Trang

23 tháng 12, 2012

Đến với bài thơ hay: Thường dân

HỌC MỖI NGÀY. Thường dân là bài thơ hay của Nguyễn Long một dân thường ở Thái Bình. Đây là bài thơ đoạt giải nhất trên bốn vạn bài thơ dự thi thơ lục bát năm 2003. Ngày ấy, người ta chuyền tay nhau bản phôtô để đọc và sau này bài thơ được lưu truyền rất rộng rãi trong dân gian. Tác giPhùng Nguyên đã có bài viết "Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân" trên Tiền phong Online ngày 12/4/2010 ở chuyên mục Văn nghệ giới thiệu bài thơ này. Tác giả Nguyễn Long (ảnh dưới) trở thành nhân vật “Hỏi chuyện một người dân” nhưng ông không hề nói về thơ mà lại nói về thường dân nguyên nghĩa. Chị Bùi Thị Bình và chị Phan Thị Thanh Minh cư dân Xóm Lá BlogtiengViet có bài thơ họa "Cỏ may" và "Người"cũng khá thú vị. Xin trân trọng mời bạn nối vần bình và họa bài thơ Thường dân tuyệt phẩm này.



THƯỜNG DÂN

Nguyễn Long
Đông thì chật, ít thì thưa
Chẳng bao giờ thấy dư thừa thường dân.
Quanh năm chân đất đầu trần
Tác tao sau những vũ vần bão giông.


Khi làm cây mác cây chông
Khi thành biển cả, khi không là gì
Thấp cao đâu có hề chi
Cỏ ngàn năm vẫn xanh rì cỏ thôi.


Ăn của đất, uống của trời
Dốc lòng cởi dạ cho người mình tin
Ồn ào mà vẫn lặng im.
Mặc ai mua bán nổi chìm thiệt hơn.


Chỉ mong ấm áo no cơm
Chắt chiu dành dụm thảo thơm ngọt lành.
Hoà vào trời đất mà xanh.
Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân.

VÔ TƯ MẤY KIẾP MỚI THÀNH THƯỜNG DÂN

Phùng Nguyên hỏi chuyện Nguyễn Long

+ Khi bài thơ “Thường dân” của ông được trao giải nhất báo Văn nghệ trẻ, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, thành viên ban giám khảo cuộc thi có lời bình: “Bài thơ nói những điều ai cũng thấy, cũng biết mà không biết nói thế nào cho thành thơ và... không sai chính trị”. Theo ông, thường dân làm thế nào để nói về nỗi khổ của mình mà không sai chính trị?

Tôi nghĩ chỉ có những lời nói cũng như những việc làm chống lại Nhà nước, chống lại quyền lợi của dân tộc thì mới gọi là sai chính trị, chứ nếu dân còn đói, còn khổ, cuộc sống còn những bất công... mà nói đúng như vậy thì không thể gọi là sai chính trị.

Trường hợp có người nói không đầy đủ hay chưa đúng là phản ánh sai thực tế chứ không phải sai chính trị. Còn nếu như những ai không hiểu hoặc cố tình quy chụp thì lại là chuyện khác.

+ Nhưng thường dân rất khó nói về những nỗi khổ của mình mà thường phải có người khác nói hộ?

Thường dân là lớp người thấp cổ bé họng, có khổ thì chỉ biết kêu trời chứ biết nói với ai, mà có nói chắc gì người ta đã nghe. Chỉ những kẻ sĩ, những nhà báo, nhà văn... có lương tâm và trách nhiệm với dân thì mới có điều kiện nói thay họ thôi.

+ Viết bài thơ “Thường dân” chắc ông thấm nỗi khổ và muốn nói hộ nỗi khổ thường dân. Theo ông, nỗi khổ của thường dân bây giờ là gì?

Tôi thấy hầu như đã là người thì ai cũng đều thấm nỗi khổ của dân thường, bởi thường dân là những người không có quyền chức gì trong xã hội. Và ai cũng phải có lúc, có thời phải làm dân. Chỉ có điều cái sự thấm ấy ở mỗi người khác nhau mà thôi.

Bản thân tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn, tuổi thơ đã phải gánh phân, cắt cỏ, bốc bùn, đã từng ăn đói mặc rách. Lớn lên đi bộ đội rồi về làm anh cán bộ nhà nước nhưng cuộc sống và tình cảm vẫn gắn với quê nên những nỗi khổ, vất vả của người dân, nhất là nông dân vẫn gắn với mình.

Còn nỗi khổ của người thường dân thời nay chủ yếu vẫn là sự nghèo khó. Cuộc sống vật chất của mọi người dân nếu so với vài chục năm về trước thì đã khấm khá hơn nhiều nhưng so với mặt bằng xã hội rộng lớn thì lại có sự chênh lệch quá xa.

Đất nước ta 70-80% dân số vẫn là nông dân và không có nghề nghiệp ổn định, thu nhập đầu người sống bằng nghề nông ở nhiều nơi chỉ vài ba triệu đồng một năm. Anh thử hình dung người ta sống ra sao với mức thu nhập ấy khi ốm đau bệnh tật, thiên tai bão gió... ập đến bất cứ lúc nào.

Tôi nghĩ, bây giờ chẳng phải đi đâu xa, ai ốm đau phải một lần vào bệnh viện, phải đưa con đến trường học không ở diện lắm tiền thì đều thấm nỗi khổ của thường dân.

+ Nói thường dân khổ, nhưng thường dân họ cũng có nhiều cái sướng hơn khối quan chức. Ông có thấy vậy không? 

Sướng, khổ là quan niệm và cuộc sống riêng của từng người nên rất khó nói cho chính xác. Nhưng tôi ít thấy có ông bà quan chức nào vất vả, khổ ải theo nghĩa thông thường hơn dân cả.

+Vậy nếu được lựa chọn, chắc ông sẽ muốn làm quan hơn là thường dân?  


Tôi tin mọi người cũng vậy, nếu được chọn chẳng ai lại không chọn làm quan. Những bậc thánh nhân ngày xưa như Khổng Tử , hay kẻ sĩ, mưu sĩ như Nguyễn Trãi... cũng đều muốn làm quan. Đó là mong muốn đẹp đẽ và cao cả. Chỉ có điều làm quan thế nào và làm quan trong thời thế nào mà thôi.

+ Làm quan phải phấn đấu nhiều, nhưng muốn là thường dân đích thực cũng không dễ. Vì sao ông lại viết “Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân”?
 

Thường dân là lớp người chịu thiệt thòi và vất vả nhất trong xã hội. Cứ nhìn người ta sống thì thấy, họ đi làm quần quật, lam lũ suốt ngày, ráo mồ hôi là hết tiền. Thế mà đại bộ phận họ sống vẫn an nhiên vui vẻ, vẫn ăn ngon ngủ yên, khỏe mạnh. Ở một khía cạnh nào đó họ sướng bởi tâm nhàn hơn cả những người có quyền, có tiền đấy thôi.

Bùi Thị Bình biết được bài thơ này vào đầu năm 2004 trong một lớp học vi tính văn phòng bởi giáo viên hướng dẫn đã lấy bài thơ này làm bài tập cho học viên. Khi nghe đọc xong từng câu của THƯỜNG DÂN - Mình đã thật sự xúc động và rất ấn tượng. Rồi mãi bốn năm sau (2008) BTB mới trải được lòng mình với THƯỜNG DÂN qua CỎ MAY sau một lần đọc lại...Xin mạo muội gửi đến các bạn  

CỎ MAY
 
Bùi Thị Bình
Trời sinh ra kiếp cỏ may
Thuỷ chung với đất, tháng ngày bình yên
Không ganh tỵ, chẳng đua chen
Dù cho hơn thiệt, đỏ đen, nỗi niềm…


Không buồn tủi, chẳng ưu phiền
Nhẹ nhàng, êm ái, dịu hiền, thẳm xanh
Mặc lòng thôi, cứ chân thành
Giản đơn, âu yếm, nghĩa tình: Cỏ may.


Bình minh ngắm áng mây bay
Hoàng hôn nghe tiếng thở dài nhân gian
Dẫu mưa nắng vẫn không tàn
Kiếp sau xin được lại làm cỏ may!

http://buithibinh.blogtiengviet.net


Phan Thị Thanh Minh: Được một người bạn đên chơi đọc nghe bài Thường dân của Nguyễn Long cách mấy năm chị cũng học viết được bài này, góp đồng cảm với Cỏ may của Bùi Thị Bình nha:

NGƯỜI

Phan Thị Thanh Minh
Rằng đông thì thật là đông
Rất nhiều dáng mặt mà không thấy thừa
Càng gần ai cũng thấy ưa
Cả đời kề cạnh vẫn chưa muốn rời


Mưa dưới đất, bão trên trời
Cùng nhau chống đỡ bao thời loạn ly
Gian nan, chìm nổi quản chi
Sao cho vui vẻ, kể gì thiệt hơn


Dẫu nghèo, tình vẫn thảo thơm
Mong nhau ấm áo, no cơm thỏa lòng
Dẫu nắng hè, dẫu mưa đông
Đầu trần, chân đất vẫn không quên người


Hòa bình, chinh chiến bao thời
Ngã rồi đứng dậy...đẹp đời thường dân.

thanhminhhn.blogtiengviet.net


Trở về trang chính
HOÀNG KIM
DẠY VÀ HỌC
DAYVAHOC