Trang
▼
21 tháng 5, 2009
Đọc lại chín câu chuyện nhỏ của GS Bùi Trọng Liễu.
HOCMOINGAY. Báo Tuần Việt Nam đã đăng bài viết của Giáo sư Bùi Trọng Liễu (Nguyên giáo sư đại học, Paris, Pháp) "Chín câu chuyện nhỏ và những bức xúc lớn của ngành giáo dục" gồm: Cắm hoa giả làm cây, Chuyện mua kính và đại học đẳng cấp; Đẽo cày giữa đường và cải cách giáo dục; Con khỉ mặc lễ phục và bệnh thành tích; Gian lận thi cử - xưa và nay; Học trò nghèo và cơ hội học hành; Bệnh xã hội và phong trào "nói không"; Đọc chữ người và quyết sách; Dạy khỉ và mục tiêu đại học Top 200. Lời văn nhẹ nhàng, hài hước nhưng sâu sắc, thâm trầm. Nhiều ẩn dụ có thể là lời khuyên chân thành nhưng cũng có thể là lời chỉ trích bóng gió tùy theo mối quan hệ và ngữ cảnh ... Tôi chép bài viết về trang hocmoingay để đọc lại và suy ngẫm. Tôi dừng lại lâu nhất ở câu: "Tôi mong rằng các quan chức có trách nhiệm, biết phân biệt được đâu là lời trung thực và hợp lý, đâu là lời bàn hão." (ảnh đèn dầu từ internet)
CHÍN CÂU CHUYỆN NHỎ VÀ NHỮNG BỨC XÚC LỚN TRONG NGÀNH GIÁO DỤC
Bùi Trọng Liễu
(Nguyên giáo sư đại học, Paris, Pháp)
TUANVIETNAM. Có chuyện có thật, có những chuyện là giai thoại, mang tính ngụ ngôn, GS. Bùi Trọng Liễu (Nguyên GS đại học, Paris, Pháp) tập hợp lại thành một khối nhất quán để minh họa cho những bức xúc đang tồn tại trong ngành giáo dục.
Câu chuyện thứ nhất: Cành hoa cắm giả làm cây
Năm 1960, Hồ Chủ Tịch phát động phong trào "trồng cây", cụ lại có câu nổi tiếng, được nhắc đi nhắc lại nhiều lần: "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người". Nhưng không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa của câu "trồng người".
Cũng năm 1960, cụ về thăm quê. Về đến nhà khách tỉnh ủy Nghệ An, cụ phát hiện ra ngoài vườn có những cành hoa cắm xuống đất, giả như cây trồng, để đón cụ. Cụ đã nghiêm khắc phê phán coi đó là một căn bệnh phô trương hình thức.
Hiện nay, đọc thông tin về kế hoạch và đề án đào tạo nhân lực, nhiều người trong và ngoài nước không khỏi hoang mang, hoài nghi về sự khả thi của một số đề án này, với những số liệu và mốc thời gian. E rằng những con người mà những đề án này giả định là sẽ đào tạo ra, cũng như những cành cây không rễ, cắm xuống đất cho có số lượng, chứ không phải là thực sự trồng cây, trồng người.
Câu chuyện thứ hai: Chuyện mua kính và ĐH đẳng cấp
Thuở nhỏ, tôi có học trong một cuốn Giáo khoa thư, câu chuyện sau đây: Có một bác nông dân, ra tỉnh, vào một hàng kính, hỏi mua một cặp kính trắng. Chủ hiệu đưa cho bác một trang sách để bác thử đọc. Bác thử tất cả các cặp kính của hiệu mà vẫn không vừa lòng.
Chủ hiệu đâm nghi hỏi: "Thế bác đã biết đọc chưa đã?". Bác ta nổi giận gắt lên: "Nếu tôi biết đọc rồi, thì tôi đi mua kính làm gì!". Té ra bác ấy thấy mấy người già đọc sách thường đeo kính, nên ngỡ rằng cứ đeo kính lên thì đọc được chữ mà chẳng cần phải học.
Ngày nay, có một số người Việt Nam, "cưỡi ngựa xem hoa" nước ngoài, quáng mắt ngỡ rằng cứ có vài chục héc-ta đất, xây campus với những tòa nhà hoành tráng, trang bị bàn ghế cho bảnh, thư viện đầy ắp sách, phòng làm việc đầy ắp máy tính, phòng thí nghiệm có máy móc tối tân, v..v. mà chẳng cần chú ý giảng viên có trình độ tương xứng hay không, sinh viên học hành thế nào, để rồi vào khoảng năm 2020 Việt Nam cũng sẽ có những đại học đẳng cấp, lọt vào top 200 trường ĐH hàng đầu thế giới chẳng hạn. Dễ vậy sao?
Câu chuyện thứ ba: Đẽo cày giữa đường và cải cách Giáo dục
Trong kho truyện cổ Việt Nam, có chuyện "Đẽo cày giữa đường": Có anh nông dân kiếm được thanh gỗ, muốn đẽo cái cày. Thay vì nhờ sự cố vấn của những người thợ lành nghề, anh mang gỗ ra ngồi giữa đường để "đẽo cày". Kẻ qua người lại, mỗi người góp một ý, người thì nói phải đẽo thế này, người thì nói phải đục thế kia. Đẽo một lúc thì thanh gỗ teo lại. Kẻ qua người lại, hỏi, thì anh đành nói là anh đang "đẽo cái chìa vôi" (chìa vôi là cái que nhỏ như chiếc đũa, một đầu để quệt vôi, một đầu nhọn, dùng để têm trầu). Lại mỗi người góp một ý, người thì nói phải vót thế này, người thì nói phải gọt thế kia. Một lúc sau, người qua lại hỏi anh đang làm gì, thì anh gắt lên: "Tôi đang vót cái tăm xỉa răng".
Có hiện tượng là quá nhiều người được hỏi ý và góp ý về Giáo dục Đào tạo, trong đó có cả những người không có kinh nghiệm gì trong vấn đề. Tôi mong rằng các quan chức có trách nhiệm, biết phân biệt được đâu là lời trung thực và hợp lý, đâu là lời bàn hão. Tuy nhiên, còn có vấn đề biết đấy, nhưng có nghe hay không nghe. Thi hào Nguyễn Khuyến có bài thơ "Anh giả điếc":
Trong thiên hạ có anh giả điếc,
Khéo ngơ ngác ngác, ngỡ là ngây!
Chẳng ai ngờ "sáng tai họ, điếc tai cày"…
Còn tại sao lại giả điếc thì lại là một vấn đề khác!
Câu chuyện thứ tư: Con khỉ mặc lễ phục và bệnh thành tích
Theo "Sử ký" của Tư Mã Thiên: Khoảng năm 206 trước Công nguyên, Hạng Vũ (người đất Sở, sau là Tây Sở Bá vương) và Lưu Bang (người đất Bái, sau là Hán Cao tổ) khởi binh để diệt nhà Tần, hai phía tiến vào đất Quan Trung (nơi có kinh đô Hàm Dương của nhà Tần).
Lưu Bang vào trước, lấy được đất Quan Trung và kinh đô Hàm Dương của nhà Tần, nhưng ít quân hơn Hạng Vũ, nên phải chịu lép vế tạm nhường cho Hạng Vũ. Sau khi đã đem binh vào thành Hàm Dương, giết vua Tần Tam Thế (đã đầu hàng), đốt cung A Phòng, thu của cải châu báu, gái đẹp, Hạng Vũ muốn đem quân về phía đông.
Có Hàn Sinh khuyên Hạng Vũ rằng: "Đất Quan Trung bốn phía có núi sông che chở, đất đai phì nhiêu, có thể đóng đô ở đấy để xây dựng nghiệp bá". Hạng Vũ không nghe. Hàn Sinh thất vọng, trở ra, nói lén: "Người ta nói rằng người nước Sở giống như con khỉ đội mũ người; quả thực là đúng". Hạng Vũ biết được, sai bắt Hàn Sinh bỏ vào vạc dầu mà nấu cho chết. (Theo người xưa, lời khuyên của Hàn Sinh là hợp lý. Tại Hạng Vũ không nghe, cho nên đó là một trong những nguyên nhân Hạng Vũ bị thua trong vụ Hán Sở tranh hùng, rốt cục phải tự tử chết).
Có nguồn cho rằng Hàn Sinh ngụ ý nói con khỉ bắt chước hình thức, đội mũ (mặc "lễ phục") như người, nhưng chỉ chốc lát thì bản chất của nó cũng sẽ lộ ra, về tri thức khỉ vẫn chỉ là khỉ. Câu nói đó rất là nặng. Người Pháp có câu "Bộ áo thày tu chẳng có thể biến người mặc thành tu sĩ được" cũng na ná ý nghĩa như câu nói của Hàn Sinh, nhưng nhẹ nhàng hơn về cách phát biểu.
Hy vọng rằng trong xã hội ta, công luận cũng thấy rõ rằng bằng cấp rởm, danh hiệu tiếm xưng, ngồi nhầm ghế, phô trương kỷ lục, vv. thì dù có mặc "lễ phục" cũng không che đậy được.
Câu chuyện thứ năm: Gian lận thi cử - xưa và nay
Trong cuốn "Vũ Trung tuỳ bút" của Phạm Đình Hổ, ông kể: Thời Lê mạt, người ta đồn là ông Nguyễn Hoãn, khi đi thi tiến sĩ, bài văn sách là do bài của sáu văn sĩ làm giúp cho trước. Lời đồn kể rằng vì thuở ấy bố ông Nguyễn Hoãn, là Phong quận công Hiệu đang làm Tham tụng (nghiã là Tể tướng), quyền to, các quan khác đều sợ. Khi ấy có một ông quan bị khiển trách, phải bãi chức. Một hôm, ông này được triệu vào tướng phủ, nhưng ngồi đợi lâu ở nhà trong mà không được yết kiến.
Ngồi mãi, không có gì làm, ông ta chợt thấy trên kỷ có một đầu đề văn sách, mở ra xem đọc đi đọc lại thuộc hết cả. Suốt ngày được kẻ hầu người hạ khoản đãi rất tử tế, đến chiều ra về mà vẫn không thấy quan Tham tụng hỏi đến, không hiểu ra sao. Đến khi phủ chúa (chúa Trịnh) triệu tập các quan văn thần vào soạn đề thi, thì ông quan ấy cũng được triệu vào, ông ta liền đề nghị cái đầu đề văn sách đọc được bữa trước trong tướng phủ. Khoa ấy, ông Nguyễn Hoãn đỗ Hội nguyên.
Sau, ông Nguyễn Hoãn lần lượt được giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền, làm tới Thái phó, tước quận công.
Ngày xưa người ta cũng biết ngượng, nên gian lận thi cử cũng còn giấu giếm làm lén. Ngày nay là thời kinh tế thị trường, đại trà ồ ạt, tôi ở xa không biết tình hình số liệu thực sự như thế nào?
Câu chuyện thứ sáu: Học trò nghèo và cơ hội học hành
Trong cuốn "Quốc văn giáo khoa thư" lớp sở đẳng, có chuyện ông Châu Trí: thuở trẻ ông học giỏi, nhưng nhà nghèo, phải đến ở nhờ chùa Long Tuyền; không có tiền mua dầu thắp đèn, phải đi quét lá đa, tối đốt lửa mà học. Đến khi đỗ giải nguyên, thiên hạ mừng tặng ông bài thơ:
Một anh trò kiết chùa Long Tuyền,
Ai ngờ nay lại đỗ giải nguyên.
Ở đời không có việc gì khó,
Người ta lập chí phải nên kiên.
Đó là ngày xưa, bên cạnh những chuyện lem nhem như chuyện ông Nguyễn Hoãn vừa kể trên, xã hội rất trọng những người nhà nghèo, có ý chí vươn lên.
Còn ngày nay, thì sao? Có những học sinh, sinh viên nghèo, sống trong cảnh rất khó khăn, nhưng vẫn cố gắng học hành nghiêm chỉnh; khi ra trường, vào đời, có được sử dụng "ngang tầm" với con cháu các "đại gia" không?
Câu chuyện thứ bảy: Bệnh xã hội và phong trào "nói không"
Cuốn "Cổ học tinh hoa" của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân, dẫn Liệt nữ truyện: Tương truyền Mạnh Tử, thuở nhỏ mồ côi cha sớm, mẹ nuôi dạy rất nghiêm túc. Nhà ở gần nghĩa địa, thấy người ta đào chôn lăn khóc, về nhà cũng bắt chước đào chôn lăn khóc; bà mẹ thấy thế, nói: "Chỗ này không phải chỗ con ta ở được"; rồi dọn nhà ra gần chợ.
Mạnh Tử ở gần chợ, thấy người ta buôn bán điên đảo, về nhà cũng bắt chước đùa buôn bán điên đảo: bà mẹ lại nói: "Chỗ này cũng không phải chỗ con ta ở được"; bèn dọn nhà đến ở gần trường học. Mạnh Tử ở gần trường, thấy trẻ đua nhau học tập lễ phép, sách vở, về nhà cũng bắt chước học tập lễ phép, sách vở; bấy giờ bà mẹ mới vui lòng nói: "Chỗ này là chỗ con ta ở được đây".
Sau Mạnh Tử trở thành nhà hiền triết lớn. Đấy là chuyện Tàu. Còn người xưa nước ta thì có câu: "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng", cũng để nói ảnh hưởng rất lớn của môi trường xã hội đối với giáo dục đạo đức con người.
Ngày nay, ngoài xã hội có nhiều chuyện đảo điên, mà trong trường học cũng có chuyện đảo điên. Vậy thì "nói không" với những gì và áp dụng "nói không" với biện pháp nào, để cho có hiệu quả?
Câu chuyện thứ tám: Đọc chữ người và quyết sách
Trong cuốn "Lều chõng", tác giả Ngô Tất Tố có viết trong chương 5, câu chuyện này (tôi tóm tắt): Cụ Nguyễn Công Hoàn là bậc danh sĩ đời Lê, văn hay, học rất uẩn súc, nhưng thi mãi không đỗ. Ông Nguyễn Công Lân là con, sức học tuy còn kém cụ rất xa, nhưng mà văn chương hoạt bát, ngoài hai mươi tuổi đã đỗ hương cống, rồi lại đỗ luôn tiến sĩ. Có một khoa, ông Lân đã làm chủ khảo, cụ Hoàn vẫn còn cắp quyển đi thi, và cũng lại hỏng như trước.
Thế rồi đến khi việc trường đã xong, ông Lân về nhà thăm cha. Đầu tiên, cụ hỏi ngay: "Khoa này có được quyển nào khá không?". Ông con ngay thật thưa rằng: "Có một quyển khá, chỉ vì phải câu tứ lục thất niêm, không thể lấy đỗ". Cụ Nguyễn liền gặng: "Câu tứ lục ấy thế nào? Có nhớ không?". Ông con thưa rằng có nhớ và đọc như vầy: "Lưu hành chi hóa tự tây đông, nam bắc vô tư bất phụ/ Tạo tựu chi công tự Cảo Mân, Kỳ Phong dĩ mạc bất hưng".
Rồi thì ông ấy lại tiếc ngậm ngùi mà rằng: "Nếu như câu dưới, họ đảo hai chữ "Cảo Mân" ra làm "Mân Cảo", cho đúng niêm luật, thì hai câu ấy hay biết chừng nào". Cụ Hoàn không đợi cho con hết lời, vác gậy phang luôn chừng vài chục gậy. Và cụ nghiến răng nghiến lợi, chửi mắng tàn nhẫn. Cụ bảo ông con dốt nát như thế mà đi chấm trường, chôn sống biết bao nhiêu người.... Thì ra hai câu tứ lục ấy chính ủa cụ, ý cụ đặt như thế này: "Lưu hành chi hóa tự Tây, Đông Nam Bắc vô tư bất phục/ Tạo tựu chi công tự Cảo, Mân Kỳ Phong dĩ mạc bất hưng".
Chữ Nho vốn không có dấu phẩy. Trong hai câu đó, câu trên tất phải ngắt đến chữ "Tây", câu dưới tất phải ngắt đến chữ "Cảo". Chứ nếu ngắt như kiểu ông Lân, một đằng ngắt đến chứ "Đông", một đằng ngắt đến chữ "Mân" thì không có nghĩa gì cả.
Bởi vì nhà Chu khởi ở phương Tây, đóng kẻ chợ ở đất Cảo, người ta chỉ có thể nói: "Cái thói trôi đi nổi tự phương Tây, các phương Đông Nam Bắc đâu đâu cũng phục. Cái công đắp dựng gây từ xứ Cảo, các xứ Mân Kỳ Phong đều cũng dấy theo".
Chứ ai lại nói: "Cái thói trôi đi nổi tự phương Tây phương Đông... cái công đắp dựng gây từ xứ Cảo, xứ Mân?". Nhưng vì bốn chữ Tây Đông Nam Bắc và bốn chữ Cảo Mân Kỳ Phong đặt liền với nhau, nếu câu trên ngắt đến chữ Đông, thì câu dưới cũng lại ngắt đến chữ Mân, như thế, chẳng những thất niêm mà còn vô nghĩa nữa!
Ngày nay, phải chăng cũng có những người, tuy đã được học hành tương đối nghiêm túc, nhưng đọc văn bản, tài liệu của người khác, của nơi khác, của nước khác, rồi dễ dàng ngỡ là mình hiểu mà kỳ thật ra không hiểu; và từ đó có thể có những quyết định mang lại tai hại khôn lường?
Câu chuyện cuối cùng: Dạy khỉ và mục tiêu ĐH Top 200
Có câu chuyện cổ tích: Người hầu già của một ông vua già xin vua trao vàng cho mình để cất công dạy cho một con khỉ lớn tập nói và cả quyết rằng sẽ dạy được khỉ biết nói. Vua hỏi bao lâu thì khỉ nói được, người hầu nói phải mươi năm. Vua trao vàng cho y, để đài thọ y dạy khỉ. Câu chuyện không kết luận, nhưng người nghe chuyện, tất nhiên hiểu khỉ sẽ không bao giờ biết nói, và người khờ không phải là người hầu, y hẳn ước đoán rằng mươi năm thì khỉ và người đều đã chết. Lẽ ra nhà vua phải biết mục tiêu có khả thi hay không.
Kết luận có thể rút ra là những tác giả các đề án hoành tráng ngày nay, định mốc "đến năm 2020, đến năm hai nghìn bao nhiêu đó thì sẽ có thế này thế nọ", và những vị hạ bút ký chấp nhận và cho giải ngân, liệu đến thời gian đó còn ngồi đó để nhận trách nhiệm của mình không, hay các vị cùng thân nhân sẽ đang phơi phới ngao du nơi Bồng Lai tiên đảo nào đó, kệ cho nhóm hậu sinh "sống chết mặc bay"?
Hiện nay, trong Giáo dục Đào tạo có nhiều bất cập, một số giải pháp đưa ra lại cũng bất cập, càng gây ra sự hoang mang. Vậy mà trong giới quan chức hay trong quần chúng, vẫn có người chấp nhận, bảo vệ. Chấp nhận vì ngây thơ không biết, hay là biết nhưng giả bộ ngây thơ?
Nguồn: Tuần Việt Nam.Net
http://www.tuanvietnam.net/vn/sukiennonghomnay/5628/index.aspx
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét