Trang

12 tháng 2, 2011

Lên nhà rẫy với Nguyên Ngọc

HỌC MỖI NGÀY. Báo Lao động đăng bài của Đan Phương  (GiaLai Online) Lên nhà rẫy với Nguyên Ngọc. Đã “đầu tám” nhưng ông đi không biết mỏi: Ngoài nước, trong nước, Bắc- Trung-Nam; rừng và biển. Những năm lại đây ông đau đáu với Trường đại học Phan Chu Trinh như một công cuộc “duy tân” mới, chuyện đã có từ trăm năm trước; lại đau đáu nỗi lo văn hóa làng- rừng trên đà biến dạng; lại cay đắng về nỗi trầm luân cống hiến của Viện IDS. Và, sau sự đau đáu ấy, ông lại đeo ba lô ngược núi. Khi thì một mình, khi cùng “đồng đội”...

Quen biết ông đã lâu nhưng chỉ vài năm lại đây mới có vẻ như được coi là bạn vong niên với ông. Mỗi lần trở về Tây Nguyên ông lại gọi. Nhiều khi lang thang cả tuần với ông về những vùng làng kỷ niệm; có khi là một khoảnh khắc transite ở Sân bay Pleiku… Mà lần nào cũng thế, người dân ở các làng vẫn coi ông là Bok Núp thứ 2, là già làng Tây Nguyên, là người con của núi rừng.


Ông già cực đoan đáng kính

Từ lâu Nguyên Ngọc đã không còn là nhà văn; ông là nhà văn hóa, nhất là văn hóa Tây Nguyên- thông qua những công trình đáng nể mà ông đã dịch hoặc hiệu đính: “Rừng, đàn bà điên loạn”, “Chúng tôi ăn rừng” hay “Rừng người Thượng”… Đi với ông nhiều, tôi cũng… “đúc kết” rằng: Công chúng vẫn yêu mến ông nhiều lắm, ai gặp cũng xin chụp ảnh cùng như một vinh hạnh đời người. Thế nhưng hầu hết công chúng chỉ biết ông với “Đất nước đứng lên” và “Rừng xà nu”. Cái “hậu nghiệp” của ông, theo tôi, đồ sộ hơn nhiều thì ít người biết đến… Cũng có lần, khi còn sơ giao, tôi hỏi ông: “Gần đây chú có đọc không, và đọc ai?”.


Nhà văn Nguyên Ngọc. Ảnh: Đan Phương

Ông từ tốn bảo: “Ba người khác và Cánh đồng bất tận”. Theo ông, cả miền Trung bây giờ chỉ còn có 2 người thực sự viết văn, tôi biết một là T.B.L, và… Tôi lại hỏi, “thế Tây Nguyên có ai đáng đọc”. Ông im lặng. Tôi đem câu chuyện này kể lại với một người làm thơ quen biết, tên tuổi cũng đang dần đình đám theo kiểu xu thời. Anh bảo: “Ông ấy già rồi, có đọc nữa đâu mà biết”. Tôi hiểu, người già có quyền đọc ít đi, nhưng chọn lọc kỹ hơn. Còn thì chao ôi, cái sự hãnh tiến vẫn là căn bệnh truyền kiếp của số đông hậu bối vẫn nghĩ mình là văn nhân.

Đã “đầu tám” nhưng ông đi không biết mỏi: Ngoài nước, trong nước, Bắc- Trung-Nam; rừng và biển. Những năm lại đây ông đau đáu với Trường đại học Phan Chu Trinh như một công cuộc “duy tân” mới, chuyện đã có từ trăm năm trước; lại đau đáu nỗi lo văn hóa làng- rừng trên đà biến dạng; lại cay đắng về nỗi trầm luân cống hiến của Viện IDS. Và, sau sự đau đáu ấy, ông lại đeo ba lô ngược núi. Khi thì một mình, khi cùng “đồng đội”.

Hiền minh ở nhà rẫy Bok Tơ

Ở cái làng Kon Drấp Du (xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) này có hai già làng, uy tín như nhau. Bok Đeng-nguyên là cán bộ nghỉ hưu, hồ hởi đón “Bok Ngọc” cùng khách vào nhà trong niềm trọng thị mộc mạc đối với người em của Bok Núp. Bok Đeng giải thích: Kon là người, Drấp là tên người đàn bà từ hơn trăm năm trước đã có công đưa người làng trèo đèo lội suối hàng mấy trăm cây số từ mãi An Khê lên vùng đất mới lập làng, Du là tên khe nước.

Trong nhà rẫy Bok Tơ.


Hàng thế kỷ trước Kon Drấp Du ở mãi trên vùng nhà rẫy bây giờ. Dời xuống thấp từ năm 1992, đến 1993 làng đã chết nhiều người vì dịch bệnh; giờ đời sống mới tạm ổn thì đất đai canh tác đã cạn nhiều. Xã Tân Lập giờ lại thêm di dân từ Quảng Nam và nhiều nơi khác. “Văn hóa đa sắc tộc” đã không còn giữ được một Kon Drấp Du vẹn nguyên bản sắc. “Lên nhà rẫy vậy”.

Từ làng leo núi ngược lên vùng nhà rẫy chúng tôi đi mất hơn 2 tiếng (đồng bào đi chỉ mất nửa giờ). Kon Drấp Du có 142 hộ thì cũng có ngần ấy “nhà rẫy” trên núi. Vài hộ co cụm lại thành khu nhà rẫy vài căn, rào nứa bao quanh; chăn thả, chọc trỉa, và hái lượm; không điện, không đài, không điện thoại-như ngày xưa.

Bốn đứa con nhỏ của Bok Tơ- chủ nhà rẫy- thấy khách lạ dúi hẳn vào một xó nhà sàn như lũ cún con. Thằng anh lớn nhất chừng 6 tuổi sau khi hiểu ra đã chạy xuống giọt lấy nước về nấu mời khách. Cuối chiều Bok Tơ cùng vợ và con lớn từ rẫy về. Cơm rồi rượu. Ngà ngà rồi mới vói tay lên mái nhà, Bok Tơ bắt đầu chỉnh dây cây đàn Brưng đã lâu không đụng đến. Khuya, trăng 16 lên cao; một nửa núi rừng chìm trong đêm tối mịt mùng, nửa còn lại như dát vàng, hư ảo. Tiếng đàn Brưng da diết, giọng mí Blếch ngọt ngào hát không biết mỏi những bài tình ca Bahnar.

Nguyên Ngọc với chiếc áo thun rách lỗ chỗ cứ điềm nhiên ngồi vít cần rượu, lắng nghe. Không gian như đã thuộc về một thời đại cũ kỹ nào. Cho đến gần sáng rồi ngả lưng lên sàn mà ngủ. Jason-chàng tiến sĩ người Úc, và Aude Genet-cô gái Pháp sống và làm việc tại Hà Nội đã mấy năm, đồng tình: Họ sống giữa thiên nhiên giàu có và họ thật hạnh phúc.

Sáng sau xuống núi, lại thêm 2 giờ vượt qua nhiều khe vực với tầm nhìn mênh mông, thoáng đãng và những khu nhà rẫy đẹp như tranh, Nguyên Ngọc im lặng. Cái im lặng sau mấy thập kỷ gắn bó với vùng đất huyền thoại giờ đã nhuốm quá nhiều màu sắc, kỳ thực, đã nói rất nhiều điều.

Theo Đan Phương (Gia Lai Online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét