Trang

5 tháng 7, 2009

Bạn và tôi. Hai nhà văn già và một cô gái trẻ

HOCMOINGAY Báo SGTT.COM.VN ngày 4.7.2009 có bài "Bạn và tôi" ghi lại những nhàn đàm thấm thía, sâu sắc của Phan Cẩm Thượng, Nguyễn Ngọc Trân và Thạch Thảo. Đồng thời cũng có bài viết khá hay "Hai nhà văn già và cô gái trẻ" của Minh Nguyễn viết về Nguyên Ngọc, Nguyễn Ngọc Tư và Trang Thế Hy. Một Nguyên Ngọc với “Chất tinh tuý và sang trọng của sự thô mộc một cách tự do”. Một Nguyễn Ngọc Tư " bản lĩnh và chuyên nghiệp, coi văn chương vừa là nghiệp, vừa là một trò chơi, vừa là cuộc đời, vừa là giấc mộng; Tư là nhà văn rất xã hội, nhưng xã hội một cách rất văn học, rất nghệ sĩ" Một Trang Thế Hy "người hiền của văn chương Nam Bộ"

BẠN VÀ TÔI

Phan Cẩm Thượng: Cũng như mọi người tuổi trung niên, tôi cũng trải qua thời thơ ấu gian nan và lúc nào cũng băn khoăn có việc làm, kiếm được tiền, song cuối cùng tôi mới thấy cách sống thế nào mới quan trọng. Vì thế nào ta cũng phải làm nghề gì đó, tiền cũng sẽ có ít hay nhiều. Tôi chọn nghệ thuật và nghiên cứu văn hoá cổ, làm bằng được dù cuộc sống như thế nào. Nhưng đó cũng không phải lối thoát, mặc dù sống với nghệ thuật hay vô cùng, rất tự do và toàn cái đẹp. Các triết gia Ấn Độ cho rằng từ thượng cổ đến nay, con người toàn được dạy cái bên ngoài mình, còn chính mình, bên trong mình là ai thì không bao giờ học, không hay biết gì cả. Tôi từng đi hội thảo xa với rất nhiều vị giáo sư tiến sĩ, mỗi vị mang theo một bọc thuốc, phòng không có máy điều hoà là không ngủ được, bàn rất nhiều chuyện to tát, nhưng hơi ốm một tí là cuống lên. Yoga hay thiền, khí công trước tiên là lối sống, sau đó mới là những phương pháp rèn luyện sức khoẻ. Lối sống đó đòi hỏi người ta quay về với bản thân mình, bao gồm cả việc hiểu gan thận mình đang ra sao, và từ bỏ những cái bên ngoài, những vật ngoại thân. Tôi nghĩ trong hoàn cảnh của chúng ta, rất nhiều người đang loạn tâm, nên cứ điềm tĩnh nhìn xung quanh và việc gì có ích cho cộng đồng thì làm.


Nguyễn Ngọc Trân - 76/10/14 Phan Tây Hồ, Q. Phú Nhuận, TP.HCM: Thưa anh Phan Cẩm Thượng, cách đây vài năm tôi tình cờ đọc được cuốn Chùa Dâu và nghệ thuật Tứ pháp của anh, tôi cứ nghĩ anh đã đi tu thật rồi. Không ngờ, mới đây được đọc bài báo trên Sài Gòn Tiếp Thị, mới thấy, hoá ra anh đang “tu giữa chợ đời”. Cho tôi hỏi, để có đủ bản lĩnh và ý thức nhận ra những giá trị thật, giả giữa đời thường, phải cần những yếu tố nào? Để có một tinh thần mạnh mẽ như anh, liệu có cần ăn chay, niệm Phật?


Thạch Thảo - 15 Nguyễn Công Trứ, Nha Trang: Từ nhỏ tôi đã nghe câu: "Nhà cửa vạn gian ngả lưng ba thước. Thóc lúa đầy kho cơm bữa ba thưng". Càng lớn lên tôi càng hiểu người ta không cần quá nhiều tiền hay vật chất nói chung để sống, mà cần rất nhiều những giá trị tinh thần. Cái đó hoá ra lại dễ thấy: thiên nhiên, thơ văn, tranh ảnh, đời sống tình cảm, và nếu ta ngay từ nhỏ lấp đầy tâm hồn mình bằng những giá trị văn hoá đó, càng ít chỗ nghĩ đến miếng cơm, manh áo và chuyện thị phi. Ngược lại, tinh thần phong phú thì cũng không cần nhòm ngó sang người khác, cũng như có khả năng sống tốt bằng trình độ của mình. Điều đáng tiếc là con người bây giờ ngay từ nhỏ đã đầy đầu những thứ không cần thiết. Trẻ con học nhiều quá, trong khi các kiến thức khoa học và nhân văn cơ bản hoá ra lại không phải học nhiều, cứ thế mà thông minh trong cái u mê của mình, có thể đạt được rất nhiều thứ, bằng cấp, địa vị, tiền bạc, nhưng trong lòng lại trống rỗng, khi buồn chẳng biết kêu ai, khi ốm là đến bác sĩ, uống thuốc, không biết cách tự làm cho mình khoẻ. Tôi nghĩ rằng để nhận ra điều thật giả không khó, hai mặt đó lại là một phần của cuộc sống, nhưng nhận ra rồi thì có dám sống với cái thật không mới khó. Bản thân tôi cũng vậy. Tôi nghĩ không nhất thiết phải ăn chay, niệm Phật. Ăn chay hay ăn mặn là tuỳ theo thói quen và sức khoẻ của mình, không liên quan đến việc tu hay không. Còn niệm Phật để định tâm thì rất tốt, tự làm cho mình thanh tĩnh lại, nhưng chọn lấy một vài bộ kinh Phật có giá trị đọc hiểu càng tốt hơn, ví dụ như kinh Kim Cương, trong đó không có chút nào nói về thần thánh sự linh thiêng, mà chỉ nói về sự nhận thức chân thực. Tôi rất đồng tình với lời nói thật của anh “Khó khăn nhất không phải là thiếu tiền, cuộc sống chất lượng kém, mà chính là không nhìn thấy tương lai”. Thế hệ 7X của chúng tôi lớn lên và cảm thấy bất an, chuệnh choạng vào những năm đầu thập niên 90 – thời đất nước mới mở cửa. Nhiều luồng văn hoá du nhập trộn lẫn với việc cổ xuý mọi người làm kinh tế để kiếm tiền, và tôi cảm thấy mình bị xay nghiền trong những “trào lưu” đó, chính vì thế, chúng tôi phải đi học yoga, thiền, khí công… để tự cân bằng, tự đứng được. Nhưng quả thật, càng sống càng thấy hụt hẫng… Rất mong anh cho tôi một lời chia sẻ.


HAI NHÀ VĂN GIÀ VÀ MỘT CÔ GÁI TRẺ

Minh Nguyễn

SGTT - Mấy năm gần đây, hai nhà văn già Trang Thế Hy – Nguyên Ngọc thường hò hẹn mỗi năm có một ngày ngồi với nhau để uống ly rượu hội ngộ. Năm nay, một ngày hè, con đường đất vào nhà ông Trang Thế Hy hoa mua tím như dày hơn. Cuộc gặp gỡ giữa hai nhà văn già chỉ xoay quanh chuyện - tình - yêu - văn - chương - chữ - nghĩa. Câu chuyện của họ trở nên hào hứng khi cả hai đều “ham” một người, người đó là cô gái trẻ: Nguyễn Ngọc Tư

Người tình của văn chương

Họ quen nhau đã vài mươi năm, còn biết nhau thì lâu hơn nữa. Ở hai đầu đất nước, người này đọc của người kia một vài truyện ngắn, truyện vừa, một vài bài thơ. Dường như rất khác nhau trong cuộc sống nhưng họ lại có nhiều điểm tương đồng. Cả hai đều sống sâu đậm với kỷ niệm, có trí nhớ tuyệt vời, cùng thuộc làu những bài thơ, những đoạn văn bằng tiếng Pháp từ thời tiểu học ở trường Tây. Nguyên Ngọc lui cui dịch, cổ xuý cho Nghệ thuật viết tiểu thuyết của Milan Kundera. Trang Thế Hy tìm đọc từ nguyên bản tiếng Pháp. Ông sửa một câu của M.Kundera: “Trí nhớ là một vũ khí của người yếu chống lại cường quyền” thành “Trí nhớ là một vũ khí của người yếu chống lại cái ác”. Khi tôi hỏi về việc này, Nguyên Ngọc nói, đó chính là sự thâm thuý và nhân hậu phương Đông mà chỉ Trang Thế Hy mới có. Cả hai cùng được tinh luyện về nhân cách và sáng tạo tại các chiến trường ác liệt nhất trong những năm tháng chiến tranh, chống Pháp rồi chống Mỹ. Trang Thế Hy hoạt động trong lòng địch, chịu đựng bom đạn ở vùng tam giác sắt Củ Chi. Nguyên Ngọc – người lính chiến thực thụ tại khu 5 và Tây Nguyên. Họ có cùng một tình yêu văn chương và trân trọng những tài năng trẻ. Chữ nghĩa đối với họ là điều thiêng liêng. Kỹ lưỡng từng chữ một. Có thể cách thể hiện tình yêu đó khác nhau. Trong nhiều lần nói về nghề viết văn và tâm thế của nhà văn, Trang Thế Hy tự gọi mình là “người tình thuỷ chung nhưng hờ hững của văn chương”. Ông giải thích thêm rằng ông không đủ đam mê để đắm say theo đuổi người tình ấy. Còn “hờ hững” – theo ông – “hàm chứa sự vương vấn, bịn rịn, lòng vẫn biết không thể sống trọn vẹn với nhau nhưng không đành lòng dứt bỏ. Một tình yêu không mãnh liệt nhưng đến chết vẫn còn yêu”. Và biết đâu, khi bước qua thế giới khác, tình yêu đó vẫn vậy. Tôi trộm nghĩ, với ông, hờ hững là cách giữ cho tình yêu văn chương vĩnh cửu mà thôi. “Còn Nguyên Ngọc đối với văn chương?” – tôi hỏi. Ông cười thật sảng khoái: “Là người tình thuỷ chung một cách sấn sổ. Đôi lúc bị đẩy ra nhưng cứ liều mạng nhảy vào, thành tâm, da diết và hồn nhiên”. Cứ thế, ông đang viết về những nếm trải của đời mình trong những khúc quanh lịch sử. Cùng lúc, ông dịch và hiệu đính những cuốn sách quý giá khác mà mình yêu thích: Nhẫn thạch của Atiq Rahimi, giải Goncourt 2008, đang chuẩn bị in nối bản lần hai và Nhiệt đới buồn – Claude Lévi-Strauss. Sự sấn sổ của Nguyên Ngọc là vậy đó. Ông đi nhiều hơn người trẻ, viết nhiều hơn người trẻ, cả những bức xúc xã hội mà kẻ sĩ không thể làm thinh. Thời gian đối với ông không ngừng lại. Ông bảo đó chính là cách thể dục đầu óc, làm chậm bớt sự già cỗi của tâm hồn và trí tuệ. Nhà văn Trung Trung Đỉnh một lần nhận xét: “Đố ai tìm được sự già nua và sự cũ kỹ trong văn chương cũng như cách sống của Nguyên Ngọc”. Còn với Trang Thế Hy, ông hay mượn lời của nhà văn Nga Erenburg: “Học làm người già là một khoa học đầy khó khăn” để nói về cách ứng xử của mình từ ngày “đi chỗ khác chơi”. Ông vẫn đọc rất nhiều, vẫn dõi theo những người trẻ.

Có một câu hỏi chung hơi cũ dành cho hai người: “Khi ngồi trước trang giấy trắng, ông nghĩ gì?”. Vẫn thế, theo cách rất Trang Thế Hy: “Cái gì mình không yêu mến hay chưa kịp yêu mến thì đừng giả bộ yêu mến”. Mọi sự giả bộ đối với Trang Thế Hy đều lố bịch. Còn Nguyên Ngọc, bao giờ cũng vậy, “quyết liệt yêu, quyết liệt giữ lấy sự chân thành và giữ lấy tự do cho chính mình”.

Tôi bỗng nhớ lời của cựu tổng thống Pháp F. Mitterrand: Lang bang phóng túng là bản chất của sự sáng tạo.

Về hai bức hoạ chân dung

Nhà văn Trang Thế Hy đón mọi người trong căn chái bề ngang chừng ba mét, chiều dài sáu mét vừa xây xong. Mùi sơn hãy còn. Đặt tay lên tường, sơn dính trắng. Chỗ này khi trước là khoảng sân nhỏ, có cây xoài, dưới gốc lủng lẳng những giò lan rừng… Có những giò lan trổ bông nhưng cũng có nhiều giò lan lưa thưa lá. Cái chái nhà nhỏ lắm, xây theo kiểu nhà tiền chế, mái vòm lợp tôn chỉ vừa đủ để bộ bàn nước bằng ximăng cẩn sành sứ của nhóm bạn Nguyễn Duy, Nguyễn Trọng Chức chở từ Sài Gòn xuống tặng ông cách đây ít lâu. Tự trào về cái chái nhà mới, Trang Thế Hy nói dõng dạc: “Há chẳng phải đời sống của ta được nâng cao ngang tầm với sự phát triển kinh tế đất nước đó sao”. Nụ cười của ông khi đó thật hóm hỉnh.

Ông mang bức chân dung do Nguyễn Trung vẽ, ông bảo vừa làm xong cái khung và từ nay, có chỗ cho tấm tranh này. Ông nói với mọi người rằng Nguyễn Trung không vẽ chân dung ông mà vẽ “nỗi buồn mang gương mặt Trang Thế Hy”. Một nhận xét xác đáng và rất Trang Thế Hy. Ông thường luận giải về nỗi buồn. Tôi nghe ông nói rất nhiều lần: viết văn trước hết là để tu thân, là đương đầu với nỗi buồn, để giảm đau, vượt lên nỗi đau và tồn tại.

Giống như Trang Thế Hy, Nguyên Ngọc cũng được hoạ sĩ Đinh Quang Tĩnh vẽ và post lên mạng một tấm chân dung. Hỏi về bức hoạ này, Nguyên Ngọc nói: “Hồi tôi làm báo Văn Nghệ, Đinh Quang Tĩnh có vẽ nhiều chân dung tôi. Có một số bức khá. Không hiểu vì sao anh ấy lại đưa ra bức mới này, bức kém nhất – không phải xấu hay đẹp trong bút pháp – mà vì hoàn toàn không có chút chất Nguyên Ngọc nào cả. Hôm trưng bày, anh Văn Như Cương ngồi cạnh tôi cũng bảo thế. Thôi cũng chẳng nên nhắc đến cuộc ấy làm gì”. “Thế chất Nguyên Ngọc là chất gì vậy, thưa ông?” – Tôi hỏi. “Chất tinh tuý và sang trọng của sự thô mộc một cách tự do” – ông nói.

Cả hai đều “ham” cô gái trẻ

Dông dài chuyện Đông – Tây – kim – cổ, những câu thơ tình tuyệt hảo của R. Tagore về tình yêu trong cuộc hò hẹn lần này của hai ông nhà văn già rồi cũng nhường lại cho câu chuyện văn chương của những người trẻ. Ông Trang Thế Hy kể, trước đây, ông và nhà văn Sơn Nam thường gặp nhau mỗi năm một lần vào những ngày đầu năm. Câu chào bằng tiếng Pháp thường được hiểu là: Có gì mới? Có một năm, ông Sơn Nam tự dưng trả lời ông dông dài: “Năm nay trong Nam có chuyện nông dân biểu tình, ngoài Bắc có Nguyễn Huy Thiệp viết truyện ngắn hay”. Chột dạ, ông sửa lại câu của Sơn Nam: “…Trong Nam trúng mùa, ngoài Bắc có Nguyễn Huy Thiệp viết truyện ngắn hay”. Thời đó, ông Nguyên Ngọc là người dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho văn chương của lớp Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài… Cả hai ông đọc gần như không sót và nhớ kỹ giọng điệu từng truyện của mỗi người. “Còn với Nguyễn Ngọc Tư?” – tôi hỏi. Được biết hai ông đọc khá kỹ từ tản văn, truyện ngắn đến Cánh đồng bất tận, Gió lẻ của cô. Nguyên Ngọc là người mail truyện Gió lẻ cho mọi người khi báo Sài Gòn Tiếp Thị chưa khởi đăng. Ông nói: “Gần đây, một số tạp bút của Nguyễn Ngọc Tư có hơi chững lại, không còn giữ được nhiều sự thâm trầm và sắc sảo như trước. Nhưng có lẽ cũng không sao, người ta viết lên xuống là thường. Tôi vẫn tin Nguyễn Ngọc Tư. Cô ấy rất có bản lĩnh. Một trong những nét bản lĩnh đó là cô luôn thấy văn chương của mình có vấn đề, luôn thấy cần thay đổi, đồng thời vẫn là mình. Gần đây, trong một bài viết, Tư đã nói rằng cô sợ mình “nhạt” đi, một người viết biết được như thế là rất giỏi. Chắc Tư còn tự thay đổi, sẽ khác đi, mà vẫn là Tư. Chỗ hay thứ hai của Tư (có lẽ gần giống Trang Thế Hy) là cô ấy vừa coi văn chương là chuyện rất quan trọng, thậm chí có lẽ Tư là nhà văn có chất chuyên nghiệp nhất hiện nay ở ta. Cô biết văn chương là chuyện trọng đại. Nhưng đồng thời cô cũng biết, nói cho cùng ra, đó cũng không phải là chuyện quan trọng nhất ở đời. Vừa là nghiệp, vừa là một trò chơi, vừa là cuộc đời, vừa là giấc mộng. Có đó, mà cũng không có gì cả. Cũng đừng quan trọng hoá nó. Cô ấy cũng có “cái chung thuỷ hờ hững” của Trang Thế Hy – người hiền của văn chương Nam bộ. Nếu thêm một đặc điểm nữa của Tư: Tư là một nhà văn rất xã hội, nhưng xã hội một cách rất văn học, rất nghệ sĩ. Không văn học “minh hoạ” hay “ám chỉ” như kiểu đang tầm thường, nhạt phèo bây giờ. Chính vì vậy, qua những bức xúc thời sự, Tư có cái tài biến nó thành cái nhân loại. Cánh đồng bất tận là một ví dụ đặc sắc”.

Họ có cùng một tình yêu văn chương và trân trọng những tài năng trẻ. Chữ nghĩa đối với họ là điều thiêng liêng. Kỹ lưỡng từng chữ một

Không khác với ý kiến của Nguyên Ngọc nói về Nguyễn Ngọc Tư, Trang Thế Hy hay kể những câu chuyện, những quan sát trực diện của mình về Tư. Ông bảo: “Con nhỏ đó tinh tế lắm. Nó dám nói rằng vì có một ông già trên 80 tuổi hò hẹn với nó nên nó phải ba chân bốn cẳng chạy nhanh tới gặp vì nếu trễ hẹn thì đâm ra thất thố”. Có một hôm, Tư đến thăm và ngủ lại nhà, đêm khuya, sợ Tư mệt, ông hỏi “Nhỏ buồn ngủ chưa?” – Tư trả lời gọn hơ: “Chú chưa ngủ sao con dám buồn ngủ được”. Đến hừng sáng, Tư tự quảy túi, len lén đi mà không chào từ biệt vì sợ ảnh hưởng đến giấc ngủ của ông. Ông hay dùng từ “viết thấy ghê” để chỉ những tạp bút sắc sảo và những truyện ngắn, truyện vừa có tầm khái quát cao của Nguyễn Ngọc Tư. Từ Cánh đồng bất tận đến Gió lẻ, Trang Thế Hy đã xem Tư như là người đồng thời, người chia sẻ được nỗi đau thân phận con người.

Trong câu chuyện bàn luận giữa hai nhà văn già và cô gái trẻ, tôi xen vào hỏi một câu: “Vậy Nguyễn Ngọc Tư “ham” hai nhà văn già này hay ngược lại?”. Đôi mắt sâu, tinh anh trên khuôn mặt nhăn nheo của Trang Thế Hy đang cười. Ông bảo: “Dường như cả ba người chúng tôi: Trang Thế Hy – Nguyên Ngọc – Nguyễn Ngọc Tư – đang “ham” nhau!”.

Tôi chưa gặp Tư để xác tín điều này.

Minh Nguyễn