Trang

14 tháng 6, 2011

Đọc và suy ngẫm về nhà văn hóa Nguyên Ngọc



HỌC MỖI NGÀY. "Có thể buôn để làm giáo dục chứ không buôn giáo dục!" Nhà văn hóa Nguyên Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học Phan Châu Trinh đã trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên: "Chúng tôi muốn đi theo con đường đó (của Phan Châu Trinh), tìm mọi hình thức, đa dạng, năng động, sáng tạo “đi buôn”, để nuôi một ngôi trường nghĩa thục. Rất linh hoạt, nhưng để đi đến nghĩa thục. Đây là con đường rất khó khăn, nhưng chúng tôi quyết làm. Vì sao phải làm nghĩa thục? Tôi không tin một ngôi trường buôn bán giáo dục lại có thể tạo nên những con người như ta đang muốn tạo cho đất nước: trung thực, độc lập, tự chủ, sáng tạo, có trách nhiệm cao với xã hội, giỏi giang, thành đạt ở đời. Một con người như vậy chỉ có thể được tạo nên bởi một nền giáo dục trung thực".

CÓ THỂ BUÔN ĐỂ LÀM GIÁO DỤC CHỨ KHÔNG BUÔN GIÁO DỤC!

* Tại cuộc hội thảo "Chiến lược phát triển của trường ĐH Phan Châu Trinh trong giai đoạn mới" vừa tổ chức tại Hội An, ông có phát biểu: Muốn cải cách giáo dục một cách thực sự, cần phải thực hiện tư tưởng của nhà yêu nước Phan Châu Trinh "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh". Ông có thể nói rõ hơn về nội dung này?

- Phan Châu Trinh chỉ ra rằng: chỉ trên cơ sở dân trí được khai sáng, dân khí bừng lên mạnh mẽ, mới có thể mưu tính “hậu dân sinh”, xây dựng những con người năng nổ, có bản lĩnh vững và kỹ năng giỏi, cho phát triển kinh tế và xã hội, cho dân giàu nước mạnh, đuổi kịp năm châu.

Vế đầu tiên trong phương châm của Phan Châu Trinh là Khai dân trí, vế cuối mới là Hậu dân sinh. Mở mang đầu óc con người đã, giải phóng họ ra khỏi sự u tối, trì trệ, tạo nên con người độc lập, tự chủ, sáng tạo (tạo Dân khí), rồi sau đó mới có thể nói đến có được một nghề giỏi giang, để đi đến giàu có, phát đạt (Hậu dân sinh). Trong thời hiện đại của chúng ta, chúng tôi hiểu khai dân trí là cố gắng trang bị cho người học một nền tảng tri thức nhân văn cơ bản, phổ quát, không chỉ để làm cơ sở vững chắc cho việc học sâu vào chuyên ngành, mà còn để cho con người ấy có được ý chí và khả năng tiếp tục tự học suốt đời để luôn tự chủ suốt đời (bởi người ta không thể ngồi ở nhà trường suốt đời, nhưng lại phải học suốt đời). Đi đôi với nền tảng tri thức nhân văn cơ bản, là các kỹ năng cần thiết, như: làm chủ vững chắc ít nhất một ngoại ngữ (tiếng Anh), có hiểu biết về tin học, có khả năng tự học, tự nghiên cứu, có tư duy phản biện lành mạnh, dám hỏi, biết hỏi, và biết tự mình đi tìm câu trả lời…

* Với tư cách là Chủ tịch HĐQT của trường ĐH mang tên nhà yêu nước Phan Châu Trinh, ông chọn cách đi của trường như thế nào trong tình hình hiện nay?

- Chúng tôi muốn làm một nghĩa thục, như Phan Châu Trinh từng làm. Nghĩa là không buôn bán giáo dục. Cuộc vật lộn trong hơn 3 năm qua của trường ĐH Phan Châu Trinh cũng chính là chung quanh vấn đề hướng đi này.

Hãy nhớ lại Phan Châu Trinh và các đồng chí tâm huyết nhất của ông thời bấy giờ. Các ông đi buôn để làm giáo dục nhưng không buôn giáo dục. Cụ thể: các ông lập Công ty Liên Thành, đi buôn đến cả nước mắm, để làm giáo dục khai dân trí, từ đó mà cứu nước (rất thú vị, Công ty Liên Thành được lập từ thời ấy đến nay vẫn còn và vẫn làm ăn phát đạt). Chúng tôi muốn đi theo con đường đó, tìm mọi hình thức, đa dạng, năng động, sáng tạo “đi buôn”, để nuôi một ngôi trường nghĩa thục. Rất linh hoạt, nhưng để đi đến nghĩa thục. Đây là con đường rất khó khăn, nhưng chúng tôi quyết làm.

Vì sao phải làm nghĩa thục? Tôi không tin một ngôi trường buôn bán giáo dục lại có thể tạo nên những con người như ta đang muốn tạo cho đất nước: trung thực, độc lập, tự chủ, sáng tạo, có trách nhiệm cao với xã hội, giỏi giang, thành đạt ở đời. Một con người như vậy chỉ có thể được tạo nên bởi một nền giáo dục trung thực. Như chúng ta đều biết, một căn bệnh hiểm nghèo đang gặm nhấm đến xương cốt xã hội chúng ta, là bệnh giả dối. Trong giáo dục, giả dối cũng đang tràn ngập. Chỉ có thể chống lại căn bệnh chết người ấy, cứu xã hội, cứu đất nước, bằng một nền giáo dục trung thực, những ngôi trường trung thực, con người trung thực từ trên ghế nhà trường. Một ngôi trường buôn bán giáo dục thì tức đã dối trá ngay từ đầu. Chỉ có những ngôi trường trung thực mới tạo nên được con người trung thực, cho xã hội trung thực.

Hiện các trường ĐH tư được xem như các công ty cổ phần, tức các hội buôn, ai muốn tham gia phải bỏ tiền, và ai nhiều tiền hơn thì chỉ huy tuyệt đối và toàn diện ngôi trường! Gần đây hiện tượng “bán trường” đang diễn ra ngày càng trắng trợn và phổ biến. Chúng tôi muốn thoát ra tình cảnh thê thảm đó.

* Hiện nay đa phần học sinh không thích dự thi vào các trường cao đẳng (CĐ) hay học nghề. Ông nghĩ gì về điều này?

- Tôi đã nghe nhiều trao đổi sôi nổi về các trường “đẳng cấp quốc tế” đang được nhà nước bỏ tiền rất lớn đầu tư để vào tốp nọ tốp kia. Hẳn đều tốt cả thôi. Duy chỉ có điều không thấy ai nhắc một câu, một chữ, đến các khoa học xã hội nhân văn!

Và tại sao không làm CĐ? Đúng hơn đây là mô hình ĐH cộng đồng 2 năm, có liên thông tốt, mềm với ĐH 4 năm. Trong hội thảo vừa qua, một chuyên gia có rất nhiều kinh nghiệm trong giáo dục và từng nghiên cứu sâu về ĐH Mỹ, cho biết: ở Mỹ có những ĐH rất lớn và lừng danh như Harvard, Princeton, MIT… nhưng bên ấy người ta tự hào nhất không phải là về các ĐH đó mà là về hệ thống ĐH cộng đồng của họ! Tôi cho rằng coi thường mô hình ĐH cộng đồng là một trong những sai lầm lớn của giáo dục Việt Nam. Chúng ta nghèo mà bao giờ cũng chỉ muốn “chơi sang”. CĐ (hay ĐH cộng đồng được liên thông tốt) vừa đảm bảo cho con người sớm có nghề, là việc hết sức thiết thực, đồng thời cũng là tạo đầu vào tốt cho ĐH. Miền Trung nghèo, rất nên suy nghĩ về điều này.

Và cũng cần nghĩ đến một hình thức dự bị ĐH, vì nhiều lý do: Với lối học và thi hiện nay, các em không qua được kỳ thi ĐH chưa hẳn tất cả đều là kém. Thậm chí những em có tư duy độc lập lại thường dễ bị trượt trong lối học và thi “thuộc lòng” còn chưa chữa được hiện nay. Cần tạo lại cơ hội cho các em. Mặt khác, lối học ở phổ thông hiện nay quả thật không chuẩn bị được tốt cho sinh viên vào ĐH, khiến ĐH thành một thứ “phổ thông cấp 4” (mà cũng là phổ thông tồi). Cần chuẩn bị lại cho các em cách học ĐH (đúng ra là cách học nói chung, kể cả ở phổ thông) mà chúng ta đã làm hỏng.

Mai Nhung (thực hiện)
(Báo Thanh Niên)

NHÀ VĂN NGUYÊN NGỌC VÀ NỖI ƯU TƯ VĂN HÓA

Thỉnh thoảng, bạn đọc vẫn gặp nhà văn Nguyên Ngọc trên các báo, ông viết những bài viết ngắn, tâm huyết có tính chất trao đổi, mạn đàm. Thỉnh thoảng lại gặp ông ở một cuộc hội thảo, ở một giờ trao đổi về thể loại văn chương. Và nay thì những bài viết ấy được tập hợp trong một cuốn sách...


Có đọc Nghĩ đọc đường (NXB Văn nghệ) mới thấy trong nhà văn nổi tiếng Nguyên Ngọc luôn ẩn hiện một con người ưu thời mẫn thế. Trong tác phẩm của ông, gần như làm gì để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là câu hỏi và cũng là chủ đề nhất quán và xuyên suốt. Kiến giải những vấn đề văn hóa, bao giờ Nguyên Ngọc cũng có những ý kiến cá nhân hết sức độc đáo. Nghĩ về bản sắc văn hóa dân tộc, ông cho rằng "nên thử nghĩ lại về bản sắc, thế nào là bản sắc ?". Từ câu hỏi này, nhà văn đã tìm lại trong lịch sử và chứng minh rằng, bản sắc văn hóa dân tộc không phải là cái gì bất biến trong tiến trình vận động, nó luôn luôn là một sự tiếp biến, hội nhập. Và ở đây, một bài học lớn được rút ra là "Người ta chỉ có thể trở thành phong phú và cường tráng chính bằng khả năng hội nhập được với cái khác mình" và "Thay đổi được bản sắc của mình cũng là một biểu hiện sức mạnh tinh thần của một cộng đồng" (Nghĩ thêm về bản sắc). Thông qua một người bạn Philippines, Nguyên Ngọc đồng ý rằng văn hóa phải là cái thắng, cái phanh, cái hãm của xã hội : "Văn hóa là sự bình tâm của xã hội, là phần lương tâm sâu xa bền vững nhất của nó, phần tự vấn thường xuyên của con người, của xã hội, của dân tộc" (Anh bạn “ánh chớp" lặng thầm của tôi). Nói như vậy có nghĩa động lực văn hóa là động lực của sự thức tỉnh lương tâm con người trước những biến đổi rất nhiều dâu bể.

Hết sức bình tĩnh và công tâm, nhà văn Nguyên Ngọc đề cập đến những vấn đề cốt lõi nhất cần thay đổi trong chính sách giáo dục ở nước ta hiện nay - một bức xúc lớn mang tính thời sự. Ông cho rằng “xây dựng một nền giáo dục không phải để nhằm đào tạo nên những cái máy tinh xảo được nạp một bộ nhớ kiến thức khổng lồ... mà là tạo nên những con người tự do, biết và dám độc lập suy nghĩ, biết cách tự mình chiếm lĩnh lấy kiến thức, tự mình đi khám phá ra chân lý, lẽ phải”. Ông sâu sắc chỉ ra cái gọi là "hư học" của một nền giáo dục. Ông chỉ ra sự cần thiết phải xem xét “sự nặng nề” trong sách giáo khoa; đề nghị "về cơ bản bỏ thi, bỏ tất cả các kỳ thi ở các cấp, đặc biệt bỏ thi vào đại học"; xem xét và thay đổi toàn bộ quá trình giáo dục từ nội dung chương trình đến phương pháp giảng dạy và học ở từng cấp, tôn trọng sự phát triển tối đa của cá tính, bảo đảm sự bình đẳng về cơ hội học tập, lưu ý đào tạo người tài mở cửa đại học cho số đông... với một trách nhiệm công dân nghiêm túc.


Một ngày bình yên. Ảnh :Tư liệu

Và như bấy lâu nay Nguyên Ngọc vẫn ưu tư, ông đã trở lại với một vấn đề hết sức nhạy cảm: sự phát triển bền vững ở Tây Nguyên. Đây có lẽ là những trang viết hay nhất của cuốn sách. Với những luận điểm chặt chẽ khoa học và một tình yêu mãnh liệt dành cho đất và người Tây Nguyên, nhà văn Nguyên Ngọc đã chỉ ra những sai lầm rất lớn khi vùng đất Tây Nguyên bị vắt kiệt bởi nạn tăng dân số cơ học có khi lên đến 7%, bởi chính sách khoán rừng đến hộ gia đình không phù hợp. Những kế sách kinh tế sai lầm đã phá vỡ cơ chế xã hội đặc sắc đó là văn hóa làng - rừng của đồng bào Tây Nguyên. Rừng là không gian sinh tồn của làng, mất rừng là mất làng, đồng bào Tây Nguyên không hề có quan niệm tư hữu về cái gọi là hộ gia đình. Chính vì vậy, phát triển ổn định vùng đất Tây Nguyên phải nắm vững tổ chức xã hội của đồng bào Tây Nguyên, hiểu rõ sự bảo tồn không tách rời văn hóa rừng và làng.

Cũng từ góc độ văn hóa, tình yêu dành cho văn hóa Tây Nguyên, nhà văn Nguyên Ngọc đã đề cập hai thành tố văn hóa Tây Nguyên đặc sắc đó là căn phòng chung và sử thi. Dù gọi là nhà gươl (Cơtu), nhà rông (Bana, Xơđăng) hay nhà dài (Êđê)... thì căn phòng chung ấy là linh hồn của làng và tượng trưng cho tinh thần cộng đồng. Ông cho rằng, "giải pháp kiến trúc chẳng hạn cho các căn phòng trong một ngôi nhà Tây Nguyên hóa ra chẳng đơn giản tí nào, chẳng hề đơn thuần là một vấn đề kỹ thuật hay thậm chí một vấn đề thẩm mỹ" vì "từ vị trí, diện tích cho đến trang trí, đều có căn nguyên và ý nghĩa văn hóa xã hội sâu xa" . Sử thi Tây Nguyên đã thực sự làm kinh ngạc thế giới kể từ phát hiện viên ngọc vô giá Trường ca Đam San những năm 20 của thế kỷ trước. Cho đến nay đã có hơn 200 bộ sử thi được sưu tầm, và người ta không thể giải thích được hiện tượng mật độ sử thi kỳ lạ này ở Tây Nguyên. Cũng theo nhà văn Nguyên Ngọc không chỉ kỳ lạ ở số lượng đồ sộ khó tưởng tượng, nó còn kỳ lạ vô cùng ở cách thức biểu hiện trong đời sống hằng ngày của người Tây Nguyên "khi kể sử thi, không phải người ta đọc lại một bản sử thi đã thuộc lòng mà người ta nhìn thấy, nhìn thấy tất cả những cái ấy, tất cả những nhân vật, những cảnh tượng ấy". Trái tim rung động bồi hồi, Nguyên Ngọc kể lại một đêm nghe sử thi để được "nhân cuộc sống của mình lên thêm vô số lần, sống thêm được bao nhiêu cuộc đời khác nữa".

Suốt một đời cầm bút với những năm tháng lăn lộn ở chiến trường sống và viết, rồi những năm tháng hòa bình nhiều trăn trở, suy ngẫm về văn hóa là nỗi lo canh cánh của nhà văn Nguyên Ngọc. Đọc Nghĩ dọc đường, bất chợt tôi nhớ những cánh rừng xà nu bị pháo bắn tan tành, nhưng rồi sau đó như có phép lạ, những chiếc chồi nhỏ lại mọc lên đâm thủng những vết cháy từ thân cây mẹ. Phải chăng sức sống của cây xà nu chính là biểu trưng của những giá trị văn hóa bền vững, và sức sống ấy chỉ bất diệt khi nó được gìn giữ và bảo tồn thường xuyên. Đây cũng là bức thông điệp phát đi từ trách nhiệm công dân của nhà văn gốc Quảng Nam, Nguyên Ngọc.

Xuân Hoàng
(Báo Quảng Nam)
http://baoquangnam.com.vn/van-hoa-van-nghe/van-hoa/1544-nha-van-nguyen-ngoc-va-noi-uu-tu-van-hoa.html

HỌC MỖI NGÀY, DẠY VÀ HỌC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét