Trang

1 tháng 9, 2008

Đôi điều nói thêm về "Đất nước đứng lên"

Nguyên Ngọc

Theo chỗ tôi được biết thường người đọc hay có sự tò mò muốn được biết những “bí mật” có tính chất bếp núc của nhà văn trong công việc viết một cuốn sách. Tôi nghĩ đó là một sự tò mò lành mạnh và chính đáng. Song nói thật tình, những”bí mật” ấy chính tác giả cũng không biết được hết.

Người mẹ làm sao biết được hết những bí mật trong suốt quá trình huyền diệu hình thành và sinh ra đứa con. Ở khu vực này, tôi tin vậy, mãi mãi còn những bí ẩn chỉ có thể ước đoán ra thông qua những dấu hiệu bên ngoài nào đó. Đôi điều “bí mật” tác giả sẽ tiết lộ với bạn đọc sau đây cũng vậy. Xin các bạn xem như chừng nào đấy là những ước đoán ít nhiều đáng tin cậy thôi.

Gần đây, có lẽ chủ yếu do chẳng viết được cái gì mới, có đôi lần tôi một mình lẩn thẩn ngồi dở ra đọc lại quyển sách đã cũ mòn của mình. Cho phép tôi thú thật: tôi đọc… say mê và cảm động. Và cũng buồn nữa. Tôi thấy hình như bây giờ tôi không còn có thể viết được như ngày ấy. Ngày ấy tôi đã viết được những trang, đã viết được một cuốn sách thật giản dị, trong sáng. Và đẹp. Một vẻ đẹp, chừng mực nào đó gần như đến hoàn chỉnh. (Bây giờ mình có thể sâu sắc hơn, từng trải hơn nhưng cũng lại rắc rối hơn, phức tạp và tối tăm hơn).

Tôi cứ tự hỏi: cái gì đã làm nên được sự giản dị, trong sáng, đáng quý đó?
Ở đây tôi có thể tiết lộ với các bạn một điều “bí mật” (mà trước đây, thật buồn cười và xấu hổ thay, do những thứ giữ gìn vô lý nào đó, ta – và chính tôi – thường thấy “không tiện nói ra”): Tôi đã chịu ảnh hưởng rất sâu sắc, có thể đến tận máu thịt mình, của văn học, hay nói cho thật chính xác hơn, của văn chương Pháp. Văn chương Pháp được học trong các trường “Thực dân” thời bấy giờ. Cả một nền văn chương lớn, với những Anatole France và Alphonse Daudet, Chateaubriand, Victor Hugo và Balzac, Flaubert và Stendhal, Guy De Maupassant và George Sand, Lamartine và Alfred De Musset…

Tôi nghĩ mãi mãi nghĩ có một thời gian khá dài chúng ta đã nói quá là lôi thôi lẩn thẩn về cái gọi là nội dung và hình thức trong nghệ thuật. Những câu văn chương tôi đã từng đọc trong tác phẩm của họ, từng từ, các từ của nó, từ này đứng cạnh từ kia, câu này nói theo câu nọ, cả những chỗ đọc nối giữa các từ nữa… là nội dung hay là hình thức? Quả thật tôi không biết. Tôi chỉ biết nó đã tạo nên tâm hồn tôi, con người và văn chương tôi, về sau này, có lẽ, cả một thế hệ chúng tôi. Thế hệ, hầu hết, ít năm sau sẽ đi vào cách mạng và kháng chiến, trở thành những người lính nồng nàn yêu nước, trung thành với nhân dân, với cách mạng…

Kể cũng lạ – nhưng ngẫm kỹ lại thì cũng rất phải, rất tất yếu thôi – chính cái nền văn chương Pháp vĩ đại được dạy trong các trường”Thực dân” ấy, ít nhất cũng có góp phần tạo ra – cả một thế hệ thanh niên cách mạng kiên cường và trung thành ở nước ta, thế hệ chúng tôi.

Văn chương là một cái gì đó vừa hiển nhiên vừa bí ẩn như vậy đó. Nó tạo nên con người, có khi định hướng cả cuộc đời con người bằng những con đường nào đó vừa tất yếu vừa có gì như là nghịch lý vậy. Có lúc đã nghĩ lẩn thẩn: giá như tôi đã được “tạo nên” từ buổi ban đầu của đời mình không phải một phần hết sức quan trọng bằng nền văn chương Pháp ấy mà chẳng hạn bằng văn chương Nga – một nền văn chương hình như sâu sắc hơn và cũng nặng nề, bệ vệ hơn – thì rồi ra tôi sẽ trở nên thế nào nhỉ? Có thể tôi sẽ trở nên một người tốt hơn nhiều, hoặc thế nào khác đó… Nhưng sẽ là tốt một cách khác, thế nào đó một cách khác…

Tôi nói điều này có thể là hơi lạ với ai đó: khi bắt đầu cầm bút tôi đã viết bằng cái “lối” văn chương “Pháp” đó, tất nhiên nó đã được khúc xạ, qua tôi. Tôi đã viết Đất nước đứng lên bằng cái văn chương ấy. Hoặc nói cho chặt chẽ, chỉn chu hơn: viết bằng cái lối tâm hồn đã được tạo nên một phần rất quan trọng bằng văn chương ấy. Bấy giờ có lẽ đến lúc nói về sự khúc xạ. Anh sáng khúc xạ khi nó đi từ một môi trường này sang một môi trường khác. Ở trường hợp của tôi hồi bấy giờ, môi trường kia, môi trường mới, là Tây Nguyên. Đó là một môi trường rất mạnh. Bất cứ ai đến đó, đi vào đó, lập tức chịu ngay một sức cuốn hút mãnh liệt, không gì cưỡng lại nổi. Nói đến Tây Nguyên người ta thường hay nghĩ, nói ngay đến thiên nhiên, núi non, rừng rú, cảnh quan lạ lùng của nó. Tất nhiên cái đó là đúng và cũng tác động mạnh đến người mới bước chân tới đây. Nhưng còn quan trọng hơn hiều, theo tôi, là nền văn hóa của nó.

Có nhiều cách nói khác nhau về văn hóa. Riêng tôi, tôi thích diễn đạt khái niệm này như trong một số ngôn ngữ phương Tây: Culture. Tôi hiểu trong cách diễn đạt đó, người ta muốn coi văn hóa là tất cả những gì con người “cấy trồng” nên trái đất này. Trước khi có con người, chưa có những cái đó. Con người làm cho trái đất trở thành một trái đất khác bằng toàn bộ sự “cấy trồng” của mình, đời này qua đời khác, thế hệ này qua thé hệ khác.

Các dân tộc Tây Nguyên đã “cấy trồng” trên đất đai núi rừng của mình một nền văn hóa lớn, cực kỳ độc đáo và đặc sắc, lâu đời và bền vững. Tôi không dám cả gan phát biểu về những đặc điểm khái quát của nền văn hóa ấy. Song dẫu sao cũng xin thử nói đôi điều riêng tôi cảm nhận được, thấm thía yêu mến và kính trọng ở đây. Có lẽ trước hết là ở đây con người hài hoà gần như đến tuyệt đối với tự nhiên, với thiên nhiên, con người đồng hòa mình, với thiên nhiên và đồng hóa thiên nhiên với mình, gần như không còn chút cách biệt, chút ranh giới nào. Thiên nhiên cũng hữu trí, hữu tình như con người và con người lại cũng vô trí, vô tình như thiên nhiên. Đây là một thê giới sống động lạ thường, trong đó con người vì gắn liền khăng khít, thân tình, hòa hợp đến cùng với tự nhiên, cho nên nó cũng được hưởng tất cả sức mạnh và vẻ đẹp có khi như man dại của chính tự nhiên. Sức mạnh, sự hùng dũng của núi cao, đá lớn, sông dữ, rừng thẳm, của những cây đại thụ trường sinh và của muôn loài cầm thú… cũng là sức mạnh, sự hùng dũng của con người. Vẻ yêu kiều của mây nước, của trăm vạn loài chim trời, của sông suối, của gió rừng… Cũng là vẻ yêu kiều của con người. Và con người ở đây trong sạch, lành mạnh, tự do, thanh thản như chinh thiên nhiên vậy.

Ở Tây Nguyên mối quan hệ hài hòa đến tuyệt đối, tuyệt diệu giữa tự nhiên và con người bao trùm, chi phối sâu sắc tất cả các mối quan hệ khác, kể cả những mối quan hệ xã hội phức tạp nhất: gia đình, tình yêu, xóm làng, cộng đồng, xã hội, đất nước, kẻ thu… đi vào đây, bỗng vừa giản lược hóa đi vừa sâu đậm thêm, được tắm đẫm và hòa nhập trong cái tinh thần tự do vừa nguyên sơ vừa luôn luôn mới mẻ trường tồn đó. Tinh thần thượng võ Tây Nguyên cũng là bắt nguồn từ đó. Các cô gái Tây Nguyên phơi bộ ngực trần vừa mơn mởn vừa mãnh liệt của mình ra giữa thanh thiên bạch nhật; các pho tượng nhà mồ tuyệt vời của Tây Nguyên vừa cổ sơ vừa hết sức hiện đại cứ như là chân dung của một con người, những con người mà là chân dung của cả loài người và của cả tự nhiên, của thế giới của cuộc đời; những nóc nhà rông Tây Nguyên uyển chuyển mà mạnh mẽ đến quyết liệt... Tất cả cái văn hoá thấm sâu một triết lý bền vững không có tên gọi nào đó, lại chính là cái cơ sở bất khả chiến thắng của quá trình cuộc chiến đấu cách mạng và kháng chiến suốt mấy chục năm ở đây...

Tôi có may mắn hạnh phúc được sống với bà con các dân tộc Tây Nguyên gần suốt thời chiến tranh chống thực dân Pháp, được cùng tham gia cuộc chiến đấu gian nan anh hùng của họ. Nhưng có lẽ điều còn quan trọng hơn đối với tôi là đã dần tự “đồng hoá” mình cùng với họ, được tắm mình trong cái văn hoá kỳ diệu ấy. Tây Nguyên cũng tạo nên cho tôi, tâm hồn, cuộc đời, và rồi văn chương của tôi. Có một nhà văn bạn tôi rất tinh vi trong nghề bảo rằng điều đáng chú ý nhất trong Đất nước đứng lên là ở chỗ tôi đã tạo nên được một hệ thống ngôn ngữ nghệ thuật riêng, mà về sau hình như ai có viết về miền núi cũng sẽ ít nhiều phụ thuộc vào đó. Còn tôi, tôi nghĩ rằng chính nền văn hoá Tây Nguyên mà tôi có hạnh phúc được thấm đẫm đã tạo chho tôi hệ thống ngôn ngữ nghệ thuật ấy, gần như là một cách hoàn toàn tự nhiên, trưc giác vậy.

Có lẽ, nói cho đúng hơn, ở trong tôi cái văn hoá Tây Nguyên, với cái mà tôi đã gọi trên kia là “nền văn chương Pháp” tốt đẹp tôi từng hưởng từ bé – đã hoà quyện với nhau, từ lúc nào đó, bằng cách nào đó chính tôi cũng không rõ hết được. Sự hoà quyện may mắn ấy đã tạo thành một hệ thống ngôn ngữ nghệ thuật riêng, vừa cũ vừa mới, vừa có vẻ thô sơ tự nhiên mà cũng không đến nỗi cách xa với cái hiện đại. Tôi nghĩ rằng sở dĩ câu chuyện về anh Núp của tôi đến được với tâm hồn người đọc là vì nó đã được kể, hay đúng hơn, nó vận động trong hệ thống ngôn ngữ nghệ thuật đó. Nó ăn khớp được với hệ thống ngôn ngữ nghệ thuật đó. Theo tôi đó là điều quan trọng nhất cần chú ý trong khi tiếp cận một cách nghệ thuật tác phẩm này.

Nói về quá trình hình thành một tác phẩm của chính mình, đối với người cầm bút, bao giờ cũng là một sự tự thú. Tôi đã cố gắng làm một cuộc tự thú chân thành. Không biết nó có giúp được chút gì cho ai đó quan tâm trong khi tiếp cận quyển sách đầu tay đã cũ của tôi không? Mong bạn đọc sẽ lượng thứ nếu nhỡ ra nó vô ích đối với bạn sau khi bạn đã bỏ công đọc những dòng muộn mằn này.

Nguồn: vannghequandoi.com.vn
Dùng bản vi tính của Le Thieu Nhon http://lethieunhon.com/read.php/2376.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét