Trang

13 tháng 12, 2008

Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc:"Chống gậy" đi tìm ánh sáng thảm án "Lệ Chi Viên"



Mai Thục (Báo Người Hà Nội trực tuyến 12.12.2008)

Đền Côn Sơn, nơi thờ Nguyễn Trãi

NHN - Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc bảo: “Những ai cầm đuốc soi vào quá khứ, xây đền thờ, dựng tượng, tôn vinh Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ- thiếp yêu của danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi là “Những người yêu Nguyễn Trãi- Nguyễn Thị Lộ”. Đúng vậy. Chúng tôi đã yêu Nguyễn Trãi- Nguyễn Thị Lộ. Song chưa ai dám so với tình yêu của Hoàng Đạo Chúc. Ông yêu Nguyễn Trãi- Nguyễn Thị Lộ đớn đau, khắc khoải, chân thành, hồn hậu tình ruột thịt, và hành động hết mình cho tình yêu cao cả đó.

Hàng chục năm qua, ông âm thầm, lăn lộn, tìm tòi, nắm tay các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, văn nghệ sĩ, học giả và các doanh nhân tài năng, tâm đức… cùng nhau “xé màn đêm lịch sử”, tìm ra ánh sáng bị vùi lấp quanh “Thảm án Lệ Chi Viên” gần sáu trăm năm trước, và xây đền, đúc tượng thờ Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ.

Cả dân tộc xót đau. Không bao giờ quên. Ngày 17-8 năm Nhâm Tuất (1442). Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ và ba họ đã bị xử trảm. Tiếng oan dậy đất trời. Xao xác Thăng Long. Truyền cả địa cầu. Không năm tháng.

Nửa đêm về sáng ngày 4-8 năm Nhâm Tuất, vua Lê Thái Tông đột ngột băng hà tại Lệ Chi Viên (vườn vải thuộc xã Đại Lai, nay là huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Lê Thái Tông đi tuần miền Đông và ghé Côn Sơn thăm Nguyễn Trãi, cùng Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ về Thăng Long, nghỉ lại Lệ Chi Viên cái đêm định mệnh ấy. Lê Thái Tông chết. Nguyễn Thị Lộ ở bên. Nguyễn Thị Lộ - Nguyễn Trãi bị vu tội giết vua.

Thảm án Lệ Chi Viên kinh hoàng. Lệ Chi Viên - nỗi đau tinh thần của dân tộc, đời này sang đời khác. Hai mươi năm sau. Lê Thánh Tông minh oan cho Nguyễn Trãi, khẳng định Nguyến Thị Lộ không có tội. Nhưng số đông quan lại xu nịnh và nhà Nho hủ lậu không dám nhìn thẳng vào sự thật. Không ai dám lên tiếng tố cáo Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ đã bị giết bởi “lưỡi dao oan nghiệt của cái triều đình hèn hạ và ngu muội do chính Nguyễn Trãi đã chiến đấu hơn mười năm gian khổ để góp phần xây dựng nên” (Trần Huy Liệu). Họ nhìn Nguyễn Thị Lộ bằng con mắt tầm thường, khinh rẻ phụ nữ. Họ không biết nhìn vào tâm hồn, trí tuệ, tình yêu thương lớn của người đàn bà ấy, mà chỉ nghĩ về tính dục, thân thể, sắc đẹp của nàng… cho rằng vua say tửu sắc với Nguyễn Thị Lộ mà chết. (Nếu đúng thế thì đáng đời kẻ làm vua chơi bời vô độ! Tại sao lại kết tội Nguyễn Thị Lộ giết vua?).

Bọn bồi bút phủ lên vụ án Lệ Chi Viên câu chuyện “Rắn báo oán”, đổ lỗi cho Nguyễn Thị Lộ theo lối hoang đường, nhằm xoa dịu, trấn an. Nhưng lòng dân đau đớn. Những ông quan thanh liêm và kẻ sĩ, uất hận- biết rõ vì sao Nguyễn Trãi phải chết?

Bởi ông vạch tội “bọn bầy tôi hèn mọn trong cung đình, lạchuyên việc xếp đặt lễ nhạc, như vậy chẳng tủi nhục cho nước nhà lắm sao? Bởi Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ dám can thiệp vào sự tranh giành quyền lực nơi hậu cung giữa Nguyễn Thị Anh và Ngô Thị Ngọc Dao, cứu Ngô Thị Ngọc Dao. Nguyễn Thị Anh căm thù vợ chồng Nguyễn Trãi. Bởi Lê Thái Tông rất tin dùng Nguyễn Trãi- Nguyễn Thị Lộ, thường xuyên đàm đạo với nàng.Cái chết do hàng ngàn nguyên cớ của vua Lê Thái Tông ở Lệ Chi Viên, có mặt Nguyễn Thị Lộ, là dịp tốt để Nguyễn Thị Anh diệt vợ chồng Nguyễn Trãi và nhiếp chính thay con trai hai tuổi (vua Lê Nhân Tông). Thảm án Lệ Chi Viên là vụ đảo chính cung đình, do Nguyễn Thị Anh và bè lũ chủ mưu. Nguyễn Thị Anh đã ra lệnh bắt Nguyễn Trãi- Nguyễn Thị Lộ và chu di tam tộc. Sử gia Ngô Sĩ Liên ngậm ngùi ghi vào quốc sử: “Mọi người đều nói Nguyễn Thị Lộ giết vua”.

Không có bất cứ một bằng chứng nào chứng tỏ Nguyễn Thị Lộ giết vua. Sự thật sáng như trăng Thu, bị quyền lực đen tối đè sâu. Nỗi oan vùi lấp thành ẩn ức, truyền đời nọ, kiếp kia.

Dân làng Khuyến Lương- Thanh Trì- Hà Nội dựng ngôi đền thờ Nguyễn Thị Lộ cùng nỗi đau không hóa giải được, cúng lễ tuần rằm và ngày giỗ Nguyễn Trãi- Nguyễn Thị Lộ (16-8 âm lịch).

Hơn năm trăm năm sau. Chẳng biết có linh ứng gì mà nhà giáo Hoàng Đạo Chúc “chống gậy” đi vận động các nhà sử học, nhà văn hóa, nghệ thuật… mở hội thảo “Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ với Thảm án Lệ Chi Viên”. Hàng trăm tiếng nói vang lên tôn vinh Nguyễn Thị Lộ “Một nữ sĩ tài hoa, một nhà giáo nữ sớm nhất được biết tên, văn chương phẩm hạnh tuyệt vời, người bạn đời tâm đầu ý hợp của danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Hơn nữa, chính bà đã cùng chồng cứu sống mẹ con hoàng phi Ngô Thị Ngọc Dao và hoàng tử Tư Thành, bảo vệ cho đất nước một minh quân lỗi lạc của văn hóa Đại Việt: Hoàng đế Lê Thánh Tông”.( Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ và Thảm án Lệ Chi Viên- tr.13 (NXB Văn hóa Thông Tin- 2004).

Hội thảo gây tiếng vang. Dân tộc ta tự hào về Nguyễn Thị Lộ- người đàn bà đầu tiên được phong nhà giáo cung đình. Đức Bà xứng đáng được tôn vinh. Nhưng giáo sư Vũ Khiêu đốt nén hương trước bàn thờ Đức Bà ở Khuyến Lương đã “Ngậm ngùi thấy rằng trên toàn cõi Việt Nam chỉ còn một ngôi đền tàn tạ này dành cho việc thờ cúng Bà. Phải chăng nỗi oan ức làm tối đen cả trời đất cách đây gần sáu trăm năm, vẫn chưa được xóa sạch đối với con người trong sáng này”. Ông Nguyễn Hữu Đường, Tổng giám đốc Công ty Hòa Bình của thương binh Hà Nội kịp thời công đức hàng trăm triệu tu sửa lại ngôi đền cổ linh thiêng thờ Đức Bà tại Khuyến Lương đã hoang phế. Ngôi đền duy nhất dân ta thờ Nguyễn Thị Lộ ở làng Cổ Mai Đàm, chính là “góc thành Nam”- nơi Nguyễn Trãi dạy dân học và viết Bình Ngô sách, ông đổi tên thành Khuyến Lương, mang ý nghĩa khuyến học, khuyến thiện.

Tiếng nói của kẻ sĩ Hà Thành tiếp sức cho nhà giáo Hoàng Đạo Chúc. Ông lại “khăn gói lên đường”, cùng tiến sĩ Đinh Công Vĩ tìm về làng Tân Lễ huyện Hưng Hà- Thái Bình (nơi sinh Nguyễn Thị Lộ) và về Lệ Chi Viên vận động xây dựng đền thờ Nguyễn Trãi- Nguyễn Thị Lộ ở hai địa danh linh thiêng này. Khó khăn chồng chất khó khăn. Ít người biết Nguyễn Thị Lộ. Nhiều người thành kiến, nghĩ sai về Bà.

Nói chi đến xây đền, dựng tượng? Bền bỉ, kiên định, bỏ qua những lời xầm xì, dị nghị, Hoàng Đạo Chúc nhẫn nại đi khắp nẻo đường, tìm Những người yêu Nguyễn Trãi- Nguyễn Thị Lộ. Và tình yêu dào dạt, chân thành trong ông giáo tuổi bảy mươi đạt đạo làm người, đã truyền sang cộng đồng. Những người yêu Nguyễn Trãi- Nguyễn Thị Lộ tụ quanh ông. Người góp trí tuệ, người góp công, người góp tiền của, chính quyền và dân hai vùng đất trên giành đất, xây đền… Tổng giám đốc Công nghệ và Thương mại T&T Đỗ Quang Hiển, doanh nhân quê Thái Bình, công đức gần tỷ đồng, xây hai ngôi đền thờ Nguyễn Trãi- Nguyễn Thị Lộ ở Lệ Chi Viên và Tân Lễ.

Hai ngôi đền thơm hương khói ở hai vùng đất oan khiên, như chở hồn Nguyễn Trãi- Nguyễn Thị Lộ bay lên, mỉm cười bao dung. Tha thứ cho bọn người mù quáng, tham quyền lực, bạc vàng, mà sinh tàn ác, bạo liệt, giết nhân tài. Lịch sử gần sáu trăm năm im hơi lặng tiếng. Nay hình tượng “trong ngọc, trắng ngà” của Nguyễn Thị Lộ hiển hiện qua bức tượng đồng Nguyễn Thị Lộ do doanh nhân Nguyễn Hữu Đường công đức. Pho tượng Đức Bà cao 2,71m, nặng 1,4 tấn sừng sững màu đồng, khuôn mặt phúc hậu, đoan trang, dáng đĩnh đạc, tay cầm bút, tay cầm sách, thanh thản uy nghi, tỏa Tình Mẹ vĩnh hằng, được đặt trong khuôn viên đền thờ, trên cái ao hình bán nguyệt ở làng chiếu Hới- Tân Lễ, tỏa sáng tình yêu của người đàn bà trí thức Đại Việt- gọi muôn đời, muôn người tỉnh thức.

Giáo sư anh hùng lao động Vũ Khiêu, trên tuổi chín mươi, vẫn nhanh nhẹn, minh triết, uyên thâm, về thắp hương cung kính trước hai ngôi đền thờ Nguyễn Trãi- Nguyễn Thị Lộ và viết mười hai câu đối. Đền Lệ Chi Viên đề “Lệ Chi Viên Thần Nữ” và “Trung trinh tiết liệt”. Giáo sư bảo “Trung trinh tiết liệt” là câu cụ Nguyễn Trãi tặng cụ bà Nguyễn Thị Lộ trong cuộc gọi hồn ở đền thờ Bà tại Khuyến Lương do nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng linh ứng.

Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc trào nước mắt. Niềm ao ước tâm linh bấy lâu chìm ẩn, nay hiển hiện thành hai ngôi đền và bức tượng đồng gội nắng mưa xứ sở, tôn vinh, thờ phụng Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ. Du khách trong ngoài nước đến thăm, chiêm ngưỡng pho tượng Đức Bà Nguyễn Thị Lộ. Mỗi người thắp một nén nhang thơm, dâng một bông hoa trắng, trồng một cây hoa trong thơ Nguyễn Trãi, nhắc nhau sống có ích, trong kiếp sống hữu hạn, nhọc nhằn.

Cái chết của Nguyễn Trãi- Nguyễn Thị Lộ là sự hy sinh cho nòi giống. Vì chống lại cái xấu, cái ác, sự bất công trong xã hội mà hai cụ phải chết trước lưỡi gươm quyền lực tăm tối. Hồn thiêng hai cụ thăng hoa, bất tử, tràn sức mạnh tâm linh. Nguyễn Thị Anh và đồng bọn đã nhầm, khi chém đầu kẻ sĩ.

Một kỳ tích. Một nhiệm màu gần sáu trăm năm mới có. Những người yêu Nguyễn Trãi- Nguyễn Thị Lộ cảm tạ nhà giáo Hoàng Đạo Chúc, đã cùng các doanh nhân tiếp hồn cha ông, sáng tạo văn hóa, truyền sức mạnh tâm linh tới con người thời @, tỏa sáng danh thơm Thăng Long- Hà Nội và đất Việt.

8 tháng 12, 2008

Để có lớp trí thức xứng đáng




GS. Hoàng Tụy (Tia Sáng Online 06/12/2008)

Thời thế tạo anh hùng thì cũng thời thế, cơ chế tạo ra phẩm chất người trí thức. Nói rõ hơn là hoàn cảnh chính trị xã hội, là bản lĩnh, tài năng các nhà lãnh đạo quốc gia, và một phần chính yếu, là môi trường giáo dục đương thời. Cho nên tôi rất tán thành hãy bắt đầu bằng vấn đề giáo dục để bàn chuyện xây dựng lớp trí thức mới.


Về triết lý giáo dục

Sau nhiều năm Phần Lan nổi lên với những thành tựu kinh tế, khoa học, công nghệ làm cả thế giới khâm phục, người ta phát hiện ra cái gốc của sự thịnh vượng ấy là giáo dục. Ba phần tư thế kỷ qua, nước Mỹ đã chiếm vị trí số một trên hầu hết mọi lĩnh vực khoa học, công nghệ then chốt. Nếu nói trí thức là nói tài năng thì không đâu tài năng nở rộ nhiều như ở Mỹ. Nhiều người chúng ta bất bình, phẫn nộ chính đáng với một số chính sách nước lớn có khi quá tàn bạo của giới cầm quyền Mỹ, song vẫn chưa bao giờ hết ngưỡng mộ trí tuệ và tài năng của trí thức Mỹ mà những mầm mống thịnh vượng đã nảy nở từ những đại học đầu tiên khi Mỹ mới lập quốc. Đọc thư của Tổng thống Pháp gửi các nhà giáo Pháp, đọc bài diễn văn nhậm chức của bà Chủ Tịch ĐH Harvard, càng thấy rõ vấn đề trí thức nói cho cùng là vấn đề giáo dục. Nước Pháp muốn khôi phục truyền thống văn hóa rạng rỡ của mình từ Thế kỷ Ánh sáng, nước Mỹ muốn tiếp tục dẫn đầu trong thế kỷ văn minh trí tuệ, đều thấy cần dựa vào trụ cột giáo dục. Mà trong giáo dục thì quan trọng trước hết là tư duy cơ bản về giáo dục, tức là triết lý giáo dục, đương lối giáo dục.


Khi góp ý kiến về chính sách trí thức cách đây không lâu tôi có đề nghị không nên đi sâu phân tích các yếu kém khuyết điểm của trí thức đang làm hạn chế sự đóng góp của họ vào công cuộc chấn hưng đất nước, mà nên suy nghĩ xem vì đâu dân tộc VN vốn thông minh không kém nhiều dân tộc khác, mà chí khí kiên cường càng không nhường ai, lại chưa có được một tầng lớp trí thức xứng đáng với dân tộc?


Nhìn lại lịch sử hình thành lớp trí thức VN qua các thế hệ, tôi vẫn băn khoăn một câu hỏi lớn: tại sao trong hơn 80 năm qua, hình như chưa có thế hệ trí thức nào vượt qua được về tài năng, trí tuệ và cả phẩm chất nhân cách, thế hệ trí thức những năm 30-45 thế kỷ trước– thời kỳ Tự lực Văn đoàn, trào lưu Thơ mới, có các nhạc sĩ Văn Cao, Đặng Thế Phong, có các nhà khoa học, giáo dục hiện đại Đặng Thai Mai, Hoàng Xuân Hãn, Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm, Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Văn Huyên, Trần Đức Thảo, có những nhà hoạt động chính trị Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phan Thanh... Hầu hết những trí thức này đều học trường Pháp ra, mà sao tinh thần dân tộc rất cao và năm 1945 tuyệt đại bộ phận họ đều đi theo cách mạng để chống lại thực dân Pháp. Điều đó tựa hồ mâu thuẫn với quan niệm phổ biến xưa nay là nhà trường thực dân chỉ cốt đào tạo ra những người làm tay sai cho thực dân.

Trong khi đó, các thế hệ trí thức được đào tạo sau này ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa cũ một cách bài bản, lớn lên trong nền giáo dục thấm nhuần lý tưởng xã hội chủ nghĩa cao đẹp, hằng ngày được gián tiếp hay trực tiếp bồi dưỡng tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu lao động, ghét bóc lột, xả thân vì dân vì nước... mà sao có vẻ như phẩm chất không được như ta kỳ vọng. Dường như có cái gì không thật, có cái gì chưa ổn lắm, cho nên gặp hoàn cảnh không thuận lợi thì bộc lộ nhiều nhược điểm. Chúng ta có biết bao tiến sĩ, giáo sư và gần đây rộ lên cả mấy tá viện sĩ (chức danh này chưa có ở VN, nhưng nếu muốn trưng ra thì cả nước hiện nay cũng có thể trưng ra cả nghìn viện sĩ kiểu này chứ không ít), rồi lại có cả những “bộ óc vĩ đại thế kỷ 21”, nhiều nhân vật trí thức xuất chúng đến nỗi đang có kế hoạch phải dành 25 hecta đất vào thời buổi đất quý hơn vàng, để xây một Văn Miếu hiện đại mới đủ chỗ vinh danh bấy nhiêu bậc đại trí. Thế nhưng có ai dám chắc cái gia tài trí thức lớn ấy sau này sẽ được con cháu hoan nghênh khi đất nước đến hồi hưng thịnh?

Đó là cái nghịch lý cần phân tích và lý giải khi bàn về giáo dục và đào tạo.

Riêng tôi nghĩ rằng nền giáo dục, văn hóa Pháp mà thế hệ trí thức tiền bối 30-45 đã được hưởng thật sự là một nền giáo dục tiên tiến thời đó. Cái phần thực dân trong nền giáo dục ấy chỉ là cái vỏ ngoài do bọn thực dân áp đặt ở thuộc địa mà cũng chỉ có tác dụng rất hạn chế, còn cái phần nhân văn, cái phần văn hóa cơ bản, cái phần thật sự là tinh túy trong triết lý giáo dục của nó thời đó thì ai tiếp thu được đều tốt cho họ, cho đất nước họ, cho nhân dân họ, không cứ là cho người Pháp, cho nước Pháp. Có lẽ chính vì nhìn thấy điều ấy mà Phan Chu Trinh đã sáng suốt đề ra: hưng dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Giờ đây khi mà văn hóa, giáo dục đã lệch pha quá xa với kinh tế, đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc về đường lối, triết lý giáo dục, chứ không phải chỉ bàn chuyện nay hai không, mai năm không, v.v. Những việc này cũng cần làm để khởi động dạo đầu cho công cuộc cải cách, nhưng sa đà vào đó mà quên đi cái cốt lõi sẽ có tác dụng ngược lại.

Không thể máy móc vơ đũa cả nắm, nhưng có một sự thật là dường như phần lớn những cán bộ được đào tạo ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa trước đây đều thiếu căn bản về văn hóa phổ quát. Tư duy của họ chỉ phát triển theo một đường ray mà hễ ai trật ra là nguy hiểm. Cho nên trừ những trường hợp hãn hữu, họ thường chỉ là những chuyên viên kỹ thuật được trang bị một số vốn kiến thức kỹ thuật, chuyên môn hẹp nào đó, ở thời đó, và cũng rất mau lạc hậu, nhưng thiếu một nhãn quan rộng, thiếu một tầm nhìn ra ngoài ngành nghề hẹp của mình, cho nên bị hạn chế ngay trong việc phát triển chuyên môn, và càng bị hạn chế đứng trước những vấn đề xã hội, văn hóa không thuộc phạm vi chuyên môn hẹp của mình. Mỗi người chỉ biết việc của mình, chỉ lo cho mình, ít khả năng và cũng không thích thú hợp tác với bạn bè đồng nghiệp. Dễ bị lâm vào thế ếch ngồi đáy giếng, dễ mắc bệnh vĩ cuồng, không hòa nhập vào dòng chảy văn minh của thời đại, không chấp nhận luật chơi quốc tế, rồi ngày càng tụt hậu mà vẫn tự ru ngủ mình, tự đánh lừa mình, và đánh lừa nhân dân mình với những thành tích không có thật. Chạy theo danh hão, chạy theo quyền lực, chạy theo chức tước, là căn bệnh thời đại của trí thức VN. Chưa bao giờ trong xã hội ta có nhiều Xuân Tóc Đỏ như bây giờ. Tôi nói có vẻ bi quan, nhưng thà nhìn khắt khe một chút để biết người biêt ta, còn hơn nhắm mắt chủ quan một cách lố bịch.

span style="font-weight:bold;">Những sai lầm làm tha hóa giáo dục.

Trở lại vấn đề giáo dục hiện nay của ta, điều tôi lo lằng nhất là sự tha hóa trầm trọng của nó. Nói khủng hoảng nhưng nét chính của khủng hoảng ấy là sự tha hóa, biến chất. Giáo dục có nguy cơ trở thành phản giáo dục. Có nhiều nguyên nhân nhưng trực tiếp làm tha hóa giáo dục có ba sai lầm lớn mà tôi gọi là sai lầm hệ thống trong quản lý giáo dục.

Có thể nói không quá đáng tất cả những căn bệnh trầm trọng: gian dối, tiêu cực, dối trá, lãng phí, quan liêu… hiện đã đi vào xương tủy của giáo dục mà không một phong trào “nói không” nào có thể chữa trị được đều có nguồn gốc sâu xa liên quan tới sai lầm trong chính sách đối với người thầy.

1. Chính sách đối với người thầy. Đó là sai lầm đầu tiên và tai hại nhất do quan niệm lệch lạc về sứ mạng và vai trò người thầy trong nền giáo dục hiện đại. Phản ứng lại tư duy lạc hậu trong nhà trường cũ, gán cho thầy quyền uy tuyệt đối, biến giáo dục thành quá trình truyền đạt và tiếp thu hoàn toàn thụ động, là đúng. Nhưng từ đó đã xuất hiện tư duy cực đoan ngược lại, phủ nhận vai trò then chốt của thầy đối với chất lượng giáo dục. Với cách hiểu giáo dục thô sơ nặng về cảm tính, khi thì nhấn mạnh một chiều “học sinh là trung tâm”, khi khác tôn chương trình, sách giáo khoa lên địa vị “linh hồn giáo dục”, nhận định chất lượng đại học thấp “không phải do thầy mà do chương trình”, v.v. dẫn đến hoàn toàn xem thường việc xây dựng đội ngũ thầy giáo theo chuẩn mực chuyên môn và đạo đức hiện đại. Trong mọi khâu từ tuyển chọn đến sử dụng và bồi dưỡng người thầy, khâu nào cũng phạm sai lầm lớn. Đặc biệt tệ hại là chính sách lương. Ngay từ đầu đã bỏ qua kinh nghiệm muôn thuở “có thực mới vực được đạo”, trả lương cho thầy cô giáo dưới mức sống hợp lý, lấy cớ ngân sách eo hẹp (thật ra chỉ là do tham nhũng và sử dụng ngân sách không hợp lý), bỏ mặc các thầy cô “tự cứu” kiếm thêm thu nhập bằng mọi cách (dạy thêm, làm thêm, đến nỗi không hiếm giảng viên đại học dạy sô trên 30 giờ/tuần). Có thể nói không quá đáng tất cả những căn bệnh trầm trọng: gian dối, tiêu cực, dối trá, lãng phí, quan liêu… hiện đã đi vào xương tủy của giáo dục mà không một phong trào “nói không” nào có thể chữa trị được đều có nguồn gốc sâu xa liên quan tới cái lỗi hệ thống cơ bản này.

2. Tập trung tất cả việc dạy và học vào thi cử, nói rõ hơn là thay vì thi, kiểm tra thường xuyên nghiêm túc từng học phần để bảo đảm kết quả học tập vững chắc và thực chất thì dồn hết cố gắng vào các kỳ thi tốt nghiệp, thi “quốc gia” nặng nề, căng thẳng, rất hình thức mà thiếu nghiêm túc, sinh ra hội chứng thi rất đặc biệt của giáo dục VN: gần thi mới lo học, học đối phó, học nhồi nhét chỉ cốt để thi, thi cái gì học cái nấy, thi thế nào học thế ấy, chủ yếu là học thuộc lòng các loại bài mẫu, các đáp án mẫu. Trước đây thi theo bộ đề thi cho sẵn, nay bộ đề thi biến tướng thành các bảng “cấu trúc đề thi”. Nghĩa là tư duy có thay đổi gì đâu, hai mươi năm trời, tốn bao công nghiên cứu, cuối cùng trở lại gần như điểm xuất phát, dưới một hình thức có vẻ mới để che dấu một phương pháp cổ lỗ. Lại còn chuyện thi trắc nghiệm, thi tự luận. Người ta thi trắc nghiệm với một mục đích khác, ta không nghiên cứu kỹ, đưa ra áp dụng đại trà vào thi tốt nghiệp THPT trong khi trình độ chuyên nghiệp về kiểu thi này còn chưa bảo đảm, cho nên gây tốn kém và làm khổ cả học sinh lẫn thầy giáo. Rồi đùng một cái cấm các trường không được áp dụng hình thức trắc nghiệm khi thi học kỳ, làm cả thầy và trò hoang mang, không hiểu giáo dục là cái gì mà có thể quản lý tùy tiện như thế. Đem việc học phụ thuộc vào việc thi, khiến thi chứ không phải học trở thành hoạt động giáo dục chủ yếu, đến mức muốn hiểu thực chất giáo dục VN như thế nào chỉ cần quan sát hoạt động của nhà trường và xã hội trong mùa thi. Từ kiểu thi nhiêu khê đẻ ra những dịch vụ kỳ lạ hiếm thấy: kỹ nghệ “phao” thi, thi thuê, viết luận án thuê, làm bằng giả, bằng thật nhưng học giả, v.v. Cho nên chừng nào còn duy trì kiểu học và thi này thì xã hội còn phải trả giá nặng nề cho sự tụt hậu của giáo dục. Chưa kể nếu tính hết mọi khoản chi trực tiếp và gián tiếp phục vụ cho các kỳ thi thì lãng phí lên tới con số khủng khiếp, bình thường đã khó chấp nhận, với tình hình kinh tế khó khăn như lúc này càng khó chấp nhận hơn. Nhiều nước như Trung Quốc hay Hàn Quốc, thi còn nhẹ nhàng hơn ta mà họ đã phê phán cái “địa ngục thi cử” của họ, còn thi cử như ta không biết phải gọi là cái địa ngục gì.

3. Chạy theo số lượng, hy sinh chất lượng, bất chấp mọi chuẩn mực, thông lệ và kinh nghiệm quốc tế, khiến việc hội nhập khó khăn và không cạnh tranh nổi ngay với các nước trong khu vực. Đây chính là bệnh thành tích, chứ không là gì khác. Phát triển số lượng thì dễ, nhất là khi người dân còn khát học tập như trong xã hội ta. Chỉ đảm bảo chất lượng mới khó, vậy nên cứ chọn cái dễ mà làm, dễ gây ấn tượng, dễ báo cáo thành tích. Trên đã vậy thì làm sao chống được bệnh thành tích ở dưới. Trong hoàn cảnh ấy mà có người còn bênh vực bệnh thành tích, viện lẽ chỉ nhấn mạnh chất lượng lúc này là xa xỉ (!), thì thật không hiểu nổi ta muốn phát triển giáo dục và khoa học theo kiểu nào. Nguy hại là căn bệnh này nghiêm trọng nhất ở cấp đại học và đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, tuyển chọn, công nhận GS, PGS. Trong thời đại toàn cầu hóa, muốn hội nhập thành công, phải hiểu biết và tôn trọng luật chơi, trước hết là các quy tắc, chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Thế nhưng từ các chuẩn mực thông thường nhất về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy, cho đến việc tuyển sinh thạc sĩ, tiến sĩ, đánh giá công trình nghiên cứu khoa hoc, đánh giá các luận văn thạc sĩ, tiến sĩ, tuyển chọn, đánh giá GS, PGS, đánh giá các đại học... phần lớn đều không theo những chuẩn mực quốc tế mà dựa vào những tiêu chí tự sáng tác, nặng về cảm tính thô sơ, rất thấp và rất khác so với quốc tế, thiếu khách quan, thiếu căn cứ khoa học, thiếu minh bạch, dễ bị lợi dụng mưu lợi ích riêng cho từng nhóm thay vì phục vụ sự nghiệp chung. Sự thiếu hiểu biết và coi thường các chuẩn mực quốc tế thể hiện trong mọi chủ trương xây dựng đại học, cho đến gần đây nhất vẫn rất chủ quan. “Điếc không sợ súng” đó là căn bệnh cố hữu của ngành giáo dục.

Tất cả các sai lầm hệ thống nêu trên khiến giáo dục dần dần biến chất, xuống cấp, xa rời tất cả những giá trị cao quý còn sót lại từ quá khứ. Xu hướng tha hóa ấy phát triển có nguy cơ đẻ ra một nền giáo dục phản giáo dục.

Hoàng Tụy