Lưu trữ Blog

30 tháng 8, 2009

Kênh "ông Kiệt" tắm mát đồng bằng



HOCMOINGAY. Báo An Giang khởi đăng loạt bài phóng sự "Kênh ông Kiệt tắm mát đồng bằng " của tác giả Bảo Trị- Thành Chinh. Việc đặt tên công trình kênh T5 là kênh Võ Văn Kiệt và đặt bia lưu niệm tại đầu kênh để ghi nhớ công lao của cố Thủ tướng với hệ thống kênh huyết mạch, tháo chua, rửa phèn, mở mang vùng đất hoang hóa của khu vực Tứ giác Long Xuyên là Quyết nghị của Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang khóa VII.

Loạt bài liên quan trên các báo và blog:
Kênh ông Kiệt tắm mát đồng bằng (Phòng Hành chính Tổng hợp, Trường Đại học An Giang đăng tin Báo An Giang)
Từ kênh Vĩnh Tế đến kênh Võ Văn Kiệt (Quốc Việt, Báo Tuổi Trẻ)
Kỳ 5: Đào kênh T5
Kỳ 4: Dấu chân lấm bùn của ông Sáu Dân
Kỳ 3: Thương hồ Vĩnh Tế
Kỳ 2: Trấn giữ biên giới
Kỳ 1: Hào lũy đất phương Nam
Kênh ông Kiệt (Võ Ngọc- Bảo Châu, Báo Đất Việt)
Kênh ông Kiệt giữa lòng dân (Hoàng Kim, Blog Thung Dung)

I. QUYẾT SÁCH MANG TẦM LỊCH SỬ

"Theo tôi, một trong những quyết sách mang tầm lịch sử của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt chính là việc mở mang vùng đất phèn mặn Tứ giác Long Xuyên và ngăn dòng, phân lũ đầu nguồn. Chính điều đó đã mở ra trang mới cho sản xuất nông nghiệp và khai phá vùng đất chết bấy lâu nay ở đó", đồng chí Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang tâm sự về công trình kênh thoát lũ ra biển Tây của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Từ thực tiễn đồng bằng

Câu chuyện lũ tháng 7, tháng 8 hằng năm ở đồng bằng sông Cửu Long với cảnh nước trắng đồng. Những ngôi nhà chỉ còn thấp thoáng mái lá nhấp nhô trong biển nước. Cảnh cắt lúa chạy lũ ngụp lặn vụ hè thu. Học sinh đến lớp bằng xuồng ghe và những cái chết đuối thương tâm cứ như vết cắt đau nhói. Cảnh những chiếc quan tài gác chéo không nơi chôn cất. Những gia đình đói khát, thiếu ăn cứ ngày ngày khát khao được sự hỗ trợ… Tất cả những điều đó đã một thời khắc họa về lũ đồng bằng. An Giang là tỉnh đầu nguồn, hằng năm gánh chịu nhiều đau thương mất mát nhất. Vấn đề "sống chung với lũ" và tìm biện pháp thoát lũ chính là việc làm cấp bách nhất đối với An Giang thời điểm ấy. Ngày đó, Bộ Trưởng Bộ Thủy lợi Nguyễn Cảnh Vinh trong một chuyến về thăm và làm việc tại An Giang đã nhận xét: "Chống lũ cho đồng bằng phải cần biện pháp triệt để, chúng ta không thể đợi lũ về rồi cứu đói. An Giang phải quy hoạch hệ thống kênh cấp 2, 3 đảm bảo cho việc phân dòng chảy. Song song đó, cần khắc phục nhanh chóng công tác chống lũ bằng một hệ thống kênh mương nội đồng hoàn chỉnh". Nhớ lại ngày ấy, đồng chí Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang chia sẻ: "Thời điểm trước năm 1997 (trước khi tuyến kênh T5 hoàn thành, P.V) cứ dạo lũ về là các cấp, các ngành lo ngai ngái. Lũ về là những vùng trũng, đầu nguồn lại phải lo cảnh sơ tán dân, cứu đói, cắt lúa chạy lũ. Từ khi hệ thống kênh mương cấp 2, 3 hoàn thành theo Quyết định 99/TTg như: Nạo vét kênh Tám Ngàn, H7, các kênh 5, 13, 16… , phần nào lũ đã khống chế. Tuy vậy, những vùng như Tứ giác Long Xuyên, cảnh lũ trắng đồng vẫn là nỗi lo lớn, buộc những người lãnh đạo phải bàn quyết sách tháo gỡ vấn đề".

Không chỉ bức xúc về chuyện lũ lụt. Một tầm nhìn xa hơn chính là khai phá vùng đất trũng phèn có diện tích gần 500.000 ha đất nông nghiệp vẫn còn hoang hóa nhiễm phèn thuộc Tứ giác Long Xuyên. "Tứ giác Long Xuyên, trong đó, An Giang chiếm diện tích khá lớn chính là vùng đất chúng ta bỏ quên bấy lâu nay chưa khai phá. Đất không phụ người, chỉ sợ người phụ đất mà thôi", đồng chí bảy Nhị tâm sự.

Quyết sách mang tầm thời đại

Những chuyến khảo sát của Thủ tướng Võ Văn Kiệt về An Giang trong những ngày mưa lũ ấy đã giúp ông có cái nhìn thấo đáo hơn chuyện chống lũ. Nhạy cảm và phản ứng kịp thời trong quyết định, ông nhanh chóng đưa giải pháp làm các "công trình khẩn cấp" xây cống đập ngăn mặn, ngay sau đó hoàn thành các kênh thoát lũ mà các công trình kênh T4, T5, T6 đã đem lại hiệu quả tốt. Thoát được lũ, dẫn được ngọt về cho công cuộc khai hoang những phần đất khó khăn nhất còn lại của Tứ giác Long Xuyên. Chuyến về thăm và làm việc tại An Giang trong hai ngày 21, 22-7-1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đi thị sát cánh đồng Lạc Quới, kênh mương nội đồng vùng Tứ giác Long Xuyên đã chỉ rõ: "Đề án này (Đề án quy hoạch thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên) cần nhanh chóng thực hiện vì nó sẽ giúp khu vực sử dụng được nguồn phù sa vô giá của lũ sông Cửu Long, chính nó sẽ đảm đương việc thoát lũ, rửa phèn khai phá đất nông nghiệp cho vùng Tứ giác Long Xuyên. Các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thủy lợi, Bộ Khoa học-Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Tài nguyên- Môi trường) nhanh chóng phối hợp lập kế hoạch xây dựng tuyến kênh thoát lũ ra Vịnh Thái Lan".

Và công trình thoát lũ ra biển Tây bắt đầu từ việc đào xong kênh T6, đưa nước từ Vĩnh Tế qua kênh Mới về biển Hà Tiên vào năm 1996. Đầu năm 1997, thực hiện Quyết định 159/TTg của Thủ tướng Chính phủ, một số công trình chống lũ cấp bách đã được triển khai xây dựng như kênh T5 - Tuần Thống, Luỳnh Quỳnh, Tân Thành - Lò Gạch, tuyến đê bờ nam Vĩnh Tế; hệ thống cống ngăn, xả lũ và 2 đập điều chỉnh lũ Tha La, Trà Sư; các cống ngăn mặn giữ ngọt thoát lũ ven biển... Song song với việc xây dựng các công trình chống lũ cấp bách là việc triển khai lập dự án tiền khả thi kiểm soát lũ vùng TGLX với sự tham gia tích cực của các Bộ ngành, các nhà khoa học nhằm xác định đúng đắn mục tiêu, nhiệm vụ, các giải pháp kỹ thuật và tiến độ xây dựng để từng bước hoàn chỉnh các công trình phòng chống lũ ở khu vực. Nhờ thế hàng loạt công trình thủy lợi phục vụ dẫn ngọt, tiêu chua, tiêu úng, xổ phèn, ngăn mặn và hàng vạn cây số bờ bao bảo vệ lúa hè thu được xây dựng đã góp phần quyết định vào việc phát triển nông nghiệp và các ngành kinh tế khác trong vùng.

Trong đó, kênh T5 là có ý nghĩa chiến lược, quyết sách mang tầm thời đại của Thủ tướng Võ Văn Kiệt được khởi công giữa quý I đến cuối tháng 8-1997 là hoàn thành. Công trình thủy lợi hoàn thành nhanh nhất trong lịch sử đào kênh ở Việt Nam.

II. KHAI HOANG VÙNG ĐẤT CHẾT

Tháng 8-1997, tuyến kênh Tuần Thống-T5 huyết mạch nối từ đoạn cua kênh Vĩnh Tế qua miệt Tri Tôn, về Hòn Đất (Kiên Giang) thẳng ra biển Tây đã mở ra trang mới cho vùng đất Tứ giác Long Xuyên. Tháo chua, rửa phèn, khai hoang, phục hóa hàng trăm ngàn ha đất và An Giang có thêm 9.500 ha đất nông nghiệp ven tuyến kênh chính thức bước vào sản xuất.

Ngày 21-4-1997 chính là dấu mốc quan trọng nhất đối với tuyến kênh Võ Văn Kiệt khi đề án mở kênh Tuần Thống-T5 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chính thức được Thủ tướng phê duyệt. Công trình mang tầm vóc lớn lao cả về ý nghĩa lịch sử và tầm nhìn chiến lược về mặt kinh tế. Gắn bó với tuyến kênh ấy từ những ngày đầu "thai nghén", đồng chí Nguyễn Minh Nhị còn nhớ: "Tranh thủ trước lúc Thủ tướng vào thăm và làm việc tại An Giang giữa năm 1996, với cương vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách nông nghiệp, tôi đã chỉ đạo anh em gấp rút hoàn thành các tuyến kênh nội đồng, kênh cấp 2 theo đề án Quy hoạch hệ thống thủy lợi vùng đồng bằng sông Cửu Long, Chương trình Tứ giác Long Xuyên (TGLX). Ròng rã mấy tháng trời, từ tỉnh đến xã tranh thủ ngày đêm tiến hành đào kênh. Vậy là chuyến thăm của Thủ tướng ngay lúc lũ về năm 96 đã cho thấy tác dụng hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng. Chính chỗ mình hoàn thành tốt công tác thủy lợi nên khi Thủ tướng khảo sát, anh em tranh thủ kiến nghị Thủ tướng sớm quy hoạch, đào thêm một hệ thống kênh tháo chua, rửa phèn nhằm phát triển diện tích đất hoang hóa trong vùng tứ giác". Đi cùng Thủ tướng trong các chuyến khảo sát vùng TGLX, ông Tô Văn Trường, Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi Nam Bộ hỏi: "Nếu quy hoạch như vậy thì mực nước lũ sẽ dâng lên bao nhiêu? Các anh đã có biện pháp nào giải quyết?". Đáp lời, ông bảy Nhị chỉ rõ "Chúng ta đã hình thành hệ thống đê bao, cống bửng, kênh mương nội đồng khá tốt. Nếu chống lũ triệt để như thế thì với mực nước lũ trung bình hằng năm có thể tăng thêm khoảng 10cm. Nhưng nếu có tuyến kênh thoát lũ tốt, vấn đề trên sẽ giải quyết ổn thỏa". Ông Viện trưởng gật gù tâm đắc.

Công trình đi vào thi công và đầu tháng 8 năm 1997 tức chỉ sau 4 tháng, hàng ngàn công nhân, máy móc hối hả móc đắp, 48km (trong đó, An Giang chiếm gần 11km) của tuyến kênh Võ Văn Kiệt khai dòng với lưu lượng thoát lũ 800m³/giây. Vài năm sau, hàng ngàn ha đất nông nghiệp ven dòng Võ Văn Kiệt chính thức xanh đồng với màu xanh cây lúa. Và người dân vùng biển Hòn Đất (Kiên Giang) lần đầu trong đời thấy nước bạc xuất hiện khi lũ về.

Hiệu quả kinh tế-xã hội bước đầu

Từ ngày tuyến kênh Võ Văn Kiệt chính thức thông dòng, hệ thống kênh mương nội đồng vùng TGLX phát huy hiệu quả, cảnh nước lũ trắng đồng và nhà chỉ còn nóc đã không còn xuất hiện. "Lũ năm 1997,1998 anh em ở Trung ương, báo chí về với An Giang dữ lắm. Một mặt họ đi để xem lũ về ra sao, mặt khác họ coi xem tuyến kênh đào của Thủ tướng phát huy hiệu quả thế nào. Những năm ấy, cụm từ "lũ đẹp" bắt đầu xuất hiện. Và định nghĩa sống chung với lũ từ đó cũng hình thành", ông bảy Nhị trầm tư nhớ lại. Song song, tuyến đê bao hình thành từ việc múc kênh đã giúp địa phương bố trí cụm tuyến dân cư vượt lũ, ổn định chỗ ở cho dân. Từ một công trình thủy lợi vừa mở mang diện tích sản xuất, vừa đảm trách vai trò an sinh xã hội hết sức lớn lao.

Nghiên cứu của PGS.TS Lê Sâm, Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho thấy, mùa lũ năm 2000, trận lũ lớn nhất ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong 84 năm qua, các công trình kiểm soát lũ TGLX (trong đó vai trò kênh Võ Văn Kiệt đứng vị trí khá then chốt) bước đầu phát huy hiệu quả tích cực. Các công trình kiểm soát lũ TGLX được xây dựng với mục tiêu ban đầu là ngăn chặn dòng chảy lũ ít phù sa từ Campuchia tràn vào TGLX và đưa lượng lũ này theo kênh Vĩnh Tế và một số kênh khác thoát nhanh ra biển Tây để giảm đến mức thấp nhất mức độ ngập do lũ đầu vụ và lũ cuối vụ gây ra đối với nội đồng. Ổn định vững chắc 2 vụ sản xuất đông xuân và hè thu; giảm thấp mức lũ chính vụ, tạo điều kiện phát triển sản xuất, giảm chi phí xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở, giảm thiệt hại về người và của mùa lũ về. Từ đó, tạo thế đưa nước ngọt giàu phù sa từ sông Hậu vào kết hợp ngăn mặn, giữ ngọt, tháo chua rửa phèn, cải tạo đất sản xuất nông nghiệp, cải tạo môi trường nước, vệ sinh đồng ruộng phục vụ phát triển sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong vùng. Tất cả đã được kênh T5 (nay là kênh Võ Văn Kiệt) đảm trách hiệu quả.

Cũng nhờ việc xây dựng tuyến công trình kiểm soát lũ tràn biên giới để ngăn lũ tràn từ Campuchia qua 7 cầu (lúc lũ nhỏ), ngăn 5 cầu (mở Tha La và Trà Sư - lúc lũ lớn) đồng thời với việc nạo vét mở rộng kênh Vĩnh Tế, xây dựng đập tràn Xuân Tô, đào tuyến kênh thoát lũ Võ Văn Kiệt đưa lũ sang Tứ giác Hà Tiên (TGHT) đã làm thay đổi hoàn toàn chế độ lũ vùng TGLX. Đây là thắng lợi có tính quyết định từ chủ trương kiểm soát lũ đầu vụ ở TGLX của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

III. SỨC SỐNG MỚI TRÊN TUYẾN KÊNH THOÁT LŨ

Chỉ vài năm sau ngày chính thức thông dòng, những cánh đồng xanh bát ngát; cụm, tuyến dân cư vượt lũ được hình thành; sức sống mới đã trỗi dậy mạnh mẽ trên dòng kênh Võ Văn Kiệt.



Nông dân Vĩnh Gia sản xuất bên dòng kênh Võ Văn Kiệt thu hoạch lúa hè thu. Ảnh: B.T

Sản xuất hồi sinh:

Là vùng hoang hóa, toàn cỏ năng, cỏ lác cao quá đầu người, mùa nước thì nước ngập lênh láng, mùa khô dậy phèn vàng nghệ tay chân. Đất vùng này đúng với cái tên gọi “khỉ ho cò gáy”. Nhiều lần Nhà nước đưa ra chính sách hỗ trợ dân vào đây lập nghiệp mà chẳng ai chịu đi hết. Cực khổ trăm bề”. Chú Lê Văn Tư, một trong những cố cựu khai phá vùng đất hoang hóa Tứ giác Long Xuyên ngày nào trầm tư nhớ lại.

Thế nhưng từ hệ thống kênh Vĩnh Tế, T4, T5, T6 cùng hệ thống đê bao, đập tràn ngăn xả lũ Tha La, Trà Sư và hệ thống cống ngăn mặn, giữ ngọt ven biển hoàn chỉnh vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước đã dần ngọt hóa, đánh thức vùng đất phèn nặng, góp phần to lớn vào quá trình thúc đẩy kinh tế- xã hội địa phương phát triển. Trong đó, dòng kênh T5 - Tuần Thống (kênh Võ Văn Kiệt ngày nay, P.V) đóng vai trò rất quan trọng, thật sự tắm mát vùng đất hoang vu bằng phù sa ngọt lành. Phó Bí thư Đảng ủy xã Lạc Quới Lê Hoàng Hà tâm sự, năm 1996, do hệ thống kênh mương nội đồng còn yếu nên nước lũ từ thượng nguồn Campuchia đổ về dìm ngập cả vùng Tứ giác trong biển nước. Từ khi kênh Võ Văn Kiệt được hoàn thành đưa vào sử dụng thoát lũ ra biển Tây nó đã tháo chua rửa phèn làm ngọt hóa vùng đất này.

Những ngày tháng bảy, chúng tôi đến xã Lạc Quới (Tri Tôn), một địa phương nằm đầu kênh Võ Văn Kiệt. Cánh đồng Lạc Quới chín vàng và trĩu hạt lúa hè thu. Đang cào vung đống lúa trên bờ kênh, vô bao chuẩn bi đón bạn hàng đến cân, chú Lê Văn Tư hồ hởi nói: “Mấy năm nay lúa thóc giá lúc vầy, lúc khác, nhưng lay lắt cũng sống được. Cố tích cóp xoay sở thì có dư chút đỉnh. Ai mà nghĩ cái đất toàn cỏ năng, cỏ lát, rắn rít tùm lum, rồi phèn thì khỏi nói, vậy mà giờ làm được tới lúa hai vụ một năm. Năm hẻo lắm, 30 công ruộng của tui cũng cho tròm trèm 20 tấn. Nhờ Thủ tướng đào kênh này mới giúp đất đai ở đây được hồi sinh”.

Không chỉ rửa phèn, mở mang đất sản xuất, hệ thống đê bao từ việc múc kênh Võ Văn Kiệt đã giúp huyện Tri Tôn mạnh dạn đầu tư xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ an toàn từ Vĩnh Gia đến Lạc Quới. Trên cụm tuyến dân cư Kênh T5 (ấp Vĩnh Thuận, xã Lạc Quới, Tri Tôn) gặp chú Trần Văn Du hỏi chuyện đời sống bà con, chú bảo: “Đời sống bà con cũng còn khó khăn nhưng bây giờ có cái nhà cao vầy cũng đỡ lắm. Nhờ tuyến kênh “ông Kiệt”, Nhà nước đầu tư cụm, tuyến dân cư vượt lũ, nhà tôi hết sợ ngập lụt”. Đặc biệt, đỉnh lũ năm 2000, nước ngập luôn tuyến quốc lộ N1 nhưng riêng bờ kênh Võ Văn Kiệt là không ngập lụt, bà con nơi đây đã có được chỗ ở thật sự an toàn.

Đời sống khởi sắc

Chỉ tay về đám cánh đồng, ông Hà nói thêm, trước năm 1997, toàn xã Lạc Quới có khoảng 1.550 ha nhưng từ khi con kênh T5 được đào xong, người dân khai hoang phục hóa nâng diện tích đất canh tác nông nghiệp lên hơn 20.000 ha. Hàng trăm hộ trước khó khăn, giờ của ăn, của để con cái ra riêng đều mần ăn khấm khá. Điển hình là gia đình chú Trần Văn Du (66 tuổi). Chú kể: “Trước đây vùng này làm gì mần lúa được, phèn nổi trên mặt đất đỏ au, lúa sạ xuống vài ngày sau tất cả đều chết sạch, nhiều nông dân ở nản trí bỏ đất đi nơi khác lập nghiệp. Còn giờ, không chỉ trồng mấy giống bình thường, bà con còn canh tác cả giống lúa cao sản”. Trung bình mỗi năm, 50 công ruộng, gia đình chú Du đổ bồ hơn 15 ngàn giạ lúa, kiếm lời tròm trèm 100 triệu đồng. Và khi lúa làm ngày một trúng, đất đai cũng theo ấy tăng dần giá trị. Chú Du cho hay, “Đất nông nghiệp loại A vùng này giờ có giá cỡ hai ba chục triệu chứ chẳng chơi”.

Không chỉ phát triển cây lúa, ven dòng kênh Võ Văn Kiệt vùng Vĩnh Gia, Lạc Quới ngày nay còn phát triển nhiều mô hình canh tác hiệu quả. Khoanh nuôi, khôi phục cây bàng tạo nguồn nguyên liệu cho nghề đươn đệm chính là mô hình khá độc đáo. Anh Nguyễn Văn Hiệp ở ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn, đã tuyển chọn những lứa bàng đầu tiên từ mô hình “Trồng cây hoang dã” của mình, bắt đầu gây sự tò mò đối với nông dân vùng kênh Võ Văn Kiệt qua cách làm hơi… lạ lùng. Anh tâm sự: “Thấy bà con làm nghề khá đông, đi tìm nguồn nguyên liệu quá xa, có nhiều khó khăn. Tôi mới nảy sinh trồng cây bàng, người ta hoài nghi không đạt yêu cầu, vì chưa có tài liệu nào hướng dẫn, chẳng ai chỉ bảo gì cả”. Về hiệu quả kinh tế, mô hình trồng bàng đã giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động, thu nhập khoảng 20.000đ/người/ngày; bán cây bàng nguyên liệu lời không dưới 400.000đ/ngày và có khả năng kéo dài được 8 tháng trong một năm. Nhận xét mô hình “Trồng cây hoang dã” của anh Nguyễn Văn Hiệp ở kênh T5, Ông Trần Văn Mì, Trưởng phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Tri Tôn cho rằng: “Việc thay cây lúa để trồng bàng của anh Nguyễn Văn Hiệp là một cách làm hay và phù hợp điều kiện canh tác trên đất phèn, vùng đất kém hiệu quả. Mô hình này sẽ được đúc kết kinh nghiệm và xem xét nhân rộng trong thời gian tới”.

IV. TỪ KÊNH VÕ VĂN KIỆT NHỚ KÊNH VĨNH TẾ

Kênh Vĩnh Tế dài khoảng 100km chạy dọc biên giới hai tỉnh An Giang, Kiên Giang với vương quốc Campuchia. Thượng nguồn kênh tiếp dòng sông Hậu ở thị xã Châu Đốc, hạ nguồn nhập sông Giang Thành ở Hà Tiên để ra biển Tây. Qua xói lở và nạo vét, hiện kênh Vĩnh Tế rộng khoảng 40-70m, sâu 3-4m so với mực nước biển tùy từng đoạn, cua. Kênh Võ Văn Kiệt (kênh T5) dài 48km, rộng 30-36m và sâu 3m, thông kênh Vĩnh Tế ở Tri Tôn, An Giang, chảy qua Hòn Đất, Kiên Giang rồi đổ ra vịnh Thái Lan.

Mới đây, nhân dân An Giang, nhân dân miền đất Thất Sơn long trọng tổ chức 180 ngày mất danh nhân Thoại Ngọc Hầu, một anh hùng có công lớn khai phá miền đất phương Nam. Trong đó, công trình có tính chiến lược nhất và ghi dấu ấn đậm nét của ông chính là dòng kênh Vĩnh Tế nối An Giang - Kiên Giang thành hào lũy thành đồng, khẳng định chủ quyền lãnh thổ, mở mang vùng đất mới. Không hẹn mà gặp gần 180 năm sau từ ngày tiền nhân cuốc nhát suổng đầu tiên tạo nên dòng kênh Vĩnh Tế thì một người con khác của miền đất phương Nam, ông Sáu Dân (tên gọi thân mật của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) đã tiếp nối một trang mới trên vùng đất phèn chua, cỏ cháy bằng dòng kênh Võ Văn Kiệt mang tầm vĩ mô về kinh tế-xã hội. Hai con người ở hai thời đại nhưng đã gặp nhau trong tầm nhìn chiến lược, để lại dấu ấn muôn đời về hai dòng kênh lịch sử.

Kênh Vĩnh Tế - hào lũy đất phương Nam

Sau khi đào xong kênh Thoại Hà, vua Gia Long lại cho đào tiếp con kênh chạy dọc theo khu vực đường biên giới Việt Nam - Campuchia, nối Châu Đốc với Hà Tiên, sau được đặt tên là kênh Vĩnh Tế. Theo sách "Chánh kiên toát yếu", vua Gia Long đã phủ dụ: "Công trình đào sông này rất là khó khăn, nhưng kế giữ nước và cách biên phòng quan hệ chẳng nhỏ, chúng người tuy rằng ngày nay chịu khó, nhưng mà ích lợi cho muôn đời về sau...".

Kênh Vĩnh Tế được khởi công vào năm 1819, dài gần 100km do Nguyễn Văn Thoại (tức Thượng đạo Khâm sai, trấn thủ Vĩnh Thanh Thoại Ngọc Hầu) chỉ huy đào ròng rã 5 năm liền (1819-1824) với sự đóng góp công sức của hơn 80.000 dân binh. Khi hoàn thành, vua Minh Mạng đã lấy tên vợ của Thoại Ngọc Hầu (bà Châu Thị Vĩnh Tế), đặt tên cho con kênh có tầm vóc chiến lược này là kênh Vĩnh Tế.

Dòng kênh Vĩnh Tế từ ngày đầu hình thành đã trở thành một trong những công trình chiến lược nhất ở thế kỷ 19. Theo các nhà nguyên cứu về miền đất phương Nam cho thấy, việc đào tuyến kênh thẳng tắp từ An Giang về tận Kiên Giang, gần tiếp giáp biển Tây đã mở mang tuyến thủy lộ quan trọng và mở mang vùng đất Tây Nam của Tổ quốc. Bên dòng Vĩnh Tế, người dân lập thôn lập ấp, an kế đời sống và ngày nay có những gia đình là hậu duệ nhiều đời của những phu đào kênh năm xưa đã bám trụ vùng đất ven kênh an cư lạc nghiệp.

Song song đó, chính tuyến kênh Vĩnh Tế đã trở thành tuyến kênh ranh giới, đường biên trên thủy hết sức đặc biệt. Đồng chí Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, một người con ven dòng Vĩnh Tế (quê ông thuộc xã Nhơn Hưng, Tịnh Biên, P.V) khi nhắc nhớ về những ngày cùng đồng chí, đồng đội chiến đấu bên dòng Vĩnh Tế đã trầm tư: "Nói thật, đến giờ, tôi cũng không còn nhớ bao nhiêu lần vượt con kênh biên giới thời chống Mỹ. Nhưng có một điều tôi không thể quên, đó là hàng chục, hàng trăm đồng đội đã ngã xuống, máu đồng đội đã hòa dòng Vĩnh Tế để bảo vệ quê hương đất nước trước quân thù". Tính yết hầu của phòng tuyến này chính là yếu tố quan trọng nhất về mặt chính trị của dòng kênh Vĩnh Tế.

Kênh Võ Văn Kiệt- sang trang miền đất Tây Nam

12 năm dòng kênh Võ Văn Kiệt, con số này nếu đem so sánh với tuổi đời của kênh Vĩnh Tế chỉ chiếm một phần nhỏ, nhưng cũng không thua kém sự hữu ích, khi chính dòng kênh Võ Văn Kiệt đã khơi dòng cho nước phèn thoát ra biển Tây, mở đường cho phù sa Cửu Long về tắm mát đồng bằng.

Mùng 8 Tết Mậu Dần 1998 (nhằm ngày 4-2-1998), cố vấn Chính phủ Võ Văn Kiệt cùng đoàn công tác cao cấp của Chính phủ, Bộ ngành, thành viên chương trình "Thoát lũ biển Tây" đã về khảo sát kênh Võ Văn Kiệt, chuyến thị sát sau gần 6 tháng công trình đưa vào khai thác đã cho thấy rõ tiềm năng: 50.000 ha đất hai tỉnh An Giang, Kiên Giang được ngọt hóa, hai cụm tuyến dân cư của hai tỉnh hình thành, đất năng và lác ngày nào đã và đang trở thành đất sản xuất nông nghiệp… Và mùng 9 Tết năm Mậu Dần ấy cũng đã chứng kiến một quyết định khác về thủy lợi mang dân ấn Sáu Dân: Khởi công nạo vét kênh Vĩnh Tế, điều tiết lũ cùng dòng Võ Văn Kiệt thoát nước ra biển Tây. Chọn bờ Nam song song tuyến kênh hình thành những tuyến dân cư vượt lũ trên toàn tuyến. Công trình thủy lợi nối tiếp dòng kênh Vĩnh Tế của tiền nhân Thoại Ngọc Hầu chính là đại công trình thủy lợi tiếp theo mở trang mới cho tiến trình phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nam Tổ quốc.

Những "công trình thủy lợi cấp bách" mang dấn ấn Thủ tướng Võ Văn Kiệt, "bác Sáu Dân" của người dân Nam Bộ đã và đang thể hiện vai trò lớn lao. Hơn một năm ngày ông ra đi về cõi hiền, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang đã tri ân ông bằng việc chính thức đổi tên tuyến kênh T5-Tuần Thống là kênh Võ Văn Kiệt. Và, trong tấm lòng đồng bào miền đất biên giới Tây Nam Tổ quốc sẽ nhớ mãi về ông "Thủ tướng của nhân dân". Chúng tôi xin kết loạt phóng sự bằng 4 câu thơ của nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị:

Vẫn là Thủ tướng của nhân dân
Vẫn là anh Sáu mọi gia đình
Lồng lộng bóng soi miền sông nước
Đời nặng ân tình đất nặng chân.


BẢO TRỊ - THÀNH CHINH

22 tháng 8, 2009

Thời của công nghệ sao chép



HOCMOINGAY. Phạm Anh. Báo Lao Động số 187 Ngày 21/08/2009 đã cảnh báo một vấn nạn: Các trang tin cứ "vô tư" lấy lại tin mà không cần sự đồng ý của các báo!. Chưa bao giờ và chưa khi nào công nghệ sao chép lại nở rộ và bùng phát như hiện nay. Với công nghệ này, nhiều website đang sống "ký sinh" từ nguồn thông tin dồi dào mà các báo chí phải dày công sưu tầm tư liệu, viết bài và đăng tải. Sự lẫn lộn này đang tạo ra những hệ luỵ. Việc điểm báo, điểm tin cần phải rõ tác giả, rõ nguồn trích dẫn, không vụ lơi và không được vi phạm luật bản quyền.

Cóp nhặt và cắt dán

Việt Nam hiện nay có bao nhiêu báo điện tử? Câu trả lời là rất ít. Việt Nam có bao nhiêu website "núp bóng" báo điện tử? Câu trả lời là... quá nhiều. Sự phát triển của những website loại này đang có tốc độ bùng phát chóng mặt. Nếu như trước đây website 24h, vietbao, sieunhanh từng bị phạt hoặc đình chỉ vì vi phạm nguyên tắc hoạt động như một báo điện tử nhưng chưa được cấp phép thì nay những website loại này đang... như nấm sau mưa.

Phóng viên Báo Lao Động đã tiến hành hàng loạt các thử nghiệm thì thấy: Thay vì phải truy cập vào từng báo điện tử, xem và đọc bài báo, tin tức mang tính chất báo chí chính thống, nguồn tin rõ ràng, có tác giả đứng tên và chịu trách nhiệm... thì hiện nay có quá nhiều các loại website "tổng hợp" giúp bạn đọc có thể "mì ăn liền" các loại tin tức nóng hổi mà xã hội quan tâm.

Để làm được điều này, các website này hoạt động theo cơ chế rất đơn giản là cóp nhặt và cắt dán. Quy trình có thể được tóm lược là: Các website này huy động một đội quân "tinh nhuệ" sục vào tất cả các báo điện tử và phiên bản điện tử của các báo giấy. Từ nguồn thông tin báo chí dồi dào này, đội quân "tinh nhuệ" sẽ cóp nhặt và cắt dán tất cả những thông tin nóng hổi, quan trọng và hấp dẫn nhất từ các báo.

Công việc quan trọng nhất của các website này xét cho cùng không phải là sưa tầm tư liệu, viết báo, làm báo hay phát hành mà là công nghệ câu khách. Có rất nhiều chiêu thức để làm được điều này như: Thuê các cửa hàng Internet đặt website đó làm trang chủ (homepage); dùng các "kỹ nghệ" khác như ảnh đẹp bikini, đời tư giật gân của các ngôi sao hay các thông tin mang tính chất hấp dẫn thị hiếu tò mò...

Có phải là ăn cắp?

Theo quy định hiện nay, bất kỳ tờ báo giấy hay báo điện tử nào cũng cần phải được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Để có được chức năng này, đương nhiên các tờ báo và báo điện tử cần phải có phóng viên, biên tập viên. Đội ngũ này cùng với lãnh đạo cơ quan báo chí sẽ làm công tác báo chí như sưu tầm tư liệu, viết bài, chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước xã hội về hoạt động báo chí.

Thế nhưng, các website "tổng hợp" lại không cần có và cũng không cần tuân thủ các quy định này, họ cũng không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động báo chí... Lý do đơn giản là đó không phải là báo chí, nếu có đăng tải thông tin báo chí thì đó lại là thông tin cóp nhặt và cắt dán từ các báo khác.

Thậm chí, ngay cả sự cóp nhặt và cắt dán này cũng rất... vô lối khi mà nếu lấy tin bài từ Báo Lao Động họ chỉ cần ghi là theo LĐ, nếu lấy tin bài từ Báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Thể thao - Văn hoá... thì chỉ ghi là theo TT, TN, TTVH...

Chỉ cần nhìn vào vấn đề này đã đủ thấy sự vi phạm về mặt bản quyền, về các nguyên tắc tối thiểu của hoạt động báo chí. Đặc biệt, công nghệ sao chép trắng trợn này còn xâm hại và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động phát hành báo chí. Với việc sống "ký sinh" trên nguồn thông tin báo chí dồi dào này, có thể khẳng định rằng các website trên đã trục lợi được nguồn tin báo chí; qua đó thu hút được bạn đọc để rồi "tay không bắt giặc" kiếm được tiền từ quảng cáo...

Đến đây, phóng viên xin không kết luận vấn đề "Có hay không hành vi ăn cắp" này mà xin nhường câu trả lời cho bạn đọc và các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, cũng cần phải nêu ra một cảnh báo rằng việc nhập nhằng giữa hoạt động báo chí và website tổng hợp đang không chỉ gây ra những hệ luỵ cho hoạt động báo chí đúng nghĩa, mà còn tác động tiêu cực đến xã hội trước kiểu làm ăn... mập mờ và vô trách nhiệm này.

>> Bộ Thông tin và Truyền thông đưa 142 thủ tục hành chính lên mạng
>> Vi phạm bản quyền như sanotc.com.vn!
>> Địa phương, bộ ngành... không điện tử
>> Đình chỉ và xử phạt 25 triệu đồng đối với website vietbao.vn
>> Quá chậm trong xử lý các website vi phạm
>> Mang tên miền cấp cao quốc gia vẫn ngang nhiên phạm luật

Phạm Anh

17 tháng 8, 2009

Nhớ Sơn Nam



HOCMOINGAY. 13 tháng 8 năm 2008 là ngày mất của Sơn Nam, nhà văn, nhà báo, nhà khảo cứu Nam Bộ, con người được mệnh danh là "ông già Nam Bộ", "ông già Ba Tri", “ông già đi bộ’, "pho từ điển sống về miền Nam" hay là "nhà Nam Bộ học". Ông đã để lại nhiều tác phẩm mà tôi ấn tượng nhất là "Bà Chúa Hòn" và "Hương rừng Cà Mau". Nhớ lời điếu của ông khóc cụ Bùi Giáng: "Anh Giáng ơi! Sinh thời anh ăn mặc xốc xếch, áo trong dài hơn áo ngoài,…nhưng văn thơ của anh ngay ngắn đường hoàng. Anh có nề gì cháo chợ cơm hàng, cả cơm thừa canh cặn, nhưng câu chữ anh xài sạch sẽ, ý tứ sáng trong. Cả đời anh lang thang khi chùa khi chợ có cố định đâu đâu, mà bữa nay đưa anh đi có quân canh lính gác, có vòng hoa của Thành ủy - Ủy Ban, có Hội Nhà văn, dậy là anh có hộ khẩu Sài Gòn rồi đó nghe anh Giáng!. Ông để ý cụ Trương Vĩnh Ký đã dành thời gian sau cùng để viết chuyện cho con nít đọc, “mà viết chuyện hay con nít tìm đọc là khó lắm đó nghe” chứ không chỉ là những công trình bác học đồ sộ. Nhớ Sơn Nam là nhớ những trang văn, những mẫu chuyện đời tinh tế thấm đẫm tính nhân văn.(Sơn Nam ảnh Đức Huy)

NHỚ SƠN NAM

Đoàn Nam Sinh

Hồi còn nhỏ, thập kỷ sáu mươi về trước, trong làng ấp xa xăm tôi đã được đọc những bài viết của chú trên tờ Hương Quê, giấy báo trắng láng với màu mè, hình vẽ minh họa rất đẹp. Mẩu chuyện mà tôi nhớ đời là bà con xứ Nam kỳ đã lập thế nhử vịt câu sấu như thế nào, với giọng văn giản dị, tưng tửng. Ba tôi, người cũng từng dầu dãi sông nước giải thích chuyện trẻ nhỏ nghịch ý với cha mẹ thì thường bị quở là “đem câu sấu cho rồi”, tụi nhỏ tôi sợ lắm.

Ông cậu vợ tôi sau này, ngày còn nhỏ nhà ngoại khá giả cho đi học trên Nam Vang, chắc có Pri-me rồi về Rạch Giá đi dạy học. Đổi vùng khắp chốn đến sau khởi nghĩa mới biết là đi theo cộng sản từ thời ông Giàu gây dựng đâu bên Xiêm bên Lèo. Cậu làm chủ tịch một xã ở Gò Quao, mà cái bằng “đẹp trai” không giấu được. Ở đâu chị em cũng bu theo. Cậu có lần kể “tao đi công tác với hai cô, mùa nước nổi chun nóp ngủ trên chòi gò, lần quần rồi tao quất cả hai”. Không biết có phải vì đào hoa, lăng nhăng hay sao đó cậu ở lại, không tập kết. Rồi tù tội liên miên. Có lần cậu nói “thằng cha này là Minh Tài, nó viết văn hay lắm, ham đi xuống thực tế, rồi ham viết, chẳng kể gì giờ giấc, chưng dọn. Người hổng biết nói chả ở dơ, lúc 9 năm chả hay về đây, tiếng Tây chỉ có mấy người biết, đủ để nói thầm, chả thân cậu lắm!”. Sau này tôi kể lại với chú cậu Trần Kỳ Ứng dưới Gò Quao hỏi thăm, chú nói chuyện “hồi đó ai cũng yêu nước, đánh Tây đặng giành độc lập. Có mấy người biết chữ đâu. Lớp đó là người theo đạo Thiên chúa cũng vào Đảng, làm lãnh đạo Việt Minh. Khi định biên lại khoảng năm 53, làm theo kiểu mấy anh Tàu nên nhiều người chán nãn…”.

Lớn lên trong thời chiến, lại lo chuyện học hành, chuyện kiếm hiệp/võ hiệp kỳ tình tràn lan rồi phong trào hip-pi, phản chiến đến triết lý hiện sinh hiện tồn,…Mỹ đã đổ quân vào Đà Nẵng, đảo chính, tăng quân, leo thang đánh phá,…Làng quê ứng phó bằng tích trữ khô muối, dầu đèn, trảng-sê hầm hào trước bom sai đạn lạc; phố chợ lung lay trước bao cuộc biểu tình, đình công bãi thị, học sinh bãi khóa, chống đàn áp Phật giáo rồi chống hiến chương Vũng Tàu, đả đảo Nguyễn Khánh bán nước, đả đảo Thiệu-Kỳ-Có,…khiến tụi nhỏ tôi chẳng còn thời gian và lòng dạ nào dòm đến văn học miền Nam nữa.

Sau 68, anh em tan tác người một ngã. Ngọn lửa tàn độc tràn qua thôn ấp ngày một hung tợn, ác liệt. Làn sóng tỵ nạn chiến tranh lan ra, người dân tản cư chạy vào khu dồn, lớp trẻ chúng tôi về Sài Gòn. Mấy năm sau tôi thấy chú trong phong trào chống chế độ kiểm duyệt báo chí của Sở Phối hợp Nghệ thuật, tổ chức biểu tình với khẩu hiệu “Ký giả đi ăn mày”, nhưng mỗi người một việc.

Bẵng đi có chục năm liền, cũng vì mưu sinh chen chúc, tuy không xa nhưng khó dịp hàn huyên. Có lần gặp nhau tôi hỏi nghe chuyện vợ con chú sao đó, chú Sơn Nam buồn buồn ̶ “mình viết văn mà không hay thì ai đọc, làm sao sống? Mà lo chuyện viết lách thì bỏ bê, vợ con mấy người thông cảm”…Tới 97, đợt 300 năm Sài Gòn chú nhờ tôi tiếp mấy chuyện vặt. Lúc này chú thuê nhà ở Phan Văn Trị, một cái buồng dài và hẹp, bốn bề nước đái khai um. Cũng chỉ cái máy Olivetti gõ cọc cạch và bộn bề sách vở xếp chung quanh lan cả lên chiếc giường tám tấc. Gần đến ngày trả tiền nhà chú lúng túng, xốn xang cùng nổi lo trễ nãi bà chủ phiền.

Chú Sơn Nam lúc này đã thấy già, nói chuyện vẫn bông lơn nhưng có phần cam chịu. Có bữa được ít tiền nhuận bút, “chú em chở dùm qua đi gửi cho thằng con, nó khổ lắm”. Lần khác thì “thằng con dưới Mỹ Tho hẹn lên xin mấy trăm về lo chuyện nhà”.

Mấy lần chú xuất hiện trên phim, và khi đi ra quê Bắc tế cụ Nguyễn Hữu Cảnh, với bộ nam phục lụa màu xanh thấy ngồ ngộ, khác xa với “ông già đi bộ” thường ngày, lưng chú đã hơi còng rồi.

Vài năm sau nữa, tôi nhớ bữa đưa tang Bùi Giáng ở Gò Dưa, sau bài ai điếu của Cung Văn là điếu văn của Hội Nhà Văn thành phố. Chú moi ra bài viết sẵn trên túi áo vét xanh nhầu nhỉ, sửa lại đôi kính cũng rầu rĩ như ông chủ và chú run run nói: “Anh Giáng ơi! Sáng nay anh NQS nói với tui anh là lớp trước, lại ở trong này, cũng ít dịp gần gũi. Anh đại diện cho Hội đọc dùm điếu văn này. Dậy đây là phần của Hội nghe anh Giáng…Tui đọc dậy là xong rồi, còn đây là của tui. Anh Giáng ơi! Sinh thời anh ăn mặc xốc xếch, áo trong dài hơn áo ngoài,…nhưng văn thơ của anh ngay ngắn đường hoàng. Anh có nề gì cháo chợ cơm hàng, cả cơm thừa canh cặn, nhưng câu chữ anh xài sạch sẽ, ý tứ sáng trong. Cả đời anh lang thang khi chùa khi chợ có cố định đâu đâu, mà bữa nay đưa anh đi có quân canh lính gác, có vòng hoa của Thành ủy - Ủy Ban, có Hội Nhà văn, dậy là anh có hộ khẩu Sài Gòn rồi đó nghe anh Giáng!…”.

Có lần hội thảo khoa học về cụ Trương Vĩnh Ký, như những lần hội thảo danh nhân Nam bộ khác, chú đã đọc tham luận. Không phải về những công trình bác học, đồ sộ hoặc luận về công/tội, chú nói đến chuyện sau cùng cụ TVK đã dành thời gian viết chuyện cho con nít đọc, “mà viết chuyện hay con nít tìm đọc là khó lắm đó nghe”.

Lúc Bé Tư mới ra cuốn Cánh đồng bất tận, một ông lão nghe chuyện hỏi tôi NQS ủng hộ lắm hả, cháu có không? Tui nghe chú Sơn Nam có bản photo. Mà lúc này ổng về ở dưới Lăng Ông rồi. Chở chú lại thăm giả chút. Hai người lớn nói chuyện văn chương, tôi mãi mê đọc báo. Chỉ nghe thoáng khúc cuối chú Sơn Nam nói “nó muốn đặt tên cho đứa nhỏ là Hiền, Lành gì đó chứ không Thù, Hận,…nghĩ lại không biết tụi mình là con hoang của vụ hiếp dâm nào?” Tôi xin phép hai ông chú ra về trước.

Tự nhiên mấy năm gần cuối đời hai dái tai của chú dày ra, rộng hơn phát đỏ hồng, anh em mừng. Thì cũng có chuyện hợp đồng bán được tác quyền, sách được in lại đẹp đẽ, chú cũng mừng. Nhưng thường bữa, trừ đợt bịnh nặng, chú vẫn đến thư viện Gò Vấp cạnh cầu Hang tìm sách đọc, viết và nhờ mấy cháu đánh máy lại. Rủng rỉnh thì mời mấy cô bé đi ăn trưa, cơm dĩa. Sáng sáng lại ngồi cà phê đen xéo phía kia đường.

Khúc cuối cùng cuộc đời, do có chuyện bình chọn để lãnh giải thưởng gì đó ngoài trung ương mới có chuyện “…Sơn Nam không được, vì nhờ biết tiếng Tây, đọc các bài viết cũ rồi viết lại chứ không có công trình gì…”. Từ hồi chữ quốc ngữ thịnh lên tới giờ, có biết bao nhà văn đọc rồi phóng tác; có bao người đọc để biết mà tránh viết giống người trước? Tôi thì biết rõ là chú Sơn Nam không đạo văn như cái án oan kiểu gây dư luận đó.

Lại rủi cho chú khi đi đường bị xe của bọn trẻ chạy vong mạng làm gãy chân, chú chỉ nói buồn “tụi nhỏ chúc thọ ông già kiểu này ngặt quá!”.

Mới đó mà chú đã đi xa một năm rồi, ngày đưa tang chú tôi từ Gia Lai về, mệt quá ngủ quên, khi anh em nhắc thì đã xong mọi việc. Tiếc và buồn! Thôi, đêm nay tôi nhớ chú, ngồi viết gọn mấy dòng dâu bể.

Bình Dương, 10/08/09
Nguồn : http://www.viet-studies.info/DoanNamSinh_NhoSonNam.htm

SƠN NAM
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia


Sơn Nam[1] có tên thật là Phạm Minh Tài (nhân viên hộ tịch viết sai thành Phạm Minh Tày) (11 tháng 12 năm 1926 - 13 tháng 08 năm 2008) là một nhà văn, nhà báo, nhà khảo cứu Việt Nam.

Tiểu sử
Sơn Nam sinh tại làng Đông Thái, huyện Gò Guao, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc tỉnh Kiên Giang). Thuở nhỏ ông học tiểu học tại quê nhà Gò Guao, rồi học trung học tại Cần Thơ. Năm 1945, ông tham gia Thanh niên Tiền phong, giành lấy chính quyền ở địa phương, rồi lần lượt tham gia công tác ở Hội Văn hóa cứu quốc tỉnh, phòng Chính trị Quân khu, phòng Văn nghệ Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ. Sau Hiệp định Genève 1954, ông về lại Rạch Giá. Năm 1955, ông lên Sài Gòn cộng tác với các báo: Nhân loại, Công Lý, Ánh sáng, Tiếng chuông, Lẽ sống... Năm 1960-1961, bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam ở nhà lao Phú Lợi (Thủ Dầu Một, Bình Dương)[2]. Ra tù, ông tiếp tục làm báo, viết văn và khảo cứu về Nam Bộ. Sau 1975, ông tiếp tục hoạt động trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà văn Sơn Nam đã viết nên nhiều tác phẩm dấu ấn, ông được nhiều người gọi yêu là "ông già Nam Bộ", "ông già Ba Tri", “ông già đi bộ’, "pho từ điển sống về miền Nam" hay là "nhà Nam Bộ học".

Những tác phẩm chính
Chuyện xưa tình cũ (1958)
Tìm hiểu đất Hậu Giang (1959)
Hương rừng Cà Mau (1962)
Chim quyên xuống đất (1963)
Hình bóng cũ (1964)
Truyện ngắn của truyện ngắn (1967)
Vạch một chân trời (1968)
Người Việt có dân tộc tính không? (1969)
Gốc cây - Cục đá & Ngôi sao (1969)
Thiên địa hội và cuộc Minh Tân (1971)
Phong trào duy tân ở Bắc Trung Nam (1975)
Đồng bằng Sông Cữu Long, nét sinh hoạt xưa (1985)
Vạch một chân trời (1988)
Bà chúa Hòn (1989)
Lịch sử An Giang (1989)
Chuyện tình một người thường dân (1990)
Theo chân người tình (1991)
Văn minh miệt vườn (1992)
Ngôi nhà mặt tiền (1992)
Âm dương cách trở (1993)
Đình miếu & lễ hội dân gian miền Nam (1994)
Lăng ông bà Chiểu và lễ hội văn hóa dân gian (1994)
Dạo chơi (1994)
Giới thiệu Sà Gòn xưa (1995)
Hương rừng Cà Mau tập 1 (1997)
Người Sài Gòn (1997)
Bến Nghé xưa (1997)
Lịch sử khẩn hoang miền Nam (1997)
Đất Gia Định xưa (1997)
Nghi thức lễ bái của người Việt Nam (1997)
Tuổi già (1997)
Danh thắng miền Nam (1998)
Ấn tượng 300 năm (1998)
Biển cỏ miền Tây ( 2000)
Một mảnh tình riêng (2000)
Tiếp cận Đồng bằng Sông Cửu Long (2000)
Cá tính miền Nam (2000)
Chim quyên xuống đất (2001)
Hồi ký Sơn Nam tập 1 (2001)
Hương rừng Cà Mau tập 2 (2001)
Hương rừng Cà Mau tập 3 (2001)
Dạo chơi tuổi già (2002)
Chuyện xưa tích cũ (2002)
Hồi ký Sơn Nam tập 2 (2002)

Ghi nhận công lao

Sơn Nam là một tâm hồn lạc lõng trong thế giới buyn-đinh và Mercedes, trong thế giới triết hiện sinh, tranh trừu tượng và nhạc tuýt. Nhưng đó là một tâm hồn đẹp không biết bao nhiêu, đẹp cái vẻ đẹp của lọ sứ Cảnh Đức Trấn ở Giang Tây (có khác lọ hoa Ý Đại Lợi ngày nay), và ít được người đời thưởng thức hơn là họ đã thưởng thức một tiểu thuyết gia chuyên viết về chuyện tình chẳng hạn. Nhưng phải nhìn nhận rằng, cái đẹp Sơn Nam bất hủ...”

“Không chỉ cống hiến trong văn chương, ông (Sơn Nam) còn được xem là người có công khai phá, khảo cứu và sưu tầm văn hóa mảnh đất Nam Bộ. Vì vậy, không phải hiển nhiên mà người ta trân trọng gọi ông là "nhà Nam Bộ học" hay ông già Ba Tri...”

“Sơn Nam là một trong số những nhà văn từng sống ở đô thị miền Nam nhưng tác phẩm vẫn được in liền mạch sau giải phóng, điều đó không phải dễ. Trước hết, tác phẩm của Sơn Nam không thuộc dạng a dua. Sống dưới chế độ ấy mà tránh được lối viết ấy quả là rất cao tay. Có lần người viết bài này hỏi vậy, Sơn Nam cười nhẹ, cũng chẳng giỏi giang gì đâu mà tôi chủ yếu viết về phong tục, về lịch sử khai khẩn đất đai Nam Bộ, và nếu là truyện thì đi vào tầng lớp nông dân, dân nghèo thành thị. Hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghiệp sáng tác, những trang viết của ông không đơn thuần là sự giải trí cho độc giả mà còn là những khảo cứu, khám phá về mảnh đất phương Nam. Là người Nam Bộ chính gốc nên nhà văn Sơn Nam là người am hiểu quá trình hình thành dải đất này. Những sáng tác của ông mang hơi thở của thiên nhiên, của văn hóa và con người Nam Bộ được thể hiện qua giọng văn giản dị, mộc mạc...”

Tham khảo
^ Bút danh Sơn Nam của ông là để tưởng nhớ người phụ nữ Khmer đã cho ông bú mớm thời thơ ấu (Sơn là một họ lớn của người Khmer, Nam là để nhắc nhớ mình là người phương Nam). Theo [1]
^ Theo Hỏi đáp về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb trẻ, 2006, tr. 63.
^ Tạp văn Gốc cây, Cục đá & Ngôi sao. Nhà văn Sơn Nam qua đời, VnExpress.
^ Vĩnh biệt nhà văn Sơn Nam, Lê Phương, Dân Trí.
^ Sơn Nam - Người của nhiều thời, Vannghesongcuulong.org.vn.

Liên kết ngoài
Hồi ký Sơn Nam
Sơn Nam trên web Văn nghệ sông Cửu Long.
Sơn Nam - nhà văn, nhà khảo cứu văn hóa trên web báo Nhân dân.
Vĩnh biệt nhà văn Sơn Nam trên web báo Thanh Niên.
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê trên web báo Tuổi trẻ.
[2] Blogspot của nhà văn Sơn Nam.

14 tháng 8, 2009

Nhớ ơi nguội bớt cho nhờ với…

Nguyễn Ngọc Tư

Hồi trước, lần nào tôi gọi điện thì chị cũng giòn tan nói nhằm nhò chi có sao đâu, buồn gì buồn hoài. Lúc đầu mấy mẹ con cũng sốc, giờ quen rồi, vui lại rồi, trước người ta cũng vắng nhà, đi công tác suốt, giờ không khác gì mấy…

Sau câu nói đó, tôi tin ở chỗ thị trấn Ga xa xôi kia, chị đang cắn môi nhừ. “Người ta” mà chị nhắc qua là anh chồng mủ mỉ ít nói hay cười yêu chiều vợ con, chị vẫn thường khoe và tôi cũng đã gặp vài lần, thầm khen chị ấy lấy được thằng cha tử tế. Như thường lệ, bảy tháng rồi anh vắng nhà, điều duy nhất khác là anh bỏ đi sống cùng người đàn bà khác. Ba mẹ con chị như gặp ác mộng, sống những ngày ngơ ngẩn, choáng váng bước hụt bước hẫng, liêu xiêu sống dựa vào nhau. Thời gian trôi cũng chông chênh như người chông chênh đau. Lâu lâu tôi hoặc gọi điện hoặc nhắn tin, nói vài câu tếu táo vui, hỏi thăm chuyện trên trời dưới đất, tự thấy mình như đưa cho chị chiếc khăn thấm bớt nước mắt. Lại nghe chị cười, khoe, mấy mẹ con mới đi núi về nè, tuần tới chở nhau đi biển, còn tính viếng chùa xa… Lại nghe tôi nói, ừa, ráng vui vẻ nghen thay cho câu tạm biệt. Lại giật mình sau đó, trời đất, chị có than buồn đâu mà mình kêu vui. Rõ ràng là chị nói, “chuyện như chiêm bao vậy mà, tỉnh ra là hết. Nghỉ hè nên tranh thủ đi chơi thôi. Ờ, ờ, hè năm trước…”

Câu nói bỗng dừng phắt ở đó, đứt đột ngột, tôi đoán là do bóng anh chồng xuất hiện thấp thoáng trong cái “hè năm trước…”. Và anh này sẽ còn trở đi trở lại trong ngày tám tháng ba năm trước, quốc khánh năm trước, đám giỗ ba năm trước, đám cưới đứa em năm trước, ngày này năm trước… Cái năm trước từng rất ngọt ngào, đầm ấm. Năm trước của thời chưa mất, hạnh phúc chưa bị bão, tình yêu chưa tỉnh chiêm bao. Giờ thì trở thành nỗi ám ảnh của đỉnh núi với vực sâu.

Giờ thì năm trước hay dẫn anh chồng quay về nhà. Bứt không đứt, dứt không rời, bứng không xong. Anh ta vẫn lảng vảng, vẫn âu yếm nói cười, nhưng lại gây đau như cầm cây dao lụt nhách mà cứa trên da thịt chị. Thiệt không biết làm sao để quên phứt cho rồi, có bữa đang khoe vui lắm vui thiệt bỗng chị thở dài, than vậy.

Tôi nói tôi cũng không biết, chưa có kinh nghiệm vụ này (mà cũng không mong có kinh nghiệm đâu nghen). Tôi hình dung ra một cách là chờ, cứ để người đàn ông (từng) yêu dấu quay đi quay lại với cây dao gỉ sét đó (nỗi đau đôi khi cũng giết người như bệnh uốn ván, chớ giỡn). Chờ tới ngày thứ ba trăm sáu mươi sáu, ký ức cũng mòn, chị không đủ kiên nhẫn mà ngậm ngùi dài nhằng, “ngày này năm trước năm trước nữa…”. Thật ra cái năm trước năm trước đó tự nó không muốn quay lại, đã xa xôi, mòn mỏi lắm rồi. Anh chồng chị sẽ về nhà ngày một ít dần, chỉ còn mỗi năm một lần, đúng ngày kỷ niệm cơn lốc mang tên Bội Bạc cuốn anh ta đi mất.

Ờ, thì chờ. Như thể chờ củi tàn, bớt lửa. Một mùa hè nữa. Gọi tìm nhau hỏi chị lúc này sao, chị giòn tan vui lắm em ơi hết sạch buồn rồi, mấy bữa trước mấy mẹ con dọn cái kho, thấy đôi dép của người ta, chị không còn cảm giác gì hết, đem bán ve chai.

Trời, tôi nghe mà tuyệt vọng quá, thì ra anh ta vẫn về nhà phá rối mẹ con chị bằng nhiều cách khác, bằng đôi dép, cái khăn, bậc thềm, cánh cỗng… Những thứ vô tình nên đã vô tình giữ lại hình ảnh anh trên sợi vải, cây đinh, thớ gỗ, viên gạch…

Chắc chị chỉ có cách bán nhà đi khỏi chỗ này, nhưng con đường, hàng cây, cái chợ, và thị trấn Ga buồn xo run rẩy mỗi khi có tàu qua, cả những đoàn tàu kia làm sao mà bán được? Ngay khi chị yêu một người đàn ông khác, cũng không sao trốn khỏi những ý nghĩ bỗng dưng, chồng cũ của mình không có nhiều râu như người này, ông chồng cũ thẳng thớm lắm, không phong trần như người này, hồi xưa ông chồng kia cũng vậy, rất dịu dàng…

Cây dao lụt của anh chồng, thời gian đã làm mòn tận cán, nhưng hình ảnh anh trong ký ức tự nó cũng gây đau. Chị ơi cố chờ đến năm sau năm sau năm sau năm sau…

12 tháng 8, 2009

Ở hai đầu nỗi nhớ



HOCMOINGAY. Có một không gian nào.. đo chiều dài nỗi nhớ / Có khoảng mênh mông nào.. sâu thẳm hơn tình thương / Ở đâu đây nỗi nhớ, anh mơ về bên em / Ngôi sao như xuống thấp cho.. ta gần nhau thêm. NHACSO.NET giới thiệu tác phẩm Ở HAI ĐẦU NỔI NHỚ. Thơ: Trần Hoài Thu, nhạc: Phan Huỳnh Điểu


Có một không gian nào.. đo chiều dài nỗi nhớ
Có khoảng mênh mông nào.. sâu thẳm hơn tình thương
Ở đâu đây nỗi nhớ, anh mơ về bên em
Ngôi sao như xuống thấp cho.. ta gần nhau thêm

Đêm nghe tiếng mưa rơi,
Đếm mấy triệu hạt rồi
Mà.. chưa vơi nỗi nhớ
Ở hai đầu nỗi nhớ yêu và thương sâu hơn
Ở hai đầu nỗi nhớ nghĩa tình đằm thắm hơn !

Người theo dõi