Trang
▼
30 tháng 8, 2008
Cần thay đổi triết lý giáo dục
Nguyên Ngọc
HOCMOINGAY. Có một cách dạy và học khác hẳn, cơ sở trên một triết lý giáo dục ngược hẳn lại: trang bị cho con người không phải chủ yếu là kiến thức (vì kiến thức thì vô tận, càng ngày càng vô tận, lại luôn biến đổi và phát triển, và trên đời này không ai có thể độc quyền chân lý cả), mà là trang bị cho họ phương pháp để họ tự biết và dám tự mình chiếm lĩnh lấy kiến thức, tự mình đi tìm lấy những gì mình tin là chân lý và sống và làm việc theo những chân lý đó. Những con người như vậy là những con người tự do, có năng lực tư duy độc lập, giàu khả năng và ý chí sáng tạo, nền tảng của một xã hội tự do và phát triển." (Nguyên Ngọc)
Trong một bài viết ngắn gần đây trên Tia sáng, Giáo sư Hoàng Tụy có nói: "Để khắc phục khó khăn hiện nay, chỉ có một lối thoát duy nhất là hiện đại hóa giáo dục”. Tôi hoàn toàn đồng tình với phương hướng đó. Nhưng thế nào là hiện đại hóa giáo dục, thế nào là một nền giáo dục hiện đại?
Tôi nghĩ rằng một nền giáo dục hiện đại trước hết là ở trong tính hiện đại của triết lý giáo dục mà nó đeo đuổi. Và triết lý giáo dục hiện đại là xây dựng một nền giáo dục không phải để nhằm tạo nên những cái máy tinh xảo được nạp một bộ nhớ kiến thức khổng lồ (như hiện nay ta đang ra sức làm, ngay từ bậc phổ thông, và do đó làm mụ mị đi bao nhiêu đầu óc đáng thương của lớp trẻ chúng ta, khiến họ càng học càng đần đi, một sự lãng phí sức lực cả về thể chất lẫn tinh thần, trí tuệ của thế hệ tương lai quý nhất của dân tộc, sự lãng phí thậm chí có thể coi như một tội ác), mà là tạo nên những con người tự do, biết và dám độc lập suy nghĩ, biết cách tự mình chiếm lĩnh lấy kiến thức, tự mình đi khám phá ra chân lý,lẽ phải và từ đó làm chủ cuộc sống của mình, của đất nước... Về phương diện này, hình như hiện nay giáo dục của chúng ta không giống bất cứ nước nào trên thế giới tất nhiên ta nói đến những đất nước văn minh và tân tiến. Không giống chút nào cả, hoàn toàn ngược lại là khác, vậy dù chỉ có hai cách giải thích: hoặc là ta vô cùng tân tiến, còn họ thì lạc hậu bê bối cả, hoặc ngược lại.
Triết lý giáo dục chi phối, chỉ đạo toàn bộ các khâu, các lĩnh vực cụ thể của giáo dục, từ nội dung giáo dục, phương châm giáo dục, phương pháp giáo dục, tổ chức giáo dục, ảnh hưởng quyết định đến tất cả các cấp của nền giáo dục, từ tiểu học, trung học, cho đến Đại học, trên Đại học. Kiểu triết lý giáo dục nào dù đưa đến kiểu nội dung, phương châm, phương pháp, tổ chức giáo dục đó. Chẳng hạn, hiện nay chúng ta có biết rằng sách giáo khoa của chúng ta là quá nặng nề, bỏ bớt cái gì đi cũng thấy khó, thêm vào bao nhiêu cũng thấy chưa đủ, không? Có chứ. Ai cũng thấy và tôi tin là Bộ cũng thấy. Nhưng vì sao mãi vẫn không sửa được càng sửa thì càng nặng thêm? Chỉ là vì chương trình và sách giáo khoa ấy được soạn theo cái triết lý cho rằng xã hội cần có những quy chuẩn cứng mà mọi thành viên phải thuộc nằm lòng và cứ suốt đời nhất nhất răm rắp tuân theo, thế giới gồm những chân lý bất biến đã được định sẵn mà mọi người chỉ có việc theo đấy mà sống và làm việc. Vậy nên phải dạy cho kỳ hết những quy chuẩn, những chân lý muôn đời đó cho một người, có vậy thì xã hội mới thống nhất và ổn định, thế giới mới yên bình. Với một triết lý giáo dục như vậy, thì số lượng sách giáo khoa mà các cháu ngay từ cấp tiểu học hàng ngày phải vác nặng trĩu còng lưng, số lượng kiến thức ta đang ra sức nhét vào đầu học sinh, sinh viên của chúng ta ở tất cả các cấp đang nặng như thế này, chứ nặng gấp mười, thậm chí trăm lần nữa cũng không đủ, không bao giờ đủ.
Trong khi đó có một cách dạy và học khác hẳn, cơ sở trên một triết lý giáo dục ngược hẳn lại: trang bị cho con người không phải chủ yếu là kiến thức (vì kiến thức thì vô tận, càng ngày càng vô tận, lại luôn biến đổi và phát triển, và trên đời này không ai có thể độc quyền chân lý cả), mà là trang bị cho họ phương pháp để họ tự biết và dám tự mình chiếm lĩnh lấy kiến thức, tự mình đi tìm lấy những gì mình tin là chân lý và sống và làm việc theo những chân lý đó. Những con người như vậy là những con người tự do, có năng lực tư duy độc lập, giàu khả năng và ý chí sáng tạo, nền tảng của một xã hội tự do và phát triển.
Ở trên tôi có nói "biết và dám tự mình" đi tìm lấy kiến thức, khám phá lấy chân lý. Xin nhấn mạnh lại chữ "dám", theo tôi đấy là một từ rất quan trọng. Người dám tự mình đi tìm chiếm lĩnh lấy kiến thức, chân lý là người không tin một cách tiên nghiệm, như một niềm tin tôn giáo, rằng có những chân lý tuyệt đối, bất biến được rao giảng như những tín điều đặc kín trong các sách giáo khoa dày cộp. Con người đó dám tự mình đi khám phá thế giới, với những phương pháp mà nhà trường đã trang bị, gợi ý cho họ. Đó là những con người tự do sâu sắc từ bên trong. Thiết nghĩ đó chính là điều chúng ta tha thiết mong ở lớp trẻ cua chúng ta, có được một lớp trẻ như vậy, một lớp trẻ thật sự lành mạnh về tinh thần và trí tuệ, có bản lĩnh vững chắc, đầy tự tin, thật sự độc lập và tự do trong chính mình như vậy, thì có thể hoàn toàn tin chắc ở tương lai tươi sáng của dân tộc.
Một triết lý giáo dục nhằm tạo ra con người tự do, thì cũng tất yếu đòi hỏi một phương pháp giáo dục khác hẳn phương pháp chúng ta đang thực hiện hiện nay ở các nhà trường, buồn thay ngay cả ở cấp đại học và trên Đại học. Phương pháp giáo dục này đòi hỏi trước tiên một sự tôn trọng tối đa đối với người học, coi người học không phải là những cái bình vô cảm bị động để cho mình cứ thế rót kiến thức vào, mà là những chủ thể sáng tạo, từng chủ thể sáng tạo, có tiềm năng sáng tạo vô tận, cần được khơi gợi để cho tiềm năng ấy được mở ra và hoạt động thậm chí khi được khai mở ra rồi thì nó có thể hoạt động rộng lớn, phong phú, sáng tạo hơn cả điều ta dự kiến, vượt cả thầy, vượt cả sách.
Một cách dạy và học như vậy nhẹ nhàng, và theo tôi điều quan trọng hơn, là rất vui. Học như vậy là một hạnh phúc lớn. Đối với người thầy, rất vui vì trước mặt anh ta (hay chị ta) mỗi học sinh là một thế giới đầy tiềm năng bí ẩn mà anh ta hay chị ta phải tìm cho được cách dò tìm, khám phá, khai mở ra, không người nào giống người nào, không thế giới nào giống thế giới nào, cuộc khai mở nào cũng đầy mạo hiểm, phập phồng, cái mạo hiểm, phập phồng của sáng tạo. Đối với người học, rất vui, vì suốt quá trình học là cả một cuộc đi tìm, một cuộc khám phá bất tận, một cuộc phiêu lưu đầy bất ngờ thú vị, do tự mình làm chủ, những chân lý do chính tự mình khám phá ra cùng với và được sự hỗ trợ của người bạn lớn là người thầy.
Chúng ta đều biết trong thế giới ngày nay, sống cũng có nghĩa là học thường xuyên, học suốt đời, không còn học nữa thì theo một ý nghĩa nào đó cũng là đã chết, về mặt trí tuệ, tinh thần. Không thể đến trường suốt đời. Nhưng nhà trường cho ta cái quý nhất để ta có thể học suốt đời, đó là ý chí và khả năng tự học, niềm say mê và khả năng tự khám phá thế giới. Tôi có nghe anh Hoàng Ngọc Hiến định nghĩa thế nào là trình độ Đại học. Theo anh trình độ đại học chính là khả năng tự học. Tôi cho nói như thế là rất đúng. Thậm chí còn có thể nói hơn nữa: không chỉ ở Đại học, ngay cả ở các cấp phổ thông cơ bản cũng là vậy. Người có học là người biết tự học. Ở rất nhiều nước hiện nay, người ta đã thực hiện một cách phổ biến điều này, coi đó là nguyên lý cơ bản nhất của giáo dục, của việc xây dựng con người nói chung, ở tất cả các cấp học, từ cấp thấp nhất. Đáng tiếc thay, phải nói thẳng rằng nền giáo dục của chúng ta hiện nay đang đi theo con đường ngược lại.
Vì vậy nếu chúng ta thật sự muốn cứu chữa nền giáo dục đang bị bệnh nặng của chúng ta thì không thể không nghĩ tới việc tiến đến thay đổi cơ bản triết lý giáo dục đó. Con đường đi đến đó như thế nào, theo lộ trình nào, quả thật là vấn đề rất khó. Nhưng phải xác định cho được cái đích đến, đó là điều quan trọng nhất, từ đó mới có thể tính đến những giải pháp cụ thể, tính đến lộ trình.
Nguồn: Tạp chí Tia sáng
29 tháng 8, 2008
Một niềm tin trong các ước mơ đơn giản
A Faith in Simple Dreams
Barack Obama
Khi tôi còn nhỏ, tôi sống ở nước ngoài một thời gian với Mẹ tôi. Và một trong những ký ức sơ khai của tôi về Mẹ là bà đọc cho tôi nghe những dòng chữ đầu tiên trong Tuyên Ngôn Độc Lập, và giải thích cho tôi nghe những ý tưởng trong đó đã được áp dụng vào từng người Mỹ ra sao, người Mỹ da Trắng, da Đen và da Nâu đều giống nhau cả, tất cả đều là người Mỹ. Bà đã dạy cho tôi biết rằng những dòng chữ đó, và những ngôn từ trong Hiến Pháp Hoa Kỳ, đã bảo vệ chúng ta tránh khỏi những bất công tàn nhẫn mà chúng ta đang là chứng nhân sống cho những số phận con người khác đang phải chịu đựng tại các quốc gia khác trên thế giới.
Mới đây, điều này đã được gợi lại trong tôi khi tôi theo dõi những bất công tàn bạo quanh vấn đề gọi là cuộc bầu cử tại Zimbabwe. Trong nhiều tuần lễ, đảng phái đối lập và những người ủng hộ họ đã bị săn đuổi, tra tấn và sát hại trong vòng bí mật. Họ đã bị kéo ra khỏi nhà họ vào lúc giữa đêm và bóp cổ đến chết trong khi con cái họ nhìn thấy cha mẹ mình đang bị sát hại dã man. Người vợ của một vị thị trưởng tân cử đã bị đánh đập tàn nhẫn đến nỗi ngay chính cả em ruột của bà cũng không nhận ra được thi thể bà, ngoại trừ cái váy mà bà đã mặc trong ngày bà bị sát hại. Ngay cả những cử tri bị tình nghi là đã bội phản lại vị Tổng Thống đương kim cũng bị tập trung lại và bị đánh đập trong nhiều giờ. Tất cả chỉ vì một tội đồ đơn giản - Họ đã đi bỏ lá phiếu bầu của họ.
Quốc gia của chúng ta là một quốc gia giàu mạnh với nhiều niềm tin và nhận thức khác biệt. Chúng ta tranh luận và bàn cãi những tư tưởng khác biệt của chúng ta một cách sôi động và thường xuyên. Nhưng một khi tất cả những gì cần phải nói đã được nói ra, chúng ta vẫn cùng nhau đoàn kết lại như một khối dân đồng nhứt và tuyên thệ trung thành, không những chỉ đơn thuần cho một nơi chốn trên tấm bản đồ hay một vị lãnh đạo nào đó nhưng tới những dòng chữ mà Mẹ tôi đã từng đọc cho tôi nghe cách đây nhiều năm về trước - "Rằng mọi người đều được tạo ra công bằng, rằng mọi người được Đấng Tạo Hóa ban cho những quyền không thể nào tách bỏ được, trong những quyền này bao gồm quyền Được Sống, quyền Tự Do và quyền Mưu Cầu Hạnh Phúc."
Đó chính là một niềm tin trong những ước mơ đơn giản đích thực của nước Mỹ, một sự khẳng định trên các điều kỳ diệu nhỏ bé. Đó là những ý tưởng mà chúng ta có thể ru đưa vào giấc ngủ của con cháu chúng ta hằng đêm và biết rằng chúng được nuôi dưỡng và an toàn trước các hiểm họa; rằng chúng ta có thể nói những gì chúng ta đang suy nghĩ, viết lên những gì chúng ta đang suy nghĩ, mà không phải lo sợ bị công an, cảnh sát gõ cửa; rằng chúng ta có thể có một sáng kiến và khởi sự công việc làm ăn riêng rẽ của chúng ta mà không phải nộp hối lộ; rằng chúng ta có thể tham dự vào các tiến trình chính trị mà không phải lo sợ bị trả thù; và rằng các lá phiếu bầu của chúng ta sẽ được đếm trong các cuộc bầu cử.
Với tôi, đó là niềm tin yêu và việc bảo vệ những lý tưởng này chính là ý nghĩa thực sự của lòng yêu nước. Đó là những lý tưởng không thuộc về bất kỳ đảng phái nào hay bất kỳ nhóm người nào nhưng là sự kêu gọi mỗi một chúng ta đóng góp phần của mình vào sự thịnh vượng chung của chúng ta.
Tôi viết lên điều này với sự hiểu biết rằng nếu những thế hệ cha ông trước đó của chúng ta đã không đứng lên để nhận lãnh trách nhiệm trong thời của mình, thì có lẽ tôi đã không đứng trong vị trí của tôi vào ngày hôm nay. Là một người trẻ mang hai dòng máu trong người, không có được những nối kết, gốc gác trong bất kỳ cộng đồng nào, không có được chính cả bàn tay dẫn dắt của người Cha, thì đây chính là lý tưởng của người Mỹ mà vận mạng của chúng ta đã không cần phải được viết trước khi chúng ta ra đời để định nghĩa cuộc đời của chúng ta. Và đó chính là nguồn cội của lòng tin yêu của tôi đối với đất nước này: bởi vì với một người Mẹ có gốc từ Kansas và một người Cha có gốc từ đất nước Kenya, tôi biết rằng những câu chuyện giống như câu chuyện đời tôi chỉ có thể xảy ra ở nước Mỹ mà thôi.
(Nguồn: Trương Duy Nhất trích dẫn theo Dzu Kaka)
Trackback URL: http://www.vnweblogs.com/trackback.php?id=88296
Đổi mới trước hết là sự tỉnh táo...
Nguyên Ngọc
"Đổi mới" có lẽ cũng là một cách nói. Tôi thì thích thử diễn đạt một cách khác hơn, tôi thích nói "trở lại".
Có một lúc nào đó ta đã nhìn nhận không đúng, hành động không đúng, không đúng với hiện thực, không đúng với quy luật. Nay là trở lại chỗ đúng.
Tôi hiểu đổi mới chẳng phải là bịa ra một cái gì mới, chưa từng có, mà là trở lại nhìn nhận hiện thực sao cho tỉnh táo hơn, khách quan hơn, hiện thực hơn, hiện thực đúng như nó có, không tô vẽ, không che giấu, cũng không cắt xén. Nhìn nhận một cách tỉnh táo và dũng cảm. Và cố gắng hành động phù hợp với hiện thực đó, không định kiến, không máy móc, không giáo điều.
Tôi nghĩ rằng một trong những điều quan trọng nhất của cái ta gọi là "đổi mới" hiện nay, là sự tỉnh táo. Có lẽ tỉnh táo ngày nay cũng đang là một đặc điểm mới trong tư duy của thời đại. Tỉnh táo là dấu hiệu của trưởng thành - của từng trải, chín chắn.
Riêng trong văn học ta, tôi nghĩ những người cầm bút của chúng ta cho đến nay chắc cũng đã có sự từng trải nhất định để trở nên tỉnh táo hơn, trong nhìn nhận và phô diễn hiện thực. Cho nên tôi tin và hy vọng những tác phẩm thật sự có ích sẽ sớm ra đời.
Hiện thực - bao giờ cũng vậy, hiện nay càng như vậy - nếu ta nhìn nhận nó một cách không giản đơn và thiên kiến, một hiện thực hết sức phức tạp, đa dạng, nhiều mặt hiếu động. Có cái nổi lên trên mặt, có cái nhìn ẩn bên dưới. Có cái giả mà như thật, có cái thật mà tưởng giả. Có cái ầm ĩ, thời thượng mà lại tàn. Có cái lặng lẽ mà triển vọng, lâu bền...
Một hiện thực như vậy, muốn khai phá nó, phải tiếp cận từ nhiều phía, bằng nhiều cách. Trong nghệ thuật, rất lắm khi cách gián tiếp lại hiệu quả hơn là trực tiếp; nói xa lại hay hơn là nói gần; nói đùa lại hiệu nghiệm hơn là nói thật; nói chuyện gọi là "vụn vặt đời thường" lại có ích hơn là sự hùng hổ một mực xông vào nói chuyện quản lý, sản xuất... cho nên cần tránh cái cách "nhất bên trọng nhất bên khinh". Cần đa dạng. Sự đa dạng trong văn học là do bởi hiện thực vốn luôn luôn phức tạp, khó hiểu, rối rắm.
Tôi cho rằng cần tin các nhà văn: họ đều muốn khám phá ra hiện thực đúng như nó có, để mà tự mình hiểu và phần nào giúp người khác cùng hiểu. Nên ủng hộ họ trên những con đường khác nhau của họ tìm đến hiện thực.
Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 3 & 4 (17-1-1987)
28 tháng 8, 2008
Rồi lịch sử sẽ công bằng
Nguyên Ngọc
Nguồn: Tuổi Trẻ Online
Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp (1922-1932) của Phạm Quỳnh do Nguyễn Xuân Khánh, Nguyên Ngọc, Ngô Quốc Chiến, Phạm Xuân Nguyên dịch; Phạm Toàn biên tập và giới thiệu. Nhà xuất bản Tri Thức & Trung tâm văn hóa Đông Tây phát hành. Không như các tác phẩm khác của Phạm Quỳnh đã được in lại trong những năm qua đều viết bằng tiếng Việt(*), tập tiểu luận lần này vừa được dịch và xuất bản vốn được viết bằng tiếng Pháp.
Có lẽ trước hết cho tôi nói điều này: cách đây mấy mươi năm một người tự coi mình là rất bác học và cũng đầy quyền lực đã chế giễu: tiếng Pháp của Phạm Quỳnh chỉ vừa đủ để lòe người An Nam, chữ Hán của Phạm Quỳnh chỉ vừa đủ để bịp người Tây!
Là một trong những người dịch tác phẩm của ông, tôi thấy có lẽ Phạm Quỳnh là một trong những người Việt viết tiếng Pháp hay nhất, một thứ tiếng Pháp trong sáng, sang trọng, trang nhã và đầy âm vang, chỉ có thể có được trên cơ sở một vốn tri thức uyên thâm về văn hóa và văn minh không chỉ của Pháp mà còn của cả phương Tây cổ kim.
Và vốn Hán học cùng tri thức về phương Đông của ông cũng rộng sâu không kém. Những người dịch đã rất cố gắng để mong chuyển được một phần vẻ đẹp văn chương Pháp, chỉ riêng điều này thôi đã rất quí rồi, trong tác phẩm này.
Vì sao ông viết bằng tiếng Pháp? Vì đối tượng mà ông muốn nhắm đến: người Pháp ở chính quốc và ở VN. Ông muốn nói với họ ở tầm cao nhất, quan trọng nhất và do vậy cũng nghiêm trọng nhất của vấn đề, ở tầm cuộc va chạm chấn động giữa phương Đông và phương Tây trong thời cận đại và hiện đại, trong đó có số phận của dân tộc ta mà suốt đời ông tha thiết trăn trở.
Rất sáng suốt, ông nói: "Các dân tộc đụng chạm với nhau trước hết qua những con người cứng rắn nhất, háo danh nhất, hay những người xác quyết nhất trong việc áp đặt các học thuyết của mình và chỉ cho chứ không nhận... không hề lấy sự bình đẳng trong các trao đổi làm đối tượng và vai trò của họ chẳng bao giờ là tôn trọng sự thư thái, tự do, các niềm tin hay những điều hay của những người khác...".
Lại cũng rất thực tế, ông bảo rằng: "Quá khứ đã nằm im trong lịch sử. Nó như thế nào thì nó vẫn cứ như thế, không phụ thuộc vào bất cứ ai trong chúng ta để có thể khác đi. Hiện tại với những đòi hỏi của hiện tại, tương lai với những hi vọng của tương lai là đủ để chúng ta quan tâm...". Hãy để cho những đại diện chân chính và ưu tú của các nền văn hóa nói với nhau, có thể có một con đường đi và một tương lai được thiết kế như vậy giữa các dân tộc.
Ông mong muốn các dân tộc đến với nhau trong hiểu biết và tôn trọng các giá trị của nhau, ông muốn nói với người Pháp về dân tộc mình, những chiều sâu thăm thẳm đã tạo nên sức sống ngàn đời của dân tộc này, nền văn hóa mềm dẻo mà bất diệt của nó, số phận nó có thể và cần được có.
Chính vì vậy mà cuốn sách viết cho những người mà lịch sử đã đặt vào một vị trí thống trị chẳng hay ho gì trên đất nước này, thậm chí có thể đi ra ngoài ý định của tác giả nữa, đã trở thành một công trình nghiên cứu súc tích, sâu sắc, tinh tế, toàn diện, khách quan, vừa lâu dài vừa nóng hổi tính đương thời về đất nước và dân tộc ta mà ông da diết muốn tìm một con đường đi ra trong những điều kiện lịch sử cực kỳ khó khăn và éo le.
Những mong muốn ảo tưởng, và những trăn trở tìm tòi mà một người đã thất bại trong lịch sử đã cố tạo nên để làm nền tảng cho những mong ước đó, lại có thể rất có ích cho hôm nay. Đọc cuốn sách này, do vậy, sẽ có thể rất ngạc nhiên về tính cập nhật bất ngờ của nó trên không ít phương diện, cả tổng quát lẫn cụ thể.
Lịch sử, trên con đường đi tới của nó, vốn rất dửng dưng và tàn nhẫn. Phạm Quỳnh, như chúng ta biết, đã có số phận cá nhân bi đát. Nhưng rồi về lâu dài lịch sử cũng lại công bằng. Nó trả lại cho các nạn nhân của nó những giá trị không thể mất của họ. Bạn hãy cầm cuốn sách này trên tay và trân trọng đọc kỹ từng dòng của người xưa. Bạn đang làm một hành động chiêu tuyết đẹp đẽ mà cuộc sống giao cho chúng ta hôm nay đấy.
(*) Đã có thể tìm thấy các tác phẩm viết bằng tiếng Việt của Phạm Quỳnh được tái bản: Thượng Chi văn tập, Luận giải văn học và triết học, Mười ngày ở Huế, Pháp du hành trình nhật ký.
ĐÔI NÉT VỀ PHẠM QUỲNH
Phạm Quỳnh. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia (truy cập 29/8/2008) viết:
Phạm Quỳnh (17 tháng 12 năm 1892 - 6 tháng 9[1] năm 1945 năm 1945) là một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn (Việt Nam). Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp - để viết lý luận, nghiên cứu. Ông có tên hiệu là Thượng Chi, bút danh: Hoa Đường, Hồng Nhân.
Tiểu sử
Ông quê ở làng Lương Ngọc (nay thuộc xã Thúc Kháng), phủ (nay là huyện) Bình Giang, tỉnh Hải Dương, nhưng sinh ở Hà Nội. Mồ côi mẹ từ 9 tháng tuổi, mồ côi cha từ khi lên 9 tuổi. Sau khi đỗ đầu bằng Thành chung (tốt nghiệp) Trường trung học Bảo hộ (tức trường Bưởi, còn gọi là trường Thông ngôn) năm 1908, Phạm Quỳnh làm việc ở Trường Viễn Đông Bác cổ tại Hà Nội.
Ông làm chủ bút Nam Phong tạp chí từ năm 1917 đến năm 1932, tuyên truyền cho tư tưởng "Pháp Việt đề huề". Cũng trong thời kỳ 1924-1932, ông còn là giảng viên Trường Cao đẳng Hà Nội.
Ông còn là Tổng Thư ký Hội Khai trí Tiến đức mà ông tham gia sáng lập và Hội trưởng Hội trí tri Bắc Kỳ. Năm 1922, ông đã sang Pháp dự Hội chợ triển lãm Marseille rồi diễn thuyết ở cả Ban Chính trị và Ban Luân lý Viện Hàn lâm Pháp.
Cuối năm 1932, ông vào Huế tham gia chính quyền Bảo Đại, thời gian đầu làm Ngự tiền Văn phòng, sau đó làm Thượng thư Bộ Học và cuối cùng giữ chức vụ Thượng thư Bộ Lại (1944-1945). Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp. Chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập. Ông về sống ẩn dật ở biệt thự Hoa Đường bên bờ sông đào Phủ Cam.
Ông có 16 người con (3 người mất từ nhỏ), trong đó cố Giáo sư Phạm Khuê, nguyên Viện trưởng Viện Lão khoa, nguyên Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam là người con thứ 7 và nhạc sĩ Phạm Tuyên là người con thứ 9.
Ông bị Việt Minh bắt giam ngày 23 tháng 8 năm 1945 và giam ở lao Thừa Phủ, Huế. Ông bị giết sau đó cùng với Ngô Đình Khôi (anh ruột Ngô Đình Diệm) và Ngô Đình Huân (con trai của Ngô Đình Khôi). Di hài ông được tìm thấy năm 1956 trong khu rừng Hắc Thú, và được cải táng ngày 9 tháng 2 năm 1956 tại Huế, trong khuôn viên chùa Vạn Phước. Thông tin về ai đã ra lệnh giết ông được lý giải theo nhiều giả thuyết khác nhau.
Cái chết của Phạm Quỳnh
Cuốn Tác gia văn học Thăng Long Hà Nội từ thế kỷ XI đến giữa thế kỷ XX, mục về Phạm Quỳnh (1892-1945) cũng có một dòng Đến Cách mạng Tháng Tám 1945 chính quyền nhân dân khép án tử hình.[2] Có lệnh cấp tốc di dời Ngô Đình Khôi và Phạm Quỳnh ra khỏi cố đô đề phòng những chuyện bất trắc không hay sau này. Nhóm du kích áp tải đến một quãng rừng cách xa Huế thì nghe tiếng tàu bay Pháp ầm ì trên đầu tưởng đâu như tiếng máy bay thả biệt kích. Sợ không hoàn thành trách nhiệm di dời nên nhóm áp tải đã tự động thủ tiêu cả ba người mà không chờ chỉ thị của cấp trên[2]Giả thuyết này không đề cập đến cấp trên là ai hay cơ quan nào ra lệnh[2]. Có người cho rằng trong số người đi áp tải chuyến di dời đó có người nhà Thượng thư Nguyễn Hữu Bài, người có mối hiềm từ lâu với Phạm Quỳnh nên đã lợi dụng việc này mà giải quyết ân oán[2].
Có nguồn tin, vì Pháp cho biệt kích tìm Phạm Quỳnh nhưng nhóm này bị bắt và để lộ thông tin, và Phạm Quỳnh bị dân quân địa phương (Hiền Sĩ, Thừa Thiên Huế) giết.
Nhà văn Thái Vũ lý giải: Mà lúc ấy trong dân chúng, buổi đầu cách mạng, cũng là trong ngày đầu chính quyền mới do dân làm chủ thì mấy tiếng Việt Gian, diệt Việt gian kèm theo hành động lan truyền… khắp mọi nơi, nhất là đối với những người có “thành tích” thân Pháp. Mà hai cụ họ Phạm và Ngô thì rõ ràng quá, tránh sao lúc trong dân, chỉ mới hưởng một ngày đầu chính quyền cách mạng, còn căm thù bọn thống trị Pháp và đám tay chân người bản xứ của chúng, có hành động manh động. Đó hẳn là “nỗi uẩn khúc” cuối cùng của ông chủ báo Nam Phong…[3]
Di sản
Phạm Quỳnh được coi là người đi tiên phong trong việc dùng tiếng Việt để viết lý luận. Dương Quảng Hàm đánh giá các công trình của ông là đã "luyện cho tiếng ta có thể diễn dịch được các lý thuyết, các ý tưởng về triết học, khoa học mới."[4]
Trước đây, cũng có nhiều người cho rằng ông gắn bó với các chủ trương chính trị của thực dân Pháp. Ông bị coi là "ru ngủ" thanh niên trí thức trong cái "hồn nước" mơ hồ, khiến họ đi chệch khỏi chí hướng làm cách mạng chống Pháp. Trong một thời gian dài, quan điểm chính thống của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam gọi ông là tay sai đắc lực của Pháp.
Gần đây, tại Việt Nam bắt đầu có sự đánh giá công bằng hơn. Từ điển Văn học bộ mới (2004) coi ông là người có tinh thần dân tộc, ôm ấp một chủ nghĩa quốc gia theo xu hướng ôn hòa, lấy việc canh tân văn hóa để làm sống lại hồn nước.
Kể từ năm 2000, nhiều tác phẩm của Phạm Quỳnh đã được xuất bản tại Việt Nam:
Mười ngày ở Huế, NXB Văn học - 2001
Mục lục Nam Phong, NXB Thuận hóa - 2002
Luận giải Văn học và Triết học, NXB Thông tin, 2003
Pháp du hành trình nhật ký, NXB Hội Nhà Văn, 2004
Thượng Chi văn tập, NXB Văn học, 2007
Du ký Việt Nam, NXB Trẻ, 2007
Phạm Quỳnh - Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp, NXB Tri thức, 2007 (gồm những bài diễn thuyết, bài báo ông viết bằng tiếng Pháp từ 1922 đến 1932)
Theo nhạc sĩ Phạm Tuyên - con trai của học giả Phạm Quỳnh, vào mùa thu năm 1945, Hồ Chí Minh đã nói với hai người chị của ông là Phạm Thị Giá và Phạm Thị Thức rằng: "Cụ Phạm là người của lịch sử, sẽ được lịch sử đánh giá lại sau này. Con cháu cứ vững tâm đi theo cách mạng". [5]
Tác phẩm
Ông là tác giả và dịch giả nhiều bài viết và sách văn học, triết học và tùy bút. Gần như toàn bộ các tác phẩm của ông đều đăng trên tạp chí Nam Phong. Nhiều bài sau đó in lại thành sách do Đông Kinh ấn quán ở Hà Nội xuất bản.
Các tác phẩm của ông có thể chia làm ba loại: 1) Loại dịch thuật. Ông dịch các đoạn văn và tác phẩm từ tiếng Pháp, chủ yếu thiên về triết học, như triết học của Descartes. Tuy nhiên, ông cũng có dịch một số tác phẩm nghệ thuật như kịch của Corneille. 2) Loại du ký. Ông viết nhiều du ký ghi lại những điều quan sát, nhận định, nghị luận trong các chuyến du lịch đi Pháp và đi các vùng đất Việt Nam như bài Mười ngày ở Huế và loạt bài Một tháng ở Nam Kỳ. 3) Loại khảo cứu Phần quan trọng nhất trong các tác phẩm của Phạm Quỳnh là các tác phẩm khảo cứu. Ông nghiên cứu trong các sách chữ nho, sách tiếng Pháp, và viết lại những bài chuyên khảo bằng tiếng Việt. Có ba ngành ông chú trọng, là: Các học thuyết Âu Tây, như trong Văn minh luận, Khảo về chính trị nước Pháp, Lịch sử và học thuyết của Rousseau, Lịch sử và học thuyết của Montesquieu, Lịch sử và học thuyết của Voltaire, v.v. Học thuật Á Đông, những bài về triết học và tôn giáo Á Đông như Phật giáo lược khảo, Cái quan niệm người quân tử trong triết học đạo Khổng, v.v. Văn hóa Việt Nam, với chủ đề trải rộng từ Tục ngữ ca dao, tới Việt Nam thi ca, tới Văn chương trong lối hát ả đào. Nhiều tác phẩm của ông liên kết những học thuật Âu Tây và phân tích, so sánh chúng với các khái niệm quen thuộc của người Việt Nam. Như trong bài Cái quan niệm người quân tử trong triết học đạo Khổng ông có phần phân tích và so sánh giữa quan niệm người quân tử của đạo Khổng và người "chính nhân" (là chữ ông dùng cho l'honnête homme) trong văn hóa Pháp. Hay như ông có những bài Văn hóa Pháp đối với tiền đồ nước Nam hoặc Công cuộc chấn chỉnh quốc gia ở nước Pháp và khôi phục cổ điển ở nước Nam.
Một số tác phẩm chính: Văn minh luận; Ba tháng ở Paris; Văn học nước Pháp; Chính trị nước Pháp; Khảo về tiểu thuyết; Lịch sử thế giới; Lịch sử và học thuyết Voltaire; Phật giáo đại quan; Cái quan niệm của người quân tử trong Đạo Khổng; Thượng Chi Văn tập gồm 5 quyển, Nhà xuất bản Alexandre de Rhodes Hanoi ấn hành năm 1943.
Câu nói nổi tiếng: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn.
Tham khảo: Phạm Thị Hoàn (biên tập) (1992). Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Phạm Quỳnh (1892~1992), tuyển tập và di cảo, An Tiêm (Paris).; David G. Marr (1984). “Language and Literacy”, Vietnamese Tradition on Trial, 1920-1945, 150-175, University of California Press.
27 tháng 8, 2008
Tìm gì ở du lịch Miền Tây Nam Bộ?
Nguyên Ngọc
Tại hội thảo Xóa đói giảm nghèo với du lịch cộng đồng (do Bộ Văn hóa - thể thao & du lịch và UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức tại Vĩnh Long ngày 26-10-2007) nhà văn Nguyên Ngọc có bài tham luận mà báo Tuổi Trẻ đã trích đăng dưới tiêu đề: “Du lịch bao giờ cũng là văn hóa”. Được phép của nhà văn, Mblog đăng nguyên văn dưới đây:
Trước hết xin cho tôi được nói đôi kỷ niệm nhỏ và mấy cảm nghĩ. Tôi rất yêu vùng đất Nam Bộ, đặc biệt Miền Tây, theo tôi là một trong những xứ đất và người kỳ thú nhất ở nước ta. Có một thời gian gặp khó khăn trong đời sống và công việc, tôi đã lang thang dưới này mấy năm và có một số bạn đã trở thành thân thiết, hồi ấy các bạn trẻ thường đùa bảo tôi “nếu chú cần “cư trú chính trị” thì cứ vô đây bọn cháu nuôi”. Miền Tây đương nhiên cũng như mọi miền đất khác, là thiên nhiên và con người, và thiên nhiên cùng con người ở đây thì quả thật rất độc đáo, con người hồn hậu mà mạnh mẽ và phóng khoáng như thiên nhiên, tự do và nghệ sĩ tận trong đáy tâm hồn. Hình như trên thế giới các vùng miền nam đều vậy, miền nam nước Pháp, ai từng đọc Tartarin de Tarascon của Anphonse Daudet đều biết, lãng tử, phiêu lưu, tự do, hơi khoát lác rất đáng yêu kiểu bác Ba Phi. Miền nam của châu Mỹ cũng vậy, với Cuba, Brasil, Chilê … thật lạ, hiện đại mà cổ xưa, tự do và phóng đạt, hoành tráng và nồng cháy. Các vùng cực nam càng đặc biệt. Miền Tây là cực nam của đất nước, của Nam Bộ. Tôi có biết một câu ca dao hẳn do một anh chàng lãng tử Miền Tây nào đó cao hứng ứng tác để tự nói về chính mình: “Ra đường thấy vịt cũng lùa, thấy duyên cũng bén, thấy chùa cũng tu!”. Có lẽ đấy chính là tâm hồn con người Miền Tây. Ở miền Bắc chặt chẽ nề nếp, ở miền Trung cần cù và khắc nghiệt chắc chắn không thể có thế, chỉ Nam Bộ, chỉ Miền Tây mới được vậy. Hồn nhiên và tự do đến thế là cùng, gặp chùa ta ghé vào tu cái chơi, rồi vừa từ chùa bước ra, đầu chưa kịp chớm tóc, đụng duyên liền cứ bén bừa, tội gì để uổng của đời, còn vịt của ai đó giữa đường thì cứ coi là vịt của đất trời, tiện tay lùa luôn có sao đâu! … Tôi nhớ những chuyến đi về Rạch Gốc, ngày ấy tàu đò từ Năm Căn xuôi rạch Gốc lang thang mất hơn nửa ngày đường, thiên nhiên hoang sơ và nguyên vẹn, con người thì, theo con mắt kinh ngạc của tôi, kết hợp một cách lạ lùng giữa văn minh và hoang dã, một sự kết hợp thật tài tình, hài hoà, mà dễ dàng, tự nhiên như không. Tôi cũng từng lang thang hơn nửa tháng trời trên gần trăm hòn đảo có người và không người của huyện đảo Kiên Hải, nơi còn dày đặc dấu vết cuộc đào tẩu của Gia Long trên con đường theo đuổi sự nghiệp thống nhất quốc gia khó nhọc của ông, dẫn theo không biết mấy bà phi và không ít bà đã bỏ mình lại giữa chốn biển khơi này, nay còn rải rác những miếu thờ trên một số hoang đảo ấy. Không biết bây giờ ở đấy có ai là hậu duệ của các bà phi ấy không mà, ai từng đến đấy đều có thể nhận ra ngay, con gái “hòn” (ở đấy người ta gọi đảo là “hòn”) rất đẹp! … Thôi, tôi đành phải dừng lại thôi, kỷ niệm cứ ùa về, tràn đầy… Tôi yêu và mê Miền Tây như vậy, nhưng chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện viết về miền đất và người ở đấy, trừ đôi bút ký nhỏ và rụt rè, bởi tôi biết tôi sẽ không bao giờ có thể nắm bắt được cho thật đúng cái hơi thở nồng đậm có một không hai, không bao giờ nói được cho thấu về đất đai, sông nước và con người ở đây, từ hình dáng, tâm tình, suy nghĩ, tính cách … cho đến ngôn ngữ giàu có đến kỳ lạ của họ. Không bao giờ tôi có được khả năng phả vào trang văn của mình một “hương rừng Cà Mau”, không bao giờ theo được Đoàn Giỏi, Nguyễn Quang Sáng, Ngô Khắc Tài…, và đặc biệt phát hiện quan trọng của văn học ta mấy năm nay: Nguyễn Ngọc Tư. Nhân đây tôi muốn nói qua đôi chút về tác phẩm đặc sắc “Cánh đồng bất tận” của cô gái đầy tài năng bất ngờ này. Tôi nghĩ, nếu đem văn học ta ra “nói chuyện” với thế giới bây giờ, thì với “Cánh đồng bất tận” ta chẳng phải sợ bất cứ ai hết, thật vậy đấy. Theo tôi, “Cánh đồng bất tận” là tác phẩm rất quan trọng để hiểu Miền Tây (tất nhiên không phải chỉ hiểu Miền Tây, mà hiểu con người và cuộc đời; nhưng ở đây là ta đang nói chuyện Miền Tây). Nó cho thấy rằng trong những con người trông chừng rất lầm lũi, đến mức gần như hoàn toàn hoang dã, hoang dại ấy, lại chất chứa cả một thế giới đời sống nội tâm sâu thẳm, phong phú, phức tạp và đẹp đẽ biết dường nào, đẹp đẽ hiểu theo nghĩa là con người với tất cả những hạnh phúc và đau khổ, ước vọng cùng tình yêu thống thiết, thâm trầm và đau khổ đến xé nát kiếp người, thậm chí cả mấy kiếp người nối tiếp, hỷ nộ ái ố, yêu thương và căm hận, khoan dung và trả thù, hiền hoà và dữ dội, thiện và ác, chẳng thiếu chút gì và đều đến cùng cực, vô cùng con người, vô cùng “nhân loại”, vô cùng phức tạp (cuộc đời này vốn đẹp chính vì nó rất phức tạp. Một cuộc đời đơn giản, vô sự, thì thật nhạt thách, chán phèo!), chẳng hề thua kém về độ “người” so với con người ở bất cứ đất nước hiện đại và văn minh nào. Đây là một tác phẩm đậm đặc tính nhân bản. Và nó bộc lộ tính chất nhân bản sâu xa của một vùng đất xa xôi tít tắp và hoang vắng mà lâu nay ta thường chỉ lấy làm thích vì trông nó có vẻ rất lạ, thậm chí rất thô sơ, thô thiển, “lạc hậu”. Vậy đó, cũng không ít đâu những người quan niệm và chủ trương lấy chính cái “lạc hậu”, cái hoang dại của một số vùng đất và người làm “hàng độc” để câu khách du lịch. Càng cố tình đẩy cái thô thiển, lạc hậu ấy lên thì càng tạo ra được hàng độc, càng đắt giá... Tôi nghĩ rằng điều này có liên quan chặt chẽ và rất quan trọng đối với đề tài ta đang định bàn hôm nay. Vậy xin thử góp đôi ý kiến lạm bàn, để thử cùng suy nghĩ.
*
Tôi không phải là chuyên gia về miền Tây, song do yêu mến vùng đất và người nơi này nên cũng thường suy nghĩ về một số vấn đề ở đây. Tôi chú ý đến hai vấn đề, quan tâm và trằn trọc, trước hết là để cố thử tự lý giải cho chính mình.
Một là: những ai từng đến miền đất này trước đây mươi, mươi lăm năm chắc không thể không nhận thấy và ít nhiều có một băn khoăn, thậm chí lo lắng và ray rứt: Miền Tây ngày nay, đương nhiên cũng như mọi miền đất khác của nước ta, tất phải hiện đại hoá và trong thực tế đang hiện đại hoá rất nhanh. Hiện đại hoá có phá vỡ, đến làm biến mất đi những nét độc đáo vẫn được coi là “đặc sản” độc nhất vô nhị của thiên nhiên cùng con người, và từ đó cả văn hóa của Miền Tây không? Gần đây tôi có trở về Năm Căn, Kinh Năm, Rạch Gốc, cả bên phía Sông Đốc, Đầm Cùng, Đá Bạc… Không còn những chiếc tàu đò nặng nề mà thú vị rời bến Cà Mau tờ mờ sáng, ì ạch tối mịt mới về tới Năm Căn, lại gần một ngày nữa lang thang hết sống lớn đến kinh, đến rạch, đến tắc, đến vàm kín bưng những đước cùng mắm và chằng chịt như mạng nhện, mới tới Rạch Gốc. Bây giờ thì hết rồi, toàn ca nô cao tốc và tàu cánh ngầm, hùng hổ phóng như điên, hỗn hào đánh giạt những chiếc võ lãi ngày trước thơ mộng là thế, nay không thật khéo tay là bị lật nhào chìm ngĩm ngay. Và các bờ kinh thì bị sóng ca nô đánh cho lỡ lói tan tành, nham nhở, hai bờ kinh như hai dãy vết thương rớm máu bùn đen, nhà hai bên kinh đổ nhào cả xuống sông, may lắm còn lại được một bức tường hay vài cây cột trơ trụi. Còn rừng thì năm này qua năm khác, năm nào cũng bị phá và bị cháy, Đồng Tháp Mười rồi U Minh, hết tràm đến đước, sự tàn rụi của một vùng rừng ngập mặn và ngập nước vào loại quý nhất trên trái đất coi như cầm chắc rồi… Cái hiện đại đang đánh tả tơi cái trong trắng, hoang sơ và thơ mộng hôm qua một cách không thương tiếc. Quả thật có một mâu thuẫn, cũng có thể gọi là một thách thức không nhỏ, không dễ, hăm hở, ồ ạt và dữ dằn giữa cái đi tới gấp gáp và cái biến đi từng ngày, cái được ồn ào của hôm nay và cái êm lặng trầm tĩnh của hôm qua - mà nghịch lý thay, cũng lại là của ngay mai, biết đâu đấy, bởi đến một lúc thật giàu lên rồi, quay nhìn lại thì có tiếc đến đứt ruột và dẫu có ngàn vàng cũng không mua lại được. Nhưng chẳng lẽ dừng lại mãi trong nổi tiếc nuối hoài cổ? … Cũng chính Nguyên Ngọc Tư đã có một tạp bút rất hay nói về điều này, liên quan trực tiếp đến chính câu chuyện du lịch chúng ta đang bàn đây: ấy là chuyện một ông già ở cuối Xóm Mũi Năm Căn giận dữ phản ứng với các chú làm du lịch cứ muốn buộc ông cứ phải sống mãi trong cái chòi rách nát trống trơ của ông ở nơi cùng trời cuối đất ấy … để cho họ làm du lịch, có thế thì mới là “độc đáo”, mới là của lạ trong mắt khách du lịch, để cho khách đến ngắm xem và trầm trồ, nhất là khách Hà Nội, khách Tàu, khách Tây, mới là “sản phẩm du lịch đắt giá”, mới là “hàng độc” của xứ lạ, lia lịa chụp ảnh, quay phim mang về làm kỷ niệm và khoe với bạn bè ở Hà Nội hay ở bên Tây, bên Tàu. Ông già ấy mà cải thiện được đời sống, xây được một cái nhà đàng hoàng thì còn gì là “độc đáo Đất Mũi” kỳ lạ và hấp dẫn nữa! Người ta bỏ tiền ra là để mua cái cảnh nghèo xác xơ đến chừng man dã kia cơ! Ngành du lịch thì quyết giữ sao cho ông già thật lạc hậu, con ông già thì giận dữ đòi cũng phải trở nên người văn minh như ai… Vậy đó, có một xung đột thật sự, và xung đột đó thường diễn ra nhất chính là trong các vấn đề không dễ lý giải của ngành du lịch! Câu chuyện của Nguyễn Ngọc Tư chỉ là một ví dụ, nhưng là ví dụ khá điển hình. Nó đặt một câu hỏi vậy mà thật lớn và không dễ chút nào. Tôi không được biết ngành du lịch đã và đang nghĩ gì về chuyện này. Vừa rồi tôi có đi Tây Nguyên và thấy ở Tây Nguyên cũng đang có những vấn đề tương tự. Cuộc sống đi tới, hiện đại hoá tất yếu đang làm chuyển động mọi mặt đời sống, trong đó có cả những giá trị văn hóa truyền thống, và sự chuyển động đó không hề là một chiều, mà đầy nghịch lý, từng ngày. Những vấn đề giữa đi tới và gìn giữ, được và mất cũng gay gắt chẳng kém gì dưới này. Tôi chỉ mới nghĩ được đến một hướng: vì sự biến đổi, biến động là tất yếu, tức ở ngoài mong muốn và ý chí của chúng ta, vậy không nên và dẫu có nên và có muốn thì thật ra cũng chẳng có cách gì cưỡng lại được. Trái lại rất có thể chính trong chuyển động đó lại đang nảy sinh ra cái độc đáo mới. Hà Nội hay Sài Gòn chuyển động sang hiện đại thì có gì là lạ. Tây Nguyên hay Miền Tây, Cà Mau, Năm Căn, Rạch Gốc, Kinh Năm … chuyển động mới là lạ, mới thật thú vị và hấp dẫn. Có phải chính sự chuyển động khó khăn đó ở những vùng đất đặc biệt này và trong những con người này lại có thể chính là sản phẩm du lịch mới độc đáo của chúng ta? Có lẽ nên có một cách nhìn lại như thế chăng, đối với du lịch, quan niệm về du lịch, sản phẩm du lịch.
Tôi có anh bạn người Pháp tên là Boris Lojkine, vừa là giáo sư triết học vừa là nhà làm phim tài liệu tài năng, tác giả bộ phim rất hay “Những linh hồn phiêu dạt” về đề tài đi tìm mộ liệt sĩ sau chiến tranh ở nước ta. Vừa rồi anh đã trở lại Việt Nam và định làm một phim mới về các dân tộc thiểu số ở miền Trung. Tôi có giúp anh đi khảo sát ở vùng rừng núi và dân tộc Quảng Nam. Đi về anh rất thất vọng, vì những gì anh hình dung về một cảnh sắc văn hóa dân tộc độc đáo hoá ra đã mất gần hết rồi, nhà sàn đã thành nhà đất, mái tranh thành mái tôn, rừng núi thì xác xơ, nóng kinh khủng, thanh niên trong làng đường núi gập gềnh vậy mà phóng xe máy như điên (và tất nhiên không hề đội mũ bảo hiểm!). Ở đây cũng vậy, cái truyền thống độc đáo đang bị đánh lùi, dữ dội và hỗn hào, cái mới đang đến, hăng hái mà rối rắm … Chúng tôi có ngồi với nhau một đêm sau chuyến đi của anh, tâm sự đến khuya, và cuối cùng chúng tôi nhận ra điều này: sự chuyển động ở những vùng ấy là tất yếu, cái hỗn độn, cả mất mát nữa trong chuyển động ở đó cũng là tất yếu, đấy là cuộc sống, một cuộc sống đang vật vã chuyển mình, tìm hướng đi tới cùng thiên hạ và hết sức khó nhọc trong việc cố giữ sao cho mình vẫn là mình, không đánh mất mình mà lại phải đi tới được cùng người, không bị bỏ rơi lại phía sau ngày càng xa. Cuộc sống không dừng lại, bất chấp mọi nuối tiếc của chúng ta. Hình như bản chất con người vốn là luôn hoài cổ. Mà cái đẹp thì chính là ở trong sự chuyển động không ngừng, không gì ngăn được của cuộc sống. Nếu quả thật anh là một nghệ sĩ có tài thì anh có thể sẽ làm được một bộ phim rất hay, rất độc đáo về cuộc chuyển động cũng rất độc đáo của những dân tộc đang phải vượt qua những chặng đường, thậm chí những giai đoạn lịch sử không hề nhỏ, để là những dân tộc độc đáo tồn tại được cùng và giữa thế giới hiện đại … Tôi biết trở về Paris, Boris đang ấp ủ kịch bản cho một bộ phim mới như thế, và anh đang tìm tài chính cho bộ phim ấy. Có thể sẽ lại có được một bộ phim mới rất hay, và đầy gợi ý cho chính những vấn đề chúng ta đang bàn hôm nay.
Tôi kể câu chuyện này để xin thử gợi ý có phải “sản phẩm” du lịch văn hóa ở Miền Tây của chúng ta mà chúng ta sẽ định đem chào hàng cùng khách du lịch bốn phương không phải, không nên là những “phục chế” giả cái hoang dã đang mất đi (một cách tất yếu), đóng kịch trở lại như kiểu đám cưới thì lại phải áo dài khăn đóng, giả và diễn, để lừa chào khách. Mà là đưa khách cùng vào thâm nhập, thấy, hiểu được con người, văn hóa ở đây đang vật vã và dũng cảm chuyển động như thế nào để trở nên những con người Miền Tây, thật Miền Tây mà cũng sẽ thật hiện đại như ai. Tất nhiên trong cuộc chuyển động khó khăn, vật vã đó, có cái, có chỗ đã và đang thành công, có chuyện, có nơi đang rối rắm, rất rối rắm, thậm chí cũng không ít cái đổ vỡ, thất bại. Tất cả đều quý, và tôi nghĩ đưa người khách du lịch thật sự đến, biết, hiểu được tất cả những cái ấy thì sẽ là thật sự trao cho họ một sản phẩm du lịch rất quý, rất lạ và hiếm, rất đắt giá, cả sâu sắc nữa. Tôi tin con người Miền Tây, với chiều sâu nhân văn không khoa trương, ồn ào mà thâm trầm theo cách rất riêng của mình, đang và sẽ có cách đi của mình, hẳn rất độc đáo, trên đường hiện đại hoá tất yếu. Đang và sẽ có một kiểu văn hóa mới của riêng Miền Tây, độc đáo chẳng kém xưa, trong phát triển hôm nay. Du lịch bao giờ cũng là văn hóa, là trao đổi văn hóa, là hành động của những con người tìm đến với nhau bằng văn hóa, qua văn hóa. Du lịch rất cần tìm hiểu cho ra sự chuyển động và hình thành văn hóa mới của chuyển động đó trên vùng đất này để làm món “hàng độc” của mình. Tôi mong trong hội thảo này chúng ta thử trao đổi về nội dung và phương hướng du lịch ấy ở Miền Tây xem sao. Cần tìm một hướng đi mới, và theo tôi hướng đi đó chính là một hướng đi văn hóa, theo nghĩa sâu xa và cũng rất thời sự của văn hóa.
Còn một điều thứ hai hẳn không thể không quan tâm và không nói đến: đồng bằng Miền Tây, như ai cũng biết, là vựa lúa lớn nhất nuôi sống cả nước, nhưng nông dân ở đây lại nghèo, rất nghèo, và cái nghèo đó đã và đang đưa đến những vấn đề xã hội không lấy gì làm vui, có khi còn đau đớn nữa. Chắc ai cũng biết hàng vạn cô gái lấy chồng Hàn, chồng Đài, hàng trăm cô gái kéo lên thành phố tập họp, sắp hàng, làm cả những gì đó nữa để cho vài ba kẻ nước ngoài kệch cỡm và lố bịch “xem mắt”, những cô gái mơm mởn, hiền hậu và hiếu thảo của vùng đất đẹp biết bao này đã phải ném đời mình vào cuộc phiêu lưu may ít rủi nhiều ấy để cứu gia đình, mong mang lại một chút thư thới cho cha mẹ mình trong tuổi già, cho các em của mình được đi học, các cô gái ấy đều phần lớn từ Miền Tây này ra đi. Muốn nói gì thì nói, đây là một vết thương trong đời sống đất nước chúng ta hiện nay, của chính mỗi chúng ta, mà chúng ta nhất thiết không thể làm ngơ. Chúng ta đang bàn đến chuyện du lịch cộng đồng ở Miền Tây. Tại sao không nghĩ đến việc tìm mọi cách đưa lực lượng ấy vào dự án du lịch của chúng ta, như một trong những mục tiêu quan trọng nhất của dự án, hay đúng hơn, của công cuộc xã hội quan trọng này. Một số anh em chúng tôi ở Miền Trung đang làm một trường đại học, trong đó một trong những khoa quan trọng mũi nhọn là khoa du lịch. Và trong khoa du lịch, bên cạnh các lớp chính quy, đào tạo nhân lực cao cấp cho nhu cầu du lịch cao cấp đang phát triển mạnh ở ta, chúng tôi chủ trương rất coi trọng việc mở những lớp ngắn hạn về du lịch nhằm đối tượng là cộng đồng dân cư rộng rãi và bình thường, để giúp họ chuyển nghề khi các ngành kinh tế đang phát triển sẽ đẩy người nông dân ra khỏi đồng ruộng của họ. Chẳng hạn những lớp ngắn hạn mươi, mươi lăm ngày, vai ba tuần, một tháng … về dịch vụ du lịch cho các ông chủ nhà để khi có thể họ làm được kiểu du lịch home stay, hoặc những chỉ dẩn chuyên môn tối thiểu về du lịch và ngoại ngữ cho người dân thường làm hướng dẫn du lịch. Ở Népal có một lực lượng hướng dẫn leo núi là nghề hết sức cần thiết và có thể đem lại thu nhập cao. Tất nhiên ta không phải là Népal và không có Himalaya, nhưng ta có Đồng Tháp Mười, có U Minh Thượng và Hạ, có biển và hàng trăm đảo huyền ảo Kiên Hải, có những cách đồng mênh mông và sông nước tuyệt đẹp … Tôi hình dung, được huấn luyện không nhiều và chắc cũng không khó khăn lắm, các chàng trai, cô gái rất lanh lợi, thông minh, chất phác và đôn hậu của chúng ta ở vùng đất này làm hướng dẫn du lịch cho khách xa đến, hẳn sẽ rất thú vị và hấp dẫn. Chắc chắn không ai hiểu đất và người ở đây bằng họ, cũng không ai hiểu đến thấm thía những chuyển động xã hội đang diễn ra ở đây sâu, sát cho bằng họ… Ít ra, hãy thử làm xem. Sẽ là đóng góp xã hội lớn lắm của ngành du lịch nếu chúng ta góp phần tích cực “giải phóng” được hàng vạn chị em đồng bằng này ra khỏi cái dịch vụ đang là mối ô nhục có người đã gọi là có tính cách quốc thể kia.
Để làm được, hẳn phải tiếp tục nghiên cứu kỹ lắm, tìm hiểu chi ly và tổ chức tận tuỵ, chu đáo lắm. Nhưng chắc chắn đây là việc lớn rất đáng bỏ trí tuệ và công sức để làm cho kỳ được. Vì nhân dân, vì Miền Tây thân yêu của chúng ta. Mong sao ngành du lịch thật sự vào cuộc, đúng như chủ đề của hội thảo này, du lịch cộng đồng, vì cuộc sống của nhân dân.
Một số ý kiến thô thiển của một người chắc chắn là không am hiểu bao nhiêu vùng đất này, nhưng từng và vẫn thiết tha yêu mến nó, xin trình bày. Rất mong được trao đổi.
Tháng 10-2007
Ảnh: Trương Công Khả, Metinfo
Nguồn: Được đăng bởi Mblog tại 11/04/2007 05:51:00 CH
Nhân: Bàn tròn chuyện nghề du lịch, Chuyện dưới bóng dừa
Nguyên Ngọc: Tác phẩm
Văn chương của một nhà văn hóa công dân
Thu Hà
Tuổi Trẻ Online - Bộ sách Nguyên Ngọc - tác phẩm (NXB Hội Nhà Văn) với hơn 2.000 trang vừa ra mắt bạn đọc ngay những ngày đầu năm 2008.
Mãi đi, mãi làm, mãi dịch; Nguyên Ngọc hình như đã quên mất là phải tập hợp lại những gì mình đã trải nghiệm, đã viết ra để in thành một cái gì đó ra tấm ra món. Thật may vì ông còn nhiều học trò, đồng nghiệp, đàn em yêu quí, trân trọng thành quả lao động của ông và muốn nó đến được với nhiều người.
Vì thế, ba tập sách dày hơn 2.100 trang của bộ Nguyên Ngọc - tác phẩm đã ra đời. Tập một là các tác phẩm để đời của ông: tiểu thuyết Đất nước đứng lên, Đất Quảng, truyện ngắn Rẻo cao, Rừng xà nu, bút ký Đường mòn trên biển Đông, Đường chúng ta đi...
Tập hai là các tiểu luận, nghiên cứu về hai vấn đề mà cả đời ông theo đuổi và càng về cuối đời ông càng gắn bó bức thiết và máu thịt với nó: Tây nguyên và giáo dục văn hóa VN. Tập ba là phần của "người truyền bá”: những tác phẩm kinh điển của văn học và lý luận văn học thế giới: Độ không của lối viết (Roland Barthes), Những di chúc bị phản bội (Kundera), Phi thực dân hóa tiểu thuyết (Coetzee), Dạy văn trong nhà trường để làm gì? (Fumaroli)...
Gần 60 năm của một đời cầm bút, cho dù sự dịch chuyển và bứt phá của nhận thức theo thời gian và thời sự là rất rõ, người đọc còn thấy rõ hơn nữa một sự chung thủy, trung thực và quyết liệt với tất cả những đối tượng được viết đến và với chính bản thân mình của người viết. Cái cốt lõi cứng rắn và trong suốt như kim cương ấy khiến người ta có thể đọc lại Đất nước đứng lên, Rừng xà nu hay Đường chúng ta đi mà không bị cảm giác khiên cưỡng của thứ văn chương minh họa, văn chương khẩu hiệu một thời.
Cũng với tình cảm ấy, đọc Đường mòn trên biển Đông, ông viết về những kỳ tích của đoàn tàu không số 40 năm trước, vẫn thấy hiển hiện tình yêu nồng nàn thủy chung của ông dành cho đồng đội, cho cuộc sống hôm nay, dù lúc đó ông đang ở trong những năm tháng cay đắng nhất của đời người, đời văn.
Gần 20 năm nay, ông say sưa và trăn trở với sự phát triển đầy mâu thuẫn của Tây nguyên, đồng thời với việc ông và các bạn kêu gọi vận động cải cách giáo dục VN. Tất cả bài viết của ông về hai vấn đề này đều đã đăng trên các báo, chủ yếu là Tuổi Trẻ, Tia Sáng và Doanh Nhân Cuối Tuần. Đọc rồi và đọc lại một cách có hệ thống, chợt nhận ra ông đã nhận thấy, đã trăn trở rất lâu trước khi viết để có thể vượt qua những nhận thức, những định kiến của con người và thời đại mình - từ những năm 1980 trước thời khắc mở cửa.
Cầm ba tập sách nặng trĩu trên tay mà thấy lòng nhẹ bỗng: thế ra ông đã qua cái tuổi xưa nay hiếm được năm năm, thế ra ông đã viết "cho mình" được quá ít so với tài năng của ông, so với tâm huyết của ông. Vì ông đã dành quá nhiều thời gian và công sức cho việc giành quyền được viết cho những tài năng khác.
Nhưng dù sao cũng vui mừng chúc mừng ông, với món quà đáng trân trọng mừng ông 75 tuổi.
Cảm hứng về thời kỳ hội nhập
"Tác phẩm vừa là tập hợp những tác phẩm của Nguyên Ngọc từ trước đến nay, vừa là cảm tình của anh em đồng nghiệp nhân kỷ niệm tuổi 75 của anh" - nhà văn Trung Trung Đỉnh, người trực tiếp thực hiện bộ sách Nguyên Ngọc - tác phẩm, cho biết.
* Như vậy là đến tuổi 75, nhà văn Nguyên Ngọc có một tập hợp tác phẩm ra mắt bạn đọc, có thể hình dung sự qui mô của bộ sách này như thế nào, thưa ông?
- Bộ sách này được chọn theo ba tuyến nội dung, tương đương với ba tập: tiểu thuyết - truyện ngắn; bút ký - tiểu luận; dịch thuật. Số tác phẩm được chọn chưa phải là tổng tập, nhưng nhiều hơn tuyển tập. Các tác phẩm của Nguyên Ngọc được tuyển chọn ngay từ những sáng tác đầu tiên cho đến những bài báo, tiểu luận đăng trên các báo gần đây.
Đặc biệt, phần đóng góp về dịch thuật của Nguyên Ngọc rất lớn cho nền học thuật và văn chương nước nhà. Các tác phẩm dịch thuật của Nguyên Ngọc thì tác phẩm nào tôi cũng thích, chẳng hạn như tiểu luận về Kundera. Và còn một số tác phẩm dịch nữa, về dân tộc học, chúng tôi chưa đưa vào, vì muốn in các nội dung văn chương trước. Xuất bản cả phần dịch thuật, thì cái nhìn về nhà văn Nguyên Ngọc mới toàn diện hơn.
* Cùng là người lính cầm bút, ông nhận thấy cảm hứng nổi trội của bộ Nguyên Ngọc - tác phẩm này như thế nào? Việc thực hiện ba tập sách này cũng là cảm tình ưu ái của NXB Hội Nhà Văn dành cho nhà văn Nguyên Ngọc?
- Với các tiểu luận, bài báo của Nguyên Ngọc gần đây, có cảm hứng của thời hội nhập, có những vấn đề văn hóa dân tộc được đặt ra để cùng suy ngẫm.
Anh em NXB Hội Nhà Văn ngưỡng mộ anh Nguyên Ngọc lâu rồi, với tôi, Nguyên Ngọc là bậc đàn anh. Nên chúng tôi không định làm tuyển tập, vì nói thật, chúng tôi mà "tuyển" Nguyên Ngọc thì vô duyên lắm. Sở dĩ lâu nay chưa làm có một phần là chính anh Nguyên Ngọc cũng không khoái chuyện này lắm. Cho nên, nhân năm nay kỷ niệm sinh nhật lần thứ 75 của Nguyên Ngọc, tôi thuyết phục được anh đồng ý cho NXB Hội Nhà Văn làm bộ sách này.
Hơn 2.000 trang sách, cũng có cái thuận lợi là được xuất bản theo diện Nhà nước tài trợ. Sau bộ tác phẩm này, chúng tôi sẽ bắt tay làm tổng tập Nguyên Ngọc - cũng là một niềm vui tiếp theo.
Lam Điền thực hiện
Đất thơm giấu mặt
26 tháng 8, 2008
Anh yêu em, em làm vợ anh nhé?
(Chưa rõ tác giả)
Chuyện cổ tích hiện đại kể rằng, ngày nay có một hoàng tử rất đẹp trai. Nhưng không may, chàng bị một bà phù thủy phù phép nên mỗi năm hoàng tử chỉ nói được một từ duy nhất. Vì thế, chàng rất buồn vì không nói chuyện được với ai. Cũng như mọi câu chuyện cổ tích, có hoàng tử thì sẽ có một nàng công chúa...
Nàng công chúa cũng sống trong lâu đài nọ và xinh đẹp vô cùng. Hoàng tử đem lòng yêu nàng công chúa. Nhưng oái ăm thay, chàng không nói được, mỗi năm chàng chỉ có cơ hội thốt lên một tiếng và phải im lặng cả năm. Làm thế nào để tỏ tình đây? Chàng suy nghĩ và quyết định rằng hay là ta im lặng trong ba năm để được nói với nàng ba từ: Anh yêu em.
Và chàng bắt đầu chờ đợi, ba năm trôi qua... Nhưng chàng chợt nhận ra rằng nói với nàng ba từ đó chẳng có tác dụng gì. Thế là chàng nghĩ hay là tiếp tục chờ đợi thêm 5 năm để nói với nàng thêm năm từ nữa: "Em làm vợ anh nhé".
Chàng ta tiếp tục chờ đợi....
Đã tám năm trôi qua kể từ ngày chàng quyết định chờ đợi, tám năm trong im lặng để được nói với nàng một câu duy nhất. Và rồi ngày định mệnh đó cũng đã tới, nàng công chúa vẫn xinh đẹp như ngày nào. Nàng đang đứng trên lan can sân thượng của lâu đài, miệng lẩm nhẩm hát có vẻ rất yêu đời.
Chàng hoàng tử tiến tới trước mặt nàng, quỳ xuống, cầm lấy bàn tay nàng, nhìn sâu vào mắt nàng và thốt lên tám tiếng yêu thương: "Anh yêu em, em làm vợ anh nhé?".
Bạn có biết chuyện gì xảy ra không? Như mọi chuyện cổ tích, câu chuyện sẽ kết thúc có hậu là chàng hoàng tử sẽ cưới công chúa và lời nguyền được hóa giải. Nhưng mọi việc không kết thúc như thế! Nàng công chúa, sau khi nghe xong, vẻ mặt rất ngạc nhiên. Nàng từ từ rút khỏi tai hai cái tai nghe của chiếc headphone và hỏi lại:
"Anh nói gì cơ, em nghe không rõ?".
(Cám ơn PGS.TS. Nguyễn Văn Bộ đã chọn gửi chuyện này với lời bình: "Các anh đọc cho vui, theo tôi rất hay". Đúng là hay thật! Ảnh trên chỉ minh họa sự ngước nhìn và hỏi)
Ở làng Vũ Đại bây giờ
Nguyễn Long
Ở làng Vũ Đại bây giờ
Tiệc tùng suốt tháng, quạt cờ quanh năm
Ít người làm, lắm kẻ ăn
Đất xưa chó ỉa nay thành chỉ cây.
Chí Phèo giờ vẫn trắng tay
Cửa nhà xiết nợ, ruộng cày sang tên
Vật vờ quán xá đỏ đen
Mấy mùa thuế đọng, mấy phen vỡ đề.
Nhà Bá Kiến mới bỏ quê
Chưa đi đã nhiễm bùa mê thị thành
Mua được chức, sắm được danh
Tiền chùa đầy túi tung hoành ăn chơi.
Dân tình thì vẫn lôi thôi
Cuốc cày chưa ráo mồ hôi hết tiền
Vẫn ăn thật, vẫn ở hiền
Vẫn lo cơm áo liên miên tháng ngày.
Chuyện làng Vũ Đại hôm nay
Chửa trăm năm đã đảo xoay mấy vòng.
Ở làng Vũ Đại bây giờ
Tiệc tùng suốt tháng, quạt cờ quanh năm
Ít người làm, lắm kẻ ăn
Đất xưa chó ỉa nay thành chỉ cây.
Chí Phèo giờ vẫn trắng tay
Cửa nhà xiết nợ, ruộng cày sang tên
Vật vờ quán xá đỏ đen
Mấy mùa thuế đọng, mấy phen vỡ đề.
Nhà Bá Kiến mới bỏ quê
Chưa đi đã nhiễm bùa mê thị thành
Mua được chức, sắm được danh
Tiền chùa đầy túi tung hoành ăn chơi.
Dân tình thì vẫn lôi thôi
Cuốc cày chưa ráo mồ hôi hết tiền
Vẫn ăn thật, vẫn ở hiền
Vẫn lo cơm áo liên miên tháng ngày.
Chuyện làng Vũ Đại hôm nay
Chửa trăm năm đã đảo xoay mấy vòng.
May mà ...
Lê Đình Cánh
May mà Huế ở Thừa Thiên
Kinh kỳ thuở trước còn nguyên cổ thành
Tháp xưa còn tiếng chuông lành
Tường rêu còn nhuộm sứ sành sắc lam.
May mà Huế ở trời Nam
Còn câu đối cũ dựng am sách nghèo
Nhà vườn còn gác trăng treo
Còn diều khuê các bơi chèo gió xanh.
Nếu mà Huế ở xứ Thanh
Lầu son ngói nát, Cổ thành gạch tan
Hán Nôm nghìn tuổi thành than
Nền xưa dấu cũ hoang tàn nắng mưa.
(Chọn từ blog của bác BiBo
http://blog.360.yahoo.com/blog-v97aU78_Y7J4qXdrf8kq?p=112#comments)
Lời bình của Bulukhin:
Lê Đình Cánh là một trong những nhà thơ mà tôi yêu thich. Trong khi lục bát Đồng Đức Bốn xuất thần, bạo liệt, có lúc bụi bặm... Lục bát Nguyễn Duy tài hoa mà hóm hỉnh, thì lục bát Lê Đình Cánh cứ rỉ rả mà thâm trầm sâu cay. Thọ Xuân là quê ông,"May mà" là bài thơ ông nói về quê mình?? Ở đó có Lam Kinh, một khu di tích rộng khoảng 30 ha ở xã Xuân Lam. Lam Kinh có đến 14 công trình di tích như Ngọ môn, Sân rồng, Chính điện Lam Kinh, Khu thái miếu triều Lê sơ, Lăng mộ các vua và hoàng hậu, Vĩnh lăng, Bia Vĩnh Lăng, Hựu lăng, Chiêu lăng, Dụ lăng, Kinh lăng, Khu đền thờ Lê Lợi, Khu đền thờ Lê Lai, Đền thờ Bố Vệ. Nhà nước đã bỏ ra vô số công sức và tiền của để tôn tạo phục chế lại Lam Kinh nhưng rồi không hiểu sao vong linh các vua Lê cứ hỏi nhau nơi đây là đâu nhỉ? Có phải là Lam Kinh vàng son trên đất Thọ Xuân không? Lê Đình Cánh làm thơ chứ không làm vua nên ông không hỏi thế. Mà hỏi ai? và ai trả lời? ông chỉ hú vía thốt lên "may mà" nghe sao mà ai oán.
May mà Huế ở Thừa Thiên
Kinh kỳ thuở trước còn nguyên cổ thành
Đọc đến đó chưa ai hiểu nhà thơ nói gì. Thì Huế vẫn còn cho nên Unesco mới phong tặng danh hiệu Di sản văn hoá của nhân loại chứ sao. Tiếp theo tác giả vẫn tiếp tục rỉ rả với cố đô Huế
May mà Huế ở trời Nam
Còn câu đối cũ dựng am sách nghèo
...
...
Thế rồi đột ngột như cầu thủ nhà nghề phạt trực tiếp 11 mét. Tác giả cho bóng vào gôn
Nếu mà Huế ở xứ Thanh
Lầu son ngói nát cổ thành gạch tan
Lê Đình Cánh tuyệt nhiên không nói đến Lam Kinh, vì sao vậy? vì Xứ Thanh là phát tích nhiều triều đại vua chúa chứ đâu chỉ có các đời vua thời hậu Lê. Có lẽ những Lê Hoàn, những chúa Trịnh, chúa Nguyễn rồi vua Nguyễn cũng không còn lăng tẩm mà về vì hậu duệ thời a còng đang làm cái việc gọi là duy tu và tôn tạo các di tích lich sử và văn hoá...
25 tháng 8, 2008
Biển bạc đầu nông nổi tuổi hai mươi
Nguyên Ngọc
Trần Đăng Khoa
I
Tôi vẫn còn nhớ buổi sáng ngày 1 tháng 9 năm 2000. Tại Trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, đã diễn ra một nghi lễ long trọng: Trao tặng Huân chương Độc lập vì những cống hiến to lớn trong lĩnh vực văn học nghệ thuật cho 5 nhà văn xuất sắc: Hải Triều, Thanh Tịnh, Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Thi và Nguyên Ngọc. Trong số 5 nhà văn rất nổi tiếng này, chỉ có mỗi Nguyên Ngọc là còn sống. Nhưng ông lại không có mặt. Nhiều người tỏ ra băn khoăn. Một nhà văn bảo tôi: “Cái ông Nguyên Ngọc này buồn cười thật. Cứ khụng khà khụng khiệng. Khó chịu quá”. “Hình như anh Ngọc đi vắng.”. “Vắng đâu. Về rồi. Về mà vẫn không chịu đến! Cha này xem ra không được!”.
Thật oan cho Nguyên Ngọc.
Khi Hội Nhà văn tổ chức đón nhận Huân chương Độc lập cho ông thì ông vẫn còn lặn lội ở cơ sở cách mạng vùng ngoại ô thành phố Đà Nẵng. Ông hoàn toàn không biết có sự kiện này. Báo tin cho ông ngay trong buổi chiều hôm ấy lại là những độc giả của ông ở Đà Nẵng. Họ tíu tít đến chúc mùng ông. Anh Giám đốc khách sạn Non Nước còn mang lẵng hoa đến tặng ông. Nguyên Ngọc rất cảm động vì tấm lòng thương yêu quý trọng của độc giả giành cho mình. Xem chừng họ còn vui hơn cả ông khi ông được Nhà nước ghi nhận về sự cống hiến to lớn trong cả một đời cầm súng và cầm bút.
Chiều 7-9- 2000, Nguyên Ngọc về đến Hà Nội thì sáng ngày 8-9, nhà văn Nguyễn Trí Huân, Phó Tổng thư ký cùng nhà thơ Nguyễn Hoa, cán bộ Tổ chức Hội, thay mặt Ban Chấp hành đã đến tận nhà trao ông Huân chương Độc lập hạng nhì của Nhà nước cùng với lẵng hoa của Hội nhà văn. Phó Tổng thư ký Nguyễn Trí Huân còn thông báo cho ông biết, ông có 7 triệu đồng tiền đầu tư sáng tác.
- Ồ, cái đó thì mình không nhận đâu.
Nguyên Ngọc lắc đầu. Nhà văn Nguyễn Trí Huân cười điềm đạm:
- Đây là lộc chung thôi anh ạ. Lộc của Nhà nước mà!
- Lộc nào của Nhà nước. Tiền đóng thuế của dân đấy. Mình không nhận đâu!
- Mọi người đều nhận cả bác ạ - Tôi chen vào - Nhà văn mình khổ quá. Nhà nước tạo điều kiện thêm để ngồi làm tác phẩm. Em cũng đã nhận mấy triệu. Mọi người cũng đều nhận cả. Bác không nhận, thế bằng bác bỉ chúng em à?
- Không! không! - Nguyên Ngọc vội vã xua tay - Cái này là tuỳ quan niệm của mỗi người thôi. Mình viết được cái gì thì “bán” cho Nhà xuất bản lấy tiền rồi. Sao bây giờ lại còn lấy tiền của dân nữa?. Số tiền ấy mình không nhận đâu. Huân đừng mang đến nhé!
Nguyên Ngọc lại từ chối. Như mấy lần đầu tư trước đây, ông cũng kiên quyết từ chối. Ở Hội Nhà văn hiện nay, chỉ có mỗi Nguyên Ngọc là chưa nhận tiền tài trợ lần nào. Mà ông “gàn” lắm! Cực đoan lắm. Có người bảo, Nguyên Ngọc đã quyết cái gì thì không ai có thể ngăn cản nổi. Có túm tay ông kéo lại thì lập tức ông hoá thành anh La Văn Cầu, rút mã tấu chặt phéng ngay cái cánh tay bị níu giữ ấy mà xông lên. Việc từ chối tiền đầu tư cũng thế. Tôi biết Nguyên Ngọc rất nghèo. Số lương hưu của hai vợ chồng ông có đáng là bao. Nguyên Ngọc lại đi thực tế liên miên, mà đi xa, đi tự túc. Tính ông lại khảnh. Đã thế ông lại không chịu viết tạp. Thế thì làm sao mà có được tiền. Một lần nhà văn Nguyễn Thị Như Trang đến thăm ông, thấy trên mâm chỏng trơ hai cái xoong. Một xoong cơm, một xoong canh. Thức ăn không cho ra bát. Người ăn cứ múc thẳng từ nồi. Đấy là lối ăn theo kiểu thời chiến của lính trận. Chiến tranh đã kết thúc cách đây hơn một phần tư thế kỷ rồi, vậy mà Nguyên Ngọc vẫn chưa ra khỏi cuộc chiến. Cho đến tận bây giờ, ông vẫn không biết đi xe máy, cũng không biết đi cả xe đạp. Cứ túc tắc cuốc bộ. Và ông bước phăm phắp như lính cắt rừng.
- Sao tôi được nhận Huân chương Độc lập hạng nhì mà Nguyễn Thi lại chỉ hạng ba. Nguyễn Thi phải hơn tôi chứ. Tôi so với anh Thi sao được ?
Nguyên Ngọc tỏ ra rất băn khoăn. Nguyễn Trí Huân chỉ còn biết nở nụ cười của Phật bà Quan âm. Bởi điều ấy nằm ngoài tầm tay Hội Nhà văn rồi. Có lẽ Ban Thi đua Khen thưởng Nhà nước cứ chiểu theo Quy chế, căn cứ vào độ dài của thời gian phục vụ trong chiến trường. Nguyễn Trọng Oánh và Nguyên Ngọc lặn lội trong lửa đạn suốt hơn chục năm trời, hết chiến tranh mới ra Bắc. Còn Nguyễn Thi thì ngay từ năm 1968, ông đã hy sinh rồi. Nguyễn Thi ở chiến trường mới được có bốn năm. Còn cả một đời, Nguyễn Thi nằm trong lòng đất và đến nay vẫn không tìm thấy hài cốt ở đâu…
Nguyên Ngọc ngồi lặng. Gương mặt đượm buồn. Ông và Nguyễn Thi cùng đi B một ngày. Bấy giờ, Nguyên Ngọc đi nhẹ nhàng lắm, vì ông chưa có vợ con. Còn Nguyễn Thi thì đã có vợ. Người vợ trẻ của ông lại vừa sinh con trai đầu lòng. Nhà thơ Vũ Cao còn nhớ buổi chia tay Nguyễn Thi. Bữa đó, ông rủ Nguyễn Thi ra phố. Ông muốn mời bạn ăn một bát phở bò. Nhà văn thời đó nghèo xơ xác. Trong túi Vũ Cao cũng chỉ đủ số tiền cho một bát phở thôi. Chả lẽ chỉ bạn ăn, còn mình thì ngồi suông ngắm bạn? Hình như cũng hiểu được nỗi băn khoăn của Vũ Cao, Nguyễn Thi bảo ông chỉ thèm khoai lang luộc thôi. Trời, tưởng gì, chứ khoai lang thì rẻ lắm. Số tiền trong túi Vũ Cao đủ để hai ông ăn no khoai lang. Thế là họ ngồi sụp xuống bên đường, làm một đĩa khoai mật.
Tối ấy, Nguyễn Thi về nhà từ biệt vợ con. Vợ ông chỉ lặng lẽ lau nước mắt còn thằng bé mới đẻ thì khóc ré lên. Nguyễn Thi đùng đùng quay ra rồi phăm phăm bước thẳng, không ngoái đầu lại, mặt tái ngắt, trông rất ghê sợ, cứ như sắp sửa chém giết ai đó. Vũ Cao biết nếu chỉ quay nhìn lại vợ con, cửa nhà, chắc Nguyễn Thi sẽ không thể đi nổi.
Đêm ấy, Nguyên Ngọc và Nguyễn Thi lên tàu ở ga Thường Tín. Rồi họ vượt rừng, lội suối, luồn dọc Trường Sơn hàng mấy tháng trời. Đến A Sầu, A Lưới thì chia tay nhau. Đêm chia tay, họ còn giăng võng, nằm bên nhau trong một khu rừng xà nu. Khu rừng này đã thành nỗi ám ảnh đối với Nguyên Ngọc. Đêm ấy, mọi người còn mời một đồng chí ở cơ sở đến nói cho anh em mới vào nghe chuyện chiến trường. Đồng chí cán bộ đó không thể nói được gì, vì suốt mấy năm ở đây, ông chưa bao giờ được đứng trước một đám đông như thế. Trời ơi! Chỉ có 5 người thôi mà đã thành một đám đông. Nguyễn Thi bảo: “Tình hình thế này là ác liệt đấy. Chúng mình vào đây mà làm nhà văn thì vô duyên quá! Kỳ cục quá! Phải sống đã. Cầm súng đánh giặc đã rồi làm nhà văn sau. Chúng mình chỉ trở lại Hà Nội bằng con đường số Một.”
Câu nói như một lời nguyền. Và rồi họ đã thực hiện đúng như thế. Nguyễn Thi xuôi về Nam Bộ. Nguyên Ngọc xuống khu Năm. Đấy là những vùng chiến trường rất đỗi khốc liệt. Năm 1968, Nguyễn Thi hy sinh trong một trận chiến đấu . Ông ngã xuống như một người anh hùng. Còn Nguyên Ngọc thì sau chiến tranh, ông mới trở lại Hà Nội bằng đúng con đường số Một.
II
Cũng như Nguyễn Thi, Nguyên Ngọc vào chiến trường khi đã là một nhà văn nổi tiếng.Tác phẩm đầu tiên của ông là cuốn tiểu thuyết Đất nước đứng lên, viết về anh hùng Núp. Cuốn sách vừa ra đời đã có tiếng vang lớn. Và cũng từ đấy hình thành một lối viết của Nguyên Ngọc theo kiểu Nguyên Ngọc. Lối viết này quán xuyến suốt một đời cầm bút của ông và có ảnh hưởng tới nhiều nhà văn sau ông. Đó là viết về người thật việc thật và người tốt việc tốt. Nhân vật của Nguyên Ngọc đều bắt nguồn từ những nguyên mẫu có thật trong cuộc sống chiến đấu của nhân dân mà ông từng tham dự. Sau tiểu thuyết Đất nước đứng lên, là tập truyện ngắn Rẻo cao. Đây mới thật sự là kiệt tác của Nguyên Ngọc. Tập sách rất mỏng, chỉ phong phanh chừng một trăm trang, gồm có sáu truyện ngắn, mà truyện nào cũng đặc sắc. Bây giờ đọc lại vẫn còn thấy rất hay, vẫn không cũ. Hay nhất trong tập là truyện ngắn Rẻo cao. Đây cũng là cái truyện viết tài nhất trong đời văn Nguyên Ngọc. Truyện không có cốt, tóm tắt rất nhạt. Vì nó chẳng có gì cả. Nguyên Ngọc kể về một ông già người Mèo có tên là Cắm. Ông bỏ nhà đi hoạt động cách mạng, mải việc nước đến quên cả lấy vợ. Về già, không còn đủ sức đi nữa thì ông về quê, “làm cách mạng” ở quê. Công việc của ông là chuyển thư từ, báo Đảng xuống các làng bản. Ông không biết chữ, nên thằng cháu ruột của ông, một anh chàng bưu tá huyện đã phải đánh dấu cho ông bằng những sợi chỉ xanh, chỉ đỏ. Chỉ xanh là ông Lý A Pù. Chỉ đỏ là ông Ma Văn Keo, xóm Nà Thăn. Thế là ông cắt rừng đi ngay trong đêm. Với chất liệu như thế, chỉ đủ để viết một cái tin vắn, mà tin cũng nhạt phèo, khó mà đọc được.Vậy mà Nguyên Ngọc dựng được thành một cái truyện ngắn đặc sắc, đọc hấp dẫn và thấm thía. Ông còn cho nhân vật của mình ghếch súng vào vai, ngồi nghe hết tờ báo Nhân Dân, rồi ông còn chép nguyên cả cái dự báo thời tiết trên báo Nhân Dân vào trong cái truyện vốn đã rất ngắn của mình: “Ở miền Bắc nước ta hôm nay trời quang và nắng. Riêng vùng núi phía Bắc và Tây bắc Bắc bộ, trời ít mây, thỉnh thoảng có mưa nhỏ rải rác ở một vài nơi...”. Thế rồi sau cái dự báo thời tiết này, là bát ngát một cảnh sắc của rừng đêm Tây bắc được nhìn qua con mắt của ông già Cắm. Phải nói đó là những trang văn hay. Văn Nguyên Ngọc là thứ văn trong, sánh như mật ong, lại đượm ướp một làn hương rất đặc biệt. Đọc cứ bàng hoàng váng vất mãi. Nguyên Ngọc hơn người ở tài văn. Không có thực tài, không thể viết được thế.
Nhân vật của Nguyên Ngọc đều là những người tốt. Trong chuyện Dũng cảm, cô giáo Tuyết, người Hà Nội đã bỏ Thủ đô, bỏ cả người yêu, xung phong lên miền núi dạy học. Cô hết lòng yêu thương các em. Cô biết mình sẽ gắn bó lâu dài với các em, cô không thể bỏ các em mà về xuôi được. Rồi có lần hai em bé người Dao vắng mặt. Không biết các em ốm đau hay làm sao. Cô cùng một em bé người Nùng băng rừng vượt hàng chục cây số xuống bản. Rừng đối với cô là một thế giới đầy bí ẩn. Nguyên Ngọc cũng qua con mắt của cô giáo vùng xuôi, cho chúng ta những trang tả rừng rất đặc sắc. Cô giáo xuống bản, mới hay học trò của mình không ốm. Ông bố cho các em đi làm công tác cách mạng. Ấy là dẫn đường cho các chú địa chất dò tìm tài nguyên cho đất nước. Thế là người tốt lại gặp những người tốt. Đọc truyện của Nguyên Ngọc, cứ tưng bừng như đi dự một Đại hội Chiến sĩ Thi đua.
Lần giở những trang sách của Nguyên Ngọc, không hiểu sao, tôi cứ nghĩ đến Tố Hữu và Phạm Tuyên. Cũng như thơ Tố Hữu, ca khúc Phạm Tuyên, Nguyên Ngọc viết văn bằng hồn mình và cái hồn ấy thuộc về cách mạng. Ông bám sát các vấn đề lớn của chính trị, phục vụ trực tiếp các nhiêm vụ chính trị mà tác phẩm vẫn vượt qua được sự minh hoạ, vẫn thành tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh. Không ít tác phẩm có giá trị lâu dài. Những vấn đề lớn mà Tố Hữu quan tâm cũng là những vấn đề Nguyên Ngọc đề cập đến trong hầu hết các sáng tác của mình. Tố Hữu viết:
Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người yêu người sống để yêu nhau
Đảng cho ta trái tim giầu
Thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà bay..
Nguyên Ngọc dựng Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng. Đây cũng là một truyện ngắn hay của ông. Cô gái Mèo Vàng Thị Mỹ ở với bố trên những đỉnh núi cao quanh năm mây phủ. Ở đó nếu có khách tới nhà thì chỉ là thú rừng thôi. Cô bé thấy thèm người. Rồi ông bố cho cô đến với người. Đó là một phiên chợ. Cơ man nào là người. Ông bố bán thuốc phiện, một thứ vàng đen, mong giúp con gái đổi đời. Nhưng bị trả quá rẻ, ông không bán. Thế rồi dọc đường trở về, bố con ông bị bọn người đó chặn lại. Chúng cướp không số thuốc phiện rồi bắn chết ông. Cô bé may mà thoát chết. Rồi cô được một bà goá đem về nuôi. Năm 13 tuổi, cô bị gả chồng. Chồng cô là thằng bé mới 7 tuổi, con lão chúa đất. Ngày về nhà chồng, cô khóc nhiều lắm. Khóc vì không được cô độc sống giữa các vách núi. Cô lại phải đến với người. Ở nhà chồng, cô bỗng nhận ra bố chồng là một tên dã thú đã giết bố cô. Thế là cô bỏ trốn. Bây giờ thì cô sợ phải gặp người. Cứ thấy làng, thấy người là cô tránh. Cô đi lang thang rồi lạc vào rừng. Hoang mang và đói lả, cô ngồi thụp xuống bên hang đá, thiếp đi. Rồi cô chợt bừng tỉnh khi thấy trong hang lại có tiếng người. Thế là cô bé lại vùng dậy chạy. Nhưng không còn sức chạy nữa. Cô lại phải gặp người. Không phải người thú mà người cách mạng. Chính người cách mạng đó đã cứu cô. Rồi cô gặp Đảng. Đảng chỉ cho cô đường đi, nước bước. Đảng bảo phải bỏ cây thuốc phiện. Nó chính là nguồn gốc mọi nỗi đau khổ của người Mèo. Phải phá bỏ cây thuốc phiện trồng ngô sắn. Rồi Nguyên Ngọc còn để cô Vàng Thị Mỹ nói với đồng bào Mèo nguyên văn như thế này: “Ngày xưa, người đối với người coi nhau như thú dữ, bây giờ có Đảng, có chính phủ, có Cụ Hồ, người với người mới tin nhau, giúp nhau như thể anh em một nhà vậy. Đó là bản chất của Chủ nghĩa xã hội đấy, bà con ạ...”.
Vàng Thị Mỹ cũng là một nhân vật có thật. Tô Hoài và Xuân Thiều đã gặp và tiếp xúc với người con gái Mèo rất xinh đẹp này. Cô thầm yêu Nguyên Ngọc, nặng lòng với Nguyên Ngọc. Cô gọi Nguyên Ngọc là Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng của em. Gặp người nào ở dưới xuôi lên, cô cũng hỏi anh Ngọc. Những năm ấy, anh Ngọc của cô lại đang ở chiến trường mù mịt bom đạn, khói lửa, chẳng biết sống hay chết. Cô viết trong cuốn sổ tay công tác của mình một dòng rất da diết mà Tô Hoài “tóm” được: Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng ơi!
Sau này, vào những năm 90, Nguyên Ngọc mới có dịp gặp lại Vàng Thị Mỹ. Cô đã nghỉ hưu, giờ ngồi bán hàng xén ở chợ Mèo Vạc. Nguyên Ngọc viết Trở lại Mèo Vạc, kể về cuộc gặp gỡ của ông với cô sau hơn 30 năm. Ông gọi là bài ký. Nhưng tôi lại thấy nó là một truyện ngắn hoàn chỉnh. Vẫn thứ văn có nhung có tuyết. Đọc rất cuốn hút. Đây cũng là một tác phẩm xuất sắc nữa của Nguyên Ngọc.
Có thể nói Nguyên Ngọc là một Tố Hữu trong văn xuôi, cũng như Phạm Tuyên là Tố Hữu trong âm nhạc. Cùng có tài, cùng dâng hiến trọn vện tài năng của mình cho đất nước, cho Đảng, vậy mà số phận của mỗi người khác nhau biết bao. Âu đó cũng là lẽ đời. Tố Hữu viết:
Lớp cha trước, lớp con sau
Đã thành đồng chí chung câu quân hành
Ta cũng gặp ý tưởng đó trong Rừng xà nu, một truyện ngắn rất hay của Nguyên Ngọc thời chống Mỹ. Bao lớp cha con nối nhau đánh giặc, bảo vệ cán bộ của Đảng. Nói như cụ Mết: “Cán bộ là Đảng. Đảng còn, núi nước này còn”. Mỹ Diệm treo cổ anh Xút lên cây vả đầu làng. Anh Xút chết, anh Quyết thay. Nối tiếp anh Quyết là Tnú. Cũng như Mai chết thì có Dít lớn dậy. Dít là Chính trị viên xã đội. Cô giống hệt Mai. Đến nỗi ngồi trước Dít mà Tnú bàng hoàng như ngồi trước Mai. Rồi ông già Tâng, bà Brôi, chị Blom, anh Bre. Rồi cả thằng bé Heng Tnú gặp ở đầu con nước nữa. Thằng bé có tí tuổi đầu mà đã như một anh giải phóng quân với khẩu súng dài đeo chéo vai. Mấy thế hệ cha con cùng đánh giặc. Đứng đầu là ông già Mết, một nhân vật rất lạ. Ông chính là linh hồn của làng Xô man, cũng là linh hồn của cái truyện ngắn này. Ông già Mết là nhân vật có thật. Nguyên Ngọc giữ nguyên tên. Và cũng y hệt như trong truyện, ở ngoài đời, ông Mết là ngọn cờ tập hợp dân chúng. Ông thông minh, dũng cảm, chỉ huy đánh giặc rất tài. Người ta đã tính phong danh hiệu Anh hùng cho ông. Nhưng khi xét, lại thấy ông là tầng lớp trên, nên không thể phong được. Thực ra, cái chức Già làng là dân tín nhiệm mà suy tôn thôi, chứ đâu phải chức sắc quan cách gì. Hàng ngày, ông vẫn cởi trần đóng khố, ăn đói mặc rét như bất cứ người dân nghèo nào ở làng Xô man. Tnú cũng là nhân vật có thật. Tên thực của anh là Đề. Nhưng để tên Đề thì nghe như một người Kinh. Chẳng Tây Nguyên chút nào. Nguyên Ngọc đổi thành Tnú. Tnú theo tiếng Ba na có nghĩa là người dũng sĩ. Đúng là Lớp cha trước, lớp con sau, mấy thế hệ nối tiếp nhau đánh giặc, bảo vệ buôn làng, bảo vệ Đảng. Nguyên Ngọc còn trung thành với ý tưởng này ngay cả trong từng đoạn văn tả cảnh rừng xà nu: “Trong rừng ít có loại cây nào sinh sôi nảy nở khoẻ như vậy. Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời”...Rồi Nguyên Ngọc còn cho cả ông già Mết nói với Tnú: “Mày có đi qua rừng xà nu gần con nước lớn không? Nó vẫn sống đấy. Không có cây gì mạnh bằng cây xà nu đất ta. Cây mẹ ngã, cây con mọc lên. Đố nó giết hết rừng xà nu này!”. Khi kết truyện, Nguyên Ngọc vẫn nhắc lại ý tưởng này, mà không ngại bị lặp: “Cụ Mết và Dít đưa anh ra đến rừng xà nu gần con nước lớn. Trận đại bác đêm qua đã đánh ngã bốn năm cây xà nu to. Nhựa ứa ra ở những vết thương, đang đọng lại, lóng lánh nắng hè. Quanh đó vô số những cây con đang mọc lên. Có những cây mới nhú khỏi mặt đất mà đã nhọn hoắt như những mũi lê. Ba người đứng ở đấy nhìn ra xa. Đến hút tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những rừng xà nu nối tiếp nhau, chạy đến tận chân trời...”
Truyện của Nguyên Ngọc hầu hết là thế. Ông ca tụng chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Ông rất gần với Tố Hữu và Phạm Tuyên. Và cũng như Tố Hữu và Phạm Tuyên, bút pháp ông nhất quán, trước sau như một, không thay đổi, không quay quắt. Trong khi đó, có không ít cây bút chuyển hướng, hoặc thay đổi cách tiếp cận hiện thực để thu hút sự chú ý của bạn đọc. Trước viết người tốt việc tốt thì sau viết người xấu việc xấu. Nguyên Ngọc không thế. Suốt đời dường như ông chỉ viết truyện người tốt việc tốt. Ngay cả khi dựng nhân vật tiểu thuyết, ông cũng tựa trên những con người có thật, những sự kiện có thật ở ngoài đời.
Còn nhớ năm 1969, Nguyên Ngọc cho ra cuốn Đất Quảng tập I. Cuốn sách được bạn đọc đón nhận rất nồng nhiệt. Nguyên Ngọc kể về cuộc chiến đấu của những người bám trụ ở vùng ven thành phố Đà Nẵng. Đó cũng là vùng đất hoạt động của ông. Nguyên Ngọc xuống đó không phải để làm một nhà văn đi thực tế mà ông là một người lính chiến, bám trụ thật sự. Đó là một địa bàn khốc liệt. Để bảo vệ khu sân bay và thành phố Đà Nẵng, địch ủi trắng cả một vùng xung quanh. Chúng lùa dân vào ấp chiến lược. Chúng nã pháo vào vành đai trắng, chỉ một rảnh lá khô bất thường, chúng cũng cho trực thăng tới bắn. Người dân phải tìm mọi cách trụ lại. Họ rải lá khô cho địch bắn. Bắn mãi cũng chẳng thấy có gì. Họ cắm lá xanh rồi trồng cây xanh. Giặc bắn mãi, hoá quen, quen đến phát nản. Cứ thế, bằng chính máu xương mình, dân lấn dần từng bước. Rồi họ đào hầm. Dựng lều bám trụ. Dân có trụ được thì cách mạng mới có đất mà trở về. Ngày nào cũng có người chết. Nhưng dân vẫn trụ vững. Nguyên Ngọc nằm ở đây hai năm. Ông cùng dân chống càn, rồi chỉ huy dân đánh địch. Khi đồng chí Bí thư Đảng uỷ hy sinh, Nguyên Ngọc thay luôn làm Bí thư. Ông chiến đấu, bám trụ như một người lính kiên cường. Rồi ông ghi lại cuộc chiến đấu ấy. Đó là tiểu thuyết Đất Quảng tập I. Trong số những người bám trụ ở vành đai này, Nguyên Ngọc rất quý Phan Văn Giả, Phó Bí thư đảng uỷ. Anh cùng nằm hầm bí mật với ông, cùng kề vai chiến đấu với ông. Khi Nguyên Ngọc phải rút về quân khu, chuyển sang vùng hoạt động khác, anh thay ông làm Bí thư. Đó là một người lính dũng cảm, mưu trí, chiến đấu rất kiên cường. Anh là một trong những nhân vật chính của tiểu thuyết Đất Quảng. Khi vào tiểu thuyết, Nguyên Ngọc đổi tên anh là Thiệt. Bí thư Thiệt. Khi ở tập I tiểu thuyết Đất Quảng, Thiệt mới chỉ lấp ló xuất hiện. Anh sẽ là nhân vật trung tâm, là linh hồn của Đất Quảng tập II. Cuốn sách ấy Nguyên Ngọc đã viết xong. Ông cũng đã cho in một số chương trên báo Văn nghệ thời ấy. Nhưng điều đau xót là sau đó, tổ chức Đảng tắm trong biển máu, tưởng không thể vực lên được. Địch nhổ hết cơ sở cách mạng. Bí thư Giả bị địch bắt và anh đã đầu hàng. Tất nhiên, anh là người còn lại cuối cùng. Anh chỉ khai những cơ sở đã bị xoá sổ, những con người đã bị địch giết. Bởi thế, việc đầu hàng, khai báo của Giả cũng không gây thiệt hại gì thêm cho cách mạng, nhưng đối với Nguyên Ngọc, thì đó lại là một tổn thất không gì bù được. Tại sao một con người quả cảm mà ông yêu mến, tin tưởng như thế lại đầu hàng địch? Nguyên Ngọc đau xót lắm. Phản bội Cách mạng, phản bội Đảng là một tội lỗi không thể tha thứ được. Và như thế trong ông, bí thư Thiệt thực sự đã chết. Anh ta chẳng còn lý do gì để có thể tồn tại. Nguyên Ngọc đốt luôn cả cuốn sách đã viết xong. Bây giờ ông cũng không có ý định viết lại tập II nữa. Nhân vật của ông đã chết trong ông thì cuốn sách coi như cũng đã chết. Vì vậy mà Đất Quảng thành cuốn sách dang dở. Nhưng Nguyên Ngọc vẫn đau đáu với đề tài chiến tranh Cách mạng ấy. Ông vẫn trung thành với lối viết đã có của mình. Nghĩa là vẫn viết người thật việc thật, người tốt việc tốt. Những tác phẩm gần đây nhất của ông, ông còn để nguyên cả đống tư liệu mà chả cần phải hư cấu hay dàn dựng thêm gì. Khi hiện thực tự nó đã đủ là một vẻ đẹp thì người viết không cần phải tô vẽ thêm nữa. Đó là tập Đường mòn trên biển, kể về những người lính cảm tử của lữ đoàn 125 Hải quân, bí mật chuyên chở vũ khí vào Nam trong những năm chiến tranh, và tập Cát cháy, cũng lại viết về cuộc chiến đấu của những người bám trụ ở vùng Đất Quảng khốc liệt. Một đống tư liệu ngổn ngang bề bộn mà đọc lại rất hấp dẫn. Đấy là sức hấp dẫn của sự thật trần trụi, cũng là sự hấp dẫn của một tài năng. Phải nói đó là những tập sách hay của văn học ta hiện nay. Hai bút ký đặc sắc của ông vừa in trên báo Văn nghệ: ABôc ở Mường Hon và Lửa nguyên thuỷ cũng vẫn một bút pháp như vậy.
Bấy lâu nay, không ít người cứ dị ứng với loại truyện người tốt việc tốt. Thậm chí có người còn cực đoan cho đó không phải là văn chương thứ thiệt. Nguyên Ngọc là một trường hợp thú vị cho thấy sự thật lại không phải như vậy. Mới hay, văn chương thật bí hiểm. Nó đâu có như một số người vẫn nghĩ. Thực tình, cách viết của Nguyên Ngọc đâu có mới mẻ gì. Ông cũng chẳng phải là người cách tân hay cấp tiến gì gì. Ông vẫn viết như chúng ta đã từng viết trong những năm Sáu mươi của...thế kỷ trước. Có đến hàng trăm nhà văn viết như ông. Nhưng rồi cũng có đến hàng trăm nhà văn sẽ bị thời gian đào thải. Có chăng chỉ còn lại một đôi người. Trong số rất ít người còn lại ấy, chắc chắn có Nguyên Ngọc. Nguyên Ngọc tồn tại được là nhờ tài văn. Mới hay tài văn và sự chân thành của tấm lòng người viết là vô hạn quan trọng. Vấn đề không phải viết về cái gì mà là viết như thế nào.
Điều đáng sợ nhất của văn chương ta là căn bệnh nhạt. Đó là căn bệnh trầm kha, nguy hiểm vì rất khó chữa. Nó không phải là cái xấu để người ta có thể dễ nhận biết và loại bỏ. Nó chỉ nhạt nhèo, không có sắc thái và cá tính. Nhưng nó lại được nhiều nhà quản lý, lãnh đạo ủng hộ vì nó luôn bảo đảm sự ổn định và an toàn. Nó yếu đuối, không có sinh khí, nhưng lại có sức mạnh trong việc làm băng hoại mọi sự sáng tạo. Nguyên Ngọc luôn dị ứng với căn bệnh ấy. Ông bộc lộ thái độ của mình qua hàng loạt những bài viết và cả các bài trả lời phỏng vấn. Còn sáng tác, ông vẫn viết theo lối cũ. Văn Nguyên Ngọc là một dạng văn có ma lực. Giản dị, chắt lọc và trong veo. Đó cũng là dòng văn chủ đạo rất cần có trong đời sống của chúng ta hiện nay. Tuy nhiên nếu cả nền văn học mà nhìn đâu cũng chỉ thấy một kiểu Nguyên Ngọc thì cũng thật đáng sợ. Vì nó lại có gì như là không bình thừơng. Trong khi đó chúng ta lại rất cần sự đa dạng phong phú trong các giọng điệu cũng như bút pháp và cách tiếp cận hiện thực. Bởi hiện thực vốn như thế. Nó bao giờ cũng phong phú, đa dạng và phức tạp. Hình như Nguyên Ngọc hiểu điều này thấm thía hơn bất cứ ai. Bởi thế, mà ông yêu mến, ủng hộ Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Khắc Trường, Tạ Duy Anh... Đó là những tài văn hoàn toàn khác ông, thậm chí phong cách sáng tác ngược hẳn với ông. Chấp nhận và ủng hộ những tài năng hoàn toàn khác mình, tôi nghĩ đấy cũng là một cái tài của Nguyên Ngọc. Không phải ai cũng có được cái tài ấy.
Một người chuyên viết về người tốt, việc tốt, tài đến như Nguyên Ngọc, tốt đến như Nguyên Ngọc, không hiểu sao, lại có những người rất tốt, cứ nghi ngờ và thậm chí khăng khăng khẳng định Nguyên Ngọc là một người không tốt hoặc rất ...không tốt. Nghiệt ngã thay, có người còn nhìn ông như một kẻ nổi loạn… Đó là điều làm tôi rất đỗi kinh ngạc và có lúc tôi đã coi đó như là một nỗi bi kịch của cả cuộc đời ông…
III
Lúc nào cảm thấy cô đơn, trống vắng, Nguyên Ngọc lại về Đà Nẵng, trở lại chiến khu xưa. Rồi ông cùng anh em đi tìm mộ đồng đội, đưa về nghĩa trang liệt sĩ huyện Điện Bàn. Có lần tình cờ đi qua Điện Bàn, tôi đến thăm nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi và gặp ông. Ông rủ tôi về căn cứ hoạt động cũ. Đó là ấp Phái Nhất, thôn Quang Hiện, xã Điện Hoà. Ở đấy, từ người trẻ đến người già, ai cũng biết ông và thương yêu ông. Họ vẫn gọi ông là anh Thành, chú Thành, bác Thành, rồi Bí thư Trung Thành. Các má thì chỉ gọi ngắn gọn là thằng Thành. “Thằng Thành đã về đây rồi, bây ơi!”. “Trời, bận chi mà lặn riết thế Thành?”. Họ hoàn toàn không biết Bí thư Nguyễn Trung Thành là Nguyên Ngọc, cũng không biết ông là nhà văn nổi tiếng. Thì hồi xưa ở đây, người ta chỉ thấy ông đánh giặc rồi chỉ huy chống càn chứ có thấy ông viết văn bao giờ.
- Lúc nào buồn hay thất cơ lỡ vận thì cứ vô đây với tau. Cuộc đời nhiều bất trắc lắm, con à! Cứ vô đây! Đói thì tau nuôi. Ngày xưa bom đạn là thế, giặc giã và đói khổ là thế mà tau còn nuôi được mi. Bây giờ yên hàn rồi, chả lẽ tau không nuôi được mi sao ?
Má Phan Thị Vinh, 89 tuổi, người đã nuôi và cất giấu Nguyên Ngọc ngày xưa, vui vẻ nói với ông. Rồi má chỉ ra ngoài cửa nhà, nơi có bao nhiêu là tài sản của má. Sau vách đất, ngay bên cạnh mảnh sân to chừng hơn cái nong phơi thóc là một vạt ngô đã trổ cờ, mấy luống mía sắp bóc lá và cả một ruộng khoai lang. Gia tài ấy của má cũng đã đủ nuôi Nguyên Ngọc rồi.
Má Vinh rót nước râu ngô mời tôi với Nguyên Ngọc. Trên chiếc bàn nước bằng gỗ tạp, sau tấm kính vỡ được ghép lại là la liệt giấy khen, bằng khen đủ các kích cỡ thời kháng chiến. Cái thì đánh máy, cái thì viết tay, nét chữ đã ố mờ, chỉ có chữ ký của người chỉ huy chứ không có dấu. Những giấy tờ dã chiến như thế, liệu bây giờ người ta có tin không? Nguyên Ngọc cũng đã viết chứng thực cho gia đình má có công nuôi giấu cán bộ Cách mạng. Mọi văn bản cũng đầy đủ rồi, nhưng cơ quan chính sách vẫn chỉ im lặng. Má Vinh cười móm mém:
- Thôi, chả cần nữa đâu, Thành à. Mình sống được đến bây giờ là may mắn lắm. Còn mong gì thêm nữa. Mà má cũng già rồi. Chẳng biết chết lúc nào. Má chỉ còn lo, là lo cho con thôi...
Không phải chỉ có má Vinh, bao nhiêu người dân ở khu căn cứ cách mạng này đều thương yêu và lo lắng cho Nguyên Ngọc. Bởi thế, chắc họ sẽ rất vui khi biết Nhà nước trao tặng Nguyên Ngọc Huân chương Độc lập hạng nhì. Biết đâu, điều ấy sẽ làm cho họ thêm tin yêu cách mạng, như những ngày gian khổ xa xưa...
10 - 9 - 2000
10 – 10 -2007
Nguồn: Báo Văn nghệ số 44 ra ngày 3 tháng 11-2007
(Rút trong Chân dung và đối thoại trọn bộ sắp xuất bản)