Trang

24 tháng 1, 2009

Lễ nhậm chức khơi dậy niềm hy vọng


Lê Quỳnh
BBCVietnamese.com, Washington DC

HOCMOINGAY. Trong bài diễn văn nhậm chức tổng thống, chữ "tôi" chỉ dùng ba lần, trong lúc đại từ "chúng ta" xuất hiện hơn 60 lần, vừa để hứa hẹn một chính quyền "của nhân dân" mà cũng là lời kêu gọi nhân dân góp sức. Ông kêu gọi người Mỹ trở lại với những giá trị "cũ" mà cha ông đã dựa vào để dựng xây nước Mỹ: "sự chăm chỉ và trung thực, dũng cảm và công bằng, rộng lượng và tò mò, trung thành và yêu nước". Cái người Mỹ phải có là "một thời kỳ mới của tinh thần trách nhiệm, sự nhận diện của từng người Mỹ rằng chúng ta có nhiệm vụ với bản thân, quốc gia và thế giới". Ảnh: Tổng thống Barack Obama đọc diễn văn nhậm chức, báo hiệu thời kỳ mới


Cuối cùng thì ông Barack Obama đã chính thức trở thành vị tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ, trong một buổi lễ nhấn mạnh niềm hy vọng, sự đoàn kết dân tộc và rằng Hoa Kỳ vẫn sẽ là lãnh đạo của thế giới.

Dẫu đã biết rằng ngày 20.01.2009 là ngày lịch sử không chỉ của nước Mỹ mà cả thế giới, đã được thông báo sẽ có từ 1.5 - 2 triệu người đổ về trung tâm dự lễ, thì khi viết những dòng này, tôi vẫn còn trong cảm giác ngất ngây vì chưa bao giờ trải qua một ngày hội chính trị như vậy.

Ngày hội

Buổi sáng sớm, tôi đến ga Metro để đón tàu điện vào trung tâm. Tại ga, số lượng người đông tới mức theo sự sắp xếp của cảnh sát, chúng tôi phải chầm chậm đi bộ khoảng 40 chục mét, rồi...đi vòng trở lại thêm 40 mét nữa trước khi vào được ga.

Toàn bộ thời gian từ lúc có mặt ở ga cho đến khi bước qua được cổng soát vé là 56 phút.

Có vài người "nhanh tay, lẹ chân", lợi dụng khi cảnh sát không để ý, đã tách hàng, lẻn vào dòng người đi trước. Nhưng hầu hết đều ngoan ngoãn đi từng bước, vui vẻ nói cười và chụp hình kỷ niệm.

Đến lúc tôi ra được khu vực ngoài trời National Mall, nơi dân chúng đổ về để chứng kiến giây phút Obama tuyên thệ, các đường phố chật cứng người. Nhiệt độ thì dưới âm, và thực ra ta chẳng nhìn thấy gì khi dõi mắt về phía khu vực lễ đài Capitol.

Chả thế mà bài xã luận trên Washington Post sáng nay nói đứng ngoài trời thì không thấy gì, không nghe được gì; sướng nhất là xem tivi.

Nhưng tờ báo vẫn thúc giục tất cả hãy Đi vì đây là "khoảnh khắc lịch sử phi thường".

Một gia đình gồm hai vợ chồng, hai con 8 và 15 tuổi, đã đi từ bang Oklahoma tới đây. Người chồng nói với tôi rằng lần cuối ông dự một lễ nhậm chức tổng thống là năm 1977 khi Jimmy Carter bước vào Tòa Bạch Ốc.

Hơn 30 năm sau, gia đình lên thủ đô vì giống như bao nhiêu người khác, họ nói chưa khi nào họ lại tưởng tượng sẽ có một tổng thống Mỹ da đen.

Khi buổi lễ chưa bắt đầu, tôi đã thấy quanh mình có người khóc, giọt nước mắt của hạnh phúc và hy vọng.

Khủng hoảng và hy vọng

Sau khi đã đặt tay lên cuốn Kinh thánh đọc lời thề nhậm chức, vào khoảng 12h10 giờ địa phương, Tổng thống Obama bắt đầu bài diễn văn nhậm chức.

Ông cảm ơn người tiền nhiệm Bush vì "về những cống hiến của Ngài cho đất nước, về sự hào phóng và tinh thần cộng tác của Ngài trong quá trình chuyển giao này."

Một lời cảm ơn khá lạnh nhạt, và liền lập tức, tân tổng thống chỉ trích đống bề bộn mà chính quyền Cộng hòa để lại.

Ông nói có những tổng thống tuyên thệ trong giai đoạn phồn vinh và hòa bình, nhưng "những lời tuyên thệ cũng thường vang lên trong lúc dông bão".

Tân tổng thống liệt kê những ví dụ của khủng hoảng mà Hoa Kỳ đang hứng chịu: chiến tranh, kinh tế suy yếu ("hậu quả của lòng tham và vô trách nhiệm của vài kẻ, nhưng cũng là sự thất bại tập thể khi không dám có lựa chọn khó khăn và chuẩn bị cho đất nước trước thời kỳ mới"), người dân mất nhà mất việc, hệ thống y tế tốn kém, trường học yếu kém...

Không kém phần nghiêm trọng là "tâm trạng mất niềm tin trên toàn đất nước - một tâm trạng sợ hãi đeo đẳng rằng sự đi xuống của nước Mỹ là không thể tránh khỏi, và rằng thế hệkế tiếp sẽ phải hạ bớt tầm nhìn".

Bài diễn văn là sự cân bằng giữa thực tế đầy thách thức và niềm hy vọng mà tân tổng thống hứa hẹn đem lại.

Người xem vỗ tay khi ông nói "chúng ta tụ hội về đây bởi chúng ta đã lựa chọn hy vọng thay vì sợ hãi, cùng hướng tới một mục tiêu chung thay vì có xung đột và bất hòa".

Trách nhiệm người dân

Một thông điệp quan trọng, không chỉ trong bài diễn văn mà đã được ông Obama đề cập trong mấy ngày gần đây, đó là người dân Mỹ phải nâng cao tinh thần cộng đồng, trách nhiệm tập thể để phục hồi Giấc mơ Mỹ.

Phát biểu hôm thứ Hai ở một trường trung học, ông nói: "Chính phủ chỉ có thể làm đến mức nào thôi. Nếu chúng ta chờ đợi ai đó làm giúp, việc sẽ chẳng bao giờ xong".

Trong bài diễn văn nhậm chức tổng thống, chữ "tôi" chỉ dùng ba lần, trong lúc đại từ "chúng ta" xuất hiện hơn 60 lần, vừa để hứa hẹn một chính quyền "của nhân dân" mà cũng là lời kêu gọi nhân dân góp sức.

Ông kêu gọi người Mỹ trở lại với những giá trị "cũ" mà cha ông đã dựa vào để dựng xây nước Mỹ: "sự chăm chỉ và trung thực, dũng cảm và công bằng, rộng lượng và tò mò, trung thành và yêu nước".

Cái người Mỹ phải có là "một thời kỳ mới của tinh thần trách nhiệm, sự nhận diện của từng người Mỹ rằng chúng ta có nhiệm vụ với bản thân, quốc gia và thế giới".

Bác bỏ sự hồ nghi của những người "có trí nhớ quá ngắn", ông Obama nhắc lại nước Mỹ đã luôn có thể vượt qua thách thức "khi trí tưởng tượng của mọi người được hòa trong một mục đích chung, điều cần thiết cho sự can đảm".

Ông khẳng định nước Mỹ vẫn giữ vị trí lãnh đạo thế giới, nhưng trong cử chỉ phê phán ngầm "cuộc chiến chống khủng bố" của ông Bush, ông nói Hoa Kỳ sẽ không lựa chọn một trong hai, "giữa an toàn và các lý tưởng của chúng ta".

Làm như thế, nước Mỹ sẽ xứng đáng với "bản hiến chương đảm bảo pháp trị và các quyền con người, một bản hiến chương đóng góp bằng máu của nhiều thế hệ".

Ông cũng ngầm hứa Hoa Kỳ sẽ dùng vũ lực có trách nhiệm khi nói "sức mạnh của chúng ta lớn mạnh dần là nhờ chúng ta đã sử dụng nó một cách cẩn trọng".

Lần đầu tiên trong một diễn văn nhậm chức tổng thống Mỹ, ông Obama có thông điệp cho thế giới Hồi giáo: "Chúng ta tìm hướng đi tới mới, dựa trên lợi ích chung và sự tôn trọng lẫn nhau".

Trong tiếng vỗ tay của triệu người có mặt, tân tổng thống cũng nhắn gửi: "Đối với những kẻ muốn đạt mục tiêu bằng cách khủng bố và giết người vô tội,...các người không thể tồn tại lâu hơn chúng ta, và chúng ta sẽ đánh bại các người."

Đây không phải là diễn văn xuất sắc nhất mà Barack Obama từng đọc; nó không đạt tới gần mức tuyệt hảo như bài nói tại đại hội đảng Dân chủ 2004 hay diễn văn chiến thắng hồi tháng 11 năm ngoái.

Điều này không có gì lạ, vì theo cố sử gia Arthur Schlesinger Jr, diễn văn nhậm chức tổng thống "là hình thức nghệ thuật tầm tầm. Nó ít khi là dịp cho tư tưởng độc đáo hoặc kích thích suy tư".

Có thể xét theo chiều dài lịch sử, diễn văn ngày hôm nay của vị tổng thống thứ 44 không độc đáo, nhưng chắc chắn nó "kích thích suy tư", không chỉ cho người Mỹ mà cả công dân từ các quốc gia khác.

Cho đến ngày 20.01, người ta xét đoán Barack Obama hầu như dựa trên ngôn từ của ông.

Sau diễn văn ngày hôm nay, tổng thống phải bắt tay vào hành động.

Thách thức trước mặt ông và nước Mỹ là vô cùng lớn, nhưng ngày hôm nay, bài diễn văn đem lại hy vọng rằng từ đây, tình hình sẽ khác.


THÁCH THỨC TRƯỚC MẶT TỔNG THỐNG OBAMA VÀ NƯỚC MỸ LÀ VÔ CÙNG LỚN


Nguyễn Xuân Nghĩa

Tổng thống Obama và Thiên hạ sự. Hạnh phúc là khi mình bước lên lầu… Nhìn từ bên ngoài, thế giới thở phào nhẹ nhõm vì cuối cùng rồi tám năm của George W. Bush cũng kết thúc. Dân Mỹ đã bầu lên một nhân vật được cảm tình của nhiều rất nhiều người tại nhiều quốc gia trên thế giới. Từ nay, thế giới có thể sẽ ứng xử với một lãnh tụ dễ thương hơn. Ðây là lúc Hoa Kỳ sẽ chuộc lại những lỗi lầm xưa. Nhưng, người lãnh đạo nước Mỹ chưa chắc đã nghĩ vậy. Và nhiều phần sẽ không làm như vậy.

Là một chính khách siêu hạng, và tay hùng biện có nhiều may mắn, Barack Obama đã thắng cử nhờ những hứa hẹn có khả năng thỏa mãn sự trông đợi của nhiều thành phần khác nhau. Mọi chính trị gia thành công để thành lãnh tụ đều phải hứa hẹn như vậy, dù đấy là những lời hứa mâu thuẫn. Khi cầm quyền, bí quyết thành công là thực hiện các lời hứa - và giải quyết các mâu thuẫn ấy - mà vẫn giữ được một khối người ủng hộ chiếm đa số.

Ðấy là vấn đề của mọi tổng thống.

Việc dung hòa quyền lợi hay đòi hỏi của nhiều khối cử tri khác nhau là bài toán nan giải cho tân tổng thống. Nan giải không kém - và là trọng tâm của bài này - là dung hòa quyền lợi của Hoa Kỳ với nhiều đòi hỏi hay trông đợi đầy mâu thuẫn của thế giới. Nếu có nền tảng ủng hộ đủ mạnh bên trong, Obama sẽ có tư thế mạnh để ứng phó với bên ngoài. Mà “bên ngoài” ấy đang là một thế giới khủng hoảng, nguy ngập không kém nạn suy thoái kinh tế tại Hoa Kỳ.

Trong khi nước Mỹ háo hức chờ đón ngày đăng quang của tân tổng thống, có hai vụ khủng hoảng đã tạm êm để rồi sẽ đặt ra những thách đố mới cho Barack Obama.

Vụ khủng hoảng về khí đốt giữa Liên Bang Nga và Ukraine đã lọt khỏi sự chú ý của dư luận Mỹ. Sau ba tuần đấu trí và thi gan về khí đốt bán cho Ukraine - làm cả Âu Châu phải rùng mình giữa mùa lạnh - Thủ Tướng Vladimir Putin của Nga đã đạt thỏa thuận với vị tương nhiệm của Ukraine là bà Yulia Timoshenko. Từ nay, Cộng Hòa Ukraine sẽ mua khí đốt của Tổng Công Ty Gazprom với giá thân hữu mà nước Nga đã chấp thuận cho các nước đồng minh - hay đồng chí - như Armenia hay Belarus. Hoặc cho Ukraine trước khi cuộc Cách Mạng Da Cam năm 2004 đã đưa xứ Ukraine về gần với Âu Châu.

Timoshenko là một trong hai lãnh tụ đã châm ngòi cho cuộc cách mạng dân chủ ấy. Người kia là Tổng Thống Viktor Yushchenko, nay đang chờ ngày về quê với tỷ lệ ủng hộ chưa đầy 3%.

Sau khi tấn công Georgia vào Tháng Tám năm ngoái, Liên Bang Nga tiếp tục đẩy ngược làn sóng dân chủ thân Tây Phương ra khỏi vùng phiên trấn cố hữu của mình. Việc Ukraine sẽ mua khí đốt với giá biểu hữu nghị cho thấy kế hoạch đưa Georgia và Ukraine vào Âu Châu và trở thành hội viên của Minh Ước NATO là chuyện xa vời. Nước Mỹ của Obama - hết là của Bush - vừa bị lột giáp và ở tại một địa bàn chiến lược. Ukraine rửa chân bên Hắc Hải là nơi hạm đội Nga có thể xuống tới Turkey, hay trổ ra Ðịa Trung Hải.

Nhưng nghiêm trọng hơn vậy, việc Putin lại “hòa dịu” với Timoshenko thật ra là kết quả của một… bóng hồng. Trong khi Obama chuẩn bị đi Chicago đáp chuyến xe hỏa gợi nhớ tới Tổng Thống Lincoln về thủ đô Washington, Thủ Tướng Putin đã có hai ngày gặp gỡ Thủ Tướng Angela Merkel của Ðức. Bà mai Angela này đã kín đáo dàn xếp vụ khủng hoảng. Ðức có mua khí đốt của Nga, nhưng không từ ống dẫn khí chạy qua lãnh thổ Ukraine, nên không bị tổn thất như cả chục quốc gia Âu Châu khác. Nhưng, Angela Merkel không muốn trở thành tuyến đầu chống Nga - như đã không đồng ý với việc đón Georgia và Ukraine vài NATO - và đang lãnh đạo “lực lượng thứ ba” sặc mùi hòa giải.

Khủng hoảng khí đốt tại Ukraine vì vậy che giấu một vụ khủng hoảng lớn hơn, sự rạn nứt tại Âu Châu, giữa Âu Châu cũ là các nước Tây Âu chủ hòa và Âu Châu mới là các nước Ðông Âu nay đang e ngại sẽ lại bị hy sinh nữa vì trôi ngược vào quỹ đạo của Liên Bang Nga, một hậu thân mới của Ðế Quốc Xô Viết.

Khi tranh cử, Obama chủ trương huy động sự hợp tác của Âu Châu và ông được dư luận Âu Châu công kênh lên tới trời xanh. Bây giờ, khi nhậm chức, ông sẽ thấy Âu Châu không có khả năng liên thủ với Hoa Kỳ - như Bush 43 đã trông đợi và thất vọng - để bảo vệ phân nửa của Âu Châu. Nói chi đến việc tăng cường quân số cho NATO trên trận tuyến Afghanistan?

Hay là việc xây dựng lại một kiến trúc tài chánh mới cho thế kỷ 21?

Ngoại Trưởng Tân Cử Hillary Clinton là người có viễn kiến. Tuần qua, trong cuộc điều trần trước Thượng Viện, bà nhẹ nhàng định nghĩa lại NATO - rất hợp khẩu vị Putin - và còn nhá cho thấy một chức năng mới của Minh ước: bảo vệ an ninh về năng lượng. Bao giờ NATO lo thêm chuyện giải trừ nạn nhiệt hóa địa cầu nữa thì mọi việc đều êm!

Lên đến đỉnh cao rồi, Barack Obama có mở màn cho việc giải giới NATO không? Tất nhiên là không. Nhưng làm sao dung hòa những đòi hỏi trái ngược ấy khi các đồng minh đều muốn thoái thác gánh nặng và chỉ thích làm ông Thiện chứ không làm ông Ác?

Nói về đồng minh thì Cộng Hòa Hồi Quốc Pakistan cũng bắt đầu giở quẻ.

Người ta chưa biết là khi nào xung đột Ấn Hồi sẽ bùng nổ sau vụ khủng bố tại Mumbai, nhưng đã thấy Pakistan hết muốn là đồng minh chiến lược của Mỹ tại chiến trường Afghanistan - ưu tiên đối ngoại của ứng cử viên Obama. Bộ Chỉ Huy Quân Khu Trung Ương CENTCOM do Tướng David H. Petreaus lãnh đạo có thể rút được một chân ra khỏi Iraq nhưng chưa biết sẽ xoay trở thế nào với Afghanistan khi các hội viên NATO tại Âu Châu ngần ngại đưa thêm quân. Bây giờ đường tiếp vận cho Afghanistan - qua ngả Pakistan - lại có thể bị tắc. Làm sao vận động được sự hợp tác của các nước Cộng Hòa Trung Á giáp giới với Afghanistan khi thợ vẽ Vladimir Putin còn khoanh tay ở đó?

Sau chuyện để mất Ukraine - là điều có thể xảy ra - Obama sẽ xử trí thế nào với Pakistan? Ông đã có vẻ học bài rất nhanh khi tuyên bố ngược vào tuần qua, rằng việc tiêu diệt trùm khủng bố al-Qaeda là Osama bin Laden không là một mục tiêu ưu tiên. Còn Pakistan? Có đưa quân vào đó để tiêu diệt hậu cứ của al Qaeda và Taliban không?

Mà nào chỉ có Pakistan?

Trong ba tuần khủng hoảng tại Ukraine - ba tuần Obama ráo riết chuẩn bị lễ đăng quang - Israel đã gây ra một cuộc khủng hoảng khác, khi ra tay gỡ ngòi nổ của lực lượng Hamas trong dải Gaza. Trong suốt thời gian đó, Obama khéo núp sau khẩu hiệu “Hoa Kỳ chỉ có một tổng thống tại chức mà thôi” để khỏi phải nêu ra quan điểm của mình.

Thế rồi hai ngày trước khi ông nhậm chức, Israel đơn phương quyết định hưu chiến.

Mục tiêu đã đạt là diệt trừ được bộ phận đầu não của phe cực đoan nhất trong lực lượng Hamas và phá hủy nhiều căn cứ tàng trữ hỏa tiễn mà đặc công Hamas vẫn bắn vào lãnh thổ Israel. Ly kỳ nhất là nhân chiến dịch tảo thanh, các đơn vị Israel đã diệt được các “cố vấn” của Iran trong lực lượng Hamas.

Tổng Thống Obama chưa cho biết đối sách của ông với Iran là thế nào, nhiều phần không thể là trực tiếp nói chuyện vô điều kiện như ông hứa hẹn khi tranh cử. Người ta cũng chưa biết Tehran sẽ nắn gân hay thử lửa tân Tổng thống ra sao. Nhưng dù chưa biết, hoặc chính là vì chưa biết, Israel sẽ không thụ động chờ đợi.

Sau “thắng lợi” tại Gaza, đảng Kadima của Ngoại Trưởng Tzipi Livni có hy vọng thắng cử tháng tới và tân Thủ Tướng Livni sẽ có thế mạnh để nói chuyện phải quấy với Iran. Và chưa chắc sẽ là đồng minh dễ bảo của Tổng Thống Obama…

Làm sao xây dựng được một quốc gia Palestine sống chung bên quốc gia Israel khi hai phe Palestine là Fatah và Hamas ở hai nơi biệt lập là Tây ngạn sông Jordan và Dải Gaza lại chưa chịu sống chung với nhau? Mà làm sao sống chung trên hai khu vực biệt lập?

Từ bên ngoài, mới chỉ điểm qua tình hình Âu Châu, Nam Á và Trung Ðông, với các điểm nóng là Ukraine, Paskistan và Israel, người ta đã thấy thực đơn khó nuốt cho tân tổng thống.

Ðây là ta chưa nói đến hàng loạt vấn đề khác.

Mexico có thể tan rã vì chính quyền bất lực bị sụp đổ trước các tổ chức ma túy nay đã trở thành những sứ quân có võ trang và tiền bạc. Trung Quốc đang chìm dần trong khủng hoảng và vừa bắn tiếng sẽ không châm tiền mua công khố phiếu của Mỹ để cấp cứu hệ thống tài chánh Hoa Kỳ! Các nước đồng minh và đối tác kinh tế của Mỹ đều tự chuẩn bị cho một trận chiến mậu dịch với chính quyền Obama nay đang cuốn vào trào lưu bào hộ mậu dịch.

Trong khi ấy, sau khi đẩy ngược làn sóng dân chủ, thợ vẽ Putin đã sẵn sàng tiến lên vùng Baltic phía Bắc Âu Châu và quay trở về Ðịa Trung Hải ở phía Nam. Biết làm thơ thì Obama không thể coi thường họa sĩ Putin (ông này vừa bán đấu giá một bức tranh được hơn triệu bạc!) Những người tài hoa như vậy thường dễ hiểu nhau lắm.

Barack Obama không thể lùi được. Hoa Kỳ sẽ không thể bọc xuôi về khuynh hướng tự cô lập…

“Hạnh phúc là khi mình bước lên lầu…” Ai đó đã ví von như vậy. Lên tới đỉnh cao, nhiều khi hạnh phúc làm mình chóng mặt và nổi hung. Tổng Thống Barack Obama có thể sớm nghĩ vậy khi an toàn cởi lễ phục bước vào phòng bầu dục, với một chồng hồ sơ trước mặt. Về đối nội, ông có thể vượt cạn và trở thành một Bill Clinton. Về đối ngoại, có khi ông sẽ là… Bush. Mà có quyền hung dữ hơn nhiều.

Thiên hạ có thể hiểu lầm về Obama chứ đừng nên hiểu lầm về nước Mỹ.

Nguyễn Xuân Nghĩa

20 tháng 1, 2009

Trích thư Tổng thống Mỹ Obama gửi các con


HOCMOINGAY. Tổng thống Obama đã viết cho các con gái:"Khi cha còn trẻ, cha đã nghĩ cuộc sống xét cho cùng là về bản thân mình, về việc mình sẽ đi trong thế giới này ra sao, trở nên thành đạt và có được những gì mình muốn. Nhưng rồi hai con đã đến với cuộc sống của cha với tất cả sự tò mò, tinh quái và những nụ cười luôn làm cha ấm lòng và toả sáng cuộc sống của cha mỗi ngày. Và bỗng nhiên, tất cả những kế hoạch to tát cha đặt ra cho bản thân dường như chẳng còn gì quan trọng. Cha nhanh chóng nhận ra rằng niềm vui lớn nhất của cuộc đời cha chính là niềm vui cha nhìn thấy trong cuộc đời các con. Và cha nhận ra rằng cuộc sống riêng của cha sẽ chẳng có ý nghĩa gì mấy nếu cha không thể đảm bảo rằng các con sẽ có được mọi cơ hội để hạnh phúc và thành công trong cuộc sống của các con." (Gia đình Obama. Ảnh: Corbis)


NHỮNG ĐIỀU CHA MUỐN CHO CÁC CON VÀ CHO MỌI TRẺ EM

Trích thư của Tổng thống Mỹ tân cử Barack Obama gửi
các con gái đăng trên tạp chí Parade ngày 14.1.2009


Malia và Sasha yêu quý,

Cha biết cả hai con đã rất vui vẻ trong hai năm qua với những chuyến vận động tranh cử, các buổi dã ngoại, các cuộc diễu hành và các hội chợ bang, ăn tất cả những món ăn vặt mà đáng nhẽ cha và mẹ các con không nên để các con ăn. Nhưng cha cũng biết rằng mọi việc không phải lúc nào cũng dễ dàng với các con và mẹ, và dù hai con đã rất thích khi có một chú cún mới, thì điều đó cũng chưa thể bù đắp được thời gian mà gia đình chúng ta phải xa nhau.

Cha biết trong hai năm qua cha đã bỏ lỡ những gì, và hôm nay cha muốn nói cho hai con biết thêm một chút về lý do tại sao cha lại quyết định đưa cả gia đình vào chuyến đi này.

Khi cha còn trẻ, cha đã nghĩ cuộc sống xét cho cùng là về bản thân mình, về việc mình sẽ đi trong thế giới này ra sao, trở nên thành đạt và có được những gì mình muốn. Nhưng rồi hai con đã đến với cuộc sống của cha với tất cả sự tò mò, tinh quái và những nụ cười luôn làm cha ấm lòng và toả sáng cuộc sống của cha mỗi ngày. Và bỗng nhiên, tất cả những kế hoạch to tát cha đặt ra cho bản thân dường như chẳng còn gì quan trọng. Cha nhanh chóng nhận ra rằng niềm vui lớn nhất của cuộc đời cha chính là niềm vui cha nhìn thấy trong cuộc đời các con. Và cha nhận ra rằng cuộc sống riêng của cha sẽ chẳng có ý nghĩa gì mấy nếu cha không thể đảm bảo rằng các con sẽ có được mọi cơ hội để hạnh phúc và thành công trong cuộc sống của các con. Tóm lại, các con gái của cha, đó chính là lý do tại sao cha tranh cử Tổng thống: vì những gì cha muốn cho các con và cho mọi trẻ em ở đất nước này.

Cha muốn tất cả trẻ em đều được học ở những ngôi trường tương xứng với tiềm năng của chúng, những ngôi trường sẽ thử thách chúng, truyền cảm hứng cho chúng, và khiến chúng luôn tò mò về thế giới quanh mình. Cha muốn chúng có cơ hội học đại học, kể cả khi cha mẹ chúng không giàu có. Và cha muốn chúng tìm được việc làm tốt, những công việc lương cao và có đầy đủ phúc lợi y tế, những công việc mà chúng vẫn có thời gian chơi với con cái và nghỉ hưu một cách đầy tự trọng.

Cha muốn chúng ta đẩy xa ranh giới của sự khám phá để các con có thể nhìn thấy những công nghệ và phát minh mới, những thứ sẽ cải thiện cuộc sống của chúng ta và làm cho hành tinh này sạch sẽ và an toàn hơn. Và cha cũng muốn chúng ta đẩy xa những ranh giới trong mỗi con người để vượt ra khỏi sự chia rẽ về sắc tộc và vùng miền, giới tính và tôn giáo vốn khiến chúng ta không thể nhìn thấy những gì tốt nhất ở mỗi con người.

Đôi khi chúng ta cũng phải đưa những thanh niên của mình ra chiến trận và những tình huống hiểm nghèo khác để bảo vệ đất nước chúng ta, nhưng khi làm vậy, cha muốn chắc chắn rằng điều đó chỉ vì những lý do tốt, rằng chúng ta đã cố gắng hết sức để hoà giải những khác biệt với các quốc gia khác một cách hoà bình, và rằng chúng ta làm mọi việc có thể để giữ cho các quân nhân của chúng ta an toàn.

Và cha muốn mỗi trẻ em đều hiểu rằng những người Mỹ can đảm đó không tự dưng chiến đấu vì những phúc lành đó mà không có lý do, rằng là công dân của đất nước này vừa có quyền lợi to lớn mà cũng có những trách nhiệm nặng nề.

Đó chính là bài học mà bà ngoại đã dạy cha khi cha bằng tuổi các con. Bà đã đọc cho cha nghe những dòng trong Tuyên ngôn độc lập và kể cho cha nghe chuyện về những con người đã đấu tranh cho sự bình đẳng, vì họ tin rằng những lời viết ra trong văn bản đó cách đây hai thế kỷ hẳn phải có ý nghĩa gì đó.

Bà đã giúp cha hiểu rằng nước Mỹ vĩ đại không phải vì nước Mỹ hoàn hảo, mà vì nước Mỹ luôn cố gắng hoàn thiện mình. Và những công việc còn dang dở để hoàn thiện sự đoàn kết của chúng ta chính là trách nhiệm của mỗi người. Đó là trách nhiệm mà chúng ta truyền lại cho con cháu, để mỗi thế hệ mới có thể nhìn thấy rõ hơn nước Mỹ mà chúng ta biết mình phải xây dựng nên.

Cha hy vọng cả hai con sẽ đảm nhận công việc đó, tìm ra điều đúng từ những điều sai trái các con nhìn thấy và làm việc để đem đến cho người khác những cơ hội mà các con đã có. Không phải chỉ bởi vì các con có nghĩa vụ phải trả ơn đất nước đã cho gia đình ta quá nhiều thứ, mặc dù đúng là các con có nghĩa vụ đó. Mà còn bởi vì các con có nghĩa vụ đối với bản thân mình. Bởi vì chỉ khi các con dấn bước đến điều gì đó lớn hơn bản thân, các con sẽ nhận ra tiềm năng đích thực của mình.

Đó là những điều cha muốn cho các con, được lớn lên trong một thế giới không có giới hạn đối với những ước mơ và không có thành công nào nằm ngoài tầm với, và trở thành những người phụ nữ giàu lòng trắc ẩn và tận tuỵ, góp phần xây dựng thế giới này. Và cha muốn mọi trẻ em đều có cơ hội học hành, mơ ước, lớn lên và thành đạt giống như các con. Đó chính là lý do tại sao cha đưa cả gia đình mình vào cuộc phiêu lưu lớn này.

Cha rất tự hào về hai con. Cha yêu các con hơn các con biết rất nhiều. Và mỗi ngày, cha đều biết ơn sự kiên nhẫn, bình tĩnh, thái độ và cả sự hài hước của các con khi chúng ta cùng nhau chuẩn bị cho cuộc sống mới trong Nhà Trắng.

Yêu các con,

Cha

(Tuần Việt Nam Theo Slate.com - Chung Hoàng dịch)