Trang

6 tháng 10, 2008

Xin can



Nguyên Ngọc

HOCMOINGAY. Trên những tấm bia đá mà hàng ngàn con rùa tội nghiệp sẽ phải còng lưng vốn đã còng của chúng để đội đó, hẳn các nhà chủ trương và thực hành Văn Miếu hiện đại sẽ khá lúng túng trước trường hợp Tạ Quang Bửu. Nhất định là ông không thể có mặt trên bảng vàng bia đá đó rồi, bởi ông thuộc một nền văn hóa khác, nền văn hóa của tri thức thật sự, chứ không phải của tri thức bằng cấp tràn lan đang là tai nạn xã hội của chúng ta bây giờ.

Vừa đọc thấy tin ra mắt Trung tâm bảo tồn di sản tiến sĩ Việt Nam thời hiện đại, trong đó có hẳn mấy mươi hecta dành cho một Văn miếu ghi danh các tiến sĩ thời nay; lại còn thấy kể rằng sẽ có rùa đội bia đá khắc tên chư vị tiến sĩ. Một tờ báo trân trọng đưa tin và đưa ảnh một vị giáo sư tiến sĩ hăng hái mang đến tặng ngay trung tâm một "di vật" cực quý: bức ảnh ông ta chụp cùng một vị Thủ tướng, lại có ảnh ông ngồi viết những dòng quý giá vào sổ lưu niệm của trung tâm nữa. Được biết vị tiến sĩ hăng hái này cũng chính là một trong những người từng chủ trì Hội đồng phong chức giáo sư và phó giáo sư nhiều tai tiếng…

Đọc tất cả những tin đó, khá dồn dập trong mấy ngày nay, mà lo quá! Ừ thì có nơi nào đó lo việc lưu giữ những tài sản trí tuệ của đất nước này nay là việc nên làm, nhưng lưu giữ tài sản trí tuệ của đất nước là lưu giữ tên tuổi của các tiến sĩ chăng? Tôi nghĩ ngay đến một nhân vật chắc chắn cho đến nay vẫn được sự kính trọng của mọi người như một nhà trí thức lớn của Việt Nam, một đầu óc uyên bác, một nhà giáo dục kiệt xuất, một nhân cách cao quý, từng có đóng góp rất quan trọng cho một thời kỹ khá rạng rỡ của giáo dục đại học ở nước ta: Tạ Quang Bửu. Theo chỗ tôi được biết, và tôi đã kiểm tra lại trí nhớ bằng cách, hỏi kỹ lại nhiều người am hiểu: Tạ Quang Bửu là người không hề có bất cứ một bằng cấp nào hết. Có người còn kể: Ông theo học rất kỹ một ngành, đến khi sắp lấy bằng ở ngành đó thì bỏ, chuyển sang một ngành khác, cứ thế, hàng chục ngành… Vì sao? Vì ông quan niệm học là để chiếm lĩnh tri thức chứ không phải để lấy bằng, để thành tiến sĩ này tiến sĩ nọ; cũng rất có thể từ rất sớm ông đã nhận ra điều hết sức quan trọng đối với một người trí thức ngày nay - mà mãi sau này Edgar Morin mới nói – là: trong thời đại ngày nay một tri thức thật sự không phải, không thể là tri thức đơn lẻ, bị chia cắt, cục bộ, phiến diện, mà phải là người "liên kết các tri thức", có vậy mới thật sự chiếm lĩnh được thế giới vô cùng phong phú và cũng vô cùng phức tạp này? … Tôi hình dung với số lượng tiến sĩ đã có – và sẽ còn có theo kế hoạch đào tạo vài trăm ngàn tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo -, hẳn số lượng các bia đá phải nhiều gấp chục lần số bia đá ở Văn miếu Hà Nội (chẳng chơi, một kỷ lục ghi-nét mới của Việt Nam, chắc hẳn thế giới không sao theo kịp!). Trên những tấm bia đá mà hàng ngàn con rùa tội nghiệp sẽ phải còng lưng vốn đã còng của chúng để đội đó, hẳn các nhà chủ trương và thực hành Văn Miếu hiện đại sẽ khá lúng túng trước trường hợp Tạ Quang Bửu. Nhất định là ông không thể có mặt trên bảng vàng bia đá đó rồi, bởi ông thuộc một nền văn hóa khác, nền văn hóa của tri thức thật sự, chứ không phải của tri thức bằng cấp tràn lan đang là tai nạn xã hội của chúng ta bây giờ.

Vậy nên chuyện văn miếu với bia đá tiến sĩ hiện đại không chỉ là chuyện tốn kém, tiền nong và đất đai, cũng không chỉ sẽ là chuyện đấu đá khốn khổ và xấu xa để chen chân vào cái chốn lưu danh thiên cổ chắc chắn sẽ xảy ra ở một đất nước vốn chuộng hư danh này, mà còn là, trước hết là chuyện một nền văn hóa, tiếp tục và tăng cường văn hóa bằng cấp chăng? hay là kiên quyết bằng mọi cách châm dứt đi, chôn vùi đi, để có được một không khí văn hóa, tri thức lành mạnh, dễ thở hơn, văn minh hơn đôi chút.
Lưu giữ, bảo tồn tri thức ư? Tất nhiên là cần quá đi chứ. Nhưng cần kíp hơn, cấp bách hơn là tôn trọng thật sự trí thức ngay bây giờ, tạo điều kiện cho người ta làm việc, và sống, trước hết là tự do tư tưởng và sáng tạo. Hàng ngàn tấm bia đá không bằng không, nếu không thật sự có tự do suy nghĩ và sáng tạo cho người trí thức!

Tôi cũng không thể không hình dung vô số chuyện khôi hài sẽ diễn ra khi thực thi sáng kiến văn miếu vĩ đại này. Chẳng hạn, tôi có được biết một vị cứ mỗi lần viết một bài báo lại trịnh trọng ký tên: "Lưỡng quốc tiến sĩ". Chả là ông ấy từng có bằng tiến sĩ mỹ học ở Liên Xô (cũ), nơi bên cạnh việc giúp đỡ ta to lớn về giáo dục, cũng đã từng hại ta với không ít bằng tiến sĩ hữu nghị; sau đó lại có một cái bằng tiến sĩ nữa về ngữ văn ở Việt Nam. Không biết các vị làm Văn Miếu hiện đại sẽ ghi danh ông ở đâu và bằng cách nào? Lưỡng quốc tiến sĩ kia mà, duy nhất toàn quốc đấy, chắc chắn ông ta sẽ đòi được đứng ở tấm bia đầu tiên, và lớn nhất, và khắc bằng chữ đỏ, thật to nữa kia. Có khi còn đòi dựng tượng đồng nữa là khác!

Đã có không ít chuyện khôi hài hiện đại rồi, đừng thêm làm gì nữa.

Một anh bạn ở nước ngoài, người rất tâm huyết với mọi chuyện kinh tế văn hóa của đất nước, vừa viết mấy chữ, ngắn mà thống thiết: Xin can! Xin can!

Tôi cũng vậy: Xin can!

Báo Tia Sáng
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=76&News=2388&CategoryID=3

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét