Trang

10 tháng 10, 2008

Sài Gòn - Hà Nội đi vào đi ra



Nguyễn Thị Ngọc Hải

Sài Gòn - Hà Nội, đi vào đi ra không còn chỉ than thở tiếc cái đã mất, mà là phải làm cái gì hữu ích, khôn ngoan để gửi vẻ đẹp và thêm vào nhiều vẻ đẹp mới…

Hình như chỉ những người lãng mạn, làm văn hóa mới hay tiếc nuối một Hà Nội xưa đẹp cổ kính, êm đềm, còn các vị hoạt động kinh tế, xây dựng thì cho rằng, mô hình phát triển đô thị này không có lựa chọn nào khác. Hà Nội rồi cũng là một chủng loại thành phố như một “công trường xây dựng” nhiều nhà cao tầng với các phố lớn trung tâm, các nút giao thông lập thể, không tránh khỏi phá hủy nhiều khu đô thị truyền thống.

Đô thị uốn nắn tính cách

Nhiều người bây giờ vào ra Hà Nội – Sài Gòn như đi chợ. Ngoài công việc, hội nghị, du lịch, còn bay ra bay vô ăn cưới, đám giỗ, thăm người ốm đau hay đơn giản chỉ là đi vào tránh rét, đi ra hưởng mùa thu vàng.

Tôi có hai người bạn cùng là dân Hà Nội vào Sài Gòn sống đã lâu. Một người đang đi du lịch Mỹ, mail về kể rằng, nếu có ai hỏi tôi thích nhất gì ở nước Mỹ, tôi sẽ trả lời, thích nhất hai thứ, thông tin và… cái toilet. Còn người bạn ở Sài Gòn trả lời là vừa mới đi Hà Nội về, nhưng mà không còn cảm giác được sống ở Hà Nội như những ngày xưa nữa.

Vì sao vậy? Gia đình, bà con họ hàng ai cũng khá lên, xây nhà khang trang, nhưng đều giống nhau ở chỗ chạy bạt ra ngoại ô. “Ngã tư khổ” (Ngã Tư Sở) bây giờ khang trang nhà cửa. Có thể nói, Hà Nội bây giờ có ba thành phần khá rõ: Dân buôn bán ở 36 phố phường cũ với cái tên đầu là “Hàng”. Họ sửa chữa nhà đã cũ, ngồi trên đống vàng buôn bán, coi nhu cầu sinh hoạt là thứ yếu. Nơi đó chỉ nên đến xem, mua bán, chứ không ai muốn ở. Còn thành phần thứ hai là lý tưởng nhất: Nhà gốc gác đủ giàu để trụ lại, không phải bán đi để ra ngoại ô xây nhà. Họ sống ở các phố Tây sang trọng quanh hồ Gươm, hồ Thuyền Quang, các con phố lớn Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hàng Chuối, xung quanh Chợ Hôm, Cửa Nam, Ba Đình, hay các phố có tên “làng quê” như Xóm Hạ Hồi toàn vila sang trọng. Thành phần thứ ba có thể nói là dân nhập cư vào Hà Nội sau này, dù đã ở rất lâu nhưng không phải “gốc”, đều làm nhà phố ở ngoại ô, sống trong các khu hẻm chợ, trường học. Dù họ có sắm ô tô và có nhà lầu đấy, nhưng xe phải đem gửi vì không vào được ngõ, ngách.

Nhiều người ngoại quốc nhìn Hà Nội không chỉ nói êm đềm thơ mộng với các trí thức đội mũ nồi, áo vải nhăn, đạp xe quanh Bờ Hồ như ngày họ tới Việt Nam. Bây giờ, như ông Franz Xavier Augustin nhận xét trên báo chí: “Hà Nội cổ hơn hẳn những Bangkok, Manila, Jakarta, và tất nhiên, cả Sài Gòn. Dù những thay đổi ùa vào, vẫn có sự kháng cự sự đồng nhất hóa nhàm chán kiểu các đô thị lớn toàn cầu, chống lại việc dỡ bỏ cả một quận như ở Trung Quốc, chống lại nguy cơ McDonald hóa như Sài Gòn, Manila... Một địa điểm lịch sử, không dễ làm hỏng”.

Thật ra Hà Nội bây giờ có tất cả những gì Sài Gòn có. Một cặp vợ chồng nọ có việc nhà phải ra Hà Nội, đóng thùng măng cụt đang mùa, để làm quà cho bà con anh em những nơi sẽ ghé thăm. Vậy mà khi ra tới nơi, sau khi quà phát hết, còn thiếu, chỉ việc mua ngay từ những người buôn thúng bán mẹt các ngõ hẽm cũng đầy măng cụt tươi rói, mà lại… rẻ hơn Sài Gòn mới lạ chứ!

Nhiều anh chị em tự ái khi nghe người thân từ Sài Gòn ra lại đi ở khách sạn. Các anh chị em ai cũng khấm khá, nhà cao cửa rộng không ở, lại đi ở khách sạn! Nhưng chính nhờ cuộc ở khách sạn đó, chị mới phát hiện thêm vẻ đẹp mà trước sống ở Hà Nội, chị không biết. Giống như thời chiến tranh, chị sống ngay ven Hồ Tây, bận làm ăn sấp mặt, có bao giờ nhìn thấy “bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời” như Trịnh Công Sơn nhìn thấy đâu. Lần ra này, chị ở một khách sạn nhỏ số 60 đường Ấu Triệu. Đó là con phố nhỏ xíu bên hông Nhà Thờ lớn Hà Nội, đẹp và thú vị bất ngờ. Ông chủ nhà tên là Quang, một kỹ sư, người Hà Nội gốc, đã nghỉ hưu. Nhà của ông cho thuê kinh doanh khách sạn. “Tôi ở đây từ bé. Xưa phố rất êm đềm, chỉ có hai dãy ngói một tầng. Chín chục phần trăm dân theo đạo, nay cũng đã đi mất nhiều. Chỉ còn độ 20% dân cũ. Người mới đến sống ở Hà Nội, họ kinh doanh , sống kiểu đô thị, nhà nào biết nhà ấy, nhưng nói chung lịch sự, đứng đắn. Trung tâm vậy nhưng rất yên tĩnh, nên thơ. Khách Tây nhiều, họ thường thuê loại phòng 600 ngàn đồng. Và họ quí giấc ngủ vô cùng sau một ngày đi khám phá. Khách trong nước ở miền Nam ra, Việt kiều về, cán bộ các tỉnh ra họp hành, công tác thường chọn loại phòng nhỏ 450 ngàn. Ở phố nhỏ này nhà không được phép cao quá 5 tầng. Một căn nhà rộng khoảng 70 mét vuông có giá 15 tỉ đồng”. Ông chủ nhà rất trí thức, nói vậy.

Đi săn bắt “ con” nghệ thuật

Đó là cách gọi của dân 9x. Họ yêu Hà Nội kiểu khác, không luyến tiếc và đôi khi có những nhận xét giật mình. Hỏi: Vì sao bao nhiêu thay đổi mà người Hà Nội vẫn đứng ở vỉa hè mút kem que Tràng Tiền? Không thiếu gì dân model, hay ông comple xác cặp táp cũng vui vẻ mút kem? Một 9x trả lời: Có thể que kem ấy kích thích nhớ về tuổi thơ, từ cái kem của ông bán rong bóp cái còi tự chế bằng lọ dầu gội từ tuổi thơ ngóng đợi. Hễ cứ đi Bờ Hồ là đồng nghĩa với ăn kem. Dân 9x cũng chẳng quá định kiến các đặc trưng Hà Nội, như phở và mùa thu chẳng hạn. Không còn nhất thiết ăn sáng bằng phở. Vì có nhiều thứ ngon: bánh mì bơ-sữa, xôi bao la, ngô luộc cũng đủ no.

Thế còn Hà Nội thu vàng ai cũng bảo đó là mùa đẹp nhất, bài hát cũng thế. Mà dân 9x lại bảo Hà nội đẹp nhất là mùa đông. “Quần áo đẹp cực. Ăn gì cũng ngon. Mùa đông người ta chạy xe từ tốn hơn, phố phường dịu hẳn lại. 9x rủ nhau uống trà đá chuyện vãn, người lớn ngồi cà phê. Vãn chuyện là trả tiền, kết thúc là lượn hồ rồi về. Lượn hồ toàn xe máy hưởng khí lạnh thổi nhẹ. Người lớn quanh Hồ Gươm, đám trẻ lên Hồ Tây, có khi chạy thẳng lên khu Lạc Long Quân. Khu bãi đá gọi là “biển”, đoạn sông Hồng cạn nước, gần đê”. Chỉ dân trẻ mới cảm thụ nhiều và biết cái đẹp mùa đông. Đơn giản vì họ còn đang đi học, đi chơi chứ không xuýt xoa phải đi làm trong giá rét chỉ trông mau chóng “trốn” vào nhà. Còn 9x thì ra đường, đi chơi! Đừng định kiến với 9x nhé. Người ta “sợ” vì ăn chơi, ít học hành. Đi xin việc làm thêm phải khai gian cho “già” lên, vì khoảng 20 hơn chút với 9x là “già rồi”. Đúng là họ có thú vui riêng. Vào các nhà vệ sinh của khách sạn, trung tâm lớn thơm tho, đầy gương, tụ tập nhau chụp ảnh “tự sướng”. Không bậy bạ cả đâu nhé, mà nghịch ngợm, ăn mặc kỳ quái. Chứ còn đám sex thì là bọn lớn hơn chút, lên sàn bar ăn chơi. 9x tổng kết riêng, mặc cho ai giận: “Nói là việc của người Hà Nội, từ bà bán chè đến ông giám đốc. Vì không có chỗ hành động nên nói nhiều!”.

Nhạc sĩ Dương Thụ phát biểu: Nếu biết nói, Hà Nội sẽ không nói mà im lặng thở dài tiếc nuối, đã mất quá nhiều giá trị truyền thống văn hóa. Một 9x bảo: Đồng ý. Nhưng đó là chuyện của người lớn. Còn dân 9x hăng hái đi tìm, tận hưởng cái đẹp của Hà Nội hôm nay. Họ gọi là những cuộc đi săn bắt “con” nghệ thuật.

“Thế này. Hẹn nhau một địa điểm. Đi xe máy. Ăn mặc phong cách phù hợp với nơi đến. Trang phục phá cách, thí dụ quần ngắn, vớ đen, áo da, điểm nhấn là dải khăn dài lụa đỏ, loại lụa thô, nốt sần của vải nổi trong hình. Một cô gái có chàng trai làm nền, chàng đi giày basket, quần sáng màu, áo khoác tối. Seri ảnh có tên hẳn hoi “Vương vấn mùa đông”. Tuổi trẻ, vẻ đẹp hiện đại trong sương lãng đãng của Hà Nội cổ xưa được chắt chiu tích cực. Có những cái tên hỏi người lớn không ai biết cả. Thí dụ ở Hồ Tây có “ bến Hàn Quốc” vì bên lan can hồ sen giống cảnh phim Hàn. Có cả bến Nhật Bản, Ấn Độ mà chỉ dân 9x gọi với nhau mới biết.

Nhà nghiên cứu đô thị Anh Heinz Paetzold giải thích: Khái niệm về tính địa phương đương đại không phải là sự hoài cổ, mà cũng không phải là quay về với thực tiễn của khu vực. Nó mô tả kiến trúc, cố gắng diễn đạt lại nền văn hóa khu vực theo quan điểm văn hóa thế giới đang tồn tại ngày nay”...

BOX - “Hà Nội cổ hơn hẳn Bangkok, Manila, Jakarta, và tất nhiên, cả Sài Gòn. Dù những thay đổi ùa vào, vẫn có sự kháng cự sự đồng nhất hóa nhàm chán kiểu các đô thị lớn toàn cầu, chống lại việc dỡ bỏ cả một quận như ở Trung Quốc, chống lại nguy cơ Mc Donald hóa như Sài Gòn, Manila… Một địa điểm lịch sử, không dễ làm hỏng”.

( Theo Người Đô Thị)
http://www.viet-studies.info/kinhte/NTNgocHai_SaiGonHaNoi.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét