Trang

30 tháng 12, 2007

BÁC HỒ YÊU QÚY TIẾNG VIỆT

PGS.TS Vũ Duy Thông

Trong cuộc đời mình, Bác Hồ đã viết khoảng 2.000 bài báo dưới gần 150 bút danh. Báo chí là vũ khí được Người lựa chọn ngay những ngày đầu dấn thân vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc mình và viết báo cũng là một trong những công việc cuối cùng Người làm trước lúc đi xa.

Nửa thế kỷ làm báo, Bác Hồ đã kinh qua tất cả những công việc của nghề báo : viết bài, biên tập, trình bày, tổ chức in ấn, phát hành, gây quỹ cho báo và vừa là người sáng lập vừa trực tiếp làm tổng biên tập nhiều tờ báo. Người làm báo Pháp, Liên Xô, Trung Quốc, Thái Lan, chiến khu cách mạng trước 1945, chiến khu kháng chiến từ năm 1947 và vẫn viết báo thường xuyên thậm chí viết báo đều đặn hơn trước, khi trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước ta. Nét độc đáo về sự nghiệp báo chí của Bác là dù làm báo ở đâu,dù viết bằng tiếng Việt hay tiếng nước ngoài, dù dùng thể loại gì thì mọi bài báo của Người cũng đều có chung một mục đích, đó là dùng báo chí làm vũ khí trong cuộc đấu tranh không mệt mỏi để “nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, được học hành”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một con người vĩ đại, có lẽ còn phải nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu nữa, chúng ta và những thế hệ tiếp nối mới hiểu đầy đủ về Người và công lao to lớn của Người đối với dân tộc và đất nước. Cũng như vậy, còn cần nhiều giấy mực nữa mới có thể đánh giá đầy đủ về các tác phẩm báo chí cũng như cuộc đời làm báo phong phú và mẫu mực của Người. Trong bài báo nhỏ này, chỉ xin lẩy ra một vấn đề, đó là qua các tác phẩm báo chí và qua các bài phát biểu, Bác luôn căn dặn những người làm báo chúng ta yêu tiếng Việt, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Trước hết, chúng ta dễ thống nhất với nhau rằng, Bác Hồ là người rất giỏi ngoại ngữ. Qua nhiều tài liệu tin cậy, chúng ta biết được Bác sử dụng thành thạo tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nga và có thể cả một vài ngôn ngữ khác. Những bài báo, cuốn sách Bác viết trực tiếp bằng tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nga không chỉ phong phú về vốn từ mà còn thể hiện sự hiểu biết sâu sắc đến mức nhuần nhị cách diễn đạt tư duy của ngôn ngữ đó. Những người Pháp khi đọc các truyện và ký của Nguyễn Ái Quốc; những người Nga khi đọc các bài viết của Người bằng tiếng Nga; những người Trung Quốc khi đọc tập thơ “Nhật ký trong tù”... nếu không được giới thiệu, chắc khó biết tác giả những tác phẩm ấy là người Việt Nam.

Nhưng khi Bác nói chuyện, làm thơ, viết báo bằng tiếng Việt, cho người Việt đọc thì khác hẳn. Dó là những bài nói, bài viết giản dị mà vẫn không mất đi sự sâu sắc; dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ; ngắn gọn, trong sáng. Về thơ và những bài nói, xin dành một dịp khác, chỉ xin bàn về cách viết báo và những bài báo của Người nhưng cũng chỉ cần những bài báo cũng đã rõ điều này.

Bài học đầu tiên về văn phong ( nói một cách khác, cách sử dụng ngôn ngữ) báo chí của Bác Hồ là mọi lời nói và bài báo đều phải có nội dung thiết thực. Nội dung thông tin quyết định cách diễn đạt và ngôn ngữ diễn đạt. Nếu không có điều gì cần thông tin thì không nên viết. Người dặn “ Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn” và” “Viết và nói, trước hết phải có nội dung. Phải chữa cho hết bệnh nói dài, viết rỗng”.

Nhưng muốn không nói dài, viết rỗng, nội dung tác phẩm đầy ắp thông tin, bố cục mạch lạc, ngôn từ trong sáng...kỹ năng nghề nghiệp một phần nhưng yếu tố quyết định lại là nhà báo có hiểu rõ, nắm chắc điều định viết hay chưa ? “ Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”. Trong thực tế, rất nhiều bài báo nghèo nàn, diễn đạt dài dòng, lủng củng thậm chí sai sự thật đều từ nguyên nhân” không biết rõ, hiểu rõ” điều mình viết như Bác đã căn dặn.

Để có ngôn ngữ trong sáng, dễ đọc, dễ hiểu còn cần một điều kiện rất quan trọng nữa là xác định đối tượng đọc của mình là ai. Không phải không có lý do khi Bác đặt vấn đề cần xác định “ Viết cho ai xem” là yêu cầu hàng đầu khi viết báo:” Kinh nghiệm của tôi là thế này : mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi : Viết cho ai xem ? Viết để làm gì? Viết như thế nào cho phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc ?”. Như vậy là, Bác Hồ luôn căn dặn các nhà báo muốn có ngôn ngữ trong sáng, trước hết tác phẩm báo chí phải có lượng thông tin cao. Theo Bác, vấn đề là không phải viết dài hay viết ngắn “ dài nhưng mỗi câu, mỗi chữ có một ý nghĩa, có một mục đích, không phải là rỗng tuếch”. Bài báo chỉ dài dòng “ dây cà ra dây muống”, ngôn ngữ màu mè, thiếu trong sáng khi nó không mang thông tin cần thiết đến cho người đọc.

Tuy nhiên, không chỉ nhấn mạnh đến vai trò nội dung thông tin trong tác phẩm báo chí, Bác Hồ còn luôn nhắc nhở chúng ta phải không ngừng rèn luyện cách diễn đạt thông tin, sử dụng ngôn ngữ. Bác dặn những người làm công tác tuyên truyền, những người viết báo trong việc kết cấu tác phẩm: “ Trước khi nói, phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận” để tránh tình trạng tin, bài “ thiếu cân đối, tin nên dài thì viết ngắn, nên ngắn lại viết dài, nên để sau thì để trước, nên trước lại để sau”. Trong sử dụng ngôn ngữ, Người đặc biệt quan tâm đến việc học hỏi lời ăn tiếng nói của quần chúng, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, không ngừng làm phong phú thêm tiếng Việt và chính Người gương mẫu thực hiện điều đó. Vấn đề sử dụng và phiên âm tiếng nước ngoài được Bác đặc biệt quan tâm. Trong không ít bài báo, Bác triệt để sử dụng tiếng nước ngoài nhất là cách phiên âm đã Việt hóa nếu những từ ngữ đó phục vụ cho bài viết và làm phong phú cho tiếng Việt. Chẳng hạn, rất nhiều lần Bác chơi chữ “ Mỹ mà xấu”, “ Tay-lo rồi chân cũng lo” hoặc đưa vào tiếng Việt những ký tự độc đáo : “ Zôôn ( Tổng thống Giôn-xơn) vừa thiu thiu ngủ liền mơ thấy tổng Ken ( Tổng thống Ken-nơ-đi) bước vào”. Nhưng khi không nhất thiết phải dùng tiếng nước ngoài thì Bác kiên quyết gạt bỏ để thay thế bằng một từ Việt tương đương. Nhiều trường hợp, Bác đã mạnh dạn thay thế từ Hán-Việt bằng từ thuần Việt trong bài báo của mình, được báo chí sử dụng theo và sau đó, các từ mới này đã hoàn toàn chiếm ưu thế. Chẳng hạn trong những năm chống Mỹ, Bác Hồ đã thay thế từ “nữ dân quân” bằng từ “dân quân gái”; từ “phi công” bằng “giặc lái” hoặc “người lái”; phong trào thi đua “ Ba đảm nhiệm” bằng phong trào thi đua “ Ba đảm đang” vv...Bác Hồ cũng rất chú ý đưa thêm những từ hiện đại, những cấu trúc hiện đại vào câu và cụm từ, chính vì thế sau hơn 60 năm, văn phong trong “ Tuyên ngôn độc lập” hay “ Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” vẫn gần gũi, dễ tiếp nhận đối với chúng ta trong khi khá nhiều văn bản xuất hiện cùng thời điểm của những học giả khác đã thấy “cổ” hoặc khó hiểu với người đọc hôm nay

Nói chuyện Bác Hồ yêu quí, giữ gìn sự trong sáng và làm phong phú thêm tiếng Việt vào lúc này để hiểu Bác, yêu kính Bác thêm. Nhưng qua câu chuyện chắc còn chưa đầy đủ về tấm gương chăm chút cho chữ Việt, cho văn hóa Việt của Bác Hồ để hi vọng một số nhà báo hôm nay đang lạm dụng tiếng nước ngoài, đang làm nghèo nàn tiếng Việt, đang biến tiếng Việt trên báo chí xa lạ dần với người Việt... một lúc nào đó lắng lại cùng suy nghĩ ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét