Trang

25 tháng 5, 2011

Đình làng chợ Đồn, truyện cổ tích cho người lớn


HỌC MỖI NGÀY. Bọ Lập blog Quê choa vừa có bài viết "Một mình làm cả cái đình". Truyện cổ tích mới về đình làng Phan Long ở chợ Ba Đồn thờ cụ tổ Nguyễn Đức Tuân, một trung thần thời Hậu Lê, làm Tả Quận Công cai quản Bắc Bố Chính. Đình này vốn đã bị tan nát trong chiến tranh chống Mỹ nay được xây dựng mới do dân làng đóng góp một phần (900 triệu) còn phần lớn (17 tỷ) là do nhà anh Nguyễn Xuân Đức hiến tặng. Lập viết: "Hè vừa rồi về Ba Đồn, đứng trước đình làng đang xây, bỗng rưng rưng tự hỏi vì sao thằng Đức dám làm cái điều mà bất kì dân Thị Trấn nào cũng không dám nghĩ đến, vì sao thế nhỉ? Có lẽ nó sợ mai mốt Thị trấn Ba Đồn lên thị xã, ngay cả kí ức về làng Phan Long cũng sẽ mất, đã vội vã dốc hết vốn liếng ra đóng đinh một mảnh hồn làng vào tâm thức người đương thời.". Đây đúng là truyện cổ tích cho người lớn. Chép lại để đọc, khảo cứu và suy ngẫm ...

Một mình làm cả cái đình

Nguyễn Quang Lập

Tết vừa rồi về quê, bà con bạn bè nhất định giữ lại đến mồng 10 dự hội làng. Ai cũng bảo hội làng năm nay to vì vừa xây xong cái đình làng “ to nhất Đông Nam Á”. Chẳng biết có to nhất Đông Nam Á không nhưng to, rất to. Ra Bắc vào Nam chưa thấy đình làng nào to như thế cả. làng Phan Long không thể có tiền xây cái đình to thế, Thị trấn ba Đồn cũng không thể, ngay cả huyện Quảng Trạch cũng không lấy đâu ra kinh phí để mà xây. Chính là thằng Đức( Nguyễn Xuân Đức) bỏ ra 17 tỉ xây dựng lại cái đình làng Phan Long.

Mình ngạc nhiên và cảm động quá. Biết nó làm ăn được, nhưng 17 tỉ hồi đó là một triệu đô la, đến tỉ phú đô la cũng không dám bỏ ra nhẹ nhàng như nó. Anh Huy, anh trai của mình, nói thằng Đức bỏ ra hết đấy, dân Thị Trấn góp lại được 900 triệu, còn lại nó bỏ ra cả. Phục thằng Đức quá chừng.

Thằng Đức đi bộ đội về, trong khi anh em giải ngũ đang say sưa nhậu nhẹt thăm hỏi bạn bè thì nó làm một phát vào công ty du lịch, kiếm được bà vợ đẹp, giỏi giang. Vợ chồng Đức lập công ty du lịch tư nhân đầu tiên của Quảng Bình, từ thời dân Quảng Bình còn chưa hiểu công ty tư nhân thì là cái gì. Từ đó nó đi lên, kinh doanh khách sạn, làm đâu trúng đấy.

Người ta giàu có thì tậu nhà, mua xe, du lịch tây tàu cho nó đã, nó không, năm nào cũng đem vợ về quê, có năm ba bốn lần. Nó bảo quê như cái tổ chim, mình bay nhảy chín phương trời cuối cùng cũng phải về tổ, hưởng lấy cái hồn làng rồi lại bay đi. Ít ai còn trẻ nghĩ được như nó.

Thị trấn Ba Đồn quê mình có gốc gác là làng Phan Long, cụ tổ là Nguyễn Đức Tuân, một trung thần thời Hậu Lê, làm đến chức Tả Quận Công từng đứng đầu cai quản Bắc Bố Chính. Ngài có người cháu là lương y rất tài giỏi, từng chữa lành bệnh cho vua Lê, được phong là Lang y, sau đi sứ sang Tàu chữa lành bệnh cho vua gì đó đời Thanh, được phong Lưỡng quốc Lang y. Chỉ nghe các cụ nói vậy thôi, không biết người này là ai, tên gì, một lương y tài giỏi thế sao sử sách không thấy ghi, hoặc giả có ghi nhưng thất tán đâu rồi.

Làng Phan Long toàn họ Nguyễn, bây giờ dân gốc Phan Long trong Thị trấn chỉ còn hơn trăm nóc nhà, nhà mình là một nóc, nhà thằng Đức cũng một nóc, nhà nó còn có họ gần với nhà mình, hai anh trai nó học cùng lớp với mình từ lớp một đến lớp mười.

Trong kí ức xa vời của mình về ngôi làng xưa là ngôi đình thờ thần hoàng Nguyễn Đức Tuân. Những năm 1960-1964 mình còn quá bé tí, không ngày nào là không đến chơi ở sân đình. Sân đình rộng mênh mông, bốn gốc sân là bốn cây đa lớn toả bóng mát tràn trề, sân đình không khi nào ngớt tiếng trẻ con. Đêm trăng, con nít bày trò đánh du kích quanh hai nhà tả vụ, hữu vụ la hét om sòm. Có đứa còn ngủ quên ở đấy.

Mỗi bận đi qua cửa tam quan với hai cây cột xây to cao, chạm trổ tinh vi, ngước nhìn hai con nghê đá oai phong trên đỉnh hai cột, ngước nhìn đôi con rồng chầu nguyệt trên nóc đình, ngợp lên trong lòng một nỗi linh thiêng. Ngày đó lũ con nít tụi mình vẫn rón rén vào đình, đi vào hậu cung nơi thờ đức thần hoàng, đứng ngắm ngẩn ngơ cung cấm, nơi an phụng thần vị, ngước nhìn long ngai, long khảm, ngắm say sưa bàn thờ có ngũ sự bằng đồng, đài rượu, quả trầu… Hai bên bàn thờ, hương án có hai hàng tự khí uy phong.

Chẳng ai cấm vào xem cung cấm nhưng con nít ít đứa dám bạ men, phải hai ba đứa mới đủ gan mò vào, chứ một mình thì sợ lắm. Thằng Đức thời đó mới hai ba tuổi gì đó, khi nào cũng mũi chảy lòng thòng, quệt một phát nước mũi dính tận mang tai. Hai thằng anh nó là thằng Bình, thằng Phúc thay nhau cõng nó vào đình. Cả ba gần như nín thở khi vào hậu cung. Bỗng thằng Đức khóc ré. Tụi mình ù té chạy, cứ tưởng thần hoàng đang đuổi chạy sau lưng, sợ hết hồn.

Nhưng ra khỏi đình làng thì thằng Đức nhất định đòi quay trở lại, mồm mếu tay chỉ, nói choi choi ( voi ). Thằng Đức thích nhất hai con voi đá trấn giữ hai bên sân đình, hễ cứ đặt nó lên ngồi trên lưng voi là nó cười toe toét, cái mặt cười nhoè nhoẹt nước mũi trông rất buồn cười.

Trận bom đầu tiên máy bay Mỹ dội xuống Ba Đồn là một ngày tháng tám năm 1964. Mình nhớ như in hai cây đa đình làng đổ sụp, bom phát gãy đôi tấm bình phong lớn đặt trước sân đình, bình phong có đắp nổi phù điêu đẹp lắm. Hai con voi đá nằm gục chết tang thương. Mình không khóc nhưng nhiều đứa khóc đỏ mắt vì thương hai con voi đá. Thằng Đức không biết gì, cứ nhất định đòi cưỡi voi, nó khóc mếu máo, nói choi choi…

Những trận bom tiếp theo làm vỡ tan một gốc đình làng, cho đến năm 1966 thì đình làng biến mất, đến cái móng cũng không còn, sân đình có hơn chục hố bom sâu hoắm. Đình làng Phan Long chết tức tưởi, dân Phan Long chạy tan tác, thực tế làng Phan long cũng đã chết, chỉ còn trong kí ức của những người lớn tuổi mà thôi.

Mình biết chắc chắn thằng Đức không nhớ gì về đình làng, nếu có nhớ cũng chỉ váng vất nhớ về hai con voi đá nó vẫn thường cưỡi mà thôi, thế mà nó dám bỏ ra 17 tỉ, một món tiền quá sức đối với nó, để dựng lại đình làng.

Hè vừa rồi về Ba Đồn, đứng trước đình làng đang xây, bỗng rưng rưng tự hỏi vì sao thằng Đức dám làm cái điều mà bất kì dân Thị Trấn nào cũng không dám nghĩ đến, vì sao thế nhỉ? Có lẽ nó sợ mai mốt Thị trấn Ba Đồn lên thị xã, ngay cả kí ức về làng Phan Long cũng sẽ mất, đã vội vã dốc hết vốn liếng ra đóng đinh một mảnh hồn làng vào tâm thức người đương thời.

Lớp trẻ bây giờ có ai được như thằng Đức nữa không nhỉ, dưới gầm trời nước Nam này nếu có chắc cũng chỉ đôi ba người chứ không hơn. Bỗng nghĩ vẩn vơ, Nguyễn Xuân Đức không viết văn, làm thơ nhưng đích thị nó là nghệ sĩ, một nghệ sĩ hiếm hoi giữa đời thường lam lũ.

QUÊ CHOA Blog

HỌC MỖI NGÀY, THUNG DUNG

(* Ghi chú của Hoàng Kim. Theo Trần Thái Bình 2007, từ thời Trần Thái Tông đến thời Mạc Mậu Hợp , Quảng Bình có 5 vị đại khoa : Trương Xán, Dương Văn An, Lê Đa Năng, Nguyễn Trạch, Phạm Đại Khánh. Riêng Quảng Trạch có hai vị : Trương Xán sinh năm 1227 đỗ Trạng Nguyên, năm Nguyên Phong thứ 6 thời Trần Thái Tông làm quan đến chức Thị Lang, hàm Tự Khanh; Nguyễn Trạch đỗ Tiến sĩ năm 1580 đời Lê Thế Tông , làm quan đến chức Tự Khanh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét