Lưu trữ Blog

21 tháng 1, 2008

ĐỨNG TRƯỚC BIỂN

Trường Phi Bảo

Đứng một mình trước biển anh ơi !
Biết nói gì với ngàn con sóng vỗ
Trời bao la thênh thang nhiều nỗi nhớ
Và em biết kể thế nào cho cát trắng cảm thông.

Tình yêu mình như dã tràng xe cát biển đông
Như hoàng hôn cuối chân trời nắng tắt
Hải âu bay cũng đem lòng se thắt
Trước bọt biển vào bờ bị sóng ụp ra xa

Đứng trước biển trầm lắng mọi bài ca
Em chẳng dám cô đơn cùng nỗi nhớ
Sợ biển hờn trách tình yêu dang dở
Rồi có đứa thất tình tìm tới biển làm thơ

Giọt lệ nhòa, nhoè hết những giấc mơ
Em lặng lẽ theo biển trời yên ả
Tự tay đắp lâu đài nào hay con sóng ngã
Tinh nghịch cuộn tròn mang hạnh phúc rời tay

Hàng phi lao chao chiêng cùng cánh gió lắt lay
Biển về chiều tím lung linh huyền ảo
Trăng nhô cao khỏi rặng dừa khoác áo
Tà nguyệt bạch nào làm ngơ ngác hồn em

Biển rì rào, biển bỏ quên dịu êm
Mà xôn xao trước tình em nóng bỏng
Nhớ dáng người ở bên kia đại dương sâu rộng
Không biết giờ này có đứng trước biển... nhớ em.

BIỂN CHIỀU

Trần Hoàng Thiên Kim

Có một buổi chiều không ngăn nổi bước chân
Em lang thang trong giấc mơ hai mươi tuổi
Ngây thơ quay về giã từ thời nông nổi
Anh đến tìm khi sóng vỗ ướt hoàng hôn.

Những con dã tràng xuôi ngược phân vân
Đâu biết mình xe mảnh cát tròn nhầm chỗ
Đâu biết mình đi trên hoài công sóng vỗ
Chẳng có dấu yêu nào nguyên vẹn trước triều lên

Có một thời trong ký ức lãng quên
Nỗi nhớ thương nuôi mình qua hy vọng
Biển ngàn xưa trước chiều không rung động
Em khờ khạo tin vào chút kỷ niệm đầu tiên.

Nỗi nhớ nào cho em gặp lại anh
Biển hát ru con thuyền không tới bến
Thôi em về cho một người lỗi hẹn
Đừng tiếc nuối biển chiều khi sương trắng sang ngang...

NÚI VÀ BIỂN NHA TRANG

Hồ Tịnh Tâm

Núi tràn xuống biển núi lừng lững
Biển chạm tận trời biển mênh mông
Nha Trang cát trắng khoe nho tím
Ta chẳng khoe em dại dột lòng.

BIỂN KHÁT

Dương Kỳ Anh

Có em, anh có người trong mộng
Biển khát thời gian đã qua rồi
Sóng chẳng bạc đầu, trăng chẳng lặn
Thủy triều khao khát mãi không thôi.

Anh như trẻ nhỏ thung thăng hát
Biển có nông sâu chẳng sá gì
Như con dã tràng anh xe cát
Dù biết ngàn đời nước cuốn đi.

Vòng tay đằm thắm trong hơi thở
Anh đã gần em biết nhường nào
Sao vẫn cách xa như trời biển
Ước gì biển ngập đến trăng sao!

Dù khi biển tím chiều hoang dại
Bão tố thời gian đổ trắng trời
Biển khát trong anh ngàn con sóng
Vẫn vỗ đêm ngày đến em thôi…

SÔNG VÀ BIỂN

Huỳnh Mai

Dòng sông em bắt đầu từ biển của anh.
Có lẽ thế,
Nên lòng sông không phẳng lặng.
Biển của anh
Lúc dịu êm, lúc thâm trầm xa vắng,
Nên sông cứ cồn cào những lúc triều lên.

Dòng sông em bắt đầu từ anh.
Cũng là nơi bắt đầu nỗi nhớ.
Sông mải miết tìm về nơi gặp gỡ
Nơi sông và biển giao hòa.

Dòng sông em chảy về phía biển anh,
Đếm thời gian bằng từng giờ từng phút,
Bằng hơi thở cuộn tràn trong ngực,
Cuốn về phía anh, thành sóng dâng trào.

Biển sẽ cuốn em về tận nơi nao?
Có thể đi đến cùng trời cuối đất?
Biển dữ dội, sôi trào khi gió quất
Hãy cứ hóa em thành muôn sóng bạc đầu.

3 tháng 1, 2008

NGÔN NGỮ BÁC HỒ

Hoàng Kim

Cái gốc của sự học là HỌC LÀM NGƯỜI. Tiếp đó, là ”HỌC ĂN, HỌC NÓI, HỌC GÓI, HỌC MỞ”. Điều này tưởng chừng đơn giản nhưng học suốt đời không bao giờ xong. Học ăn, học nói không dễ. Trăm bệnh từ miệng mà vào, trăm họa từ miệng mà ra. Học gói học mở càng khó. Chuyên tâm đúng, nổ lực đúng, học điều đáng học, làm việc đáng làm, dạy điều đáng dạy, nói đi đôi với làm là căn bản của học gói, học mở.

Học cái hay, cái đẹp của từ ngữ tiếng Việt là công việc phải học suốt đời và thực hành suốt đời vì ngôn ngữ là vỏ bọc của trí tuệ và nhân cách. Học ngôn ngữ không những cần thiết đối với những người trong ngành khoa học xã hội nhân văn mà cho tất cả mọi người trong mọi ngành kinh tế kỹ thuật ... Từ những người lao động bình thường đến những chính khách lão luyện đều rất cần thiết phải học cái đẹp, cái hay của ngôn ngữ mà mình muốn diễn đạt.

“NGÔN NGỮ BÁC HỒ” được tập hợp dựa trên những mẫu chuyện hoặc bình chú ngôn ngữ thơ văn của Bác do thầy Trịnh Mạnh gợi ý. Thầy là chuyên viên cao cấp ở Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, người đã liên tục 45 năm làm công tác giảng day và nghiên cứu tiếng Việt, là tác giả của sách Tiếng Việt lý thú (Tập 1, Nhà Xuất bản Giáo dục, mã số 8H780T5-TTS năm 2005) đã tái bản lần thứ tư. Tôi thích thơ văn của Bác và cảm động trước lời khuyên này nên mạnh dạn sưu tầm, chọn bài để ước mong cùng học với bạn đọc.

BÁC HỒ CHỌN TỪ KHI NÓI VÀ VIẾT

Trịnh Mạnh

Trong Tuyên ngôn Độc lập, để vạch trần thái độ tàn ác của thực dân Pháp trước công luận, Bác viết: “Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu”. Từ tắm có nghĩa mạnh hơn từ dìm, còn nói lên sự khát máu của bọn thực dân Pháp, chỉ rõ được tim đen của bọn xâm lược.

Từ thuần Việt mà Bác dùng hay nhất có lẽ là từ ngóc trong câu: “Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên”. Từ ngóc, một khẩu ngữ thông thường nhưng được dùng rất hay, diễn tả rất đúng. Ngóc chỉ tư thế một người đang nằm sát đất, nằm sấp, đầu và thân mình nằm trên một mặt phẳng… Từ ngóc chỉ tình thế khốn quẫn, sống dở chết dở của tầng lớp tư sản dân tộc trước năm 1945. Họ là những người có tinh thần dân tộc, muốn mở mang công nghiệp nhưng bị thực dân cấm đoán, chèn ép, đè bẹp.

Để phát huy hiệu lực nghệ thuật và mang tính đại chúng, bản Tuyên ngôn Độc lập có 46 câu, số câu ngắn đã chiếm đến 38 câu. Ví dụ: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị”. Số câu dài có từ 30 tiếng trở lên, Bác đều ngắt đoạn rất rành mạch. Vì vậy, ai đọc cũng hiểu.

(Dựa theo bản thống kê và một số ý của Phan Đăng Khải)

Người theo dõi