Trang

7 tháng 1, 2012

Suy ngẫm những bài viết ám ảnh


HỌC MỖI NGÀY. Ba bài viết ấn tượng xuân 2012 là "Ôn cũ để biết mới "của Nguyễn Trọng Vĩnh, "Tái cấu trúc và sửa lỗi hệ thống" của Hoàng Tụy và "Lại chuyện giao thông …" của Trần Đăng Khoa. Xin được chép lại để đọc và suy ngẫm.


ÔN CŨ ĐỂ BIẾT MỚI

Nguyễn Trọng Vĩnh
(96 tuổi đời, 73 tuổi Đảng)

Từ khi thực dân Pháp xâm lược, thống trị nước ta, dân ta sống cuộc đời nô lệ, lầm than. Đảng Cộng sản ra đời đi vào dân, tuyên truyền, giác ngộ, tổ chức dân nhằm mục đích phá xiềng nô lệ, giành lại độc lập tự do. Có những lúc phong trào chưa rộng khắp và chưa đúng thời cơ nên các cuộc nổi dậy đã thất bại. Đảng lại gượng dậy, tuyên truyền, tổ chức dân, dân vẫn theo sự lãnh đạo của Đảng. Những năm 1936 – 1937, tại chính quốc, “Mặt trận bình dân” do Đảng Xã hội Pháp lên cầm quyền, không khí thuộc địa bớt nghẹt thở. Đảng chủ trương thành lập “Mặt trận dân chủ Đông Dương”, tổ chức các hội đoàn ở thành thị và nông thôn (chủ yếu là “Hội Ái hữu”), đưa ra khẩu hiệu đòi tự do dân chủ, dân sinh, đòi tăng lương, ngày làm 8 giờ, bỏ cúp, phạt cho công nhân, giảm thuế cho nông dân. Nhân dân hưởng ứng, phong trào được mở rộng. Năm 1939, Chính phủ Bình dân ở Pháp đổ, phái hữu lên cầm quyền lại bắt đầu khủng bố, đàn áp phong trào, lạnh lùng bắt Cộng sản. Đảng rút vào hoạt động bí mật, đề ra chủ trương lập “Mặt trận nhân dân phản đế”, hướng tới giải phóng dân tộc. Đảng vẫn bám dân, tuyên truyền vận động, bất chấp bắt bớ tù đày. Dân vẫn theo Đảng, ủng hộ, che giấu đảng viên hoạt động, cơ sở Cách mạng được giữ vững, phong trào tạm lắng xuống. Đến khi đồng chí Nguyễn Ái Quốc về nước, thành lập “Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh” gọi tắt là Việt Minh, phong trào mở rộng ra khắp cả nước tạo nên lực lượng to lớn đồng loạt nổi dậy làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám thành công.

Điểm lại quá trình trên đây để thấy rằng: dưới chế độ thực dân thống trị hà khắc, chỉ có đàn áp, khủng bố, Đảng Cộng sản không có chút quyền hành nào, không thể ra lệnh được cho ai mà vẫn làm lãnh đạo được dân, được dân tin tưởng. Được thế là vì chủ trương của Đảng đưa ra hợp với nguyện vọng của dân và từ lãnh đạo đến đảng viên một lòng vì dân vì nước, sẵn sàng hi sinh, không chút vụ lợi cá nhân nào.

Cách mạng tháng Tám thành công, Chính phủ lâm thời được thành lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu và đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lúc đó lực lượng vũ trang còn ít ỏi, tản mát ở cá địa phương, tiền chỉ có hơn 1 triệu đồng, nạn đói chưa chấm dứt, đê sông Hồng bị vỡ. Mọi chi tiêu của Chính phủ đều nhờ sự ủng hộ của các nhà hảo tâm yêu nước. Tình hình rất khó khăn. Trung ương chủ trương mở “Tuần lễ vàng”, Hồ Chủ tịch kêu gọi nhân dân ủng hộ để lấy tiền mua sắm vũ khí giữ nước và đáp ứng chi tiêu của Nhà nước, nhân dân hăng hái quyên góp, những nhà giàu như các ông Trịnh Văn Bô, Nguyễn Văn Đước, Nguyễn Thị Năm, v.v. ủng hộ hàng trăm lạng vàng, người trung bình tháo vòng xuyến, khuyên tai ủng hộ, người có chiếc nhẫn, thậm chí tháo răng vàng đóng góp.

Tiếp đó 20 vạn quân Tàu do tướng Lư Hán và Tiêu Văn kéo vào rải rác đến vĩ tuyến 16, danh nghĩa là để giải giáp quân đội Nhật đã đầu hàng “Đồng minh”, mang theo cả chỉ thị của Tưởng Giới Thạch “diệt cộng cầm Hồ” (diệt cộng sản, bắt Hồ Chí Minh). Bọn Quốc dân Đảng, Việt Nam Cách mạng đồng minh hội thân Tàu, thành lập từ Trung Quốc cũng vào theo hòng mượn oai quan thầy giành lại chính quyền từ tay Việt Minh. Tình thế Chính phủ ta bấy giờ như “ngàn cân treo sợi tóc”. Các đảng viên và hội viên Việt Minh tích cực phân công nhau tỏa vào nhân dân thông báo tình hình, vận động quần chúng biểu tình ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh. Thế là nhân dân Hà Nội và dân các tỉnh xung quanh kéo vào trung tâm thủ đô đến 50 vạn người biểu tình tuần hành, hô vang khẩu hiệu “ủng hộ Việt Minh”, “ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh” ngày ngày qua ngày khác. Khí thế hừng hực, sức mạnh của 50 vạn dân đã vô hiệu hóa ý đồ của bọn Lư Hán, Tiêu Văn và bọn Việt quốc, Việt cách. Chính cuộc biểu tình yêu nước vĩ đại cùng với tài ngoại giao của Bác Hồ đã giúp Chính phủ cụ Hồ của chúng ta thoát khỏi hiểm nghèo và đứng vững.

Thế mà biểu tình yêu nước ngày nay lại bị đàn áp.

Quá trình vận động cách mạng cho đến khi giành được chính quyền cho thấy mối quan hệ giữa Đảng với dân, giữa dân với Đảng, phải khăng khít như một. Dân không có sự lãnh đạo của Đảng thì chỉ là đám đông đảo rời rạc, không thành sức mạnh, dân phải được Đảng tuyên truyền, giác ngộ tập hợp thành tổ chức phát động lên mới thành sức mạnh; Đảng không có dân thì cũng không có sức mạnh nào, cũng không thể làm nên sự nghiệp gì.

Thực tiễn đã chứng minh như vậy, không ai phủ nhận được.

Khi Đảng đưa ra chủ trương hợp với nguyện vọng của dân thì dân nhiệt liệt hưởng ứng và tự giác làm theo.

Pháp và Trung Hoa dân quốc ký thỏa thuận với nhau, Đảng và Hồ Chủ tịch chủ trương nhân nhượng cho Pháp đưa 1.500 quân ra Bắc thay quân Tàu, để đuổi quân Tàu rút nhanh khỏi nước ta, bớt đi một kẻ thù. Sau khi quân Tàu Tưởng rút đi, thực dân Pháp gây hấn, đem quân viễn chinh sang hòng cướp nước ta một lần nữa. Đảng chủ trương quyết đánh Pháp giữ vững độc lập tự do, ngày 19/12/1946 Hồ Chủ tịch kêu gọi toàn dân kháng chiến, trong lời kêu gọi của Người có câu: “Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Toàn dân một lòng theo Đảng: nam nữ Thủ đô “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, trai tráng cả nước nô nức tình nguyện đi bộ đội chiến đấu, nông dân hăng hái đóng thóc nuôi quân, trung niên, thanh nữ tầng tầng lớp lớp đi tiếp lương, tải đạn phục vụ chiến trường… Qua 9 năm gian khổ, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch, quân dân ta đã đánh thắng thực dân Pháp, giải phóng hoàn toàn miền Bắc.

Sau thắng Pháp, Đảng chủ trương “xây dựng miền Bắc, giải phóng miền Nam”… Dân vẫn theo sự lãnh đạo của Đảng vừa tích cực khôi phục kinh tế, củng cố miền Bắc vừa tiếp tục cùng đồng bào miền Nam chiến đấu. Khi đế quốc Mỹ đổ quân vào với khối lượng vũ khí phương tiện hiện đại to lớn, chiến tranh vô cùng ác liệt, qua chặng đường dài mưa bom, bão đạn tàn khốc, cuối cùng dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân dân ta đã thực hiện được mục tiêu “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, Bắc Nam sum họp một nhà.

Trong thời kỳ hoạt động bí mật, dưới sự thống trị của thực dân Pháp và qua hai cuộc kháng chiến thắng lợi cho thấy: “Chỉ cần chủ trương của Đảng hợp với nguyện vọng của dân thì dân tin theo, Đảng vẫn lãnh đạo được dân, không cần phải có uy quyền, cũng không cần phải có điều 4 ghi trong Hiến pháp”.

Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, chúng có đủ tàu chiến, máy bay, xe tăng, đại bác, ban đầu ta chỉ có gậy tầm vông và vũ khí bộ binh ít ỏi; đế quốc Mỹ có 50 vạn quân, không kể quân chính quyền, quân ngụy, tàu chiến, máy bay, xe tăng, vũ khí phương tiện hiện đại hơn ta rất nhiều lần. Cuối cùng cả Pháp và Mỹ đều chịu thất bại. Điều đó chứng thực rằng chỉ có ưu thế tuyệt đối về vũ khí và phương tiện chiến tranh không thôi, cũng không quyết định được chiến thắng. Bá quyền nước lớn Trung Quốc, có lực lượng hải quân hơn ta tuyệt đối, bắt nạt ta, đe dọa ta, ta không việc gì phải sợ.

Đáng tiếc, sau khi giải phóng miền Nam, chủ trương cải tạo công thương nghiệp triệt tiêu mất tính năng động của một vùng kinh tế, ở miền Bắc thì chậm xóa bỏ bao cấp, vẫn giữ hợp tác xã nông nghiệp kiểu cũ “bình công chấm điểm”, kìm hãm sản xuất cho nên có một thời gian kinh tế tiêu điều, đời sống khó khăn. Đó cũng là vì “không hợp nguyện vọng của dân”. Năm 1981, Trung ương ra “Chỉ thị 100”, nông dân được tự do sản xuất trên ruộng đất của mình, lương thực, thực phẩm tăng, đời sống bớt khó khăn. Đến năm 1986, Đảng ta đổi mới tư duy, xóa bỏ bao cấp, xóa bỏ hợp tác xã nông nghiệp kiểu cũ, mở rộng nhiều thành phần kinh tế. Nhờ đó kinh tế có phát triển, đời sống khá hơn và cũng nhờ đó khi Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ Việt Nam ta vẫn đứng vững.

Nhưng đang tiếc là từ 10 năm lại đây, tiêu cực ngày càng phát triển, đã có nhiều việc làm và chủ trương không như mong muốn của dân.

Phá hội trường Ba Đình, di tích lịch sử quan trọng nhất của nước ta, không phải là nguyện vọng của dân.

Ký cho Trung Quốc khai thác bôxít Tây Nguyên, chiếm lĩnh cao điểm chiến lược quan trọng của Đông Dương, phá hoại môi trường, di họa bùn đỏ cho hàng triệu đồng bào, mất không tài nguyên mà chẳng được lợi lộc gì, có khi còn lỗ vốn, không phải là nguyện vọng của dân.

Mở rộng thủ đô quá lớn, sáp nhập cả một tỉnh nông nghiệp, không phải là nguyện vọng của dân.
Bán (cho thuê 50 năm) rừng đầu nguồn, biên giới, không phải là nguyện vọng của dân.

Thu hồi bờ xôi ruộng mật của nông dân, làm giàu cho các kẻ đầu tư địa ốc, nông dân thất nghiệp, không phải là nguyện vọng của dân.

Phát triển đô thị quá mức, xây nhà cao tầng, tràn lan thừa ế mà công nhân và người thu nhập thấp không thể mua được nhà ở, không phải là nguyện vọng của dân.

Nước ta hẹp mà phát triển 120 sân gôn, phục vụ cho một số người giàu, mất bao nhiêu là đất, không phải là nguyện vọng của dân.

Cho các công ty Trung Quốc trúng thầu hàng loạt công trình, đưa vào máy móc thiết bị cũ, kỹ thuật lạc hậu, tự do đưa vào hàng vạn lao động phổ thông (phần nhiều là lính phục viên) rải khắp nơi (là thủ đoạn di dân) nguy hiểm cho an ninh quốc phòng, không phải là nguyện vọng của dân.
Học phí tăng cao, viện phí tăng cao mà bệnh nhân 2, 3 người nằm 1 giường, giá cả nhiều thứ tăng vọt, không phải là nguyện vọng của dân.

Các tập đoàn kinh tế nhà nước được rót vốn rất lớn mà đa số thua lỗ, thất thoát hàng nghìn tỉ, các ngân hàng có nợ khó đòi cũng thất thoát hàng nghìn tỉ, nợ nước ngoài chồng chất mà hiệu quả kinh tế không nhiều… trách nhiệm quản lý điều hành thuộc về ai?

Những chủ trương và việc làm ngược với nguyện vọng của dân, không phù hợp với lợi ích của đất nước làm cho dân mất tin tưởng vào Chính phủ, vào lãnh đạo là tất yếu. Tình hình này sẽ đưa đất nước đi đến đâu?

Thêm vào đó còn nhiều điều gây bức xúc nữa.

- Mất dân chủ. Dân không dám nói sự thật, không được biết sự thật, báo chí lề phải không được thông tin tự do, không được bình luận trái với chủ trương của Chính phủ, của lãnh đạo, hàng nghìn ý kiến can ngăn việc làm và chủ trương sai trái không được tiếp thu, hàng chục kiến nghị có tính xây dựng không được xem xét, dân không được ứng cử tự do theo Hiến pháp. Các chức danh đưa ra để bầu thì đã được định trước, bỏ phiếu chỉ là hình thức, hơn nữa chỉ độc diễn thì làm gì có lựa chọn, v.v.

- Trung Quốc mồm thì nói hữu nghị, nhưng làm biết bao nhiêu việc trái lại, thiệt hại cho ta, mà lãnh đạo nín nhịn mãi, lấn biển, cướp đảo, bắt, bắn ngư dân, đâm chìm, bắt tàu cá, gây hấn, hoành hành ngang ngược, dân không được đấu tranh yêu nước, biểu tình thì bị đàn áp.
- Giá cả mọi thứ tăng cao, con cá, lá rau cũng đắt gấp 2, 3 lần; đời sống người nghèo, người có thu nhập thấp, khốn khổ hết chịu nổi, người thu nhập trung bình cũng phải thắt lưng buộc bụng. Người nắm quyền thì nhà to đất rộng, trang trại dinh thự, mà công nhân không có nhà ở, người nghèo kiếm được căn ổ chuột cũng khó.

Nếu bức xúc tích lũy kéo dài, người dân bị dồn nén quá ngưỡng, liệu đến lúc nào đó có “tức nước vỡ bờ” không?

Thực trạng trên đây đòi hỏi có sự cải cách quyết liệt thì mới đưa đất nước tiến lên được.

1 – Phải thật tâm chỉnh đốn Đảng, trước hết là bộ phận nắm quyền từ trên xuống dưới, đặc biệt quan trọng là bộ phận nắm quyền cao nhất, để có bộ phận chủ chốt trong sạch, dùng chức quyền lo cho dân cho nước thay vì lo làm giàu cho cá nhân, gia đình, họ hàng, thân thuộc. Cần thay đổi, điều chỉnh để những vị trí quan trọng phải do những người thực sự có tâm huyết, có thực tài đảm nhiệm; ai trót có sai phạm thì nên tự xét, hồi tâm chuyển ý, rũ bỏ lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, sửa mình, làm tốt bất cứ nhiệm vụ gì đảm nhiệm.
Bộ phận nắm quyền chủ chốt phải nhìn thẳng vào sự thật, đồng hành với dân, khiêm tốn, không biểu thị uy quyền, không cho mình là giỏi nhất, đúng nhất, phát huy bản tính tự lực, tự cường, tinh thần độc lập tự chủ, hết lòng lo cho đời sống và phúc lợi của dân, cho sự giàu mạnh của Tổ quốc. Chính phủ chân chính, dân chủ, chí công vô tư thì không bao giờ xảy ra “hoa nhài, hoa sói…”, không phải đề phòng đối với dân.

2 – Thực hiện dân chủ, có tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do biểu tình như Hiến pháp đã ghi để lấy lại lòng tin của dân, tạo không khí hồ hởi chung tay xây dựng, phát triển đất nước. Dân và báo chí được nói thẳng nói thật, lãnh đạo không ngại phân biệt công khai, nghe nhiều, cấm ít, từ đó chắt lọc lấy kế hay ý tốt, kịp thời sửa chữa chủ trương, chính sách không phù hợp, thực sự cầu thị thì mới tiến lên được. Độc đoán chuyên quyền chỉ là đi vào ngõ cụt.

3 – Trọng dụng nhân tài. Trong nước ta cũng có nhiều chuyên gia kinh tế giỏi, trí thức có chân tài, thực học, trong kiều bào không thiếu những trí thức ưu tú có tâm huyết với Tổ quốc. Cần trân trọng và trọng dụng họ để họ đóng góp cho công cuộc phát triển, quản lý đất nước; có những phòng thí nghiệm chuẩn để trí thức nghiên cứu, phát minh sáng chế góp phần vào sự nghiệp hiện đại hóa đất nước.

4 – Thực hiện đúng chính sách ngoại giao mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Hợp tác hữu nghị với Trung Quốc đồng thời cũng hợp tác hữu nghị với các nước lớn khác. Các nước làm ăn với nước ta phải tôn trọng chủ quyền của nước ta, tuân thủ luật pháp của nước ta, Trung Quốc cũng vậy. Hợp tác cũng có đấu tranh. Ta không chủ trương đối đầu quân sự với Trung Quốc, nhưng ta phải đấu tranh công khai với Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền biển đảo của ta. Những cứ liệu lịch sử và pháp lý của ta, ta cần tuyên truyền rộng rãi ra thế giới, trong dân ta với cả nhân dân Trung Quốc, để rõ chính nghĩa thuộc về ta. Trong làm ăn kinh tế cần phấn đấu để thoát ra khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Cần dừng ngay dự án bôxít Tây Nguyên, vô cùng nguy hiểm và thiệt hại cho nước ta. Trong thế cô lập trước thế giới hiện nay cũng như trong nội bộ Trung Quốc đầy rẫy mâu thuẫn dễ bùng nổ đương tồn tại, Trung Quốc chưa dám tùy tiện đánh ta dù hung hăng đe dọa. Chúng ta cũng cần tăng cường thích đáng lực lượng hải quân của mình phòng khi vạn bất đắc dĩ phải nghênh chiến theo tinh thần và truyền thống “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn” của nhân dân ta. Thực tiễn đã chứng minh chỉ có ưu thế về vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại không thôi, vẫn thất bại.

5 – Gắn bó với dân, xóa bỏi mọi thành kiến, thực hiện đại đoàn kết dân tộc, huy động mọi tiềm năng và trí tuệ của đồng bào trong, ngoài nước chung tay thực hiện dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh.

N. T. V.
Theo BVN
Quechoa.info

TÁI CẤU TRÚC VÀ SỬA LỖI HỆ THỐNG

Hoàng Tụy


Mấy năm nay trong xã hôi ta thường nghe nói đến các lỗi hệ thống. Và trong năm 2011 cụm từ tái cấu trúc được nhắc đi nhắc lại với tần số kỷ lục trong các giải pháp vượt qua khó khăn kinh tế gay gắt hiện nay. Không hẹn mà gặp, các từ này đã trở thành những từ khoá trong phần lớn các nghiên cứu về quản lý kinh tế xã hội trong cả năm 2011. Cho nên có lẽ cũng là tự nhiên nếu câu chuyện đầu năm xoay quanh tái cấu trúc và lỗi hệ thống.Một hệ thống phức tạp được đặc trưng bởi mục tiêu, thành phần, cơ chế hoạt động và cấu trúc các mối quan hệ giữa các thành phần của nó với nhau và với môi trường bên ngoài.

Trong quá trình hoạt động nhằm thực hiện mục tiêu của nó, một hê thống phức tạp, dù là một doanh nghiệp, một ngành kinh tế, văn hoá, xã hội hay những hệ thống lớn hơn, đều không tránh khỏi lúc này lúc khác có trục trặc. Nếu chỉ là trục trặc trong vận hành bình thường thì có thể dựa theo cơ chế phản hồi để phát hiện và điều chỉnh. Nhưng nếu trục trặc lớn, kéo dài thời gian lâu, thì thường có thể do mục tiêu sai, hoặc cấu trúc của hệ thống có vấn đề, có khuyết tật cơ bản, hoặc cả mục tiêu lẫn cấu trúc đều có chuyện. Khi đó, nếu chỉ xử lý cục bộ, chắp vá, vụn vặt, theo phương thức sai đâu sửa đó, thì không những không giảm bớt được truc trặc, mà có khi còn làm phát sinh thêm những rối ren, phức tạp mới, làm bất ổn gia tăng, đến mức có thể vượt khỏi tầm kiểm soát. Giải pháp đúng đắn trong tình huống đó chỉ có thể là dựa trên phân tích hệ thống, xét lại toàn bộ tổ chức, từ mục tiêu đến cơ chế hoạt động và các mối quan hệ trong nội bộ hệ thống với nhau và với môi trường, để thấy rõ và tìm cách sửa chữa những khuyết tật cơ bản của hệ thống, tức là các lỗi hệ thống, theo cách nói quen thuộc gần đây.

Đó là ý nghĩa các phạm trù “lỗi hệ thống” và “tái cấu trúc” mà gần đây đã được sử dụng khá phổ biến trong các câu chuyện chính trị và kinh tế, xã hội.

Thực tế xây dựng đất nước hơn ba mươi năm qua đã dạy chúng ta một bài học đắt giá: chỉ trong vòng mười năm sau ngày thống nhất Tổ quốc, đất nước đã đứng trên bờ vực sụp đổ, buộc chúng ta phải tỉnh giấc, nhìn thẳng vào những thất bại gây nên do những lỗi lầm hệ thống tich luỹ trong quản lý kinh tế xã hội, từ đó mới có công cuộc đổi mới mà nhờ đó đất nước đã vượt qua khủng hoảng để hồi sinh kỳ diệu trong thập kỷ 90.

Ngày nay, éo le lịch sử lại đặt thế hệ chúng ta đứng trước tình huống tương tự như 25 năm trước. Bên cạnh những thành tựu bắt nguồn từ đổi mới, trong thời gian 5-7 năm gần đây đã xuất hiện nhiều sai lầm, thất bại đưa đất nước đến những khó khăn hết sức nghiêm trọng. Những gì tich cực mà đổi mới có thể đem lại đều đã đạt tới giới hạn. Nhiều lỗi hệ thống ở tầng sâu trước đây còn khuất nay bắt đầu lộ diện, khiến chúng ta đứng trước sự lựa chọn mới: hoặc tiếp tục làm ngơ với các lỗi hệ thống đó, chấp nhận đối mặt với nguy cơ trì trệ, thậm chí lụn bại và chuốc lấy nguyền rủa của đời sau, hoặc chịu đau giải phẫu và cắt bỏ những mầm bệnh mà thật ra đã ủ sẵn trong cơ thể từ nhiều thế hệ trước, và dũng cảm thay đổi tư duy một lần nữa, mở ra một thời kỳ khai sáng mới, xứng đáng với truyền thống cách mạng của các thế hệ tiền bối và không thẹn với những hy sinh mất mác to lớn của cả dân tộc qua mấy chục năm chiến tranh tàn khốc.

Trước hết, về đời sống chính trị. Có thể nói hầu hết những gì khó khăn, bê bối, trì trệ, suy thoái, hư hỏng, kéo dài trong mấy chục năm qua, suy cho cùng, có nguồn gốc liên quan tới những khuyết tật hệ thống của thể chế chính trị, cho nên sẽ khó có hy vọng khắc phục triệt để nếu không loại bỏ những lỗi hệ thống đó.

Điều nguy hiểm đáng lo, như Tổng Bí Thư đã nhận định trong Hội nghị TƯ vừa qua, là suy thoái biến chất đã diễn ra ở một bộ phận không nhỏ đảng viên giữ vị trí cao trong bộ máy quyền lực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của dân. Nói như dân gian: nhà dột từ nóc. Sở dĩ như vậy là do quyền lực tập trung quá đáng mà không có cơ chế kiểm soát hữu hiệu, tiếng là thể chế dân chủ nhưng nặng về dân chủ hình thức, luật pháp không nghiêm minh, khiến tham nhũng, tội phạm có điều kiện hoành hành cả ở những nơi lẽ ra phải gương mẫu và trong sạch nhất. Bộ máy hành chính qua nhiều lần “cải cách” ngày càng đồ sộ mà vẫn quan liêu, xa dân, hành dân là chính. Nhiều quan lớn trong bộ máy không ngớt rao giảng đạo đức mà thật ra lối sống đồi truỵ, chỉ chăm chăm lợi dụng chức quyền mưu lợi vinh thân phì gia. Với một nền quốc trị như thế, trách sao văn hoá, đạo đức xã hội không ngày một suy đồi, các bản tin hàng ngày dày đặc những vụ lừa đảo, trộm cắp, chém giết nhau mất hết tính người.

Thật đau xót khi nghĩ tới một xã hội cách đây chưa lâu từng được ca ngợi nghèo nhưng vẫn giữ được phẩm cách, nay đầy rẫy những cảnh xa xỉ lố lăng, gian dối, xảo trá, không chút tự trọng. Cho nên sửa đổi hiến pháp đi đôi với chỉnh đốn Đảng, chỉnh đốn bộ máy chính quyền, tái cấu trúc ở tầng sâu chính trị nhằm sửa sai hệ thống là yêu cầu khẩn thiết hiện nay cần thực hiện bằng được mới mong có thể lấy lại niềm tin đang mất dần của dân.

Thứ hai, về đời sống kinh tế. Trong mấy thập kỷ mải mê phát triển kinh tế dựa vào tài nguyên thiên nhiên và lao đông giá rẻ, lấy doanh nghiệp Nhà nước làm chủ đạo, xây dựng các tập đoàn chủ chốt dựa trên độc quyền và sự ưu ái của Nhà nước chứ không dựa trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh, trong khi đó lơ là văn hoá, giáo dục, khoa học khiến các lĩnh vực này sa sút nghiêm trọng – nay đã rõ mô hình đó không thể tiếp tục. Tai hại là đường lối phát triển kinh tế thiển cận đó được thực thi trên nền một thể chế lỏng lẻo bị thao túng bởi các nhóm lợi ích, khiến tham nhũng, lộng quyền, thiếu dân chủ đã trở thành những căn bệnh đặc trưng của xã hội Viêt Nam hiện nay. Nếu không đủ quyết tâm trừ diệt tận gốc mà cứ để những căn bệnh này ăn sâu vào xương tuỷ xã hội thì không mong gì những kế hoạch tái cấu trúc kinh tế có thể thực hiện có hiệu quả.

Sau cùng, nhưng xét về lâu dài lại là căn bản nhất, là đời sống văn hoá, giáo dục, xã hội. Không phải không có cơ sở mà ngay trong chế độ thực dân hà khắc, Phan Châu Trinh đã khởi xướng cứu nước bằng đường lối “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Sự xuống cấp ở đây thấm thía từng ngày, chưa bao giờ người dân bình thường cảm thấy cuộc sống bất an như lúc này. Đường sá, phương tiện giao thông thiếu an toàn (gần đây càng trầm trọng do các vụ cháy xe liên tiếp vì xăng kém phẩm chất), bệnh viện quá tải thê thảm, thực phẩm độc hại tràn lan, trường học cũng không yên tĩnh, đành rằng tất cả đều có phần hệ quả trực tiếp của những sai lầm hệ thống nói trên về chính trị, kinh tế. Tuy nhiên, ở đây cũng cần nhận rõ những sai lầm hệ thống ngay trong văn hoá, khoa học, giáo dục, y tế, xã hội nữa.

Về giáo dục, những yếu kém, bất cập, hư hỏng lưu niên đến nay chưa dứt chứng tỏ đường lối đổi mới cục bộ, chắp vá, vụn vặt, lăng nhăng, từng thực thi qua ba đời bộ trưởng đã hoàn toàn phá sản. Từ lâu, cải cách giáo dục toàn diện, triêt để, đã được cuộc sống cảm nhận bức thiết và TƯ Đảng, Chính Phủ cũng đã có những nghị quyết trịnh trọng khởi xướng từ 6-7 năm nay. Sai lầm hệ thống lớn nhất trong lĩnh vực giáo dục là đã đi lạc ra ngoài con đường chung của thế giới, kìm hãm thế hệ trẻ trong nền cử nghiệp hư học mà ngay từ thời phong kiến, vua Minh Mạng triều Nguyễn đã từng nghiêm khắc lên án nó là nguyên nhân khiến “nhân tài trong nước ngày một kém đi” (“Viêt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim, trang 463). Trong đó cái chính sách lương không ra lương, ban đầu còn có lý do bào chữa là do khó khăn kinh tế, kỳ thật là một chính sách thiển cận tai hại, đương nhiên chủ yếu do chịu vòng cương toả của chính sách chung về lương công chức của Nhà nước, nhưng trong đó cũng có một phần không nhỏ là trách nhiệm của bản thân ngành giáo dục. Vì cái chính sách lương kỳ quặc này, không giống bất cứ ai trên thế giới, nên mới có tình trạng cũng không giống ai trên thế giới là thầy giáo không tập trung vào công việc mình được trả lương mà phải đầu tắt mặt tối kiếm thêm thu nhập từ những công việc khác. Nghịch lý lạ lùng là không đâu người thầy bị rẻ rúng, coi thường như ở xứ này, nơi mà từ xa xưa đã có truyền thống tôn kính thầy và nay vẫn luôn nhắc tới bốn chữ tôn sư trọng đạo. Vì vậy, tuy lúc này mới bắt tay cải cách giáo dục cũng đã quá muộn, nhưng lại có thể có thuận lợi cơ bản nếu được làm đồng bộ với cải cách chính trị và cải cách kinh tế như trên đã bàn.

Còn nhớ khi mới bắt đầu đổi mới, vào cuối thập kỷ 80, đã có lúc, do nghe theo đề xuất của một số cán bộ nghiên cứu thiếu hiểu biết, khái niệm hộp đen trong khoa học hệ thống đã được vận dụng khá bừa bãi trong quản lý kinh tế. Kỳ quặc đến nỗi danh từ hộp đen dùng để chỉ các xí nghiệp đã trở thành thời thượng trong các phát biểu của lãnh đạo, trên các báo lớn nhất ở trung ương, và cả một thời gian dài cái áo khoa học sang trọng khoác lên danh từ đó từng là yếu tố kích thích, tạo hứng cho hoạt động của các câu lạc bộ giám đốc xí nghiệp. Thậm chí nhiều người, cả ở cấp lãnh đạo cao, cũng tin tưởng ngây thơ chỉ việc “quay” các hộp đen cho giỏi thì sản xuất sẽ phát triển. Còn “quay” như thế nào thì tuỳ nghi, ai muốn hiểu cách nào cũng được, tha hồ cho trí tưởng tượng mặc sức vẽ vời. Đó là thời kỳ ấu trĩ, tuy cũng là một cách giải toả bớt tâm lý bế tắc chung vào lúc nhìn đâu cũng thấy khó khăn, nhưng cái hại lớn là tạo ra thói quen say sưa bàn thảo những chuyện vu vơ, chẳng ăn nhập gì với cuộc sống đang nước sôi lửa bỏng hàng ngày. Mong rằng lần này chúng ta không lặp lại sai lầm đó, dù ở trình độ cao hơn.

Tái cơ cấu là để sửa các lỗi hệ thống, cho nên trước hết phải nhận định đúng các lỗi hệ thống, mới biết nên tái cơ cấu như thế nào và sau đó phải có đủ quyết tâm mới thực hiện được đến nơi đến chốn. Toàn bộ công việc đụng chạm đến các nhóm lợi ích mà một số nhóm này gắn chặt với các lỗi hệ thống, cho nên sẽ rất gay go, gian khổ. Từ hai mươi năm nay đây là thử thách lớn nhất, cầu mong hồn thiêng sông núi giúp đất nước vượt qua được thử thách này.

Nguồn: viet-studies

LẠI CHUYỆN GIAO THÔNG…

Trần Đăng Khoa
Thực tình, tôi không muốn lạm bàn thêm về chuyện giao thông nữa. Bởi đó là một việc rất phức tạp. Càng bàn càng rối. Sau bao nhiêu sáng kiến, giải pháp, chúng ta vẫn chưa tìm ra một lối thoát nào thực sự hữu hiệu. Những vấn nạn giao thông thì ai cũng đã biết rồi. Biết thuần thục đến mức, dường như tất cả những sáng kiến mới đưa ra nhằm khắc phục cũng không còn mới nữa. Chính Bộ trưởng Bộ Giao thông Đinh La Thăng, người được nhân dân đặc biệt yêu mến, vì giám đương đầu với Quốc nạn này, đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, khá mới mẻ, nhưng rồi chính ông cũng thấy việc làm của mình “không có gì mới cả”.

Trước ông, qua hệ thống truyền thông, ta biết cũng đã có khá nhiều người loay hoay tìm cách tháo gỡ. Nhưng những “sáng kiến” ấy đều dẫn đến các ngõ cụt. “Sáng kiến” thành “tối kiến”. Ví như: Cấm xe địa phương vào Hà Nội. Xe số chẵn đi ngày chẵn. Xe số lẻ đi ngày lẻ. Xe tắc xi phải bốn người mới được khởi hành…Thật kỳ quái. Nghe tếu như chuyện ở bàn nhậu. Nếu cấm xe các tỉnh vào Hà Nội, thì vô tỉnh biến Thủ đô thành ốc đảo. Và rồi các tỉnh họ cũng có quyền cấm xe Thủ đô đi qua “lãnh thổ” của họ để … “giải quyết ách tắc giao thông” thì sao?. Nếu vận hành xe theo số chẵn lẻ, mà cán bộ công nhân viên chức ngày nào cũng phải đến cơ quan, thì chả lẽ tầng lớp viên chức nghèo ấy lại phải nhịn ăn, nhịn mặc mua thêm xe nữa, rồi lại phải tìm cách “xoay xỏa” sao cho có số biển lệch với số đã có. Còn nếu xe tắc xi chỉ được khởi hành khi có bốn người, thì trường hợp đưa người đi cấp cứu sẽ ra sao? Tìm được đủ bốn người thì không khéo bệnh nhân đã tắt thở trước khi tới được cổng bệnh viện. Chuyện thật mà cứ như đùa. Và đùa ác. Liệt kê lại những sáng kiến “tâm thần” ấy, mới thấy đề xuất “đổi giờ làm” của Bộ trưởng Đinh La Thăng là hay hơn cả, thông minh hơn cả. Nhưng hay hơn là hay hơn những “tối kiến” kỳ quái trước đó thôi, chứ vẫn chưa phải là đề xuất tối ưu. Bởi đổi giờ làm giờ học sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khác. Chí ít cũng đảo lộn đời sống quen thuôc của người dân. Cán bộ công nhân viên chức làm theo giờ hành chính đã đành. Nhưng những anh chị em làm công tác dịch vụ, nghỉ sau 19 giờ hoặc muộn hơn nữa mà con cái họ 17 giờ tan trường, thì ai đón các cháu? Và rồi các cháu sẽ ra sao trước bao nhiêu cạm bẫy mà không có bố mẹ. Đồng lương èo uột, nhiều người còn sống không nổi, có phải ai cũng thuê được người giúp việc đâu. Vả lại nhiều gia đình, chỉ còn bữa cơm chiều là vợ chồng, con cái được đoàn tụ. Bây giờ lại xé ra “ăn theo ca kíp” thì rồi sẽ ra sao? Gia đình Việt Nam trong đời sống hiện đại vốn đã lỏng lẻo, giờ lại thêm xuệch xoạc nữa. “Giời đánh còn tránh miếng ăn”. Bộ trưởng Đinh La Thăng hình như cũng đã nhìn thấy hết những hệ lụy ấy, và ông đã lên tiếng kêu gọi “Phải hi sinh những lợi ích nhỏ vì mục đích lớn”. Tuy nhiên thế, khi nhìn cụ thể vào từng gia đình, từng số phận người dân, mới hay sự “hi sinh” của họ cũng chẳng “nhỏ” chút nào. Bởi thế, những chuyện giao thông, càng bàn càng rối. Vì vậy, trong thâm tâm, tôi không muốn bạn đọc, các “Thượng đế” của tôi phải bận tâm thêm. Tuy nhiên, dư luận xã hội một lần nữa lại “nóng lên” bởi rất nhiều tai nạn vẫn xảy ra. Trong phiên trả lời chất vấn Quốc hội của Bộ trưởng Thăng, có người trách ông vòng vo. Có người thất vọng, muốn ông có một lời hứa cụ thể, đến bao giờ thì giải quyết được ách tắc và chấm dứt tai nạn. Thật khổ cho Đinh La Thăng khi ông chỉ được trả lời theo từng cụm vấn đề, mà không đi vào câu hỏi cụ thể. Với thời gian eo hẹp, cũng chỉ có thể đi vào từng cụm vấn đề thôi, và như thế sẽ rất dễ bị hiểu lầm là vòng vo lảng tránh. Mặc dù Đinh La Thăng là con người cụ thể. Ông nắm rất chắc những vấn đề mình quan tâm. Ngay khi ông trả lời chất vấn cũng đã xảy ra vụ tai nạn thương tâm ở Bình Thuận. Ông đưa ra những thông số rất ấn tượng: " Mỗi năm cả nước có gần 12.000 người chết và 9.300 người bị thương do tai nạn giao thông. Nếu so sánh với thảm họa kép sóng thần và động đất xảy ra tại Nhật Bản chấn động thế giới hồi đầu năm 2011, thì số người chết vì tai nạn giao thông một năm bằng 75%, số người bị thương bằng 156% số nạn nhân do thảm họa sóng thần. Thiệt hại về người và tài sản do tai nạn giao thông gây ra đang là một thảm họa, có thể coi là quốc nạn mà chúng ta cần kiên quyết giảm thiểu”. Ông cũng đã chỉ ra: “ Về nguyên nhân tai nạn, chủ yếu do công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông của các cấp còn nhiều thiếu sót; ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người tham gia rất kém; cơ sở hạ tầng được đầu tư không đáp ứng kịp với tốc độ phát triển của xã hội”. Giải quyết vấn nạn giao thông là việc của mỗi người mỗi nhà và toàn xã hội. Vì thế, không thể bắt một mình ông Thăng hứa cụ thể, đến bao giờ thì giảm ách tắc và chấm dứt triệt để tai nạn giao thông. Sẽ không bao giờ giải quyết được vấn nạn này, nếu không có một hệ thống đồng bộ để giải tỏa, bao gồm hệ thống đường trên cao, hệ thống tầu điện ngầm hiện đại dưới lòng đất như các nước và đặc biệt là nâng cao dân trí, nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông. Những gì cần làm trong cương vị của mình thì ông Thăng cũng đã làm rồi và làm rất hiệu quả, như cách chức cán bộ và sa thải nhân viên vi phạm quy định và làm việc không hiệu quả, đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ và giải quyết từng bước tình hình. Chúng ta cũng không thể đòi hỏi cao hơn, nhất là đối với người vừa mới nhậm chức được đôi ba tháng. Không phải ngẫu nhiên mà dư luận xã hội cũng như đông đảo nhân dân đều ủng hộ, tin tưởng và chờ đợi ở Đinh La Thăng. Nếu cán bộ nào cũng giám làm, giám chịu trách nhiệm và quyết liệt đặt cược cả số phận mình vào công việc như Đinh La Thăng, chắc chắn diện mạo đất nước và ý thức công việc ý thức xã hội của cán bộ công viên chức cũng sẽ khác. Chí ít ở trong ngành Giao thông cũng sẽ giảm thiểu những cung đường nhanh chóng xuống cấp thảm hại vì lối làm ăn điêu chác, trò rút ruột công trình, hay lớn hơn là những vụ án nghiêm trọng làm mất thể diện quốc gia, xói mòn niềm tin của dân với Đảng, với các cấp quản lý, lãnh đạo từ vi mô đến vĩ mô, như vụ PMU18.

Tôi cũng muốn bàn thêm với Bộ trưởng Đinh La Thăng về một giải pháp của ông. Đó là việc phân luồng đường. Việc này, đúng như ông nói, không mới. Chúng ta cũng đã từng phân luồng đường bằng những giải phân cách bằng sắt, bằng xi măng hay những cọc nhựa mềm. Xây rồi lại phá. Phá rồi lại xây. Rất tốn kém tiền bạc của dân mà hiệu quả lại không cao. Lần này, chúng ta phân luồng khá cụ thể cho ô tô, xe máy và các phương tiện thô sơ. Cách làm khoa học hơn, nhưng vẫn chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Có lẽ cũng một phần vì đường của ta quá hẹp, lại còn hẹp thêm nữa, vì phải dành diện tích cho giải phân cách. Thêm nữa, mật độ phương tiện giao thông mỗi ngày một tăng, vì sự phát triển của kinh tế. Đường hẹp lại, xe cộ tăng, giải phân cách lại thấp, nhiều khi bị khuất lấp, người tham gia giao thông không nhìn thấy, thì làm sao giảm được ách tắc và tránh được tai nạn? Tại sao ta không đưa lên cao, vừa đỡ tốn kém, vừa giải phóng đường, vừa thông thoáng mà người tham gia giao thông lại có thể nhìn thấy được từ xa.

Cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông, Tướng Đồng Sĩ Nguyên, một vị tướng lừng danh của cung đường Trường Sơn khói lửa, người đã có công dựng cầu Chương Dương từ đói nghèo rơm rạ, bằng nguyên liệu tằn tiện và tự chế. Đến nay cây cầu ấy vẫn vững chãi, vẫn lực lưỡng “gánh vác” mạng lưới giao thông ở cửa ngõ phía Bắc Thủ đô, dù bên cạnh, chúng ta đã có hai cây cầu mới rất hoành tráng và hiện đại. Tướng Nguyên cho rằng, Bộ trưởng Thăng “vẫn chưa bắt được bệnh”. Tôi thành kính chia sẻ với ông. Nhưng theo tôi, Bộ trưởng Thăng không phải không bắt trúng bệnh mà ông đã nhìn thấy bệnh rồi. Căn bệnh lưu cữu từ rất nhiều đời, không chỉ ở vi mô mà còn ở cả tầm vĩ mô. Tuy nhiên sẽ không bao giờ giải quyết được nếu chúng ta vẫn quen tư duy theo theo lối nhiệm kỳ. Với cách hành xử có tính vụ lợi ấy, thường chỉ giải quyết được ổn thỏa những việc trước mắt có lợi cho một người hoặc một nhóm người, rồi “hạ cánh an toàn”, còn hậu quả thì con cháu những thế hệ sau sẽ phải gánh chịu. Đã đến lúc chúng ta cần những người có tầm nhìn xa, không phải tầm nhìn vượt nhiệm kỳ, mà tầm nhìn của 50 năm, 100 năm, hoặc một vài thế kỷ để giải quyết những việc trước mắt. Nếu có tầm nhìn xa, thì từ lâu rồi, chúng ta đã “giải tỏa” cho Hà Nội bằng việc đưa các trường đại học về các tỉnh địa phương. Không nhất thiết cứ phải dồn hết về Hà Nội. Chúng ta có 64 tỉnh thành. Nếu tỉnh nào cũng có trường Đại học, hoặc trường dạy nghề, hay các Viện nghiên cứu khoa học, công nghệ, thì vừa giải tỏa nạn quá tải cho Hà Nội lại vừa nâng cao dân trí cho các địa phương để cả nước cùng phát triển đồng đều. Nếu có tầm nhìn xa, trong các trường học, thay cho việc học những bài học chung chung, chúng ta cần phải dạy các cháu những việc rất cụ thể, trong đó có luật giao thông và cách đi đường. Những kẻ ngông cuồng gây tai nạn giao thông kinh hoàng cũng cần trừng phạt nghiêm khắc hơn nữa. Bởi những hung thần đường phố ấy thường ỷ thế bố mẹ hoặc đồng tiền. Theo kiểu “những gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng số tiền lớn hơn”. Vậy thì không thể chỉ đơn giản tịch thu phương tiện giao thông. Cùng với việc tịch thu phương tiện giao thông là lượng tiền phạt cực lớn, rồi lấy tiền đó chi phí cho nâng cấp các công trình giao thông hoặc giúp đỡ những gia đình bị nạn. Nếu những kẻ ngông cuồng coi thường pháp luật ấy, có bố mẹ ở các cấp cao, và ỷ thế bố mẹ làm càn, thì các bậc quan chức đó có nên ngồi ở vị trí đó không? Đối với con mình còn không dậy nổi thì làm sao chúng ta có thể tin các vị ấy có thể điều hành, lãnh đạo được cả một xã hội rộng lớn.

Anh bạn tôi nửa đời sống bên Đức kể rằng, khi gây nên tai nạn giao thông, dù không chết người, chỉ làm gẫy một cây non thôi, người gây tai nạn cũng bị phạt 20.000 EURO (tương đương gần 300.000.000 đ 00 tiền Việt Nam) và trồng trả một cây tương tự vào vị trí cũ và phải bảo đảm cho cây đó sống được. Tại sao chúng ta không tham khảo bạn bè để điều hành giao thông và đưa sự hỗn loạn xã hội vào kỷ cương. Đã đến lúc không thể chậm hơn được nữa. Nếu tham khảo ý dân, tôi tin, rất tin rằng, nhân dân sẽ ủng hộ

Nguồn: Blog Lão Khoa

Trở về trang chính
CÂY LƯƠNG THỰC; FOOD CROPS
Dạy và học ĐHNLHCM
Dạy và học BlogtiengViet
Gia đình nông nghiệp
NGỌC PHƯƠNG NAM,
DẠY VÀ HỌC


5 tháng 1, 2012

GS Lân Dũng nhặt vội mấy dòng thơ tâm đắc

HỌC MỖI NGÀY. Giáo sư Lân Dũng vừa có bài "Những người làm thơ không chuyên" . Giáo sư viết: Tôi chỉ nhặt vội mấy dòng thơ mà sao thấy tâm đắc quá. Chẳng hạn như một cảm xúc đầy nhân bản của tác giả Trần Quê (Hàng không VN): Cụ cào ngao trên bãi biển này/ Trong dãy quán trên bờ bao người đang say/ Say mực, say tôm, say cua, say ghẹ/ Say rượu, say bia. Say..! Say bao thứ nữa/ Một lần say đủ cả tháng cụ cào/ Biển có say mà tung sóng ào ào/ Bãi có say mà lao xao tiếng cười, tiếng nói/ Dọc bãi biển cụ già chân mềm tay yếu/ Lặng lẽ kéo cào cóp nhặt những con ngao… Hay một bài Thất ngôn bát cú của chị QN, một phụ nữ đang sống xa xứ, mà có đủ mỗi sắc mầu cho từng câu thơ: Mây buồn xám xịt cả trời không/ Bất chợt thèm sao giọt nắng hồng/ Đất tổ mai vàng còn thắm nhụy/ Quê người tuyết trắng vẫn đầy bông/ Nghe mùi rượu đỏ hồn cay đắng/ Nhớ vị chưng xanh dạ ấm nồng/Nuốt nỗi oan trường cam khổ nhục/ Xuân đời tím tái giữa ngàn đông. Còn đây là tâm tư thật chua xót của thầy giáo Vũ Ngọc Huyên (Thanh Hóa) : Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Ăn rồi có nhớ những ngày cháo khoai ?/Bây giờ ăn cả tương lai/Nghĩ xem con cháu ngày mai ăn gì ?.. Cũng vậy , nhà giám sát công trình Nguyễn Vĩnh Tuyền đã tự giám sát mình: Ngày xưa.../ Khi Cha còn sống vẫn răn dạy tôi:/Hãy sống cho tử tế/ Khi Mẹ còn sống vẫn nhắc nhở tôi:/Hãy sống cho hẳn hoi/ Tôi nhớ Ngoại tôi 90 tuổi những năm tụt đáy 80/Người nhặt từng hạt gạo ai rơi vãi trên đường/ Người gom từng lá khô, que củi sau vườn/ Mũi chỉ, đường kim vá bao nhiêu thiếu hụt, rách tươm../ Để lành cho sạch/ Để rách cho thơm… Còn đây, thơ tình của sĩ quan cảnh sát hưu trí Trịnh Tuyên (Thanh Hóa): Chiều nay không hẹn mà chờ/ Không mê mà đắm, không thờ mà thiêng/ Chiều nay, mây núi ngả nghiêng/ Tôi đi về phía không em... Một mình…

NHỮNG NGƯỜI LÀM THƠ KHÔNG CHUYÊN

Nguyễn Lân Dũng

Thơ xuất hiện trong Kinh Thi cách đây trên 3000 năm, còn văn xuôi có lẽ chỉ có sớm nhất từ thế kỷ thứ VII. Người Việt Nam mình hình như ai cũng biết làm thơ và phần lớn từ trẻ đến già đều ít nhiều thuộc lòng những vần thơ hay. Tôi đã gặp các cụ bà nhà quê không biết chữ mà thuộc như cháo cả Truyện Kiều dài dằng dặc.

Chính vì vậy hàng năm mới có hàng chục nhà thơ xếp hàng để được xét duyệt kết nạp vào Hội Nhà văn. Kể cũng lạ thật, trong khi các Hội khoa học chuyên ngành của chúng tôi thì ai muốn gia nhập đều được hoan nghênh hết, vậy mà sao gia nhập Hội Nhà văn khó khăn đến thế? Đâu phải cứ là hội viên các Hội chuyên ngành khoa học đều được coi là Nhà sinh học, Nhà toán học, Nhà hóa học…nếu không có nhiều uy tín được xã hội thừa nhận. Cũng thế thôi, một người mang danh thiếp là Nhà thơ hay Hội viên Hội Nhà văn thì đã dễ gì được mọi người thừa nhận nếu chẳng ai nhớ nổi một câu thơ hay cuốn truyện nào của người ấy. Tôi có một người bạn đã in hàng chục tập thơ và 22 cuốn tiểu thuyết từ các nhà xuất bản có uy tín nhưng nhất định không chịu viết đơn xin vào Hội Nhà văn (!). Tôi hỏi thì được trả lời anh ta chúa ghét tệ Xin-Cho và quan trọng đâu ở tấm danh thiếp, mà chính phải là ở tình cảm của độc giả dành cho mình. Điện thoại của Nhà văn ngoài Hội ấy là 0437182295.

Bước vào hiệu sách tôi thấy quá nhiều các tập thơ của biết bao nhiêu tác giả. Tôi đâu có quan tâm ai là người ở trong hay ở ngoài Hội Nhà văn. Tôi cũng chịu khó đọc và thấy các tác giả đều rất tâm huyết với thơ nhưng không hiểu vì sao mình khó cảm nhận được những rung động cùng với không ít tác giả. Các thơ đăng báo cũng nhiều nhưng tìm được những bài thơ hay, thậm chí những câu thơ hay thật không dễ. Tôi chợt nghĩ có lẽ rất ít người có đủ năng khiếu để trở thành những nhà thơ chuyên nghiệp như Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Tế Hanh, Chế Lan Viên, Hoàng Cầm, Nguyễn Bính… Trong khi có những nhà thơ mà chỉ có vài bài thôi nhưng hầu như không ai không biết đến, chẳng hạn như Minh Huệ (Đêm nay Bác không ngủ), Quang Dũng (Tây Tiến), Trần Hữu Thung (Thăm lúa), Nguyễn Đình Thi (Đất nước)…

Chính vì vậy tôi rất hay đặt câu hỏi vì sao có không ít những nhà thơ không chuyên mà lại có thơ hay đến thế. Có thể chỉ là tôi cảm thấy hay mà không hiểu người khác đánh giá thế nào. Tôi chỉ mới nhặt được một số các bài thơ này trên vài blogtiengviet.net và thích đọc đi đọc lại mãi những vần thơ ấy. Xin được dẫn ra vài trích đoạn mà tôi thấy thật quý giá. Chẳng hạn như một cảm xúc đầy nhân bản của tác giả Trần Quê (Hàng không VN): Cụ cào ngao trên bãi biển này/ Trong dãy quán trên bờ bao người đang say/ Say mực, say tôm, say cua, say ghẹ/ Say rượu, say bia. Say..! Say bao thứ nữa/ Một lần say đủ cả tháng cụ cào/ Biển có say mà tung sóng ào ào/ Bãi có say mà lao xao tiếng cười, tiếng nói/ Dọc bãi biển cụ già chân mềm tay yếu/ Lặng lẽ kéo cào cóp nhặt những con ngao… Hay một bài Thất ngôn bát cú của chị QN, một phụ nữ đang sống xa xứ, mà có đủ mỗi sắc mầu cho từng câu thơ: Mây buồn xám xịt cả trời không/ Bất chợt thèm sao giọt nắng hồng/ Đất tổ mai vàng còn thắm nhụy/ Quê người tuyết trắng vẫn đầy bông/ Nghe mùi rượu đỏ hồn cayđắng/ Nhớ vị chưng xanh dạ ấm nồng/Nuốt nỗi oan trường cam khổ nhục/ Xuân đời tím tái giữa ngàn đông. Còn đây là tâm tư thật chua xót của thầy giáo Vũ Ngọc Huyên (Thanh Hóa) : Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Ăn rồi có nhớ những ngày cháo khoai ?/Bây giờ ăn cả tương lai/Nghĩ xem con cháu ngày mai ăn gì ?.. Cũng vậy , nhà giám sát công trình Nguyễn Vĩnh Tuyền đã tự giám sát mình: Ngày xưa.../ Khi Cha còn sống vẫn răn dạy tôi:/Hãy sống cho tử tế/ Khi Mẹ còn sống vẫn nhắc nhở tôi:/Hãy sống cho hẳn hoi/ Tôi nhớ Ngoại tôi 90 tuổi những năm tụt đáy 80/Người nhặt từng hạt gạo ai rơi vãi trên đường/ Người gom từng lá khô, que củi sau vườn/ Mũi chỉ, đường kim vá bao nhiêu thiếu hụt, rách tươm../ Để lành cho sạch/ Để rách cho thơm… Còn đây, thơ tình của sĩ quan cảnh sát hưu trí Trịnh Tuyên (Thanh Hóa): Chiều nay không hẹn mà chờ/ Không mê mà đắm, không thờ mà thiêng/ Chiều nay, mây núi ngả nghiêng/ Tôi đi về phía không em... Một mình…Và đây nữa, tâm sự của người đã lên chức bà nội Bùi Thị Bình (Ninh Bình): Lá vàng có thưở rất xanh/ Biếc non mềm mại trên cành đung đưa/ Có sớm nắng, có chiều mưa/ Có hờn, có nhớ, có chờ, có mong/ Nghĩa tình trong trắng như bông/ Yêu cây đạm bạc nên lòng thiết tha/ Lá vàng tươi một màu hoa/ Để bên Ai mãi mặn mà có duyên…Rồi đây, những lời thơ buồn nhưng rất thật của Phan Thị Hoài Thủy: Ngu ngơ nước chảy qua cầu / Đem se kỷ niệm mà xâu nỗi niềm/ Phơi cho khô những ưu phiền.../ Sương khuya vẫn ướt cả miền chiêm bao /…Còn đây, nỗi xúc động của Vũ Nhang (Hải Phòng) khi thăm lại trường xưa: Tháng năm như sóng vỗ bờ/ Thầy tôi giờ đã mắt mờ chân run/ Ngày nào phấn trắng bảng đen/ Mà nay dáng hạc hom hem cuối chiều/ Cùng tôi mấy đứa bạn yêu/ Người xa viễn xứ những chiều tuyết rơi/ Quê người mỗi đứa một nơi/ Ấp iu kỷ niệm đầy vơi nỗi niềm/ Mối tình còn giấu trong tim/ Bạc đầu mà vẫn kiếm tìm lẫn nhau/ Bao năm giờ biết nơi đâu/ Để cho trang giấy nát nhàu tương tư/ Nay về thăm lại trường xưa/ Bâng khuâng nỗi nhớ ngẩn ngơ cõi lòng… Còn đây, Thanh Thủy, một cô giáo ở Đông Anh (Hà Nội) có tới vài chục bài thơ chưa in mà thật nhuần nhuyễn với lục bát: Ảo huyền câu lục nơi đây/ Câu bát phố núi ngọt say tình đời/ Bình minh rạng rỡ chân trời/ Nụ cười ánh mắt chơi vơi cõi lòng/ ầm ầm bằng sấp ngửa hư không/ Muà đông ấm lại trời hồng đang lên/ Một ngày mới rộn tiếng chim/ Hai đầu nỗi nhớ mình tìm đến nhau… Tình cảm rất thơ của chị cán bộ cầu đường Phạm Thu Hà thật đáng ngạc nhiên: Đông về rồi đó thật sao?/ Mùa sang chớm lạnh lùa vào tứ thơ/ Chiều giăng lãng đãng sương mờ/ Ai đem nhớ thả bên bờ sông quên ? Khóa lòng hờ hững gài then/ Cửa tương tư chợt để quên khép vờ/ Lỡ thuyền ta lạc bến mơ/ Cho xin nhé … nửa câu thơ làm chèo… Nhà thơ nữ không chuyên Chử Thu Hằng (Hà Nội) viết rất nhiều thơ và bài nào cũng chân thực đến nao lòng: Trót sinh làm kiếp con người/ Thôi đành... cam khổ, gượng vui, ngậm sầu/ Một mai bạc trắng mái đầu/ Cười khan một tiếng/ Cạn đau/ Ta về. Và đây nữa: Này ơi/ trời thẳm, đất gần/ Dành cho nhau chỉ còn ngần ấy thôi/ Phết lên màu sáng vẻ tươi/ Nhệch môi/ Ta vẽ nét cười/ Buồn tênh

Thế đấy, tôi chỉ nhặt vội mấy dòng thơ mà sao thấy tâm đắc quá. Hóa ra thơ hay đâu ở cái danh Nhà thơ, hay Hội viên này nọ. Thơ hay là tiếng nói chân thật đã được chưng cất một cách rất riêng của mỗi công dân, bất kể tuổi tác, nghề nghiệp, giàu nghèo.

Thật đáng tiếc thơ hay thường xuất hiện trên các trang blog, giống như kho tàng Nhật ký thơ của các tác giả không chuyên. Tôi chỉ mới đủ sức lướt qua một blogtiengviet.net , nghe đâu còn nhiều blog khác (như vnweblogs.com chẳng hạn) cũng đầy rẫy những nhân tài thi ca. Họ yên lặng sống với nghề nghiệp của mình, bằng lòng với cuộc sống vật chất còn đầy gian khổ của mình , nhưng biết tự thăng hoa trong vườn tao đàn thi ca để nâng cao chất lượng sống cho mình và chia vui cùng bè bạn. Liệu việc hái lượm, ươm ấp và vun xới cho những tài năng trong dân gian này có phải là trách nhiệm của xã hội, trước hết là của Hội nhà văn hay không?