Lưu trữ Blog

17 tháng 12, 2009

Một chiều thu với nhà thơ Hữu Thỉnh



HOCMOINGAY. Nhà văn Phùng Văn Khai ghi từ Cuộc phỏng vấn của nhóm nhà văn Tạp chí VNQĐ với nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, tác giả của tuyệt phẩm Sang thu và nhiều bài thơ nổi tiếng khác. Hà Nội vào thu tuyệt đẹp, tiết trời se lạnh, lá vàng phơi nắng trên các con đường. Sau nhiều lần hò hẹn, nhóm nhà văn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội cũng đã có buổi trò chuyện lý thú với nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Ý kiến của nhà thơ Hữu Thỉnh trước các vấn đề văn học luôn là một sự hấp dẫn với người quan tâm đến văn chương. Không những thế, người ta luôn coi ông như một biểu đồ nhiệt kế đa năng của đời sống văn học, thậm chí không ít cái ngoài văn học người ta cũng nhìn vào ông.

Một phía nào đó, có thể hiểu Hữu Thỉnh là một nàng dâu hiền thục nhưng quá đa đoan luôn phải vượt hàng trăm bến sông thuyền nan thuyền thúng ghe xuồng Trung, Nam, Bắc làm dâu đất khách mấy trăm mẹ chồng ngấm nguýt trọ trẹ hò dô hò khoan ngựa ô chim sáo lý lơi ghẹo đúm sặc sỡ sắc màu cơ hồ yếu bóng vía sẽ không trụ nổi. Nhà thơ Hữu Thỉnh trong những lúc ấy luôn có đối sách uyển chuyển linh hoạt. Hữu Thỉnh là người dễ thăng hoa, có khi chỉ trong câu chuyện với một hai người bên chén trà, và không phải không có lúc chính người trò chuyện cùng ông đó đã viết khác một cách không tích cực từ những thăng hoa đáng yêu của một trong những con chim thơ đầu đàn thế hệ các nhà thơ chống Mỹ. Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, một người luôn chỉn chu ở những lúc cần chỉn chu đã lên tiếng trước với âm vực Quảng Bình da diết:

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: Thưa nhà thơ Hữu Thỉnh! Vẫn biết anh nhiều việc, nhưng hôm nay, các nhà, thơ nhà văn Tạp chí VNQĐ muốn vị Chủ tịch Hội Nhà văn có cuộc chuyện trò thẳng thắn và thực sự sát sườn về đời sống văn học trong nước, những vấn đề về sáng tác, về đội ngũ các thế hệ nhà văn, về văn học sau năm 1975, về hoạt động của Ban chấp hành và các Hội đồng, các Ban chức năng trong Hội Nhà văn, về Đại hội Nhà văn sắp tới, về việc quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài... Xin anh tâm sự thật thoải mái.

Nhà thơ Hữu Thỉnh (cười rất tươi): Chà chà, hôm nay Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Đình Tú, Phùng Văn Khai chất vấn toàn diện công việc của Hội đây. Rất thú vị. Mình sẵn sàng nghe anh em. Mời các nhà văn, nhà thơ lính tự nhiên.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Xin được hỏi nhà thơ Hữu Thỉnh câu đầu tiên. Thành tựu của các nhà văn giai đoạn trước năm 1975 có thể khẳng định đã được ghi nhận rõ nét với một đội ngũ các tác giả và tác phẩm khá hùng hậu. Vậy với thế hệ các nhà văn sau năm 1975 thì sao? Có thể nói gì về những thành tựu nổi bật, vấn đề đội ngũ, tiềm năng sáng tạo và những khuynh hướng sáng tác của họ? Với tư cách Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông thấy vấn đề này như thế nào?

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Một câu hỏi rộng. Trước tiên phải nói rằng văn học là một dòng chảy liên tục với sự tiếp nối nhiều thế hệ. Thế hệ trước đắp nền cho thế hệ sau. Thế hệ sau bổ sung và làm giàu cho thế hệ trước. Ví dụ đội ngũ các nhà thơ nhà văn chống Pháp thì người ta nhớ ngay đến Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Trần Mai Ninh, Hoàng Cầm, Thâm Tâm, Thôi Hữu, Chính Hữu, Hữu Loan, Trần Dần, Phùng Quán, Thanh Tịnh, Vũ Cao, Hồ Phương, Nguyên Ngọc, Nguyễn Quang Sáng ... thế hệ chống Mỹ người ta nhớ ngay đến Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu, Nam Hà, Thu Bồn, Xuân Thiều, Phạm Tiến Duật, Đỗ Chu, Xuân Sách, Thanh Thảo, Lê Lựu, Chu Lai, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Đức Mậu, Anh Ngọc, Phạm Ngọc Cảnh, Nguyễn Duy, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ...

Nhà văn Phùng Văn Khai: Và phải nói luôn là không thể không nhắc đến Hữu Thỉnh nữa. Lâu nay mọi người vẫn đồn Hữu Thỉnh có trí nhớ tốt, cái gì cũng nhớ, khiến anh em kính nể lắm.

Nhà thơ Hữu Thỉnh (cười): Có cả quên nữa, nên cũng bị trách. Kể cũng khó tránh, nhưng cũng phải rút kinh nghiệm lắm đấy. Ta quay trở lại vấn đề đội ngũ và thành tựu của văn học sau năm 1975. Tôi cứ chia ra thế này. Đầu tiên phải là lớp 1975-1986, ta vẫn quen gọi là thời kỳ hậu chiến nghĩa là trước đổi mới. Lớp này ảnh hưởng của văn học trước 1975 còn rất mạnh, nhưng đã bắt đầu khác đi, cũng đã bắt đầu phải giáp mặt với đời sống hậu chiến, được bao cấp nhưng đang cần phải đổi mới. Mà cái đời sống ngày ấy nó khốc liệt không kém gì chiến tranh đâu. Nó thử thách đạo đức và nhân cách con người. Tiêu biểu giai đoạn này phải kể đến Bảo Ninh, Phạm Ngọc Tiến, Trương Nam Hương, Đỗ Minh Tuấn, Trần Anh Thái, Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Trọng Tín, Trần Thùy Mai, Đỗ Trung Lai, Lò Ngân Sủn, Y Phương, Nguyễn Thanh Mừng, Đỗ Minh Tuấn, Đinh Thị Thu Vân, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Quang Lập, Trần Quang Đạo, Trần Quang Quý, Nguyễn Quang Thiều... Giờ đây họ đang ở giai đoạn sung sức nhất. Tôi cảm thấy rằng giai đoạn này, thơ nhiều khởi sắc. Đấy, nếu nói thơ luôn nhạy cảm và tiếp cận nhanh với đời sống thì phải là giai đoạn này. Nhiều tác giả, tác phẩm được chú ý sau một thời gian xuất hiện. Đến bây giờ đọc lại vẫn thích. Văn xuôi của Nguyễn Mạnh Tuấn, Phạm Ngọc Tiến, Nguyễn Quang Lập rất có ấn tượng.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: Anh nói rất đúng, đây cũng là giai đoạn lứa bọn tôi trưởng thành sau năm 1975, cũng có những ấu trĩ, những sức ỳ và sự mô phỏng đơn điệu nhưng rõ ràng văn học thời điểm đó đã bắt đầu rục rịch...

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Chuyển động chứ không phải rục rịch. Mà chuyển động rất rõ rệt nhưng vẫn có những cái khó riêng, cái khó mà ngay sau đó, nghĩa là giai đoạn 1986 đến nay, những gì mà lứa tác giả trước đó mới đặt ra nay đã được làm phong phú hóa, đa dạng hóa. Ít né tránh hơn. Những vùng trước kia có người e ngại thì nay lại là những mảnh đất tươi tốt để các nhà văn khai thác và đã khai thác đạt hiệu quả thẩm mỹ nhất định. Có hẳn một thế hệ mới xuất hiện, nhiều màu sắc, nhiều giọng điệu và lúc này đây xin nói luôn là truyện ngắn xuất sắc hơn thơ. Đã hình thành và định danh ngay một đội ngũ những người viết truyện ngắn khá xuất sắc. Xin nói luôn là truyện ngắn của chúng ta không hề thua kém bất cứ khu vực nào ở châu lục đâu. Phải khẳng định với nhau thế. Đó là những Nguyễn Huy Thiệp, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thế Tường, Nguyễn Xuân Hưng, Nguyễn Bình Phương, Y Ban, Trầm Hương, Sương Nguyệt Minh, Trần Thị Huyền Trang, Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, Phạm Duy Nghĩa, Võ Thị Xuân Hà, Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Thu Huệ, Trần Thanh Hà, Đỗ Bích Thúy, Di Li, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Thế Hùng, Đỗ Tiến Thụy, Diệp Mai... và đặc biệt là Nguyễn Ngọc Tư.

Nhà văn Phùng Văn Khai: Nguyễn Ngọc Tư trội lên một cách khá bất ngờ, anh chị em viết đồng thời với Ngọc Tư về cơ bản đều rất công nhận. Một dạo, người viết trẻ đã dõi theo, lo lắng, cho số phận của “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư. Chuyện này có lẽ nhà thơ Hữu Thỉnh rõ hơn ai hết.

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Nguyễn Ngọc Tư là sản phẩm của đổi mới. Chị gắn với đổi mới và lấy cảm hứng từ đổi mới. Đương nhiên ý kiến khác nhau là bình thường. Đáng mừng là người ủng hộ Nguyễn Ngọc Tư ngày càng nhiều hơn. Đó chính là hiệu quả khi những năng lực sáng tạo được giải phóng. Vai trò cá nhân, thân phận con người, vấn đề ngày thường, hạnh phúc gia đình, việc lập thân, lập nghiệp được đề cập đến một cách mạnh mẽ trong văn học. Không riêng Ngọc Tư đâu, vấn đề đó ngay từ sau năm 1975 đã được các nhà văn đặt ra rồi, nhưng phải đến lúc này, người viết mới gặp thời. Chữ thời của nhà văn cũng quan trọng lắm. Những đóng góp của đội ngũ nhà văn, trong đó có đội ngũ các cây bút trưởng thành sau năm 1975 là đã biết đưa vào văn học những bức xúc về đạo đức xã hội, những thách thức của đổi mới, hội nhập, toàn cầu hóa đang ập đến với cái nhìn đa diện, hiện thực và sống động hơn.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Là nhà văn trẻ - mà cũng chẳng trẻ trung gì nữa đâu - (cười) theo tôi mỗi cá tính sáng tạo nên toàn tâm toàn ý trong sáng tạo, không né tránh, không co mình lại, phải dấn thân và chuyên nghiệp. Nhưng sáng tác là vô cùng. Và họ, những người trẻ tuổi, đội ngũ xuất hiện sau năm 1986 vẫn mong có sự đánh giá sát thực nhất, cởi mở nhất, cụ thể nhất từ phía lớp người đi trước. Xin nhà thơ nói rõ hơn về vấn đề này.

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Đó là việc giải phóng cá tính sáng tạo đem đến những dấu ấn cá nhân ngày càng sâu đậm Hội, ủng hộ họ suy nghĩ, đi tìm những hình thức mới. Đây là niềm hy vọng của văn học ta. Đội ngũ xuất hiện sau năm 1986 hôm nay đang sung sức và sẽ là những khẩu trọng pháo của văn học tương lai. Ngôn ngữ của họ mới lắm, mà ngôn ngữ, giọng điệu của mỗi thời không thể thay thế được. Ai dại gì đi làm thay. Đội ngũ này luôn tươi mới, sống động, đặt ra nhiều vấn đề. Về học vấn, họ được đào tạo cơ bản, cái này rất quan trọng đấy. Họ biết ngoại ngữ, có thuận lợi từ việc cập nhật thông tin toàn cầu, các hỗ trợ về kỹ thuật, internet. Và nhất là đã đến lúc họ được hưởng một biên độ sáng tạo rộng hơn, cái trần sáng tác cao hơn trước, thoáng hơn trước. Tôi cho rằng văn học Việt Nam đang dồn tích khả năng cho những bước đột phá. Họ là niềm hy vọng. Họ làm vẻ vang cho đổi mới. Nhưng họ cần gắn với những vấn đề hệ trọng của đất nước, của xã hội máu thịt hơn nữa. Bạn đọc chờ là chờ như thế. Chờ những tầm cao của tài năng, tư tưởng tâm huyết.

Nhà văn Phùng Văn Khai: Nhà thơ Hữu Thỉnh luôn nói đúng (cười). Thành tựu bước đầu của những nhà văn xuất hiện sau năm 1986 được chăm chút kịp thời, khích lệ và tôn trọng các cá tính sáng tạo từ phía Hội, cơ quan quản lý và xã hội nói chung. Nhưng đội ngũ này, họ cũng có những điểm yếu chứ, rất mong các bậc đàn anh, những người đi trước có ý kiến.

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Nói thẳng ra là phải có tài. Nhiều người thì kết thành một đội ngũ có tài thực sự. Không hiểu sao xưa nay nhắc đến hai chữ tài năng một số người cứ sợ sẽ kích thích tính tự kiêu. Là nhà văn không có tài còn làm gì được nữa. Không có tài thì sẽ không có cái gì đâu, rồi sẽ trôi đi hết. Thế mới nói các bạn hôm nay sinh đắc phùng thời. Nếu có chân tài thực học sẽ tha hồ sáng tạo. Chữ thời quan trọng lắm. Đội ngũ những người trẻ tuổi hôm nay nếu có thành tựu đích thực là sản phẩm của thời đổi mới, cần ủng hộ, khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho họ phát triển hết cái tài của mình. Đó là trách nhiệm của Hội, của toàn xã hội.

Nhà văn Phùng Văn Khai: Nhưng anh em đang muốn Chủ tịch Hội đề cập đến những khiếm khuyết của đội ngũ này. Những điểm yếu của họ? Những chủ quan và hạn chế của anh em trẻ...

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Tầm khái quát xã hội chưa cao. Tác phẩm cuối cùng là nói cái gì? Đưa ra một thông điệp gì? Không dễ đâu. Tôi nghĩ không có đề tài lớn, đề tài bé mà chỉ có tư tưởng lớn hay nhỏ của tác phẩm mà thôi. Điều này các bạn cần phấn đấu. Thơ gần đây chẳng hạn, sao mà, rậm quá, cứ kể, kể, rồi lại kể. Chất khái quát chưa cao. Mới là viết như nhìn thấy chứ chưa phải là viết như cảm thấy. Câu thơ đặc quá, ảnh hưởng đến độ vang xa của nó.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Xin phép Chủ tịch Hội ta chuyển sang các vấn đề về Công tác hội viên, kết nạp hội viên chẳng hạn. Đến mùa kết nạp hội viên, dư luận cứ nóng ran lên, đặc biệt trên các trang báo mạng, blog cá nhân ai cũng có ý kiến, nhiều ý kiến rất đúng nhưng vấn đề không nhất quán với nhau. Việc kết nạp hội viên năm nay Ban Chấp hành thống nhất thế nào? Có ý kiến nói thẳng trong Ban Chấp hành cũng có gu già, gu trẻ, nghĩa là có sự khác nhau. Vậy vấn đề này thế nào ạ?

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Kết nạp hội viên là một khâu, một mắt xích quan trọng trong hệ thống công việc bồi dưỡng đội ngũ của Hội Nhà văn. Phát hiện, bồi dưỡng, chăm sóc tài năng, đặc biệt là tài năng trẻ, là nhiệm vụ chiến lược lâu dài của Hội. Về kết nạp hội viên mới, từ trước đến nay, về cơ bản là đúng. Tại sao đúng? Có trường hợp tác giả trẻ khi kết nạp có ý kiến bảo hơi non, nhưng thời gian qua, xem vào những sáng tác của tác giả trẻ ấy thì hoàn toàn yên tâm, thậm chí rất mừng. Đó cũng là quy luật thường thấy trong văn học. Những người được kết nạp có bề dày sáng tác cộng lại cũng nhiều chứ. Và họ cũng phát triển, sáng tác có nhúc nhắc, và giả sử có hạt chắc hạt lép cũng là chuyện bình thường. Còn việc Ban Chấp hành có sự khác nhau không? Có. Có khác nhau mới bổ sung được cho nhau. Phải có nhiều xu hướng khác nhau mới dân chủ chứ. Vấn đề là phải lắng nghe những ý kiến khác nhau, những gì hợp lý hợp lẽ, hợp sự tiến bộ thì những ý kiến còn lại phải điều chỉnh tiếp thu. Làm công tác cán bộ cũng vậy, ai mà không có khuyết điểm, vấn đề là khi làm rõ các vấn đề vướng mắc thì sẽ thống nhất được. Ban Chấp hành 6 người chúng tôi hiện nay đang hoạt động tốt theo chiều hướng ấy, nghĩa là tôn trọng mọi ý kiến, kể cả ý kiến khác mình, tranh luận đến cùng, và điều chỉnh các vấn đề để đi đến thống nhất. Như việc hoàn thiện các quy chế của Hội Nhà văn chẳng hạn, bao nhiêu năm nay mới đặt vấn đề phải hoàn thiện, kiện toàn văn bản cho nó chính quy, ai cũng tưởng rất phức tạp, nhưng rồi đã thống nhất và làm được khá quy củ. Hoặc việc làm hai cuốn sử của Hội Nhà văn từ năm 1957 đến nay, sưu tầm hiện vật bảo tàng Hội Nhà văn, công việc của Hãng phim Hội Nhà văn, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, các Trung tâm, Hội đồng, Ban trực thuộc... đều được Ban Chấp hành thảo luận, tranh luận sôi nổi để đi đến thống nhất. Đấy, mọi việc nó rõ cả ra thế. Còn những ý kiến thiếu thông tin, kể cả những tin đồn thì cứ để thực tiễn cuộc sống trả lời.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: Rất nhiều việc, rất nhiều phức tạp và nhạy cảm, Hội ta có ông chủ tịch con bận con mọn, đám ma đám cưới ngang dọc tít mù như thế kể cũng là một sự thú vị. Nhưng ở đây cũng phải hỏi thêm anh một số vấn đề, như vấn đề giải thưởng Hội Nhà văn hàng năm chẳng hạn. Ban Chấp hành có khuynh hướng này, khuynh hướng kia không, tại sao có lúc trao giải thưởng mà không nhận được sự đồng thuận của dư luận, có người không nhận giải thưởng, có tập xứng đáng không đoạt giải, rồi trao cho tác phẩm từ hải ngoại hai năm liền, vồ vập với những gì xa lạ, chưa phản ánh đúng, chưa thật tiêu biểu... Liệu có cần thay đổi quy chế không khi trong Hội đồng chấm giải chuyên ngành thơ hoặc văn hoặc lý luận phê bình nhưng lại có người ở những chuyên ngành khác, không thuộc chuyên môn mình chấm...

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Xét giải thưởng là hoạt động nghề nghiệp lớn nhất và quan trọng nhất. Làm thế nào để nâng cao chất lượng giải thưởng? Việc này Ban Chấp hành luôn luôn tính đến. Nhưng trước hết phải căn cứ vào quy chế. Mà quy chế nếu có những bất cập thì phải thay đổi. Có những vấn đề vướng về giải thưởng chúng tôi cho hội thảo, cân nhắc. Như việc trao giải thưởng cho cuốn Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư chẳng hạn, mạnh dạn chứ, lắng nghe chứ, điều chỉnh chứ. Như việc trao giải cho cuốn Tiếng khóc của nàng Út của nhà văn Nguyễn Chí Trung chẳng hạn, nhiều ý kiến chứ. Cuốn của anh Nguyễn Chí Trung chân thực, dữ dằn, khốc liệt về giai đoạn lịch sử 1959 khi Mỹ - Diệm lê máy chém đi tàn sát những người cộng sản, tàn sát đồng bào ta. Còn ít tác phẩm viết về thời kỳ đen tối đó một cách gan ruột và đau đớn, đưa ra một bài học cay đắng như của anh Trung. Tôi là người lính nên tôi hiểu vấn đề tác giả đặt ra trong tác phẩm này. Nhìn chung các giải thưởng đều do các Hội đồng chuyên môn lựa chọn từ vòng sơ khảo với những nhà văn nhà thơ có uy tín theo từng bộ môn. Hội đồng chung khảo làm việc cơ bản từ cái nền đã được lựa chọn ấy. Giải nào mà chả có định hướng nhưng cũng có một sự thật là, giải thưởng hàng năm chỉ là mùa gặt của một năm. Thực tế không phải năm nào cũng có tác phẩm thật hay để mà xét. Vấn đề là Ban giám khảo từ sơ khảo đến chung khảo phải thực sự công khai, công tâm, có con mắt xanh để không để sót tác phẩm có giá trị.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú
: Xin hỏi nhà văn Hữu Thỉnh về Đại hội Nhà văn năm 2010. Liệu chúng ta có Đại hội toàn thể không? Các bước chuẩn bị? Dư luận rất quan tâm vấn đề này, đặc biệt là vấn đề nhân sự, việc thông qua các quy chế mới, và đặc biệt hơn cả là phương hướng phát triển của đội ngũ các thế hệ nhà văn...

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo đều đã có chỉ thị, hướng dẫn cụ thể bằng văn bản tổ chức Đại hội. Ban Chấp hành cũng đang khẩn trương chuẩn bị, tổ chức các hoạt động tiến tới Đại hội. Việc tổ chức Đại hội toàn thể là nguyện vọng chung của Hội viên. Ban Chấp hành ủng hộ nguyện vọng này và sẽ báo cáo lên Ban chỉ đạo. Vấn đề nhân sự là một trong những vấn đề quan trọng của Đại hội. Vấn đề lớn là việc đoàn kết đội ngũ, để Hội Nhà văn Việt Nam thực sự là mái nhà chung của những người lao động văn học cả nước, cả anh chị em nhà văn đang học tập công tác và sáng tác ở nước ngoài nữa. Ban Chấp hành mới dù là ai cũng phải thực sự đoàn kết, châu tuần được anh em, cộng hưởng để bổ sung cho nhau, thực hiện tốt việc kế tục các thế hệ, không được để hụt hẫng thế hệ, phải có một đội hình đủ mạnh, khả năng quản lý phải đặt lên hàng đầu và cần nhất là phải trẻ hóa...

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: Thế theo Chủ tịch Hội chúng ta sẽ trẻ hóa như thế nào đây? Chúng ta hay nói đến điều này và đã thực hiện tốt nó. Đó là một tín hiệu rất đáng mừng, như là một sự tiến bộ, nhưng nhiều khi nó cũng chung chung mơ hồ lắm. Chưa kể là mọi việc có khi diễn biến khác với dự kiến. Phải làm sao để mọi việc thật rõ ràng, ấm áp, có sự đồng thuận của nhiều người...

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Ban Chấp hành khóa VII đương nhiệm đã được trẻ hóa một bước quan trọng đấy chứ. Có 6 thành viên thì 3 là lớp chống Mỹ, 3 là lớp sau chiến tranh. Còn Ban Chấp hành khóa tới thì có cơ cấu ba thế hệ theo hướng dẫn chung của Ban chỉ đạo. Tư tưởng chỉ đạo là vừa kế thừa vừa đổi mới. Phải dựa trên tiêu chuẩn là chính. Năng lực văn chương chẳng hạn, năng lực quản lý chẳng hạn. Anh có năng lực văn chương lại không thích làm quản lý. Anh có năng lực quản lý lại chưa thật tiêu biểu về văn chương, anh đạt được cả hai lại không muốn làm. Có câu rất vui rằng: Tiến vi Bộ, thoái vi Ban, gian nan vi Hội. Khó khăn là khó khăn ở chỗ đó.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: Trời cũng sắp tối rồi, xin hỏi nhà thơ Hữu Thỉnh một câu về việc giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài, Hội ta đã có chiến lược như thế nào và sẽ làm gì trong thời gian tới?

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài đang là một vấn đề hàng đầu của Hội Nhà văn Việt Nam. Vấn đề này phải thú thực là thời gian qua, khá dài đấy, chúng ta làm chưa được tốt. Vấn đề không phải bây giờ đi tìm nguyên nhân hoặc đổ lỗi cho nhau mà phải có hẳn một lộ trình Quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài sao cho thật hiệu quả, xứng đáng với những gì nền văn học của chúng ta có được. Xưa nay văn học Việt Nam ra nước ngoài phần nhiều là theo lối tiểu ngạch. Hội đang có chủ trương đẩy mạnh việc này, kiến nghị với Đảng, Nhà nước thành một chủ trương lớn với những biện pháp khả thi. Ngay đầu năm 2010 sẽ có một Hội nghị lớn giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài theo cách mời các nhà xuất bản nước ngoài, mời những dịch giả quan tâm và đã từng dịch văn học Việt Nam ra nước ngoài mời các sinh viên nước ngoài học tiếng Việt ở Việt Nam, mời những người quan tâm đến việc dịch văn học Việt Nam ra nước ngoài... nghĩa là thực hiện việc xã hội hóa một cách có tổ chức, mạnh mẽ nhưng khách quan và khoa học. Hội nghị trên do Hội Nhà văn Việt Nam chủ trì. Dịch các tác phẩm ra nước ngoài là một điều rất khó, nó không phải chỉ là chuyển thể ngôn ngữ mà nó phải là vượt qua hàng rào ngôn ngữ để chuyển tải một nền văn hóa đến với các nền văn hóa khác nhau, chuyển tâm hồn dân tộc đến tâm hồn dân tộc khác. Trước tiên chúng tôi sẽ lựa chọn những tác phẩm tiêu biểu nhất về văn học cổ, văn học hiện đại, một số tác giả tiêu biểu được giải thưởng Hồ Chí Minh để các đối tác nước ngoài lựa chọn. Mình sẽ tư vấn cho họ, với tư cách và tâm thế của tập thể, vì văn học, văn hóa Việt Nam. Phải làm sao đó để các tác phẩm xuất sắc, tiêu biểu cho văn học Việt Nam, nền văn hóa Việt Nam đến với độc giả trên thế giới. Đó cũng là tâm tư nguyện vọng chung của các nhà văn, của cá nhân tôi.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: Xin thay mặt các nhà văn, nhà thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội, đặc biệt là bạn đọc trong và ngoài quân đội cảm ơn anh về cuộc trò chuyện chân tình, cởi mở và cũng rất nhiều thông tin bổ ích. Những vấn đề khác nhau liên quan đến văn học và đội ngũ các thế hệ nhà văn. Từ tâm tư của người Chủ tịch Hội, bạn đọc càng thấy rõ hơn những việc đã làm được, những việc đang làm và cả một chuỗi công việc lâu dài cũng như từng việc cụ thể cho việc phát triển văn học, những đóng góp của văn học trong xây dựng, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa Việt Nam, hoạt động của Ban Chấp hành, các cơ quan Hội tiến tới Đại hội Nhà văn năm 2010, việc tổ chức các cuộc thi sáng tác văn học, xét giải, chấm giải và trao các giải thưởng văn học đã được khẳng định trên tinh thần dân chủ, khách quan, khoa học. Cả những khó khăn cũng được chia sẻ thẳng thắn. Từ đó sẽ góp thêm một ý kiến để mọi người có sự hình dung đúng đắn và gần gũi hơn về Hội Nhà văn Việt Nam. Xin cảm ơn nhà thơ Hữu Thỉnh và chúc Đại hội Nhà văn năm 2010 thành công tốt đẹp.

Theo PHONG ĐIỆP.NET
(Nguồn từ Tạp chí Văn nghệ Quân đội)

NHÀ THƠ HỮU THỈNH TỰ BẠCH VỚI "SANG THU"

(TT&VH) - “Cuối bài thơ tôi đề là “Thu 1977”. Đây là chìa khóa của bài thơ mà rất nhiều người giảng về bài thơ này không hiểu hoặc không chú ý”- nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, tác giả của bài thơ “Sang thu” trong SGK lớp 9 tâm sự. Nếu như họ lưu ý đến chữ “Thu 1977” thì sẽ hiểu được rằng đây là một trong những mùa Thu đầu tiên của người lính vừa bước ra khỏi chiến tranh và sự bình yên quý giá biết chừng nào...

Sang thu

Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về

Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu

Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi

(Thu, 1977)

Nhà thơ trầm ngâm kể về thời khắc ông đặt bút viết bài thơ. Năm 1977, ông tham gia trại viết văn quân đội ở một làng ngoại ô Hà Nội (nay là Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội). Đất nước ta lúc này vừa trải qua chiến tranh, cuộc sống thanh bình đã trở lại. Trong cái mơ hồ phảng phất gió thu và lá thu đang ngả màu, nhà thơ đã trèo lên cây ổi chín vàng trong cả một vườn ổi bạt ngàn ở nơi này. Không có gì đặc hơn, sánh hơn cái màu, cái mùi ổi chín vàng nhuốm trong cái nắng vàng của mùa Thu.. Không gian cao vút, sâu thăm, yên tĩnh.

Bài thơ bật lên từ đó, ngay khi nhà thơ còn ngồi trên cây ổi, những vần thơ được “được làm trong đầu” chứ chưa đụng chạm gì đến giấy bút. “Bài thơ hình thành rất nhanh và chính tôi cũng lấy rất làm tâm đắc nên thuộc lòng rồi “nhâm nhi” đọc suốt buổi không chán...”.

“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se”.

Nhà thơ đã đến với mùa Thu bằng cách ấy, bằng “hương ổi trong gió se” chứ không phải là bằng hình ảnh quen thuộc như vòm trời cao xanh, heo may phảng phất, hương cốm... Giải thích cho sự “khác thường” này, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết: “Mùa Thu biểu hiện rất nhiều hình ảnh khi chuyển mùa. Và tất cả những hình ảnh đẹp cũng đã được các nhà thơ cổ khai thác hết cả rồi. Tôi không muốn lặp lại nữa nên giữa trời đất mênh mang, giữa cái khoảng khắc giao mùa kỳ lạ thì điều khiến cho tâm hồn tôi phải lay động, phải giật mình để nhận ra đó chính là hương ổi. Với tôi, thậm chí là với nhiều người khác không làm thơ thì mùi hương đó gợi nhớ đến tuổi ấu thơ, gợi nhớ đến buổi chiều vàng với một dòng sông thanh bình, một con đò lững lờ trôi, những đàn trâu bò no cỏ giỡn đùa nhau và những đứa trẻ ẩn hiện trong triền ổi chín ven sông... Nó giống như mùi bờ bãi, mùi con trẻ... Hương ổi tự nó xộc thẳng vào những miền thơ ấu thân thiết trong tâm hồn chúng ta. Mùi hương đơn sơ ấy lại trở thành quý giá vì nó đã trở thành chiếc chìa khóa vàng mở thẳng vào tâm hồn mỗi người, có khi là cả một thế hệ...”.

Gửi gắm nhiều điều sâu lắng...
“Bài thơ không chỉ báo cho người đọc biết thu đã trở trong cảnh sắc thiên nhiên mà còn ngay trong cuộc sống của con người, trong tâm hồn tôi và chắc với rất nhiều người yêu thu... “Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu”. Hai câu thơ này không hẳn nói về hiện tượng giao mùa như một số người hiểu và phân tích. Khi tôi viết bài thơ này tôi đã liên tưởng đến những đám mây mùa Hạ. Đó là những đám mây tràn trọn vẹn vào mùa Thu. Thế nhưng có gì ngăn cảm xúc của tôi lại theo chiều hướng đấy... Mây mùa Hạ thường chứa nhiều màu sắc, thậm chí đầy giông bão tựa hồ những ước mơ khao khát của tuổi trẻ. Những ước mơ khao khát ấy thường lấy đi rất nhiều sức lực của tuổi trẻ. Tuy nhiên giữa mơ và thực là hai thế giới luôn đối lập nhau và chẳng phải ước mơ nào cũng trở thành hiện thực.

Đó giống như là một chân lý và con người phải biết ý thức được một điều rằng không thể đạt được hết những ước vọng tốt đẹp của mình, nhất là những ước vọng đó lại được sinh ra ở thời tuổi trẻ. Sự dang dở, sự mất mát là một hiện thực chúng ta buộc phải chấp nhận trong cuộc sống của mình. Ngay cả người lính cũng vậy. Rất nhiều đồng đội của tôi đã nằm lại ở tuổi còn rất trẻ ở ngưỡng mùa đẹp nhất của cuộc đời. Vì thế nên đám mây trong thơ ấy chỉ “vắt nửa mình sang Thu” thôi. Nửa còn lại đã trở thành ký ức”. Hai câu cuối cùng: Sấm cũng bớt bất ngờ/ Trên hàng cây đứng tuổi . Chủ thể bài thơ và cái kiêu hùng của mùa Thu đã toát lên chính là ở hai câu thơ này. Đó là cốt cách của một người lính không chỉ là trong một buổi chiều mùa Thu mà là một buổi chiều hòa bình. Có thể nó có vẻ ngang tàng “sấm cũng bớt bất ngờ” nhưng lại mang một vẻ đẹp dịu dàng, sâu lắng của mùa thu hòa bình. Ở đây hàng cây đứng tuổi chính là chủ thể trữ tình trong bài thơ đã trải qua bao nhiêu gian nan vất vả, giờ đã vươn lên và không gì làm chúng run rẩy.

Nhiều người bỏ qua “chìa khóa” của bài thơ

Có một chi tiết mà các cô giáo và thầy giáo khi giảng về bài thơ Sang thu làm người sáng tác ra nó không hài lòng. Nhà thơ Hữu Thỉnh tâm sự: “Cuối bài thơ tôi đề là “Thu 1977”. Đây là chìa khóa của bài thơ mà rất nhiều người giảng về bài thơ này không hiểu hoặc không chú ý. Nếu chú ý thì sẽ hiểu thêm được rằng đây là một trong những mùa Thu đầu tiên của người lính vừa bước ra khỏi chiến tranh. Nếu như họ là lính trong thời chiến họ mới hiểu được rằng đôi lúc chúng tôi đã rất mong trên đầu không có tiếng máy bay dù chỉ để được đi tắm giặt, đi hái rau hoặc tranh thủ đọc vài trang sách, mà cũng không có. Suốt ngày người lính trong thời chiến phải đối diện với tiếng súng nổ, tiếng bom rơi và tiếng động cơ phản lực... Chính vì vậy mà có lúc nào đó không phải nghe những âm thanh ấy thì quả là quý giá vô cùng”.

Ông bày tỏ quan điểm: “Giảng văn thơ không nên chỉ phân tích trên văn bản, câu chữ mà hãy tìm hiểu sâu hơn cái tác giả muốn gửi gắm. Nó có thể nằm ngay trên tựa đề bài thơ, câu đề từ, lời ghi chú, ngày tháng hay một lời đề tặng.

Yên Khương
Nguồn: Thể thao và Văn hóa

Người theo dõi