Trang

3 tháng 2, 2010

Cây súng và cây bút


HOCMOINGAY. Hồ Phương. Báo Nhân dân. "...Tôi vẫn còn có cây bút. Và "nhờ trời" vẫn còn túc tắc dùng được "vũ khí" này, vào khi này khi khác, và cùng với những người cùng thời vẫn còn có chỗ đứng trong đời sống văn chương xem ra có nhiều điều mới, lạ. Và tôi vẫn không nguôi thương nhớ người anh của tôi, người đồng chí đã hy sinh, càng không quên vị tướng anh hùng (Vương Thừa Vũ, ảnh Wikipedia) xuất thân từ công nhân đã có tầm nhìn, tầm suy nghĩ đáng kính biết bao. Ông đã có một tầm văn hóa không giống như văn hóa học đường thuần túy, mà là từ ánh sáng của Cách mạng và từ cuộc chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân. "Anh có hai vũ khí"...
 
ND - Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương là một trong những nhà văn - chiến sĩ nổi tiếng của văn học cách mạng Việt Nam với nhiều tác phẩm được bạn đọc mến mộ. Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Ðảng, qua bài viết dưới đây, ông kể lại về bước đầu văn chương của mình; và qua câu chuyện của ông có thể thấy, đối với nhà văn, khi tình yêu văn chương gắn liền với tình yêu đất nước và được dẫn dắt bởi lý tưởng của Ðảng, thì có thể sáng tạo nên những tác phẩm sống cùng bạn đọc, đồng thời nhà văn sẽ tìm được chỗ đứng của mình giữa lòng dân tộc.

Thuở nhỏ tôi là đứa trẻ ham nghe kể chuyện. Tôi có mấy ông anh, trong đó một ông hơn tôi năm tuổi rất mê truyện, cả truyện ta cả truyện tây, đọc xong thường kể cho tôi nghe. Muốn nghe quá, nhưng có hôm bận hoặc vì sao đó ông không kể, tôi van nài cũng không được. Hồi ấy, hằng ngày, cha chúng tôi thường cho mỗi con một hào làm tiền ăn quà. Nhiều khi tôi nhịn quà, "đút lót" cho ông anh, để được nghe kể chuyện. Tất nhiên, tiền thì ông không chê. Nhưng, mua bánh về lại chia cho tôi một nửa. Thế là hai anh em cùng ăn, ăn xong, tôi ngồi há hốc mồm ra nghe Không gia đình, Những người khốn khổ, Pôn và Viếc-gi-ni,... lại cả Thủy hử, Tam quốc, Liêu trai chí dị... Dần dần tôi cũng tự đọc thêm cả sách truyện của Tự lực văn đoàn, Tân dân, Ðời mới, Hàn Thuyên... rồi đọc các báo Ngày nay, Phong Hóa... nữa. Rồi ông anh tôi vào đại học và lên Hà Nội... Xa anh ấy tôi rất buồn, bắt đầu thi thoảng ngồi viết, viết cho mình... Tôi thường viết về con tàu Long Môn vàng khè chuyên chạy đường sông Hồng từ Hà Nội xuống Nam Ðịnh, Thái Bình và ngược lại. Ðó là con tàu có quá nhiều kỷ niệm với thuở ấu thơ của tôi. Quê tôi ở Hà Ðông, cha tôi lại làm việc ở một huyện xa xôi thuộc Thái Bình. Hằng năm tôi được theo cha về quê một lần để ăn Tết, bằng đường sông Hồng với con tàu Long Môn. Chỉ được mấy ngày vui và gặp mẹ ở quê nhà (mẹ tôi phải quán xuyến việc ở nhà, thi thoảng mới xuống Thái Bình vài ngày), sau đó tôi lại phải theo cha ra đi. Sông nước mênh mang, nỗi nhớ mẹ, nhớ anh, cùng tiếng còi tàu rền rĩ xa vắng sao mà buồn, buồn vô hạn (cho đến bây giờ tất cả hình ảnh cùng tiếng còi tàu ấy dường như vẫn còn in sâu và vang vọng mãi trong lòng tôi). Tôi cũng viết cả về cái phố huyện đìu hiu nơi cha con tôi đang sống ở đó.

Rồi một lần anh tôi từ Hà Nội xuống thăm, tình cờ thấy những tờ tôi viết còn giữ lại. Anh đọc xong, rất ngạc nhiên: "Em viết hay ai đây? Em viết để làm gì?" - "Em cũng không biết nữa". Ông anh hay kể chuyện ấy nói: "Em viết được đấy, nhưng buồn quá". "Thì em nghĩ em thấy thế nào viết thế thôi". Anh gật đầu: "Em nói cũng phải, cuộc sống của chúng ta bây giờ có lẽ thế cả, nghèo khổ và đáng buồn. Có gì vui đâu? Có gì để hy vọng?"... Hai hôm sau, anh đã phải trở về Hà Nội. Lúc chia tay anh nói thêm "Lớn lên chút nữa em sẽ hiểu. Bây giờ cứ viết đi. Anh cầu mong sau này em có thể viết tốt". Cũng không ngờ sau đó, tháng 7-1945, gia đình tôi được tin anh bị thực dân Pháp bắt vì là "sinh viên cộng sản Việt Minh". Cha tôi cuống lên, về Hà Nội tìm mọi cách "chạy" cho anh. Nhưng vô hiệu. Cả gia đình tôi chao đảo, tuyệt vọng. Nhưng may thay chỉ mấy tháng sau, Cách mạng Tháng Tám bùng nổ. Cũng dịp ấy tôi cũng được về Hà Nội học. Nhưng còn mừng hơn: anh đã được trở về. Mừng không sao nói hết. Tuy nhiên cũng chỉ được gần một năm, anh tôi lại ra đi. Hôm ấy cả nhà ngạc nhiên: thấy anh mặc quân phục, đội mũ ca-lô đeo sao vàng. Anh cho biết, anh cùng một số bạn được điều vào quân đội và đưa một Chi đoàn đi Nam Tiến. Nói sao cho hết nỗi xúc động và vinh hạnh của cả gia đình tôi khi ấy... Anh ra đi được vài tháng thì toàn quốc kháng chiến bùng nổ. Ðến lượt tôi, tôi cũng trở thành bộ đội, cùng đơn vị lên Việt Bắc sáp nhập vào Ðại đoàn 308 - Ðại đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội ta. Theo lời anh, tôi tiếp tục viết. Bản thân cuộc sống và chiến đấu đầy gian lao nhưng vô cùng anh dũng của quân và dân ta cũng thúc giục tôi phải ghi chép lại... Hơn thế nữa, đã sớm có tờ Tạp san của Hội Văn nghệ thường xuyên phát xuống các đơn vị và địa phương, nhiều bài mang những ý kiến trao đổi của các nhà văn lớn, các nhà lý luận bàn về các quan điểm văn học - nghệ thuật của Ðảng trong chiến tranh và trong thời đại mới. Ðã có cả những cuộc tranh luận rất thẳng thắn và hữu ích trên một số báo chí cũng về các vấn đề văn hóa - văn nghệ... Bọn trẻ chúng tôi lúc bấy giờ đã đọc và vỡ vạc ra được nhiều. Từ đó, tôi viết khá liên tục. Cho tới cuối 1948 tôi mới nhận được thư của anh trai từ dưới Khu 3 gửi lên. Anh cho biết, do nhu cầu, anh được điều về mặt trận Hà Nội - Hà Ðông nhận công tác. Anh viết không nhiều và cụ thể về anh, mà hỏi tôi rất nhiều, về sức khỏe, công tác, đặc biệt anh không quên hỏi có viết được gì không? Và anh nhắc: Hãy viết tiếp đi, tất cả sẽ có ích đấy.

Tôi rất vui, và có thư trả lời anh ngay, không quên kể cho anh về những gì tôi đã viết, được in một số bài trên các báo lớn, được dư luận chú ý. Trong đó tôi kể lại trường hợp Thư nhà trong số 13 của Tạp chí Văn nghệ - Hội Văn nghệ kháng chiến, cho anh hay: Sau khi truyện ngắn ấy ra đời được hai, ba tháng, một hôm tôi được gọi lên gặp Ðại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ - người được mệnh danh là "hùm xám" - ông kiêm cả Bí thư Ðảng ủy và Chính ủy (đồng chí Song Hào về Sư đoàn 308 năm 1951). Ðược gọi lên, không biết việc gì, tôi cũng lo lo. Ông rất nghiêm. Khi gặp, ông hỏi tôi có phải là người viết Thư nhà không? Tôi càng lo. Khéo ông sẽ kỷ luật tôi về "tội" đã chiến đấu mà còn mê viết văn! Nhưng ông tươi cười nói, đại ý: Ông rất bận, ít khi đọc được sách báo, nhưng thấy anh em cho biết là Ðại đoàn ta có người viết truyện Thư nhà được hoan nghênh rộng rãi lắm, ông bảo kiếm về cho ông xem. Ðọc xong, ông rất thích, nên muốn gặp tác giả cũng để hoan nghênh. Rồi ông nghiêm trang nói: "Bây giờ anh có hai vũ khí trong tay đấy, một là cây súng, hai là cây bút. Vậy hãy dùng cả hai vũ khí ấy mà chiến đấu góp phần giải phóng đất nước!". Tôi không thể ngờ một vị tướng lại có cử chỉ đẹp và ý nghĩ hay như vậy. Tôi thật sự cảm kích, cảm ơn ông và hứa sẽ cố gắng.

Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, trong năm 1950 tôi đã được tin: anh tôi đã bị bọn Pháp giết hại. Bấy giờ mới được biết là anh được về phụ trách công tác tình báo trong nội thành và đã bị lộ, chưa rõ nguyên nhân. Tôi bị choáng mất một thời gian khá dài sau mới dần dần bình phục.

Cho tới hôm nay, tuổi đã cao, tôi không còn cây súng cụ thể như thời còn là lính của "hùm xám" Vương Thừa Vũ. Tuy nhiên, theo lời ông, tôi vẫn còn có cây bút. Và "nhờ trời" vẫn còn túc tắc dùng được "vũ khí" này, vào khi này khi khác, và cùng với những người cùng thời vẫn còn có chỗ đứng trong đời sống văn chương xem ra có nhiều điều mới, lạ. Và tôi vẫn không nguôi thương nhớ người anh của tôi, người đồng chí đã hy sinh, càng không quên vị tướng anh hùng xuất thân từ công nhân đã có tầm nhìn, tầm suy nghĩ đáng kính biết bao. Ông đã có một tầm văn hóa không giống như văn hóa học đường thuần túy, mà là từ ánh sáng của Cách mạng và từ cuộc chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân. "Anh có hai vũ khí"...
 
Thiếu tướng, nhà văn HỒ PHƯƠNG