Trang

16 tháng 5, 2011

Đọc và suy ngẫm: Tài năng và đắc dụng

HỌC MỖI NGÀY. Cuốn “Tài năng và đắc dụng” cũng chỉ mang tính cá nhân của hai tác giả chủ biên GS TSKH Nguyễn Hoàng Lương và PGS TS Phạm Hồng Tung. Suy cho cùng, về mặt luật pháp thì họ không sai. Ở nước ngoài, những chuyện như thế này là bình thường. Đây là quyền riêng của họ. Tuy nhiên, cái đáng cần bàn luận là trách nhiệm của họ trước xã hội? GS Ngô Đức Thịnh đã đánh giá như vậy đối với sự khen chê của công luận trước tác phẩm cần tìm đọc này. Lưu lại những lời khen chê để đọc và suy ngẫm (HK).

Tài năng và đắc dụng”: Vì sao cuốn sách bị phê

Báo Lao Động cuối tuần

Mấy ngày nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như trong dư luận dấy lên cuộc bàn luận sôi nổi, phê phán cuốn sách “Tài năng và đắc dụng” – nghiên cứu về một số nhân tài tiêu biểu ở VN và nước ngoài. Cuốn sách do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành, chủ biên là GS - TSKH Nguyễn Hoàng Lương và PGS - TS Phạm Hồng Tung.

Cuốn sách nói trên được giới thiệu như một công trình khoa học về quá trình hình thành và phát triển nhân cách, tài năng, sự nghiệp của 14 nhân tài tiêu biểu trong lịch sử VN và thế giới, thuộc 3 lĩnh vực: Lãnh đạo, quản lý; kinh tế, kinh doanh; khoa học và công nghệ. Phần 1 - Những nhân tài trong lĩnh vực lãnh đạo quản lý - được lựa chọn là: Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Đào Duy Từ, Hồ Chí Minh và Chulalongkorn (Thái Lan). Phần 2 - Các nhân tài trong lĩnh vực khoa học công nghệ, với các nhân vật: Lê Quý Đôn, Trần Văn Giàu, Albert Einstein và Thomas Edison. Phần cuối - Nhân tài trong lĩnh vực kinh tế kinh doanh, với các trường hợp: Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trường Tộ, Bạch Thái Bưởi, Đặng Lê Nguyên Vũ và Bill Gates.

NXB Chính trị Quốc gia giới thiệu: Qua nghiên cứu cho thấy họ (các nhân vật được chọn) vốn không được đào tạo để trở thành chiến lược gia kinh tế hay doanh nhân chuyên nghiệp. Điều này xác nhận một thực tế là nhân tài trong lĩnh vực kinh doanh đều có thể hình thành và xuất lộ như là kết quả của quá trình tự học, tự đào tạo... Quan trọng hơn cả là có khát vọng, có ý chí làm giàu, hoài bão lớn lao mang lại lợi ích cho bản thân và cho cộng đồng...
Có nhiều ý kiến bàn luận quanh cuốn sách, nhưng tựu trung cho rằng, việc các tác giả cuốn sách đưa Đặng Lê Nguyên Vũ (SN 1971) đứng chung danh sách với các nhân vật kiệt xuất trong lịch sử VN là không thể chấp nhận. Các ý kiến còn cho rằng phần giới thiệu về Đặng Lê Nguyên Vũ dài 42 trang, trong khi đó nhiều danh nhân nổi tiếng thế giới như Nguyễn Trãi lại chỉ có 10 trang, Trần Quốc Tuấn 15 trang... là hồ đồ!

Quanh vấn đề này, phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với GS Ngô Đức Thịnh, mà theo chúng tôi, ông có cái nhìn, cách đánh giá khách quan và bình tĩnh trước vấn đề. GS Ngô Đức Thịnh cho biết: “Cuốn sách lấy ra từ đề tài nghiên cứu nhân tài và trí thức VN. Không nghi ngờ gì về ý đồ của cuốn sách là nhằm khuyến khích học tập truyền thống với tinh thần “nhân tài là nguyên khí quốc gia”. Chúng ta đã từng có nhiều cuốn sách viết về những người tài năng được tập hợp theo nhóm nhằm tuyên dương... Cuốn “Tài năng và đắc dụng” cũng chỉ mang tính cá nhân của 2 tác giả chủ biên nói trên. Suy cho cùng, về mặt luật pháp thì họ không sai. Ở nước ngoài, những chuyện như thế này là bình thường. Đây là quyền riêng của họ. Tuy nhiên, cái đáng cần bàn luận là trách nhiệm của họ trước xã hội?

Cuốn sách được ấn hành bởi NXB Chính trị Quốc gia, đó là NXB của Đảng và Nhà nước, nên dễ làm người ta hiểu đó là cách nhìn, quan điểm của Đảng và Nhà nước. NXB này phải có trách nhiệm, vì khi cuốn sách xuất bản ở đây thì người ta ngầm hiểu đây là ý kiến mang tính chính thống.

Tôi chưa đọc cuốn sách, nhưng qua thông tin, tôi thấy 14 nhân vật được sắp đặt rất tùy tiện, thiếu sự cẩn trọng, không ổn! Việc chọn GS Trần Văn Giàu bên cạnh Albert Einstein rõ ràng cho thấy cái gì đó khập khễnh. Cuốn sách mang tên “Tài năng và đắc dụng”, cho thấy các tác giả cuốn sách muốn nhấn mạnh tới các nhân tài mang lại các ứng dụng hiệu quả cho xã hội, đây là một ý tưởng hay. Einstein - một bộ óc vĩ đại của thế kỷ 20, nhưng người phát minh ra computer cũng mang lại sự thay đổi lớn lao cho thế giới này. Nhân đây tôi muốn nói thêm, trong cuốn sách chọn 20 phát minh kỹ thuật của thế kỷ 20, người ta chọn ống thông hình chữ S của chiếc bồn cầu, đây là một phát minh rất đắc dụng - nhiều người được hưởng...

Một điều nữa là ông Đặng Lê Nguyên Vũ còn quá trẻ, còn sống, lại được đặt bên cạnh các vị như Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trường Tộ, Bạch Thái Bưởi cũng có gì đó thấy không ổn! Ông Bạch Thái Bưởi là nhà tư sản, nhà buôn nổi tiếng đầu thế kỷ 20, ông là người sáng tạo ra thương hiệu Việt và nổi tiếng với câu nói “Người Việt dùng hàng Việt”, ông cũng là người tạo ra hệ thống giao thông đường thuỷ.

GS Thịnh cho rằng, không phải anh Vũ là người vô danh, mà là người có những đóng cho thương hiệu VN, làm giàu cho mình và cho nhiều người, là người tiêu biểu trong giới trẻ làm thương nghiệp, những doanh nhân trẻ như anh Vũ rất đáng quý trong bối cảnh, xu hướng hội nhập hiện nay... Nhưng rõ ràng là cách lựa chọn, sắp xếp và cách viết (nội dung giới thiệu) đã làm mất đi ý định ban đầu của cuốn sách là nhằm giáo dục thông qua nhân vật tài năng. GS Thịnh cũng tỏ ý phê phán trước việc một số ý kiến nhân chuyện này sa đà đi vào các vấn đề cá nhân không liên quan của Đặng Lê Nguyên Vũ, cũng như tâm lý khen chê theo đám đông.

Thiết nghĩ, các chủ biên cuốn sách, cũng như NXB Chính trị Quốc gia chắc hẳn cần có những điều rút kinh nghiệm lớn từ việc này, để những cuốn sách được xuất bản luôn đạt được giá trị cao đẹp của nó.

Linh Tâm



Phản hồi vụ cuốn sách “Tài năng và đắc dụng”

Báo Sài Gòn Giải phóng

Sau khi Báo SGGP (ngày 10, 11-5) và tiếp theo là một số báo khác (Người Lao động, Phụ nữ…) đăng cuốn sách “Tài năng và đắc dụng” do Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật xuất bản, trong đó có phân tích trường hợp ông Đặng Lê Nguyên Vũ (doanh nghiệp cà phê Trung Nguyên) được in trong cùng một cuốn sách nhằm tôn vinh chung với các bậc vĩ nhân, tài năng xuất chúng của Việt Nam và thế giới, chúng tôi đã nhận được ý kiến từ nhà xuất bản và phần tiếp thu, trả lời của nhóm tác giả cuốn sách. Báo SGGP xin trích đăng những ý chính trong nội dung trả lời:

Ngày 10 và 11-5-2011, Báo Sài Gòn Giải Phóng có đăng các ý kiến đóng góp, phê bình của tác giả Minh An và Trần Thành Trung về cuốn sách “Tài năng và đắc dụng” của nhóm tác giả do GS-TSKH Nguyễn Hoàng Lương và PGS-TS Phạm Hồng Tung làm chủ biên, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật xuất bản năm 2008. Nhà xuất bản đã làm việc với chủ biên cuốn sách trên để làm rõ những vấn đề mà một số độc giả quan tâm và băn khoăn trong cuốn sách, đồng thời xin gửi kèm theo ý kiến tiếp thu và trả lời của nhóm tác giả với bạn đọc Báo Sài Gòn Giải Phóng như sau:

Trước hết, chúng tôi chân thành cảm ơn Báo Sài Gòn Giải Phóng, các tác giả Minh An và Trần Thành Trung và một số độc giả khác đã có ý kiến góp ý, phê bình đối với công trình của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu ý kiến của quý vị và nghiêm túc tiếp thu những ý kiến xác đáng.

Đúng như ông Trần Thành Trung nhận xét, những gì chúng tôi trình bày liên quan đến tiểu sử và sự nghiệp của 14 trường hợp nghiên cứu được lựa chọn là không có gì mới. Trong sách, ở phần Lời mở đầu Tổng luận, chúng tôi đã nói rõ rằng: “chúng tôi cũng không đặt mục tiêu khảo sát toàn diện về con người, thân thế, sự nghiệp và đánh giá về những đóng góp của họ, mà chỉ tập trung làm sáng tỏ về con đường hình thành và bộc lộ tài năng, quá trình phát triển nhân cách tài năng và việc tài năng của các cá nhân đó được sử dụng như thế nào” (trang 308).

Điều các tác giả Minh An và Trần Thành Trung băn khoăn, chất vấn nhiều nhất là: dựa trên tiêu chí nào để chúng tôi chọn đưa vào công trình này 14 nhân tài để nghiên cứu, trong đó có ông Đặng Lê Nguyên Vũ… Riêng về trường hợp Đặng Lê Nguyên Vũ, chúng tôi đã nói rõ lý do lựa chọn trường hợp này để nghiên cứu ở đây là: “Một trong những doanh nhân tiêu biểu, thành đạt của Việt Nam thời kỳ đổi mới” (trang 11).

Chúng tôi không hề có ý định so sánh các trường hợp nghiên cứu với nhau và càng không hề nhận định rằng 14 trường hợp đó là “các bậc anh hùng, danh nhân tiêu biểu nhất của hơn 4.000 năm lịch sử” của Việt Nam hay của thế giới.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng thừa nhận rằng sự chênh lệch số trang viết như độc giả nêu ra là không nên, có thể gây ra những suy diễn, hiểu lầm không cần thiết. Điều này chúng tôi xin tiếp thu và rút kinh nghiệm.

Ở thời điểm chúng tôi tiến hành nghiên cứu, ông Vũ đang là một trong những doanh nhân tiêu biểu và thành đạt, nhưng trong điều kiện kinh tế thị trường cạnh tranh và có không ít rủi ro, không ai có thể đảm bảo rằng sau đó ông Vũ và doanh nghiệp của ông vẫn tiếp tục thành đạt. Chúng tôi tuyệt đối không có ý định thông qua công trình này tôn vinh quá mức cá nhân ông Vũ hay quảng cáo “đánh bóng” tên tuổi cho doanh nghiệp cà phê Trung Nguyên.

Một lần nữa chúng tôi chân thành cảm tạ và tiếp thu những ý kiến góp ý, phê bình của các độc giả. Điều chúng tôi học được ở đây là: chúng tôi cần cẩn trọng hơn nữa trong cách trình bày, diễn đạt kết quả nghiên cứu của mình để tránh việc bạn đọc tiếp cận công trình từ những góc độ khác nhau có thể có những suy diễn, hiểu lầm đáng tiếc.


Ngoài các ý kiến đóng góp, phê bình của tác giả Minh An và Trần Thành Trung về cuốn sách “Tài năng và đắc dụng”, báo SGGP cũng vừa nhận được bài viết "Coi chừng mang tiếng "hiếu danh" của bạn đọc Trịnh Minh Giang xung quang vấn đề này.

Coi chừng mang tiếng “hiếu danh”!

Hồi cuối tháng 7-2006, trong hệ thống Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Agribank) nhận được văn bản của Văn phòng Agribank với nội dung phân phối 2.800 cuốn sách dày 440 trang Từ cậu bé chăn trâu đến ông Tổng Giám đốc Agribank, ca ngợi một vị nguyên là Tổng Giám đốc của Agribank. Sau khi báo chí phản ứng, Hội đồng Quản trị Agribank đã quyết định thu hồi cuốn sách, trả lại cho tác giả.

Một năm sau, Văn phòng Agribank có văn bản gửi một trong hai tác giả, trong đó thừa nhận: “Cuốn sách này đã gây dư luận rất xấu cả trong hệ thống Agribank và ngoài xã hội. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã phải thanh tra”. Văn bản cũng cho biết, Ban lãnh đạo Agribank, trong đó có ông Tổng Giám đốc, đã quyết định thu hồi cuốn sách này, vì lý do “nhiều nội dung viết trong sách không chính xác, gây ảnh hưởng đến uy tín và lịch sử hoạt động của Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam”.

Chuyện viết hồi ký của một vài người từng giữ chức vụ khá quan trọng để “cho con cháu biết một thời hào hùng của cha ông” nhưng kỳ thực với những chi tiết, sự kiện sai lệch, những nhận định phiến diện, chủ quan cũng bị đánh giá nhằm mục đích cá nhân. Hiện nay, thậm chí, một số người còn dùng những cách không mấy “sạch sẽ”, gây scandal để đánh bóng tên tuổi…

Trong bối cảnh đó, cuốn Tài năng và đắc dụng không khỏi khiến người ta liên tưởng đến một hình thức hiếu danh khác của một số cá nhân nào đó. Cách chọn lựa và thể hiện các nhân vật trong cuốn sách hoàn toàn chưa khoa học. Các tác giả đã dựa vào tiêu chí nào để chọn ra 10 nhân tài tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam và 4 nhân tài tiêu biểu trong lịch sử thế giới? Cứ cho là đặt các nhân vật như Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Đào Duy Từ, Hồ Chí Minh là “ngang tài nhau” trong hoạt động lãnh đạo, quản lý thì liệu những nhân vật khác như Lý Thái Tổ, Lê Thánh Tông, Nguyễn Huệ, Võ Nguyên Giáp… có nên được đặt thêm vào danh sách này không? Tương tự, đã chọn Lê Quý Đôn, Trần Văn Giàu là tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học và công nghệ thì Lương Thế Vinh, Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa… có nên xếp cùng hay không? Và dĩ nhiên, nếu xếp Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trường Tộ, Bạch Thái Bưởi và Đặng Lê Nguyên Vũ ở lĩnh vực kinh tế, kinh doanh thì có nên có Lương Văn Can, Trần Chánh Chiếu, Trịnh Văn Bô, Trương Văn Bền... nữa hay không?

Đó chưa kể một số điểm “khó hiểu” khác. Trong 10 nhân vật kể trên thì 9 vị đã thành “người hiền”; cả 9 vị đều là những người đã để lại dấu ấn trong lịch sử nước nhà, liệu nhân vật cuối cùng có đáng và có nên liệt vào “ngôi đền” ấy? Theo cách nghĩ thông thường, có lẽ không ai xếp một “người đương thời” vào danh sách của những “người một thời” ấy. Và cũng không có ai can đảm “ngồi” vào “ngôi đền” linh thiêng ấy.

Thực ra mọi người đều có nhu cầu có được “danh”. Khổng Tử khi đề cao việc phải “làm cho đúng với danh nghĩa, cư xử, hành động đúng với cương vị mỗi người trong xã hội” đã dùng từ “chính danh”. Còn Nguyễn Công Trứ thì viết: Lưu đắc đan tâm chiếu hãn thanh (cốt sao ghi được tấm lòng tốt lưu truyền trong sử sách). Tức là, cái danh (chính đáng) phải gắn liền với những việc làm tốt đẹp, có ích cho xã hội, vì xã hội.

Trịnh Minh Giang

Sách về 'vĩ nhân': căn bệnh vĩ cuồng

Báo Đất Việt 11:17 AM, 16/05/2011

Việc thổi phồng, đánh bóng tên tuổi quá đáng của các “danh nhân” Việt Nam trong những năm gần đây trở nên “loạn” và nhiều vô kể. Sự hào nhoáng, phù phiếm qua việc tôn vinh một cá nhân bằng kỹ thuật truyền thông là thứ ánh sáng giả tạo.

>> Sách 'Tài năng và đắc dụng': Khập khiễng và tùy tiện
>> Sách về nhân tài - Choáng!

Sau khi bài viết Sách 'Tài năng và đắc dụng': Khập khiễng và tùy tiện đăng trên Đất Việt ngày 13/5, (số 920), tòa soạn đã nhận được nhiều email của bạn đọc gởi về bày tỏ sự bức xúc. Dưới đây là ý kiến của bạn đọc Trương Văn Khoa, ngụ thành phố Đà Nẵng:

Sắp xếp ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT), Tổng giám đốc của tập đoàn Trung Nguyên, ngang hàng với các vĩ nhân của thế giới và Việt Nam trong cuốn sách “Tài năng và đắc dụng” là một điều sĩ nhục đối với giới trí thức Việt Nam. Người ta thường nói đến căn bệnh vĩ cuồng thì đây chính là triệu chứng lâm sàng điển hình nhất của chứng háo danh và hoang tưởng này.

Với đầy sự toan tính, nhóm biên tập cuốn sách của Nhà xuất bản chính trị quốc gia đã sắp xếp vị Chủ tịch HĐQT tập đoàn Trung Nguyên ngang hàng với 9 nhân tài tiêu biểu trong lịch sử 4.000 năm văn hiến của cha ông: Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Đào Duy Từ, Hồ Chí Minh (trong lĩnh vực lãnh đạo, quản lý), Lê Quý Đôn, Trần Văn Giàu (lĩnh vực khoa học và công nghệ) cùng Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trường Tộ, Bạch Thái Bưởi. Vươn xa hơn nữa, Đặng Lê Nguyên Vũ được so sánh và “ngang cơ” với 4 vĩ nhân thế giới: Chulalongkorn - Nhà cải cách vĩ đại của Thái Lan thời cận đại, Albert Einstein - Người thay đổi tư duy của nhân loại, Thomas Alva Edison - Nhà phát minh vĩ đại của thế kỷ 19 và Bill Gates - biểu tượng của thời đại kinh tế trí thức.

Sự cống hiến vĩ đại cho nhân loại và xả thân cả cuộc đời cho dân tộc của các danh nhân đã khiến cho hàng ngàn năm sau, con cháu chúng ta phải kính cẩn nghiêng mình trước thành tựu to lớn. Sự nghiệp đó được chứng mình bởi thời gian, không gian và các công trình nghiên cứu sâu sắc được kiểm nghiệm qua nhiều thời đại. Thế nhưng, mới hơn 10 năm kinh doanh kể từ ngày khai trương quán café Trung Nguyên (số 587 Nguyễn Kiệm, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) vào năm 1998, Đặng Lê Nguyên Vũ đã “vọt lên” ngang tầm vĩ nhân theo sự sắp xếp của một nhóm biên soạn “Tài năng và đắc dụng”!

Doanh nhân trẻ Việt Nam, trong những năm gần đây, đã sáng tạo, vượt lên những khó khăn để gầy dựng nên những tập đoàn kinh tế năng động. Họ đã đóng góp rất nhiều vào công cuốc tái thiết, phát triển và đổi mới của đất nước. Gương điển hình đó thật đáng khích lệ, đem lại niềm hân hoan cho mọi người. Tuy nhiên, trong một nền kinh tế đầy biến động, bất cập, lãi, lỗ bất thường, vốn kinh doanh hầu như dựa dẫm hoàn toàn vào ngân hàng, sự thành đạt của một doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong vài mươi năm trở lại đây không thể nói là trường tồn và trở thành tuyệt đối. Rất nhiều doanh nghiệp “vang bóng một thời”, các chủ doanh nghiệp đã từng là người đương thời, anh hùng lao động,… đã lâm vào cảnh thất thế. Lúc bấy giờ, ai có thể nghĩ rằng, họ và gia đình sẽ bị tù tội, doanh nghiệp của họ sẽ phá sản, lý thuyết kinh doanh của họ bị thất bại..

Kinh doanh giỏi với những học thuyết kinh tế lừng lẫy, vốn kinh doanh khổng lồ trên hàng trăm tỷ USD, các tập đoàn kinh tế, tài chính, ngân hàng của Mỹ, Nhật, Hàn Quốc vẫn bị phá sản sau hàng chục năm thành công vang dội trên thương trường. Có nhiều trường hợp, chủ doanh nghiệp phải tự tử để thoát khỏi cảnh nợ nần, thua lỗ và tai tiếng. So với điều ấy, câu chuyện kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam chỉ là một giọt nước trong đại dương.

Việc thổi phồng, đánh bóng tên tuổi quá đáng của các “danh nhân” Việt Nam trong những năm gần đây trở nên “loạn” và nhiều vô kể. Truyền thông, báo chí và các doanh nghiệp “bắt tay” dựng nên những vở kịch vụng. Sự hào nhoáng, phù phiếm qua việc tôn vinh một cá nhân bằng kỹ thuật truyền thông là thứ ánh sáng giả tạo.

Trương Văn Khoa
Đặng Đức Trí

Chủ quán cafe mà được là vĩ nhân thì đất nước này loạn rồi. Vĩ cuồng chứ không phải Vĩ nhân. Ông này nên tập trung vào bán cafe thì tốt hơn.

Đình Khoa


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét