Trang

22 tháng 10, 2011

Cụ Phán Men Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố


HỌC MỖI NGÀY. Blog Cao Thâm và Bee.net.vn có hai bài viết hay về cụ Phán Men Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, Trưởng Thường trực Quốc hội, nhân sĩ yêu nước tâm huyết và có uy tín trong hệ thống Quốc hội, Mặt trận, Chính phủ Kháng chiến đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cụ đã hi sinh khi rơi vào tay giặc lúc quân đội Pháp bất ngờ nhảy dù xuống thị xã Bắc Cạn ngáy 7 10.1947 nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của ta.. Phán Men là cụ phán đi men tường. Bác Hồ đã nhắc lời Khổng Tử "Người quân tử men tường mà đi" để nói về cụ Phán làm tôi sửng sờ dụi mắt đọc lại. Cụ Nguyễn Văn Tố ngoài cùng bên trái, ảnh Bee.net

CỤ PHÁN MEN

Cao Thâm

Cách đây tròn 64 năm (ngày 7/10/1947), quân đội Pháp nhảy dù xuống TX. Bắc Cạn, hòng tiêu diệt cơ quan đầu não của ta.

Thời tham gia viết sử cho Bưu điện Bắc Cạn, tôi đã được nhiều nhân chứng lịch sử như cụ Nông Văn Quang, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy BC; cụ Doanh Hằng, nguyên Chủ tịch UBHC Kháng chiến tỉnh; cụ Trương Văn Kiên, nguyên CB Bưu điện BC v.v.kể cho nghe sự kiện này rất chi tiết. Theo các nhân chứng, sau ngày Toàn quốc Kháng chiến (19/12/1946), Trung ương Đảng, Chính phủ chuyển lên Việt Bắc. Khi đó, TX. Bắc Cạn có hàng vạn người. Vào lúc 5 giờ sáng ngày 7/10, máy bay giặc Pháp bất ngờ nhảy dù xuống TX Bắc Cạn. Chúng đã bắn giết nhiều cán bộ và đồng ta. Đồng chí Trường Chinh, khi đó là Tổng Bí thư, được 2 mẹ con người Bắc Cạn kéo xuống hầm nên thoát nạn. Cụ Nguyễn Văn Tố, khi đó là Bộ trưởng Bộ Tế bần (có tài liệu nói là Bộ trưởng Cứu tế Xã Hội – tiền thân của Bộ Lao động TB- XH ngày nay) bị rơi vào tay giặc.

Trong hồi ký "Chiến đấu trong vòng vây", Đại tướng Võ Nguyên Giáp, kể: “...Thấy cụ Tố là người chững chạc, nói tiếng Pháp yêu cầu chấm dứt chiến tranh xâm lược. Lúc biết đó không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng đã bắn chết khi ông già tìm cách chạy thoát. Đó là cụ Trưởng thường trực Quốc hội (vị trí này nay là Chủ tịch Quốc hội), nhân sĩ yêu nước tâm huyết và có uy tín. Cụ Tố hy sinh là một tổn thất lớn cho ta".

Qua năm 1948, Nhà n¬ước đã tổ chức lễ truy điệu cụ Tố. Trong bài điếu văn, Hồ Chủ tịch đã dành những lời trân trọng, thống thiết, sâu sắc để t¬ưởng nhớ cụ:
“…Nhớ cụ xưa
Văn chương thuần túy, học vấn cao sâu
Thái độ hiền từ, tính tình thanh khiết
Mở mang văn hóa, cụ dốc một lòng
Phú quý công danh, cụ nào có thiết
Cụ dù hy sinh, tinh thần cụ ngàn thu sẽ vẻ vang bất diệt
Chính phủ khôn xiế́t buồn rầu, đồng bào khôn xiết nỗi lòng thương tiếc..."


Cụ Nguyễn Văn Tố (1889-1947), bút hiệu Ứng Hoè, sinh ngày 5 tháng 6 năm 1889, quê ở Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Thuở nhỏ, cụ học chữ Hán, sau sang Pháp học đỗ bằng Thành chung (trung học). Về nước, cụ làm việc tại trường Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội, chuyên về văn học cổ Việt Nam. Cụ từng làm Hội trưởng hội Trí Tri, Hội truyền bá chữ Quốc ngữ trước năm 1945. Sinh thời, cụ sống rất mực thước, quanh năm trong chiếc áo dài đen dân tộc, quần chúc bâu, đội khăn xếp ngay ngắn, đi giầy Gia Định. Cụ không bao giờ mặc âu phục mặc dù cụ làm việc cho một cơ quan nghiên cứu của người Pháp. Cụ cũng không bao giờ đi xe đạp hay xe kéo mà đi bộ từ nhà đến cơ quan men theo mái hiên các nhà dãy phố. Bởi vậy, cụ còn có cái tên “cụ Phán Men”.

Có một câu chuyện kể về “Cụ Phán Men”, tôi đã đọc ở đâu đó. Chuyện rằng: “Cuối năm 1945, cả nước gấp rút chuẩn bị cho Tổng tuyển cử. Những ngày đó, cụ Hồ thường cho một thư ký riêng của mình xuống liên lạc với cụ Nguyễn Văn Tố để trao đổi công việc. Nhà riêng cụ Tố ở phố Hàng Bạc. Cụ vốn đỗ cử nhân Hán học lúc mới ngoài 20 tuổi, qua Paris học tiếp 4 năm rồi về nước làm việc trong Viện Viễn Đông Bác Cổ. Là một trí thức yêu nước, cụ đã từng đứng ra tổ chức phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ được cả nước hưởng ứng mạnh mẽ. Nhiều năm cụ đi đi về về trên những con đường quanh co của khu phố cổ, bất kể mưa hay nắng bước ra khỏi nhà là cụ mang ô. Bóng một người đàn ông thấp nhỏ áo the khăn đóng đi men dưới mái hiên những ngôi nhà già nua đã thành một ấn tượng khó phai mờ trong đầu người dân Hà Nội, họ yêu quý gọi cụ là cụ Phán men.

Mỗi lần tới nhà cụ bàn việc khi đứng dậy để ra về bao giờ người thư ký cũng không quên rút từ trong cặp ra một chai rượu ngon và nói, thưa cụ, Bác cho tôi mang chai rượu xuống biếu cụ. Cụ Tố nhận rượu và cảm ơn.

Đến lần tặng rượu thứ ba, vừa đưa tay ra nhận rượu, cụ Tố vừa nhỏ nhẹ nói, nhờ anh về thưa lại là cụ hiểu lầm tôi rồi đấy. Người thư ký vội về thưa lại, Bác ngồi yên lặng hút thuốc. Rồi Bác quay ra hỏi ông cụ trách như vậy ý chú thì sao? Người thư ký nói: thưa Bác hình như cụ Tố không uống rượu. Bác Hồ bật cười, phải, chúng ta đã nhầm. Phán men không phải là Phán rượu, đây là người men tường mà đi. Quân tử nép tường mà đi, chú có biết ai đã nói thế không, là Khổng Tử nói đấy".

Cao Thâm

Nguồn: Blog Cao Thâm

"ÔNG PHÁN MEN" THÀNH CHỦ TỊCH QUỐC HỘI ĐẦU TIÊN

Nguyễn Thìn Xuân

"Ông phán men"

Cụ Nguyễn Văn Tố (1889-1947) hiệu là Ứng Hòe, một nhà trí thức yêu nước nổi tiếng, nguyên Trưởng ban thường trực Quốc hội(tức Chủ tịch QH), Bộ trưởng Bộ Cứu tế - xã hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã hy sinh tại Bắc Cạn năm 1947.

Cụ sinh 5/6/1889 trong một gia đình nho giáo, gốc Hà Nội (tại làng Đông Thành, huyện Thọ Xương cũ).Tốt nghiệp trường Thông ngôn, cụ đến làm thư ký tòa soạn bộ kỷ yếu (D.P.C.H.V). Từ nhân viên phụ tá, cụ lên chức chủ sự Học viện Viễn Đông Bác cổ, một cơ quan nghiên cứu lịch sử văn hoá của người Pháp ở 26 phố Lý Thường Kiệt. Ngoài thời gian làm việc ở công sở, cụ thường viết bài in trên các báo chí tiếng Việt như tạp chí Tri Tân, Đông Thanh, Thanh Nghị… và các báo chí tiếng Pháp về nhiều lĩnh vực như văn học, nghệ thuật…

Cụ đã soạn thảo được hai bộ sử học đồ sộ "Đại Nam dật sử”, "Sử ta so với sử Tàu” rất công phu, nghiên cứu, đối chiếu nhiều nguồn thư tịch, tranh luận kịch liệt với các nhà sử học Pháp ở Đông Dương để làm sáng tỏ chân lý một cách khoa học. Rất tiếc bộ “Sử ta so với sử Tàu”, cụ mới soạn đến cuối đời nhà Lý, sau đó ít lâu cụ bị hy sinh nên còn dang dở.


Các nhân viên của EFEO năm1937. Hàng đầu bên trái là Louis Bezaceer, cụ Nguyễn Văn Tố ở hàng thứ hai, đứng giữa ông George Coedes và bà Madelene Colani. Ảnh: Xưa và Nay.

Cụ Nguyễn Văn Tố không những uyên thâm Hán học mà tinh thông cả Tây học. Ngay cả với ông Nguyễn Thiệu Lâu, giáo sư trường Khải Định (Huế), có 5 bằng cử nhân KHXH, khi nhờ cụ xem bản thảo, cụ cũng gạch đỏ, ghi rõ lỗi thuộc loại nào khiến ông Lâu cũng phải tâm phục, khẩu phục. Người Pháp cũng rất kính nễ ông. Bezacier, chuyên viên khảo cổ học người Pháp cũng phải nhờ cụ sửa bài. Ông Coedès ,Giám đốc Viện, khi đưa bài cho cụ, nói hẵn với cụ rằng: "Có sai cứ sửa, nếu sau này có ai chỉ trích một điểm gì là lỗi ông đó”.

Trong số 128 vị sáng lập hội Trí Tri, có tên 20 người Pháp, đứng đầu là toàn quyền P.Doumer. Năm 1934 - 1935, cụ Nguyễn Văn Tố, thành viên cũ của Hội Đông kinh nghĩa thục được bầu làm Hội trưởng của Hội Trí Tri thay cho Phạm Quỳnh được Bảo Đại vời vào Huế làm thượng thư bộ Học. Bởi vậy, ở Việt Nam, đầu thế kỷ XX, danh tiếng của cụ được xếp vào loại tứ danh kiệt “Quỳnh, Vĩnh, Tố, Tốn” (Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố, Phạm Duy Tốn).

Cụ sống rất mực thước, quanh năm trong chiếc áo dài đen dân tộc, quần chúc bâu, đội khăn xếp ngay ngắn, đi giầy Gia Định. Cụ không bao giờ mặc âu phục mặc dù cụ làm việc cho một cơ quan nghiên cứu của người Pháp. Cụ cũng không bao giờ đi xe đạp hay xe kéo mà đi bộ từ nhà đến cơ quan men theo mái hiên các nhà dãy phố. Bởi vậy, đương thời, cụ còn có cái tên “ông phán men”.

Lập hội truyền bá chữ Quốc ngữ

Tuy nhiên điều làm cho người dân đất Việt còn mãi mãi ghi ơn công đức của cụ là việc cụ tham gia sáng lập ra Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ để mong “95% dân số Việt Nam không biết một thứ chữ gì” (thống kê của Nha học chính Đông pháp năm 1938) được học chữ quốc ngữ, một thứ chữ chỉ cần học 3 thàng là có thể biết đọc, biết viết - một thứ chữ mà ngày nay “ như sinh ra là đã có thứ chữ này rồi” (nhà văn Hoàng Tiến).

Cụ Nguyễn Văn Tố đã cùng lớp trí thức đầu thế kỷ XX như các ông Trương Văn Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Văn Vĩnh, Lương Văn Can, Phan Kế Bính, Vũ Đình Hòe… phát động công cuộc Cách mạng chữ quốc ngữ. Đầu năm 1938, theo đề nghị của Trường Chinh, xứ ủy Bắc kỳ quyết định vận động một tổ chức công khai chống nạn mù chữ và giao cho Trần Huy Liệu, chủ bút báo Tin Tức cùng các ông Đặng Thai Mai, Võ nguyên Giáp, giáo sư trường tư thục Thăng Long, tập hợp một số tri thức tiêu biểu như Bùi Kỷ, Hoàng xuân Hãn, Quản Xuân Nam… họp tại nhà ông Phan Thanh bàn bạc thành lập một tổ chức lấy tên là Hội truyền bá học chữ quốc ngữ. Các thành viên nhất trí cử cụ Nguyễn văn Tố làm Hội trưởng, đặt trụ sở tại hội quán Trí Tri ở phố Hàng Quạt số nhà 47, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Sau những ngày thành lập, Hội TBQN lần lượt được thành lập ở cả Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ. Mặc dù thưc dân Pháp đã phải công nhận việc thành lập nhưng chúng ra sức ngăn cản, tìm mọi cách phá rối, cản trở Hội hoat động. Đại tướng Võ nguyên Giáp đã từng phải nói: "Đi học lúc bấy giờ là đi làm cách mạng”.

Tuy Hội TBQN chỉ hoat động đến Cách mạng tháng 8 nhưng cũng đã giải phóng cho được gần 7 vạn người thoát nạn mù chữ, là vườn ươm cho ngành Bình dân học vụ do Bác Hồ kính yêu sáng lập ra sau ngày 3/9/1945.

Chủ tịch Quốc hội đầu tiên

Cách mạng tháng 8 mới thành công, bộn bề khó khăn, thù trong giặc ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh và cụ Nguyễn văn Tố mới có dịp gặp nhau. Mến vì đức, trọng vì tài, Bác Hồ mời cụ Tố ra giúp nước. 2 triệu người chết đói năm Ất Dậu đang đè nặng lên xã hội.

Được Bác Hồ phân công, cụ Tố sẵn lòng nhận nhiệm vụ là Bộ trưởng Bộ Cứu tế - xã hội (nay là Bộ LĐ-TB-XH) trong Chính phủ Hồ Chí Minh. Sau tổng tuyển cử đầu tiên, cụ trúng cử đại biểu Quốc hội với tư cách là đại biểu tỉnh Nam Định. Trong cuộc họp Quốc hội sau đó, cụ đươc bầu là Trưởng ban thường trực Quốc hội (ngày nay là Chủ tịch Quốc hội) khóa 1 và cho đến ngày 8/11/1946, cụ Bùi Bằng Đoàn thay thế. Ngày 3/11/1946, cụ lại giữ chức Bộ trưởng không bộ trong Chính phủ.

Giặc Pháp trở lại xâm lược nước ta, ngày 7/10/1947, chúng cho quân nhảy dù xuống Bắc Kạn âm mưu tiêu diệt đầu não kháng chiến, cụ bị chúng bắt và giết: ” Thấy cụ là người chững chạc, nói tiếng Pháp yêu cầu chấm dứt chiến tranh xâm lược. Lúc biết đó không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng đã bắn chết khi ông già tìm cách chạy thoát. Đó là cụ Trưởng ban thường trực quốc hội, nhân sĩ yêu nước tâm huyết và có uy tín. Cụ Nguyễn Văn Tố hy sinh là một tổn thất lớn cho ta” ( Hồi ký “Chiến đấu trong vòng vây” - Võ Nguyên Giáp).

Sang năm 1948, sau khi đánh tan âm mưu tấn công của thực dân Pháp Nhà nước ta đã tổ chức lễ truy điệu cụ Tố. Trong bài truy điệu, Hồ Chủ tịch đã dành những lời trân trọng, thống thiết: "…Nhớ cụ xưa/ Văn chương thuần túy, học vấn cao sâu/ Thái độ hiền từ, tính tình thanh khiết/ Mở mang văn hóa, cụ dốc một lòng/ Phú quý công danh, cụ nào có thiết”…

"Chúng tra tấn cực kỳ dã man, tàn khốc/ Cụ trả lời chúng bằng một nụ cười oanh liệt/ Chúng làm hại cụ, lịch sử Pháp muôn đời thêm một vết xấu xa…/Cụ dù hy sinh,tinh thần cụ ngàn thu sẽ vẻ vang bất diệt/

"Chính phủ khôn xiết buồn rầu, đồng bào khôn xiết nỗi lòng thương tiếc".

Nói đến nhà trí thức lớn của đất nước, nhà bác học “thông kim bác cổ” (lời Giáo sư Nguyên Xuân), “nhà sử học anh hùng” (GS Hà Văn Tấn), nói đến vị liệt sỹ Bộ trưởng đầu tiên đã ngã xuống vì nền độc lập còn non trẻ của nước nhà, ai cũng thấy cuộc đời và sự nghiệp của cụ thật đáng khâm phục.

Tuy nhiên, đến ngày nay, ai cũng xót thương cho linh hồn của cụ, vẫn còn lang thang nơi rừng thiêng của tỉnh Bắc Kạn, cám cảnh không có nơi cho đồng bào cả nước đến cắm nén nhang thơm viếng cụ.

Nguyễn Thìn Xuân

Nguồn: Bee.net

Trở về trang chính
CÂY LƯƠNG THỰC; FOOD CROPS
Dạy và học ĐHNLHCM
Dạy và học BlogtiengViet
Gia đình nông nghiệp
NGỌC PHƯƠNG NAM, DẠY VÀ HỌC

16 tháng 10, 2011

Chó sủa, sáng đèn và đạo chích


HỌC MỖI NGÀY. Chó sủa, sáng đèn và đạo chích một bài viết hay của Phan Hồng Giang đăng trên Viet-Studies..

Phan Hồng Giang

Các nhà xã hội học thường có thói quen nghề nghiệp là bày vẽ ra các cuộc điều tra thăm dò ý kiến người dân về đủ các loại vấn đề, - từ chuyện to như "Bạn muốn thấy ai trong vai ông chủ Nhà trắng?", "Theo bạn, ai là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới?" cho đến những chuyện khá tầm phào như "Theo anh (hay chị), loại dầu gội đầu nào kể sau đây giúp tóc bạn sạch gầu, suôn mượt, óng ả?" v.v và v.v...

Thế rồi tôi vẫn phải đôi chút vị nể trí tưởng tượng khá dư thừa của một nhà xã hội học ở tít bên bang Texas xa xôi từ mấy chục năm trước đã hạ cố tìm đến phỏng vấn loại người gần như bị lãng quên là vài trăm vị đạo chích đang thụ án trong các nhà tù của bang với câu hỏi không úp mở: "Trước đây, trong những lần đi ăn trộm, ông (hay bà) đã sợ nhất cái gì?". Và kết quả điều tra thật thú vị: hơn 95% số đạo chích được hỏi thành thực cho biết bọn họ sợ nhất là tiếng chó sủa khi phát hiện có trộm và có đèn sáng quanh ngôi nhà mục tiêu.

Thế là rõ: với những kẻ làm điều khuất tất, sợ nhất là có sự đánh động (ở đây là tiếng chó sủa!) khiến hành vi gian tà bị hiển lộ; sợ không kém là có ánh sáng dọi chiếu để mọi ý đồ đen tối không có cơ hội được che dấu. Không có gì ngạc nhiên khi các đạo chích cho biết giải pháp đối phó với mối hiểm nguy nói trên là phải đánh bả chó trộn thịt nướng thơm phức để bịt mõm chó sủa và phải dùng súng cao su chẳng hạn để bắn vỡ đèn chiếu sáng trước khi vượt tường trèo qua...

Tiếc thay, những kẻ muốn trục lợi, muốn chiếm đoạt những gì vốn không phải của mình lại không chỉ có đám đạo chích. Đạo chích kiểu trèo tường, khoét ngạch là thứ cổ xưa như ... trái đất, có thể coi là "đạo chích thế hệ 1.0". Đạo chích thời nay đã chuyển mạnh sang thế hệ 2.0, 3.0 ... rồi, nhưng nền tảng vững chắc để kiếm ăn vẫn là triệt tiêu tiếng chó sủa cảnh báo và ánh sáng đèn công minh chiếu dọi. Nói một cách văn vẻ thì thiếu minh bạch, thiếu công khai chính là mảnh đất không thể mầu mỡ hơn cho nấm độc, cỏ dại nẩy sinh và phát tán...



Tài chính không minh bạch, công khai là điều kiện tiên quyết cho bọn đục khoét quỹ công ung dung ẵm hàng chục tỷ đồng cao chạy xa bay rồi mọi người mới tá hỏa tam tinh hay biết. Phải chi các khoản thu chi được cáo bạch công khai định kỳ ít ra là hàng quý thì đâu đến nỗi tiền của dân đổ xuống sông xuống biển!

Các quy hoạch sử dụng đất, mở đường, xây dựng khu dân cư... không ít khi được xác lập trong cửa đóng then cài; các ý đồ" thẳm sâu" được giữ kín; thường là đã có không ít kẻ có điều kiện "tiếp cận thông tin gốc" thu lợi kếch xù rồi thì những ý đồ quy hoạch mới có dịp được công khai mà những thay đổi xoành xoạch của nó không mấy khi được cập nhật thường xuyên.

Đề án bổ nhiệm cán bộ u u minh minh, đủ các thứ quy trình này nọ xem ra có vẻ nghiêm ngặt lắm, nhưng ai cũng biết tiếng nói quyết định nằm ở đâu và vì lý do đầu tiên là gì. Chẳng thế mà trước mỗi lần có đợt thay đổi lớn về bố trí cán bộ là các bác tài xe công (loại xe con 4 chỗ) lại được dịp trổ tài phục vụ vô điều kiện, không kể giờ giấc, nắng mưa, cho sếp của mình lao vào cuộc đua cửa sau mà thiên hạ cũng không còn coi là chuyện bí mật khi đặt tên cho loại "thể thao - điền kinh" này là môn "chạy chức, chạy quyền". Nhiều Nghị quyết của Đảng đã thừa nhận "cán bộ yếu kém là nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây ra tình trạng yếu kém nói chung của nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội".Tình trạng này sẽ còn lặp lại, không bao giờ cải thiện được nếu công tác cán bộ không thực sự được minh bạch, công khai; nếu nhân dân chưa có điều kiện để thực sự có tiếng nói quyết định trong việc xuống - lên của các bậc "cha mẹ" dân; nếu cái tài, cái đức của các quan chưa có dịp được cạnh tranh lành mạnh trước sự đánh giá minh bạch của mọi người, của công luận; và nếu người quyết định bổ nhiệm ai đó chưa phải chịu trách nhiệm công khai về kết quả sai lầm nhỡn tiền của mình trong sử dụng cán bộ...

Còn có thể nói dài dài về tình trạng tiêu cực ở nhiều lĩnh vực khác nữa để thấy sự cần thiết của minh bạch, công khai trong quá trình lành mạnh hóa xã hội. Nhân đây, xin nhắc lại lời cụ K. Marx,- nguời đề xướng chủ thuyết mà ở xứ ta hiện nay vẫn tôn vinh là "kim chỉ nam của hành động" -, khi phê phán bộ máy thống trị thời đó đã rành rẽ "bắt mạch kê đơn" như vầy: "Thói quen thâm căn cố đế của đám quan liêu là vô cùng ưa thích ghé tai thì thào mọi chuyện!". Quả là "chuẩn không cần chỉnh!". Thì thào để bưng bít thông tin, thì thào để trục lợi cho mình, cho phe cánh của mình. Một cách làm cũ xưa như... Trái đất!...

Lại nhớ đến một lần đàm đạo với nhà văn đàn anh Nguyễn Khải - nay đã thành người thiên cổ - dịp ông ra Hà Nội dự Đại hội nhà văn lần IV (tháng Mười 1989). Dạo ấy, sau Cải tổ ở Liên Xô, Đổi mới ở nước ta cũng đang vào form. Biết tôi vừa từ Nga về, anh Khải hỏi:

- Theo cảm nhận của cậu thì Cải tổ ở Liên Xô là gì vậy?

- Là Dân chủ, là Công khai hóa những gì xưa nay ưa giấu giếm!...

Anh Khải gật gù tán thưởng và nói tiếp luôn:

- Vậy thì Đổi mới là NÓI TO lên những gì xưa nay vẫn THÌ THÀO!

Hóa ra Đông hay Tây, cổ hay kim, triết gia hay văn sĩ... đều có thể nghĩ giống nhau.../.

Nguồn: http://www.viet-studies.info/PhanHongGiang_ChoSuaSangDenDaoChich.htm

Trở về trang chính
CÂY LƯƠNG THỰC; FOOD CROPS
Dạy và học ĐHNLHCM
Dạy và học BlogtiengViet
Gia đình nông nghiệp
NGỌC PHƯƠNG NAM, DẠY VÀ HỌC