vào tận Trà Bàn, kinh đô Chiêm Thành tính chuyện gả Huyền Trân đổi đất để mưu sự Nam tiến…

Tiếp nhận văn hóa Pháp, đầu thế kỷ XX chúng ta đã xây dựng được một nền văn học hiện đại rất đáng quý. Song mặt khác nhìn kỹ mà xem, văn học Pháp có cái gì thì ta cũng có cái ấy, chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa hiện thực phê phán, chủ nghĩa lãng mạn, đađa, siêu thực … đủ cả, nhưng đều là mỗi thứ một ít, nhỏ nhoi, và cũng dở dang…

Sự tiếp nhận văn hóa của người Việt rõ ràng mang khá đậm chất thực dụng. Học của người khác rất nhanh, rất thông minh, nhưng là học để vận dụng ngay cho những mục đích thiết thực, trước mắt của mình, do đó chẳng mấy khi đi đến được triệt để.Học để dùng ngay. Thậm chí dùng xong rồi thì nhiều khi sẵn sàng vứt đi luôn! (thôi chữ Hán khi Pháp vào, thôi tiếng Pháp khi đuổi được đô hộ Pháp đi, ít dùng chữ Nga khi không còn quan hệ khăng khít với Nga nữa…).

Người Việt cũng không có một hệ thống triết học cho riêng mình. Đó chắc chắn là những nhược điểm rất lớn của dân tộc, không thể không nói thẳng và suy nghĩ kỹ, nếu chúng ta thật sự muốn nói đến một sự phục hưng dân tộc.

Tôi luôn mong có được một sự nghiên cứu so sánh thật nghiêm túc, sâu sắc giữa ba nước Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, về lịch sử, văn hóa, xã hội …, con đường đi, những chọn lựa lịch sử lớn và số phận của từng dân tộc. Sẽ rất có ích.

Nhà triết học Francois Jullien có lần nói với tôi, Nhật không chịu ảnh hưởng nhiều của Nho giáo, bởi trước đó Nhật đã có Thần đạo rất mạnh. Và trong lịch sử văn hóa Nhật từng có một quá trình phi Hán hóa mạnh mẽ. Tiếp nhận, nghiên cứu và chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất của Nho giáo là Hàn Quốc.

Còn ta thì sao? Hình như lâu nay đối với một vấn đề văn hóa quan trọng như thế này ta cũng chỉ mới có những tiếp cận qua loa, chưa bao giờ tập trung làm cho đến nơi đến chốn.

Muốn có một nền văn hóa tiên tiến, phải học thật triệt để
Tôi thường suy nghĩ về Nhật Bản và rất mong có được một nghiên cứu sâu về Nhật, đặc biệt về giai đoạn Nhật Bản duy tân, tiếp xúc với phương Tây. Trong cuộc tiếp xúc ấy, ta đã thất bại nặng nề, mất nước, còn Nhật thì không, ngược lại cường thịnh lên, đến mức trở thành cường quốc thế giới. Vì sao?

Lúc bấy giờ Nhật đã ra sức học phương Tây, học đến cùng, quyết liệt, triệt để. Rốt cuộc Nhật vừa là nước hiện đại hóa thành công nhất vừa giữ được bản sắc văn hóa Á Đông đặc sắc, độc đáo nhất...

Ta đã bao giờ suy nghĩ so sánh cách học, kết quả học của Nhật với của ta, để thật sự nghiêm túc rút ra bài học chưa, càng đặc biệt cho hôm nay khi ta đã quyết đi ra biển lớn của hội nhập.

Nền tảng văn hóa chung của xã hội còn thấp
Suy nghĩ về nền văn học nước nhà, có lần tôi đã từng có chút ít bi quan, nhưng rồi nhìn lại kỹ thì thấy trong văn học của chúng ta vẫn thường xuất hiện nhiều người có tài, lắm khi khá bất ngờ.

Nhưng chính trường hợp Nguyễn Ngọc Tư lại khiến ta không khỏi lo. Tài năng ấy sẽ phát triển như thế nào đây trên cơ sở một nền tảng văn hóa và giáo dục không chỉ thấp mà còn quá nhiều vấn đề bất cập như ta đang có?

Hình như trong văn học ta có đặc điểm này: Các tài năng thường xuất hiện rất sớm, kiểu “thần đồng”, như Nguyên Hồng 16 tuổi đã viết Bỉ vỏ , Chế Lan Viên 17 tuổi viết điêu tàn, v.v..

Nhưng rồi không ai đi được thật xa, đến tầm cỡ thế giới. Hẳn là vì cái nền của chúng ta quá thấp. Cái nền đứng của ta chỉ có 1m thôi, anh có tài nhảy được 5m, cuối cùng cũng chỉ với tới 6m. Còn nhà văn ở nơi khác, tài người ta nhảy được 3m thôi, nhưng cái nền của họ đã là 5m, nên họ nhảy một phát đã đến ngay 8m.

Gần đây trường hợp Jonathan Littell có lẽ là một ví dụ sinh động. Anh ta 38 tuổi, quốc tịch Mỹ, nay sống ở Tây Ban Nha, nhưng viết bằng tiếng Pháp, và ngay tác phẩm đầu tiên viết bằng tiếng Pháp, tiểu thuyết Các bà từ tâm (Les Bienvieillantes), dày gần nghìn trang, đã đoạt một lúc cả giải thưởng lớn của Viện Hàn lâm Pháp và giải Goncourt uy tín nhất ở Pháp.

Có người đã so sánh Les Bienveillantes với Chiến tranh và Hòa bình, và nhắc đến Lev Tolstoi, Cholokhov … Trên một nền tảng văn hóa như ta đang có, làm sao có thể nghĩ được đến một Les Bienveillantes?