Trang
▼
29 tháng 8, 2008
Đổi mới trước hết là sự tỉnh táo...
Nguyên Ngọc
"Đổi mới" có lẽ cũng là một cách nói. Tôi thì thích thử diễn đạt một cách khác hơn, tôi thích nói "trở lại".
Có một lúc nào đó ta đã nhìn nhận không đúng, hành động không đúng, không đúng với hiện thực, không đúng với quy luật. Nay là trở lại chỗ đúng.
Tôi hiểu đổi mới chẳng phải là bịa ra một cái gì mới, chưa từng có, mà là trở lại nhìn nhận hiện thực sao cho tỉnh táo hơn, khách quan hơn, hiện thực hơn, hiện thực đúng như nó có, không tô vẽ, không che giấu, cũng không cắt xén. Nhìn nhận một cách tỉnh táo và dũng cảm. Và cố gắng hành động phù hợp với hiện thực đó, không định kiến, không máy móc, không giáo điều.
Tôi nghĩ rằng một trong những điều quan trọng nhất của cái ta gọi là "đổi mới" hiện nay, là sự tỉnh táo. Có lẽ tỉnh táo ngày nay cũng đang là một đặc điểm mới trong tư duy của thời đại. Tỉnh táo là dấu hiệu của trưởng thành - của từng trải, chín chắn.
Riêng trong văn học ta, tôi nghĩ những người cầm bút của chúng ta cho đến nay chắc cũng đã có sự từng trải nhất định để trở nên tỉnh táo hơn, trong nhìn nhận và phô diễn hiện thực. Cho nên tôi tin và hy vọng những tác phẩm thật sự có ích sẽ sớm ra đời.
Hiện thực - bao giờ cũng vậy, hiện nay càng như vậy - nếu ta nhìn nhận nó một cách không giản đơn và thiên kiến, một hiện thực hết sức phức tạp, đa dạng, nhiều mặt hiếu động. Có cái nổi lên trên mặt, có cái nhìn ẩn bên dưới. Có cái giả mà như thật, có cái thật mà tưởng giả. Có cái ầm ĩ, thời thượng mà lại tàn. Có cái lặng lẽ mà triển vọng, lâu bền...
Một hiện thực như vậy, muốn khai phá nó, phải tiếp cận từ nhiều phía, bằng nhiều cách. Trong nghệ thuật, rất lắm khi cách gián tiếp lại hiệu quả hơn là trực tiếp; nói xa lại hay hơn là nói gần; nói đùa lại hiệu nghiệm hơn là nói thật; nói chuyện gọi là "vụn vặt đời thường" lại có ích hơn là sự hùng hổ một mực xông vào nói chuyện quản lý, sản xuất... cho nên cần tránh cái cách "nhất bên trọng nhất bên khinh". Cần đa dạng. Sự đa dạng trong văn học là do bởi hiện thực vốn luôn luôn phức tạp, khó hiểu, rối rắm.
Tôi cho rằng cần tin các nhà văn: họ đều muốn khám phá ra hiện thực đúng như nó có, để mà tự mình hiểu và phần nào giúp người khác cùng hiểu. Nên ủng hộ họ trên những con đường khác nhau của họ tìm đến hiện thực.
Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 3 & 4 (17-1-1987)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét