Trang

15 tháng 11, 2014

Shwe Myanmar – Miến Điện vàng

P1130972
Một góc của chùa Vàng. Ảnh: Hiệu Minh

HỌC MỖI NGÀY.  Chào ngày mới 16 tháng 11. Hôm nay là quốc khánh của Miến Điện, chúng ta cùng Hiệu Minh đến thăm Shwe Myanmar – Miến Điện vàng. Đất nước đang chuyển mình 


Miến Điện nổi tiếng có  chùa Vàng, và họ cũng thích trang trí bằng vàng, dù đất nước còn nghèo và lầm than. Họ thường gọi là Shwe Myanmar. Nếu đi đúng hướng dân chủ, một ngày không xa, Myanmar trở thành vàng theo cả nghĩa đen và bóng.

Từ Hà nội, chuyến bay VN957 hạ cánh xuống phi trường quốc tế Yangon, tôi không khỏi ngỡ ngàng một khung cảnh hoàn toàn khác so với 2 năm trước đây.

Ấn tượng đầu tiên là tờ khai hộ chiếu và hải quan. Hai năm trước là một trang dài, khai cả tên bố mẹ, quê quán, vợ chồng con cái, tựa như làm hồ sơ xin việc, giống hệt VN thế kỷ trước. Va li bị khám từng cm.

Thế mà hôm nay chỉ vài dòng, tên tuổi, số hộ chiếu, vào đây làm gì bằng một cái tick, ở khách sạn nào, ký roẹt một cái. Qua cửa có chị biên phòng rất xinh, cho tờ hộ chiếu vào scanner (máy quét ảnh), 1 phút/người, nhanh chưa từng thấy. Đến hải quan, đưa va li vào máy kiểm tra, ra đầu kia lấy lại, thế là đã đặt chân lên đất Yangon.

Cũng cách đó 1 giờ 35 phút bay, Nội Bài phải mất 10-20 năm trời, làm thế nào để giữ được truyền thống XHCN, nhưng cuối cùng phải bắt chước tư bản thủ tục thông quan nhanh, mới có được một thủ tục như hôm nay.

Sân bay Nội Bài từng là chiếu trên so với Yangon, nhưng thời nay đã khác. Sân bay của họ sạch, hiện đại và dịch vụ trôi chảy. Từ Hà Nội qua đây, người Việt không thể nghĩ rằng, họ tới từ quốc gia mà mấy năm trước đó ông thủ tướng từng khuyên Myanmar phải dân chủ, báo chí tự do và hội nhập.

Sảnh đi sân bay Yangon. Ảnh: HM
Sảnh đi sân bay Yangon. Ảnh: HM

Chỉ cần nhìn hai sân bay cũng biết Myanmar đang bỏ xa dần Việt Nam, dù Vietel, IT của xứ Việt đang làm mưa gió, như từng xảy ra ở Lào, Campuchia, nhưng chỉ một thời gian sau, người khác nẫng tay trên.

Vào thành phố thấy kẹt xe hơn. Từ sân bay về khách sạn Sule Shang-ri La mất gần 1 tiếng, hai năm trước hết 20 phút. Xe cộ nhiều hơn, tay lái thuận ít dần đi, hầu hết là xe tay lái nghịch theo kiểu Anh quốc. Giá khách sạn từ 280$ nay giảm xuống 210$, chứng tỏ sự cạnh tranh khốc liệt bắt đầu.

Cuối tuần này, Tổng thống Obama dự định đến thăm Myanmar như ông từng đến 2 năm trước đây (19-11-2012), một chuyến đi mang tính mở cửa cho quốc gia này với thế giới bên ngoài.
Như một sự trùng lặp, cả hai lần tôi đến đây, đều thấy Yangon chào đón vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm chứ không phải “vịt què” đang đợi lên máy bay trực thăng số 1 về quê đuổi gà như chúng ta từng đón Bill Clinton hay George Bush.

Từ sau chuyến thăm 2012 đó, Myanmar đã có nhiều thay đổi. Chính quyền thả hàng loạt tù chính trị, phe đối lập được hoạt động công khai, bà Aung San Suu Kyi được tự do gặp gỡ khách quốc tế và đi nước ngoài.

Dẫu tiến trình dân chủ đang bị kêu là giậm chân tại chỗ, bà Aung San Suu Kyi không được phép ứng cử tổng thống vào năm 2015, vì có hai con trai mang quốc tịch Anh, mà hiến pháp hiện hành cấm điều đó. Phe quân đội đang nắm 25% trong quốc hội, khó có chuyện thay đổi hiến pháp có lợi cho phe đối lập. Họ biết chắc chắn nếu bà ứng cử, 80-90% dân sẽ bầu cho bà.

Phía Hoa Kỳ cũng ý tứ cho rằng, thủ lĩnh Aung San Suu Kyi cũng không nên từ biểu tượng (icon) của nền dân chủ để biến thành một nhà chính trị. Vì phía quân đội vốn có tội ác trong quá khứ, tham nhũng lạm quyền tràn lan, của cải giấu không hết, rất sợ phe đối lập thắng lợi và tìm cách trả thù. Myanmar còn một quãng đường xa mới tới dân chủ.

Tuy thế, báo chí không còn kiểm duyệt. Anh bạn IT Aung Htun Lynn nói, đọc báo hàng ngày thấy cả báo chính phủ có quyền phê phán chính phủ, điều mà vài ba năm trước không ai tưởng tượng nổi.

Đi thăm phố Yangon, thấy từ “SHWE” chỗ nào cũng có. Anh giải thích SHWE trong tiếng Myanmar là vàng. Người ta gọi SHWE Myanmar – Myanmar vàng – bởi quốc gia này có rất nhiều vàng, chùa chiền trang trí một mầu vàng. Một dân tộc có tín ngưỡng đạo Phật nổi tiếng thế giới, nhưng giữa thủ đô cũng thấy nhà thờ Thiên chúa mọc lên, cho dù xung đột sắc tộc và tôn giáo đang là thách thức lớn.

Đưa tôi đi thăm chùa Vàng, anh Lynn kể, mỗi dịp xây chùa chiền, hay trùng tu, dù rất nghèo, nhưng dân chúng xếp hàng để đóng góp vàng, tiền. Đạo Phật là quốc đạo nên dân có một niềm tin vững chắc nào đó để mà hướng tới cho ngày mai.

Kiến trúc có chiều sâu trong chùa Vàng. Ảnh: HM
Kiến trúc có chiều sâu trong chùa Vàng. Ảnh: HM

Buổi tối anh đưa đến một trung tâm shopping mall “People Park”, một nơi mua sắm, ăn uống thuộc vào bậc nhất của Yangon, hoàn thành cách đây 6 tháng. Nằm ngay cạnh chùa Vàng nổi tiếng, du khách đi mua sắm, ăn uống, tiện thể bước sang đường, đã vào một công trình chùa vàng thuộc về độc nhất vô nhị trên thế giới.

Khách nước ngoài trả 8$, người Myanmar vào miễn phí vì hầu hết họ từng đóng góp cho công trình vĩ đại này. Phải bỏ giầy dép ngoài cồng, đi chân đất, nhưng không hề bẩn bàn chân, vì sàn luôn sạch bóng. Tuy là buổi tối nhưng vẫn đông nghịt khách vãn chùa,  cầu cúng và thăm viếng trong thanh bình.

Dân tộc từng kiên cường chống ngoại xâm. Sau 1948, giành được độc lập từ thực dân Anh, chính quyền đã đổi Birma thành Myanmar và Rangoon (thủ đô) thành Yangon.

Yangon là ghép hai từ Yan – enemy kẻ thù và gon là bị kết thúc (done – trong tiếng Anh). Yangon là nơi kẻ thù phải khuất phục, đủ nói lên dân tộc này đủ sức đương đầu với mọi thế lực.

Nhưng đã nhiều thập kỷ trôi qua, Yangon bị chính kẻ thù nội địa là độc tài, tàn ác, tham nhũng và ngồi trên pháp luật thống trị, gây ra sự chênh lệch giầu nghèo cao nhất thế giới.

Trong Yangon, bên cạnh nhà ổ chuột, người nghèo đói, là villa hàng triệu đô la, bao bọc bằng thép gai, kín cổng cao tường, xe hơi sang trọng với người đi bộ đói rách, bởi cơ hội cho họ không công bằng đã nhiều năm. Yan vẫn chưa gon – kẻ thù vẫn chưa bị đánh bại.

Tuy nhiên những cuộc biểu tình đòi dân chủ với hàng triệu người tham gia đã làm những kẻ ăn trên ngồi trốc lo sốt vó, không hiểu khi nào thì giống Gadhafi bị dân chúng lôi từ trong ống cống.

Có lẽ vì thế mà Myanmar đang đi theo tiếng gọi của thời cuộc, hướng theo dân chủ khó mà đổi khác, vấn đề là thời gian bao lâu nữa thôi.

Những gương mặt thánh thần trong chùa Vàng. Ảnh: HM
Những gương mặt thánh thần trong chùa Vàng. Ảnh: HM

Khi ra sân bay, tôi vào nhà vệ sinh. Bỗng nghe tiếng hát văng vẳng của cậu thanh niên lao công. Nghe anh say sưa tới 5 phút, chắc thu nhập chỉ vài đô la/ngày nhưng đời anh vẫn vui. Tôi nghe  nhiều người vừa làm vừa hát, nhưng cọ rửa bồn cầu trong nhà vệ sinh mà vẫn ca như anh thì chưa thấy bao giờ. Một tín hiệu của người nghèo đang vượt lên số phận.

Nếu hội nhập đươc với thế giới văn minh, Myanmar không những có chùa Vàng, mà quốc gia này có cả thể chế vàng, đúng như tên gọi Shwe Myanmar. Biết đâu trong vài năm tới, ông thủ tướng quốc gia vàng lại sang VN khuyên về đổi mới, hội nhập, dân chủ và minh bạch.

Hiệu Minh
Yangon 10-11/11/2014


Chùa Vàng. Ảnh: HM
Tín ngưỡng làm nên chùa Vàng và thương hiệu quốc gia. Ảnh: HM
Country on the move - Đất nước đang chuyển mình. Ảnh: HM
Country on the move – Đất nước đang chuyển mình. Ảnh: HM
 
Xem thêm: Vài giờ với Yangon

Video yêu thích

Tình thắm duyên quê và những tuyệt phẩm về quê hương

http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam

Trở về trang chính 
hoangkim vietnam, hoangkim, hoangkimvietnam, Hoàng Kim, Ngọc Phương NamChào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, foodcrops.vnCassava in Vietnam, VietnamAfricaCassavaRice, Khát khao xanh, DayvahocHọc mỗi ngày,  Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Câu chuyện ảnh, 5 phút thư giản, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook  Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sốngThơ cho con
   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét