Trang

31 tháng 8, 2008

Làm điều mình tin và chịu trách nhiệm về điều đó


Nguyên Ngọc (trả lời phỏng vấn)

Là nhà văn nổi tiếng trong cả thời chiến lẫn thời bình, qua tác phẩm, qua những hoạt động văn học, báo chí, dịch thuật, thời gian gần đây nhà văn Nguyên Ngọc lại lặn lội ngược xuôi với một công việc thực sự mới mẻ: xây dựng một ngôi trường đại học theo một mô hình hoàn toàn mới. Vì sao nhà văn lại chuyển hướng hoạt động của mình như thế? Cuộc trò chuyện của ông với Thanh Niên đã giải đáp phần lớn những thắc mắc này.

* Ông có thể giới thiệu cụ thể về ngôi trường đại học tư mà ông đã vận động thành lập từ nhiều năm và đã được cấp phép?

- Tình hình giáo dục của chúng ta, ai cũng biết, đang có quá nhiều vấn đề. Một số nhà văn hóa, khoa học và giáo dục chúng tôi muốn góp phần thay đổi tình hình, trong đó tập trung vào đại học, mà theo chúng tôi là khâu quan trọng nhất, cũng là khâu yếu nhất hiện nay. Rất khó dựa trên một loại trường đang có, "nâng cấp" lên để tạo sự thay đổi. Bởi những gì chúng ta cần thay đổi là thuộc về gốc rễ, cơ bản, có tính hệ thống, chứ không phải chỉ là chi tiết. Rất khó thúc đẩy, chuyển động được những cơ thể đã quá già cỗi, quá truyền thống về mọi mặt.

Vậy nên chúng tôi đã xin phép và đã được Thủ tướng cho phép xây dựng một trường đại học theo mô hình mới của đại học tiên tiến các nước, mà chúng tôi gọi là đại học hoa tiêu, còn trong công văn mà Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến Thủ tướng thì gọi là làm mẫu. Chúng tôi đang đi những bước đầu còn rất nhiều khó khăn, kể cả mò mẫm, nên thật tình chưa muốn nói gì nhiều. Chỉ xin tiết lộ một mong muốn, đó là làm sao cho người học không coi việc nhồi nhét kiến thức là mục đích, mà giúp họ tự đào tạo thành một người tự chủ, có ý chí và biết cách tư duy độc lập; được trang bị để có thể tự học suốt đời, tự trọng và có trách nhiệm, giàu sáng tạo. Nói theo cách nào đó, coi việc dạy và học không nhằm đưa đến những chân lý có sẵn, áp đặt, mà là giải phóng tiềm năng trí tuệ và tâm hồn, điều tôi tin là lớp trẻ của ta rất giàu, giúp họ tự giải phóng tiềm năng, tự làm chủ cuộc sống của mình và làm chủ đất nước...
Để làm được việc đó, tất nhiên có vô số điều phải làm và làm cho tốt. Chúng tôi đang dựa vào nhiều chuyên gia giáo dục tâm huyết trong và ngoài nước, có tư duy mới mẻ, đúng đắn, để cố tìm đường thực hiện mong ước này.

* Ông đã nhận được những hỗ trợ nào để có thể bắt đầu một công việc chắc chắn rất khó khăn như thế?

- Đáng mừng là chúng tôi đã gặp được sự hỗ trợ của nhiều người, từ các nhà khoa học, văn hóa, giáo dục, cho đến các doanh nhân rất giàu hiểu biết và tâm huyết với sự nghiệp phát triển văn hóa - giáo dục. Người góp trí, người góp công, người góp của. Chính qua họ, tôi tin rằng nhu cầu về một nền giáo dục, một nền đại học thật sự tân tiến đang là nguyện vọng rất thiết tha, bức xúc của xã hội. Nếu chúng ta làm một cách thật sự đứng đắn, có mục tiêu sáng sủa thì chắc chắn không thiếu sự ủng hộ.
Dù vậy, thực tế vẫn vô cùng khó khăn, nhiều lúc có cảm giác như đang phá núi. Bởi đây thật sự là khai phá, mà khai phá thì có bao giờ dễ. Cũng vì vậy, chúng tôi chủ trương, xác định và kiên định mục tiêu cơ bản, lâu dài, bắt đầu bằng cách làm dần từng việc nhỏ, mạnh dạn nhưng cố gắng đi chắc từng bước vừa sức mình.

* Những giáo sư gốc Việt đang hoạt động hiệu quả ở nước ngoài, vì sao lại có thể từ bỏ công việc ổn định và thuận lợi của họ để trở về làm việc ở Việt Nam?

- Cũng chính qua việc này mà tôi nhận ra một điều: xây dựng một, rồi nhiều trường đại học kiểu mới, tân tiến, là tâm huyết và mong mỏi từ lâu của hầu hết trí thức người Việt ở nước ngoài (và cả nhiều người nước ngoài quan tâm và yêu mến Việt Nam). Chỉ cần khởi xướng, lập tức không ít người tìm đến sẵn sàng trợ giúp. Tất nhiên có nhiều cách để những người tâm huyết ấy tham gia, có người có thể về lâu dài, có người có thể về từng thời gian, với những điều kiện và cách thức linh hoạt khác nhau.

* Đang là nhà văn hoạt động tích cực trong văn học, vì sao ông lại chuyển hướng sang lĩnh vực giáo dục?

- Có hôm tôi đã nửa đùa nửa thật với các anh chị em nghiên cứu sinh Việt Nam đang học ở Đại học Harvard, cũng hỏi tôi đúng câu này: Muốn cứu nước bây giờ thì phải làm giáo dục, phải thay đổi nền giáo dục nước nhà. Tất nhiên bắt đầu từ những việc rất nhỏ, với sức nhỏ nhoi của mình. Có lẽ chúng ta đang rất giống với thời mà Phan Châu Trinh từng khẳng định: "Chỉ bằng học!".

* Ông đã từng qua nhiều công việc: là người lính, là nhà văn chuyên sáng tác, Phó tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập báo Văn Nghệ, một dịch giả..., ông nhận định thế nào về công việc trong từng thời kỳ của mình?

- Đấy là cả một đoạn đường dài với biết bao vui buồn, thành công cũng có mà thất bại cũng nhiều, đúng cũng có mà sai lầm cũng không ít, đầy thực tế mà cũng đầy ảo tưởng... Bảo rằng nhìn lại đằng sau tôi chẳng có gì để nuối tiếc và ân hận thì sẽ chỉ là nói cho sang thôi. Không hoàn toàn như thế. Duy có một điều tôi có thể yên tâm: bao giờ tôi cũng sống và hành động với tất cả sự thành tâm của mình, cả khi đúng cũng như khi sai.

* Giờ đây, đã ở tuổi ngoài bảy mươi, việc mà ông muốn thực hiện nhất là gì?

- Tôi đang cố gắng làm cho tốt bước khởi đầu của ngôi trường mà chúng tôi đang đeo đuổi, tạo cho được bước khởi đầu tốt, để những anh chị em trẻ hơn, giỏi hơn sẽ tiếp tục sau này. Về phần riêng, tôi tranh thủ viết một cái gì đó về những gì đã từng nếm trải. Thỉnh thoảng tôi cũng viết về những bức xúc xã hội mà mình không thể làm thinh, và dịch đôi cái thích thú, cần thiết, bởi vì không có cách nào để đọc một cuốn sách thật kỹ, thật sâu bằng cách cặm cụi dịch nó ra. Các công việc tôi làm đều bổ sung cho nhau, là một thứ thể dục đầu óc, làm chậm bớt sự già cỗi đáng sợ về trí tuệ.

* Trong nền giáo dục Việt Nam hiện nay, theo ông, những gì cần được giữ lại và những gì nhất thiết phải phá bỏ?

- Có một điều nhất thiết phải thay đổi, đó là triết lý giáo dục của chúng ta: chúng ta định đào tạo ra những người như thế nào? Những người học thuộc lòng một số chân lý tuyệt đối và cứ thế nhất nhất làm theo, những người nô lệ về tư tưởng; hay những người thật sự tự do, dám và biết tự suy nghĩ, hoài nghi sâu sắc trước khi chấp nhận và tin, và chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình. Sống, tức là lựa chọn. Nền giáo dục của chúng ta hiện nay đang theo cách có ai đó ở đâu đó đã lựa chọn cho mình rồi; nghĩa là có sự bao cấp về lựa chọn. Giáo dục mới, theo tôi, chính là nhằm xóa bỏ sự bao cấp ấy, giải phóng sự lựa chọn của từng con người.

* Triết lý sống của ông là gì?

- Sống, làm theo điều mình tin, và chịu trách nhiệm về tất cả điều đó, không thối lui, không nhân nhượng.

* Ông có tin rằng mình được ủng hộ trong công việc mới này? Ông không hình dung mình có thể bị ngăn cản, thậm chí phá hoại sao?

- Tất nhiên luôn có người muốn phá, đã có người chế giễu. Thậm chí có cả dấu hiệu chỉ điểm nữa. Nhưng thật tình tôi không quan tâm nhiều. Nhất định chúng tôi phải làm và làm cho kỳ được điều chúng tôi tin là đúng và quan trọng nhất lúc này.

* Ông mong muốn để lại điều gì cho thế hệ sau?

- Tôi ước mong một đất nước của những con người trung thực và tự do.

* Xin hãy nói điều gì đó về chính mình?

- Đúng sai là điều khó tránh ở đời, nhưng tôi luôn coi trọng sự nhất quán trong thái độ sống: bao giờ cũng sống như một người tự do, trước hết với chính mình.

Ngô Thị Kim Cúc(thực hiện)

http://www2.thanhnien.com.vn/Giaoduc/2006/9/2/161022.tno 15:51:00, 02/09/2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét