Lưu trữ Blog

21 tháng 11, 2008

GS Tương Lai: Giáo dục Việt Nam, đã đến lúc rồi đó!


HOCMOINGAY. GS.Tương Lai nhân ngày 20.11.2008 đã có bài viết "Giáo dục Việt Nam, đã đến lúc rồi đó!" đăng trên Tuần Việt Nam, nội dung nói về sự cần thiết phải thay đổi tư duy trong giáo dục. Tựa đề "đã đến lúc rồi đó!" làm ta nhớ đến lời Nguyễn Bỉnh Khiêm dục Phùng Khắc Khoan phải vào ngay Thanh Hóa năm Kỹ Dậu 1549. Ông nói: "gà đã gáy rồi đó, sao không dậy thổi cơm mà còn nằm ỳ làm gi?". GS Tương Lai viết:"Ngọn lửa trí tuệ sẽ được thắp lên cho ai và như thế nào?" Đó là "tạo cơ hội thăng tiến cho bất cứ ai trong xã hội mong muốn và có ý chí vươn lên". "Biết nâng niu, khơi động và bồi đắp những tình cảm trong sáng, kết tụ trong ánh lửa ấm sáng của trí tuệ và tình người ấy đã hun đúc nên cái đạo làm người vốn là nét rất đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc, khiến cho người thầy và nghề thầy giữ một vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần của nhân dân ta. Đó chính là điểm tựa để phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo". Câu thơ của Nadim Hítmét (qua bản dịch của GS. Cao Xuân Hạo): "Nếu tôi không cháy lên/ Nếu anh không cháy lên/ Thì làm sao/Bóng tối/Có thể trở thành/Ánh sáng? (Ảnh: img81.imageshack.uk)

Cần một sự “nổi loạn” trong tư duy

“Nói "không” với cái xấu, cái ác là cần thiết nhưng quan trọng không phải là những cái "không” mà làm ra một cái “có”; trên cơ sở cái “có”, hãy tập trung vào xây dựng một chiến lược phát triển giáo dục cho thế kỉ 21. Đừng chần chừ! Mất thời gian là mất tuyệt đối”.

Vẫn cung cách ấy, quyết liệt rạch ròi, giáo sư Hồ Ngọc Đại khẳng định: “Những đứa trẻ của thế kỉ 21 không phải là những đứa trẻ của thế kỉ 20. Chúng đi xe hiện đại, sử dụng điện thoại di động hiện đại, dùng máy tính hiện đại và truy cập intenet siêu tốc. Ngay cả đồ chơi và trò chơi chúng cũng không còn chơi những thứ của các thế kỉ trước. Do đó, chúng rất cần được hưởng nền giáo dục hiện đại, nội dung hiện đại, phương pháp hiện đại. Nhưng ngược lại, chúng đang bị "nhốt" trong cái lồng quá cũ và được "nhồi nhét” kiến thức theo phương cách cũ. Tóm lại, trẻ em hôm nay cần một nền giáo dục khác".

Rồi vẫn sự quyết liệt có phần bỗ bã ấy, bạn tôi ưu tư: “Loạn trường đại học, loạn giáo sư, loạn tiến sỹ… Cái cần "nổi loạn" nhất là sự nổi loạn của tư duy thì lại trì trệ, lại không dám, chỉ biết cam chịu”.

Câu chuyện thứ nhất: Thầy giáo bạc đầu giữa đám trò nhỏ ở trung du

Chính vì chuyện “nổi loạn” này mà tôi nhớ đến kỷ niệm về một chiều trung du ấy. Một lần, tôi rủ Đại về thăm môt bạn học cũ từ những năm 1951- 1954, giờ đã về hưu ngồi viết sớ ở đền Hùng, nhân thể lang thang thăm vùng Đoan Hùng, Vũ Ẻn.

Xe bon giữa những rừng cọ̣đồi chè tuyệt đẹp im lặng đắm mình trong cảnh sắc trung du, chợt bừng tỉnh bởi ríu rít tiếng cười, lao xao của đám trò nhỏ tan trường chạy ùa từ ngõ ra đường cái. Hồ Ngọc Đại yêu cầu cho xe dừng giữa đám chim sẻ rừng ấy.

Nhìn Hồ Ngọc Đại mái đầu đã bạc đứng giữa tụi nhỏ ríu ra, ríu rít vì nhận ra “thầy giáo sư có đeo kính gì to lắm”, từng dự giờ dạy của lớp thực nghiệm công nghệ giáo dục, hết giờ còn ở lại đá cầu với chúng ở sân trường tiểu học heo hút này, tôi bất giác rút khăn tay lau mắt. Đại cười sung sướng, kính cận cũng nhoè ướt.

Trong thâm tâm, tôi vẫn tự thấy mình không đủ tài, không đủ bản lĩnh như Đại để ký cược toàn bộ cuộc đời cho sự nghiệp vì những thiên thần trẻ thơ này, đeo đuổi công cuôc nghiên cứu thực nghiệm công nghệ giáo dục theo triết lý "vì hạnh phúc ngay hôm nay của con em chúng ta, mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui". Vì thê, tôi hay nghĩ đến Đại như nghĩ đến một công việc mình ấp ủ mà không có điều kiện đeo đuổi và hồi hộp dõi theo hành trình của bạn.

Cho nên, cứ gặp các trò nhỏ là tôi lại nghĩ đến Đại...

Câu chuyện thứ hai: Gặp các em nhỏ bên ngọn lửa ở Mèo Vạc

Ví như lần bất chợt gặp các cháu nhỏ ngồi sưởi bên ngọn lửa được nhóm lên cuối chân đê khi xe tôi vượt qua cổng trời từ Mèo Vạc về Đồng Văn. Đó là một buổi chiều mủ sương, ánh nắng chỉ còn vẽ nên một đường viền mờ nhạt bên sườn núi, phía trước có con sông Nho Quế huyền ảo uốn lượn bên dưới.

Toàn các cháu học trò lớp ba, lớp bốn, buổi sáng đi học, buổi chiều đi chăn bò. "Nó học giỏi nhất ở đây đấy, mình nó lớp bốn thôi", chỉ vào một bé gái trùm chiếc khăn xanh đã bạc mầu, một bé trai đội chiếc mủ nồi đen có mấy lỗ thủng vừa cười vừa nói.

"Thế chừng nào mới lùa bò về, nhà cháu ở tận đâu?" tôi hỏi. "Đấy, kia kìa”, bé gái trả lời. Theo hướng tay và ánh mắt của cháu, tôi nhìn xuống những mái nhà lờ mờ trong sương chiều dưới thung lũng thấp thoáng ánh đèn khi mờ khi tỏ. Con sông Nho Quế thơ mộng chỉ còn là một vệt uốn lượn thấp thoáng mà ráng chiều chẳng rọi tới được.

Không nói nổi lời từ biệt các cháu, tôi rút vội chiếc bút máy cài trên túi áo rồi đặt nhẹ vào tay bé gái rồi bước vội về phía tiếng còi xe đang giục vì đoạn đường về huyện Đồng Văn còn xa. "Không lấy đâu, không lấy đâu", tôi chỉ kịp nghe tiếng vọng của bé gái. Xe chạy, ngoái nhìn lại, các cháu đã đứng chụm lại cả giữa đường nhìn theo trong mù sương của núi rừng Hà Giang.

Ngọn lửa sưởi của các cháu nhóm giữa đường đèo sao mà xao xuyến…

Câu chuyện thứ ba: Chú bé lặn sông bắt cá “lén biếu” thầy

Một buổi trưa tháng tư nắng gắt ở tận cùng xóm Đất Mũi, đang loay hoay bên tấm panô lớn ghi dòng chữ “Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Mũi Cà Mâu” để tìm một thế đứng chụp bức hình kỷ niệm, tôi bắt gặp một chú bé Đất Mũi.

Đây rồi, nơi “ngón chân cái của tổ quốc chưa khô bùn vạn dặm”, biểu tượng tuyệt vời trong ngữ ảnh của văn Nguyên Tuân từng ghi đậm trong tôi từ mấy chục năm trước khi đất nước còn bị chia cắt, tôi bắt gặp đúng “nhân vật” mong ước. Như từ một vũng bùn chui lên, chú bé lấm lem từ đầu đến chân với một xâu cá cầm tay, chỉ có đôi mắt xếch là ngời sáng. “Bác chụp hình cháu đấy à, có cho cháu hình không?”.

“Chắc chắn phải gửi hình cho cháu”, tôi đáp, “nhưng cháu phải cho địa chỉ, nhà cháu ở đâu”. Chú bé ngước mắt “kia kìa”. Theo ánh mắt cháu, khuất sau những lùm cây xa tít, có những nóc nhà nhô lên.

“Nhưng cứ gửi về trường cháu, có mình thầy giáo ở đấy, bưu điện vẫn mang thư và báo về cho thầy. Chiều nào cháu chẳng ở đấy để nghe thầy kể chuyện và đọc báo”. Qua câu chuyện của cậu bé lớp ba này, tôi hiểu ông thầy ấy đã ghi dấu ấn đậm như thế nào trong tâm hồn cháu.

Với giọng trìu mến chân thành, cháu nói về thầy giáo của mình ở tận đẩu tận đâu xa lắm về đây dạy học, thầy ở một gian nhà nhỏ áp lưng với phòng hiệu trưởng, thầy yêu chúng nó lắm. Xem ra bọn trẻ quấn quýt thầy giáo của mình suốt ngày, không chỉ ở buổi lên lớp.

Ghé vào tai tôi, cháu nói khẽ “chỗ cá này, lát nữa cháu sẽ lén để vào cái rổ, lấy chậu úp lên, cạnh bể nước, chứ đưa cho thầy, thầy mắng cho đấy”. Một cảm xúc dâng trào thít chặt trái tim tôi. Chao ôi, có món quà 20 tháng 11 nào đẹp bằng xâu cá của cậu bé Đất Mũi này vừa ngụp lặn dưới bùn để có nó đem biếu thầy, mà “biếu lén”.

Đột nhiên, tôi nhớ đến đốm lửa bên chân đèo Cổng Trời - Mèo Vạc, nhớ đến ánh mắt đen láy của cô bé lớp bốn vùng cao, cố hình dung xem cô giáo của cháu ra sao và chắc cô cũng được các trò nhỏ quây quần thương quý như cậu trò nhỏ Đất Mũi và các bạn của cháu đối với thầy giáo quý yêu của chúng đây kia.

Ngọn lửa trí tuệ sẽ được thắp lên cho ai và như thế nào?

Biết nâng niu, khơi động và bồi đắp những tình cảm trong sáng, kết tụ trong ánh lửa ấm sáng của trí tuệ và tình người ấy đã hun đúc nên cái đạo làm người vốn là nét rất đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc, khiến cho người thầy và nghề thầy giữ một vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần của nhân dân ta.

Đó chính là điểm tựa để phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Và rồi tôi nhớ đến bạn tôi, Hồ Ngọc Đại, một trái tim dành trọn cho sự nghiệp giáo dục và một cái đầu không hề nhỏ đầy ắp những ý tưởng táo bạo để vượt lên trước cái hiện thực mênh mông của thực trạng giáo dục với la liệt những bằng khen, giấy khen, huân chương, học hàm học vị và những lời xưng tụng.

Rất ngẫu nhiên mà có sự kết hợp hình ảnh các cháu bé ở hai đầu đầt nước, từ Lũng Cú Hà Giang đến Đất Mũi Cà Mâu trong câu chuyện tình cờ. Nhưng cái tình cờ ngẫu nhiên ấy lại nói về “nền giáo dục cho 100% dân cư”, một khái niệm Hồ Ngọc Đại đưa ra nhằm khẳng định một nguyên lý giáo dục mới, thay cho nền giáo dục chỉ dành cho 5% dân cư. Thế là từ câu chuyện các cháu bé với thầy cô của chúng lại dẫn đến câu chuyện rất lớn về nguyên lý giáo dục.

Hình ảnh các cháu bé vừa phải đi chăn bò vừa đi học, và “cô giáo dưới xuôi” lên dạy các cháu, cứ như lời thách thức thầm lặng và sống động của sự chuyển đổi nguyên lý giáo dục, từ nền học vấn dành cho số ít người trở thành nền học vấn cho 100% trẻ em đến tuổi học trong thời đại của cách mạng thông tin và kinh tế tri thức.

Dũng cảm để phi cấu trúc hoá cơ chế cứng nhắc hiện tại dù biết nó từng vận hành tốt trong quá khứ

Sự khủng hoảng về nguyên lý và phương pháp của hệ thống giáo dục và đào tạo đang là vấn đề của hầu hết các quốc gia. Thì chỉ cần đọc khuyến cáo của Tổng thống Pháp trong thư gửi các thày giáo nhân ngày khai giảng năm ngoái là có thể bắt gặp điều đó: “Điều chúng ta cần làm, ấy là đặt nền tảng cho những nguyên lý của nền giáo dục thế kỷ thứ 21, những nguyên lý không còn có thể dừng lại ở trình độ những nguyên lý của hôm qua, lại càng không sao thoả mãn được với những nguyên lý có từ hôm kia”.

Chắc rồi phải thay chiếc bút tặng cháu bé chăn bò ở cuối chân đèo từ Mèo Vạc về Đồng Văn vào buổi chiều mù sương dạo ấy bằng chiếc máy tính xách tay thôi! Tuy cháu bé của tôi còn mặc áo vá, vừa buổi học buổi chăn bò bên sườn đèo mù sương lạnh buốt, nhưng chính cháu đang sống trong thời đại của internet nối mạng toàn cầu.

Và đúng như ai đó đã cảnh báo: “Liệu chúng ta có đủ dũng cảm để phi cấu trúc hoá cơ chế cứng nhắc hiện tại dù biết nó từng vận hành tốt trong quá khứ. Chúng ta thường chấp nhận phán quyết từ quá khứ và sa vào tình trạng chây ì, cho rằng đã cố gắng hết sức cho tới khi yêu cầu thay đổi lớn đến mức buộc chúng ta phải bước qua những ranh giới quen thuộc lâu nay. Đã đến lúc đó rồi.”(Trích tạp chí Harvard Business Online).

Đã đến lúc rồi đó!

Cái “cơ chế cứng nhắc đó là gì nhỉ khi vào năm học này cả nước có gần 22 triệu học sinh, sinh viên, chiếm hơn ¼ dân số (mầm non gần 3,4 triệu, tiểu học có 6,75 triệu, trung học có 9,3 triệu, trung cấp chuyên nghiệp khoản 710 nghìn, cao đẳng và đại học khoảng 1,65 triệu).



“Đã đến lúc đó rồi”, phải đặt 22 triệu những người sẽ là và đang là chủ thể của xã hội mới vào trong bối cảnh của nền văn minh trí tuệ và kinh tế tri thức đang giữ nhịp cho đời sống hiện đại của thế kỷ XXI. (Nữ sinh Ảnh: baophuyen.com.vn)

Hồ Ngọc Đại có lý khi nói một cách “cực đoan” rằng: “Phải coi thế kỉ 20 ra đi như một kẻ đột tử mà không thể "ăn bám" vào nó thêm nữa. Do đó, thế kỉ 21 phải tự lo liệu thân mình. Đây là hai thế kỉ hoàn toàn khác nhau về bản chất”.

Các cô giáo, thầy giáo là người đang đứng ở trung tâm của những biến đổi lớn lao nhất của thế kỷ XXI, vì rằng sự thay đổi lớn nhất của thế kỷ này sẽ là sựthay đổi về tri thức, về hình thức và nội dung, vềýnghĩa của tri thức, về trách nhiệm của tri thức, đặc biệt là về những đặc điểm của con người có giáo dục.

Không có những con người có giáo dục đó, sẽ không thể nào có một xã hội dân chủ, công bằng văn minh mà chúng ta hướng tới Vậy thì ai quyết định đặc điểm ấy nếu không phải là các cô giáo, thầy giáo đáng kính của chúng ta!

Bậc tiểu học: Nơi cuối cùng để duy trì bản sắc dân tộc - Bậc đại học: Nơi đầu tiên để hội nhập quốc tế



Trong sân trường Chu Văn An nhân dịp kỷ niệm 100 năm trường Bưởi (Chu Văn An), chụp cùng học sinh khóa đầu tiên trường Chu Văn An Hà Nội sau ngày tiếp quản Thủ đô 10.1954.

Chính vào lúc này, tôi lại nhớ đến Đại, nhớ đến công việc mà Đại đã làm và đang làm, nhớ đến sự nghiệp giáo dục mà chúng tôi đã gắn bó, nhớ đến những niềm vui và nỗi buồn của người làm nghề dạy học trong nỗi suy tư nghề nghiệp.

Quả là Đại đúng: các cô giáo thầy giáo chỉ có thể thực hiện được sứ mệnh cao quý của mình khi vượt ra khỏi cái thực trạng “làm giáo dục bằng kinh nghiệm, bằng thói quen, bằng mò mẫm, thậm chí không loại trừ bằng lợi ích của một nhóm người mà không xây dựng cho mình một nền tảng lý luận để phát triển giáo dục.

Vì không có lý thuyết nên không có cách làm thực tiễn phù hợp với lý thuyết đó. Và do đó, không biết phải bắt đầu từ đâu, thực hiện điều đó như thế nào”.



Sòng phẳng và rành rẽ, Đại giải thích: “Nếu bậc học tiểu học là cơ hội cuối cùng để duy trì, gìn giữ bản sắc dân tộc thì ở bậc đại học lại là cơ hội đầu tiên để hòa nhập, hội nhập quốc tế. (Giáo dục Việt Nam: Đã đến lúc rồi đó! Ảnh: VNN)

Một chương trình tiểu học không cần phải giống nước nào và cũng không cần nơi nào công nhận thì ngược lại, chương trình đại học phải là chương trình quốc tế và bằng cấp phải được thế giới thừa nhận. Một bằng tốt nghiệp đại học chỉ dùng ở "tiêu thụ nội địa" là một bằng đại học "trâu ta ăn cỏ đồng ta", chỉ có sức để kéo cày chìa vôi thôi”.

Ấy vậy mà, có một sự thật đắng cay: cái cày chìa vôi có từ thời nhà Lý cách đây gấn một nghìn năm vẫn còn hữu dụng trên các cánh đồng của thời nông thôn, nông nghiệp Việt Nam đang trên con đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa, đặc biệt là trên các thửa ruộng bậc thang nhất là các vùng núi đá ở Hà Giang và nhiều tỉnh miền núi phía Bắc!

“Không thể đem cái chìa vôi vào tư duy giáo dục thời đại mới”

Khi mà con người bắt đầu thổi hồn vào những vật vô tri vô giác gồm những thanh nhỏ của trí tuệ, liên kết chúng lại thành một sân chơi toàn cầu và nối kết trí tuệ của họ thành một hệ thống, thì cái gì sẽ xảy ra? Đây là sự kiện lớn nhất, phức tạp nhất và kỳ lạ nhất trên trái đất.

Với việc đan dệt những sợi dây trí tuệ từ kính và sóng radio, loài người bắt đầu nối kết tất cả các khu vực, tất cả các quá trình, tất cả các khái niệm thành một hệ thống khổng lồ. Từ nền tảng mạng lưới trí tuệ phôi thai đó ra đời một nền tảng hợp tác mới cho nền văn minh mới đòi hỏi một nguyên lý giáo dục mới.

Điều quan trọng nhất cần suy nghĩ là sự quá độsang nền văn minh trí tuệtrên cơ sở công nghệthông tin có một ý nghĩa sâu sắc về mối quan hệ biện chứng giữa xã hội loài người và giới tự nhiên cũng như mối quan hệ giữa con người với con người, tức là mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội.

Và chỉ có thể hiểu được ý nghĩa sâu sắc về quan hệ biện chứng đó khi khẳng định vai trò của con người, nhân tố quyết định của mọi thành tựu. Chính ở đây cần làm nổi rõ lên vai trò quyết định của giáo dục đào tạo và sứ mệnh cao cả của người thầy giáo.

Xã hội công bằng dân chủ và văn minh mà chúng ta đang hướng tới, sự công bằng trước hết và là quan trọng nhất là công bằng về cơ hội để chiếm lĩnh được tri thức. Hiện nay, khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng dãn ra, sự phân tầng xã hội ngày càng rõ, là một khía cạnh của động lực thúc đẩy kinh tế theo quy luật nghiệt ngã của phát triển.

Nhưng điều ấy lại đang là một thực tế bức xúc. Phải vượt qua thực tế nghiệt ngã này bằng sự tỉnh táo và nghiêm cẩn. Những nóng vội, duy ý chí muốn đốt cháy giai đoạn để rồi phải trả giá qúa đắt, vẫn còn là bài học nóng hổi: chủ nghĩa bình quân chỉ có thể chia đều sự nghèo khổ chứ không thể chia đều cho người nghèo sự giàu sang.

Chiến đấu với sự bất bình đẳng về cơ hội thăng tiến

Nhưng cùng với sự xác lập quan điểm đó, lại phải thấy rằng, một trong những bất bình đẳng xã hội sâu xa nhất, tệ hại nhất phải kiên quyết phấn đấu để giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ dần, đó là sự bất bình đẳng về cơ hội thăng tiến của bất cứ ai trong xã hội mong muốn, và có ý chí vươn lên. Đất nước ta vẫn đang là một nước nghèo, mức sống của đại bộ phận cư dân vẫn còn quá vất vả. Tước bỏ của con em nhà nghèo việc học, chính là xóa bỏ hoặc làm thui chột khát vọng và ý chí vươn lên đó, cũng tức là tước bỏ cơ hội thăng tiến xã hội của đông đảo con em dân nghèo trong xã hội. Đó chính là sự bất bình đẳng xã hội nặng nê nhất, là sự bất công xã hội sâu sắc nhất.

Khi tước mất cơ hội ngồi vào ghế đại học của các thanh niên nông dân đã vượt qua được ngưỡng phổ thông thì điều đó sẽ là gì nếu không phải là làm thui chột và triệt tiêu sức bật vốn tiềm ẩn ở chính cái nôi của văn hoá dân tộc?

Mà xem ra, tiềm năng và khát vọng chiếm lĩnh tri thức từ học vấn được hấp thu trong bậc học phổ thông được nuôi dưỡng trong những mái tranh nghèo của làng quê lam lũ dường như mãnh liệt hơn hoặc ít ra cũng không kém trong những căn biệt thự tiện nghi, và dứt khoát là hơn hẳn những chàng trai, cô gái trong trang phục sành điệu đang ăn sống nuốt tươi những cặn bả của văn minh chưa kịp tiêu hoá.

Chúng ta đang chứng kiến sự bất công xã hội nặng nề trong lĩnh vực này mặc dầu những cố gắng của ngành giáo dục và đào tạo, của nhà nước và xã hội là rất đáng trân trọng song e vẫn còn cách khá xa những đòi hỏi của phát triển.

Tuy nhiên, thành bại của sự nghiệp giáo dục và đào tạo không chỉ do nó mà còn do hệ thống lớn hơn mà giáo dục và đào tạo chỉ là một hệ thống nhỏ nằm trong đó. Chẳng hạn như, tạo ra sự bình đẳng về cơ hội thăng tiến để cho những ai có ý chí vươn lên đều có thể thực hiện thì không thể chỉ là công việc của hệ thống giáo dục và đào tạo mà là tùy thuộc vào trình độ kinh tế và cách phân phối lợi ích trong xã hội nhằm đảm bảo sự công bằng trong cống hiến và hưởng thụ, trong đó hàm chứa cả sự ưu tiên dồn góp cho những tài năng nổi trội có điều kiện phát triển.

Quyết liệt đấu tranh với cái suy tàn đang được tập quán thần thánh hoá

Một tiền đề không thể thiếu là những thể chế đảm bảo được quyền tự do dân chủ cơ bản cho mọi công dân và mỗi cá nhân, tạo được môi trường cởi mở cho sự trao đổi, tuyển lựa; một không gian đủ rộng cho hoạt động của mỗi cá nhân, trước hết là hoạt động của tư duy. Đó chính là cái điều mà bạn tôi bỗ bã đòi hỏi:“Cái cần "nổi loạn" nhất là sự nổi loạn của tư duy thì lại trì trệ, lại không dám, chỉ biết cam chịu”.

Xin ai đó an tâm về thuật ngữ “nổi loạn” của Hồ Ngọc Đại. Đó là một thuật ngữ mà nhà triết học Hêghen dùng để nói về biện chứng của sự phát triển mà Ph.Ăngghen mượn để khẳng định rằng “mỗi bước tiến mới sẽ tất yếu biểu hiện ra như là một sự xúc phạm tới cái thiêng liêng, là một sự nổi loạn chống lại trạng thái cũ, đang suy đồi nhưng được tập quán thần thánh hoá”.

Nếu bạn tôi có “xúc phạm” thì chính là “xúc phạm”cái “đang suy đồi nhưng được tập quán thần thánh hoá”. Kín cạnh hơn thì nói rằng phải quyết liệt đấu tranh với cái cũ đã suy tàn nhưng đang được tấp quán thần thánh hóa để đổi mới tư duy về giáo dục và đào tạo nói riêng, nhưng cái riêng đó chỉ có được khi có sự đổi mới nói chung của cái toàn thể mà trong đó giáo dục chỉ là một bộ phận.

Rút cục thì đó là sự đổi mới tư duy!

Rút cục thì đó là đổi mới tư duy của mỗi con người trong thời đại mà mỗi cá nhân đối diện với thách đố của thời đại, và thời đại đứng trước những thách đố của mỗi cá nhân. Những cá nhân đó bao gồm các cháu bé của tôi bên ánh lửa đốt lên để xua tan buốt giá của sương muối bên đèo đoạn dốc Mèo Vạc–Đồng Văn, hay chú bé vùng Đất Mũi, nơi “ngón chân cái của tổ quốc chưa khô bùn vạn dặm” kia, rồi những cô giáo và thầy giáo kính yêu của các cháu.

Tư duy họ đổi mới nhờ được khởi động bằng đầu óc và bản lĩnh của những người dám suy nghĩ và dám hành động như những Hồ Ngọc Đại và những đồng nghiệp, chiến hữu của anh đang dấn thân trong ngành giáo dục và đào tạo.

Trong họ đang nhen nhúm, ấp ủ để rồi thổi bùng lên ngọn lửa trí tuệ của thời đại. Không xa xôi gì lắm đâu, đó là ánh lửa các cháu bé đốt lên để sưởi ấm bên dưới Cổng Trời ở Hà Giang mà tôi từng ngồi sát vào để được xua bớt đi cùng các cháu cái giá lạnh của sương muối vào buổi hoàng hôn buốt giá.

Đó là ánh lửa của ngọn đèn le lói dưới thung lũng mờ sương có dòng sông Nho Quế uốn lượn, ánh đèn của cô giáo dưới xuôi lên dạy các cháu. Đó là ánh lửa trong tim những Hồ Ngọc Đại và đồng nghiệp của anh đang giục giã những đổi mới trong sự nghiệp giáo dục đào tạo nhằm đáp ứng những đòi hỏi phát triển của đất nước. Ánh lửa trí tuệ.

Ngọn lửa mà người bạn đáng kính đã quá cố, giáo sư Cao Xuân Hạo, đòi hỏi khi anh cố đính chính lại cách dịch mấy câu thơ của Nadim Hítmét:

Nếu tôi không cháy lên
Nếu anh không cháy lên
Thì làm sao
Bóng tối
Có thể trở thành
Ánh sáng?

GS Tương Lai

11 tháng 11, 2008

Khoa học và đại học Việt Nam qua những công bố quốc tế gần đây


GS.TS. Phạm Duy Hiển

Mấy năm gần đây, công bố công trình khoa học trên tạp chí quốc tế ngày càng được quan tâm và chấp nhận như một tiêu chí đánh giá khách quan chất lượng nghiên cứu khoa học (NCKH). Bộ GD&ĐT tuyên bố sẽ phấn đấu đưa một trường đại học VN lọt vào top 200 thế giới, đồng nghĩa với việc ưu tiên thúc đẩy công bố quốc tế, xem đây là nhân tố bảo đảm chất lượng đào tạo đại học. Trong chương trình đào tạo hai vạn tiến sỹ, luận văn được yêu cầu phải kèm theo công bố quốc tế. Mới đây, Bộ trưởng còn tuyên bố thưởng 1000 USD cho mỗi bài báo quốc tế. Tuy vậy vẫn còn nhiều tiếng bàn ra khiến các cơ quan quản lý khoa học chuyển biến chậm, các đề tài R&D chưa lấy công bố quốc tế làm tiêu chí đánh giá khi xét duyệt và nghiệm thu như ở các nước khác.

Công bố quốc tế của VN được chia thành hai loại tùy theo tác giả đầu mối (coresponding author) trong nước hay nước ngoài. Loại thứ nhất, gọi là công bố quốc tế do nội lực, được trích dẫn ít hơn hẳn so với loại thứ hai. Bài báo do nội lực liên quan trực tiếp đến đầu vào và đầu ra trong NCKH, do đó có thể dùng làm cơ sở để đánh giá hiệu quả NCKH và giúp hình dung cấu trúc các ngành khoa học nước nhà hiện nay. Để biết khoa học và đại học VN đang ở đâu, dưới đây sẽ so sánh công bố quốc tế của một số trường đại học hàng đầu ở VN với Thái Lan.

Dẫn nhập
Dưới đây, công bố quốc tế chỉ bao gồm những bài báo, mà không kể đến các loại báo cáo khoa học khác. Bài báo trong ISI phần lớn bằng tiếng Anh, tra cứu theo hai phương án “English” và “All Languages” chỉ khác nhau chưa đầy 0,5% về số lượng.

Dựa trên cơ sở dữ liệu này có thể đưa ra bức tranh tổng thể về số lượng và tốc độ tăng trưởng công bố quốc tế của 11 nước và vùng lãnh thổ Đông Á từ 2002 đến 2007. Năng suất NCKH tính bằng số bài báo quốc tế trên một triệu dân được dùng để so sánh các nước về mặt số lượng. Về chất lượng có thể dựa trên số lần trích dẫn trung bình các bài báo công bố cách đây bốn năm (2004).

Năng suất NCKH – một tiêu chí đặc trưng cho phát triển
Bảng 1 cho ta hình dung khối lượng và tốc độ tăng trưởng công bố quốc tế của 11 nước và vùng lãnh thổ Đông Á trong hai năm 2002 và 2007. Trung Quốc, nước đông dân nhất, giữ ngôi đầu bảng, tiếp theo là Nhật Bản vừa đông dân (thứ ba trong khu vực), vừa tiên tiến. Cho nên để loại yếu tố dân số ra, ta nên xem mỗi nước có bao nhiêu công bố quốc tế trên một triệu dân, và gọi đó là năng suất NCKH.

Thật đáng ghi nhận khi gần đây, Bộ KH&CN đã mua quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu ISIKNOWKEDGE (http://db.vista.gov.vn/) để giới khoa học có thể cập nhật thông tin toàn diện về các công bố quốc tế trên toàn thế giới. Nơi đây tập hợp hơn một vạn tạp chí khoa học, từ tự nhiên, xã hội đến nhân văn-nghệ thuật, và bài báo (article) đăng trên những tạp chí này thường được xem như đủ “tiêu chuẩn quốc tế”.

Biểu diễn năng suất NCKH trên thang lô ga như hình 1 rất dễ thấy công bố quốc tế của các nước tăng đều hằng năm theo cấp số nhân. Việt Nam, Thái Lan và Malaysia tăng trưởng khá nhanh, 16% hàng năm. Tuy nhiên, số công trình Việt Nam vẫn luôn kém Thái Lan 6,5 lần, Malaysia 9,5 lần. Nghĩa là nếu không tăng tốc mạnh hơn nữa, đại học Việt Nam rất khó chen chân vào top 200 thế giới, nơi đây đã có mặt Đại học Chulalongkorn của Thái Lan theo cách xếp hạng năm 2005 và 2007 của The Times Higher Education (tuy nhiên, Chulalongkorn vẫn chưa lọt vào tốp 500 theo cách xếp hạng của Đại học Giao thông Thượng Hải, chủ yếu dựa trên thành tích NCKH).

Bảng 1. Tổng số bài báo quốc tế và tốc độ tăng trưởng của 11 nước và vùng lãnh thổ Đông Á trong hai năm 2002 và 2007.



Nguồn: ISIKOWLEDGE (http://db.vista.gov.vn/) cập nhật ngày 30/10/2008.

Điều “an ủi” là năng suất NCKH của Việt Nam vẫn cao gấp ba lần Indonesia và từ 2004 trở đi đã vượt Philip pines nước này chỉ giữ được tốc độ tăng trưởng hằng năm khoảng 3-4%. Trung Quốc tăng trưởng nhanh nhất, hơn 20%/năm. Họ đã vượt Thái Lan và sắp đuổi kịp Malaysia.

Singapore đứng đầu bảng trong khu vực, có năng suất NCKH cao hơn Malaysia, Thái Lan và Việt Nam gấp 20, 30 và 200 lần. Cứ một nghìn người Singapore có trên 01 bài báo quốc tế hằng năm. Tiếp sau Singapore là Nhật Bản và ba con rồng châu Á. Nhưng phát triển đến trình độ càng cao, tăng trưởng càng chậm, Hàn Quốc và Đài Loan: 11%/năm, Singapore: 10%/năm, Hong Kong: 7%/năm, Nhật Bản: 1%/năm.

Thoạt nhìn, có thể nghĩ rằng sự khác biệt về năng suất NCKH giữa các nước là do chênh lệch về mức sống. Có thực mới vực được đạo. Nhưng người Philippines và Indonesia thu nhập gấp đôi Việt Nam lại công bố ít hơn chúng ta từ 1,3 đến 3 lần. Phép phân tích tương quan cho thấy trong phạm vi Đông Á, năng suất NCKH có tương quan ít nhiều với bình quân GDP (R2 = 0,64), nhưng không mạnh bằng tương quan với chỉ số phát triển con người HDI của UNDP bao gồm cả những tiêu chí về giáo dục và tuổi thọ (R2 = 0.91, hình 2). Lại một lần nữa, phát triển kinh tế một chiều sẽ không đưa chúng ta đến những đỉnh cao khoa học, công nghệ và văn hóa

Hình 1. Năng suất NCKH thể hiện bằng số công bố quốc tế trên một triệu dân của các nước Đông Á. Độ dốc của những đường hồi quy trên đây cho ta ý niệm về tốc độ tăng trưởng năng suất NCKH.



Nguồn: ISIKOWLEDGE (http://db.vista.gov.vn/) cập nhật ngày 30/10/2008, UNDP Human Development Reports.

Hình 2. Tương quan mạnh giữa năng suất NCKH với chỉ số phát triển con người ở các nước Đông Á.



Nguồn: ISIKOWLEDGE (http://db.vista.gov.vn/) cập nhật ngày 30/10/2008, UNDP Human Development Reports.

Bức tranh NCKH ở Đông Á trên hình 1 khẳng định công bố quốc tế là mệnh lệnh từ sự phát triển, không thể tránh né bằng bất cứ lập luận nào. Ở mọi nước khác, người ta xem đây như một chuẩn mực đương nhiên trong NCKH, bảo đảm chất lượng đào tạo đại học và hiệu quả ứng dụng các hoạt động R&D trong thực tiễn.

Đánh giá chất lượng

Song bài báo quốc tế trong ISI cũng đủ loại. Trước hết, giá trị học thuật của bài báo thường căn cứ trên hệ số tác động của tạp chí mà tác giả gửi đăng. Hệ số này đo bằng số lần trích dẫn trung bình trong hai năm của tạp chí. Đây là thương hiệu của tạp chí, nên không dễ gì “ứng tiền” mua chuộc tòa soạn để được lãnh 1000 USD tiền thưởng, như một số người đàm tiếu khi nghe chủ trương này của Bộ GD&ĐT.

Thoạt nhìn, có thể nghĩ rằng sự khác biệt về năng suất NCKH giữa các nước là do chênh lệch về mức sống. Có thực mới vực được đạo. Nhưng người Philippines và Indonesia thu nhập gấp đôi Việt Nam lại công bố ít hơn chúng ta từ 1,3 đến 3 lần. Phép phân tích tương quan cho thấy trong phạm vi Đông Á, năng suất NCKH có tương quan ít nhiều với bình quân GDP (R2 = 0,64), nhưng không mạnh bằng tương quan với chỉ số phát triển con người HDI của UNDP bao gồm cả những tiêu chí về giáo dục và tuổi thọ (R2 = 0.91, hình 2). Lại một lần nữa, phát triển kinh tế một chiều sẽ không đưa chúng ta đến những đỉnh cao khoa học, công nghệ và văn hóa.

Trong mỗi tạp chí, số lần trích dẫn của từng bài cũng rất khác nhau, và nhiều người xem đây như một tiêu chí đánh giá chất lượng. Cách làm này thuận tiện vì có thể số hóa để đưa vào cơ sở dữ liệu. Song nó không tránh khỏi khiếm khuyết. Thí dụ, bài báo được trích dẫn 5 lần chưa chắc có chất lượng hơn 3 lần, nhất là khi so sánh hai chuyên ngành khoa học khác nhau. Bởi vậy dưới đây, chúng tôi chỉ xem số lần trích dẫn như một tiêu chí thống kê, trung bình, dùng để so sánh chất lượng NCKH ở những trung tâm nghiên cứu lớn, đa ngành, thí dụ trường đại học, hoặc các quốc gia (bảng 2).



Bảng 2, 3 so sánh thành tích một số đại học hàng đầu Việt Nam và Thái Lan theo thống kê năm 2004 và 2007. Hơn 95% công bố quốc tế của Thái Lan xuất phát từ trường đại học, trong khi ở Việt Nam tỷ lệ này chỉ có 55%. Ngoài hai Đại học Chulalongkorn và Mahidol (bảng 2, 3), Thái Lan còn có nhiều đại học khác như Chiang Mai, Khon Kaen, Prince Songkla, Thammasat, Viện Công nghệ châu Á v.v..., mỗi trường đều công bố vài trăm bài báo quốc tế hằng năm.



Số bài báo quốc tế của các trường đại học hàng đầu Việt Nam tăng lên khá nhanh trong vài năm gần đây, gấp đôi sau ba năm (2004-2007). Trong khi đó, Viện KHCN VN, cơ sở khoa học lớn nhất nước, chỉ tăng 18%. Tăng nhanh, song các đại học hàng đầu Việt Nam vẫn công bố ít hơn Đại học Chulalongkorn và Mahidol từ 13 đến 30 lần. Từng trường này còn công bố nhiều hơn tất cả các cơ sở NCKH Việt Nam cộng lại. Đại học Thái Lan cũng được trích dẫn nhiều hơn rõ rệt, trung bình 9,4-11 lần, so với 4,1-6,9 lần của Việt Nam.

Trên bảng 2 có một chi tiết đáng chú ý. Số lần trích dẫn trung bình của 5 cơ sở nghiên cứu hàng đầu Việt Nam (4,1 – 6,9) ít hơn cả nước (8,1). Nghĩa là các cơ sở nghiên cứu ít “tiếng tăm” hơn lại được trích dẫn nhiều gấp bội. Thí dụ, năm 2004 ngành y học Việt Nam công bố 82 công trình, và trung bình mỗi công trình được trích dẫn đến 13,7 lần. Đặc biệt, công trình về virus cúm gà H5N1 đăng trên Nature được trích dẫn 320 lần. Vậy phải chăng y học Việt Nam rất mạnh?

Thực ra, trong số 82 bài báo quốc tế về y học ấy chỉ có 7 bài do 4 người Việt Nam làm tác giả đầu mối. Số áp đảo còn lại đều do người nước ngoài làm tác giả đầu mối, đồng tác giả Việt Nam có lẽ chỉ đóng góp phần khiêm tốn.

Nội lực và hợp tác quốc tế trong NCKH

Nếu chia các bài báo quốc tế của Việt Nam và Thái Lan ra làm hai loại tùy theo người trong nước hay nước ngoài làm tác giả đầu mối, thì thấy ở Việt Nam loại thứ nhất chiếm 25% năm 2004, tăng lên 34% năm 2007. Loại thứ nhất có thể gọi là công bố quốc tế do nội lực, chẳng những ít hơn loại thứ hai (do hợp tác) về số lượng mà cả về chất lượng, bởi số lần trích dẫn ít hơn rõ rệt (phần bên phải bảng 2).

Nhìn sang hai đại học Thái Lan, tỷ lệ công trình do nội lực của họ cao hơn hẳn, 70% năm 2004 (bảng 2), tăng lên gần 80% năm 2007 (bảng 3). Các bài báo do nội lực của họ cũng được trích dẫn nhiều hơn ta trên hai lần.

Bảng 2. Thành tích công bố quốc tế của một số tổ chức R&D hàng đầu Việt Nam và Thái Lan năm 2004. Nguồn: ISIKOWLEDGE (http://db.vista.gov.vn/ cập nhật ngày 30/10 – 5/11/2008.

Khái niệm nội lực không nên hiểu một cách tuyệt đối, bởi trong từng trường hợp cụ thể rất khó lượng định rạch ròi phần đóng góp của tác giả trong nước và nước ngoài. Song phân biệt ra hai loại bài báo quốc tế - nội lực và hợp tác – theo tác giả đầu mối là một thực tế không thể tránh né. Có phân biệt như thế, ta mới khỏi ngộ nhận khi đánh giá hiệu quả hoạt động NCKH căn cứ trên đầu vào (đầu tư, nhân lực, hạ tầng ...) và đầu ra (nhân lực được đào tạo, tác động đến kinh tế xã hội, công bố quốc tế ...). Tách ra phần nội lực không hề phủ nhận vai trò quan trọng của hợp tác quốc tế trong NCKH.

Cấu trúc các ngành khoa học

Để hình dung cấu trúc nền khoa học nước nhà, ta có thể phân loại 234 bài báo quốc tế do nội lực năm 2007 của Việt Nam theo các chuyên ngành khoa học. Kết quả ghi trên bảng 4. Nhìn sang Thái Lan, chỉ cần so với một trường ĐH Chulalongkorn công bố

Bảng 3. Thành tích công bố quốc tế của một số tổ chức R&D hàng đầu Việt Nam và Thái Lan năm 2007. Nguồn: ISIKOWLEDGE (http://db.vista.gov.vn/) cập nhật ngày 30/10 – 5/11/2008.

569 bài báo do nội lực năm 2007 cũng đủ thấy công bố quốc tế của cả nước ta vừa quá ít, lại mất cân đối đến mức đáng lo ngại.

Tổng số công bố quốc tế của Việt Nam hiện nay chưa bằng một trường đại học Thái Lan, như Chulalongkorn hay Mahidol. Đã thế, gần 80% bài báo của Thái Lan do người Thái làm tác giả đầu mối, ta chỉ có 34%. Công bố quốc tế của Thái Lan gắn với đào tạo đại học (95% từ các trường đại học so với 55% của ta), với thực tiễn đời sống và sản xuất. Việt Nam cũng dồn sức đầu tư cho các đề tài ứng dụng thực tiễn, song đầu ra trên các diễn đàn khoa học quốc tế lại rất thưa thớt, thể hiện một sự khước từ có chủ định chuẩn mực quốc tế về chất lượng NCKH. Trước nghịch lý này có người muốn trấn an: ta có việc của ta, cách đi của ta!

Những ngành rất mạnh và gắn với đời sống của Thái lan như y học, hóa học, sinh hóa và nhiều ngành công nghệ, vật liệu lại chính là lĩnh vực rất ít thấy công bố từ Việt Nam. Chúng ta mạnh về toán học và vật lý (một nửa là vật lý lý thuyết), trong khi hai ngành này lại đứng cuối bảng ở ĐH Chulalongkorn và nhiều đại học khác ở Thái Lan.

Rất nhiều cơ sở NCKH “vừa có tiếng vừa có miếng” ở Việt Nam lại vắng bóng trên các tạp chí khoa học quốc tế. ĐHQG Hà Nội chỉ tập trung ở khoa Toán và Vật lý thuộc trường ĐHKH Tự nhiên. Ngoài ra mới đây có thêm trường Đại học Công nghệ. Trong số 19 bài do nội lực của ĐHQG TP. Hồ Chí Minh năm 2004, có 9 bài về Vật lý, 6 bài về Toán. Riêng Van Hoang V. làm tác giả đầu mối 6 bài về Vật lý. Một quang cảnh khá manh mún, tự phát, mất hút đầu tư từ ngân sách Nhà nước, không thấy dấu ấn nhạc trưởng lại thiếu hẳn một cơ chế điều hành tự nhiên nảy sinh trong quá trình phát triển.

Thay lời kết – Việt Nam và Thái Lan

Tổng số công bố quốc tế của Việt Nam hiện nay chưa bằng một trường đại học Thái Lan, như Chulalongkorn hay Mahidol. Đã thế, gần 80% bài báo của Thái Lan do người Thái làm tác giả đầu mối, ta chỉ có 34%. Công bố quốc tế của Thái Lan gắn với đào tạo đại học (95% từ các trường đại học so với 55% của ta), với thực tiễn đời sống và sản xuất. Việt Nam cũng dồn sức đầu tư cho các đề tài ứng dụng thực tiễn, song đầu ra trên các diễn đàn khoa học quốc tế lại rất thưa thớt, thể hiện một sự khước từ có chủ định chuẩn mực quốc tế về chất lượng NCKH. Trước nghịch lý này có người muốn trấn an: hãy yên chí, ta có việc của ta, cách đi của ta!

Đi đâu trong thế giới này? Đại học Việt Nam muốn theo đuổi để chen chân vào tốp 200 thế giới (xin nói, đây không phải việc riêng của hệ thống đại học!), mà trong đám này đã có mặt người láng giềng đang tiến rất nhanh lên phía trước. Có lẽ nên chấm dứt điệp khúc thành tích đang ru ngủ mọi người để còn bình tâm suy xét tại sao trên đường đua này, ta luôn cách xa người láng giềng đến thế! Cay cú lắm! Mà cay cú đâu phải là tật xấu!

Bảng 4. Công bố quốc tế do nội lực năm 2007 của Đại học Chulalongkorn và cả nước Việt Nam theo chuyên ngành khoa học được phân loại trong cơ sở dữ liệu ISI.
Nguồn: ISIKOWLEDGE (http://db.vista.gov.vn/) cập nhật ngày 30/10 – 5/11/2008.




Phạm Duy Hiển
Tia Sáng 10/11/2008

10 tháng 11, 2008

Hà Lội mùa này lắm những cơn mưa



Bạn hãy vào trang Hoai Van Blog
http://hoaivan.vnweblogs.com/ để tải file nhạc về nghe.


Nhạc sĩ: Trương Quý Hải
Tác giả lời "chuyển soạn": Bọ Lập & dân gian


Ca sĩ: Đinh Công Sáng

Hà Nội mùa này phố cũng như sông
Cái rét đầu đông, chân em run ngâm trong nước lạnh
Hoa sữa thôi rơi, em tôi bơi cả chiều trên phố
Đường Cổ Ngư xưa, ngập tràn nước sông Hồng...

Hà Nội mùa này chiều không có nắng
Phố vắng nước lên thành con sông
Quán cóc nước dâng ngập qua mông
Hồ Tây, giờ không thấy bờ...




Hà Nội mùa này lòng bao đau đớn
Ta nhớ đêm nao lạnh đôi tay
Cho đến đêm qua lạnh đôi chân
Giờ đây, lạnh luôn toàn thân.


Hà Nội mùa này phố cũng như sông
Cái rét đầu đông, chân em thâm vì ngâm nước lạnh
Hoa sữa thôi rơi, em tôi bơi cả chiều trên phố
Đường Cổ Ngư xưa, ngập tràn nước sông Hồng...




Hà Nội mùa này người đi đơm cá
Phố vắng nước lên thành con sông
Quán cóc nước dâng ngập qua mông
Hồ Tây, tràn ra Mỹ Đình




Hà Nội mùa này lòng bao đau đớn
Ta nhớ đêm nao lạnh đôi tay
Cho đến đêm qua lạnh đôi chân
Giờ đây, lạnh luôn toàn thân

8 tháng 11, 2008

Thơ Khánh Nguyên



HOCMOINGAY. GS Mai Văn Quyền gửi hai bài thơ của Khánh Nguyên do GS Nguyễn Ngọc Kính chép tặng (GS Kính là con của nhà ngoại giao, nhà thơ Xuân Thủy)với lời nhắn: Gui Kim-Thuy va hai chau Nguyen-Long. Cam on Kim va Thuy da gui thu tham va ca bai hat hay. Thay Co di "Ha Loi" ve. Ha Noi da doi ten thanh Ha-Loi.Khong co gi lam qua, chi co hai bai tho minh tam dac nen gui cho Kim de giao luu cho vui. Xin chuc cac em moi su tot dep. Quyen.(Ảnh tư liệu: GS. Mai Văn Quyền thăm ruộng anh Hồ Sáu ở xã Tây Hòa, Trảng Bom, Đồng Nai, nơi các sinh viên Sáu, Linh, Thủy, Quyết, Hạnh, Liên đang làm đề tài. Ảnh chỉ để lưu niệm)






SUY NGẪM

“Đừng tưởng cứ núi là cao
Cứ sông là chảy, cứ ao là tù”
Đừng tưởng cứ dưới là ngu
Cứ trên là giỏi, cứ “xu” là cầm
Đừng tưởng không nói là câm
Không nghe là điếc, không trông là mù
Đừng tưởng cứ trọc là sư
Cứ vâng là tốt, cứ ừ là ngoan
Đừng tưởng cứ giàu là sang
Cứ im lặng-là tưởng vàng đến ngay
Đừng tưởng uống rượu là say
Cứ hứa là thật, cứ tay là cầm
Đừng tưởng giặc ở ngoại xâm
Cứ bè là bạn, cứ dân là lành
Đừng tưởng cứ trời là xanh
Cứ đất và nước là thành quê hương.

LỜI ĐÁ

Vô cảm trái tim đá?
Sao gõ vào rung ngân
Người gọi vội đáp trả
Người đợi chờ hóa thân

Tôi già trong thác bạc
Tôi trẻ khi thành bi
Tôi chết khi đem tạc
Tôi sống khi thành bia

Đất đỡ mình- ngỡ bạn
Nước bào mòn- tưởng thù
Ngẫm nghĩ đến bây giờ
Nếp nhăn hằn vầng trán

VĂN NGHỆ, Số 13
29-3-2008

Đọc lại và suy ngẫm



HOCMOINGAY. Tôi chọn giữ lại hai bài báo: "Vì sao Brack Obama thắng?" của Richard Lister BBC News và "Một niềm tin trong các ước mơ đơn giản" (A Faith in Simple Dreams) của Tân Tổng thống Mỹ Barack Obamar để đọc lại và suy ngẫm. Đó là những tư tưởng lớn, bài học sinh động trong một nền chính trị lớn. Trang Obama Blog http://www.barackobama.com/index.php phản ảnh niềm tin và ước mơ của vị tổng thống trẻ. (Ảnh trên chép từ trang chính Obama Bog)

VÌ SAO BRACK OBAMA THẮNG?

Richard Lister
BBC News, Washington


Cách đây hai năm, Barack Obama chỉ là một chấm nhỏ trên màn hình radar chính trị của nước Mỹ. Thế nhưng, với một chiến dịch thông minh và có kỷ luật, một số lượng lớn tài chính và một bầu không khí chính trị tạo ra, vị thượng nghị sỹ trẻ tuổi từ tiểu bang Illinois đã chiếm lĩnh được vịtríquyền lực lớn nhất trên thế giới.

Cuộc vận động của ông Obama sẽ là một hình mẫu cho những ai muốn tìm kiếm sự thay thế ông trong tương lai.

Ngay cả các chiến lược gia đảng Cộng hoà cũng phải công nhận đây là một chiến dịch vận động với một cơ sở chuẩn bị hoàn hảo về mặt kỹ thuật.

Tiền bạc là một yếu tố then chốt. Ông Obama đã thừa nhận trong suốt cuộc vận động bầu cử sơ bộ là ông đã phát triển được một cơ sở quyên quỹ cực kỳ rộng lớn, mà ông luôn có thể tìm kiếm được sự tài trợ.

Do đó, ông đã từ chối không nhận tài trợ của liên bang dành cho chiến dịch vận động của mình, cũng như dành cho việc bù đắp các giới hạn tài chính khác.

Đội quân giúp đỡ

Với sự giúp đỡ của người sáng lập trang Facebook, Chris Hughes - người đã thiết kế một hệ thống gây quỹ mới - chiến dịch tranh cử của ông Obama cuối cùng đã thu hút được hơn ba triệu người ủng hộtài chính.

Những người này đã quyên góp được 650 triệu đôla, nhiều hơn cả hai đối thủ tranh cử tổng thống năm 2004 cộng lại.

Ngay cả các chiến lược gia đảng Cộng hoà cũng phải công nhận đây là một chiến dịch vận động với một cơ sở chuẩn bị hoàn hảo về mặt kỹ thuật.

Ông Obama đã có gấp bốn lần số văn phòng vận động so với ông McCain và sở hữu một đội quân đông đảo nhân viên và những người tình nguyện.

Các cơ sở này đã phát triển và khai thác được một cơ sở dữ liệu khổng lồ các thông tin về các nhà tài trợ và cử tri tiềm tàng ở mọi bang then chốt.

Mọi người vào trang mạng của Obama đều được mời đăng ký để cung cấp thêm thông tin. Và mỗi người đăng nhập như vậy đều được yêu cầu đóng góp hay tham gia tình nguyện.

Một khi đồng ý, họ nhận được nhiều cú gọi điện và các thông điệp đề nghị quyên thêm tiền hoặc cung cấp thêm sự giúp đỡ.

Chương trình gây quỹ với cơ sở vững vàng đó đã trang bị đủ lực cho ông Obama trong cuộc chiến truyền thông.

Truyền hình, vốn phủ sóng trên 3,5 triệu dặm vuông (tức khoảng 9 triệu km2) tới 300 triệu dân, gần như là huyết mạch của chiến dịch vận động và ông Obama đã không gặp phải bất cứ vấn đề gì để mua thời lượng phát sóng.

Chiến dịch siêu việt

Tại một số tiểu bang dao động (swing states) trong những tuần lễ vận động cuối, ông Obama đã vượt trội ông McCain với tỉ lệ 4/1. Chiên dịch vận động của ông đã tiến vào địa hạt internet, nhằm đưa các thông điệp quảng cáo tới các đối tượng trên mạng.

Thậm chí, người của ông Obama còn mua cả một không gian quảng cáo mà và xen vào địa hạt các trò chơi video. Ông Obama cũng đủ lực để vận động ở cả những khu vực luôn là thành luy của đảng Cộng hòa và ép ông McCain phải dàn trải các nguồn lực vốn ngày một mỏng manh của mình, từ đó thu hút bớt các ủng hộ viên của đối thủ về phía mình ở các tiểu bang giao động chính kiến.

Đồng thời, chiến lược vận động của thượng nghị sĩ bang Illinois còn tỏ ra rất siêu việt trong việc lấy phiếu. Đội quân của ông Obama đã chạy một chiến dịch vận động đăng ký khổng lồ đối với những người có khả năng trở thành ủng hộ viên Dân chủ. Nỗ lực này đã giành thêm hơn 300.000 cử tri tới các vòng bỏ phiếu ở riêng Florida.

Nhận ra việc nhiều cử tri mới có thể tràn ngập các điểm bỏ phiếu trong ngày bầu cử, chiến dịch vận động của ông Obama đã làm cho việc bỏ phiếu sớm trở thành một ưu tiên ở nhiều tiểu bang nơi việc này được phép.

Có nhiều người đi bỏ phiếu trước ngày bầu cử vào năm nay hơn bất thời điểm nào trước đây - hơn 29 triệu người ở 30 tiểu bang, theo số liệu thống kê sơ bộ.

Tất cả hiệu quả đạt được còn nhờ việc ông Barack Obama đã biết hiệu triệu mọi người với tư cách một ứng viên tổng thống. Ông là một nhà hùng biện xuất sắc, có thể dẫn dụ đám đông quần chúng theo kiểu của ông Bill Cliton.

Hình ảnh của Obama mang tính trọn vẹn - một người đàn ông tự lập với một ngôi nhà, một chiếc xe hơi và một gia đình.

Điều này tương phản với John McCain từng ly dị người vợ vốn chờ đợi ông qua suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, rồi cưới một người phụ nữ thừa kế gia sản giàu có và là một người không thể nhớ mình có bao nhiêu ngôi nhà trong tay.

Ứng cử viên chống Bush

Ông Obama đã có thể thiết lập được liên hệ một cách sâu sắc hơn với các khối cử tri khác nhau. Ông đã đánh đúng vào tâm lý của các cử tri trẻ, dành được cảm tình của nhiều cử tri nói tiếng Tây Ban Nha và Do Thái, vốn là những người ủng hộ Đảng Cộng hoà trong quá khứ, và đương nhiên đã dành được nhiều phiếu của các cử tri da đen hơn bất cứ vị tổng thống tiền nhiệm nào.

Thông điệp duy nhất, thống nhất của ông Obama là "thay đổi" đã phát huy tác dụng khi gần chín trên 10 người dân Mỹ tin rằng đất nước của họ đã "đi sai đường."

Ông có thể dễ dàng đặt mình vào vị trí một ứng viên tổng thống chống lại ông Bush theo một cách thức mà ông McCain phải rất vất vả nếu muốn có. Tổng thống Bush đã nhận tỉ lệ ủng hộ thấp hơn cả cựu tổng thống tai tiếng một thời, Richard Nixon.

Một thông điệp xuyên suốt của ông Obama là ông John McCain đã luôn hậu thuẫn ông Bush trong suốt 90% thời gian cầm quyền của Bush.

Các cuộc thăm dò dư luận luôn cho thấy nhiều người dân tin tưởng hơn vào khả năng ông Obama có thể giải quyết các vấn đề kinh tế khi khủng hoảng tài chính nổ ra, và ông Obama đã xuất hiện đúng chỗ để tận dụng trọn vẹn lợi thế chính trị này.

Trọng tâm kiên định của ông vào việc làm thế nào có thể giúp đỡ những người dân bị bần cùng hoá nhiều nhất trong 8 năm cầm quyền của Tổng thống Bush dường như tỏ ra thích hợp với thời sự hơn. Điều này tương phản với trọng tâm đặt vào việc cắt thuế có lợi rõ ràng cho các giới giàu có trong chiến dịch vận động của ông McCain.

Khác biệt là sức mạnh

Nhưng trên hết, ngay cả thế mạnh cao nhất của ông McCain với tư cách một anh hùng trong chiến tranh Việt Nam với kinh nghiệm quốc tế hàng chục năm cũng đã bị lu mờ.

Lựa chọn của ông Obama về người liên danh vào chức vụ ứng viên Phó tổng thống, chuyên gia chính sách đối ngoại kỳ cựu, Thượng nghị sĩ Joe Biden, đã thu hẹp khoảng cách kinh nghiệm.

Ông Obama cũng nhấn mạnh khăng khăng rằng quan điểm đánh giá còn quan trọng hơn kinh nghiệm và suốt quá trình chiến dịch tranh cử, các đồng thuận chính trị về khía cạnh này ở công chúng có vẻ đã chuyển dịch dần sang quan điểm này của Obama.

Ông Obama đã kêu gọi thiết lập một thời gian biểu cho việc rút quân khỏi Iraq, bảo vệ các biên giới của Afghanistan bằng việc tiến hành các cuộc tấn công nằm bên trong lãnh thổ Pakistan khi được yêu cầu và tiến hành đối thoại với các kẻ thù của Hoa Kỳ.

Và rồi một cách chậm rãi và lặng lẽ, chính Chính quyền của ông Bush đã phải đi tới chấp nhận các quan điểm trên của ông Obama, và trong ông John McCain thì đã ngày càng bị cô lập hơn khi tiếp tục phản đối ông Obama.

Ông Barack Obama còn nói ông không "trông giống như các vị Tổng thống khác được in hình trên đồng đôla."

Mặc dù đây là một ngụ ý về mầu da của mình, ông Obama đã tỏ ra có nhiều khác biệt so với các tầng lớp chính trị quý tộc truyền thống, và trong một năm mà nhiều người Mỹ khao khát đổi mới, những khác biệt này đã trở thành một phần sức mạnh của ông Obama.

MỘT NIỀM TIN TRONG CÁC ƯỚC MƠ ĐƠN GIẢN

(A Faith in Simple Dreams) Barack Obamar


Khi tôi còn nhỏ, tôi sống ở nước ngoài một thời gian với Mẹ tôi. Và một trong những ký ức sơ khai của tôi về Mẹ là bà đọc cho tôi nghe những dòng chữ đầu tiên trong Tuyên Ngôn Độc Lập, và giải thích cho tôi nghe những ý tưởng trong đó đã được áp dụng vào từng người Mỹ ra sao, người Mỹ da Trắng, da Đen và da Nâu đều giống nhau cả, tất cả đều là người Mỹ. Bà đã dạy cho tôi biết rằng những dòng chữ đó, và những ngôn từ trong Hiến Pháp Hoa Kỳ, đã bảo vệ chúng ta tránh khỏi những bất công tàn nhẫn mà chúng ta đang là chứng nhân sống cho những số phận con người khác đang phải chịu đựng tại các quốc gia khác trên thế giới.

Mới đây, điều này đã được gợi lại trong tôi khi tôi theo dõi những bất công tàn bạo quanh vấn đề gọi là cuộc bầu cử tại Zimbabwe. Trong nhiều tuần lễ, đảng phái đối lập và những người ủng hộ họ đã bị săn đuổi, tra tấn và sát hại trong vòng bí mật. Họ đã bị kéo ra khỏi nhà họ vào lúc giữa đêm và bóp cổ đến chết trong khi con cái họ nhìn thấy cha mẹ mình đang bị sát hại dã man. Người vợ của một vị thị trưởng tân cử đã bị đánh đập tàn nhẫn đến nỗi ngay chính cả em ruột của bà cũng không nhận ra được thi thể bà, ngoại trừ cái váy mà bà đã mặc trong ngày bà bị sát hại. Ngay cả những cử tri bị tình nghi là đã bội phản lại vị Tổng Thống đương kim cũng bị tập trung lại và bị đánh đập trong nhiều giờ. Tất cả chỉ vì một tội đồ đơn giản - Họ đã đi bỏ lá phiếu bầu của họ.

Quốc gia của chúng ta là một quốc gia giàu mạnh với nhiều niềm tin và nhận thức khác biệt. Chúng ta tranh luận và bàn cãi những tư tưởng khác biệt của chúng ta một cách sôi động và thường xuyên. Nhưng một khi tất cả những gì cần phải nói đã được nói ra, chúng ta vẫn cùng nhau đoàn kết lại như một khối dân đồng nhứt và tuyên thệ trung thành, không những chỉ đơn thuần cho một nơi chốn trên tấm bản đồ hay một vị lãnh đạo nào đó nhưng tới những dòng chữ mà Mẹ tôi đã từng đọc cho tôi nghe cách đây nhiều năm về trước - "Rằng mọi người đều được tạo ra công bằng, rằng mọi người được Đấng Tạo Hóa ban cho những quyền không thể nào tách bỏ được, trong những quyền này bao gồm quyền Được Sống, quyền Tự Do và quyền Mưu Cầu Hạnh Phúc."

Đó chính là một niềm tin trong những ước mơ đơn giản đích thực của nước Mỹ, một sự khẳng định trên các điều kỳ diệu nhỏ bé. Đó là những ý tưởng mà chúng ta có thể ru đưa vào giấc ngủ của con cháu chúng ta hằng đêm và biết rằng chúng được nuôi dưỡng và an toàn trước các hiểm họa; rằng chúng ta có thể nói những gì chúng ta đang suy nghĩ, viết lên những gì chúng ta đang suy nghĩ, mà không phải lo sợ bị công an, cảnh sát gõ cửa; rằng chúng ta có thể có một sáng kiến và khởi sự công việc làm ăn riêng rẽ của chúng ta mà không phải nộp hối lộ; rằng chúng ta có thể tham dự vào các tiến trình chính trị mà không phải lo sợ bị trả thù; và rằng các lá phiếu bầu của chúng ta sẽ được đếm trong các cuộc bầu cử.

Với tôi, đó là niềm tin yêu và việc bảo vệ những lý tưởng này chính là ý nghĩa thực sự của lòng yêu nước. Đó là những lý tưởng không thuộc về bất kỳ đảng phái nào hay bất kỳ nhóm người nào nhưng là sự kêu gọi mỗi một chúng ta đóng góp phần của mình vào sự thịnh vượng chung của chúng ta.

Tôi viết lên điều này với sự hiểu biết rằng nếu những thế hệ cha ông trước đó của chúng ta đã không đứng lên để nhận lãnh trách nhiệm trong thời của mình, thì có lẽ tôi đã không đứng trong vị trí của tôi vào ngày hôm nay. Là một người trẻ mang hai dòng máu trong người, không có được những nối kết, gốc gác trong bất kỳ cộng đồng nào, không có được chính cả bàn tay dẫn dắt của người Cha, thì đây chính là lý tưởng của người Mỹ mà vận mạng của chúng ta đã không cần phải được viết trước khi chúng ta ra đời để định nghĩa cuộc đời của chúng ta. Và đó chính là nguồn cội của lòng tin yêu của tôi đối với đất nước này: bởi vì với một người Mẹ có gốc từ Kansas và một người Cha có gốc từ đất nước Kenya, tôi biết rằng những câu chuyện giống như câu chuyện đời tôi chỉ có thể xảy ra ở nước Mỹ mà thôi.

2 tháng 11, 2008

Ngày không em - Nguyễn Trọng Tạo


Phan Chí Thắng

HOCMOINGAY: "Ngày không em" là một bài thơ chứng minh sức sáng tạo trẻ trung của Nguyễn Trọng Tạo. Có thể mạnh dạn mà nói: các nhà thơ lớn phải làm một việc lớn là đi tiên phong trong công cuộc đổi mới thơ (từ trái sang phải: Nguyên Hùng , Nguyễn Trọng Tao, Phan Chí Thắng, Hoàng Cát http://pcthang.vnweblogs.com/post/2432/97272)


Các nhà phê bình, bạn bè văn chương và cả người đọc viết khá nhiều về thơ Nguyễn Trọng Tạo. Khó tìm ra điều gì để viết thêm về nhà thơ danh tiếng này.

Tôi muốn viết một cái gì đó nho nhỏ, hợp với sức mình về thơ Nguyễn Trọng Tạo, với tư cách một người đọc bình thường. Tôi không cố chọn ra một số bài thơ hay nhất của Nguyễn Trọng Tạo để nói đến. Tôi đơn giản lấy luôn bài thơ mới nhất mà anh công bố để đọc và cảm nhận.

Viết về thơ Nguyễn Trọng Tạo là một công việc cực kỳ khó khăn. Vườn thơ anh quá rộng, cây hoa nào cũng đẹp, bông hoa nào cũng lung linh. Vừa định "yêu" bông hoa này, ta lại thấy bông khác quyến rũ không kém.

Một nhà "Nguyễn Trọng Tạo học" chắc chắn phải bỏ cả năm để đọc, nghiên cứu và viết một công trình khoa học về thơ anh. (Xin xem Phụ lục ở cuối bài để hình dung kho "sản phẩm" mang thương hiệu Nguyễn Trọng Tạo)

Mấy chục năm qua nhiều bài thơ của NguyễnTrọng Tạo vẫn sống trong lòng người đọc, được nhiều người thuộc lòng. Tiến sỹ Hoàng Kim, một nhà nông học tên tuổi, hễ khi nào trò chuyện với bạn bè về thơ văn là nhắc đến mấy câu:

Anh trót để ngôi sao bay khỏi cát.
Biếc xanh em mãi chớp sáng bầu trời.
Điều có thể đã hoá thành không thể.
Biển bạc đầu nông nổi tuổi hai mươi

Tôi chỉ lấy ra trường hợp tiến sỹ Hoàng Kim làm ví dụ. Những người khác có thể thích bài khác, những câu thơ khác. Những câu thơ mượt mà, dễ nhớ, không cầu kỳ nhưng hình ảnh hấp dẫn, mới lạ, dưới con chữ là Tình và Lý ẩn hiện.

Đó là nói về những bài thơ thành danh của Nguyễn Trọng Tạo, thế thơ của anh gần đây thì sao? Xin mời đọc bài thơ sau:

NGÀY KHÔNG EM

Nguyễn Trọng Tạo

Tặng Em

Ngày không em
anh cây chổi tựa mòn góc bếp
anh cái chảo mốc meo
anh con mèo đói kêu khan
anh con chồn hoang ngủ vùi trong hốc tối...

Ngày không em
anh làm gì với gió
gió mềm mại dáng em
anh làm gì với lửa
lửa cháy môi em
anh làm gì với cơn mơ giật liên hồi tiếng nấc

Ngày không em
anh không có thật
anh bị phép tàng hình
chiếc bình vỡ không sao gắn lại...

Mưa vẫn rơi
anh bão về miền thẳm
ngày không em
con chó tru điên
con chó điên tru hình anh mờ tỏ
nó chạy thật xa
về mách anh lưỡi được liếm gió...

Anh nhớ em
mắt liếm màn hình
những dòng chat thơm mùi da thịt

Anh thấy mình bay là trên cỏ ướt
trên cánh trần tay em
đêm dồn đêm
ngày cũng là đêm
anh nhắm mắt một thiên đường mây trắng

Ngày không em
ngọn cỏ khát đâm mù tia nắng...

24.9.2008

Cách tân (đổi mới) là một quy luật của sự tồn tại, một yêu cầu tự thân của mỗi tác giả. Ai liên tục cách tân, tuổi thọ sáng tác của người đó càng dài lâu.

Có người hiểu cách tân nghệ thuật là múa không mặc quần áo như mấy chú ở FPT, có người lại làm cho câu văn lủng củng đến vô nghĩa, câu thơ cầu kỳ khó hiểu. Thậm chí có người cho rằng phải đập phá các tượng đài mới là cách tân mạnh mẽ.

Dẫu đã bước sang thập kỷ thứ 7 của cuộc đời, Nguyễn Trọng Tạo vẫn liên tục cách tân thơ mình, theo cách của anh.

Bài thơ "Ngày không em" được xây dựng theo cấu trúc:

1. Xa em, anh là gì
2. Xa em anh làm gì
3. Xa em anh như thế nào
4. Nguyên nhân - Vì nhớ em
5. Khát vọng yêu đương

Là hoạ sỹ, Nguyễn Trọng Tạo đương nhiên là giỏi bố cục. Là một người làm kỹ thuật, tôi hay tìm "sơ đồ khối" của mọi thứ.

1. Xa em anh biến thành vật bất động, mất hết công năng

anh cây chổi tựa mòn góc bếp
anh cái chảo mốc meo

hoặc là động vật hoang dại, thiếu thốn và bải hoải:

anh con mèo đói kêu khan
anh con chồn hoang ngủ vùi trong hốc tối...

Đã ai ví sự cô đơn, nhớ nhung của mình như một con mèo đói kêu khan?

2. Xa em, anh thành người bất lực, không còn biết làm gì

Ngày không em
anh làm gì với gió
gió mềm mại dáng em
anh làm gì với lửa
lửa cháy môi em
anh làm gì với cơn mơ giật liên hồi tiếng nấc

Đụng vào cái gì, kể cả cái vô hình là gió, cũng gợi nhớ đến em. Anh bất lực với sự khủng khoảng của chính mình.

3. Tác giả xác định trạng thái của "anh", đẩy logic nhớ nhung lên mức cao hơn

Ngày không em
anh không có thật
anh bị phép tàng hình
chiếc bình vỡ không sao gắn lại...

Anh như bị biến mất, thành vô hình, không xương không thịt. Cảm thấy nói thế hơi điêu, hơi vô lý, tác giả tự gán mình là cái bình đã vỡ.

4. Cái gì làm anh ra nông nỗi này? Vì nhớ em. Tác giả diễn tả nỗi nhớ đến kinh người

- thành bão về phương em,
- thành con chó điên chạy thật xa.

Tác giả không nói nhưng người đọc hiểu là con chó điên chạy đến "em", vì ở trên tác giả đã nói "gió mềm mại dáng em".

Muốn biến thành con chó đến "liếm" được người yêu một cái, hình ảnh này mới lạ, theo tôi là chưa ai nghĩ đến để mà dùng trong thi ca. Một lần nữa, tự thấy mình "phiêu" quá, tác giả lại quay về với cõi thực:

Anh nhớ em
mắt liếm màn hình
những dòng chat thơm mùi da thịt

Liếm màn hình như con chó ảo liếm gió. Động từ "liếm" là một từ trần tục, ít ai dám dùng trong thơ, Nguyễn Trọng Tạo dùng nó, rất sex mà không sex, rất thật mà vẫn rất ảo.

5. Khát vọng yêu đương

Nhớ đến vậy, điên cuồng đến vậy, nhưng chỉ nói đến mức đó thì bài thơ mới chỉ là hay chứ chưa rất hay. Tiếp tục là khát vọng yêu đương, tuy vẫn là ảo ảnh, nhưng bây giờ thực tế hơn, đắm đuối và hạnh phúc hơn:

Anh thấy mình bay là trên cỏ ướt
trên cánh trần tay em
đêm dồn đêm
ngày cũng là đêm
anh nhắm mắt một thiên đường mây trắng

Hai câu thơ cuối, thông thường là câu kết.

Ngày không em
ngọn cỏ khát đâm mù tia nắng...

Nhưng cái kết thật bất ngờ. Hình ảnh kỳ lạ: ngọn cỏ làm sao đâm mù được tia nắng? Một cái gì đó là ao ước, một chút gì đó là giận hờn hoàn cảnh, một sự khao khát đến tột cùng.

"Ngày xa em" là một bài thơ chứng minh sức sáng tạo trẻ trung của Nguyễn Trọng Tạo. Có thể mạnh dạn mà nói: các nhà thơ lớn phải làm một việc lớn là đi tiên phong trong công cuộc đổi mới thơ.

Trên đây là cách tôi hiểu, tôi cảm nhận một bài thơ được lấy hú hoạ trong mấy trăm bài thơ của Nguyễn Trọng Tạo. Không biết là tôi đã cảm thụ được hết nó hay chưa. Nếu tôi chưa cảm thụ được hết nó thì đó cũng là điều đáng mừng: bài thơ ở một tầm cao hơn sức với của tôi.

Người theo dõi