Trang

1 tháng 12, 2008

An ninh lương thực-An sinh xã hội Vấn đề bức xúc của Tam Nông


GS.TS. Nguyễn Văn Luật

Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 khóa X đã đề ra nhiều định hướng khắc phục tình trạng trong thực tế coi nhẹ tam nông: nông dân, nông thôn và nông nghiệp, nhằm mục đích thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp. Trong giải pháp phát triển sản xuất góp phần chống lạm phát được Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo, thì phát triển sản xuất lúa gạo được đánh giá như là một đóng góp hiệu quả nhất. Thế nhưng, trong thực tế thì những người sản xuất lúa gạo lại chịu rủi ro sớm nhất và nhiều nhất khi có vấn đề an ninh lương thực và an sinh xã hội.

Một trong những nguyên nhân chính là vấn đề Tam Nông chưa được quan tâm đúng mức.

 Trong nông nghiệp thì ngành trồng trọt, gồm sản xuất lúa bị coi nhẹ nhất, thay vì phải được coi trọng nhất Bởi vì, ngành trồng trọt hiện duy nhất sản xuất ra lương thực nuôi sống loài người, mà có thực mới vực được đạo. Một đặc điểm khác không kém phần quan trọng chỉ đứng sau lâm nghiệp, là phát triển bộ lá mầu xanh chứa diệp lục để tổng hợp chất hữu cơ mà CO2 là một nguyên liệu, trong khi CO2 ở thể khí có nhiều trong không gian lại là can phạm gây hiệu ứng nhà kính dẫn đến biến đổi khí hậu với bao hệ lụy.

Một trong những nguyên nhân làm cho ngành trồng trọt nói chung và sản xuất lúa nói riêng bị coi nhẹ là hiệu quả kinh tế thấp so với nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh khác trong nông nghiệp cũng như phi nông nghiệp. Cách tính hiệu quả kinh tế ở thời điểm nhất định có khi cần như chúng tôi vẫn thường làm, nhưng sẽ rất không đúng khi đặt nó trong chiến lược phát triển và nhất là ở tầm nhìn sâu xa hơn. Sự kiện “sốt giá gạo” vừa qua là một minh chứng. Ngay trong thập kỷ cuối của thế kỷ 20, tôi đã thấy ở quầy bán gạo treo biển giá 1 kg là 2 USD ở Ý; 6 USD ở Nhật, hay 2.000 đến 6.000 USD 1 tấn, trong khi đó ở ta xuất được với giá 300-400 USD là đã mừng.
Nhìn từ góc độ kim ngạch xuất khẩu của gần 20 mặt hàng trong gần 20 năm gần đây, thì kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cây trồng đứng thứ 3 hay chiếm khoảng 12% (trong đó gạo khoảng 4,5%), chỉ đứng sau dầu thô (21%) và dệt may (15,3%), mà dầu thô là tài nguyên quốc gia không thể vô hạn, còn dệt may thì gần như gia công, vì trên 90% nguyên liệu bông vải phải nhập. Theo thông tin mới nhất: đến giữa tháng 8, xuất khẩu gạo đạt gần 2,76 triệu tấn, kim ngạch gần 2,24 tỷ USD, so với cùng kỳ 2007 thì tăng 94% về giá trị, trong khi lượng giảm 1,7%.

Theo Tổng cục Thống kê, giá trị sản xuất ngành trồng trọt từ năm 2.000 đến 2006 đạt bình quân khoảng 100.000 tỷ đồng theo giá so sánh 1994, trong đó giá trị sản xuất cây lương thực chiếm gần 60%, cây công nghiệp chiếm 23-24%, tiếp sau là rau đậu (7-8%); và trái cây (# 7%). Đứng về mặt an ninh lương thực, chúng ta cần có một thống kê bổ xung quan trọng: đấy là rau đậu và một số cây công nghiệp như lạc (đậu phụng), vừng (mè) đóng góp vào cơ cấu bữa ăn của dân ta là bao nhiêu. Nghiên cứu khảo sát của chúng tôi cuối thế kỷ trước cho thấy sự đóng góp trên vào bữa ăn của ta là còn quá khiêm tốn, nên có tình trạng nước ta ăn quá nhiều gạo (147kg/người/năm), chỉ sau Myanma (187kg) và Campuchia (173kg). Người Ấn Độ bình quân chi ăn có 68 kg gạo. Những lần tôi sang Ấn Độ công tác, tôi thấy từ bữa tiệc lớn đến bữa ăn bình dân có khá nhiều loại rau đậu. 

Một điều tra của Viện Lúa ĐBSCL năm 1994 với 600 mẫu ở huyện Ô Môn tỉnh Cần Thơ, là một trong các hoạt động của dự án UNDP/VIE/91/005 và CESVI, có kết quả: tính bình quân bữa ăn quy ra calo thì gạo chiếm 88,7% (14-15kg/th); rau 1,7%, quả 2,2%, thịt 2,6%, cá/tôm 4,8%.. Tổng số calo là 1.917, phù hợp với số liệu bình quân cả nước do Bộ Y tế công bố năm 2002 là 1.931 calo. Một cơ cấu bữa ăn văn minh và hợp lý thì calo từ gạo chiếm khoảng 60%, còn 40% từ thịt, trứng, cá, sữa, rau quả.. Theo một dự thảo “Chiến lược an ninh lương thực quốc gia”: mức tiêu thụ gạo/người/năm đến 2010 khoảng 130 kg, 2020 khoảng 110 và 2030 khoảng 100 kg. Người Thái Lan đã đi trước chúng ta một bước khá dài về giảm gạo tiêu dùng cho xuất khẩu: thập kỷ 90 của thế kỷ trước họ mới xuất được khoảng 5 triệu tấn gạo, nay tăng lên 8-9 triệu tấn, không phải do tăng diện tích gieo trồng và thâm canh như ở Việt Nam ta.

Như vậy, sản xuất nhằm tăng chất lượng bữa ăn có hiệu quả kép: bồi dưỡng sức lực cho nông dân, giảm gạo tiêu dùng cho xuất khẩu. Có lẽ, chúng ta mới chỉ quan tâm đặc biệt đến sản xuất hàng hóa, nhất là cho xuất khẩu, mà chưa đúng mức đối với mức sống của nông dân, như coi nhẹ đầu tư vào phong trào VAC tuy đã thành “thương hiệu” quốc tế, và có quan hệ trực tiếp đến đời sống của nông hộ, trong khi có những khuyến cáo và hỗ trợ mạnh về chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa. Tình trạng chậm đổi mới nhất ở nông thôn là bữa ăn quá đạm bạc, vẫn cơm là chính.

Để sản xuất cây trồng hiệu quả cao và bền vững, có những tác động vào khâu giống, chế độ dinh dưỡng và bảo vệ sản xuất để đạt sản lượng cao, hướng phân bổ sản lượng này cần quan tâm cân đối giữa nâng cao mức sống của người sản xuất với nông sản hàng hóa, giữa tiêu dùng trong nước và xuất khẩu theo sơ đồ sau. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đang diễn ra càng cho thấy cần khắc phục khuynh hướng trước đây chỉ chú trọng thị trường ngoài nước mà không chú ý đúng mức trong nước; chỉ chú ý khai thác người nông dân sản xuất ra nhiều hàng hóa, mà chưa chú ya đúng mức nâng cao đời sống nông dân. 
 
Cơ cấu cây lương thực ở nước ta hiện gồm lúa gạo, ngô, khoai, sắn. Theo một thống kê của Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT từ năm 2001 đến 2007: diện tích gieo trồng lúa hầu như không thay đổi, đạt trên 8,2 triệu ha, nhưng năng suất/ha tăng từ 42,9 tạ đến 48,9 tạ, nên tổng sản lượng tăng từ 32 đến 38 triệu tấn. Diện tích gieo trồng lúa ổn định trên hẳn là có sự đóng góp của nông dân ĐBSCL làm lúa vụ 3 vừa được Bộ NN và PTNT lần đầu tiên chính thức coi là vụ chính. Tổng sản lượng thóc năm nay có thể đạt trên 22 triệu tấn. 

Nông dân ĐBSCL đang chịu rủi ro về giá thóc quá rẻ, do một thời gian dài thóc được giá thì ngừng xuất khẩu, nay thóc tồn đọng quá nhiều lại chưa bán được. Do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các nước giầu ngưng hay giảm tiền mua thóc viện trợ lương thực cho các nước nghèo, ảnh hưởng rõ đến việc xuất khẩu gạo ở nước ta. Hai nguyen nhân trên làm cho giá thóc giảm, chứ đâu phải ta sản xuất qua dư thừa, và giống IR50404 lại bị hàm oan. Thật ra, khi xuất khẩu được thì gạo từ giống nào cũng xuất khẩu được như kinh nghiệm mấy thập kỷ qua. Tuy nhiên, dùng một giống như IR 50404 chiếm 70-80% là không nên, dễ gập rủi ro khi có dịch bệnh, hay rủi ro về giá cả như hiện nay 

Cũng trong những năm trên, sản lượng ngô (bắp) tăng khá ấn tượng, gấp 2, từ 2,1 triệu lên 4,2 triệu tấn, do tăng cả diện tích (0,73 triệu lên gần 1,1 triệu ha); lẫn năng suất (29,6 lên 39,6 tạ/ha). Nhưng ngô dùng làm lương thực hiện không mấy, có lẽ chỉ có dân miền núi làm mèng mén, miền suôi để “càm” nướng hay luộc. Sản lượng ngô chủ yếu làm thức ăn gia súc mà ta còn phải nhập nhiều.

Diện tích sắn (mì) tăng nhanh nhất từ 237.000 ha năm 2000 lên 560.000 ha năm 2007. Năng suất cũng tăng từ 8,35 tấn/ha lên 15,89 tấn/ha, nên sản lượng tăng từ 1,98 triệu tấn lên 8,9 triệu tấn. Cũng như ngô, sắn để ăn không còn mấy, mà để làm mì chính (bột ngọt), để nấu cồn, nên thực chất là “cây công nghiệp” chứ đâu còn đứng ở nhóm cây lương thực. Có điều, sắn mà trồng trên đất dốc đạt năng suất càng cao, càng xói mòn đất. Hơn nữa, nhà máy mì chính và cất cồn ở đâu thì khổ dân ở đó tựa như sân golt, do ô nhiễm môi trường, như nhà máy mì chính Vedan và Miwon. Những kết quả nghiên cứu về áp dụng giống sắn mới và canh tác sắn bền vững, giảm xói mòn đất do trồng sắn đã được công bố nhiều trong và ngoài nước,  nhưng chưa được quan tâm áp dụng đại trà đúng mức. 

(Post theo bài gửi trực tiếp của GS. Nguyễn Văn Luật)