Trang
▼
27 tháng 8, 2008
Nguyên Ngọc: Tác phẩm
Văn chương của một nhà văn hóa công dân
Thu Hà
Tuổi Trẻ Online - Bộ sách Nguyên Ngọc - tác phẩm (NXB Hội Nhà Văn) với hơn 2.000 trang vừa ra mắt bạn đọc ngay những ngày đầu năm 2008.
Mãi đi, mãi làm, mãi dịch; Nguyên Ngọc hình như đã quên mất là phải tập hợp lại những gì mình đã trải nghiệm, đã viết ra để in thành một cái gì đó ra tấm ra món. Thật may vì ông còn nhiều học trò, đồng nghiệp, đàn em yêu quí, trân trọng thành quả lao động của ông và muốn nó đến được với nhiều người.
Vì thế, ba tập sách dày hơn 2.100 trang của bộ Nguyên Ngọc - tác phẩm đã ra đời. Tập một là các tác phẩm để đời của ông: tiểu thuyết Đất nước đứng lên, Đất Quảng, truyện ngắn Rẻo cao, Rừng xà nu, bút ký Đường mòn trên biển Đông, Đường chúng ta đi...
Tập hai là các tiểu luận, nghiên cứu về hai vấn đề mà cả đời ông theo đuổi và càng về cuối đời ông càng gắn bó bức thiết và máu thịt với nó: Tây nguyên và giáo dục văn hóa VN. Tập ba là phần của "người truyền bá”: những tác phẩm kinh điển của văn học và lý luận văn học thế giới: Độ không của lối viết (Roland Barthes), Những di chúc bị phản bội (Kundera), Phi thực dân hóa tiểu thuyết (Coetzee), Dạy văn trong nhà trường để làm gì? (Fumaroli)...
Gần 60 năm của một đời cầm bút, cho dù sự dịch chuyển và bứt phá của nhận thức theo thời gian và thời sự là rất rõ, người đọc còn thấy rõ hơn nữa một sự chung thủy, trung thực và quyết liệt với tất cả những đối tượng được viết đến và với chính bản thân mình của người viết. Cái cốt lõi cứng rắn và trong suốt như kim cương ấy khiến người ta có thể đọc lại Đất nước đứng lên, Rừng xà nu hay Đường chúng ta đi mà không bị cảm giác khiên cưỡng của thứ văn chương minh họa, văn chương khẩu hiệu một thời.
Cũng với tình cảm ấy, đọc Đường mòn trên biển Đông, ông viết về những kỳ tích của đoàn tàu không số 40 năm trước, vẫn thấy hiển hiện tình yêu nồng nàn thủy chung của ông dành cho đồng đội, cho cuộc sống hôm nay, dù lúc đó ông đang ở trong những năm tháng cay đắng nhất của đời người, đời văn.
Gần 20 năm nay, ông say sưa và trăn trở với sự phát triển đầy mâu thuẫn của Tây nguyên, đồng thời với việc ông và các bạn kêu gọi vận động cải cách giáo dục VN. Tất cả bài viết của ông về hai vấn đề này đều đã đăng trên các báo, chủ yếu là Tuổi Trẻ, Tia Sáng và Doanh Nhân Cuối Tuần. Đọc rồi và đọc lại một cách có hệ thống, chợt nhận ra ông đã nhận thấy, đã trăn trở rất lâu trước khi viết để có thể vượt qua những nhận thức, những định kiến của con người và thời đại mình - từ những năm 1980 trước thời khắc mở cửa.
Cầm ba tập sách nặng trĩu trên tay mà thấy lòng nhẹ bỗng: thế ra ông đã qua cái tuổi xưa nay hiếm được năm năm, thế ra ông đã viết "cho mình" được quá ít so với tài năng của ông, so với tâm huyết của ông. Vì ông đã dành quá nhiều thời gian và công sức cho việc giành quyền được viết cho những tài năng khác.
Nhưng dù sao cũng vui mừng chúc mừng ông, với món quà đáng trân trọng mừng ông 75 tuổi.
Cảm hứng về thời kỳ hội nhập
"Tác phẩm vừa là tập hợp những tác phẩm của Nguyên Ngọc từ trước đến nay, vừa là cảm tình của anh em đồng nghiệp nhân kỷ niệm tuổi 75 của anh" - nhà văn Trung Trung Đỉnh, người trực tiếp thực hiện bộ sách Nguyên Ngọc - tác phẩm, cho biết.
* Như vậy là đến tuổi 75, nhà văn Nguyên Ngọc có một tập hợp tác phẩm ra mắt bạn đọc, có thể hình dung sự qui mô của bộ sách này như thế nào, thưa ông?
- Bộ sách này được chọn theo ba tuyến nội dung, tương đương với ba tập: tiểu thuyết - truyện ngắn; bút ký - tiểu luận; dịch thuật. Số tác phẩm được chọn chưa phải là tổng tập, nhưng nhiều hơn tuyển tập. Các tác phẩm của Nguyên Ngọc được tuyển chọn ngay từ những sáng tác đầu tiên cho đến những bài báo, tiểu luận đăng trên các báo gần đây.
Đặc biệt, phần đóng góp về dịch thuật của Nguyên Ngọc rất lớn cho nền học thuật và văn chương nước nhà. Các tác phẩm dịch thuật của Nguyên Ngọc thì tác phẩm nào tôi cũng thích, chẳng hạn như tiểu luận về Kundera. Và còn một số tác phẩm dịch nữa, về dân tộc học, chúng tôi chưa đưa vào, vì muốn in các nội dung văn chương trước. Xuất bản cả phần dịch thuật, thì cái nhìn về nhà văn Nguyên Ngọc mới toàn diện hơn.
* Cùng là người lính cầm bút, ông nhận thấy cảm hứng nổi trội của bộ Nguyên Ngọc - tác phẩm này như thế nào? Việc thực hiện ba tập sách này cũng là cảm tình ưu ái của NXB Hội Nhà Văn dành cho nhà văn Nguyên Ngọc?
- Với các tiểu luận, bài báo của Nguyên Ngọc gần đây, có cảm hứng của thời hội nhập, có những vấn đề văn hóa dân tộc được đặt ra để cùng suy ngẫm.
Anh em NXB Hội Nhà Văn ngưỡng mộ anh Nguyên Ngọc lâu rồi, với tôi, Nguyên Ngọc là bậc đàn anh. Nên chúng tôi không định làm tuyển tập, vì nói thật, chúng tôi mà "tuyển" Nguyên Ngọc thì vô duyên lắm. Sở dĩ lâu nay chưa làm có một phần là chính anh Nguyên Ngọc cũng không khoái chuyện này lắm. Cho nên, nhân năm nay kỷ niệm sinh nhật lần thứ 75 của Nguyên Ngọc, tôi thuyết phục được anh đồng ý cho NXB Hội Nhà Văn làm bộ sách này.
Hơn 2.000 trang sách, cũng có cái thuận lợi là được xuất bản theo diện Nhà nước tài trợ. Sau bộ tác phẩm này, chúng tôi sẽ bắt tay làm tổng tập Nguyên Ngọc - cũng là một niềm vui tiếp theo.
Lam Điền thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét