Trang
▼
17 tháng 5, 2009
Hội nghị Bộ Trưởng Giáo Dục các quốc gia Âu Á lần thứ hai ( ASEMME 2 ) năm 2009 được tổ chức tại Hà Nội
HOCMOINGAY. Bộ trưởng giáo dục và đào tạo của 39 quốc gia Á - Âu đã đến Việt Nam tham dự hội nghị quốc tế lần thứ 2, gọi tắt là ASEM, tổ chức tại Hà Nội trong 2 ngày 14 và 15-05-2009. Các chủ đề chính của hội nghị là bảo đảm chất lượng trong lãnh vực giáo dục, công nhận và chuyển đổi tín chỉ giữa các nước Á - Âu, song song với việc phát triển nhân lực đối với các quốc gia thành viên.
Bảo đảm chất lượng trong lãnh vực giáo dục
Theo các quan chức giáo dục Việt Nam thì đây là cơ hội thu hút trí thức từ các nước Á - Âu hầu chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về chương trình giảng dạy, đồng thời phát triển và đáp ứng nhu cầu về lãnh vực nhân lực của hai châu lục này trong tương lai.
Ngoài ra, hội nghị ASEM cũng giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong tiến trình hội nhập nền kinh tế toàn cầu.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Ban Việt Ngữ , từ Hà Nội , Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển, đánh giá đây là một hội nghị có tầm quan trọng hết sức đặc biệt :
"Có một cuộc hội nghị như thế chắc chắn là sẽ có những trao đổi của các vị bộ trưởng với nhau về tình hình giáo dục, tình hình đào tạo nhân lực, nên hội nghị này hết sức quan trọng.
Tôi nghĩ có một hội nghị như thế mà Việt Nam tổ chức, nếu mà tổ chức tốt thì Việt Nam cũng có thể học hỏi được nhiều nước khác".
Giáo dục Việt Nam cần được cải cách sâu rộng
Khi đề cập tới nền giáo dục Việt Nam hiện tại thì Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho là nhà nước nên sớm có những cuộc cải cách sâu rộng :
"Nền giáo dục của Việt Nam thì đang gặp rất là nhiều vấn đề nan giải, thực sự cần một cuộc cải cách rất triệt để. Bản thân chính phủ Việt Nam cũng đặt vấn đề cải cách giáo dục nhiều lần, tuy nhiên, trong thời gian vừa qua nền giáo dục của Việt Nam cũng chưa tiến triển được mấy.
Và tôi cũng nghĩ rằng qua cuộc hội nghị này mình có thể học được cái gì đó, nhưng mà để có một sự biến chuyển lớn thì tôi nghĩ rằng chưa có thể có cái chuyển biến gì lớn chừng nào mà không có một quyết tâm rất là lớn để cải tổ toàn bộ cái hệ thống này."
Trong khi đó, với trên 30 năm giảng dạy bậc đại học trong và ngoài nước, từ Paris (Pháp) Giáo sư-Tiến sĩ Vũ Quốc Thúc, quốc vụ khanh đặc trách tái thiết và phát triển trước tháng 4 năm 1975 , đón nhận tin họp hội nghị ASEM trong sự phấn khởi và tin tưởng :
"Tôi là một giáo sư đại học suốt từ năm 1951 cho tới năm 1975, và sau khi di cư sang Pháp thì tôi lại còn dạy học ở Đại Học Paris XII trong thời gian từ năm 1978 cho đến 1988 mới về hưu.
Như vậy suốt đời tôi thì tôi đã coi như cái hoạt động chính, cái nguyện vọng chính của tôi là góp phần nào vào công cuộc giáo dục. Và cũng chính vì thế cho nên tôi thấy cái tin 39 bộ trưởng giáo dục các nước Âu - Á họp ở nước ta, đó là một sự cố rất quan trọng để các vị có trách nhiệm điều hành nền giáo dục của nước ta nhận thấy là cái tương lai của dân tộc tùy thuộc rất nhiều vào nền giáo dục nói chung và đặc biệt là nền giáo dục đại học.
Chúng ta mà muốn theo kịp các nước tiền tiến trên thế giới thì cần phải có một đội ngũ trí thức xứng danh với cái tên gọi là trí thức đó, là phải theo kịp các nước tiền tiến mới được.
Nếu mà chúng ta cứ tiếp tục khép kín, chỉ nhìn thấy cái ưu điểm của mình và ngay cả những khuyết điểm nữa, mà không chịu nhìn toàn thế giới, thì chúng ta có nguy cơ sẽ bị bỏ lại trong hàng ngũ những nước chậm tiến."
Trí tuệ vẫn là tài nguyên quý báu nhất
Cũng qua câu chuyện , Giáo sư Vũ Quốc Thúc trình bày nguyện vọng của mình đối với một nền giáo dục tân tiến tại Việt Nam :
"Cái tương lai của Việt Nam tùy thuộc như thế nào vào công cuộc giáo dục ? Thì mong rằng các nhà lãnh đạo nước ta sẽ ý thức được điều đó và sẽ có những biện pháp kịp thời, tại vì muốn phát triển không phải chỉ có đầu tư vào kinh tế mà thôi.
Mặc dù tôi cũng là một nhà kinh tế học nhưng tôi cho đầu tiên phải là huấn luyện con người đã, vì cái tài nguyên quý báu nhất tựu trung vẫn là con người. Với trí óc con người chúng ta có thể khắc phục được mọi khó khăn, mọi trở lực.
Chớ còn nếu trí óc mà thua kém thì dù có bao nhiêu tiền của, bao nhiêu máy móc tối tân thì rút cục lại cũng sẽ đi vào cái chỗ lạc hậu nếu mà cái trí thức không có mở mang, đặc biệt là khiến cho các cấp có trách nhiệm chú ý đên vấn đề này."
Ban tổ chức hội nghị dự kiến sẽ có sự tham gia của 150 đại biểu cùng quan khách đến từ các nước Á - Âu.
Báo chí cũng cho hay Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Giáo dục và đào tạo Nguyễn Thiện Nhân sẽ tham dự hội nghị ASEM kỳ này, nhóm họp tại Hà Nội trong những ngày tới.
Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục Á - Âu lần thứ II
Sáng ngày 14-05-2009, tại Hà Nội đã khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục Á - Âu lần thứ II. Đến dự Hội nghị có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đại diện lãnh đạo của 39 nền giáo dục Á - Âu.
Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục Á - Âu lần thứ II ( ASEMME 2 ) có chủ đề : “Đảm bảo chất lượng, công nhận và chuyển đổi tín chỉ trong ASEM” và “Phát triển nguồn nhân lực bền vững đáp ứng những nhu cầu của ASEM trong tương lai”.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh và đánh giá cao chủ đề của Hội nghị nhằm góp phần quan trọng thúc đẩy hợp tác giáo dục Á - Âu.
Thủ tướng khẳng định : Việt Nam coi phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu trong chiến lược phát triển của mình, đồng thời là nhân tố quan trọng để thực hiện xoá đói giảm nghèo.
Thủ tướng cũng nêu 7 nhiệm vụ trọng tâm nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo, thu hút quan tâm vốn đầu tư và các nhà giáo, nhà khoa học giỏi từ nước ngoài đến đầu tư, giảng dạy và nghiên cứu tại Việt Nam; đồng thời đưa nhiều hơn nữa các sinh viên, nghiên cứu sinh đến học đại học và sau đại học ở các nước có trình độ giáo dục tiên tiến.
Nhiệm vụ đặt ra đối với ngành giáo dục - đào tạo Việt Nam trong thời gian tới là rất nặng nề. Cùng với những cố gắng, nỗ lực phát huy tối đa nguồn lực trong nước, Việt Nam trân trọng và đánh giá cao sự ủng hộ và hợp tác của các nước thành viên ASEM và cộng đồng quốc tế.
Thủ tướng hy vọng, Hội nghị lần này, các vị Bộ trưởng, các chuyên gia trong ngành giáo dục của các nước đến từ châu lục Á và Âu tập trung thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các ý tưởng mới và đưa ra những cách thức hợp tác hiệu quả nhằm đẩy nhanh phát triển giáo dục của các nước châu Á và đẩy mạnh hợp tác giáo dục Á - Âu, góp phần tích cực giải quyết những tác động tiêu cực về mặt xã hội của khủng hoảng hiện nay.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam sẽ làm hết sức mình, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế để thúc đẩy hợp tác Á - Âu và hợp tác song phương với các thành viên ASEM vì sự phát triển và thịnh vượng của mỗi quốc gia, vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển của 2 khu vực này và trên thế giới.
Hội nghị được tổ chức trong 2 ngày 14 và ngày 15-05-2009. Chủ trì Hội nghị là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Thiện Nhân và thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Bành Tiến Long.
Trong 2 ngày, các đại biểu tập trung thảo luận sâu về những vấn đề liên quan đến mở rộng không gian giáo dục đại học Á - Âu trên cơ sở những tiềm năng, đối thoại cơ chế hợp tác và những bài học kinh nghiệm hợp tác giáo dục giữa các quốc gia tham gia ASEMME 2 như công nhận Tín chỉ và Chuẩn đầu ra, đảm bảo chất lượng và khung trình độ cũng như đổi mới chương trình đào tạo.
Được biết, Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục Á - Âu lần thứ nhất được tổ chức tại Cộng hoà Liên bang Đức.
Hồng Hạnh
Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục Á - Âu : Việt Nam đạt được nhiều thoả thuận hợp tác
Sau 2 ngày làm việc, Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục Á - Âu lần thứ 2 kết thúc với nhiều thoả thuận hợp tác giữa các nước thành viên. Việt Nam đạt được nhiều thoả thuận hợp tác có ý nghĩa.
Trong 2 ngày 14 và 15-05-2009, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì các cuộc họp song phương với một số quốc gia như : Trung Quốc, Phần Lan, Thái Lan, Đan Mạch, Singapore, CHLB Đức và Latvia. Tại các buổi làm việc trên, các quốc gia thành viên ASEM khẳng định mối quan tâm và mong muốn tăng cường mối quan hệ hợp tác với Việt Nam trên mọi lĩnh vực liên quan đến Giáo dục và đào tạo .
Hội nghị đã bàn bạc, thảo luận nhiều vấn đề quan trọng như các dự án hợp tác giáo dục giữa hai khu vực Á – Âu và giữa các nước thành viên, bàn bạc những công việc sẽ tiến hành trong 2 năm tới, những vấn đề liên quan đến giáo dục đại học, đào tạo nghề, kinh doanh, giúp tăng cường giáo dục cũng như sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia thành viên.
Hội nghị đã đồng ý với các giải pháp để tăng cường hợp tác về giáo dục đại học để bảo đảm chất lượng, công nhận và chuyển đổi tín chỉ trong ASEM, phát triển bền vững nguồn nhân lực cho tương lai của ASEM thông qua các chương trình học tập suốt đời … trước mắt, trong năm nay, sẽ có một hội nghị Đảm bảo chất lượng giáo dục diễn ra tại Nha Trang ( Việt Nam ).
Kết thúc Hội nghị, Việt Nam đã ký kết nhiều thoả thuận hợp tác có ý nghĩa với một số quốc gia thành viên ASEM trong lĩnh vực Giáo dục và đào tạo như : Tuyên bố chung giữa Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Đức về việc hợp tác trong quản lý chất lượng giáo dục đại học, đào tạo nghề, trao đổi giảng viên và sinh viên cũng như trên cơ sở kết quả Hội nghị ASEMME 2 và Dự án Trường Đại học Việt Đức, xem xét việc chuyển đổi tín chỉ và công nhận bằng cấp; thoả thuận hợp tác với Cam-pu-chia về việc hợp tác trong quản lý chất lượng giáo dục đại học, đào tạo nghề, trao đổi giảng viên và sinh viên cũng như trên cơ sở kết quả Hội nghị ASEMME 2, xem xét việc chuyển đổi tín chỉ và công nhận bằng cấp; Biên bản ghi nhớ với CHDCND Lào về việc hợp tác trong quản lý chất lượng giáo dục đại học, đào tạo nghề, trao đổi giảng viên và sinh viên cũng như trên cơ sở kết quả Hội nghị ASEMME 2, xem xét việc chuyển đổi tín chỉ và công nhận bằng cấp; Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Giáo dục và đào tạo , Bộ Y tế và Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc : Thúc đẩy và hỗ trợ việc đào tạo nhân lực cho ngành dược học của Việt Nam.
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định thành công của ASEMME 2 lần này cũng chính là thành công của mối quan hệ song phương tốt đẹp giữa các nước trong ASEM. Những thỏa thuận, ký kết, ghi nhớ của các trưởng đoàn lần này sẽ là tiền đề quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển Giáo dục và đào tạo của những thành viên ASEM. ASEMME 2 bế mạc cũng là thời điểm mở ra nhiều cơ hội to lớn đối với những nước đang phát triển, đặc biệt là với một số quốc gia châu Á.
150 khách quốc tế, trong đó có nhiều Bộ trưởng, Thứ trưởng Giáo dục đến từ 39 quốc gia Á – Âu và 6 tổ chức quốc tế đánh giá rất cao công tác tổ chức của Việt Nam khi đăng cai thành công ASEMME 2, khẳng định những nỗ lực hòa nhập và rút ngắn khoảng cách trong lĩnh vực giáo dục đào tạo của Việt Nam với các quốc gia phát triển trong khu vực Á - Âu.
Đan Mạch sẽ là quốc gia đăng cai ASEMME 3 vào năm 2011.
Thương Huyền
(Nguồn: http://niemtin.free.fr/giaoducaau.htm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét