Trang

3 tháng 12, 2011

Tô Hoàng bình thơ Phạm Tiến Duật

HỌC MỖI NGÀY. Mồng 4 tháng 12 là kỹ niệm ngày mất của anh Phạm Tiến Duật. Thấm thoắt mới đó mà đã bốn năm rồi ! (4/12/2007-4/12/2011). Tôi đăng bài của anh Tô Hoàng như là một nén hương tưởng nhớ anh Phạm Tiến Duật. Xin trích một tứ thơ của anh qua lời bình của anh Tô Hoàng: "Mai ngày giã bạn ta về/ Nghe tiếng kẹt cửa, nhớ tre rừng Lào. Bạn trẻ đọc lướt qua, thấy vần điệu vui vui, thuận chiều thế thôi. Nhưng suy ngẫm một tý, chắc bạn sẽ hỏi: Là sao?. Sao đây, tan cuộc chia tay nhau, lại nhớ đến tre của nước Lào? Sự thể là như sau, trên những cung đường Trường Sơn, phía Bắc tỉnh Atôpư, đang đeo nặng, leo dốc cao bằng thang tre, thang giây, có khi đi từ sớm tửng đến tẩn sập chiều chưa qua hết vài đường bình độ, lính ta bỗng gặp giữa rừng một đoạn đường bằng, cát mịn mát dưới chân, và hai bên đường là những bụi lồ ô, bụi bương, giữa trưa gió hây hẩy thổi, khiến thân bương, thân lồ ô cọ vào nhau phát ra những âm thanh quen thuộc của quê hương buổi nào. Lòng lính lâng lâng, bồi hồi khi nhẩm tính mình đã đi xa làng xóm, xa người yêu từng ấy ngày, từng ấy tháng. Liệu rồi, trong đời mình còn được nghe lại tiếng cót két, cọt kẹt của bụi tre làng nữa hay không đây?Hiểu và nắm bắt được buồn vui ấy của lính, nhà thơ gắng diễn tả qua vần điệu. Và cái lãng mạn, chất thơ của Duật là ở chỗ, ném mọi cảm xúc ấy về phía tương lai, về ngày chiến thắng, khi đã về tới trước cổng hoặc trong mảnh sân nhà, run run đưa tay đẩy cánh cửa liếp, cánh cổng tre, anh lính nghe tiếng cánh cổng, cánh cửa kêu, chợt nhớ tới đoạn đường bằng phẳng, có bóng tre phủ mát rượi trên đoạn đường Trường Sơn qua đất Lào thuở nào.

LIỆU CẦN GHI CHÚ VỚI NHIỀU CÂU THƠ CỦA PHẠM TIẾN DUẬT ?

Tô Hoàng

Đặt bút định viết những dòng dưới đây, tôi có đầy đủ ý thức rằng, thật may mắn, cho đến thập kỷ này, vẫn còn sống cả triệu những chiến sỹ đã từng trực tiếp phục vụ trên tuyến đường Trường Sơn, hoặc có dịp qua lại con đường máu lửa này trong những năm chiến tranh chống Mỹ. Tôi đinh ninh tin rằng những đồng chí, đồng đội, đồng trang lứa của tôi sẽ là những ai thẩm thấu và rung cảm đầy đủ, sâu sắc nhất với từng câu thơ của thi sỹ Trường Sơn này.

Nhưng còn những thế hệ 7X,8X, 9X, khi tiếp xúc với thơ của Phạm Tiến Duật, liệu các em, các cháu có khám phá ra hết, có hiểu đến tận cùng nhiều câu thơ của anh không , khi các em, các cháu hoàn toàn xa lạ với nhiều thực tế chiến tranh, chiến trường.

Đây, tạm dẫn ra vài ví dụ:
Muỗi bay rừng già cho dài tay áo
Sao ở rừng già, muỗi bay tay áo lại dài ra? Sự thật đơn giản như thế này: trong rừng, bộ đội, thanh niên xung phong thường vén tay áo sơ mi quân phục lên cao cho tiện công việc. Nhưng vào ngày mưa, hoặc khi tới những khu rừng già, muỗi rất nhiều, tự nhiên chiến sỹ gái, trai buộc phải thả tay áo xuống cho muỗi đỡ đốt. Cái tài tình của Phạm Tiến Duật là nhìn ra trong nét sinh hoạt bình thường đó một điều gì rất thơ, rất đẹp, lại như giàu tính thẩm mỹ.

Đây nữa:
Nước khe cạn bướm bay lèn đá
Ừ thì dưới khe không còn nước bướm bay ra chứ sao? Bạn trẻ có thể bình thản tiếp nhận câu thơ này. Nhưng cánh lính già chúng tôi thì hiểu khác hơn. Vào những ngày mưa rừng tầm tã, suối khe ào ạt nước chẩy thì trong rừng không hề có bướm. Và chỉ khi suối khe cạn nước-tức mùa khô đã tới, những đàn bướm rừng từ đâu mới túa về. Và những cánh bướm nhiều sắc màu và mùa khô -với Trường Sơn, với các mảnh đất chiến trường khác -là thời điểm náo nức, chộn rộn-tức “ thời điểm làm ăn “ trong một năm trận mạc lại bắt đầu.

Hoặc đây nữa:
Mai ngày giã bạn ta về,
Nghe tiếng kẹt cửa, nhớ tre rừng Lào

Bạn trẻ đọc lướt qua, thấy vần điệu vui vui, thuận chiều thế thôi. Nhưng suy ngẫm một tý, chắc bạn sẽ hỏi: Là sao?. Sao đây, tan cuộc chia tay nhau, lại nhớ đến tre của nước Lào? Sự thể là như sau, trên những cung đường Trường Sơn, phía Bắc tỉnh Atôpư, đang đeo nặng, leo dốc cao bằng thang tre, thang giây, có khi đi từ sớm tửng đến tẩn sập chiều chưa qua hết vài đường bình độ, lính ta bỗng gặp giữa rừng một đoạn đường bằng, cát mịn mát dưới chân, và hai bên đường là những bụi lồ ô, bụi bương, giữa trưa gió hây hẩy thổi, khiến thân bương, thân lồ ô cọ vào nhau phát ra những âm thanh quen thuộc của quê hương buổi nào. Lòng lính lâng lâng, bồi hồi khi nhẩm tính mình đã đi xa làng xóm, xa người yêu từng ấy ngày, từng ấy tháng. Liệu rồi, trong đời mình còn được nghe lại tiếng cót két, cọt kẹt của bụi tre làng nữa hay không đây?Hiểu và nắm bắt được buồn vui ấy của lính, nhà thơ gắng diễn tả qua vần điệu. Và cái lãng mạn, chất thơ của Duật là ở chỗ, ném mọi cảm xúc ấy về phía tương lai, về ngày chiến thắng, khi đã về tới trước cổng hoặc trong mảnh sân nhà, run run đưa tay đẩy cánh cửa liếp, cánh cổng tre, anh lính nghe tiếng cánh cổng, cánh cửa kêu, chợt nhớ tới đoạn đường bằng phẳng, có bóng tre phủ mát rượi trên đoạn đường Trường Sơn qua đất Lào thuở nào.

Liệu tôi có nôm na, mách qué nhũng câu thơ, những bài thơ của Duật không đây? Tùy bạn sành thơ phán xét.

Vẫn xin nêu thêm một ví dụ khác:
Anh lên xe trời đổ cơn mưa,
Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ..

Ừ thì trời mưa, nước mưa hắt ào ạt lên tấm kính trước buồng lái, buồng lái sẽ tối lại, nỗi buồn sẽ tràn vào. Và cái gạt nước quạt qua quạt lại, làm giảm bớt bụi nước đi cho buồng lái sáng ra, lòng lính vui lên. Có gì khó hiểu đâu? Ấy thế nhưng ai đã theo các đoàn xe vận tải quân sự vượt qua những tuyến đường khu IV cũ, hoặc đường Trường Sơn đều hiểu rằng, để tránh sự dòm ngó của máy bay trinh sát Mỹ, xe mới, xe cũ chỉ được phép khởi hành vào lúc trời đã sập tối hẳn. Và tuyệt đối không được bật đèn pha, chỉ được bật đèn gầm mà đi trong đêm thôi. Đương nhiên, vào thời khắc ấy, cả trong buồng lái, cả phong cảnh rừng núi hai bên đường chìm ngập trong bóng tối, còn nhìn thấy gì đâu khiến anh lái xe bùi ngùi thương nhớ nữa? Ấy thế, nhưng phá quy định chung, vào những hôm trời đổ mưa lớn, rừng bỗng mau tối, khí núi dâng lên mờ mịt, máy bay địch thưa vắng hẳn, lính ta tranh thủ mới ba, bốn giờ chiều đã cho các “ chú tuấn mã “ phóng ra đường. Trong thời khắc, trong điều kiện thời tiết cụ thể ấy tậm trạng buồn nhớ mới nẩy sinh và cái gạt nước mới sắm vai trò của nó.

Này đây:
Cái nhành cây gạt mối riêng tư

Này đây:
Lộp độp cơn mưa bi sắt đuối tầm

Này đây:
Cũng vương tóc rối chân gà
Cũng tiếng chó sủa chiều tà sau cây
Cũng quần áo ướt phơi dây
Cũng gầu múc nước ô hay cùng làng

……
Bạn hãy đọc lại thơ Trường Sơn của Phạm Tiến Duật đi..Còn rất nhiều những câu, những chữ, những hình tượng không chỉ chứng tỏ tấm lòng và tình yêu của nhà thơ với người lính và chiến công của Trường Sơn; mà còn là sự am tường, hiểu biết rất cụ thể, rất chi tiết, rất chính xác những gì nhà thơ đã quan sát, đã trải nghiệm trong những năm tháng anh sống trên cung đường nhiều cam go, thử thách này. Hỏi chuyện cặn kẽ, ghi chép tỷ mỉ vốn đã là tác phong của nhà thơ. Điều còn quan trọng hơn nhiều còn là ở chỗ, giữa nơi sự sống và cái chết cách nhau trong gang tấc Phạm Tiến Duật đã không mảy may so đo, tính toán; đã đủ sự can trường, dũng cảm để sống thực sự như một người lính Trường Sơn.

Liệu có cần đến những hoa thị ( * ) ghi chú thêm trong những trường hợp như vậy không?

Kỷ niệm năm thứ 4 ngày Duật vĩnh biệt mọi người (4.12.2007 & 4.12.2011)

Cám ơn anh Lê Thiếu Nhơn về việc tôi đã chép lại bài này của anh Tô Hoàng trên trang của anh www.lethieunhon.com

Trở về trang chính
CÂY LƯƠNG THỰC; FOOD CROPS
Dạy và học ĐHNLHCM
Dạy và học BlogtiengViet
Gia đình nông nghiệp
NGỌC PHƯƠNG NAM, DẠY VÀ HỌC

1 tháng 12, 2011

Viễn cảnh đồng Euro sụp đổ ?

HỌC MỖI NGÀY. Theo Tuổi Trẻ 1.12.2011, các chuyên gia tài chính phương Tây cảnh báo viễn cảnh khu vực đồng euro sụp đổ sẽ là “mẹ của mọi thảm họa tài chính” và dẫn tới những hậu quả khủng khiếp. Tất nhiên, sẽ không chỉ có châu Âu rơi vào khủng hoảng. Mỹ và châu Á cũng sẽ lao đao như các phân tích trước đây. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế cảnh báo khối đồng euro tan vỡ sẽ dẫn tới một cuộc suy thoái toàn cầu nghiêm trọng, tương tự như đại suy thoái thập niên 1930.

>> Strauss-Kahn bị gài bẫy?
>> Hãng hàng không American Airlines nộp đơn xin phá sản

Những ngày qua, không ít chuyên gia kinh tế ở Đức hay Hi Lạp cho rằng rút khỏi khối đồng euro là phương thức gây đau đớn, nhưng cần thiết, để thoát khỏi khủng hoảng nợ. Nhưng các nghiên cứu lại đưa ra câu trả lời ngược lại. Theo báo cáo “Sự tan vỡ của đồng euro - các hậu quả” của Ngân hàng Thụy Sĩ UBS, nguy cơ khối đồng euro sụp đổ sẽ dẫn tới các hậu quả kinh tế, chính trị và xã hội “mang tính thảm họa” đối với châu Âu và kinh tế toàn cầu.

Theo UBS, đối với các nền kinh tế yếu trong khối đồng euro như Hi Lạp hay Bồ Đào Nha, hậu quả tài chính sẽ cực lớn. Ví dụ, Hi Lạp quyết định quay trở lại với đồng drachma, nhưng giá đồng tiền này sẽ sụt giảm thảm hại. Trong khi đó Athens vẫn phải trả nợ tính bằng đồng euro. Việc đồng drachma sụt giá sẽ khiến khối nợ của Hi Lạp càng phình to hơn, hậu quả là vỡ nợ. Các ngân hàng Pháp và Đức sẽ khủng hoảng và có nguy cơ sụp đổ do ôm quá nhiều nợ Hi Lạp.

Chuyên gia Karsten Junius của Ngân hàng DekaBank dự báo hàng triệu người dân Hi Lạp sẽ ồ ạt rút tiền gửi euro khỏi các ngân hàng trong nước và đem gửi ở các ngân hàng nước ngoài. Hệ thống ngân hàng sẽ sụp đổ. Các doanh nghiệp cũng sẽ vỡ nợ. UBS ước tính tổn thất của một nền kinh tế yếu khi rời khỏi khối đồng euro khoảng 9.500 - 11.500 euro (12.600 - 15.300 USD)/người trong năm đầu tiên và tăng thêm 3.000 - 4.000 euro (4.000 - 5.300 USD)/người trong mỗi năm tiếp theo. Tổng thiệt hại của năm đầu tiên tương đương 40-50% GDP.

Châu Âu trông chờ vào IMF

Theo Reuters, ngày 30-11, bộ trưởng tài chính các nước khối đồng euro đã đạt thỏa thuận cho Hi Lạp vay thêm 8 tỉ euro (10,7 tỉ USD). Các quan chức cũng công bố kế hoạch bảo hiểm 20-30% trái phiếu mới của các nước đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, các nước sẽ không thể tăng nguồn vốn của Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF) lên 1.000 tỉ euro (1.300 tỉ USD) như dự tính trước đó. Châu Âu kỳ vọng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ hỗ trợ EFSF.

Theo báo Le Monde, hãng xếp hạng tín dụng Standard Poor’s đã hạ định mức tín nhiệm của 37 ngân hàng lớn thế giới, trong đó có những ngân hàng lớn nhất của Mỹ như BOA, Goldman Sachs, JPMorgan Chase, Morgan Stanley, Citigroup và Wells Fargo...

Một nền kinh tế mạnh như Đức khi rời khối đồng euro sẽ lâm vào khủng hoảng. UBS dự báo giá đồng mark Đức sẽ tăng vọt khoảng 40%, hậu quả là giá hàng xuất khẩu Đức tăng theo. Theo tạp chí Der Spiegel, năm 2011 xuất khẩu Đức lần đầu tiên sẽ đạt ngưỡng 1.000 tỉ euro (1.330 tỉ USD). Nhưng một khi quay lại với đồng mark Đức, “toàn bộ ngành xuất khẩu của Đức sẽ bị xóa sổ” như nhận định của nhà kinh tế UBS Stephane Deo. Các công ty Đức cũng sẽ phá sản, hệ thống ngân hàng trong nước lao đao, dòng thương mại quốc tế sụp đổ.

UBS ước tính nếu Đức rời khối đồng euro, tổn thất sẽ vào khoảng 6.000 - 8.000 euro (8.000 - 10.600 USD)/người trong năm đầu tiên và tăng thêm 3.500 - 4.500 euro (4.600 - 6.000 USD)/người. Tổn thất này tương đương 20-25% GDP trong năm đầu tiên. Trong khi đó, chi phí cứu trợ Hi Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha chỉ tương đương 1.000 euro (1.300 USD) một lần đối với mỗi người Đức.

Hậu quả chính trị sẽ cực kỳ sâu rộng. Khi khối đồng euro sụp đổ cũng có nghĩa là Liên minh châu Âu (EU) tan vỡ. Chuyên gia UBS Deo nhận định một EU rạn nứt sẽ lập tức đánh mất ảnh hưởng chính trị - kinh tế - xã hội toàn cầu. Những nỗ lực xây dựng các chính sách ngoại giao, an ninh khu vực trở thành vô nghĩa.

Không có đồng euro, tiếng nói của các nước châu Âu, thậm chí là các nước lớn như Đức, sẽ trở nên vô cùng nhỏ bé trên trường quốc tế. Sự rạn nứt sẽ càng gia tăng khi các nước trong khu vực dựng lên các hàng rào thuế quan, bảo hộ... để chống lại các nước rời bỏ khỏi khối đồng euro.

Nếu khối đồng euro tan vỡ, lập tức bạo động sẽ bùng nổ và lan rộng khắp châu lục. UBS cảnh báo khi một đồng tiền chết yểu, hàng triệu người sẽ bất ngờ thấy rằng tài khoản của mình trở nên vô giá trị. Tình trạng thất nghiệp sẽ dẫn tới sự bất mãn và căng thẳng xã hội. Các cuộc biểu tình, bạo động sẽ nổ ra như những gì đã xảy ra ở Hi Lạp. Lịch sử cho thấy sự sụp đổ của các liên hiệp tiền tệ chung luôn dẫn tới bạo động, thậm chí nội chiến.

Theo báo Telegraph, chính quyền Anh đã lên kế hoạch sơ tán người dân đang sống và làm việc tại các quốc gia châu Âu trong trường hợp khối đồng euro tan vỡ.

Hãng nghiên cứu kinh tế Stratfor còn dự báo sự sụp đổ của khối đồng euro sẽ đẩy chính quyền một số quốc gia thành viên trở thành thể chế độc tài. Ví dụ, Hi Lạp sẽ phải sử dụng lại đồng drachma nhưng không một người dân nào muốn đổi đồng euro lấy đồng tiền vô giá trị này. Chính phủ sẽ phải dùng các biện pháp cưỡng ép, thậm chí dùng vũ lực. Chính quyền cũng sẽ phải viện đến vũ lực để trấn áp các cuộc biểu tình.

Tất nhiên, sẽ không chỉ có châu Âu rơi vào khủng hoảng. Mỹ và châu Á cũng sẽ lao đao như các phân tích trước đây. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế cảnh báo khối đồng euro tan vỡ sẽ dẫn tới một cuộc suy thoái toàn cầu nghiêm trọng, tương tự như đại suy thoái thập niên 1930.

HIẾU TRUNG