Trang

27 tháng 8, 2008

Tìm gì ở du lịch Miền Tây Nam Bộ?



Nguyên Ngọc

Tại hội thảo Xóa đói giảm nghèo với du lịch cộng đồng (do Bộ Văn hóa - thể thao & du lịch và UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức tại Vĩnh Long ngày 26-10-2007) nhà văn Nguyên Ngọc có bài tham luận mà báo Tuổi Trẻ đã trích đăng dưới tiêu đề: “Du lịch bao giờ cũng là văn hóa”. Được phép của nhà văn, Mblog đăng nguyên văn dưới đây:
Trước hết xin cho tôi được nói đôi kỷ niệm nhỏ và mấy cảm nghĩ. Tôi rất yêu vùng đất Nam Bộ, đặc biệt Miền Tây, theo tôi là một trong những xứ đất và người kỳ thú nhất ở nước ta. Có một thời gian gặp khó khăn trong đời sống và công việc, tôi đã lang thang dưới này mấy năm và có một số bạn đã trở thành thân thiết, hồi ấy các bạn trẻ thường đùa bảo tôi “nếu chú cần “cư trú chính trị” thì cứ vô đây bọn cháu nuôi”. Miền Tây đương nhiên cũng như mọi miền đất khác, là thiên nhiên và con người, và thiên nhiên cùng con người ở đây thì quả thật rất độc đáo, con người hồn hậu mà mạnh mẽ và phóng khoáng như thiên nhiên, tự do và nghệ sĩ tận trong đáy tâm hồn. Hình như trên thế giới các vùng miền nam đều vậy, miền nam nước Pháp, ai từng đọc Tartarin de Tarascon của Anphonse Daudet đều biết, lãng tử, phiêu lưu, tự do, hơi khoát lác rất đáng yêu kiểu bác Ba Phi. Miền nam của châu Mỹ cũng vậy, với Cuba, Brasil, Chilê … thật lạ, hiện đại mà cổ xưa, tự do và phóng đạt, hoành tráng và nồng cháy. Các vùng cực nam càng đặc biệt. Miền Tây là cực nam của đất nước, của Nam Bộ. Tôi có biết một câu ca dao hẳn do một anh chàng lãng tử Miền Tây nào đó cao hứng ứng tác để tự nói về chính mình: “Ra đường thấy vịt cũng lùa, thấy duyên cũng bén, thấy chùa cũng tu!”. Có lẽ đấy chính là tâm hồn con người Miền Tây. Ở miền Bắc chặt chẽ nề nếp, ở miền Trung cần cù và khắc nghiệt chắc chắn không thể có thế, chỉ Nam Bộ, chỉ Miền Tây mới được vậy. Hồn nhiên và tự do đến thế là cùng, gặp chùa ta ghé vào tu cái chơi, rồi vừa từ chùa bước ra, đầu chưa kịp chớm tóc, đụng duyên liền cứ bén bừa, tội gì để uổng của đời, còn vịt của ai đó giữa đường thì cứ coi là vịt của đất trời, tiện tay lùa luôn có sao đâu! … Tôi nhớ những chuyến đi về Rạch Gốc, ngày ấy tàu đò từ Năm Căn xuôi rạch Gốc lang thang mất hơn nửa ngày đường, thiên nhiên hoang sơ và nguyên vẹn, con người thì, theo con mắt kinh ngạc của tôi, kết hợp một cách lạ lùng giữa văn minh và hoang dã, một sự kết hợp thật tài tình, hài hoà, mà dễ dàng, tự nhiên như không. Tôi cũng từng lang thang hơn nửa tháng trời trên gần trăm hòn đảo có người và không người của huyện đảo Kiên Hải, nơi còn dày đặc dấu vết cuộc đào tẩu của Gia Long trên con đường theo đuổi sự nghiệp thống nhất quốc gia khó nhọc của ông, dẫn theo không biết mấy bà phi và không ít bà đã bỏ mình lại giữa chốn biển khơi này, nay còn rải rác những miếu thờ trên một số hoang đảo ấy. Không biết bây giờ ở đấy có ai là hậu duệ của các bà phi ấy không mà, ai từng đến đấy đều có thể nhận ra ngay, con gái “hòn” (ở đấy người ta gọi đảo là “hòn”) rất đẹp! … Thôi, tôi đành phải dừng lại thôi, kỷ niệm cứ ùa về, tràn đầy… Tôi yêu và mê Miền Tây như vậy, nhưng chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện viết về miền đất và người ở đấy, trừ đôi bút ký nhỏ và rụt rè, bởi tôi biết tôi sẽ không bao giờ có thể nắm bắt được cho thật đúng cái hơi thở nồng đậm có một không hai, không bao giờ nói được cho thấu về đất đai, sông nước và con người ở đây, từ hình dáng, tâm tình, suy nghĩ, tính cách … cho đến ngôn ngữ giàu có đến kỳ lạ của họ. Không bao giờ tôi có được khả năng phả vào trang văn của mình một “hương rừng Cà Mau”, không bao giờ theo được Đoàn Giỏi, Nguyễn Quang Sáng, Ngô Khắc Tài…, và đặc biệt phát hiện quan trọng của văn học ta mấy năm nay: Nguyễn Ngọc Tư. Nhân đây tôi muốn nói qua đôi chút về tác phẩm đặc sắc “Cánh đồng bất tận” của cô gái đầy tài năng bất ngờ này. Tôi nghĩ, nếu đem văn học ta ra “nói chuyện” với thế giới bây giờ, thì với “Cánh đồng bất tận” ta chẳng phải sợ bất cứ ai hết, thật vậy đấy. Theo tôi, “Cánh đồng bất tận” là tác phẩm rất quan trọng để hiểu Miền Tây (tất nhiên không phải chỉ hiểu Miền Tây, mà hiểu con người và cuộc đời; nhưng ở đây là ta đang nói chuyện Miền Tây). Nó cho thấy rằng trong những con người trông chừng rất lầm lũi, đến mức gần như hoàn toàn hoang dã, hoang dại ấy, lại chất chứa cả một thế giới đời sống nội tâm sâu thẳm, phong phú, phức tạp và đẹp đẽ biết dường nào, đẹp đẽ hiểu theo nghĩa là con người với tất cả những hạnh phúc và đau khổ, ước vọng cùng tình yêu thống thiết, thâm trầm và đau khổ đến xé nát kiếp người, thậm chí cả mấy kiếp người nối tiếp, hỷ nộ ái ố, yêu thương và căm hận, khoan dung và trả thù, hiền hoà và dữ dội, thiện và ác, chẳng thiếu chút gì và đều đến cùng cực, vô cùng con người, vô cùng “nhân loại”, vô cùng phức tạp (cuộc đời này vốn đẹp chính vì nó rất phức tạp. Một cuộc đời đơn giản, vô sự, thì thật nhạt thách, chán phèo!), chẳng hề thua kém về độ “người” so với con người ở bất cứ đất nước hiện đại và văn minh nào. Đây là một tác phẩm đậm đặc tính nhân bản. Và nó bộc lộ tính chất nhân bản sâu xa của một vùng đất xa xôi tít tắp và hoang vắng mà lâu nay ta thường chỉ lấy làm thích vì trông nó có vẻ rất lạ, thậm chí rất thô sơ, thô thiển, “lạc hậu”. Vậy đó, cũng không ít đâu những người quan niệm và chủ trương lấy chính cái “lạc hậu”, cái hoang dại của một số vùng đất và người làm “hàng độc” để câu khách du lịch. Càng cố tình đẩy cái thô thiển, lạc hậu ấy lên thì càng tạo ra được hàng độc, càng đắt giá... Tôi nghĩ rằng điều này có liên quan chặt chẽ và rất quan trọng đối với đề tài ta đang định bàn hôm nay. Vậy xin thử góp đôi ý kiến lạm bàn, để thử cùng suy nghĩ.

*
Tôi không phải là chuyên gia về miền Tây, song do yêu mến vùng đất và người nơi này nên cũng thường suy nghĩ về một số vấn đề ở đây. Tôi chú ý đến hai vấn đề, quan tâm và trằn trọc, trước hết là để cố thử tự lý giải cho chính mình.

Một là: những ai từng đến miền đất này trước đây mươi, mươi lăm năm chắc không thể không nhận thấy và ít nhiều có một băn khoăn, thậm chí lo lắng và ray rứt: Miền Tây ngày nay, đương nhiên cũng như mọi miền đất khác của nước ta, tất phải hiện đại hoá và trong thực tế đang hiện đại hoá rất nhanh. Hiện đại hoá có phá vỡ, đến làm biến mất đi những nét độc đáo vẫn được coi là “đặc sản” độc nhất vô nhị của thiên nhiên cùng con người, và từ đó cả văn hóa của Miền Tây không? Gần đây tôi có trở về Năm Căn, Kinh Năm, Rạch Gốc, cả bên phía Sông Đốc, Đầm Cùng, Đá Bạc… Không còn những chiếc tàu đò nặng nề mà thú vị rời bến Cà Mau tờ mờ sáng, ì ạch tối mịt mới về tới Năm Căn, lại gần một ngày nữa lang thang hết sống lớn đến kinh, đến rạch, đến tắc, đến vàm kín bưng những đước cùng mắm và chằng chịt như mạng nhện, mới tới Rạch Gốc. Bây giờ thì hết rồi, toàn ca nô cao tốc và tàu cánh ngầm, hùng hổ phóng như điên, hỗn hào đánh giạt những chiếc võ lãi ngày trước thơ mộng là thế, nay không thật khéo tay là bị lật nhào chìm ngĩm ngay. Và các bờ kinh thì bị sóng ca nô đánh cho lỡ lói tan tành, nham nhở, hai bờ kinh như hai dãy vết thương rớm máu bùn đen, nhà hai bên kinh đổ nhào cả xuống sông, may lắm còn lại được một bức tường hay vài cây cột trơ trụi. Còn rừng thì năm này qua năm khác, năm nào cũng bị phá và bị cháy, Đồng Tháp Mười rồi U Minh, hết tràm đến đước, sự tàn rụi của một vùng rừng ngập mặn và ngập nước vào loại quý nhất trên trái đất coi như cầm chắc rồi… Cái hiện đại đang đánh tả tơi cái trong trắng, hoang sơ và thơ mộng hôm qua một cách không thương tiếc. Quả thật có một mâu thuẫn, cũng có thể gọi là một thách thức không nhỏ, không dễ, hăm hở, ồ ạt và dữ dằn giữa cái đi tới gấp gáp và cái biến đi từng ngày, cái được ồn ào của hôm nay và cái êm lặng trầm tĩnh của hôm qua - mà nghịch lý thay, cũng lại là của ngay mai, biết đâu đấy, bởi đến một lúc thật giàu lên rồi, quay nhìn lại thì có tiếc đến đứt ruột và dẫu có ngàn vàng cũng không mua lại được. Nhưng chẳng lẽ dừng lại mãi trong nổi tiếc nuối hoài cổ? … Cũng chính Nguyên Ngọc Tư đã có một tạp bút rất hay nói về điều này, liên quan trực tiếp đến chính câu chuyện du lịch chúng ta đang bàn đây: ấy là chuyện một ông già ở cuối Xóm Mũi Năm Căn giận dữ phản ứng với các chú làm du lịch cứ muốn buộc ông cứ phải sống mãi trong cái chòi rách nát trống trơ của ông ở nơi cùng trời cuối đất ấy … để cho họ làm du lịch, có thế thì mới là “độc đáo”, mới là của lạ trong mắt khách du lịch, để cho khách đến ngắm xem và trầm trồ, nhất là khách Hà Nội, khách Tàu, khách Tây, mới là “sản phẩm du lịch đắt giá”, mới là “hàng độc” của xứ lạ, lia lịa chụp ảnh, quay phim mang về làm kỷ niệm và khoe với bạn bè ở Hà Nội hay ở bên Tây, bên Tàu. Ông già ấy mà cải thiện được đời sống, xây được một cái nhà đàng hoàng thì còn gì là “độc đáo Đất Mũi” kỳ lạ và hấp dẫn nữa! Người ta bỏ tiền ra là để mua cái cảnh nghèo xác xơ đến chừng man dã kia cơ! Ngành du lịch thì quyết giữ sao cho ông già thật lạc hậu, con ông già thì giận dữ đòi cũng phải trở nên người văn minh như ai… Vậy đó, có một xung đột thật sự, và xung đột đó thường diễn ra nhất chính là trong các vấn đề không dễ lý giải của ngành du lịch! Câu chuyện của Nguyễn Ngọc Tư chỉ là một ví dụ, nhưng là ví dụ khá điển hình. Nó đặt một câu hỏi vậy mà thật lớn và không dễ chút nào. Tôi không được biết ngành du lịch đã và đang nghĩ gì về chuyện này. Vừa rồi tôi có đi Tây Nguyên và thấy ở Tây Nguyên cũng đang có những vấn đề tương tự. Cuộc sống đi tới, hiện đại hoá tất yếu đang làm chuyển động mọi mặt đời sống, trong đó có cả những giá trị văn hóa truyền thống, và sự chuyển động đó không hề là một chiều, mà đầy nghịch lý, từng ngày. Những vấn đề giữa đi tới và gìn giữ, được và mất cũng gay gắt chẳng kém gì dưới này. Tôi chỉ mới nghĩ được đến một hướng: vì sự biến đổi, biến động là tất yếu, tức ở ngoài mong muốn và ý chí của chúng ta, vậy không nên và dẫu có nên và có muốn thì thật ra cũng chẳng có cách gì cưỡng lại được. Trái lại rất có thể chính trong chuyển động đó lại đang nảy sinh ra cái độc đáo mới. Hà Nội hay Sài Gòn chuyển động sang hiện đại thì có gì là lạ. Tây Nguyên hay Miền Tây, Cà Mau, Năm Căn, Rạch Gốc, Kinh Năm … chuyển động mới là lạ, mới thật thú vị và hấp dẫn. Có phải chính sự chuyển động khó khăn đó ở những vùng đất đặc biệt này và trong những con người này lại có thể chính là sản phẩm du lịch mới độc đáo của chúng ta? Có lẽ nên có một cách nhìn lại như thế chăng, đối với du lịch, quan niệm về du lịch, sản phẩm du lịch.

Tôi có anh bạn người Pháp tên là Boris Lojkine, vừa là giáo sư triết học vừa là nhà làm phim tài liệu tài năng, tác giả bộ phim rất hay “Những linh hồn phiêu dạt” về đề tài đi tìm mộ liệt sĩ sau chiến tranh ở nước ta. Vừa rồi anh đã trở lại Việt Nam và định làm một phim mới về các dân tộc thiểu số ở miền Trung. Tôi có giúp anh đi khảo sát ở vùng rừng núi và dân tộc Quảng Nam. Đi về anh rất thất vọng, vì những gì anh hình dung về một cảnh sắc văn hóa dân tộc độc đáo hoá ra đã mất gần hết rồi, nhà sàn đã thành nhà đất, mái tranh thành mái tôn, rừng núi thì xác xơ, nóng kinh khủng, thanh niên trong làng đường núi gập gềnh vậy mà phóng xe máy như điên (và tất nhiên không hề đội mũ bảo hiểm!). Ở đây cũng vậy, cái truyền thống độc đáo đang bị đánh lùi, dữ dội và hỗn hào, cái mới đang đến, hăng hái mà rối rắm … Chúng tôi có ngồi với nhau một đêm sau chuyến đi của anh, tâm sự đến khuya, và cuối cùng chúng tôi nhận ra điều này: sự chuyển động ở những vùng ấy là tất yếu, cái hỗn độn, cả mất mát nữa trong chuyển động ở đó cũng là tất yếu, đấy là cuộc sống, một cuộc sống đang vật vã chuyển mình, tìm hướng đi tới cùng thiên hạ và hết sức khó nhọc trong việc cố giữ sao cho mình vẫn là mình, không đánh mất mình mà lại phải đi tới được cùng người, không bị bỏ rơi lại phía sau ngày càng xa. Cuộc sống không dừng lại, bất chấp mọi nuối tiếc của chúng ta. Hình như bản chất con người vốn là luôn hoài cổ. Mà cái đẹp thì chính là ở trong sự chuyển động không ngừng, không gì ngăn được của cuộc sống. Nếu quả thật anh là một nghệ sĩ có tài thì anh có thể sẽ làm được một bộ phim rất hay, rất độc đáo về cuộc chuyển động cũng rất độc đáo của những dân tộc đang phải vượt qua những chặng đường, thậm chí những giai đoạn lịch sử không hề nhỏ, để là những dân tộc độc đáo tồn tại được cùng và giữa thế giới hiện đại … Tôi biết trở về Paris, Boris đang ấp ủ kịch bản cho một bộ phim mới như thế, và anh đang tìm tài chính cho bộ phim ấy. Có thể sẽ lại có được một bộ phim mới rất hay, và đầy gợi ý cho chính những vấn đề chúng ta đang bàn hôm nay.

Tôi kể câu chuyện này để xin thử gợi ý có phải “sản phẩm” du lịch văn hóa ở Miền Tây của chúng ta mà chúng ta sẽ định đem chào hàng cùng khách du lịch bốn phương không phải, không nên là những “phục chế” giả cái hoang dã đang mất đi (một cách tất yếu), đóng kịch trở lại như kiểu đám cưới thì lại phải áo dài khăn đóng, giả và diễn, để lừa chào khách. Mà là đưa khách cùng vào thâm nhập, thấy, hiểu được con người, văn hóa ở đây đang vật vã và dũng cảm chuyển động như thế nào để trở nên những con người Miền Tây, thật Miền Tây mà cũng sẽ thật hiện đại như ai. Tất nhiên trong cuộc chuyển động khó khăn, vật vã đó, có cái, có chỗ đã và đang thành công, có chuyện, có nơi đang rối rắm, rất rối rắm, thậm chí cũng không ít cái đổ vỡ, thất bại. Tất cả đều quý, và tôi nghĩ đưa người khách du lịch thật sự đến, biết, hiểu được tất cả những cái ấy thì sẽ là thật sự trao cho họ một sản phẩm du lịch rất quý, rất lạ và hiếm, rất đắt giá, cả sâu sắc nữa. Tôi tin con người Miền Tây, với chiều sâu nhân văn không khoa trương, ồn ào mà thâm trầm theo cách rất riêng của mình, đang và sẽ có cách đi của mình, hẳn rất độc đáo, trên đường hiện đại hoá tất yếu. Đang và sẽ có một kiểu văn hóa mới của riêng Miền Tây, độc đáo chẳng kém xưa, trong phát triển hôm nay. Du lịch bao giờ cũng là văn hóa, là trao đổi văn hóa, là hành động của những con người tìm đến với nhau bằng văn hóa, qua văn hóa. Du lịch rất cần tìm hiểu cho ra sự chuyển động và hình thành văn hóa mới của chuyển động đó trên vùng đất này để làm món “hàng độc” của mình. Tôi mong trong hội thảo này chúng ta thử trao đổi về nội dung và phương hướng du lịch ấy ở Miền Tây xem sao. Cần tìm một hướng đi mới, và theo tôi hướng đi đó chính là một hướng đi văn hóa, theo nghĩa sâu xa và cũng rất thời sự của văn hóa.

Còn một điều thứ hai hẳn không thể không quan tâm và không nói đến: đồng bằng Miền Tây, như ai cũng biết, là vựa lúa lớn nhất nuôi sống cả nước, nhưng nông dân ở đây lại nghèo, rất nghèo, và cái nghèo đó đã và đang đưa đến những vấn đề xã hội không lấy gì làm vui, có khi còn đau đớn nữa. Chắc ai cũng biết hàng vạn cô gái lấy chồng Hàn, chồng Đài, hàng trăm cô gái kéo lên thành phố tập họp, sắp hàng, làm cả những gì đó nữa để cho vài ba kẻ nước ngoài kệch cỡm và lố bịch “xem mắt”, những cô gái mơm mởn, hiền hậu và hiếu thảo của vùng đất đẹp biết bao này đã phải ném đời mình vào cuộc phiêu lưu may ít rủi nhiều ấy để cứu gia đình, mong mang lại một chút thư thới cho cha mẹ mình trong tuổi già, cho các em của mình được đi học, các cô gái ấy đều phần lớn từ Miền Tây này ra đi. Muốn nói gì thì nói, đây là một vết thương trong đời sống đất nước chúng ta hiện nay, của chính mỗi chúng ta, mà chúng ta nhất thiết không thể làm ngơ. Chúng ta đang bàn đến chuyện du lịch cộng đồng ở Miền Tây. Tại sao không nghĩ đến việc tìm mọi cách đưa lực lượng ấy vào dự án du lịch của chúng ta, như một trong những mục tiêu quan trọng nhất của dự án, hay đúng hơn, của công cuộc xã hội quan trọng này. Một số anh em chúng tôi ở Miền Trung đang làm một trường đại học, trong đó một trong những khoa quan trọng mũi nhọn là khoa du lịch. Và trong khoa du lịch, bên cạnh các lớp chính quy, đào tạo nhân lực cao cấp cho nhu cầu du lịch cao cấp đang phát triển mạnh ở ta, chúng tôi chủ trương rất coi trọng việc mở những lớp ngắn hạn về du lịch nhằm đối tượng là cộng đồng dân cư rộng rãi và bình thường, để giúp họ chuyển nghề khi các ngành kinh tế đang phát triển sẽ đẩy người nông dân ra khỏi đồng ruộng của họ. Chẳng hạn những lớp ngắn hạn mươi, mươi lăm ngày, vai ba tuần, một tháng … về dịch vụ du lịch cho các ông chủ nhà để khi có thể họ làm được kiểu du lịch home stay, hoặc những chỉ dẩn chuyên môn tối thiểu về du lịch và ngoại ngữ cho người dân thường làm hướng dẫn du lịch. Ở Népal có một lực lượng hướng dẫn leo núi là nghề hết sức cần thiết và có thể đem lại thu nhập cao. Tất nhiên ta không phải là Népal và không có Himalaya, nhưng ta có Đồng Tháp Mười, có U Minh Thượng và Hạ, có biển và hàng trăm đảo huyền ảo Kiên Hải, có những cách đồng mênh mông và sông nước tuyệt đẹp … Tôi hình dung, được huấn luyện không nhiều và chắc cũng không khó khăn lắm, các chàng trai, cô gái rất lanh lợi, thông minh, chất phác và đôn hậu của chúng ta ở vùng đất này làm hướng dẫn du lịch cho khách xa đến, hẳn sẽ rất thú vị và hấp dẫn. Chắc chắn không ai hiểu đất và người ở đây bằng họ, cũng không ai hiểu đến thấm thía những chuyển động xã hội đang diễn ra ở đây sâu, sát cho bằng họ… Ít ra, hãy thử làm xem. Sẽ là đóng góp xã hội lớn lắm của ngành du lịch nếu chúng ta góp phần tích cực “giải phóng” được hàng vạn chị em đồng bằng này ra khỏi cái dịch vụ đang là mối ô nhục có người đã gọi là có tính cách quốc thể kia.

Để làm được, hẳn phải tiếp tục nghiên cứu kỹ lắm, tìm hiểu chi ly và tổ chức tận tuỵ, chu đáo lắm. Nhưng chắc chắn đây là việc lớn rất đáng bỏ trí tuệ và công sức để làm cho kỳ được. Vì nhân dân, vì Miền Tây thân yêu của chúng ta. Mong sao ngành du lịch thật sự vào cuộc, đúng như chủ đề của hội thảo này, du lịch cộng đồng, vì cuộc sống của nhân dân.

Một số ý kiến thô thiển của một người chắc chắn là không am hiểu bao nhiêu vùng đất này, nhưng từng và vẫn thiết tha yêu mến nó, xin trình bày. Rất mong được trao đổi.

Tháng 10-2007

Ảnh: Trương Công Khả, Metinfo

Nguồn: Được đăng bởi Mblog tại 11/04/2007 05:51:00 CH

Nhân: Bàn tròn chuyện nghề du lịch, Chuyện dưới bóng dừa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét