Trang

22 tháng 8, 2009

Thời của công nghệ sao chép



HOCMOINGAY. Phạm Anh. Báo Lao Động số 187 Ngày 21/08/2009 đã cảnh báo một vấn nạn: Các trang tin cứ "vô tư" lấy lại tin mà không cần sự đồng ý của các báo!. Chưa bao giờ và chưa khi nào công nghệ sao chép lại nở rộ và bùng phát như hiện nay. Với công nghệ này, nhiều website đang sống "ký sinh" từ nguồn thông tin dồi dào mà các báo chí phải dày công sưu tầm tư liệu, viết bài và đăng tải. Sự lẫn lộn này đang tạo ra những hệ luỵ. Việc điểm báo, điểm tin cần phải rõ tác giả, rõ nguồn trích dẫn, không vụ lơi và không được vi phạm luật bản quyền.

Cóp nhặt và cắt dán

Việt Nam hiện nay có bao nhiêu báo điện tử? Câu trả lời là rất ít. Việt Nam có bao nhiêu website "núp bóng" báo điện tử? Câu trả lời là... quá nhiều. Sự phát triển của những website loại này đang có tốc độ bùng phát chóng mặt. Nếu như trước đây website 24h, vietbao, sieunhanh từng bị phạt hoặc đình chỉ vì vi phạm nguyên tắc hoạt động như một báo điện tử nhưng chưa được cấp phép thì nay những website loại này đang... như nấm sau mưa.

Phóng viên Báo Lao Động đã tiến hành hàng loạt các thử nghiệm thì thấy: Thay vì phải truy cập vào từng báo điện tử, xem và đọc bài báo, tin tức mang tính chất báo chí chính thống, nguồn tin rõ ràng, có tác giả đứng tên và chịu trách nhiệm... thì hiện nay có quá nhiều các loại website "tổng hợp" giúp bạn đọc có thể "mì ăn liền" các loại tin tức nóng hổi mà xã hội quan tâm.

Để làm được điều này, các website này hoạt động theo cơ chế rất đơn giản là cóp nhặt và cắt dán. Quy trình có thể được tóm lược là: Các website này huy động một đội quân "tinh nhuệ" sục vào tất cả các báo điện tử và phiên bản điện tử của các báo giấy. Từ nguồn thông tin báo chí dồi dào này, đội quân "tinh nhuệ" sẽ cóp nhặt và cắt dán tất cả những thông tin nóng hổi, quan trọng và hấp dẫn nhất từ các báo.

Công việc quan trọng nhất của các website này xét cho cùng không phải là sưa tầm tư liệu, viết báo, làm báo hay phát hành mà là công nghệ câu khách. Có rất nhiều chiêu thức để làm được điều này như: Thuê các cửa hàng Internet đặt website đó làm trang chủ (homepage); dùng các "kỹ nghệ" khác như ảnh đẹp bikini, đời tư giật gân của các ngôi sao hay các thông tin mang tính chất hấp dẫn thị hiếu tò mò...

Có phải là ăn cắp?

Theo quy định hiện nay, bất kỳ tờ báo giấy hay báo điện tử nào cũng cần phải được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Để có được chức năng này, đương nhiên các tờ báo và báo điện tử cần phải có phóng viên, biên tập viên. Đội ngũ này cùng với lãnh đạo cơ quan báo chí sẽ làm công tác báo chí như sưu tầm tư liệu, viết bài, chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước xã hội về hoạt động báo chí.

Thế nhưng, các website "tổng hợp" lại không cần có và cũng không cần tuân thủ các quy định này, họ cũng không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động báo chí... Lý do đơn giản là đó không phải là báo chí, nếu có đăng tải thông tin báo chí thì đó lại là thông tin cóp nhặt và cắt dán từ các báo khác.

Thậm chí, ngay cả sự cóp nhặt và cắt dán này cũng rất... vô lối khi mà nếu lấy tin bài từ Báo Lao Động họ chỉ cần ghi là theo LĐ, nếu lấy tin bài từ Báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Thể thao - Văn hoá... thì chỉ ghi là theo TT, TN, TTVH...

Chỉ cần nhìn vào vấn đề này đã đủ thấy sự vi phạm về mặt bản quyền, về các nguyên tắc tối thiểu của hoạt động báo chí. Đặc biệt, công nghệ sao chép trắng trợn này còn xâm hại và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động phát hành báo chí. Với việc sống "ký sinh" trên nguồn thông tin báo chí dồi dào này, có thể khẳng định rằng các website trên đã trục lợi được nguồn tin báo chí; qua đó thu hút được bạn đọc để rồi "tay không bắt giặc" kiếm được tiền từ quảng cáo...

Đến đây, phóng viên xin không kết luận vấn đề "Có hay không hành vi ăn cắp" này mà xin nhường câu trả lời cho bạn đọc và các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, cũng cần phải nêu ra một cảnh báo rằng việc nhập nhằng giữa hoạt động báo chí và website tổng hợp đang không chỉ gây ra những hệ luỵ cho hoạt động báo chí đúng nghĩa, mà còn tác động tiêu cực đến xã hội trước kiểu làm ăn... mập mờ và vô trách nhiệm này.

>> Bộ Thông tin và Truyền thông đưa 142 thủ tục hành chính lên mạng
>> Vi phạm bản quyền như sanotc.com.vn!
>> Địa phương, bộ ngành... không điện tử
>> Đình chỉ và xử phạt 25 triệu đồng đối với website vietbao.vn
>> Quá chậm trong xử lý các website vi phạm
>> Mang tên miền cấp cao quốc gia vẫn ngang nhiên phạm luật

Phạm Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét