Trang

15 tháng 10, 2010

Những chuyện góp nhặt dạy và học

HỌC MỖI NGÀY. "Học mà dối, nhà rồi còn khổ, bà con buồn, chúng bạn cười chê; thi mà gian, nước sẽ u mê, nền giáo dục muôn đời khốn khó. Học phải thật, thi càng phải thật, mới giúp cho đất nước chấn hưng, muôn kiếp nguyện giữ gìn xã tắc; sống vì dân, thác cũng vì dân, lời dụ dạy đã rành rành, chớ bán đứng sông này núi nọ. Nước mắt trường thi lau chẳng ráo, thương vì hai chữ thi đua; bằng tốt nghiệp mực chưa khô, cám bởi một câu thành tích" (Nguyễn Quang Lập). Chuyện không đọc chỉ một lần...



GẶP THỜI, ĐƯƠNG THỜI VÀ HẾT THỜI

Hiệu Minh


Hiệu Minh chưa bao giờ bàn về chuyện thầy Đỗ Việt Khoa chống tiêu cực trong thi cử và những bung xung quanh đó. Nhưng đọc tin gần đây về thầy Khoa “đương thời” thành “hết thời”, bỗng tự hỏi, không hiểu ngành giáo dục nước nhà đi về đâu trong những năm sắp tới. Thầy Nguyễn Thiện Nhân cũng sang công tác khác, để lại một khoảng lặng trong bài ca về sự nghiệp trồng người.

Những người gặp thời
Khi bác Nguyễn Thiện Nhân cắp cặp từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội nhậm chức Bộ trưởng Bộ GD thì xảy ra vụ thầy giáo Đỗ Việt Khoa coi thi tại Hội đồng thi Trường THPT Phú Xuyên A. Ông giáo làng này dùng điện thoại di động quay video làm chứng cứ “tố cáo những gian lận thi cử, làm bùng lên dư luận xã hội bất bình và bức xúc trước những tiêu cực trong giáo dục nhiều năm đã ủ thành bệnh nan y” như “cô giáo” Kim Dung từng viết.

Như vậy cả hai đều gặp thời. Thầy Nhân “gặp” thầy Khoa trong một dịp hiếm có để bàn về cách “chống bệnh thành tích trong học tập và tiêu cực trong thi cử”, và “xây dựng một phương pháp học sáng tạo, thực chất, học là phải dùng được”, rồi “đổi mới phương pháp học tập theo xu hướng tiên tiến của thế giới”.

Còn thầy Khoa được báo chí tung hô, trở thành nổi tiếng, vì sau vụ đó, thầy Hiệu trưởng THPT Vân Tảo Từ Ngọc Lĩnh làm chủ tịch Hội đồng thi bị cách chức. Sở GD&ĐT Hà Tây (cũ) cử Phó phòng Giáo dục thường xuyên, thầy Lê Xuân Trung về làm hiệu trưởng trường Vân Tảo.

Bác Nhân gặp thời, bác Khoa gặp thời, bác Trung gặp thời, báo chí truyền thông gặp thời, chỉ có thầy Từ Ngọc Lĩnh bị “oan” nên…thất thời. Cả nước quay cóp không sao, mình trường ông Lĩnh chịu, hu hu.

Đến đương thời

Thầy Đỗ Việt Khoa đang từ một anh giáo làng bỗng nổi tiếng như cồn. Sau vụ PMU18 ngành truyền thông trải qua cơn sốc, nhà báo thiếu bài vở nên thi nhau hẹn gặp. VTV3 mời lên trò truyện trong mục “Người đương thời”. Người ta có cảm giác ngành Giáo dục đang chuyển mình.

Tuy nhiên, dân quanh làng bác Khoa ở không thích lắm. Học hành kiểu “thầy đọc trò ghi” rồi về nhà nhai lại “Rắn là một loài bò, sát không chân” thì không quay cóp làm sao qua được.

Thầy Trung và đồng nghiệp lại càng chán vì thầy Khoa không hiểu…thời cuộc. Chuyện gì đến đã đến. Thầy Lê Xuân Trung đã bị tố cáo nhiều sai phạm từ lạm thu, phạt học sinh nghỉ học.



Máy ảnh bị ném xuống mương. Ảnh: VNE

Đêm 14/11/2008, hai bác bảo vệ THPT Vân Tảo là Trần Văn Xường và Nguyễn Văn Đông, không hiểu nghe ai xúi dại, xông vào nhà chửi bới và cướp máy ảnh của thầy giáo Khoa, một công cụ hành nghề thời chống tiêu cực khó khăn trăm bề.

Công an huyện Thường Tín tạm giam bác bảo vệ “nhẹ dạ” Trần Văn Xường vì hành vi cướp giật tài sản. Còn chiếc máy ảnh của thầy Khoa hỏng hoàn toàn do bị ném xuống mương nước cạnh trường.

Rồi vụ kiện chả đi đến đâu, “người đương thời” Đỗ Việt Khoa chẳng được bảo vệ đến cùng và hóa ra bị thất thế. Trường đá lên sở, sở đá lên bộ, bộ đá lại về trường. Mọi việc đâu vào đó. Chỉ có người đọc tin trên báo thở dài ngao ngán cho một cung cách làm ăn phi hệ thống.

Bộ trưởng GD đương thời làm được vài vụ động trời. Chính sách mới “chống tiêu cực trong thi cử” xuất hiện ngay cuối năm học 2007. Kết quả nhãn tiền. Chỉ tính riêng hệ trung học phổ thông kỳ thi lần một chỉ có 67,5% đỗ tốt nghiệp (thậm chí có trường không đỗ học sinh nào). Tổ chức thi lại cũng chỉ đạt 80,38%.

Học sinh, phụ huynh, giáo viên kêu thấu trời xanh vì trước đó toàn đạt trên 95% tốt nghiệp. Bây giờ thành tích đi bay, con cái trượt phổ thông biết đi về đâu để hội nhập.

Tuy thế, dư luận xã hội khá đồng tình và người ta đợi trong tương lai gần, nền GD trồng người sẽ biết gieo nhân vào mảnh đất nào cho nẩy mầm xanh. Bao hy vọng lại nhen nhóm về một tương lai tốt đẹp cho công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa, mà thiếu tố chất giáo dục, thì vẫn là anh nông dân với cái cầy trên thửa ruộng trong thế giới toàn cầu hóa.

Và hết thời nhưng chuông vẫn ngân nga

Bốn năm trôi qua như bóng câu bay ngoài cửa sổ. Nghe nói thầy Nhân đã thôi chức “đương thời” để chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới, quan trọng hơn.

Thầy Đỗ Việt Khoa chán đời nên quyết định từ chức anh giáo làng và thành người…hết thời.

Nhà báo Xuân Oanh của VNN “bỗng” nhớ ra thầy Văn Như Cương, hiệu trưởng trường tư nhân Lương Thế Vinh rất nổi tiếng. Giáo sư này từng hùng hồn tuyên bố “sẽ nhận thầy Đỗ Việt Khoa về làm việc nếu thầy gặp khó khăn” hồi năm 2007.

Khi hay tin thầy Khoa sẽ nghỉ việc, trao đổi với VietNamNet chiều 21/5/2010, vị giáo sư râu dài đến ngực này nói “bây giờ thì tôi không nhận thầy nữa vì nhận thức đã thay đổi”. Thầy Cương có lý khi nói về sự “đương thời” của thầy Khoa có vấn đề không bình thường.

Mọi sự đồn đoán cũng chỉ là đồn đoán. Người ngoài cuộc không thể biết trong chăn có rận hay không. Thôi đành biết vậy vì nhìn trên ảnh, râu thầy Cương chả quặp đi chút nào.

Chỉ biết thầy Nhân đã hết thời bên Giáo dục, thầy Khoa hết thời của anh giáo trường làng “thấp cổ bé họng”, thầy Cương và thầy Trung vẫn đương thời làm…hiệu trưởng.

Người ta đang tự hỏi, rồi ngành giáo dục sẽ đi về đâu sau khi chứng kiến những bi kịch trên. Lời thề đổi mới phương pháp học tập theo xu hướng tiên tiến của thế giới, rồi đào tạo 20 ngàn tiến sỹ, tăng học phí cho giáo dục bậc đại học, tăng trách nhiệm tự chủ tài chính cho các trường đại học, không hiểu bây giờ đang ở hang cá trê nào.

Bước chân quan trường của ai đó vẫn rong ruổi trên đường đời, để lại phía sau những thông điệp, mới nghe rất hay, nhưng quả là khó thực hiện.

Đừng trách thầy Cương “thất hứa” hay thầy Trung “giữ ghế”, vì miếng cơm manh áo ở đời thực quan trọng hơn cả sự nổi tiếng đương thời ảo trên VTV hay thế giới online. Đừng chê báo chí đưa tin theo kiểu tung hô. Không có nhà báo làm sao những thông điệp về thay đổi có thể tới hàng triệu người đọc.

Chả nên trách thầy Nhân, vì trong một cơ chế bùng nhùng, “mắc lưới” là phải thôi. Đừng trách thầy Khoa bỏ cuộc vì có lẽ thầy và gia đình hiểu đời cay đắng hơn ai vì con thầy từng bị chuyển trường, cả nhà bị đe dọa. Cách làm của thầy có thể gây tranh cãi, nhưng trái tim và bầu nhiệt huyết dành cho thế hệ tương lai khỏi bàn cãi. Những gì hai thầy để lại phía sau cho ngành giáo dục rất đáng quí, là tiếng chuông cảnh tỉnh “cần thay đổi tận gốc sự nghiệp trồng người” sẽ ngân nga không bao giờ dứt.

Du học 40 năm trước, tôi từng nghe tiếng kèn tây da diết Hejnał Mariacki bỗng bị ngắt quãng ở thành phố cổ Krakow (Balan) vang lên từng giờ từ trên nóc nhà thờ St. Mary’s Basilica.

Theo dòng lịch sử, người thổi kèn xưa kia bị bắn tên trúng vào cổ khi ông tìm cách báo động quân địch xứ Mongolia của Thành Cát Tư Hãn đang tấn công thành phố. Hàng vạn người được cứu sống vì người lính dũng cảm này. Vì thế, tiếng kèn tiếp tục được thổi theo cách bị nghẹn lại cho đến hôm nay ở thành phố cổ có cung Vavel xinh đẹp dù đã sau cả ngàn năm.

“Tiếng kèn” Đỗ Việt Khoa từ miền đất hẻo lánh Vân Tảo nhằm chống tiêu cực trong giáo dục có thể bị nghẹn lại vì cơ chế. Với vài cá nhân có thể là thất bại, là mất mát, là hết thời như người lính thổi kèn thành Krakow.

Nhưng với số đông và dư luận báo chí xung trận, thì đó là bước tiếp theo. Thời vận của ngành này đã mở sang trang mới. Rồi một thầy cô khác sẽ bước theo Đỗ Việt Khoa như tiếng kèn Hejnał Mariacki tồn tại mãi với thời gian.
                                             Bùi Minh Trí cởi trần trên website Bộ GD.


Viết tới đây tôi chợt nhớ ra cậu học trò “hacker” Bùi Minh Trí tấn công trang chủ của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cậu bé 17 tuổi dám cởi trần “làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục ” thay thầy Nhân trên trang web trong mấy ngày.

Phải chăng, cũng như các lãnh đạo ngành khác, vị đứng đầu Bộ với trọng trách trồng người đôi khi phải có tố chất “không còn gì để mất” như Bùi Minh Trí cởi trần online. Lúc đó mới mong sự thay đổi thật sự đến từ nhiều phía, giải phẫu được khối u đang có nguy cơ sang giai đoạn cuối của ngành Giáo dục.

Hiệu Minh. 23/05/2010

PS. Entry này như một lời gửi gắm chân thành tới thầy Khoa, thầy Nhân và tất cả những ai đồng tình, giúp khuấy động công cuộc cải cách Giáo dục. Khi con tầu đã chuyển bánh thì khó mà dừng lại được. Đó cũng là cách Blog HM nhìn về hiện tượng Đỗ Việt Khoa.

(Nguồn: blog Hiệu Minh)


CHUYỆN VỀ THẦY ĐỔ VIỆT KHOA BÂY GIỜ MỚI KỂ XONG

Thảo Dân

Cuộc đời thầy Đỗ Việt Khoa đã làm nên hai sự kiện. Nhưng cả hai sự kiện ấy ngẫm đi ngẫm lại đều là những sự kiện buồn. Ngành giáo dục có thay đổi được gì đáng nói sau sự kiện thứ nhất thầy Khoa làm nên hay không? Tôi không dám chắc. Nhưng cuộc đời thầy Khoa thì thay đổi, nhưng là một thay đổi buồn…

Thầy Khoa đã dũng cảm lên án những “phần tối” trong nhà trường. Hồi đó, nhiều người cứ tưởng ngành giáo dục nhân cơ hội ấy mà dọn dẹp căn nhà có không ít nhếch nhác và bừa bộn của mình. Thế nhưng, ngày tháng cứ trôi đi, mọi chuyện trở lại yên ắng như không gian “bình yên” sau một tiếng nổ.

Ngay từ ngày ấy, không ít người có suy nghĩ cẩn trọng đã dự báo rằng: những động thái của ngành giáo dục đối với thầy Khoa chỉ là một cách đối phó và lựa theo dư luận chứ không phải muốn thay đổi thực sự. Bởi ngày ấy, sự kiện thầy Khoa là một “quả bom” làm chấn động dư luận.

Đến ngay cả một giáo sư danh tiếng và cẩn trọng như giáo sư Văn Như Cương cũng tuyên bố sẵn sàng bảo vệ thầy Khoa đến như thế cơ mà. Rồi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã về thăm thầy Khoa. Rồi các phương tiện truyền thông vào cuộc rầm rộ. Còn các giáo viên thì chỉ lấy sự kiện của thầy Khoa mà bàn tán, tranh cãi với người khen, kẻ chê… tán loạn.

Hầu như tất cả chúng ta bị sự kiện thầy Khoa cuốn đi và không làm sao cưỡng nổi. Nó cho thấy ngành giáo dục đã xuống cấp đến mức nào. Nó cho thấy xã hội muốn có một cuộc cách mạng đối với ngành giáo dục nước nhà. Nhưng hình như kết quả từ sự dũng cảm của thầy Khoa chỉ có tác dụng làm cho truyền thông “bốc” lên. Việc “bốc” lên của truyền thông cũng chẳng có gì lạ vì đó chính là một trong những đặc điểm của nó.

Thế rồi đến bây giờ, thầy Khoa lại làm ra sự kiện thứ 2 khi thầy buồn bã và có phần tủi thân thông báo sẽ rời bỏ ngành giáo dục vĩnh viễn. Sự kiện lần này không “nổ to” bằng sự kiện lần thứ nhất nhưng nghe cay đắng và ê chề hơn.

Nhưng cay đắng và ê chề hơn cho thầy Khoa khi xã hội nghe giáo sư danh tiếng Văn Như Cương chối từ không nhận thầy Khoa vào trường mình nữa cho dù thầy Khoa chưa chắc có ý định đó. Có một người bạn học thân thiết của thầy Khoa đã khóc như một nỗi tủi hổ khi đọc những lời của giáo sư Văn Như Cương trả lời báo chí và nói kỹ đến mức phũ phàng về thầy Khoa.

Anh thương bạn mình quá. Cho dù có những lúc anh đã tâm sự và khuyên thầy Khoa không nên làm thế này hay chỉ nên làm thế kia. Anh hiểu bạn mình có lúc đã không nhìn nhận vấn đề thật thấu đáo. Anh cũng hiểu bạn mình quả thực bị dư luận xã hội lúc đó có lúc làm cho “choáng váng”.

Nhưng anh hiểu bạn mình đấu tranh từ những ngày đầu là xuất phát từ sự chân thành và không thể đứng nhìn những trò phi giáo dục trong ngành giáo dục. Anh nói thầy Khoa không ảo tưởng gì về mình như lời giáo sư danh tiếng Văn Như Cương nói mà thầy Khoa cứ tưởng hầu hết những người trong xã hội ủng hộ thầy, đứng về phía thầy bởi những lợi ích cho chính con em họ hay vì lợi ích cho xã hội.

Thế là thầy Khoa lao vào chiến đấu với những gì mà cá nhân thầy cho rằng những cái đó đang nguy hại cho ngành giáo dục. Thầy Khoa cứ tin rằng phía sau mình là cả một biển người đi theo thầy. Nhưng thực ra người ta chỉ đứng xem thầy như một sự tò mò. Chỉ có rất ít người thực sự ủng hộ thầy mà cũng lo cho thầy. Và đếnkhi chiến đầu mãi không giành được chiến thắng, thầy Khoa quay lại và bắt đầu thấy hoang mang.

Cuối cùng, thầy tự đầu hàng. Cứ cho là những lời nhận xét của giáo sư danh tiếng Văn Như Cương là đúng thì có nên nói ra như thế không về một người là thầy Khoa đã phải dùng đến hạ sách cho cuộc đời mình.

Người bạn của thầy Khoa hiểu rõ rằng: nếu thầy Khoa có ảo tưởng bởi báo chí tung hô quá mức hay Người đương thời gì đó thì trong đó có cả sự ảo tưởng đến từ sự bênh vực của một người danh tiếng chính là giáo sư Văn Như Cương. Tìm hiểu ra mới thấy giáo sư Văn Như Cương là một trong những người làm thầy Khoa tin tưởng mãnh liệt nhất. Bởi thầy Khoa vô cùng kính trọng giáo sư và hoàn toàn tin sự lên tiếng sẵn sàng nhận thầy Khoa đã làm thầy Khoa như bị “sốc” thuốc.

Không phải thầy Khoa tin vào việc giáo sư danh tiếng Văn Như Cương nhận thầy Khoa khi có mệnh hệ nào để mình vẫn có việc làm mà nuôi con, mà thầy Khoa tin vào việc mình đấu tranh là hoàn toàn đúng. Cũng như những món quà tặng hay bằng khen thì không phải là bằng khen hay quà mà là lòng tin của thầy Khoa vào việc làm của mình và tin vào xã hội quanh mình.

Nhưng sau những ngày “thăng hoa”, những người đứng về phía thầy Khoa và lên tiếng về ngành giáo dục dần dần rút lui và để lại trận chiến cho một kẻ duy nhất là thầy Khoa. Thế là thầy Khoa chẳng biết “kẻ thù” của ngành giáo dục đang ở phía nào. Thầy Khoa những ngày tháng sau đó giống như một người lính chẳng có người chỉ huy. Nhưng trong lúc đó, quanh thầy đầy tiếng la ó, tiếng dọa dẫm của “kẻ thù”. Vì thế, thầy Khoa có hoảng hốt mà “bắn” loạn xạ âu cũng là chuyện dễ hiểu.

Lúc đầu tôi cứ nghĩ sự kiện đầu của thầy Khoa đã kể xong câu chuyện về ngành giáo dục và về xã hội chúng ta. Nhưng đến khi sự kiện thứ hai của thầy Khoa xẩy ra thì mới ngã ngửa người ra rằng: câu chuyện về thầy Khoa bây giờ mới kể xong.

Vâng câu chuyện đã kể xong. Nghe mà buồn thấu ruột. Nghe mà ứa nước mắt về nhiều chuyện. Không biết thầy Khoa và những người hiểu đúng câu chuyện này sẽ buồn đến khi nào?

(Nguồn: VNN)

THƯA THẦY VĂN NHƯ CƯƠNG 
Thanh Chung

Thưa thầy,

Khi gõ tên thầy với đầy đủ dấu tiếng Việt, trong vòng 0,41 giây, anh “Google” cho 7,690,000 kết quả. Theo Wikipedia, ” Văn Như Cương (sinh 1937) là một nhà giáo Việt Nam, nhà biên soạn sách giáo khoa phổ thông và giáo trình đại học bộ môn hình học, Ủy viên Hội đồng giáo dục quốc gia Việt Nam. Ông là một Tiến sĩ toán học, được phong học hàm phó giáo sư. Nhiều bài báo có ghi ông là Nhà giáo Nhân dân, tuy nhiên ông đã chính thức phủ nhận việc ông có danh hiệu này. Ông là người đầu tiên lập ra trường dân lập tại Việt Nam vào thời kỳ đổi mới [2] là trường trung học phổ thông Lương Thế Vinh-Hà Nội.”

Năm 2001, con trai em thi tốt nghiệp trung học cơ sở với tổng số trên 50 điểm cho sáu môn. Cháu đỗ vào chuyên Pháp hệ B trường Amsterdam và hệ A trường Chu Văn An, nhưng em vẫn quyết tâm nộp hồ sơ cho cháu vào trường Lương Thế Vinh của thầy. Ơn giời, cháu đủ điểm vào lớp A1 – nghĩa là “chọn của chọn”. Tỷ lệ đỗ đại học ở các lớp này thường đạt từ 90 đến 100%. Đến tận thời điểm này, em chưa hề ân hận về quyết định đó của mình, mặc dù con trai em và các bạn nó luôn nói: “mẹ muốn biết về trường LTV thì phải hỏi con”. Gần đây nhất, khi cô bạn em nhờ tư vấn về các trường cấp 3 trong nội thành Hà Nôi, em lại khuyên cô ấy cho con thi vào Lương Thế Vinh. Kể dài dòng như vậy chỉ cốt để nói rằng em đã ngưỡng mộ và kính trọng thầy biết nhường nào.

Thưa thầy Văn Như Cương, cách đây vài ngày, báo chí lề phải và dân cư mạng rộ lên chuyện thầy Đỗ Việt Khoa xin nghỉ việc. Sẽ chẳng có lý do gì để nhắc đến tên thầy trong “sự kiện ĐVK” nếu không có lời hứa của thầy cách đây bốn năm. Mặc dù đã xác định với báo chí sẽ “ở nhà giúp đỡ vợ chăm sóc, dạy 2 đứa con cho tốt, phụ vợ đi chụp ảnh, cài đặt máy tính, internet”, nhưng em tin trong thâm tâm, thầy Khoa vẫn trông chờ vào sự ủng hộ của dư luận xã hội, của ban lãnh đạo Bộ GD-ĐT và cả của ông hiệu trưởng trường Dân lập danh tiếng LTV. Việc thầy Khoa lên gặp lãnh đạo Bộ GD-ĐT thông báo quyết định của mình được xem như cố gắng cuối cùng của người bơi ngược dòng đã đuối sức, hy vọng một chiếc phao sẽ được quăng ra trước khi bị dòng nước nhấn chìm.

Thưa thầy Văn Như Cương, thầy hoàn toàn có quyền rút lại lời hứa khi nhận thức của thầy về ĐVK thay đổi. Bốn năm đủ để cho một tân sinh viên trở thành cử nhân, đủ để cho một nghiên cứu sinh hoàn thành luận án tiến sĩ, và cũng đủ để cho một người từng ở vị trí “đương thời” ngã ngựa trở thành kẻ thất thế vì thiếu thức thời. Em và nhiều người có thể tin ĐVK đã quá ấu trĩ và ‘dại dột’ khi quyết định đơn thương độc mã chống lại tiêu cực trong thi cử của ngành giáo dục. Nhưng em không tin ĐVK “không bình thường cả về tư duy, nhận định và đánh giá mình” như thầy đã trả lời phóng viên Kiều Oanh trên báo Vietnamnet.

Nếu một diễn viên điện ảnh có thể ứng cử để trở thành tổng thống Mỹ như ngài Ronald Reagan, hay thống đốc bang California - Arnold Schwarzenegger thì tại sao một giáo viên tâm huyết với nghề không thể tự ứng cử đại biểu quốc hội? một luật sư tài cao, học rộng như Cù Huy Hà Vũ không thể tự ứng cử vào vị trí Bộ trưởng? Nếu do “không bình thường” mà ngài luật sư CHHV phát đơn kiện Thủ tướng trong dự án Bô-xit, mà thầy ĐVK kiện BGH trường Vân Tảo vì những thu chi tài chính thiếu minh bạch thì em kính trọng lòng dũng cảm đến “bất bình thường” của họ.

Thưa thầy, thầy nói sở dĩ ĐVK bị bạn bè đồng nghiệp cô lập là vì anh luôn kè kè máy ghi âm và máy ảnh ở mọi lúc mọi nơi. Nếu phải sống ở môi trường mà đi chậm 2 phút sẽ không được vào họp Hội đồng; gọi hết hơi khản tiếng không thấy ai, nhưng chỉ vừa trèo qua cổng thì hai ông bảo vệ lập tức xuất hiện (như đã rình sẵn) áp tải đi trước con mắt của đồng nghiệp và học trò như một kẻ tội phạm thì liệu ĐVK có nên tìm mọi cách để tự bảo vệ mình không? Bẫy giăng ra khắp nơi: từ nhà đến trường, từ cổng trường lên lớp. Sống trong môi trường như vậy mà ĐVK không bị “tâm thần” mới là chuyện lạ. Thầy tin rằng ĐVK “có vấn đề” bởi chẳng thể nào tất cả mọi người từ thanh tra của Sở tới bạn bè đồng nghiệp, từ ông hiệu trưởng cũ bị “gặp hạn” đến ông phó phòng giáo dục mới được điều về đều chống lại Khoa. Nếu phải bỏ ra ba chục triệu để “chạy” một suất biên chế trong hệ thống trường công; nếu phản đối cán bộ lãnh đạo sẽ bị trù dập, mất việc làm thì em tin khi ông hiệu trưởng gọi “con bò” là “giống lợn ăn cỏ”, đa số giáo viên cũng sẽ ồ à “lợn, lợn”. Người không đồng tình sẽ cúi mặt lặng thinh. Nếu ông hiệu trưởng trường Vân Tảo tổ chức bỏ phiếu “bất tín nhiệm” với ĐVK bằng cách giơ tay biểu quyết, em đồ rằng chẳng có ai dám cả gan ngồi im. Thầy từng là người tiên phong đi đầu trong việc mở trường Dân lập để được thực hiện ý tưởng của mình, sao thầy vẫn còn tin vào “tâm lý đám đông”?

Thưa thầy, trong bối cảnh giáo dục hiện nay, có 1001 lý do khiến các trường dân lập ngại nhận ĐVK. Họ bị áp lực từ phía các cổ đông, từ phía cha mẹ học sinh và cả từ phía báo chí. Bên cạnh những trường dân lập có chất lượng cao như LTV, Marie-Cuirie, Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) được “quyền” tuyển sinh ngang ngửa với hệ thống trường chuyên lớp chọn Amsterdam, Chu Văn An, chuyên Sư phạm, chuyên Tổng hợp… nhiều trường dân lập chỉ nhằm mục đích “trông trẻ” và “xóa mù” cho tất cả những “cậu ấm, cô chiêu” không có chỗ trong các trường công đúng tuyến và trái tuyến. Dù trường LTV của thầy được biết đến như một “trại lính” vì tính kỷ luật cao: Không có học sinh nhuộm tóc “hi-lite”, móng chân móng tay tô vẽ, mặc áo hai dây, mặc quần trễ cạp tới trường; Nổi tiếng về nghiêm túc trong thi cử: đề thi kiểm tra 1 tiết, cuối học kỳ đều do các chuyên gia giáo dục soạn thảo; bài thi của học trò được giao cho một cơ quan độc lập đánh giá, cho điểm; bàn học được thiết kế như ở các nước phát triển, không có ngăn bàn để ngăn chặn quay cóp… thì các vị phụ huynh vẫn không muốn có thêm gánh nặng tâm lý cho con em mình khi có một vị “hắc tinh” của bệnh thành tích và những thói tiêu cực trong Hội đồng nhà trường. Các cổ đông sẽ không để cho ngài chủ tịch Hội đồng quản trị yên ổn khi “thượng đế” của mình ùn ùn kéo nhau đến chuyển con em mình sang trường khác. Nhận ĐVK, ông hiệu trưởng sẽ được báo chí tung hô như “người đương thời” một thưở, để rồi trường họ trở thành “điểm đến”cho những đoàn thanh tra giáo dục, của phóng viên hàng trăm tờ báo giấy và báo “net” với nhưng tiêu đề giật gân câu khách. Nhiều khi “cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”.

ĐVK đã mệt mỏi sau bốn năm làm chàng Đonkiôtê. Con gái anh từng không muốn nhận là “con bố Khoa”, vợ từng muốn dắt con bỏ đi khỏi làng vì sự ghẻ lạnh của đồng nghiệp của chồng và cộng đồng. “Tôi không xin nghỉ thì họ cũng sẽ cho thôi việc”. Theo pháp lệnh công chức, hai năm liên tục không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị buộc thôi việc. Đằng này bốn năm liền ĐVK là giáo viên duy nhất không hoàn thành nhiệm vụ. BGH trường Vân Tảo chưa buộc anh thôi việc chắc còn vì “nể người anh hùng” của ngài cựu bộ trưởng NTN. ĐVK đã tự nhận mình thua cuộc, đã buông xuôi mọi thứ. Đối thủ của anh phủi tay, thở phào nhẹ nhõm. Người khôn ngoan rút được kinh nghiệm cho mình, rút sâu vào trong vỏ ốc. Kẻ “non gan” từng ngấm ngầm ủng hộ anh nay lại ngấm ngầm đau khổ. Giáo dục nước nhà như cỗ pháo tuột dây đang trôi xuống dốc. Thêm một Tô Vĩnh Diện nữa hy sinh.

Thưa thầy Văn Như Cương, thầy hoàn toàn có lý khi không ném ra một sợi dây cho ĐVK lúc anh sắp trôi vào vùng nước xoáy. Nhưng giá như không có bài trả lời phỏng vấn của thầy trên Vietnamnet ngày 23 tháng 5 vừa rồi, số người cho rằng anh “dại dột” sẽ cao hơn số người bị thuyết phục rằng anh “có vấn đề về tâm thần”. Độc giả tin tưởng vào “vị Phó giáo sư lẫy lừng VNC” là chuyện đương nhiên. Chỉ có em tự nhiên lẩn thẩn, thấy như kẻ vừa bị ngã ngựa đã bị vó ngựa hất thêm xuống vực. Buồn!

(Nguồn: Blog Thanh Chung)


CUỘC CHIẾN KHÔNG CÂN SỨC

Da Vàng

Mấy ngày qua dư luận đang xôn xao về việc thầy Đỗ Việt Khoa xin nghỉ dạy học tại Trường THPT Vân Tảo (Thường Tín, Hà Nội). Thế là một lần nữa chuyệnvề thầy Đỗ Việt Khoa trở thành đề tài cho báo chí và các blogger bình luận.

Tôi đón nhận tin này bình thường như một sự thật hiển nhiên, như một quy luật tự nhiên vốn dĩ phải vậy.

Chuyện thầy Đỗ Việt Khoa xin nghỉ dạy là hệ quả của những điều tất yếu.

Tạm thời không bàn đến những lỗi cá nhân mà thầy Đỗ Việt Khoa mắc phải như quá đề cao bản thân khi có ý định trở thành đại biểu Quốc Hội. Dẫu biết rằng đó là quyền và suy nghĩ của cá nhân mỗi người, tuy nhiên để trở thành người đại biểu của dân thực sự thì cần có những điều kiện khác nữa chứ không chỉ có những hành động mang tính nhất thời.

Trong phạm vi bài viết ngắn này, tôi chỉ bàn đến những lý do dẫn đến quyết định xin nghỉ dạy của thầy Đỗ Việt Khoa.

Trước hết, thầy là nạn nhân của sự tung hô quá trớn từ báo chí. Đỗ Việt Khoa từ một ông giáo làng bổng chốc trở thành người hùng, trở thành nổi tiếng, trở thành “người đương thời”, …

Trong một xã hội mà những tiêu cực trong thi cử tràn lan, mọi người ai cũng đều nhìn thấy thực trạng này như một cái ung nhọt của ngành giáo dục nói riêng, của xã hội nói chung thì việc làm của thầy Khoa được mọi người xem như người sáng mắt giữa thế giới người mù. Rất dễ bị những người xung quanh xem là “không bình thường” rồi xa lánh, cách ly, trù dập.

Sau khi những phát hiện và tố cáo của Thầy Khoa thì hàng loạt các phong trào được tạo ra như: Nói không với gian lận trong thi cử, phong trào hai không, ba không, … Các phong trào này có sức sống yếu ớt để rồi sau đó mọi chuyện lại trở về với cái thuở ban đầu ấy.

Nếu báo chí và các nhân vật có liên quan nhân cơ hội đó mà tạo được một tiếng nói mạnh, có những giải pháp đủ sâu và rộng để giải quyết vấn nạn gian lận trong thi cử, chạy điểm, chạy trường, … thì kết cục nghề giáo của Thầy Khoa đã khác.

Báo chí dựng lên “người đương thời” nhưng sau đó lại để “người đương thời” ấy lạc lõng một mình loay hoay chiến đấu giữa muôn trùng vây kẻ địch. Cuộc chiến đấu này quả là cuộc chiến không cân sức, để rồi Thầy Khoa giống như chàng hiệp sĩ Đôn-Ki-Hô-Tê chiến đấu một cách yếu ớt, vô hồn với những cối xay gió.

Người đương thời giờ đây trở thành người hết thời, nghiệp trồng người bị gián đoạn nữa chừng, bị mọi người xung quanh ghẻ lạnh, xa lánh.

Phải chăng việc thầy Khoa xin nghỉ dạy là hệ quả tất yếu của cuộc chiến không cân sức trong công cuộc đấu tranh cho một nền giáo dục trong sạch, phát triển, nhân văn.

Người đương thời rồi sẽ là ai? Ai sẽ là người dám nói lên tiếng nói lương tâm? Ai dám nói lên tiếng nói về một tương lai giáo dục sánh ngang tầm thời đại mới?

(Nguồn: Blog Da Vàng)


THI CỬ TẾ CA

Nguyễn Quang Lập


Hỡi ôi!
Thi cử An Nam; lòng dân trời tỏ.
Mười hai năm đèn sách, chưa chắc còn danh nổi tợ phao; một cuộc vượt vũ môn, tuy là rớt tiếng vang như mõ.

Nhớ linh xưa:
Cung cúc chấp hành; toan lo Sở, Bộ.
Chưa quen nói thật, đâu biết làm ngay; chỉ biết khai man, biến không thành có.
Việc dối, việc gian, việc bơm, việc nịnh, tay vốn quen làm; tập liêm, tập chính, tập kiệm, tập cần, mắt chưa từng ngó.
Ôn tập tủ phập phồng hơn mươi tháng, trông tin quan như trời hạn trông mưa; mùi lộ đề vấy vá nửa trăm năm, ghét thi thật như nhà nông ghét cỏ.
Bữa thấy sở về thăm trường lớp, muốn tới xun xoe; ngày xem trát Bộ nhắn nhe, muốn ra bợ đỡ.
Một núi sách ôn đồ sộ, há để trên thua lỗ được a; hai tốt Bộ phán chói lòa, hay là để treo dê, bán chó.
Muốn giật cờ, bằng, phần thưởng, phen này xin ra sức báo công; chẳng thèm ôn tập luyện thi, chuyến này dốc ra tay quan hệ.

Khá thương thay:
Vốn chẳng phải học hàm, học vị, theo dòng mua tước bán danh; chẳng qua là dân ấp, dân lân, giỏi chạy chọt nên ông này bà nọ.
Thanh tra đoàn to toán nhỏ, cưỡi ngựa xem hoa; giám sát tốp dưới tổ trên , nghe hơi nồi chõ.
Ngoài cật có một manh áo vải, phải lo che cho hết phao thi; trong tay cầm một ngọn bút bi, cần giấu kín mobile, ipod
Phao thi nhét trong nịt ngực, cố bôi cho hết sáu câu; công thức chép kín hai đùi, toan nuốt trọn mấy bài thi khó.
Chẳng quản thanh tra, giám sát, đạp rào lướt tới, có họ cũng như không; nào sợ bảo vệ, công an, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có.
Kẻ câu phao, người người tin nhắn, làm cho giám thị thất kinh; bọn hè trước, lũ cửa sau, trối kệ hội đồng nhăn nhó.

Ôi !
Những lăm đổi mới trường thi; đâu biết ngọn tre đơm đó.
Một giấc ủy viên rằng chữ hạnh, nào hay kiếm mướt mồ hôi; trăm năm phó thủ tướng ấy chữ quy, vận hạn xem chừng cũng khó.
Đoái trông tốt nghiệp thí sinh mấy vạn sầu giăng; nhìn chốn học đường, già trẻ hai hàng lụy nhỏ.
Chẳng phải học thật, dạy hay bốn cõi, mà chống bệnh thành tích cho cam tâm; vốn không tu nhân, tích đức lâu năm, mà hiệu lực bốn không cho đáng số.

Nhưng nghĩ rằng:
Đã thi thì phải đỗ, tài bồi trường, sở bằng khen; phết phẩy cho vài điểm thêm, mắc mớ chi ông cha nó.
Vì ai khiến thầy trò khó nhọc, tốn kém quà cáp phông bao; vì ai xui gửi gắm cho nhau, mớm bài làm hộ.
Phải biết chi cho ban phúc khảo, thay bài thi thêm điểm dổm, mới gọi là khôn; Chớ nghe theo đám thật thà, không luồn dưới, chẳng đút trên, thế thì trượt cho chỏng vó.
Thà tốn mà được bằng tốt nghiệp, về theo tổ phụ cũng vinh; hơn còn mà chịu chữ hỏng thi, năm sau lại thi rất khổ.

Ôi thôi thôi !
Dột từ nóc, quanh năm hô khẩu hiệu, tấm lòng son vứt xó chẳng ai dùng; chuyện thi đua nói thế để mà chơi , chỉ tội nghiệp đám trung thần tưởng bở.
Đau đớn bấy, mẹ già ngồi khóc trẻ, tiền ôn thi ba sào lúa chưa xong; não nùng thay, vợ yếu chạy tìm chồng, bầy thi hỏng vật vờ trước ngõ.

Ôi !
Hết một mùa thi, vạn người kêu khổ.
Trên dưới vẫn quen lề thói cũ, hèn chi bốn phía mây đen; ông cha ta nói lắm mỏi mồm, ai cứu đặng một phường con đỏ.
Học mà dối, nhà rồi còn khổ, bà con buồn chúng bạn cười chê; thi mà gian, nước sẽ u mê, nền giáo dục muôn đời khốn khó.
Học phải thật, thi càng phải thật, mới giúp cho đất nước chấn hưng, muôn kiếp nguyện giữ gìn xã tắc; sống vì dân, thác cũng vì dân, lời dụ dạy đã rành rành, chớ bán đứng sông này núi nọ.
Nước mắt trường thi lau chẳng ráo, thương vì hai chữ thi đua; bằng tốt nghiệp mực chưa khô, cám bởi một câu thành tích.
Hỡi ôi thương thay !
Có linh xin hưởng.


Nguồn: Blog Quê Choa
http://quechoablog.wordpress.com/2010/05/25/gap-thoi-duong-thoi-va-het-thoi/