Trang
▼
23 tháng 7, 2013
Đọc lại và suy ngẫm
HỌC MỖI NGÀY. Tôi ghé trang "Có một thời để nhớ" của thầy giáo Lê Văn trên blogtiengViet và bị cuốn hút bởi bài viết "Hai người lính con má Sáu" sau lời thầy Lê Văn nhắn thân tình với Ngọc Hải: "Tôi kể Hải nghe chuyện này. Có lần nào Hải xuống Trà Vinh chưa? Nếu xuống đó là phải đi qua cầu Măng Thít. Ở chân cầu phía bên này có một quán ăn. Bà chủ quán có hai cậu con trai. Oái oăm thay, một đứa là thương binh, còn đứa kia là thương phế binh. Anh thương phế binh suốt ngày cứ ngửa tay xin tiền của anh thương binh. Vậy là những cuộc cãi vã cứ diễn ra. Bà mẹ thương con, chẳng thể bênh đứa nào, ghét bỏ đứa nào. Nhưng phân xử cho ra lẽ với hai đứa lại là thật khó. Thế đấy, sau cuộc chiến ấy, có bao điều thật khó xử". Tôi xin phép thầy Lê Văn để chép bài này về trang nhà.
Tôi cũng chép thêm hai câu chuyện đằm sâu trong ký ức. Đó là "Câu cá bên dòng Srêpốc" và “Thư người ra trận”. Anh Lê Trung Xuân đã đọc cho tôi nghe bài thơ “Thư người ra trận” cách đây đã trên 42 năm. Đó là “ký ức vụn” một thời không thể quên theo cách nói của nhà văn Nguyễn Quang Lập. Anh Xuân, anh Chương, anh Trung và tôi đều là sinh viên đại học nhập ngũ tháng 9 năm 1971. Chúng tôi cùng trong một tổ chiến đầu bốn người. Hai anh Xuân và Chương đều hi sinh năm 1972 tại Quảng Trị, riêng Trung và tôi trở về. Anh Xuân ra đi đã mang theo bí mật của bài thơ tình “Thư người ra trận” mà cho đến nay tôi vẫn chưa biết ai là tác giả đích thực.
Ba câu chuyện này và Ba bài thơ người lính mà tôi vừa chép tặng bạn để đọc lại và suy ngẫm. Chúng ta càng thêm thấm thía cái giá của hạnh phúc , càng hiểu hơn tháng bảy mưa ngâu... (Hoàng Kim)
HAI NGƯỜI LÍNH CON MÁ SÁU
Lê Văn
Sông Hữu Thành mùa nước nổi. Nước dâng cao, vàng quạch. Dưới chân cầu Nhơn Ngãi, đôi ba mảng lục bình luẩn quẩn xoay tròn, rồi lại bung ra níu kéo nhau, trôi nhanh về miệt hạ lưu. Tôi có quá nhiều kỉ niệm với dòng sông ấy. Là bởi dọc theo đôi bờ, có đến 3 trường cấp hai, nơi mà năm nào tôi cũng dẫn sinh viên xuống thực tập.
Hồi đó, cứ mỗi lần dẫn sinh viên đi, tôi không thể không tấp vô quán má Sáu. Ăn nhiều, lân la lắm rồi tôi trở thành khách thân thiết của gia đình má. Quán nằm bên này dốc cầu Nhơn Ngãi, luôn đông khách. Cũng chẳng hiểu vì má vui tính, luôn xởi lởi với khách, hay vì quán của má có điều đặc biệt mà luôn đông khách. Nó đặc biệt ở chỗ, hủ tiếu của má như được bỏ bùa mê, thuốc lú hay sao ấy. Đã ăn một lần, lần sau không thể dứt ra được khi đi ngang qua. Lại nữa, hai người phụ giúp chẳng ai khác, chính là hai cậu con trai con má. Một chạy bàn. Một thu ngân. Có lẽ, điều đặc biệt nhất chính là hai người thanh niên ấy.
***
Tiếng nạng gỗ của người em lọc cọc nện xuống sàn như làm nền cho những câu gắt gỏng của anh em họ:
- Thằng Ba, sao mày rề rề vậy? Khách họ chờ hoài, sao không lẹ lên?
- Hai ơi, ông ngồi một chỗ, ông cứ hối hoài. Thì cũng để từ từ cho tui chạy với chứ.
- Chạy cái cái con khỉ. Mày còn đủ chân đâu mà chạy.
Ba lại gắt:
- Được như ông tui lại sướng. Ngồi một chỗ, cứ làm như ông tướng…
Đấy là tiếng đôi co của anh em họ khi phải tất bật, vì đông khách. Cũng không nhớ nổi, tôi đã vào quán của má mấy chục lần rồi mới hiểu hết gia cảnh nhà má.
Nhà chỉ có ba má con. Ấy là bấy giờ. Chớ trước bảy mươi, nhà má những năm người lận. Hai đứa em trai của má, cùng thời điểm đứa vô bưng theo giải phóng, đứa bị bắt quân dịch. Rồi năm sau, đứa vô bưng nửa đêm mò về lôi thằng Hai – con má, đi theo. Đêm ấy, thằng em nó lên thành phố, chớ ở nhà, chắc cũng theo cậu nó đi luôn. Xui cho nó, năm kế đó thì bị tụi nó bắt vô quân trường. Vầy là từ đó cho mãi đến sau giải phóng, một mình má vò võ trong căn nhà mái tôn dưới chân cầu.
***
Giải phóng đâu gần 3 tháng thì ba cậu cháu chúng nó về với má. Còn lại thằng Hai, biệt tích biệt tăm. Chẳng có tin tức gì về nó. Lòng má như lửa đốt. Má bỏ bê hàng quán. Suốt ngày, má ra ngồi bên thành cầu mà trông, mà đợi. Rồi một năm sau, có chiếc xe jeep đậu xịch trước cửa nhà. Người ta bê thằng Hai xuống. Má nhìn con, sụm xuống nức nở. Nó cụt cả hai chân. Trời ạ! Ngày nó theo cậu hai vô bưng, khỏe mạnh. Bây giờ về là thế này ư? Rồi cả thằng Ba, nó đã trở thành thương phế binh, khi chỉ còn một giò. Tía chúng nó bị tụi dân vệ bắn chết từ cái hồi Đồng khởi. Bây giờ vầy, biết sống sao đây?
Ấy là má Sáu kể vậy. Nghe má kể, lòng tôi cũng thắt lại, huống chi là má. Thế đấy, sau cuộc chiến huynh đệ ấy, tưởng đâu đã yên. Nội trong mỗi gia đình, bao nhiêu điều cần nói.
- Chưa hết đâu thầy giáo ạ. Mấy năm sau đó, tui còn khổ trăm bề về chúng nó.
- Khổ răng má?
Tôi vừa nghe, vừa khơi chuyện. Trước mắt tôi, dòng sông Hữu Thành vẫn cuồn cuộn chảy. Con nước lớn, rồi nước ròng. Giác trưa, nước lớn mấp mé sân nhà má. Chiều xuống, nước đang ròng, nhưng cũng đủ để sóng vỗ ì oạp vào chân cầu.
Má kể tiếp. Cậu Ba thằng nhỏ sau đó mấy năm, vượt biên không lọt, rồi tấp xuống vùng Bạc Liêu sinh sống. Còn cậu Tư, làm lớn trên tỉnh, thảng hoặc có ghé về. Vầy là nhà má chỉ còn lại ba má con. Hai thằng hai phía, bắn nhau tứ tung, rồi cuối cùng cũng tấp về nhà với má. Hồi chưa vào lính, chúng nó như hình với bóng. Suốt ngày cứ Hai Hai, Ba Ba. Thế mà rồi, mấy năm đầu về nhà chúng vẫn Ba Ba, Hai Hai, nhưng mà là cãi nhau chí chóe.
Tôi biết, những vụ cãi nhau xẩy ra hồi đó mỗi khi ghé quán. Người anh cụt hai chân. Anh ta di chuyển được nhờ vào hai chiếc ghế. Thường anh ngồi ở góc nhà. Có người gọi tính tiền, anh lấy chiếc ghế để ra phía trước, chuyển người qua. Lại đưa chiếc ghế kia ra phía trước, lại chuyển người qua. Người thương tình, đưa tiền tới, để anh đỡ phải di chuyển.
Còn người em cụt một chân, phục vụ khách, di chuyển dễ dàng hơn nhờ chiếc nạng. Khi hết khách rồi, anh em mới bắt đầu “cuộc chiến”. Ba nhìn thẳng vào mắt anh Hai:
- Ông cũng vừa vừa thôi. Thì cũng để tui thở với chứ. Ông sướng thấy mụ nội. Ngồi một chỗ, ăn lương. Còn tui, quần quật suốt ngày, vầy mà phải ăn bám má, ăn bám ông.
- Thì trước mày đã ăn lương ông Thiệu, chớ sao. Còn tao, lặn ngụp trong bưng, có đồng cắc nào. Giờ mày đang còn một giò, tao cụt cả hai. Ai sướng hơn ai?
- Ông cụt, ông còn có người bao. Còn tui, lính tẹp nhem, chúng nó dạt ra. Giò vầy sướng lắm sao?
- Mày thấy khổ, sao không chạy theo ông Thiệu cho sướng?
- Ổng tưởng chạy mà dễ. Mà lính to, như cậu Ba rồi giờ cũng trốn chui lủi...
Những cuộc cãi vã như vậy rồi cũng được kết thúc, nhờ sự can thiệp của má Sáu:
- Thôi vầy là đủ rồi. Trước đây, bây bắn nhau vầy chưa chán hay sao? Giờ hòa bình rồi, bỏ quá cho nhau đi. Mấy đứa còn sống về với má vầy là vui, là hạnh phúc lắm rồi. Đùm bọc lấy nhau mà sống. Má xin tụi bây.
***
Rồi một hôm, tôi nghe tin tay Ba đã nhảy cầu Nhơn Ngãi tự tử. Tôi vọt xe xuống thăm gia đình má Sáu. Mắt má thâm quầng, nhưng trên khuôn mặt chằng chéo vết chân chim đã tươi lại nụ cười rạng rỡ, nhân hậu. Má vẫn xem tôi như một người khách thân tín nhất. Má kể, thằng Ba kêu khổ vì vất vả, còn bị anh nó và bà con lối xóm xầm xì. Cũng may, người ta kịp vớt nó. Rồi nó ốm liệt giường. Thằng anh nó không đi lại được, nhưng đã quá giang xe đò, kè nó lên nhà thương tỉnh. Suốt cả chục ngày, thằng Hai ở riết trong nhà thương chăm sóc em.
- Cảm ơn thầy xuống thăm! Giờ thì anh em nó sống hòa thuận lắm rồi, tui mừng lắm, thầy ơi.
Sau câu cảm ơn của má là bữa nhậu đạm bạc của ba chúng tôi. Trong li rượu cay và đắng ấy, rồi ai cũng đã nhận ra vị ngọt ngào của tình người. Cuộc đời vẫn luôn là vậy, có gì lạ lẫm đâu.
CÂU CÁ BÊN DÒNG SRÊPÔC
Hoàng Kim
Bạn chèo thuyền trên sông Vôn ga
Có biết nơi này mình câu cá?
Srêpôk giữa mùa mưa lũ
Sốt rừng, muỗi vắt, đói cơm.
Suốt dọc đường hành quân
Máy bay,
pháo bầy,
thám báo,
mưa bom
Chốt binh trạm giữa rừng
Người bạn thân
Lả người
Vì cơn rét đậm
Thèm một chút cá tươi
Mình câu cá
Cho bữa cơm cuối cùng của người thân
mà nước mắt
đời người
rơi, rơi...
mặn đắng
Bạn ơi
Con cá nhỏ trên dòng Srêpôk
Nay đã theo dòng thác lũ cuốn đi rồi
Đất nước nghìn năm
Trọn một lời thề
Sống chết thủy chung
với dân tộc mình
Muôn suối nhỏ
Đều đi về biển lớn.
1972
THƯ NGƯỜI RA TRẬN
Chưa rõ tác giả
Anh viết cho em lá thư dài tâm sự
Trời Lục Nam đêm này khó ngủ
Cũng mơ màng như nét bút anh biên.
Ở quê hương giờ chắc đã lên đèn
Sau vất vả một ngày lao động
Đêm nay nhé cùng anh em hãy sống
Những ngày đầu thơ ấu của tình yêu
Nhớ lắm em ơi những sớm những chiều
Ta sánh bước dưới trời cao trong vắt
Anh nắm tay em, em cười trong mắt
Trăng thẹn thùng lẫn vội bóng mây trôi
…
Rồi từ đó bao đêm thao thức bồi hồi
Anh mơ được cùng em xây tổ ấm
No đói có nhau ngọt bùi khoai sắn
Một căn nhà đàn con nhỏ líu lô
Tấm lòng em là cả một bài thơ
Anh muốn viết như một người thi sỹ
Ruộng lúa nương khoai tấm lòng tri kỷ
Có bóng em đi thêm đẹp cả đất trời
Nhưng em ơi khi ta bước vào đời
Đâu chỉ có bướm có hoa có trời có đất
Đâu chỉ có mơ màng những đêm trăng mật
Mà đất trời đã nổi phong ba
Tạm biệt em, anh bước đi xa
Khi thửa ruộng luống cày còn dang dỡ
Khi mầm non tình ta vừa mới nhú
Khi căn nhà còn tạm mái tranh
Quê hương ơi xóm nhỏ hiền lành
Có biết chăng người yêu ta ở đó
Một nắng hai sương giãi dầu mưa gió
Mắt mỏi mòn ai đó ngóng trông nhau
Anh đi biển rộng sông sâu
Con thuyền nhỏ vẫn mong ngày cập bến
Đò có đông em ơi đừng xao xuyến
Nắng mưa này đâu chỉ có đôi ta
Anh đi bão táp mưa sa
Chỉ thương em một cánh hoa giữa trời
Đời là thế đó em ơi
Buồn thương xa cách chia phôi lẽ thường
Anh gửi cho em lời nhắn lên đường
Bức thư của người ra trận
Dù mai sau trong niềm vui chiến thắng
Anh chưa về nhưng đã có thư anh …
Xem thêm:
Ba bài thơ người lính
Câu cá bên dòng Srêpôk
Tháng Bảy mưa ngâu
Video yêu thích
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam
Trở về trang chính
Hoàng Kim, Ngọc Phương Nam, Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Học mỗi ngày, Danh nhân Việt, Kim on Twitter, Kim on Facebook, Food Crops News, CassavaViet, foodcrops.vn
22 tháng 7, 2013
Ba bài thơ người lính
HỌC MỖI NGÀY. Tôi chép lại bài thơ "Mảnh đạn trong người" "Nhớ bạn" của anh Hoàng Trung Trực và bài thơ "Gặp bạn ở chợ Bến Thành" của anh Hoàng Đình Quang với lời bình của anh Đỗ Minh Tâm "Nỗi khắc khoải về một bài thơ". Câu viết anh Tâm làm tôi nghẹn sự đồng cảm: "Đọc xong câu cuối, bất chợt một giọt nước mắt rơi vào chén trà khi tôi nâng lên mời anh. Xin cám ơn anh và tác giả đã cho tôi được đọc một bài thơ hay trong ngày tháng bẩy này."
MẢNH ĐẠN TRONG NGƯỜI
Hoàng Trung Trực
Bao nhiêu mảnh đạn gắp rồi
Vẫn còn một mảnh trong người lạ thay
Nắng mưa qua bấy nhiêu ngày
Nó nằm trong tuỹ xương này lặng câm…
Thời khói lửa đã lui dần
Tấm huân chương cũng đã dần nhạt phai
Chiến trường thay đổi sớm mai
Việt Nam nở rộ tượng đài vinh quang.
Thẳng hàng bia mộ nghĩa trang
Tên đồng đội với thời gian nhạt nhoà
Muốn nguôi quên lãng xót xa
Hát cùng dân tộc bài ca thanh bình
Thế nhưng trong tuỷ xương mình
Vẫn còn mảnh đạn cố tình vẹn nguyên
Nằm hoài nó chẳng nguôi quên
Những ngày trở tiết những đêm chuyển mùa
Đã qua điều trị ngày xưa
Nó chai lỳ với nắng mưa tháng ngày
Hoà bình đất nước đổi thay
Đêm dài thức trắng, đau này buồn ghê
Khi lên bàn tiệc hả hê
Người đời uống cả lời thề chiến tranh
Mới hay cuộc sống yên lành
Vẫn còn mảnh đạn hoành hành đời ta.
NHỚ BẠN
Hoàng Trung Trực
Ngỡ như bạn vẫn đâu đây
Khói hương bảng lãng đất này bình yên
Tình đời đâu dễ nguôi quên
Những dòng máu thắm viết nên sử vàng
Trời xanh mây trắng thu sang
Mình ta đứng giữa nghĩa trang ban chiều
Nhớ bao đồng đội thương yêu
Đã nằm lòng đất thấm nhiều máu xương
Xông pha trên các chiến trường
Chiều nay ta đến thắp hương bạn mình
GẶP BẠN Ở CHỢ BẾN THÀNH
Hoàng Đình Quang
Ơ này, quen quá, ai ơi!
Hoá ra ông bạn từ thời chiến tranh
Lơ ngơ giữa chợ Bến Thành
Bán mua gì để phong phanh thế này?
Dễ gì nhận được nhau ngay
Mắt nhìn trờn trợn, bắt tay trờn trờn(!)
Thợ cày chán lại con buôn
Giờ làm cửu vạn có buồn nhau không?
Một thời đánh bắc, dẹp đông
Chiến tranh kết thúc, dở ông dở thằng
Dại nào bằng cái dại hăng
Coi Ông Trời bé không bằng mảnh vung!
Áo cơm, là thứ lạnh lùng
Có khi vũng nước, anh hùng sa cơ...
Phô răng cười giữa ngã tư
Vèo vèo xe cộ, lừ đừ bạn tôi
Gốc cây, quán cóc ta ngồi
Rượu suông ta nhắm với thời vinh quang
Tay run, mắt đỏ, ly tràn
Rót vào trăm nỗi ngổn ngang, vơi đầy...
Chúng mình sống đến hôm nay
Còn bao nhiêu đứa gửi thây rừng già
Ơn Trời Đất, ơn Mẹ Cha
Đội ơn vợ đã vì ta mà nghèo!
Rượu cho chồng, cám cho heo
Tình tang cho nợ, bọt bèo cho thơ
Thương đàn con dại ngẩn ngơ
Di truyền cả cái khù khờ của cha!
Long đong ở giữa quê nhà
Quẩn quanh ở chỗ người ta cờ tàn...
Bạn ngồi bạn uống rượu khan
Tôi ngồi uống nỗi cơ hàn bạn tôi!
NỖI KHẮC KHOẢI VỀ MỘT BÀI THƠ.
Đỗ Minh Tâm
Một buổi chiều, tôi nhận được bài thơ “Gặp Nhau Ở Chợ Bến Thành” của tác giả Hoàng Đình Quang (Đã đăng báo văn nghệ Quân Đội số 38 tháng 11/2010) từ anh Tô Mai, một người có nhiều tâm huyết với thơ. Đạp xe hơn chục cây số mang bài thơ cho tôi trong nắng hè tháng bẩy này. Tôi thầm nghĩ hẳn là bài thơ đã để lại trong anh nhiều cảm xúc.
Sau chén trà thơm đãi anh, tôi hào hứng đọc ngay. Qủa nhiên bài thơ làm tôi xúc động. Những câu thơ mộc mạc, chân tình đến cháy lòng của người lính đã cứa vào tâm can tôi cũng từng là người lính. Câu chuyện gặp nhau bất chợt của hai người đồng đội đã một thời trận mạc, “Một thời đánh Bắc dẹp Đông, một thời chung nước bình tông giữa rừng, một thời bom đạn rát lưng”, mà bây giờ “Dễ gì nhận được nhau ngay”. “Thợ cày chán lại con buôn”. Nỗi cực nhọc hai sương một nắng cùng những vết thương làm anh sọm đi trước tuổi. Đất làng giờ đã thành đường, thành phố, anh đành ra chợ làm “con buôn” nhưng “Lơ ngơ giữa chợ Bến Thành/ Bán mua gì để phong phanh thế này?”, hàng hóa buôn bán chỉ sơ sài, một mảnh vải bạt, với vài sọt khoai, rau. Cái khốn khó làm anh đến nỗi gặp người đồng đội cũ mà vẫn “lơ ngơ”, cảnh giác đến sợ sệt, hoài nghi trong cái bắt tay “Mắt nhìn trờn trợn, bắt tay trờn trờn(!)” thì sự cảm thương đến quặn lòng. Âý thế mà có một thời những con người như anh “Dại nào bằng cái dại hăng/ Coi ông trời bé chỉ bằng mảnh vung”, chỉ có người lính tay cầm súng, chân đạp rào gai băng mình trong lửa đạn mới có cái “Hăng” như thế.
Những con người một thời xông pha đánh Bắc, dẹp đông, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, bây giờ thi thoảng huân chương đầy ngực về khoe với vợ con hôm nay được bữa cơm chiêu đãi. Ngày mai lại “Thợ cày chán lại con buôn/ Giờ làm cửu vạn có buồn nhau không” thì câu “ Chiến tranh kết thúc dở ông dở thằng” quả là nghèn nghẹn nỗi chát chua.
Nhờ số phận may mắn, phúc đức cha mẹ, ông bà, những người lính đã qua được hiểm nguy để hoàn thành nhiệm vụ, làm trọn trách nhiệm của người trai trong thời chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Rời quân ngũ trở về với đời thường, trong nỗi lo toan vì miếng cơm manh áo, vun vén cho hạnh phúc gia đình, may thay còn có những người vợ tảo tần, sớm khuya chia sẻ. Câu thơ “ Đội ơn vợ đã vì ta mà nghèo/ Rượu cho chồng, cám cho heo/ tình tang cho nợ, bọt bèo cho thơ” thì quả là bi hài. Đọc câu thơ mà ta lại liên tưởng đến những câu trong bài thơ của cụ Tú Xương “Thương Vợ”: “Quanh năm buôn bán ở mom sông/ Nuôi đủ năm con với một chồng...”.
Hoàng Đình Quang đã chạm vào được nỗi đau đớn nhất “Thương đàn con dại ngẩn ngơ/ Di truyền cả cái khù khờ của cha”. Thân mình, số phận dù có hẩm hiu đến đâu, những người làm cha, làm mẹ đều khao khát mong cho con mình được khỏe mạnh, học hành, sung sướng. Chỉ một đứa con đau ốm đã làm ta lo, buồn, mất ăn mất ngủ, thế mà hàng ngày phải nhìn một đàn con ngẩn ngơ, hậu quả của nhiễm độc chiến tranh di truyền cho mãi mai sau thì nỗi đau xé lòng, như bị rứt dần từng khúc ruột vứt đi.
Những người sắt đá nhất tôi tin khi đọc câu thơ này cũng phải nghẹn nghào rơi lệ. Vì những đứa con “Ngu ngơ” ấy mà người cha, người lính đã tàn nhưng không chịu phế vẫn cắn răng, gồng mình lên “long đong ở giữa quê nhà/ Quẩn quanh ở chỗ người ta cờ tàn...”
Những nhà hàng sang trọng, máy lạnh ro ro, trong ấy những người có tiền đang hưởng thụ đặc sản, rượu tây, thì dưới gốc cây quán cóc hai người CCB cũng “ Rượu suông ta nhắm với thời vinh quang”. Tuy nghèo khó nhưng họ không hèn, họ tự hào với một thời gian truân, trận mạc, với những chiến công và hạnh phúc trong đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn giữa rừng cờ hoa chào đón. Để đến hôm nay vẫn đau đáu nỗi niềm nhớ thương đồng đội “ Tay run, mắt đỏ, ly tràn/ Rót vào bao nỗi ngổn ngang tháng ngày.../ Chúng mình sống đến hôm nay/ Còn bao nhiêu đứa gửi thây rừng già”. Người lính chịu bao nỗi đau mất mát vẫn thấy mình còn may mắn, hạnh phúc lắm, còn được chén rượu suông mà “Nhắm với thời vinh quang”.
Câu kết của bài thơ đã để lại khắc khoải đến im lặng: “Bạn ngồi bạn uống rượu khan/ Tôi ngồi uống nỗi cơ hàn bạn tôi!”
Đọc xong câu cuối, bất chợt một giọt nước mắt rơi vào chén trà khi tôi nâng lên mời anh. Xin cám ơn anh và tác giả đã cho tôi được đọc một bài thơ hay trong ngày tháng bẩy này.
20/7/2013
Xem thêm
Dấu chân người lính
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam
Trở về trang chính
Hoàng Kim, Ngọc Phương Nam, Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Học mỗi ngày, Danh nhân Việt, Kim on Twitter, Kim on Facebook, Food Crops News, CassavaViet, foodcrops.vn