Trang

24 tháng 4, 2009

Cần tập trung đầu tư vào giáo dục, nghiên cứu và phát triển hạ tầng công nghệ


HOCMOINGAY. Chính phủ nào muốn thành công trong tương lai cần phải tập trung đầu tư vào giáo dục, nghiên cứu và phát triển hạ tầng công nghệ - Chủ tịch tập đoàn Intel , Ông Craig Barrett đã nói như vậy trong lời phát biểu nhân chuyến thăm Việt Nam ngày 10.4. 2009 (Ảnh trên: Ông Craig Barrett , Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn Intel (Hoa Kỳ) và Bill Gates , Chủ tịch Tập đoàn phần mềm Microsoft (Hoa Kỳ)

ĐẦU TƯ GIÁO DỤC LÀ CẠNH TRANH CẤP QUỐC GIA

Đây là thông điệp chung cho nhiều chính phủ ở châu Á mà ông Barrett đã truyền tải trong chuyến thăm cuối cùng của ông với cương vị là chủ tịch Intel. Lãnh đạo Intel từ trên một thập niên nay, giúp công ty này giữ vững vị trí hàng đầu trong ngành công nghệ thông tin của Mỹ, ông Barrett được coi là người có tầm nhìn sâu rộng. Những ý kiến của ông về nâng cao sức cạnh tranh quốc gia và phát triển công nghệ thường được coi trọng.

Ông Barrett cho rằng mỗi quốc gia đang ở một giai đoạn khác nhau về đổi mới công nghệ và giáo dục. Điều đó có nghĩa là khó có thể so sánh một cách hoàn hảo về mức độ phát triển của Mỹ với Trung Quốc hay Việt Nam. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng các quốc gia phải chú ý rằng khi phát triển giáo dục và nghiên cứu khoa học, họ đang phải cạnh tranh với các quốc gia khác chứ không phải chỉ trong đất nước của mình.

Việt Nam đang ở đâu trong cuộc cạnh tranh này?

Theo một số số liệu thống kê được đưa ra gần đây, Việt Nam luôn đứng hạng chót trong các tỷ lệ các báo cáo, nghiên cứu khoa học cũng như những bằng sáng chế. Theo một so sánh của Reuter Thompson về các nghiên cứu khoa học được đăng tải giữa những trường đại học lớn ở các quốc gia (không tính Mỹ), trường đại học quốc gia Hà Nội và TP.HCM đứng hạng chót với chỉ 48 nghiên cứu khoa học, trong khi quốc gia áp chót là Indonesia cũng có đến 120 nghiên cứu được xuất bản. Chỉ riêng đại học Peking (Trung Quốc) có tới 3.694 nghiên cứu, và đại học Seoul (Hàn Quốc) có 5.714 nghiên cứu. Một số liệu khác về bằng sáng chế khoa học được cấp trong năm 2006, thì Việt Nam cũng đứng hạng chót vì không có một sáng chế nào. Trong khi đó, Hàn Quốc có 102.633 sáng chế, Trung Quốc có 26.292 sáng chế và đến Thái Lan cũng có đến 158 sáng chế. Những số liệu này minh chứng cho sự thấp kém và tụt hậu của giáo dục bậc cao Việt Nam. Trong khi, chính giáo dục bậc cao là yếu tố then chốt giúp một quốc gia vươn lên.

Tại sao Việt Nam lại thiếu nghiên cứu khoa học trầm trọng đến thế? Hiện nay, Việt Nam đang có hàng trăm nhà khoa học trẻ đi học nước ngoài theo các chương trình học bổng khoa học khác nhau. Một chương trình có thể coi là lớn nhất là quỹ Học bổng Việt Nam (VEF) do Chính phủ Mỹ tài trợ, khởi đầu từ năm 2003, cho đến nay đã đưa sang Mỹ gần 300 nghiên cứu sinh. Đó là chưa kể đến các chương trình học bổng chính phủ và những chương trình học bổng ở các nước khác.

Khi đặt câu hỏi này với các nghiên cứu sinh khoa học tham gia chương trình VEF, người viết nhận được nhiều câu trả lời rất khác nhau. Có người tự nhận ngay rằng “ người Việt Nam mình lười, dốt, hoặc trí tuệ ở mức trung bình ”. Nhiều người khác lại phản đối, cho rằng mình kém may mắn, sinh ra ở một nước nghèo, nền giáo dục thấp kém, Chính phủ chưa tạo ra môi trường nghiên cứu khoa học tốt. Một nghiên cứu sinh Việt Nam đang theo học ngành công nghệ Hàng Không ở Mỹ đã chọn Mỹ là nơi làm việc vì theo anh, về Việt Nam thì người như anh khó tìm việc làm phù hợp, thậm chí “không có nhà để ở”.

Ông Barrett cho rằng có hai loại nghiên cứu khoa học. Loại nghiên cứu cơ bản, thường được thực hiện ở các phòng nghiên cứu của các trường đại học, là phần việc của chính phủ. Các chính phủ khôn ngoan biết đầu tư rất nhiều cho nghiên cứu phát triển (R&D) . Ví dụ điển hình là Israel (Nước Do Thái), đầu tư tới 5% GDP cho nghiên cứu phát triển (R&D). Chính phủ các nước phát triển khác như Mỹ, Nhật... cũng đầu tư tới 3% GDP cho lĩnh vực này. Đây là khu vực phát triển tài năng và đưa ra những nghiên cứu khoa học lớn củng cố vị trí phát triển của một quốc gia. Trong khi đó, loại nghiên cứu ứng dụng thuộc vai trò của các công ty, như Intel. Nghiên cứu ứng dụng giúp đưa ra các sản phẩm có thể bán được trên thị trường. Cả hai loại nghiên cứu này cùng góp phần củng cố sức cạnh tranh của một quốc gia trong thời đại kinh tế tri thức hiện nay. Trên thực chất, nghiên cứu ứng dụng khó có thể phát triển nếu bản thân quốc gia đó không có nền tảng nghiên cứu cơ bản vững chắc.

Intel hiện đang đầu tư một nhà máy một tỉ USD tại Việt Nam. Công ty này chứng minh cam kết của mình tại Việt Nam bằng việc trao 28 suất học bổng cho các sinh viên kỹ thuật, đưa họ sang học tại trường đại học Portland State ở Mỹ trong năm học 2009 – 2011. Đây cũng là một sự chuẩn bị nhân lực cho nhà máy này. Intel kỳ vọng những sinh viên này sẽ quay trở lại làm việc cho chính nhà máy của Intel một khi họ hoàn thành khoá học của mình. Nhìn ở một góc độ, Intel đang phần nào tự lo phần “nghiên cứu cơ bản” tại Việt Nam. Trong buổi trò chuyện với sinh viên tại đại học Bách khoa TP.HCM, ông Barrett nói: “Các bạn hãy nhớ chỉ một ý tưởng thôi có thể thách thức cả một công ty… Thế giới sẽ luôn đón nhận những tài năng với đôi bàn tay rộng mở”.

28 sinh viên nhận học bổng của Intel có một cơ hội rất lớn để tạo dựng thành công. Nhưng còn hàng ngàn sinh viên khác, để có cơ hội tương tự, sẽ phải trông đợi chủ yếu vào nỗ lực cải tiến hệ thống giáo dục cũng như đầu tư vào hệ thống giáo dục của chính phủ.

Lan Anh

SỚM CÓ SẢN PHẨM INTEL "MADE IN VIETNAM"

Nhân chuyến thăm Việt Nam ngày 10-4-2009 , ông Craig Barrett, chủ tịch Tập đoàn Intel (Mỹ), cho biết nhà máy của Intel tại Việt Nam đang trong giai đoạn hoàn tất xây dựng, đầu năm sau sẽ cho những sản phẩm đầu tiên.

Trở lại Việt Nam lần này, so với thời điểm nhấn nút khởi động nhà máy, ông thấy đâu là sự khác biệt?

Tôi thấy Khu công nghệ cao TP.HCM phát triển hơn, năng động hơn. Chính phủ Việt Nam làm nhiều việc hơn cho vấn đề giáo dục, hạ tầng được xây dựng mới và cải thiện. Tôi nghĩ có thể đọc được những tín hiệu lạc quan. Nhớ lại cách đây mười năm khi tôi đến đây lần đầu, mọi chuyện cần phải làm lắm. Hồi đó cơ sở hạ tầng cho ngành công nghệ viễn thông còn sơ khai lắm. Chương trình giảng dạy ở các trường đại học nay đã được cập nhật và cải thiện hơn.

Khủng hoảng toàn cầu đang ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực, ông có nhận xét gì về tác động của nó đến ngành công nghệ cao và liệu có ảnh hưởng xấu đến dự án của Intel ở Việt Nam?

Chúng tôi có một chiến lược phát triển được định sẵn. Chúng tôi công bố ngưng một vài nhà máy cũ, nhưng nhà máy mới như ở Việt Nam vẫn tiếp tục xây dựng đúng tiến độ. Tôi nghĩ rằng nhu cầu vẫn sẽ tăng dù không theo đường thẳng, có lên có xuống, để chúng tôi sản xuất ra thêm nhiều sản phẩm. Vì thế, kinh tế khó khăn chúng tôi vẫn tiếp tục xây dựng nhà máy cho chiến lược dài hơi. Nhà máy tại Việt Nam là một phần của sự chuẩn bị cho tăng công suất trong dài hạn của Intel. Chúng tôi sẽ hoàn tất việc xây dựng cuối năm nay và sẽ cho ra đời sản phẩm mới vào năm sau. Ngay lúc này đối với sản phẩm công nghệ cao thì nhu cầu thấp, nhưng trong vòng 6-18 tháng nữa nhu cầu sẽ tăng trở lại.

Khi Intel mở nhà máy ở Costa Rica, ngành công nghiệp phụ trợ nước này lập tức phát triển nhanh chóng, Việt Nam có thể được gì từ bài học này?

Khi Intel mở nhà máy sẽ tạo ra nhiều lợi ích. Một trong số đó là vấn đề giáo dục. Chúng tôi đã công bố tại Hà Nội chương trình học bổng, sinh viên Việt Nam sẽ sang học tại một số trường đại học ở Mỹ trong hai năm. Chúng tôi làm việc với nhiều đối tác để cải thiện chất lượng giáo dục ở trường đại học. Ở góc độ kinh doanh, từ dự án của chúng tôi sẽ có nhiều nhà đầu tư, nhà cung cấp dịch vụ, sản phẩm đến đặt nhà máy nơi đây, điều này chắc chắn sẽ góp phần làm tăng trưởng nền kinh tế...

Khi Intel đặt cơ sở lớn ở Costa Rica, rất nhiều công ty cung ứng, công ty sản xuất công nghiệp phụ trợ đã đến xây nhà máy bên cạnh chúng tôi. Tôi nghĩ tình hình tương tự sẽ xảy ra ở Việt Nam. Có thể Chính phủ sẽ lo lắng về việc khi các công ty có vốn đầu tư nước ngoài đến đây trở thành nhà cung ứng cho Intel thì liệu các công ty địa phương sẽ cạnh tranh thế nào. Chúng tôi tin sẽ có những công ty đến xây nhà máy bên cạnh Intel để giúp phát triển ngành công nghiệp phụ trợ tương tự như ở Costa Rica. Điều đó cũng xảy ra tương tự ở Malaysia, Philippines, Trung Quốc.

Intel sẽ tổ chức những buổi hội thảo, đối thoại với các nhà cung ứng để thông báo cho họ biết nhu cầu, quy chuẩn cũng như cách thức hợp tác với chúng tôi... Đó là cách chúng tôi hình thành nên một mạng lưới cung ứng. Chẳng hạn ở Mỹ, chúng tôi có “ngày của nhà cung cấp” để làm việc với các nhà cung ứng địa phương... Tôi chỉ có một góp ý là Chính phủ Việt Nam nên điều chỉnh chính sách thuế như thế nào đó để các nhà cung ứng địa phương có thể nâng cao sức cạnh tranh.

Trước đây Intel tổ chức tuyển chọn sinh viên để đào tạo làm việc cho mình, chỉ có 28 người đáp ứng đủ điều kiện trong số 200 sinh viên tham gia. Intel có thất vọng về điều đó ? Và làm thế nào để giáo dục Việt Nam đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài ?

Một phần trách nhiệm của tôi ở Intel là làm việc với các hệ thống giáo dục để làm sao có một nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của Intel. Đó không chỉ là chuyện đào tạo kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng mang tính học thuật mà còn là kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng liên quan đến ngành kỹ thuật cao của chúng tôi.

Cách mà chúng tôi đã áp dụng ở Costa Rica là làm việc chặt chẽ với các trường đại học để họ có những chương trình đào tạo phù hợp, cung ứng nhân lực cho Intel. Ở Mỹ hay Mexico chúng tôi cũng làm như vậy. Chúng tôi đã thực hiện chương trình tuyển chọn sinh viên ở Việt Nam, kỹ năng giải quyết vấn đề của họ cần phải được cải thiện. Bên cạnh đó còn một số vấn đề khác chúng tôi sẽ có phản hồi với các trường đại học.

Đúng là việc cải thiện hệ thống giáo dục luôn là vấn đề khó khăn. Việc nâng chất trong lĩnh vực giáo dục của Việt Nam không nên chỉ nhìn vào mình mà phải nhìn vào các nước xung quanh. Phải làm sao để có thể nói rằng trường đại học của chúng tôi đạt chuẩn mực quốc tế. Điều đó rất quan trọng.

"Lời khuyên của tôi với sinh viên Việt Nam là phải cố gắng học giỏi, đạt được một trình độ, kiến thức đủ tốt. Khi đạt rồi còn phụ thuộc vào mỗi cá nhân. Nhưng một trình độ, kiến thức tốt là chìa khóa để mở mọi cánh cửa. Không có trình độ thì không thể mở được cửa".

Lê Nguyên Minh

INTEL BÁN 1 TRIỆU MÁY TÍNH GIÁ RẺ CHO GIÁO VIÊN

Sáng 09-04-2009 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ - Bộ trưởng Bộ Giáo Dục & Đào Tạo Nguyễn Thiện Nhân cùng với ông Craig Barrett - Chủ tịch tập đoàn Intel đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận triển khai Chương trình Giáo dục điện tử giữa Bộ Giáo Dục & Đào Tạo Việt Nam với Intel.

Hai nội dung chính của thỏa thuận hợp tác này là phát động một cuộc thi bài giảng điện tử nhằm khuyến khích các giáo viên trong cả nước ứng dụng Công Nghệ Thông Tin trong công tác giảng dạy và phối hợp với các công ty công nghệ trong nước đưa ra thị trường một triệu máy tính giá hợp lý nhất trong thời gian hai năm tới với tên gọi “Máy tính học đường” chủ yếu nhắm vào đối tượng giáo viên và sinh viên đại học.

Ông Thân Trọng Phúc, Tổng Giám đốc Intel Việt Nam cho biết chương trình một triệu máy tính sẽ được triển khai ngay trong tháng 6-2009 và giá dự kiến cho một bộ máy vi tính với cấu hình Chip ATOM 330, Màn hình LCD 16 Inch, RAM 1GB, ổ cứng 80GB chỉ là 220USD.

Gia Khoa




QỦY BILL & MELINDA GATES GIÚP NÔNG DÂN VIỆT NAM DÙNG MÁY TÍNH

Người dân nông thôn, vùng sâu vùng xa ở ba tỉnh Nghệ An, Trà Vinh và Thái Nguyên sắp tới sẽ được hưởng nhiều lợi ích về công nghệ thông tin, truyền thông, nhờ vốn tài trợ từ Quỹ Bill & Melinda Gates.

Đó là nội dung chính của dự án "Thí điểm nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Intenet công công tại Việt Nam", vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố hôm 20-4-2009.

Dự án miễn phí sử dụng dịch vụ viễn thông, thông tin này do Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation viện trợ, sẽ được Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện trong vòng 18 tháng ( từ tháng 2-2009 đến tháng 7-2010 ) tại ba tỉnh trên.

Tổng số vốn thực hiện dự án là hơn 2,6 triệu USD, trong đó Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation viện trợ không hoàn lại hơn 2,1 triệu USD. Vốn đối ứng của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam là 31.000 USD, các doanh nghiệp viễn thông, các cơ quan ban ngành khác đóng góp gần 400.000 USD bằng việc chuẩn bị sẵn nhân lực, cơ sở hạ tầng mạng, thiết bị văn phòng, nhà trạm, điện lưới sẵn có...

Theo đó, mục tiêu lâu dài của dự án là góp phần tạo cơ hội cho người dân nông thôn, vùng sâu vùng xa được hưởng lợi ích do công nghệ thông tin và truyền thông mang lại, góp phần xóa đói giảm nghèo, nhằm rút ngắn về khoảng cách công nghệ số cũng như chất lượng thông tin giữa các vùng miền.

Theo ước tính ban đầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, sẽ có khoảng 10.000 người dân nông thôn, vùng sâu vùng xa được hưởng lợi ích từ dự án này.

Được biết, trong giai đoạn thí điểm, dự án sẽ trang bị hơn 700 máy tính tại 99 điểm truy nhập viễn thông công cộng là các điểm bưu điện văn hóa xã và các thư viện tỉnh, huyện, thư viện các trường học, bệnh viện, UBND xã.

Cụ thể mỗi điểm bưu điện văn hóa xã sẽ được trang bị 5 máy tính, 1 máy in, các trang thiết bị đi kèm cùng với chi phí khác và tiền lương cho người quản lý. Tại mỗi điểm truy nhập viễn thông kết hợp với thư viện địa phương, thư viện bệnh viện, trường học sẽ trang bị từ 5-20 máy tính, 1 máy in cùng các trang thiết bị đi kèm.

Đồng thời, dự án cũng tiến hành đào tạo cho cán bộ quản lý cũng như đào tạo kỹ năng sử dụng máy tính, truy nhập Internet, cách khai thác thông tin cho người dân nông thôn để người dân có thể khai thác những thông tin hữu ích nằm phục vụ đời sống và sản suất của chính họ.

Trong các hợp phần của dự án, Ban quản lý dự án sẽ thiết kế một trang web nhằm đưa lên các nội dung về nông nghiệp, nông thôn, kinh nghiệm sản xuất, thông tin về kinh tế, xã hội, các chính sách pháp luật, các thông tin bổ ích về sức khỏe, lối sống bằng ngôn ngữ địa phương từng miền để phục vụ các nhu cầu kiến thức, thông tin cho người thân.

Đại diện Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation, bà Deborah Jacobs cho biết, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á nhận được sự viện trợ của Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation về viễn thông công ích.

Theo bà Deborah, lý do Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation lựa chọn Việt Nam vì đây là quốc gia có mức độ sử dụng Internet cao nhất Châu Á, đồng thời Chính phủ có mức độ cam kết cao về đầu tư nâng cấp chất lượng dịch vụ viễn thông công ích cũng như chú trọng phát triển công nghệ thông tin nhằm xóa mờ khoảng cách giữa các vùng miền để toàn người dân Việt Nam có thể được hưởng lợi ích từ công nghệ thông tin và truyền thông.

Quỹ Bill & Melinda Gates ( Bill & Melinda Gates Foundation ) hiện là tổ chức từ thiện lớn nhất thế giới, do Bill Gates - chủ tịch và người lập ra tập đoàn phần mềm Microsoft, và vợ của ông, bà Melinda Gates, sáng lập. Quỹ ra đời tháng 1/2000, với mục đích nâng cao chăm sóc y tế và giảm nghèo đói trên toàn cầu.

Mạng Chung

Nguồn: http://niemtin.free.fr/15.htm