Lưu trữ Blog

22 tháng 8, 2013

Vu Lan về nhớ Cụ Mạ nhớ Anh


ĐỌC LẠI VÀ SUY NGẪM. Sang thăm bạn, đọc thơ, chợt ứa nước mắt nhớ Vu Lan về ... Nhớ Mạ... nhớ Anh. Ba bài thơ, ba người viết, ba cảnh ngộ nhưng đều chân thành, cảm động. Tôi nghe lại bài hát Gặp mẹ trong mơ (Mother in the dream) của cậu bé 12 tuổi làm cả triệu người rơi nước mắt.

VU LAN VỀ

Hoàng Hương Lan

Tuổi thơ bao kỉ niệm ngọt ngào.
Mẹ tết tóc cài nơ ngày Tết.
Buổi chợ về bánh đa, lạc luộc.
Đêm ầu ơ tiếng Huế dịu dàng.

Tam quốc chí cùng Ba tranh luận.
Đánh cờ chiều con khóc vì thua.
Ba bẹo má đền cho cục kẹo.
Lại dung dăng theo Mẹ thêu thùa.

Con mong lắm được về ngày cũ.
Một lần thôi, bên Mẹ bên Ba
- Con đút nhé chén chè Mẹ nấu.
- Mẹ ăn thêm, Ba nấu cháo hoa…

Tóc pha sương con là bóng Mẹ.
Hiểu ngày xưa Mẹ đợi con về.
Nén nhang thắp cháy lòng nỗi nhớ.
Đêm giật mình…khóc với cơn mơ.

Vu Lan về hoa hồng trắng ngực.
Câu kinh buồn nghẹn tắt sớm mai.
Cầu Cha Mẹ dẫu xa thăm thẳm.
Được thảnh thơi nơi chốn tuyền đài…

NHỚ MẠ

Hoàng Ngọc Dộ


CHẴN THÁNG

Đã chẵn tháng rồi, ôi Mạ ôi!
Tuần trăng tròn khuyết đã hết rồi
Mà con không thấy đâu bóng Mạ
Thấy trăng vắng Mạ dạ bùi ngùi.

NĂM MƯƠI NGÀY

Năm mươi ngày chẵn thấm thoắt trôi
Mạ về cỏi hạc để con côi
Vầng trăng tròn trặn vừa hai lượt
Vắng Mạ, lòng con luống ngậm ngùi.

ĐỌC SÁCH

Con đọc sách khuya không nghe tiếng Mạ
Nỗi tâm tư con nghĩ miên man
Lúc Mạ còn, con bận việc riêng con
Không đọc được để Mạ nghe cho thỏa dạ.

Nay con đọc, vắng nghe tiếng Mạ
Nỗi bùi ngùi lòng dạ con đau
Sách mua về đọc Mạ chẵng nghe đâu
Xót ruôt trẻ lòng sầu như cắt.

Mạ ơi Mạ, xin Mạ hãy nghe lời con đọc.

BUỒN

Buồn khi rão bước đồng quê
Buồn khi chợp mắt Mạ về đâu đâu
Buồn khi vắng Mạ dạ sầu
Buồn khi mưa nắng giải dầu thân Cha
Buồn khi sớm tối vào ra
Ngó không thấy Mạ, xót xa lòng buồn.


NHỚ ANH

Hoàng Kim

Trăng xưa cùng anh cuốc đất
Trăng nay mình em làm thơ
Thinh không một vầng trăng tỏ
Trăng ơi, rọi đến bao giờ?

Gặp mẹ trong mơ (Mother in the dream)



Tuổi thơ con khuất mẹ cha / Nay nghe câu hát mắt nhoà niềm riêng” Tôi lặng người nhớ mẹ và khóc lặng lẽ khi nghe bài hát Gặp mẹ trong mơ (Mother in the dream) của cậu bé 12 tuổi làm cả triệu người rơi nước mắt. Cảm ơn sự kết nối, chuyển ngữ và giới thiệu của những người bạn.



Bài hát của cậu bé 12 tuổi
làm cả triệu người rơi nước mắt

Ngay từ khi bước ra sân khấu China Got’s Talent, khán giả đã cực ấn tượng với bộ trang phục giống một “chiến binh hào hiệp” Mông Cổ ngày xưa, với đai lưng và đôi bot cao cổ của Uudam – cậu bé mồ côi 12 tuổi đến từ miền cao nguyên xa xôi với những đồng cỏ non xanh mướt.
Ban Giám khảo hỏi:
-Tại sao con hát bài này? – Khi con nhớ mẹ, con hát bài này”
-Ước mơ của con là gì?
- Phát minh ra một loại mực, mà khi mực rơi đến đâu, thế giới chuyển sang màu xanh (cỏ).
-Thế mẹ con ở đâu?
-Mẹ con ở trên trời”
-Thế còn bố con?
-Bố con đã ra đi sau một vụ tai nạn.

Cách đối đáp thông minh, khuôn mặt sáng ngời của Uudam khiến nhiều người nghĩ rằng cậu bé sẽ thể hiện một ca khúc sôi động, nhưng không, khi nghe những lời tâm sự của em và đặc biệt khi em cất lên giọng hát – cả khán phòng China Got’s Talent lặng đi vì xúc động. Không phải ai cũng hiểu nội dung bài hát của em, thế nhưng giọng hát trong sáng, truyền cảm ấy lay động trái tim của tất cả mọi người. Khi được hỏi tại sao lại chọn ca khúc “Mother in the dream” để dự thi , Uudam thành thật trả lời: “Em lúc nào cũng hát bài này mỗi buổi sáng thức dậy. Em hát vì nhớ mẹ, hát để cho mẹ ở trên thiên đường nghe thấy giọng của em”.

Trong lúc thể hiện ca khúc dự thi của mình, Uudam luôn hướng cánh tay bé nhỏ lên trên như muốn gửi tất cả lời ca tiếng hát tới người mẹ yêu dấu. Uudam hát bằng chính con tim, bằng chính nỗi nhớ da diết và ước mơ được gặp người mẹ đã rời xa em từ lâu lắm rồi. Bài hát rung động lòng người của cậu bé mồ côi nhận được vô số những lời khen tặng từ 3 vị giám khảo. Annie, nữ giám khảo trẻ tuổi đã khóc rất nhiều khi nghe ca khúc của Uudam: “Tôi hy vọng Uudam sẽ có được những người mẹ tốt, quan tâm em như chính những gì em mong muốn, thể hiện trong bài hát. Chắc hẳn tất cả những người mẹ ở đây đều sẽ yêu quý một đứa bé ngoan ngoãn như Uudam”.

Ước mơ của cậu bé trong tương lai không phải mong có một gia đình giàu có, cũng không phải có một người mẹ hiền thứ hai mà rất ngây thơ, giản dị là “muốn phát minh ra một loại mực đặc biệt, khi đổ xuống đất nó sẽ biến cả hành tinh này thành một đồng cỏ xanh tươi, để mọi người luôn được sống vui vẻ và hạnh phúc”.

Video yêu thích
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam

Trở về trang chính
Hoàng Kim, Ngọc Phương Nam, Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Học mỗi ngày, Danh nhân Việt, Food Crops News, CassavaViet, foodcrops.vn

20 tháng 8, 2013

Tư liệu quý về Hồ Xuân Hương



HỌC MỖI NGÀY. Phạm Ngọc Khảnh có bài viết "Tri phủ Vĩnh Tường và nhân vật Chiêu Hổ là ai?" trong sách “Mấy vấn đề cuộc đời và thơ Hồ Xuân Hương”, Hội VHNT Hà Nam Ninh, 1991, Trần Tường, đã được đăng trên blog Trần Mỹ Giống ngày 20 tháng 11 năm 2013. Đây là tư liệu quý về Hồ Xuân Hương, góp phần giải mã những ẩn tình trong bài thơ nổi tiếng của Bà chúa thơ Nôm "Trăm năm quan phủ Vĩnh Tường ôi!/ Cái nợ ba sinh có thế thôi/ Chôn chặt văn chương ba tấc đất/ Ném tung hồ thỉ bốn phương trời/ Nắm xương dưới đất chau mày khóc/ Hòn máu trên tay nhoẻn miệng cười/ Đã thế thì thôi cho mát mẻ/ Trăm năm quan phủ Vĩnh Tường ôi!". Theo Phạm Ngọc Khảnh thì Phạm Viết Ngạn, tự Thành Phủ, là tri phủ Vĩnh Tường*, người bạn đời của Hồ Xuân Hương, cũng chính là Chiêu Hổ, người xướng họa thơ họ Phạm mà đời sau lầm tưởng là Phạm Đình Hổ. (Hồ Xuân Hương - Tranh: Hồ Y).

Hôm nay là đêm rằm tháng Bảy Vu Lan báo hiếu ông bà cha mẹ, tôi đang gấp việc sắn Tây Ninh và chấm bài dự hội đồng ở Huế nhưng không nỡ chậm lại việc lưu tư liệu chiêu tuyết cho nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Phải rồi! "Thân em thì trắng phận em tròn/ Bảy nổi ba chìm với nước non" và bốn bài thơ xướng họa giữa Xuân Hương với Chiêu Hổ - “…chơi cung nguyệt, … mó hang hầm…” như ta đã biết, với xuất xứ bài này thì đâu còn có thể coi là những câu thơ tục ???. Đó là thể hiện sự phóng khoáng, đằm thắm và đồng điệu, sự hàm xúc thơ trong sáng và giản dị, cách chơi chữ đặc biệt tài hoa và hóm hỉnh, thử thách tài năng của nhau… cá tính và văn phong của hai nhà thơ Hồ Xuân Hương và Phạm Viết Ngạn.

Tư liệu chiêu tuyết người hiền trong ngày Vu Lan này thật quý giá biết bao!

Hoàng Kim

Xem tiếp:


TRI PHỦ VĨNH TƯỜNG VÀ NHÂN VẬT CHIÊU HỔ LÀ AI?

Phạm Ngọc Khảnh


LAI LỊCH TRI PHỦ VĨNH TƯỜNG*

Hồ Xuân Hương trong sự nghiệp văn chương đã để lại cho chúng ta nhiều thi phẩm để đời, xứng đáng được suy tôn – Bà chúa thơ nôm! Về mối quan hệ đàm đạo thơ phú và cuộc tình lận đận thường nói đến Tổng Cóc, Chiêu Hổ và ông Phủ Vĩnh Tường. Ở đây tôi chỉ xin nói rõ hơn về lai lịch Tri Phủ Vĩnh Tường, qua những cứ liệu mà chúng tôi có được.

Như chúng ta đều biết, Hồ Xuân Hương là vợ lẽ Tri Phủ Vĩnh Tường, nhưng Tri Phủ Vĩnh Tường là ai và sống vào thời nào, trước nay chưa ai biết rõ. Vì vậy tìm ra được lai lịch, cũng như phát biểu quan điểm chính xác nhân vật này, chắc sẽ làm sáng tỏ nhiều điều về tiểu sử và thơ Hồ Xuân Hương mà nhiều người còn băn khoăn suy nghĩ.

Qua “tư liệu dòng họ Phạm, lưu hành nội bộ” ghi vẻn vẹn “đời 15 có Cử nhân Phạm Viết Ngạn đỗ 1842 làm Tri Phủ Vĩnh Tường; chồng nữ sĩ Hồ Xuân Hương”.

Qua tìm hiểu và những tài liệu từ Thượng Trại, xã Hải Phú, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Nơi con cháu Phủ Vĩnh Tường di cư về đây lập ấp có: sách Triệu Tông Phả do chính tay con trai út Phủ Vĩnh Tường viết năm Tự Đức thứ 35 – Nhâm Ngọ (1882). Sách hiện còn lưu trữ trong tủ sách của cụ Phạm Cát Lũy, hậu duệ chi thứ họ Phạm ở thôn Phú Lễ, xã Hải Châu, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định và sách Trà Lũ Xã có chép về Tri Phủ Vĩnh Tường. Nội dung lai lịch Tri Phủ Vĩnh Tường và mối quan hệ Hồ Xuân Hương – Tri Phủ Vĩnh Tường như sau:

Tri Phủ Vĩnh Tường chỉ là danh vị được mọi người tôn xưng cửa miệng. Theo Triệu Tông Phả phần viết nối tiếp Phạm Gia Tộc Phả, nhân vật này mới ở chức Đồng tri phủ phân phủ Vĩnh Tường họ Phạm tên Viết Ngạn, húy Đại, tự Thành Phủ; khi thăng chức Đồng tri phủ phân phủ Vĩnh Tường cải là Viết Lập. Ông sinh ngày 13/8 năm Nhâm Tuất, Gia Long nguyên niên (1802), quê gốc ở Sơn Tây. Ông nội Phạm Viết Ngạn đến làng Trà Lũ xã Xuân Trung, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định cũ, dạy học. Đến năm Bính Ngọ (1786) di cư hẳn về làng Trà Lũ và trở thành người làng Trà Lũ.

Phạm Viết Ngạn đỗ Tú tài năm 24 tuổi, năm 41 tuổi đỗ Cử nhân tại trường thi Nam Định, khoa Nhâm Dần – Thiệu Trị thứ 2 (1842). Năm Mậu Thân Tự Đức nguyên niên (1848) được hậu bổ. Tháng 4 năm sau – Kỷ Dậu (1849), được điều đi giữ chức Nhiếp biện ấn vụ huyện Thạch Thành (Thanh Hóa), rồi nhận chức Giáo thụ phủ Thiệu Hóa (Thanh Hóa). Khoa thi hương năm Canh Tuất (1850) Phạm Viết Ngạn được sung sơ khảo trường Nghệ An; khoa thi hương năm Giáp Dần (1854) lại được sung phúc khảo trường Nghệ An… Năm Mậu Ngọ (1858) được bổ tri huyện Gia Viễn (Ninh Bình). Đầu năm Nhâm Tuất, Tự Đức thứ 15 (1862) được thăng chức Đồng tri phủ phân Phủ Vĩnh Tường, tháng 3 năm ấy tham gia trận “Đánh thổ phỉ vượt biên giới” tràn sang vùng địa phận Phủ Vĩnh Tường, thắng trận. Đến ngày 14/4 cùng năm Phạm Viết Ngạn mất tại lỵ sở, thọ 61 tuổi. Vậy là ông nhậm chức ở Vĩnh Tường chỉ được chưa đầy 4 tháng…

Lần theo “Triệu Tông Phả” do Phạm Viết Thiệu, người con út của Phạm Viết Ngạn viết năm Nhâm Ngọ (1882) “Bố ta vâng nhậm chức giáo thụ phủ Thiệu Hóa bỗng sinh ta nhân đấy đặt tên là Viết Thiệu”. Phạm Viết Thiệu chép tiếp về đời tư của bố mình: “Vợ cả húy Châu đã chết (người làng Thọ Vực), sinh được hai trai hai gai(là anh chị em cùng cha khác mẹ của Phạm Viết Thiệu ); vợ kế (người làng Vị Xuyên theo bài vị thờ là họ Nguyễn); vợ thứ là em gái họ người vợ kế), cũng không có con” (sách đã dẫn). Hai người vợ sau của Phạm Viết Ngạn đều không có con.

Phải chăng do cấm đoán của lễ giáo cộng với lòng đố kị của những người trong gia đình nên Phạm Viết Thiệu không được chép gì về người mẹ đẻ của mình trong nội dung chính của Triệu Tông Phả?

Những điều tìm hiểu trên cho thấy cả 3 bà vợ (vợ cả, vợ kế, vợ thứ) của Phạm Viết Ngạn đều không phải là mẹ đẻ của Phạm Viết Thiệu. Như vậy, người vợ nào của Phạm Viết Ngạn là mẹ đẻ của Phạm Viết Thiệu?

Không còn nghi ngờ gì nữa, mẹ đẻ Phạm Viết Thiệu chính là Hồ Xuân Hương, người mà cho đến nay trong họ ngoài làng vẫn thừa nhận chứ không thể là ai khác.

Lại chiếu trong sách Nam Định dư địa chí do Khiếu Năng Tĩnh hiệu khảo và Ngô Giáp Đậu biên soạn năm 1916 cho biết “Phạm Công Đại, nguyên tên húy là Ngạn, người làng Trà Lũ, đậu Cử nhân khoa Nhâm Dần đời Thiệu Trị (1842) làm đến Đồng tri phủ phân phủ Vĩnh Tường, chết trong lúc làm quan. Ông có tiếng thanh liêm, giản dị. Nhà thơ Hồ Xuân Hương là thiếp của ông.” Thấy trùng hợp với lai lịch trích dẫn trên kia.

Khi Phạm Viết Ngạn mất tại lỵ sở Vĩnh Tường, nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã khóc ông bằng một bài thơ vô cùng thống thiết:

Trăm năm quan phủ Vĩnh Tường ôi!
Cái nợ ba sinh có thế thôi
Chôn chặt văn chương ba tấc đất
Ném tung hồ thỉ bốn phương trời
Nắm xương dưới đất chau mày khóc
Hòn máu trên tay nhoẻn miệng cười
Đã thế thì thôi cho mát mẻ
Trăm năm quan phủ Vĩnh Tường ôi!

Để tiếp tục làm rõ về ông Phủ Vĩnh Tường qua câu chuyện “Chiêu Hổ là ai”, chúng tôi xin được bàn vào dịp tiếp sau hầu quý vị.



NHÂN VẬT CHIÊU HỔ LÀ AI?

Câu hỏi này đặt ra không phải là không có lý, vì lâu nay có nhiều quan điểm, nhiều lập luận trái chiều; có lúc tưởng như bế tắc. Mặc dù trong dân gian, qua nhân vật Hồ Xuân Hương (1815 - 1893) với thơ phú của bà thì Chiêu Hổ là một người tình - “trục trặc” của Xuân Hương để bà phải và “vợ” liều Tổng Cóc…

Ta thử điểm lại câu chuyện này xem sao. Trước nhất hãy tìm hiểu về những nhân vật có liên quan:

Về Phạm Đình Hổ trong “Lược Truyện các tác gia Việt Nam”, tập1, NXB KHXH, 1971 của Trần Văn Giáp (Chủ biên); cũng như “Từ điển Văn học Việt Nam”, NXB Giáo dục, 1999 của Lại Nguyên Ân. Đều ghi rất rõ Phạm Đình Hổ (1768 – 1839); tự Tùng Niên và Bỉnh Trực, hiệu Đan Sơn và Đông Dã Triều, người làng Đan Loan huyện Đường An (sau là Bình Giang tỉnh Hải Dương cũ, nay thuộc tỉnh Hải Hưng), cuối năm 1826 thăng Tế tửu Quốc Tử Giám … Có người nghi ngờ ông là Chiêu Hổ, thường xuyên xướng họa với Hồ Xuân Hương.

Về nhân vật Chiêu Hổ, người đã từng họa thơ với Hồ Xuân Hương là ai? Theo Nguyễn Hữu Tiến biên soạn, xuất bản sách “Giai nhân dị mặc” đến những tập thơ Hồ Xuân Hương in sau này (1912, 1914). Ông đã có công tìm hiểu quê hương, lai lịch, nhưng không quyết đoán được đành ghi: “Chiêu Hổ người làng Đan Loan, phủ Bình Giang tỉnh Hải Dương…”. Hơn 20 năm sau Dương Quảng Hàm lại giải đáp dứt khoát: “Chiêu Hổ là Phạm Đình Hổ (1768 – 1839)” mà không cho biết từ nguồn gốc tư liệu nào? Nếu theo giả thiết Chiêu Hổ, tức Phạm Đình Hổ quả thật là người bạn thơ xướng họa của Hồ Xuân Hương thì Tri phủ Vĩnh Tường phải kém nữ sĩ đến mấy chục tuổi. Vì Tri phủ Vĩnh Tường đến năm Nhâm Tuất (1802) mới sinh.

Tảo Trang trong bài “Chiêu Hổ và Phạm Đình Hổ” (Tạp chí văn học số 3 năm 1962) nêu ý kiến: Chiêu Hổ không dính líu gì đến Phạm Đình Hổ.

Để chứng minh luận điểm này (dựa theo Trần Tường, sách đã dẫn). Chúng ta quay trở lại tìm hiểu về phong độ, tài thơ văn của Tri phủ Vĩnh Tường – Phạm Viết Ngạn: xin nêu hai câu thơ trong 3 bài thơ chữ Hán của ông như sau:

Thỏ phách tà xuyên khuê diệp lãng
Phụng chi ám giữ quế hương luân

Tạm dịch:

Trăng nghiêng xuyên lá buông khuê rợn
Cành phượng tỏa ngầm hương quế lan

Gia phả họ Phạm (Trà Lũ) còn chép lại một bài thơ liên quan đến cái chết của ông ở Lỵ Sở:

Tạm dịch thơ:

Dân trong sáu nước đã dân Tần
Hào lão thôi đành chịu khuất thân
Khổ ải đầu xanh đều trắng tóc
Tâm hùng giáo mộc khó thân gần
Trăm năm vun đắp xem Trang Hiếu
Một cuộc phàn nhương ngán Hang, Trần
Cảm nghĩa giờ đây thân chịu mệnh
Ta người đất Bái cũng dân Tần

Những trích dẫn trên đây tuy ít ỏi, cũng đủ chứng minh Phạm Viết Ngạn là một người khoa cử có văn tài, ông còn là người rất tài hoa, giỏi cả cầm, kỳ, thi, họa.

Bốn bài thơ xướng họa giữa Xuân Hương với Chiêu Hổ - “…chơi cung nguyệt, … mó hang hầm…” như ta đã biết. Thể hiện hai nhà thơ rất phóng khoáng, đằm thắm và đồng điệu; ngôn ngữ thơ rất hàm xúc, trong sáng và giản dị. Đặc biệt cách chơi chữ của hai người rất tài hoa, hóm hỉnh, thử thách tài năng của nhau… cá tính và văn phong hai nhà thơ không khác cá tính của Hồ Xuân Hương và Phạm Viết Ngạn.

Ngoài ra cần nói tới đôi câu đối nổi tiếng, vế ra của Xuân Hương, vế đối của bạn thơ:

Mặc áo giáp dải cài chữ đinh mậu kỷ canh khoe mình rằng quý
Làm đĩ càn tai đeo hạt khảm tốn ly đoài khéo nói là khôn.

Phải chăng đôi câu đối này có gài ngầm “mật mã”, chiết tự, đồng âm dị nghĩa…

Theo các bộ trong chữ Hán ghép lại thấy vế ra có hàm chứa từ Thành Phủ - tên tự của Phạm Viết Ngạn; vế đối có hai từ Xuân Hương, ta thấy hai nhân tài văn chương gặp nhau thật đáo để.

Lại nữa theo những địa danh sáng tác của Hồ Xuân Hương với những nơi Phạm Viết Ngạn từng công cán. Ở Thanh Hóa có 3 bài: Ông chồng, bà chồng (tức hòn Trống, hòn Mái), chơi hang Thanh Hóa (hang ở Thanh).

Ninh Bình có 2 bài: Kẽm Trống, Đèo Ba Dội, 2 câu đối: thơ chuông vần uông, câu đối Cửa Đó.

Sơn Tây (Vĩnh Tường) 3 bài: Hang Cắc Cớ, chơi Chùa Hương, chợ Giời Sài Sơn.

Một sự trùng lặp bất ngờ và thú vị là nơi sáng tác của Hồ Xuân Hương và nơi nhậm chức của Phạm Viết Ngạn khớp nhau như hình với bóng.

Cuối cùng khi Phạm Viết Ngạn mất ở Lỵ Sở bài thơ “Khóc ông phủ Vĩnh Tường” của Xuân Hương, nó như một bài điếu văn bà đã chắt lọc, khắc họa chân dung quan phủ Vĩnh Tường mà trước nhất ông là một văn nhân “chôn chặt văn chương ba tấc đất …” và sau mới đến trí trai “Hồ thỉ bốn phương trời”.

Đến đây chúng ta có thể khẳng định Chiêu Hổ tức Phạm Đình Hổ không phải là bạn xướng họa thơ của Hồ Xuân Hương. Chiêu Hổ chỉ là tên người đời sau đặt vì tưởng lầm người bạn xướng họa thơ họ Phạm của Hồ Xuân Hương là Phạm Đình Hổ tức Chiêu Hổ. Thực ra người bạn thơ họ Phạm ấy là: Phạm Viết Ngạn, tự Thành Phủ, người bạn đời của Hồ Xuân Hương; từ khi ông còn là thầy đồ dạy học, đợi khoa thi hương và khi đã đỗ Cử nhân có chức vị xã hội chỉ là một: Tri Phủ Vĩnh Tường.


Phạm Ngọc Khảnh
Xóm Đông – Thôn Vệ - Nam Hồng – Đông Anh – Hà Nội
ĐT: 01655324769 – Email: phamlinhnd@yahoo.com.vn

(Nguồn: Blog Trần Mỹ Giống)

Video yêu thích
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam
Trở về trang chính
Hoàng Kim, Ngọc Phương Nam, Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Học mỗi ngày, Danh nhân Việt, Food Crops News, CassavaViet, foodcrops.vn


12 tháng 8, 2013

Nhân đọc Sơn Nam vạt lục bình Nam Bộ của Trần Mạnh Hảo



Tôi hôm nay cặm cụi suốt ngày trên cánh đồng chữ nghĩa, đọc và góp ý khóa luận tốt nghiệp cho sinh viên. Những giống lúa OM 6976, GSR50, GSR 81, GSR3, GSR 10... quấn quýt tôi, ám ảnh tôi trong cả giấc mơ trưa với những thửa ruộng thí nghiệm tại Sóc Trăng, Gia Lai, Ninh Thuận, Phú Yên, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế. Nhớ ngày mai là giỗ của Sơn Nam ông già Nam Bộ, tôi dành phút thư giản để lần tìm trên báo mạng, lắng nghe những lời đồng cảm tri âm. Bài viết “Sơn Nam vạt lục bình Nam Bộ” của nhà văn Trần Mạnh Hảo đã làm tôi xúc động:

“Không hiểu sao, mỗi lần nhớ đến nhà văn Sơn Nam, tôi lại hình dung đến những vạt hoa lục bình trên các kênh rạch, sông ngòi của miền Nam. Lục bình, loài hoa “vừa đi vừa nở”, như một bài thơ tôi viết thuở nào, là một thứ hoa quá bình thường, thậm chí quá tầm thường, do trời trồng, cứ phiêu dạt, cứ lang bạt kỳ hồ như mây bay gió thổi, như số phận và tâm hồn của người nghệ sĩ. Lục bình vừa đi vừa sống, vừa đi vừa nở hoa, vừa đi vừa sinh sôi và tan rã. Nương trên sông nước, có lúc loài hoa xê dịch này chạy như bay về phía chân trời, chạy như đang bị nghìn thượng nguồn lũ lụt đuổi bắt, chạy như đang trôi tuột về phía hư vô, về phía không còn gì, để bấu víu và tồn tại…

Quả thực, Sơn Nam là loài lục bình chuyên đi bộ, trôi bộ trên những vỉa hè của Sài thành. Ông cứ tưng tửng như thế mà đi vào lòng người, mà đi vào văn học. Học theo phép trôi nổi, vô bờ bến của hoa lục bình, chừng như Sơn Nam cứ tưng tửng suốt hơn bảy mươi năm mà đi bộ trên những vỉa hè bụi bậm quanh co của con người. Đốm lục bình trên cạn này có cảm giác như trôi không nghỉ, vừa đi vừa ngậm cái sâu kèn bốc khói, thảng hoặc cười ruồi một cái rất bí hiểm, hoặc gật đầu chào một bóng mây, quờ tay lên khoảng không như tính vịn vào sự hụt hẫng của bước chân phận số. Trên dòng đời trôi dạt, cuộn xoáy về vô định ấy, trong hoang sơ im lặng chợt trổ ra bông lục bình, đột ngột như tiếng khóc oa oa sơ sinh của mang mang thiên cổ, có lúc lại đầy đặn, ấm áp tươi vui như tiếng cười của trời đất. Nhìn lên trời, đám mây tưng tửng kia chợt như một dề lục bình của cao xanh, trôi đi muôn đời bí hiểm mà sao chưa học được phép nở hoa của bông lục bình hoang dã.

Gió kia thổi tưng tửng lên miệt vườn và Sơn Nam cứ thế mà đi tưng tửng đến mọi người. Ông có cái dáng cổ quái như người đã ở miệt vườn từ mấy trăm năm, từ độ ông bà mình đầu tiên mở đất Nam Bộ. Ông giống như một tùy phái của Thoại Ngọc Hầu vừa thu nạp dân binh đi mở kinh Vinh Tế về, lội bộ qua vài ba trăm năm đến với chúng ta như lội qua vài ba công ruộng. Sơn Nam đã ở đô thành gần này hơn nửa thế kỷ mà cái dáng của ông vẫn như là dáng của dân miệt vườn chay. Ông chưa hề bị nhiễm chất thị thành, hệt như ông già Nam Bộ này vừa theo mùa nước nổi bắt được mấy xâu chuột, kêu bạn bè kiếm vài chùm bông điên điển về nướng chuột nhậu chơi. Ông có cái dáng dân chài lưới của U Minh thượng, U Minh hạ hơn là cái dáng của dân làm văn, viết sử.

Sơn Nam là nhà văn của nông thôn, mà là nông thôn Nam Bộ, một nông thôn thuần phác mà dữ dằn, chịu chơi mà nghĩa khí, nhân hậu mà ngang tàng. Cái miệt vườn trong văn chương của Sơn Nam là một miệt vườn xưa, nơi con người và cá sấu còn tranh giành nhau từng tấc đất, nơi cọp ngồi lù lù giữa buổi chợ chiều, nơi mũi lao thường biết cách dẫn đường con người bằng cách phóng đi như tên bắn về phía hoang vu, tăm tối và nỗi sợ trước một thiên nhiên được cấu tạo bằng nỗi niềm của người xa xứ.

Ông chính hiệu là nhà văn của buổi đầu mở đất, của những người bị phát vãng, bị lưu đầy từ miền Trung, miền Bắc vào, của dân trốn nợ, của kẻ thất tình quá mà bỏ xứ, của những anh hùng Lương Sơn Bạc, muốn tìm tự do nơi xứ cọp hơn là phải sống tù túng, sợ hãi trong sự áp bức của cõi người toàn quan ôn, chúa ác. Sơn Nam là một nhà Nam Bộ học, một cuốn từ điển của thời đầu mở đất Đồng Nai. Ông tiếp tục truyền thống văn chương của những Nguyễn Đình Chiểu, Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Hồ Biểu Chánh, Đông Hồ… Văn ông giản dị chừng nào, mộc mạc chừng nào lại sâu sắc mà hàm súc chừng ấy. Đọc ông, tôi cứ nhớ đến Tuốchghênhiép, một nhà văn phong tục của Nga ở thế kỷ mười chín với “bút ký người đi săn” nổi tiếng trên thế giới. Tuốchghênhiép là một biên niên sử của nông thôn Nga thời Sa hoàng, với những trang trại và những cỗ xe tam mã, những mệnh phụ phu nhân và những mối tình phù phiếm gió bay, những nông nô và số phận tẩm toàn nước mắt, những cánh rừng tai ga hư thực và những hươu nai chỉ lấy sự chạy làm vũ khí. Cũng như Tuốcghênhiép, Sơn Nam là một nhà văn phong tục của miền Nam, của những huyền thoại thời kỳ khai điền lập ấp.

Văn của Sơn Nam không ào ào như gió chướng, lại không trong veo như nước cất trong phòng thí nghiệm, mà nó là thứ chất lỏng hồng hào có tên là phù sa, chỉ cần vốc lên đã thấy mỡ màu cả bàn tay. Dưới ngòi bút của ông, những mảnh vụn bình thường nhất của thiên nhiên, những góc khuất nhất của hồn người chợt như được khoác lên một thứ ánh sáng mới, được bước ra sân khấu của ngôn từ với vẻ mặt trang trọng và cảm động. Những cảnh, những đời, những tâm sự của ông dù với tính cách hảo hớn, hào hùng nhất, sảng khoái và chịu chơi nhất bao giờ cũng pha một giọng kể trầm buồn, u hoài, xa vắng. Nói cho cùng, Sơn Nam là nhà văn của nỗi buồn con người. Hình như nỗi buồn đau mới có khả năng tạo ra cái đẹp của nghệ thuật? Thế giới nguy hiểm hơn, dễ đổ vỡ hơn nếu chỉ tồn tại bằng tiếng cười, bằng sự hoan lạc. Những câu chuyện mà Sơn Nam kể cho chúng ta thường pha chất dân gian, pha chút tiếu lâm nguyên thủy miệt vườn, đôi khi cái cười đi qua còn lưu lại nước mắt. Làm cho người đọc cảm động, còn tác giả tuồng như vẫn tỉnh queo, vẫn lầm lũi đi tìm những mảnh đời khác, những câu chuyện khác, gom nhặt chất liệu như đi mót lúa.

Sơn Nam dáng dấp nhỏ con như núi của phương Nam nhưng rắn rỏi, gân guốc. Gương mặt ông khắc khổ, hun hút như được chạm khắc bởi nỗi niềm tù túng của lịch sử có nét hao hao gương mặt của tượng đá Phù Nam. Đôi mắt ông nhìn tôi vừa xuyên suốt, vừa u u minh minh, vừa sáng quắc vừa lờ đờ, hệt như là đôi mắt của quá khứ. Ông cười lành như cái cười của nghé, của bê. Đôi lúc đang ngồi cười nói, ông chợt im lặng như quên mất tiếng nói, thậm chí như thể ông đã để quên hai lỗ tai ở nhà. Và chợt thấy ông cười ruồi như cười với người trong mơ. Đôi khi ông thất thường như mưa nắng, song ông vẫn là người bình dị, chưa một lần tỏ ra kênh kiệu ta đây. Ông có khả năng chơi thượng vàng hạ cám. Lớp trẻ quý mến ông ở tấm lòng thành thật, cởi mở và chịu chơi, thậm chí lẹt xẹt, hề hề.

Thỉnh thoảng gặp ông, tôi lại thấy nhà văn Sơn Nam của chúng ta già đi một tí. Duy giọng nói ông còn hào sảng, tiếng cười hì hì của ông sao mà trẻ thơ dường vậy. Con người càng già đi, tâm hồn càng trở về thời thơ ấu. Với những tập truyện ngắn bút ký xuất sắc, với những tập biên khảo uyên thâm, với những phát hiện mới mẻ về chân dung tinh thần của người Nam Bộ, Sơn Nam quả rất xứng đáng với ý nghĩa của tên tuổi mình.

Dòng sông đuổi bắt chân trời, chẳng có gì trên đời có gan bám theo dòng sông về vô tận ngoài chấm lục bình kia. Lục bình như một biểu tượng sâu xa của kiếp người, vẫn trổ hoa trong mưa gió. Như một đóa lục bình văn học, tâm hồn Sơn Nam đang trôi trên những trang văn về phía chân trời của cuộc sống.”


Hãy học thái độ của nước mà đi như dòng sông! Tôi từ trước đã tâm đắc điều này, và ngộ ra những người hiền thường thung dung, an nhiên với đời thường. Sơn Nam, Bùi Giáng, Võ Hồng, Trang Thế Hy... và những người hiền phương Nam đều hiền hòa, chất phác. Nay đọc Sơn Nam vạt lục bình Nam Bộ, tôi càng hiểu sâu sắc điều đó.

Hoàng Kim

Video yêu thích
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam

Trở về trang chính
Hoàng Kim, Ngọc Phương Nam, Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Học mỗi ngày, Danh nhân Việt, Food Crops News, CassavaViet, foodcrops.vn

Người theo dõi