Lưu trữ Blog

26 tháng 7, 2011

Hà Tiên thập vịnh Mạc Thiên Tích



HỌC MỖI NGÀY. Hà Tiên thập vịnh là mười bài thơ vịnh thắng cảnh Hà Tiên của Mạc Thiên Tích do Đông Hồ dịch. GSTS. Nguyễn Văn Luật gửi chuyển tiếp từ Tin Chu (chtinrgkg@gmail.com). Chúng tôi giới thiệu tác phẩm Song ngữ Việt Anh này và mong muốn nhận được các hiệu định, dịch, họa, bình đối với thi phẩm. Mạc Thiên Tích (鄚天錫)tự là Sĩ Lân (士麟),còn gọi là Mạc Thiên Tứ (鄚天賜),là danh thần đời chúa Nguyễn. Ông sinh năm Mậu Tuất (1718) và mất năm Canh Tý (1780). Ông là con Tổng binh Mạc Cửu - người không đội trời chung với triều Mãn Thanh, khi nhà Minh bị diệt, đã gần như cùng lúc với Trần Thượng Xuyên ở Cù lao Phố, Dương Ngạn Địch ở Mỹ Tho, Mạc Cửu cũng rời bỏ Trung Hoa để đến dựng nghiệp ở Hà Tiên, sau đó với nhãn quan chính trị sâu rộng đã hết lòng phò chúa Nguyễn và được chúa Nguyễn phong là Tông Đức hầu. Khi Mạc Cữu qua đời (1735), lúc ấy Mạc Thiên Tích 29 tuổi, đã nối nghiệp cha lập được nhiều công lao chính trị quân sự, kinh tế, văn hóa to lớn, được chúa Nguyễn Phúc Trú phong chức Tổng binh Đại đô đốc. Ông tiếp tục sự nghiệp khai khẩn miền Tây Nam Bộ, biến vùng đất Hà Tiên trở thành đất văn hiến, phồn vinh, nhiều lần chống trả lại các cuộc xâm lấn của các lân bang Xiêm La và Chân Lạp. Thi sĩ Đông Hồ đã có thơ ca ngợi công trạng của hai cha con họ Mạc đối với non sông Việt "Chẳng đội trời Thanh Mãn/ Lần qua đất Việt bang/ Triều đình riêng một góc/ Trung hiếu vẹn đôi đường/ Trúc thành xây vũ lược/ Anh Các cao văn chương. Những người như Mạc Cữu, Mạc Thiên Tích cũng như Alexandre Yersin (1863-1943)đã chọn đất Việt làm quê hương và đã làm rạng dạnh cho xứ sở.

HÀ TIÊN THẬP VỊNH

tác phẩm của Mạc Thiên Tích

(Đông Hồ dịch)


1. Kim Dự Lan Đào

Một dẫy non xanh nước bích liền.
Giăng ngang mạch đẹp sông tiên.
Đông Nam sóng biển bằng trang cả.
Trên dưới trăng trời sáng rực lên.
Rồng cá vẫy vùng trong cõi nước.
Đá cây xan xát khắp ven miền.
Nghìn thu tiếng gió quanh chân sóng.
Đậm nhạt trăng treo nét lạ nhìn.

2. Bình San Điệp Thúy

Cây xanh ngăn ngắt vút cao cao.
Ngọn dựng bình dăng đẹp mĩ miều.
Mây sáng vây quanh hình nu1o rõ.
Đất trời bền vững nền linh tý,
Mây khói vời xa nỗi ước ao.
Danh thắng Hà Tiên đâu dám bảo.
Cây ngàn mơn mởn biết xanh gieo.

3. Tiêu Tự Thần Chung

Lác đác trời tàn nhạt ánh sao,
Chuông chùa xa vắng tiếng đưa vào.
Mơ màng cõi tục người tiên lẫn
Đồng vọng bờ cây bến nước xao.
Hạc để tiếng vương cành gió thoảng.
Quạ đưa lời gởi ngọn trăng cao.
Gối nghiêng giấc tỉnh đêm mê mộng
Sớm giục canh gà tin khát khao.

4. Giang Thành Dạ Cổ

Gió cuốn trời cao mây lạnh tung,
Sông dài vây tỏa khí anh hùng.
Lâu thuyền dãi bóng trăng sương lạnh,
Trống mõ cầm canh sóng nước trong.
Kim giáp đã nhờ đêm chặt chẽ
Cẩm bào cho được chốn thung dung.
Lược thao đem đáp tình minh chúa.
Nước Việt biên thùy vững núi sông.

5. Thạch Đông Thôn Vân

Xanh xanh ngọn đá chạm thiên hà
Động bích long lanh ngọc chói lòa.
Chẳng hẹn khói mây thường lẩn quất.
Không ngăn cây cỏ mặc la đà.
Phong sương càng dãi màu tươi đẹp
Nhật nguyệt chi ngừng bóng lại qua
Chót vót tinh hoa đây đã hẳn.
Theo chiều gió lộng vút cao xa.

6. Châu Nham Lạc Lộ

Bóng rợp mây dâm phủ núi non.
Bay la bay lả trắng hoàng hôn.
Góc trời thế trận giăng cây cỏ.
Đóa ngọc hoa rơi khắp bãi cồn.
Trăng dãi non treo làn thác đổ.
Chiều tà cát lẫn ánh mây tuôn.
Trên đường bay nhảy bao xuôi ngược
Nghĩ cảnh dừng chân bến nước còn.

7. Đông Hồ Ấn Nguyệt

Khói lạnh mây tan cõi diểu mang.
Một vùng phong cảnh giữa hồng quang.
Trời xa mặt sóng in đôi bóng.
Biển bạc vành gương dọi bốn phương.
Rỗng đã sánh cùng trời bát ngát,
Sâu còn so với biển mênh mang.
Cá rồng tỉnh giấc chi tan vỡ,
Một tấm lòng băng vẫn chói chang.

8. Nam Phố Trừng Ba

Một vùng xanh ngát một doành khơi.
Bãi nối màu thu tiếp sắc trời.
Mưa khéo mây đem về kết tụ
Gió nào cho sóng động tăm hơi.
Biển hâng hẩng sáng triều tuôn dẫy,
Buồm nhẹ nhàng đưa khỏi thoảng trôi.
Vực thẳm cá rồng còn ẩn náu.
Êm đềm nước ngậm bóng trăng soi.

9. Lộc Trĩ Thôn Cư

Lều tre giấc tỉnh gió lay mình,
Tiếng quạ ồn chi trước mái tranh.
Ráng xế treo ngang khung cửa tím
Cây vườn che lợp luống rau xanh
Tánh rần mộc mạc hươu nai dại
Lòng thích thơm tho nếp tẻ thanh.
Ai đó hỏi thăm nơi chốn ở.
Lưng trâu tiếng sáo lặng làm thinh.

10. Lư Khê ngư bạc

Bóng chiều nắng ngả dòng sông thẳm,
Rạch Vược đèn ngư khói chập chùng
Bến cũ nhấp nhô thuyền đỗ sóng
Vờ xa san sát lưới phơi trăng
Cánh tơi sáo thấm sương pha buốt,
Mái trúc chèo khuya nước sáng trưng.
Lồng lộng vời trông cười thử hỏi
Cá rồng vùng vẫy chốn nầy chăng.


TEN POEMS OF HA TIEN

Chinese original by Mac Thien Tich

Vietnamese by DONG HO


1. THE FORTRESS MOUNTAIN

A series of green mountain blue water links
Transversally hangs the Deities river
Southeast sea waves all are flat.
Up down the celestial moon brightens strongly
Dragon fish freely swim in aquatic world
Stones & trees are self-close along the coast
Eternally the wind blows around wave foot
Contrast the moon hangs with strange traits.

(100.0)


2. THE BINH SAM MOUNTAIN

Very green trees stand up high.
Their tops are beautiful & charming
Clear cloud surrounds clearly mountain picture
The universe is sustainable the holy first Earth stem
Smoke far way induces wishes
The tourist attraction of Ha Tien no one dare say
Forest trees very young know green sowing

(100.0)

3. The TAM-O’- SHANTER PAGODA

Sparsely, the sun sets light starlight
Far pagoda bell just sounds in
Dream the world life mixed with Deities.
From fields, tree hedges & wharfs flutter
The crane lets the wind lightly blow.
Crows send messages to the high moon
Inclining pillow wakes up from nightmare dream
Hasten the hour to aspire news

(100.0)

4. THE STRONGHOLD OF GIANG THANH

The wind whirls high sky & cold clouds.
Long river encircles the hero will
Long boats exposed to the moon & cold dew
Drums & tocsins mark times clear water wave
Golden shields thanks to close night
Brocade robe gained a free place
Tactics we helped the great lord
Viet Nam border is sustainable with the country

(100.0)

5. THE THACH DONG MOUNTAIN

Greener and greener rock top touches the Galaxy
Blue cave sparkle pearls blindingly dazzling
No dating smog lurks about
Not prevent the flora unsteadily wear
Wind and dew more expose their beauty
Sun and moon just stop then pass by
Very high the essence yet surely
Go with the wind to far high.

(100.0)


6. The DA DUNG mountain

Shady cloud covers mountains & hills
It flies low white at dusk.
Sky corner matrices web the flora
Pearly flower falls everywhere the dune
The moon hangs on the waterfall
At dusk sand mixed with cloud down
On the road back and forth how many times
Think of stop in the wharf existing

(100.0)

7. The DONG HO Lagoon

Smoke cold cloud disperses in magic world
On an area, scenery is in amid red light
The far sun waves print two shadows.
Silver sea looking glass brim lightens four corners
Empty compared with vast sky
Deep also compared with immense sea
Dragon fish wakes up whatever broken
A heart frozen is still blazing

(100.0)

8. Chilly Beach

An area very green is a watercourse
Colorful dune contacts sky color
Rainwater brought by cloud condenses
Which wind makes wave shaking?
Sea at dawn tides rise up
Sails lightly shoot floating
Deep abyss dragon fish still hide
Softly water feels deep moonlight

(100.0)

9. The MUI NAI hamlet

Bamboo canvas wake the wind shook
Crow yells so loudly before thatched roofs.
Eve cloud hung transversally violet doorframe
Garden trees cover green vegetable beds
Snake character is simple as wild deer stag
The heart likes the scent of green rice.
Who inquires habitats
Buffalo back the flute keeps silent

(100.0)

10. Silver fish at LU KHE

In eve shadow, sunlight inclines on deep river
Bass arroyo fish light smoke rolls
Old wharf up and down boats anchored.
Far seems close nets exposed to the moon.
Wings torn mina impregnated cold dew
Bamboo oars in late night stir clear water
Immensely watch smile and try to ask
Dragon fish freely swim this place

(100.0)

Aloha from Rach Gia City, 23-07-2011

xem tiếp:

NGỌC PHƯƠNG NAM

22 tháng 7, 2011

Tiễn đưa Condo của chúng ta, của Tây Nguyên




HỌC MỖI NGÀY. Nhà văn Nguyên Ngọc trên Sài Gòn Tiếp Thị Online đã viết bài "Tiễn đưa Condo của chúng ta, của Tây Nguyên": Hôm nay chúng ta tiễn đưa về cõi vĩnh hằng một nhà bác học lớn, một người bạn lớn của Việt Nam, đặc biệt của các dân tộc Tây Nguyên, người, tôi tin vậy, cho đến giờ phút cuối cùng vẫn không ngớt nỗi nhớ dằng dặc và nội lo đau đáu về Tây Nguyên của chúng ta, của ông. Vì Tây Nguyên đối với ông đã trở thành “một loại hình sống”. Hãy biết yêu và lo như ông. Yoo Condo thân thiết của người Mnông Gar (ảnh).


SGTT.VN - Georges Condominas đã ra đi trong đêm thứ bảy 16 rạng sáng chủ nhật 17.7.2011. Thế giới vừa mất một trong những nhà dân tộc học lớn nhất của mình. Chắc chắn trong những ngày đến sự kiện này sẽ gây xao động không chỉ ở Pháp, và ở Việt Nam, nơi nhà bác học này đặc biệt gắn bó. Và tôi chắc ở một nơi sâu tít trong tận cùng Tây Nguyên, tại cái làng nhỏ có tên là Sar Luk bên bờ con sông Krong Nô hoang vắng, dưới chân dãy Chư Yang Sin hùng vĩ, một dân tộc rất nhỏ tên là dân tộc Mnông Gar sẽ làm lễ bỏ mả cho ông, Yoo Condo thân thiết của họ - Yoo là cách người Mnông Gar gọi người nơi khác đến mà đã trở nên ruột thịt.

Tôi đã may mắn được là một người bạn nhỏ của con người vĩ đại ấy, và cách tôi được gặp và quen ông thật lạ, cũng có thể là tiêu biểu cho một trong những tính cách độc đáo của ông. Hơn 30 năm trước, một hôm đang ngồi làm việc ở nhà, tôi nghe điện thoại reo và bên kia đầu dây một người nói với tôi bằng tiếng Pháp: “Tôi vừa từ Paris sang, một chị bạn của anh bên ấy nhờ mang cho anh mấy cuốn sách, làm sao trao được cho anh?”. Tôi cám ơn và xin ông cho biết tôi có thể đến gặp ông ở đâu để nhận sách. Ông trả lời: “Tôi là Geoges Condominas, hiện ở khách sạn X, anh có thể đến khoảng 2 giờ chiều nay không?” Không thể nói hết sửng sốt của tôi, hóa ra một nhà bác học lớn, mà tôi đã được đọc một số tác phẩm nổi tiếng, vừa gọi điện cho tôi và chỉ mấy tiếng nữa tôi sẽ được gặp ông! Mươi phút sau, điện thoại lại reo. Vẫn là Condominas. “Thôi, anh không cần đến khách sạn đâu. Tôi có một người bạn ở Hà Nội biết nhà anh, tôi sẽ đến chỗ anh ngay bây giờ, được không?”.

Tả sao hết hồi hộp. Mươi lăm phút sau một chiếc xe máy đổ xịch trước thềm: nhà dân tộc học lừng danh thế giới, người thầy của bao thế hệ dân tộc học khắp năm châu, đến nhà tôi bằng xe ôm! Tôi còn nhớ mãi hình ảnh Condo hôm ấy, cũng sẽ là hình ảnh quen thuộc những người biết ông hẳn còn mãi ghi nhớ: chiếc áo vét tông lụng thụng và hơi nhàu, không hề có cà vạt, chiếc mũ phớt hơi rộng vành màu nâu nhạt. Ông ở chơi với tôi gần suốt buổi, say sưa trò chuyện về Tây Nguyên, ông hỏi tôi lên Tây Nguyên từ năm nào, cười bảo “Thế là thua tôi rồi, tôi đến Tây Nguyên trước anh một năm cơ …”. Cuộc trò chuyện sôi nổi, song cũng nhiều lúc chùng xuống, chúng tôi chia sẻ cùng nhau niềm nhớ và nhất là nỗi lo đau đáu về vùng đất xiết bao ruột thịt với cả hai chúng tôi, đang trải qua những thử thách có lẽ là lớn nhất, nặng nề nhất trong suốt lịch lâu dài của nó. Rừng và con người ở đó đang và rồi sẽ ra sao? “Anh biết đấy”, Condo bảo, tôi từng viết “Chúng tôi ăn rừng…”. Ăn rừng, người Tây Nguyên “ăn rừng”, xin thức ăn cho sự sống của mình từ rừng, cũng như chúng ta nói chúng ta bú sữa mẹ mà lớn lên thành người. Tây Nguyên không còn rừng thì rồi sẽ ra sao? …”.

Chính nỗi ưu tư đeo đẳng và ngày càng thống thiết ấy gắn kết chúng tôi. Mỗi lần ông sang Việt Nam, chúng tôi đều gặp nhau, cùng đi Tây Nguyên, cùng đi miền núi Quảng Nam. Lần ông cũng bảo: “Tôi luôn thèm về đấy. Ở nơi ấy tôi đã học làm người”. Và ở cuộc triển lãm đặc sắc “Chúng tôi ăn rừng – G. Condominas ở Sar Luk” được trưng bày ở Paris, rồi ở Hà Nội tháng 12-2007, giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp của ông, có một băng rôn ghi một câu của Condominas, có thể coi là châm ngôn của đời ông, nghe hơi lạ và rất đáng chú ý: “L’ethnographie est un genre de vie”. Có thể dịch: “Dân tộc học là một kiểu sống” hay “Dân tộc học là một lối sống”. Riêng tôi muốn dịch “Dân tộc học là một loại hình sống”. Loại hình, như các loại hình thực vật, động vật … Một loại hình, chứ không phải một nghề.

Giáo sư Georges Condominas sinh năm 1921 tại Hải Phòng, cha người Pháp còn mẹ mang ba dòng máu Bồ Đào Nha, Hoa và Việt. Từ nhỏ ông đã theo cha sống ở Pháp, Tunisia và Việt Nam. Ông vừa học luật vừa học hội hoạ ở trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Đương (Hà Nội), sau đó về Paris học để lấy bằng cử nhân văn khoa (1947) và bằng của trung tâm Đào tạo nghiên cứu dân tộc học (1948). Năm 1970 ông trình luận án tiến sĩ khoa học nhân văn ở đại học Sorbonne (Paris). Năm 2007, ông được bầu làm thành viên danh dự viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO). Ông đã nhiều lần là giáo sư thỉnh giảng ở các đại học hàng đầu thế giới. Năm 2006, viện Khoa học xã hội Việt Nam tặng ông huy chương của viện. Năm 2010, ông nhận giải Việt Nam học của quỹ văn hoá Phan Châu Trinh.

Hai cuốn sách của ông: Nous avons mangé la forêt (Chúng tôi đã ăn rừng) và L’exotique est quotidien (Cái xa lạ là hằng ngày) được nhà dân tộc học André Leroi-Gourhan xếp vào số “các cuốn sách kinh điển của ngành dân tộc học”.

Condominas được đào tạo bởi những con người không chỉ là những nhà nhân học, dân tộc học lớn, mà còn là những nhân cách lớn, rất đặc biệt, hay đúng hơn nữa, thuộc một “loại hình” riêng, những Marcel Mauss, Paul Mus, Claude và Paul Lévy-Strauss, André Leroi-Gourhan, André-George Haudricourt, Pierre Edouard Mestre, Maurice Leenhardt… cùng với Georges Balandier, Jean Guiart, Paul Mercier … Có thể hiểu một cách vắn tắt “loại hình” ấy như thế này: một nhà khoa học bất kỳ có thể có hai cuộc đời, cuộc đời của người làm khoa học, và một cuộc đời riêng, không nhất thiết gắn làm một. Nhà dân tộc học thì không, anh ta chỉ có một, không thể tách rời, dân tộc học là cuộc đời anh, cuộc đời anh là dân tộc học, không chừa lại chút gì; anh đồng hóa với đối tượng của mình đến cùng, cùng một số phận, cùng một số mệnh, cùng một loại hình, anh không ở bên ngoài mà bên trong nó, anh chính là nó, thành bại, mất còn.

Chúng ta biết dân tộc học, nói cho đúng, trước hết là một sản phẩm của châu Âu, của chủ nghĩa thực dân. Nó sinh ra khi chủ nghĩa thực dân châu Âu đi chinh phục và biết đến các dân tộc “lạc hậu”, tìm hiểu chúng. Vì vậy nhà dân tộc hầu như bao giờ cũng từ một nền văn hóa được tự coi là cao hơn đến quan sát, nghiên cứu một nền văn hóa bị coi là thấp hơn, từ bên ngoài nhìn vào và từ bên trên nhìn xuống… Năm 1948 anh thanh niên Condominas vừa mới ra trường, sang Đông Dương, lên Tây Nguyên, tìm đến tộc người Mnông Gar ở làng Sar Luk hoang vắng, và ngay từ đầu ý thức sâu sắc “mặc cảm” đó, hiểu rằng anh phải khắc phục được nó, phải thay đổi toàn bộ cuộc đời mình, nhập thân được vào “loại hình” dân tộc học của mình. Hiểu Mnông Gar ư? Anh phải hiểu nó từ bên trong. Sau này anh sẽ nói, giản dị - vậy đó, chân lý thì bao giờ cũng giản dị - chẳng hạn, “để biết một món ăn Mnông Gar có ngon không thì nhất thiết phải là một người Mnông Gar”. Anh phải thành một người Mnông Gar. Condo vào làng Sar Luk, xin làm một căn nhà chen giữa làng, thành một hộ như bao nhiêu hộ của làng. Thời gian ngắn đầu, anh còn phải nhờ một phiên dịch, nhưng rồi anh nhanh chóng học thạo tiếng, đến mức đêm nằm mơ toàn bằng tiếng Mnông Gar – nghĩa là anh tư duy không phải bằng tiếng Pháp nữa mà bằng tiếng Mnông Gar; anh “tư duy Mnông Gar”. Anh sống cùng số phận của làng, vui mừng, đau khổ, thành bại, sống chết cùng làng Mnông Gar đến tối đa, để sự hiện diện của một người ngoài, lại là một da trắng, lại là một nhà dân tộc học nữa, không làm biến dạng hiện thực như hằng có của làng, làm biến dạng một cách tất yếu ứng xử của người làng với nhau và với người lạ khi làng có “khách” lạ …

Song ở đây còn có chỗ rất tế nhị: nhà dân tộc học hết sức “quên” mình đi, để cho làng cũng “quên” sự hiện diện của anh đi, nhưng đồng thời anh vẫn phải là nhà dân tộc học, tỉnh táo và sắc sảo quan sát. Có mâu thuẫn không, và nhà dân tộc học phải giải quyết mâu thuẫn đó như thế nào? Có lần tôi đã hỏi Condominas về điều ấy. Rất ngạc nhiên là ông cũng… rất ngạc nhiên. Ông bảo ông không để ý, hay đúng hơn không cảm thấy khó khăn. Có lẽ, ông nói, vì mình sống thật tình đến cùng với bà con.

Ta biết ít ra một ví dụ về thành công này của Condominas, trong việc ông tìm ra được bộ đàn đá tiền sử đầu tiên trên thế giới… Đêm ở làng Sar Luk, như mọi đêm, sau một ngày sống và lao động cùng bà con, Condo ngồi hút rượu cần và rít tẩu thuốc với các già làng bên bếp lửa nhà sàn, lơ mơ ngủ, chợt thức dậy lại hút rượu và rít thuốc, lại lơ mơ ngủ, không hề để ý một thanh niên ngày hôm ấy được điều đi sửa con đường từ Sar Luk đi Đầm Ròn đang lầm rầm kể chuyện… Đang thiêm thiếp, chợt Condo giật mình thức dậy, hỏi: “Cậu vừa nói gì đấy? Nói lại xem!”. Lơ mơ ngủ nhưng ông vừa nghe được hai tiếng “mau prum”. “Nhắc lại đi!”, ông khẩn khoản. Vì, đã quên mình là người lạ, người Pháp, hết sức thông thạo đến ăn sâu trong máu thịt tiếng Mnông Gar, nhưng đồng thời ông vẫn là nhà dân tộc học, tỉnh táo và sắc sảo, để chỉ cần hai tiếng “mau prum” nghe như trong mơ đã đánh thức ngay nhà dân tộc học trong ông dậy. “Mau prum” có nghĩa là đá Chàm. Và là nhà dân tộc học thành thạo, ông biết người Chàm chưa bao giờ đặt chân lên vùng đất Krông Nô này suốt lịch sử. Nghĩa là người thanh niên kia đã thấy một điều gì đó rất lạ mà anh ta không hiểu được trong ngày đi làm đường hôm nay. Anh kể: trong khi lao động sáng nay, các anh đã phá một ụ đất để nắn lại con đường trước đây bị uốn cong, và tìm thấy trong ấy mười một phiên đá lạ, rất dài, mà người Mnông khi gặp bất cứ vật cổ nào mà họ không thể hiểu và họ tin là bí ẩn, thiêng liêng thì đều coi đó là của người Chàm xưa… Sáng hôm sau Condo cùng người thanh niên đi đến hiện trường, quan sát kỹ, nhận ra đấy là những phiến đá đã được đẽo gọt bởi bàn tay con người, một vật cổ, có thể là tiền sử… Những phiến đá ở làng Dnut Lieng Krak, cách Sar Luk khoảng 10 km, được Condominas phát hiện năm 1949, gửi về viện Nhân chủng học Paris, được các chuyên gia nhân học, khảo cổ học, nhạc học nghiên cứu tỉ mỉ, xác nhận là một bộ đàn đá tiền sử (đúng ra là hai bộ, thiếu mất một thanh), cực kỳ đặc sắc, là bộ đàn đá tiền sử đầu tiên tìm được trên thế giới, có niên đại khoảng ba nghìn năm …



Nguyên Ngọc và Georges Condominas. Ảnh: Đoàn Huy Giao

Condominas rất ít khi nhắc lại chiến công khảo cổ học từng làm chấn động thế giới ấy của ông. Ông chỉ nói: “Dân tộc học là một loại hình sống”, vậy thôi. Thế đấy!

… Từ Sar Luk, Condominas mang về cho thế giới khoa học (và cả văn học) tác phẩm “Chúng tôi ăn rừng Đá Thần Gô”, ra mắt ở nhà xuất bản Mercure de France, nơi chỉ chuyên in tác phẩm văn học của những văn hào lớn như Verlaine và Rimbaud, và cuốn sách lập tức được nhà nhân học hàng đầu Claude Lévy-Strauss coi là “đánh dấu sự đăng quang trong nền văn học dân tộc học của một thể loại hoàn toàn mới, nổi bật vì sự gắn bó với hiện thực bản địa, sâu sắc hơn tất cả những gì đã từng có trước nay”. Ít lâu sau, cuốn sách thứ hai về Sar Luk của ông ra đời, cũng hết sức độc đáo, cuốn “L’exotique est quotidien” (có thể dịch là “Kỳ lạ mỗi ngày”), bút ký tự thuật cảm động và uyên bác về sự nghiệp hay cuộc đời “dân tộc học là một loại hình sống” của ông …

Hôm nay chúng ta tiễn đưa về cõi vĩnh hằng một nhà bác học lớn, một người bạn lớn của Việt Nam, đặc biệt của các dân tộc Tây Nguyên, người, tôi tin vậy, cho đến giờ phút cuối cùng vẫn không ngớt nỗi nhớ dằng dặc và nội lo đau đáu về Tây Nguyên của chúng ta, của ông. Vì Tây Nguyên đối với ông đã trở thành “một loại hình sống”.

Hãy biết yêu và lo như ông.

19-7-2011

Nguyên Ngọc

14 tháng 7, 2011

Vũ Quần Phương : Đừng tưởng khen là dễ



HỌC MỖI NGÀY. Vũ Quần Phương phân tích "Nghề tán dương văn chương": Đừng tưởng khen là dễ. Khen cho đúng là khó lắm. Nhưng không thể vì khó mà khen bừa. Càng không nên coi khen là món chiêu đãi nhau không tốn kém mà sung sướng lại tràn trề, hạnh phúc cả đôi bên. Rồi thì khen cả cái không đáng khen. Khen không đúng có hại cho xã hội, như việc khen ông lang ta chữa được bệnh chó dại cắn. Nhiều người bị chó cắn sợ tiêm huyết thanh, đến ông lang cắt thuốc. Kết quả: những ai bị dại, chết cả. Những người được chữa khỏi, quả có bị chó cắn nhưng không phải chó dại. Người khen có thiện ý nhưng không thấu đáo thành có hại cho cộng đồng là thế. Việc đáng tiếc, nhưng không ai nỡ bắt tội người khen bừa.Còn người được khen, dù là khen sai, thì không hề cáu giận hay kiện tụng gì mà còn rất cám ơn, có khi còn tình nguyện cung phụng bia rượu suốt đời. Vì vậy trong đời người ta hay khen. Từ khen động viên cổ vũ đến khen nịnh kiếm lời.

NGHỀ TÁN DƯƠNG VĂN CHƯƠNG

Vũ Quần Phương


Hiện nay, rộng rãi lời khen nhất có lẽ là giới văn học nghệ thuật. Tìm được cuốn văn cuốn thơ đọc được lúc này không dễ, ấy thế mà đọc các bài giơi thiệu, phê bình hoặc điểm sách thì thấy nhan nhản lời khen. Nếu chỉ đọc những lời thẩm định này mà đừng đọc tác phẩm thì ai cũng đinh ninh nước ta đang là cường quốc văn chương. Các nhà văn vốn yêu ngưòi và yêu nhau thì cái việc vu nhau lên là có tài, bạn đọc cũng chỉ mỉm cười và tự rút lấy kinh nghiệm mà chọn sách.

Nói là mỉm cười vì chẳng lẽ lại ha ha mà cười, dù rằng có lúc đáng phải cả cười mới hả. Tôi biết một anh làm báo và thỉnh thoàng cũng đi chạy vài cái quảng cáo. Có ông thủ trưởng đang nắm một ngành kinh tế ăn nên làm ra. Lương bổng quà cáp quá hậu hĩnh, thủ trưởng có của ăn của để, hứng chí xoay sang làm thơ. Ông không có năng khiếu văn chương, nhưng được cái hăng hái đến hãi hùng. Thơ ông, người đọc thì buồn cười vì thấy nó ngô nghê nhưng người viết thì chan chứa hy vọng. Anh bạn làm báo của tôi, sau khi nghe thơ của ông thủ trưởng kia xong, lại trợn ngay mắt lên mà rằng:
-Thơ hay thế mà anh không cho in thì anh có tội với dân tộc

Vị thủ trưởng ngước nhìn ông nhà báo vùa hồ nghi, bẽn lẽn vừa tràn đầy hì vọng. Ông nhà báo thì ráo riết khen và có cái vẻ nghiêm trang như vừa phát hiện ra loài thú hiếm của nước nhà. Thế là thủ trưởng ta thành nhà thơ. Mỗi năm in vài ba tập. Tập nào cũng có người khen. Người khen quanh quẩn vẫn mấy ông nhà báo kiêm nhiệm chạy quảng cáo ăn hoa hồng. Mà thủ trưởng lại là người có quyền cho hàng nắm quảng cáo. Sau dăm sáu năm thủ trưởng có ngót hai chục tập thơ. Nhiều tập in trên giấy quý, bìa cứng. Sách không bán, chủ yếu để tặng, tặng không hết thì giữ lại cho muôn đời con cháu mai sau. Người ta lại xui ông thuê các nhạc sĩ phổ nhạc, thuê ca sĩ nổi tiếng hát, tổ chức các đêm thơ nhạc (có múa minh hoạ) của ông ở Hà Nội, Sài Gòn, miền núi...trên sân khấu nhà hát lớn sang trọng, trên hội trường uỷ ban huyện thị, trên màn ảnh nhỏ. Có nhà thơ, chuyên nghiệp hẳn hoi, bỗng hăng lên, không biết vì tình thơ hay tình bạn nhậu, lại coi ông như một hiện tượng quý hiếm của văn chương nước nhà, viết thành bài đăng báo, báo Nhân Dân, mới khiếp chứ. Chuyện khôi hài đã thành long trọng. Không biết sẽ còn đi đến đâu. Giời đất này, biết thế nào. May mà... May là may cho văn chương, chứ với đương sự thì là chuyện bất hạnh. Ông thủ trưởng này ra toà, không phải vì làm thơ mà vì chuyện ăn liều tiêu liều, coi tiền của nhà nước như của mình. Ông đi tù. Và lạ thay, chuyện nọ xọ chuyện kia, người ta bỗng phát hiện ra thơ ông hoá ra rất dở, đã thế lại in nhiều. Trong đám người chê ông lại có cả những vị từng sửng sốt khen ông.

Khen ông như trước đây là vu cáo ông có tài, là xui dại ông tốn tiền mất sức, làm khổ vợ con.
Chê thơ ông lúc ông vận hạn này cũng là tệ bạc, bỏ bạn lúc khốn cùng. Nghĩ tội cho ông. Trong lĩnh vực này cũng phải sòng phẳng: làm thơ dở đâu phải là đặc quyền của các nhà thơ nổi tiếng. Tội ông trong cõi văn chương này chỉ là ngây thơ và háo danh. Hai tội ấy thì đáng giận mà cũng đáng thương. Tội là thuộc về mấy tay bợm nó bốc ông lên để ông cho nó hợp đồng quảng cáo, để ông tài trợ tiền nong việc này việc khác. Ông chỉ là kẻ mắc lừa tốn công tốn của, mang tiếng với đời. Tội ấy tăng nặng vì nó góp phần làm rối loạn tiêu chí thẩm định văn chương trong thiện hạ. Nhưng hào phóng coi nhau là thiên tài cũng có cái vui, không tốn kém gì mà người cứ lâng lâng say sưa như ngồi uống rượu với Nguyễn Du, Nguyễn Trãi...Thỉnh thoảng có buồn có bực là buồn bực với bà con hàng xóm hay đám đồng liêu trong cơ quan chưa nhìn mình như nhìn Nguyễn Trãi Nguyễn Du. Nên tội ấy cũng chỉ đáng chê cười chứ không ai đòi xử tù kẻ khen văn chương văng mạng.

Khen không chỉ cho thấy tài năng người được khen mà còn cho thấy bản lĩnh, nhân cách người khen là thế.

Nguồn: Lê Thiếu Nhơn Blog .

7 tháng 7, 2011

Học theo những con người ưu tú



HỌC MỖI NGÀY. Trần Đăng Khoa, Hàm Châu, Tạ Bích Loan, Nguyễn Thị Ngọc Hải đều là những người ham tìm tòi viết về những người đương thời. Học những con người ưu tú, học người tốt việc tốt, đó là lối học giản dị và tiết kiệm thời gian để thành người tử tế. Xin chép lại một số trích đoạn trong bài viết “Tôi vui vì được làm người sai vặt!” của Song Phạm về nhà văn, nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải: "Tôi mê những con người ưu tú, đó là tài sản tinh thần của dân tộc, nếu không khai thác sẽ bị mất đi theo thời gian. Hơn nữa, đây là sở trường và niềm hứng thú bất tận của tôi. Tôi đam mê lục lọi tâm hồn con người để tìm cho ra vẻ lạ lẫm, âm thầm, dung dị rất riêng họ. Tôi thích nhặt nhạnh vẻ đẹp ấy. Viết chân dung thì khó nhất là tái hiện được con người với cá tính, tác phong, tâm hồn, ngôn ngữ. Tôi dồn sức vào việc đó, vì nghĩ mình cũng chỉ làm được những “chớp đèn flash” mà thôi. " Mỗi ngày vẫn cằm cụi viết, mỗi năm đều đặn cho ra đời mấy trăm bài báo với các vấn đề thời sự, và chủ yếu là “đơn đặt hàng” từ các báo. Thế nhưng hỏi thành công nhất trong cuộc đời của chị là gì? Chị lại cười: “Đó là hai thằng con giỏi và tử tế!”. Ngoài ra, niềm vui lớn nhất của chị còn là việc thấy học trò của mình trưởng thành.

Nhà báo, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải

“TÔI VUI VÌ ĐƯỢC LÀM NGƯỜI SAI VẶT!”


Song Phạm thực hiện


“Nghề báo là nghề thải người rất nhanh, lạc hậu rất nhanh và không đợi tuổi nếu không phấn đấu. Tôi không có tướng để làm ông nọ bà kia, nhưng sung sướng vì được làm một nhà báo “ra hồn”. Tôi vui vì từng tuổi này mà vẫn chưa bị nghề thải đi, đuổi đi, vẫn còn được làm “bà loong toong”, làm người sai vặt cho xã hội và vẫn còn… được việc!”



Người “tò mò một cách chân thành”


Với nick name và địa chỉ email “nghe qua ai cũng cười” - “bà loong toong” tâm sự: “Một hôm thằng cháu nội 10 tuổi hỏi tôi “Bà ơi! Có phải bà lạc hậu lắm rồi không?”. Tôi cười “Đúng rồi! Vì bà đã già. Mà ai già rồi cũng bị lạc hậu. Và người ta phải chiến đấu để cho cái lạc hậu nó chậm đến, bà cũng vậy. Nhưng vì sao cháu hỏi thế?”. Thằng cháu đáp: “Vì cháu thấy bà cái gì cũng sợ!”.

Thật vậy, tôi có bệnh sợ người, bệnh nay của nhà văn Nam Cao, tôi yêu người tử tế nhưng lại rất sợ những người quỷ quái. Tôi còn sợ đám đông. Trước đây đứng trước đám đông là tôi run và nói dại. Sau này ngoài nghề báo, nghề văn, tôi còn được mời đi giảng dạy, công việc đòi hỏi phải thường xuyên nói trước đám đông, nên dần tôi cũng quen đi. Nghề báo cần dạn dĩ và biết phớt lờ, chúng tôi hay nói vui đây là nghề “đeo thẻ mặt trơ”. Tôi thấy mình không thích hợp nhưng lại rất yêu nghề, chính nghề báo đã rèn giũa, mang lại nét tính cách mới cho tôi”.

Với 45 năm cầm bút, nhà văn, nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải đã có hơn 10 đầu sách thuộc nhiều thể loại như tiểu thuyết, truyện ngắn, ký sự... Được cho là “nhà văn hàng đầu của thể loại ký nhân vật” bởi sở trường phỏng vấn, trò chuyện, khắc họa chân dung. Tác phẩm mới nhất của chị Tò mò một cách chân thành tập hợp 24 bài phỏng vấn những người nổi tiếng như nhà văn Nguyễn Khải, giáo sư Trần Hữu Dũng, nhà sử học Nguyễn Đình Đầu, nhà báo Kim Hạnh, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, giáo sư, nhà nghiên cứu Larry Berman, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, thi sĩ Hoàng Cầm... Và quyển Sốc văn hóa tập hợp những bài báo, những câu Chuyện nhà tôi trên tờ Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần lâu nay chị phụ trách với bút danh Quảng Yên.

Kẻ “đam mê lục lọi tâm hồn con người”…

Đặc biệt với tác phẩm xuất sắc viềt về “nhà tình báo và nhà báo của thế kỷ 20” Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời, chị đã phải mất 10 năm đi lại, tìm hiểu, trao đổi, trò chuyện, sưu tầm tài liệu… quyển sách đã 2 lần đoạt giải thưởng về viết tiểu thuyết và ký, được tái bản nhiều lần và đến nay vẫn không ngừng được dư luận quan tâm. Nhà văn, giáo sư, nhà nghiên cứu Mỹ Larry Berman, người từng sang Việt Nam 25 lần, tác giả quyển Điệp viên hoàn hảo (trong đó có Phạm Xuân Ẩn) nói: “Trong tất cả những người viết về cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn, thì bà là người hiểu rõ về chủ nghĩa nhân văn của ông ấy hơn ai hết”.

Riêng với nghề báo, chị đã trải qua nhiều cương vị công tác, từ phóng viên, biên tập, tổng thư ký tòa soạn (báo Phụ nữ Việt Nam). Hiện ở tuổi 67, hàng ngày chị vẫn tất bật với cả ba nghề: làm báo, viết văn và giảng dạy báo chí, vẫn được cộng tác, giữ mục cho một số tờ báo lớn, chị còn là một trong các chị Hạnh Dung của báo Phụ nữ TPHCM hàng chục năm qua.

“Tôi không có nét tính cách của một nhà báo hiện đại, nên luôn phải rượt đuổi theo các đồng nghiệp vì nỗi lo mình bị bỏ lại, bị lạc hậu. Chẳng nói đâu xa, mỗi ngày tôi đều phải học hỏi ngay chính các nhà báo trong… nhà mình!”. Cả nhà chị đều làm báo, chồng chị hiện là Tổng Biên tập tạp chí Người Đô thị, hai người con thì anh cả là Trần Hà Nguyên (dịch giả quyển hồi ký Đời tôi - My life của Bill Clinton), hiện phụ trách trang tin tức Yahoo Việt Nam, anh con út Trần Hồng Nguyên là họa sĩ minh họa và trình bày báo Sài Gòn Tiếp Thị.

“Tôi thấy nhà báo hiện đại giỏi tiếng Anh, vi tính và giao tiếp, nhưng cái thiếu của họ chính là sự trải nghiệm, là góc nhìn. Một số nhà báo có phông nền yếu, thậm chí không hiểu rõ bản chất công việc, vấn đề mình đang viết… họ thừa tự tin nhưng lại thiếu kiến thức. Ngoài ra, nghề báo là nghế sáp vào lửa, giáp mặt với lửa, nhưng tôi thấy nhiều phóng viên bây giờ ít chịu đi, ít chịu phấn đấu để trở thành nhà báo giỏi, mà lại thích hoặc bị làm “quan báo”, không ít tòa soạn “quan báo” nhiều hơn cả phóng viên…”.

Nói về sự dấn thân, chị kể trong đời làm báo chị cũng từng bị nhân vật từ chối gặp, có lần còn bị giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê chê bài viết… ngắn quá, không nói hết ý của ông, và chị đã không ngần ngại lấy bài học đáng nhớ đó để giảng dạy thực tế cho sinh viên.

“Vi tính dù rất hữu ích và hỗ trợ cho các nhà báo rất nhiều, nhưng đồng thời nó cũng lấy đi của họ rất nhiều. Cụ thể nó làm họ ngại đi, lười đi, ít năng động, xông xáo cần có của một nhà báo. Có lẽ chính vì vậy mà báo chí bây giờ ít bài hay. Báo chí có thể làm rất xuất sắc chức năng phát triển kinh tế, phục vụ cho doanh nghiệp, PR, quảng cáo, quảng bá sản phẩm... Nhưng đó mới chỉ là một trong những chức năng của báo chí, theo tôi, tính chiến đấu mới chính là một phẩm chất thiêng liêng” – chị khẳng định.

“Bây giờ đi đâu cũng thấy nhà báo. Có hôm đang chui trong đống quần áo si-đa cũng bắt gặp nhà báo, một cô phóng viên - học trò: Chào cô ạ!”. Rồi chị say sưa nói về các nhà báo tương lai, rằng sinh viên báo chí dù được học lý thuyết, rằng phóng sự điều tra là “thể loại cao cấp của báo chí, là công cụ giám sát xã hội, là mục đích, là phẩm chất của nghề báo, làng báo”… các giải báo chí hàng năm cũng đánh giá và tưởng thưởng cao nhất cho thể loại này. “Thế nhưng bây giờ thật hiếm hoi, thật khó tìm ra một bài phóng sự điều tra lớn và sâu sắc. Nhà báo dấn thân cho nghề, chịu đựng thất bại, cay đắng, đau đớn vì nghề bây giờ rất ít. Một số ảo tưởng về nghề, số khác hầu như chỉ chọn công việc kiếm tiền nhanh”…

“Khi nào trời còn cho sức khỏe, các tờ báo còn sai vặt, tôi còn loong toong!”


Có người hỏi chị nhà văn gì mà không chịu hư cấu, không biết hư cấu, không viết những bộ tiểu thuyết hoành tráng, mà cứ bám người thật việc thật, viết chân dung nhân vật như một nhà báo, bằng văn phong báo chí. Chị cười: “Nếu sáng tác văn chương mà tưởng tượng của nhà văn không bằng tưởng tượng của người đọc thì viết làm gì? Tôi mê những con người ưu tú, đó là tài sản tinh thần của dân tộc, nếu không khai thác sẽ bị mất đi theo thời gian. Hơn nữa, đây là sở trường và niềm hứng thú bất tận của tôi, tôi đam mê lục lọi tâm hồn con người để tìm cho ra vẻ lạ lẫm, âm thầm, dung dị rất riêng họ. Tôi thích nhặt nhạnh vẻ đẹp ấy. Viết chân dung thì khó nhất là tái hiện được con người với cá tính, tác phong, tâm hồn, ngôn ngữ. Tôi dồn sức vào việc đó, vì nghĩ mình cũng chỉ làm được những “chớp đèn flash” mà thôi.

Mỗi ngày vẫn cằm cụi viết, mỗi năm đều đặn cho ra đời mấy trăm bài báo với các vấn đề thời sự, và chủ yếu là “đơn đặt hàng” từ các báo. Thế nhưng hỏi thành công nhất trong cuộc đời của chị là gì? Chị lại cười: “Đó là hai thằng con giỏi và tử tế!”. Ngoài ra, niềm vui lớn nhất của chị còn là việc thấy học trò của mình trưởng thành. “Ví dụ Nam Phương - chỉ là một phóng viên tập sự của báo Tuổi Trẻ, nhưng đã xung phong một mình “tả xung hữu đột” trong vụ động đất tại Nhật Bản vừa qua. Đó là phần thưởng, là “món hời” trong cuộc đời làm báo và giảng dạy của tôi!”.

Chị nói chị không dại dột mà học theo đời sống hay lời nói của các vĩ nhân vì rất khó, nhưng chị thích suy ngẫm về câu nói nổi tiếng của nhà văn Mỹ Jack London: “Tôi muốn chết trong trạng thái kiệt sức”. “Ông không muốn mang chút năng lượng thừa nào sang thế giới bên kia. Bạn bè, đồng nghiệp hỏi sao tôi không chịu nghỉ ngơi, đi chơi cho thoải mái; họ nói tôi có thiếu thốn gì nữa đâu sao cứ làm hoài? Tôi nói vì tôi là “bà loong toong” mà! Khi nào đời không còn cần người sai vặt nữa thì tôi mới hết làm! Tôi nghĩ tôi phải “sống gấp” bằng cách làm việc nhiều. Khi nào trời còn cho sức khỏe, tôi còn làm. Khi trời hết cho, tôi sẽ về vườn đuổi gà!”

BOX:

Tác phẩm:

Tò mò một cách chân thành - NXB Phụ Nữ 2011.
Hồ sơ chiến tranh Việt Nam - Chân dung các nhà tình báo (trọn bộ 3 tập, NXB Công an Nhân dân 2010.
"Sốc" Văn hóa - NXB Phụ Nữ 2010.
Trần Quốc Hương, người chỉ huy tình báo - NXB CAND 2004.
Đại tướng Mai Chí Thọ - NXB CAND 2005.
Phạm Xuân Ẩn, tên người như cuộc đời - NXB CAND 2002, tái bản nhiều lần.



Nguồn: Viet-Studies

HỌC MỖI NGÀY

2 tháng 7, 2011

Đọc và suy ngẫm hai bài báo



HỌC MỖI NGÀY. Bức tường xanh vĩ đại và Ðảng Cộng sản Trung Quốc hoàn thành ba sứ mệnh lớn trong lịch sử 90 năm là hai bài báo đáng suy ngẫm trên Nhân Dân Online.

Theo dự báo của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của LHQ (FAO), mỗi năm châu Phi có khoảng hai triệu ha rừng bị biến mất do sa mạc xâm lấn những vùng đất đai màu mỡ. Dự báo, đến năm 2050, thời tiết tiếp tục khô hạn sẽ khiến khoảng hai phần ba diện tích đất canh tác châu Phi bị cát ở sa mạc xâm thực. Dự án 'Bức tường xanh vĩ đại' có vốn đầu tư 600 triệu đô la Mỹ, rộng khoảng 15 km, dài hơn 7.100 km, đi qua 11 quốc gia châu Phi, nối Thủ đô Ða-ca của Xê-nê-gan bên bờ Ðại Tây Dương với quốc gia nhỏ bé Gi-bu-ti bên bờ Biển Ðỏ. Tại Hội nghị chống biến đổi khí hậu toàn cầu ở Cô-pen-ha-ghen (Ðan Mạch) năm 2010, Tổng thống Xê-nê-gan A.Oa-đê đã nhấn mạnh, cây xanh là giải pháp hữu hiệu nhất để chống sa mạc hóa và kêu gọi các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu tìm ra những loài cây có khả năng chống chọi thời tiết khắc nghiệt ở vùng sa mạc. Những loài cây trồng trong vành đai xanh này như táo, xoài chịu được khí hậu khô hạn và sẽ làm chậm quá trình xói mòn đất. Dự án cũng bao gồm việc khôi phục những cánh rừng nguyên sinh, những thảm thực vật, hệ động vật tại các khu rừng quốc gia có 'bức tường xanh' đi qua (Hình Một vạt rừng chống sa mạc hóa ở Xê-nê-gan, Báo ND)

Theo phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc, sáng 1-7, lễ kỷ niệm 90 năm thành lập Ðảng Cộng sản Trung Quốc (1-7-1921 -1-7-2011) đã được tiến hành trọng thể tại Ðại lễ đường nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh với sự tham gia của các nhà lãnh đạo Ðảng và Nhà nước Trung Quốc, cùng khoảng 6.000 đại biểu đến từ khắp cả nước. Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư BCH T.Ư ÐCS, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào đã nêu bật ba sứ mệnh lớn mà ÐCS Trung Quốc đã hoàn thành trong lịch sử 90 năm của Ðảng. Trước hết, dựa vào dân, Ðảng đã hoàn thành cuộc cách mạng dân chủ mới, giành độc lập dân tộc và giải phóng nhân dân; thứ hai, Ðảng đã hoàn thành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN) và thiết lập nền tảng XHCN cơ bản; thứ ba, Ðảng đã tiến hành một cuộc đại cách mạng mới bằng công cuộc cải cách và mở cửa, sáng tạo, kiên trì giương cao và phát triển CNXH với những đặc sắc Trung Quốc. Tổng Bí thư Hồ Cẩm Ðào nhấn mạnh: 'Các đảng viên Ðảng CS Trung Quốc tin tưởng rằng những nguyên lý của Chủ nghĩa Mác là chân lý không thể đảo ngược', do đó cần tiếp tục giương cao và vận dụng sáng tạo những nguyên lý đó cho phù hợp tình hình thực tiễn của Trung Quốc và thời đại hiện nay. Ông khẳng định con đường đi lên CNXH với những đặc sắc Trung Quốc là 'con đường duy nhất' để Trung Quốc đạt được hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa và tạo ra cuộc sống tốt đẹp cho nhân dân. Ông nêu rõ rằng trong tình hình hiện nay, ÐCS Trung Quốc hoàn toàn nhận thức được tính chất nghiêm trọng và nguy cơ của nạn tham nhũng, nên sẽ tăng cường những nỗ lực đấu tranh chống tham nhũng, coi đó là yếu tố quan trọng sống còn để giành sự ủng hộ của quần chúng đối với Ðảng và bảo đảm sự tồn vong của mình.



"Bức tường xanh vĩ đại"

Nhân Dân Online Cập nhật lúc 02:20, Thứ bảy, 02/07/2011 (GMT+7)

Tình trạng sa mạc hóa ngày càng nghiêm trọng ở khu vực gần sa mạc Xa-ha-ra đang khiến một vùng đất trồng trọt rộng lớn trở nên khô cằn và có nguy cơ đẩy nhiều người dân nơi đây vào cảnh nghèo đói.

Các nước châu Phi ở vùng Xa-hen đang nỗ lực xây dựng một 'bức tường xanh vĩ đại' nhằm phát triển rừng, dựng một hàng rào bảo vệ đất trồng trọt khỏi sự 'xâm chiếm' của sa mạc lớn nhất thế giới này.

Khu vực Xa-hen là vùng ranh giới giữa sa mạc Xa-ha-ra ở phía bắc với vùng đất màu mỡ hơn ở phía nam. Sự biến đổi khí hậu, thời tiết khô hạn và diện tích rừng bị giảm làm đất bạc màu, gây khủng hoảng lương thực tại khu vực này. Theo dự báo của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của LHQ (FAO), mỗi năm châu Phi có khoảng hai triệu ha rừng bị biến mất do sa mạc xâm lấn những vùng đất đai màu mỡ. Dự báo, đến năm 2050, thời tiết tiếp tục khô hạn sẽ khiến khoảng hai phần ba diện tích đất canh tác châu Phi bị cát ở sa mạc xâm thực.

Năm 2007, Liên minh châu Phi (AU) đã phê chuẩn dự án 'đầy tham vọng' mang tên 'Bức tường xanh vĩ đại' đi từ tây sang đông, qua 11 quốc gia của châu lục này (gồm Buốc-ki-na Pha-xô, CH Sát, Gi-bu-ti, Ê-ri-tơ-ri-a, Ê-ti-ô-pi-a, Ma-li, Mô-ri-ta-ni, Ni-giê, Ni-giê-ri-a, Xê-nê-gan và Xu-đăng) nhằm tái phát triển rừng, chống tình trạng sa mạc hóa ngày càng nghiêm trọng ở vùng Xa-hen. Bức tường xanh này rộng khoảng 15 km, dài hơn 7.100 km, nối Thủ đô Ða-ca của Xê-nê-gan bên bờ Ðại Tây Dương với quốc gia nhỏ bé Gi-bu-ti bên bờ Biển Ðỏ. Tại Hội nghị về chống biến đổi khí hậu toàn cầu ở Cô-pen-ha-ghen (Ðan Mạch) năm ngoái, Tổng thống Xê-nê-gan A.Oa-đê đã thay mặt các nhà lãnh đạo châu Phi trình bày về dự án này. Tổng thống Oa-đê nhấn mạnh, cây xanh là giải pháp hữu hiệu nhất để chống sa mạc hóa và kêu gọi các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu tìm ra những loài cây có khả năng chống chọi thời tiết khắc nghiệt ở vùng sa mạc. Những loài cây trồng trong vành đai xanh này như táo, xoài chịu được khí hậu khô hạn và sẽ làm chậm quá trình xói mòn đất. Dự án cũng bao gồm việc khôi phục những cánh rừng nguyên sinh, những thảm thực vật, hệ động vật tại các khu rừng quốc gia có 'bức tường xanh' đi qua. Với khoản đầu tư khoảng 600 triệu USD, các nước châu Phi hiện đang gặp khó khăn về tài chính. Quỹ Môi trường thế giới cam kết viện trợ 119 triệu USD cho các quốc gia tham gia dự án.

Theo thống kê của LHQ, trên thế giới hiện có khoảng 30% diện tích đất khô hạn. Khoảng hai tỷ người sống phụ thuộc hệ sinh thái ở khu vực này, trong đó 90% nằm ở các nước đang phát triển. Hơn 40 năm qua, gần một phần ba đất trồng trọt trên thế giới bị thoái hóa, không thể sử dụng. Thế giới đã mất khoảng từ 20 đến 50 nghìn km2 đất do tình trạng sa mạc hóa. Hơn một tỷ người nghèo và những người đang sống ở các vùng đất khô cằn trên Trái đất có nguy cơ ngày càng đói nghèo, cản trở việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.

Sau diễn đàn về rừng được thành lập năm 2000, LHQ đã chọn năm 2011 là 'Năm quốc tế về rừng' với mục tiêu thúc đẩy quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững các loại rừng. Thông qua các hoạt động của năm nay, LHQ mong muốn mật độ che phủ rừng toàn thế giới sẽ gia tăng đáng kể. Việc quản lý rừng bền vững gồm các hoạt động bảo vệ, phục hồi trồng rừng và tái sinh rừng, cùng nỗ lực ngăn chặn suy thoái rừng. Trong bối cảnh LHQ kêu gọi toàn thế giới bảo vệ và phát triển rừng, dự án 'Bức tường xanh vĩ đại' của châu Phi là một trong những nỗ lực lớn của lục địa đen đóng góp vào chương trình chung toàn cầu nhằm cải thiện môi trường sống.

THÁI AN


Ðảng Cộng sản Trung Quốc hoàn thành ba sứ mệnh lớn trong lịch sử 90 năm


Nhân Dân Online Cập nhật lúc 02:11, Thứ bảy, 02/07/2011 (GMT+7)


Theo phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc, sáng 1-7, lễ kỷ niệm 90 năm thành lập Ðảng CS Trung Quốc (1-7-1921 -1-7-2011) đã được tiến hành trọng thể tại Ðại lễ đường nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh với sự tham gia của các nhà lãnh đạo Ðảng và Nhà nước Trung Quốc, cùng khoảng 6.000 đại biểu đến từ khắp cả nước.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư BCH T.Ư ÐCS, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào đã nêu bật ba sứ mệnh lớn mà ÐCS Trung Quốc đã hoàn thành trong lịch sử 90 năm của Ðảng. Trước hết, dựa vào dân, Ðảng đã hoàn thành cuộc cách mạng dân chủ mới, giành độc lập dân tộc và giải phóng nhân dân; thứ hai, Ðảng đã hoàn thành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN) và thiết lập nền tảng XHCN cơ bản; thứ ba, Ðảng đã tiến hành một cuộc đại cách mạng mới bằng công cuộc cải cách và mở cửa, sáng tạo, kiên trì giương cao và phát triển CNXH với những đặc sắc Trung Quốc.

Tổng Bí thư Hồ Cẩm Ðào nhấn mạnh: 'Các đảng viên Ðảng CS Trung Quốc tin tưởng rằng những nguyên lý của Chủ nghĩa Mác là chân lý không thể đảo ngược', do đó cần tiếp tục giương cao và vận dụng sáng tạo những nguyên lý đó cho phù hợp tình hình thực tiễn của Trung Quốc và thời đại hiện nay. Ông khẳng định con đường đi lên CNXH với những đặc sắc Trung Quốc là 'con đường duy nhất' để Trung Quốc đạt được hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa và tạo ra cuộc sống tốt đẹp cho nhân dân.

Ông nêu rõ rằng trong tình hình hiện nay, ÐCS Trung Quốc hoàn toàn nhận thức được tính chất nghiêm trọng và nguy cơ của nạn tham nhũng, nên sẽ tăng cường những nỗ lực đấu tranh chống tham nhũng, coi đó là yếu tố quan trọng sống còn để giành sự ủng hộ của quần chúng đối với Ðảng và bảo đảm sự tồn vong của mình...

Nhiều hoạt động như biểu diễn các bài hát cách mạng, giới thiệu những bộ sưu tập tranh ảnh, sách báo viết về Ðảng, trưng bày các tác phẩm nghệ thuật về Ðảng... cũng đã diễn ra trên khắp nước này nhân kỷ niệm 90 năm thành lập ÐCS Trung Quốc.


Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Ðảng Cộng sản Trung Quốc
Nhân Dân Online Cập nhật lúc 01:40, Thứ bảy, 02/07/2011 (GMT+7)

Ngày 1-7, nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Ðảng Cộng sản Trung Quốc (1-7-1921 - 1-7-2011), Ðại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Tôn Quốc Tường đã tổ chức chiêu đãi trọng thể.

Ðến dự, có đồng chí Ðinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Trung ương Ðảng, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội, đại diện một số bộ, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể...

Phát biểu tại cuộc chiêu đãi, Ðại sứ Tôn Quốc Tường bày tỏ sự cảm ơn và bày tỏ trân trọng sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu của Ðảng Cộng sản Việt Nam đối với sự nghiệp 90 năm qua của Ðảng Cộng sản Trung Quốc; nhấn mạnh, Trung Quốc và Việt Nam là hai nước xã hội chủ nghĩa do Ðảng Cộng sản lãnh đạo, có nhiều điểm tương đồng, đều đứng trước trọng trách lãnh đạo phát triển đất nước. Ðại sứ khẳng định, Ðảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc hết sức coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Ðảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam, nguyện cùng với phía Việt Nam tăng cường đoàn kết, mở rộng hợp tác, ủng hộ lẫn nhau, cùng phát triển, viết nên trang sử mới huy hoàng cho quan hệ 'đối tác hợp tác chiến lược toàn diện' Trung-Việt.

Trong lời phát biểu chúc mừng, đồng chí Ðinh Thế Huynh nhấn mạnh: 90 năm qua là chặng đường đấu tranh cách mạng vẻ vang của Ðảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc. Ngay từ khi mới ra đời, Ðảng Cộng sản Trung Quốc đã lãnh đạo nhân dân Trung Hoa tiến hành cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, thu được những thành tựu vĩ đại: hoàn thành cuộc cách mạng dân chủ mới, thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ðặc biệt, trong hơn 30 năm qua, Ðảng Cộng sản Trung Quốc đã khởi xướng và lãnh đạo nhân dân Trung Quốc thực hiện công cuộc cải cách mở cửa, giành được những thắng lợi to lớn.

Thay mặt Lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, đồng chí Ðinh Thế Huynh nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu mà Ðảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc đã giành được trong 90 năm qua và tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Trung Quốc, nhân dân Trung Quốc anh em nhất định sẽ thu được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa. Ðồng chí nhấn mạnh, mối quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa hai Ðảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước đã có những bước phát triển tốt đẹp, được nâng lên tầm quan hệ 'đối tác hợp tác chiến lược toàn diện'; và tin tưởng rằng, với sự nỗ lực chung của cả hai bên, mối quan hệ hữu nghị truyền thống đó sẽ tiếp tục được củng cố và phát triển; hai bên cùng nhau giải quyết thỏa đáng những vấn đề do lịch sử để lại và những vấn đề mới nảy sinh, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.


NGỌC PHƯƠNG NAM, HỌC MỖI NGÀY

Người theo dõi