Lưu trữ Blog

23 tháng 2, 2010

Đọc nhưng đừng khóc

HOCMOINGAY. "Tôi muốn dùng cả sự sống của tôi để cảm tạ một người, là người mẹ đã sinh và nuôi nấng tôi. Mẹ tôi là một người phụ nữ nông dân bình thường, nhưng những đạo lý mẹ dạy tôi nên người đã khích lệ tôi cả đời...Nếu nghèo đói là trường đại học tốt nhất, thì tôi muốn nói rằng, người mẹ nông dân của tôi chính là người thầy giáo giỏi nhất của đời tôi. Dưới khán đài, không biết có bao nhiêu đôi mắt đã ướt đẫm, tôi quay về phía người mẹ tóc hoa râm của tôi, cúi người xuống kính cẩn... ". Đó là câu chuyện cảm động không thể cầm được nước mắt  từ blog Nguyễn Thành Nam.   

Thực sự, con đã khóc. Con cám ơn mẹ.

Ngày 5/9/1997, là ngày tôi rời gia đình đi nhập học ở Đại học Bắc Kinh, khoa Toán. Ngọn khói bếp dài cất lên từ trên nóc ngôi nhà nông dân cũ nát gia đình tôi. Người mẹ chân thập thễnh của tôi đang nấu mì sợi cho tôi, những bột mì này có được nhờ mẹ đổi năm quả trứng gà cho hàng xóm, chân mẹ bị thương vì mấy hôm trước, để thêm tí tiền cho tôi nhập học, mẹ đẩy một xe chất đầy rau từ thôn ra thị trấn, trên đường bị trật chân. 
Bưng bát mì, tôi đã khóc.

Tôi buông đũa quỳ xuống đất, xoa nắn chỗ chân sưng phồng lên to hơn cả cái bánh bao của mẹ, nước mắt rơi xuống đất... Nhà tôi ở Thiên Tân, làng Đại Hữu Đới, huyện Vũ Thanh, tôi có một người mẹ tốt nhất thế gian tên là Lý Diệm Hà.

Nhà tôi vô cùng nghèo khó...

Khi tôi ra đời, bà nội ngã bệnh ngay trên giường sưởi, tôi bốn tuổi, ông nội lại mắc bệnh hẹp khí quản và bán thân bất toại, những món nợ trong nhà lớn dần theo năm. 

Khi bảy tuổi, tôi được đi học, học phí là mẹ vay người khác. Tôi thường đi nhặt những mẩu bút chì bạn bè vứt đi, dùng dây buộc nó lên một cái que rồi viết tiếp, hoặc dùng một cái dây chun xoá sạch những cuốn vở bài tập đã viết, rồi viết lại lên đó, mẹ thương tôi đến mức, cũng có lúc đi vay vài hào của hàng xóm để mua vở và bút chì cho tôi. 

Nhưng cũng có những khi mẹ vui vẻ, là khi bất kể bài kiểm tra nhỏ hay kỳ thi lớn, tôi luôn đứng đầu, toán thường được 100/100 điểm.Dưới sự khích lệ của mẹ, tôi càng học càng thấy ham thích. Tôi thực sự không hiểu trên đời còn có gì vui sướng hơn được học hành. Chưa đi học lớp một tôi đã thông thạo cộng trừ nhân chia và phân số, số phần trăm; khi học Tiểu học tôi đã tự học để nắm vững Toán Lý Hoá của bậc Trung học Phổ thông; 

Khi lên trung học, thành phố Thiên Tân tổ chức kỳ thi vật lý của bậc Trung học, tôi là đứa học trò nông thôn duy nhất của cả năm huyện ngoại thành Thiên Tân được giải, một trong  ba người đỗ đầu. 

Tháng 6 năm đó, tôi được đặc cách vào thẳng trường Trung học số 1 danh tiếng của Thiên Tân, tôi vui sướng chạy như bay về nhà. Nào ngờ, khi tôi báo tin vui cho cả nhà, mặt bố mẹ chất chứa toàn những đau khổ; bà nội vừa mất nửa năm, ông nội đang gần kề cái chết, nhà tôi đã mắc nợ tới hơn mười nghìn Nhân dân tệ rồi. Tôi lặng lẽ quay về bàn học, nước mắt như mưa suốt một ngày. 

Đến tối, tôi nghe thấy ở ngoài nhà có tiếng ồn ào. Thì ra mẹ tôi đang định dắt con lừa con của nhà đi bán, cho tôi đi học, nhưng ba tôi không chịu. 
 
Tiếng ồn ào làm ông nội nghe thấy, ông đang bệnh nặng, trong lúc buồn bã ông đã lìa đời.

Sau lễ an táng ông nội, nhà tôi lại mắc thêm vài nghìn tệ tiền nợ nữa. Tôi không còn dám nhắc đến việc đi học nữa, tôi cất "Giấy báo nhập học" thật kỹ vào vỏ gối, hàng ngày tôi ra đồng làm việc cùng mẹ. 
 
Sau hai hôm, tôi và ba tôi cùng lúc phát hiện ra: con lừa con biến mất rồi. Ba tôi sắt mặt lại, hỏi mẹ tôi: "Bà bán con lừa con rồi à? Bà bị thần kinh à? Sau này lấy gì kéo, lương thực hoa màu bà đẩy xe tay nhé, bà tự cõng nhé? Bà bán lừa một hai trăm bạc liệu cho nó học được một học kỳ hay là hai học kỳ?" 

Hôm đó mẹ tôi khóc, mẹ tôi dùng một giọng rất dữ dội rất hung dữ để gào lại ba tôi: "Con cái mình đòi đi học thì có gì sai? Nó thi lên được trường số 1 của thành phố nó là đứa duy nhất của cả huyện này đấy, tôi không thể để cho tiền đồ của nó bị lỡ dở được. Tôi sẽ dùng tay đẩy, dùng lưng vác, để cho nó đi học..."
 
Cầm sáu trăm tệ mẹ vừa bán lừa, tôi thật sự chỉ muốn quỳ xuống dập đầu trước mẹ. Tôi đã thích được học quá rồi, mà còn học tiếp, thì mẹ sẽ khổ sở bao nhiêu, vất vả bươn chải thêm bao nhiêu?  Mùa thu năm đó tôi quay về nhà lấy áo lạnh, thấy mặt ba tôi vàng như sáp, gầy da bọc xương đang nằm trên giường sưởi. Mẹ bình thản bảo:"Có gì đâu, bị cảm, sắp khỏi rồi". Ai ngờ, hôm sau tôi xem vỏ lọ thuốc của ba, thì thấy đó là thuốc ngăn ngừa tế bào ung thư phát triển. 

Tôi kéo mẹ ra ngoài nhà, khóc hỏi mẹ mọi chuyện là thế nào, mẹ bảo, từ sau khi tôi đi học, ba bắt đầu đi ngoài ra máu, ngày càng nặng lên. Mẹ vay sáu nghìn tệ đưa ba lên Thiên Tân, Bắc Kinh đi khắp nơi, cuối cùng xác định là u nhu ruột bowel polyps, bác sĩ yêu cầu ba phải mổ gấp. 

Mẹ chuẩn bị đi vay tiền tiếp, nhưng ba kiên quyết không cho. Ông nói, bạn bè họ hàng đã vay khắp lượt rồi, chỉ vay mà không trả thì còn ai muốn cho mình vay nữa! 

Hàng xóm kể với tôi: Mẹ dùng một phương pháp nguyên thuỷ và bi tráng nhất để gặt lúa mạch.  Mẹ không đủ sức gánh lúa mạch ra sân kho để tuốt hạt, mẹ cũng không có tiền thuê người giúp, mẹ bèn gặt dần, lúa mạch chín chỗ nào gặt chỗ đó, sau đó dùng xe cải tiến chở về nhà, tối đến mẹ trải một tấm vải nhựa ra sân, dùng hai tay nắm từng nắm lúa mạch đập lên một hòn đá to... Lúa mạch trồng trên ba mẫu đất của nhà, một mình mẹ làm, mệt đến mức không đứng dậy nổi nữa thì mẹ ngồi xổm xuống cắt, đầu gối quỳ còn chảy máu, đi đường cứ cà nhắc... 

Không đợi hàng xóm kể hết, tôi chạy như bay về nhà, khóc to gọi mẹ: "Mẹ, mẹ, con không thể đi học nữa đâu...". Kết quả, mẹ vẫn tống tôi lên trường. Tiền sinh hoạt phí mỗi tháng của tôi chỉ 60 đến 80 tệ (tương đương 120-160.000 VND), thật thảm hại nếu so với những người bạn học khác mỗi tháng có 200-240 tệ. Nhưng chỉ mình tôi biết, món tiền nhỏ này mẹ tôi cũng phải tằn tiện lắm, từ ngày đầu tháng đã dành từng hào từng hào, bán từng quả trứng gà, rau xanh lấy từng đồng từng đồng, có lúc dành dụm không đủ đã phải giật 
tạm vài đôi chục. Mà cha tôi, em trai tôi, dường như chẳng bao giờ có thức ăn, nếu nhà ăn rau cũng chẳng dám xào mỡ, chỉ chan tí nước dưa muối ăn qua bữa. 

Mẹ không muốn tôi đói, mỗi tháng mẹ chăm chỉ đi bộ hơn mười cây số mua mì tôm với giá bán buôn. Rồi mỗi cuối tháng, mẹ vất vả cõng một túi nặng lên Thiên Tân thăm tôi. Trong túi ấy ngoài những gói mì tôm ra, còn có nhiều xếp giấy loại mẹ phải đi bộ ra một xưởng in ngoài thị trấn cách nhà 6km để xin cho tôi (đó là giấy để tôi làm nháp toán), cả một chai tương cay rất to, cải bẹ muối thái sợi, và cả một cái tông đơ để cắt tóc. (Cắt tóc nam rẻ nhất Thiên Tân cũng phải 5 tệ, mẹ muốn tôi dành tiền cắt tóc để mua thêm lấy vài cái bánh bao 
mà ăn).

Tôi là học sinh cấp 3 duy nhất của Thiên Tân đến cả rau ở bếp ăn nhà trường cũng không mua nổi, chỉ có thể mua vài cái bánh bao, mang về ký túc ăn cùng mì sợi khô hoặc chấm với tương ớt, kẹp dưa muối để ăn qua bữa. Tôi cũng là học sinh duy nhất không có giấy kiểm tra, chỉ có thể tận dụng giấy một mặt của xưởng in để viết bài. Tôi là đứa học sinh duy nhất chưa bao giờ dùng xà phòng, khi giặt quần áo tôi thường đi nhà bếp xin ít bột kiềm nấu ăn (alkali - chất kiềm, dùng để hấp bánh bao, làm bánh nướng, làm nước sôđa) là xong. Nhưng tôi chưa bao giờ tự ti, tôi cảm thấy mẹ tôi khổ cực cả đời, như người anh hùng chống lại đói khổ, làm con của người mẹ như thế tôi rất tự hào. 

Hồi mới lên Thiên Tân, tiết học tiếng Anh đầu tiên khiến tôi ù cạc. Khi mẹ lên, tôi kể cho mẹ nghe tôi sợ tiếng Anh thế nào, ai ngờ mẹ chỉ cười bảo: "Mẹ chỉ biết con là đứa trẻ con khổ cực nhất, mẹ không thích con kêu khó, vì chịu khổ được thì chả còn gì khó nữa." 

Tôi hơi bị nói lắp, có người bảo, học tiếng Anh đầu tiên cần làm chủ được cái lưỡi của mình, bởi vậy tôi thường kiếm một hòn sỏi ngậm vào miệng mình, rồi gắng đọc tiếng Anh. Hòn sỏi cọ xát vào lưỡi tôi, có lúc máu chảy ra bên mép, nhưng tôi cố gắng để kiên trì. 

Nửa năm trôi qua, hòn sỏi nhỏ đã bị mài tròn đi, lưỡi tôi cũng đã nhẵn, tiếng Anh đã thành người giỏi thứ 3 của lớp. Tôi vô cùng cảm ơn mẹ, lời mẹ khích lệ tôi vượt qua khó khăn lớn trong học tập. 

Năm 1996, lần đầu tiên tôi được tham gia cuộc thi Olympic tri thức toàn quốc khu vực Thiên Tân, đoạt giải Nhất môn Vật lý và giải Nhì môn Toán học, tôi được đại diện Thiên Tân đi Hàng Châu tham gia Cuộc thi Olympic toàn Trung quốc môn Vật lý.  "Đoạt lấy chiếc Cup giải Nhất toàn Trung quốc tặng mẹ, rồi lên đường dự Olympic Vật lý Thế giới!" Tôi không ngăn được nỗi khao khát trong lòng, tôi viết thư báo cho mẹ tin vui 
và mơ ước của tôi.

Kết quả, tôi chỉ được giải Nhì, tôi nằm vật ra giường, không ăn không uống.

Dù tôi là người đạt thành tích cao nhất trong đoàn Thiên Tân đi thi, nhưng nếu tính cả những khốn khổ của mẹ tôi vào, thì thành tích này không xứng đáng! 

Tôi về trường, các thầy ngồi phân tích nguyên nhân thất bại cho tôi thấy: Tôi những muốn phát triển toàn diện cả Toán Lý Hoá, những mục tiêu của tôi quá nhiều nên sức lực tinh thần tôi phải phân tán rộng. Nếu giờ tôi chỉ chọn một mục tiêu trước mắt là kỳ thi Toán, nhất định tôi thắng. 

Tháng 1 năm 1997, tôi cuối cùng đã giành chiến thắng tại kỳ thi Olympic Toán toàn Trung Quốc với điểm số tuyệt đối, lọt vào đội tuyển Quốc gia, cả mười kỳ thi kiểm tra ở đội tuyển tôi đều là người đứng đầu. Với thành tích đó, tôi được sang Argentina tham gia kỳ thi Olympic Toán quốc tế. 

Nộp xong phí báo danh, tôi gói những sách vở cần chuẩn bị và tương đậu cay của mẹ lại, chuẩn bị lên đường. 
Giáo viên chủ nhiệm và thầy giáo dạy Toán thấy tôi vẫn mặc bộ quần áo thải của người khác cho, những thứ áo quần màu sắc chả đâu vào đâu, kích cỡ khác nhau, bèn mở tủ áo của tôi ra, chỉ vào những áo trấn thủ vá, những áo bông tay đã phải nối hai lần, vạt đã phải chắp ba phân, hỏi tôi:"Kim Bằng, đây là tất cả quần áo của em ư?" 

Tôi chả biết nói sao, vội đáp: "Thầy ơi, em không sợ người khác chê cười! Mẹ em thường bảo, Phúc Hữu Thi Thư Khí Tự Hoa - trong lòng có sách vở tất mặt mũi sáng sủa, em mặc những thứ đồ này đi Mỹ gặp tổng thống Clintơn em cũng chẳng thấy ngượng." 

Ngày 27/7, Olympic Toán học Thế giới lần thứ 38 chính thức khai mạc.

Chúng tôi thi liên tục suốt năm tiếng rưỡi, từ 8 giờ 30 phút sáng tới 2h chiều. Ngày hôm sau công bố kết quả, đầu tiên công bố Huy chương Đồng, tôi không muốn nghe thấy tên mình; Sau đó công bố Huy chương Bạc, cuối cùng, công bố Huy chương Vàng, người đầu tiên, người thứ hai, người thứ ba là tôi. 

Tôi khóc lên vì sung sướng, trong lòng tự nói: "Mẹ ơi, con mẹ thành công rồi!" 

Tin tôi và một người bạn nữa đoạt Huy chương Vàng kỳ thi Olympic Toán học ngay chiều hôm đó đã được Đài phát thanh Nhân dân Trung ương TQ và Đài truyền hình Trung ương TQ đưa. Ngày 1/8, chúng tôi vinh quang trở về, lễ đón long trọng được Hiệp hội khoa học Trung Quốc và Hội Toán học TQ tổ chức. Khi đó, tôi muốn về nhà, tôi muốn sớm gặp mẹ, tôi muốn chính tay tôi đeo tấm huy chương vàng chói lọi lên cổ mẹ... 

Hơn mười giờ đêm tối hôm đó, tôi cuối cùng đã đội trời đêm về đến nhà. Người mở cửa là ba tôi, nhưng người một tay ôm chặt lấy tôi vào ngực trước lại chính là mẹ tôi. 

Dưới trời sao vằng vặc, mẹ tôi ôm tôi rất chặt...

Tôi lấy tấm huy chương vàng đeo lên cổ mẹ, khóc một cách nhẹ nhõm và sung sướng. 

Ngày 12/8, trường Trung học số Một của Thiên Tân chật ních người, mẹ được ngồi lên bàn Chủ tịch danh dự cùng với các quan chức Cục giáo dục Thiên Tân và các giáo sư toán học hàng đầu. 

Hôm đó, tôi đã phát biểu thế này: "Tôi muốn dùng cả sự sống của tôi để cảm tạ một người, là người mẹ đã sinh và nuôi nấng tôi. Mẹ tôi là một người phụ nữ nông dân bình thường, nhưng những đạo lý mẹ dạy tôi nên người đã khích lệ tôi cả đời. 

Năm tôi học lớp 10, tôi muốn mua cuốn sách "Đại từ điển Anh-Trung" để học tiếng Anh, mẹ tôi không có tiền, nhưng mẹ vẫn nghĩ cách giúp tôi. Sau bữa cơm sáng, mẹ tôi mượn một chiếc xe cải tiến, chất một xe rau cải trắng, hai mẹ con tôi đẩy ra chợ huyện cách hơn bốn mươi km bán rau. Đến được chợ đã gần trưa, buổi sáng đó tôi và mẹ chỉ ăn hai bát cháo ngô nấu với khoai lang đỏ, lúc đó bụng đói cồn cào, chỉ mong có ai tới mua cho cả xe rau ngay. Nhưng mẹ vẫn nhẫn nại mặc cả từng bó, cuối cùng bán với giá 1 hào một cân. Hai trăm cân rau đáng lẽ 21 tệ, nhưng người mua chỉ trả 20 tệ. 

Có tiền rồi tôi muốn ăn cơm, nhưng mẹ bảo nên đi mua sách trước, đó là việc chính của ngày hôm nay. Chúng tôi đến hiệu sách hỏi, giá sách là 18 tệ 2 hào 5 xu, mua sách rồi còn lại 1 tệ 7 hào 5 xu. 

Nhưng mẹ chỉ cho tôi 7 hào rưỡi đi mua hai cái bánh bột nướng, một tệ kia còn phải cất đi để dành cho tôi làm học phí. Tuy ăn hết hai cái bánh nướng, nhưng đi bộ tiếp 40km về nhà, tôi vẫn đói tới mức hoa mắt chóng mặt, lúc này tôi mới nhớ ra tôi đã quên không phần cho mẹ ăn một miếng bánh nướng nào, mẹ tôi chịu đói cả ngày, vì tôi mà kéo xe suốt 80km đường xa. 

Tôi hối hận tới mức chỉ muốn tát cho mình một cái, nhưng mẹ tôi chỉ bảo: "Mẹ ít văn hoá, nhưng mẹ nhớ khi nhỏ được thầy giáo dạy là, Golgi có nói một câu: Nghèo đói là trường đại học tốt nhất. Nếu con có thể tốt nghiệp trường đại học này, thì những trường đại học như Thiên Tân, Bắc Kinh con chắc chắn đều đỗ."

Khi mẹ nói thế mẹ không nhìn tôi, mẹ nhìn ra con đường đất xa xôi, cứ như thể con đường đất  đó có thể thông tới tận Thiên Tân, đi thẳng tới Bắc Kinh.

Tôi nghe mẹ bảo thế, tôi không thấy đói nữa, chân tôi không mỏi nữa..

Nếu nghèo đói là trường đại học tốt nhất, thì tôi muốn nói rằng, người mẹ nông dân của tôi chính là người thầy giáo giỏi nhất của đời tôi." Dưới khán đài, không biết có bao nhiêu đôi mắt đã ướt đẫm, tôi quay về phía người mẹ tóc hoa râm của tôi, cúi người xuống kính cẩn... 

Nguyễn Thành Nam
(sưu tầm)

20 tháng 2, 2010

Nguyên Ngọc: Nước mội, rừng xanh và sự sống


HOCMOINGAY
. "Hóa ra có một “bí mật” to lớn: ngọn nguồn của nước mội tuyệt diệu tưới tắm cả vùng cát dằng dặc ven biển miền Trung chính là nơi đó, Tây Nguyên, rừng đại ngàn, rừng nguyên
sinh, rừng nhiệt đới Tây Nguyên. Chính rừng Tây Nguyên, từ trên Trường Sơn rất xa xôi kia, đêm ngày, hàng triệu triệu năm nay, như một người mẹ vĩ đại, bao dung và tần tảo, hứng lấy tất cả các nguồn nước của đất trời, cất lấy, “để dành”, tằn tiện, tuyệt đối không phí mất một giọt nào, để từng ngày từng ngày chắt chiu mà bất tận cung cấp cho đứa con đồng bằng của mình, cho sự sống có thể sinh sôi, nảy nở, trường tồn trên dải đất cát trông chừng rất khắc nghiệt kia. Cho các vương quốc, các triều đại, các nhà nước, các chế độ ra đời, phát triển, nối tiếp. Và sống còn... Nước mội chính là những dòng nước nhỏ, liên tục, không bao giờ dứt, đi âm thầm và vô hình trong lòng đất, từ những đỉnh Trường Sơn xa xôi kia, đến tận những cồn cát tưởng chẳng thể có chút sự sống này. Vậy đó, Tây Nguyên, ý nghĩa của Tây Nguyên và rừng Tây Nguyên, dù chỉ mới là qua một khía cạnh rất nhỏ của nó, nước." Nguyên Ngọc,  Kinh tế Sài Gòn Online (Cát Tiên - ảnh Hoàng Kim)

(TBKTSG) - Câu chuyện này nói vào đầu xuân có thể hơi buồn, nhưng nghĩ kỹ lại có lẽ cũng có chỗ thích hợp, bởi vì đây là câu chuyện về màu xanh, màu của mùa xuân xanh. Của sự sống.

Quê tôi ở vùng Nam Trung bộ, đúng cái đoạn mà một nhà thơ từng thống thiết gọi là “dằng dặc khúc ruột miền Trung”. Ở đấy, miên man mấy trăm cây số ven biển là những cồn cát lớn, nơi trắng phau một màu trắng tinh khiết đến khó tin, nơi vàng rộm ngon lành trong nắng cháy. Làng cũng là làng trên cát; con người sống trên cát, tử sinh cùng với cát. 


Tôi có đọc một ít lịch sử và tôi biết, lạ vậy, toàn cát vậy, nhưng đấy vốn không phải là một vùng đất nghèo. Từng có cả một vương quốc thịnh vượng trên dải đất này. Một vương quốc nông nghiệp và hải dương. Có lẽ một trong những bí quyết thịnh vượng của vương quốc ấy là nước, mà thiên nhiên đã rất thông minh giữ và dành cho dải đất thoạt nhìn thật khô cằn này, và con người thì cũng thật thông minh hiểu được món quà quý của đất trời, biết tận dụng lấy cho mình.


Cho đến chỉ cách đây đâu khoảng chưa đến nửa thế kỷ, ở quê tôi vẫn còn một kỹ thuật nông nghiệp rất đặc biệt, tinh tế và thú vị, gọi là kỹ thuật “tưới nước mội”, người Việt học được của người Chăm khi đi vào Nam. 


Nước mội là nước rỉ ra từ các chân đồi cát, trong veo, mát lạnh, tinh sạch đến mức có thể bụm vào lòng bàn tay, ngửa cổ uống ngay ngon lành. Ở đây người ta vỡ ruộng ngay trên cát, các đám ruộng được gọi là “thổ”, những đám thổ trồng đủ các loại hoa màu. Ở góc thổ bao giờ cũng có một chiếc ao nhỏ, cạn thôi, nhưng quanh năm lúc nào cũng đầy ắp nước, tát đi lại đầy ngay, cả trong những mùa nắng hạn gay gắt nhất.


Nước mội từ trong lòng cát rỉ ra, nhẹ nhàng, chậm chạp, từ tốn, mà bất tận. Những chiếc ao nước mội, những con mắt ngọc xanh rờn, mát rượi của đất đai, làng mạc, đồng ruộng quê tôi. Nhỏ nhoi và thầm lặng, chính chúng nuôi sống nền nông nghiệp từng trù phú của vương quốc xưa, và của cả cha ông chúng tôi nữa khi họ đi về Nam…


Champa cũng là một vương quốc biển, từng dong thuyền đến những đại dương xa, và từng có những cảng quốc tế rộn rịp trên suốt dọc bờ biển của mình. Những người có đôi chút kiến thức về giao thương biển đều biết rằng một trong những điều kiện đầu tiên và quan trọng nhất của một cảng biển quốc tế là nước ngọt, phải rất dồi dào nước ngọt. Những con tàu lang thang nhiều tháng trời trên các đại dương mặn chát, lắm khi chẳng vì mua bán gì cả, vẫn phải ghé lại các cảng ven bờ để “ăn” nước ngọt.


Và trên dải cồn cát miên man của mình, người Chăm là những người thiện nghệ nhất thế gian về nghề tìm mạch nước, đào và thiết kế giếng nước ngọt. Họ như có con mắt thần, có thể nhìn thấy đường đi của nước ngọt âm thầm trong lòng đất, những dòng nước mội. Chính hệ thống giếng nước ngọt thánh thiện và tuyệt vời - từ nước mội bất tận rỉ ra mà có - đã tạo nên vương quốc đại dương Champa, tôi nghĩ nói thế cũng chẳng hề quá đáng đâu…




Từ nhỏ, là dân vùng cát cháy miền Trung, tôi đã có hạnh phúc được biết nước mội, nếm nước mội, ăn nước mội, sống và lớn lên bằng cây cỏ được nuôi bằng nguồn nước mội ân huệ bất tận.


Của trời.


Rồi về sau, cuộc đời lại đã cho tôi một may mắn khác: tôi hiểu hóa ra “trời” không phải là một đấng trừu tượng thần bí nào, mà là một thực thể sống động, khổng lồ, cường tráng, hùng vĩ…, mà lạ thay, cũng lại rất mong manh, hết sức mong manh, ngày càng đang trở nên cực kỳ mong manh!


Trường Sơn. Tây Nguyên.


Tôi đã được đi đến nơi đó và gắn bó hơn nửa cuộc đời của mình ở đó.


Hóa ra có một “bí mật” to lớn: ngọn nguồn của nước mội tuyệt diệu tưới tắm cả vùng cát dằng dặc ven biển miền Trung chính là nơi đó, Tây Nguyên, rừng đại ngàn, rừng nguyên sinh, rừng nhiệt đới Tây Nguyên.


Chính rừng Tây Nguyên, từ trên Trường Sơn rất xa xôi kia, đêm ngày, hàng triệu triệu năm nay, như một người mẹ vĩ đại, bao dung và tần tảo, hứng lấy tất cả các nguồn nước của đất trời, cất lấy, “để dành”, tằn tiện, tuyệt đối không phí mất một giọt nào, để từng ngày từng ngày chắt chiu mà bất tận cung cấp cho đứa con đồng bằng của mình, cho sự sống có thể sinh sôi, nảy nở, trường tồn trên dải đất cát trông chừng rất khắc nghiệt kia. Cho các vương quốc, các triều đại, các nhà nước, các chế độ ra đời, phát triển, nối tiếp. Và sống còn...


Nước mội chính là những dòng nước nhỏ, liên tục, không bao giờ dứt, đi âm thầm và vô hình trong lòng đất, từ những đỉnh Trường Sơn xa xôi kia, đến tận những cồn cát tưởng chẳng thể có chút sự sống này.


Vậy đó, Tây Nguyên, ý nghĩa của Tây Nguyên và rừng Tây Nguyên, dù chỉ mới là qua một khía cạnh rất nhỏ của nó, nước.


Có lẽ cũng cần nói thêm một chút nữa về điều này: không chỉ cho dải đất cát cháy miền Trung đâu. Trường Sơn có một đặc điểm quan trọng về địa hình: đường phân thủy ở đây không chạy đúng giữa mà sát ngay về phía Đông của rặng núi dằng dặc này, nghĩa là sườn phía Tây của Trường Sơn rộng hơn sườn phía Đông rất nhiều, có thể đến bốn năm lần. Tức nước từ Tây Nguyên đổ về phía Tây cũng nhiều hơn về phía Đông có thể đến bốn hay năm lần. Mà đổ về phía Tây tức là về Mêkông, về Nam bộ. Về toàn miền Nam.


Trong một chừng mực nào đó, Tây Nguyên, rừng Tây Nguyên có ý nghĩa quyết định đối với toàn miền Nam về tất cả các mặt. Nếu chỉ nói một mặt nước thôi, thì có lẽ cũng nên nhớ: nước ở miền Tây Nam bộ, ở Cà Mau kia, cũng có thể là nước mội từ Mẹ Rừng Tây Nguyên chắt chiu đưa về đấy, cho mênh mang vùng đất lúa của cả nước ấy không bị nhiễm mặn…


Hàng ngàn đời nay có những con người đã sống ở đây, gắn bó ruột thịt với rừng và đã tạo nên cả một nền văn hóa đầy minh triết bắt nguồn chính từ sự gắn bó ấy. Để bày tỏ đôi lời thật giản lược về nền văn hóa ấy và những con người ấy, chắc có thể nói vắn tắt như thế này: người Tây Nguyên không bao giờ coi rừng là tài nguyên. Không bao giờ có khái niệm khai phá, chinh phục, chiếm lĩnh tự nhiên, rừng. Đơn giản, rừng đối với họ là tất cả, là mẹ, là cội nguồn của sự sống. Mà họ kính trọng và tôn thờ.


Chúng ta, những người tự coi là rất văn minh, rất khoa học, chúng ta biết nước là nguồn gốc của sự sống, nhưng chúng ta không biết, biết bằng hành vi cụ thể chứ không phải bằng lý lẽ to tát, rằng không có rừng thì cũng chẳng có, chẳng còn nước, nghĩa là cũng chẳng còn có sự sống, chúng ta không biết cái chân lý sơ đẳng và đơn giản ấy. Nhìn thấy rừng là con mắt ta hau háu nhìn thấy gỗ, gỗ, gỗ… Và hết gỗ rồi, bây giờ, thấy tài nguyên khác… Hau háu, hung hăng, hỗn hào chặt phá, và hết chặt phá, chẳng còn gì để chặt phá nữa thì đào bới…


Ở quê tôi, nay đã kiệt nước mội rồi. Chi tiết rất nhỏ ấy thôi, vậy đó, lại đang là tai họa tày trời!


Chắc chưa ai quên vụ lũ kinh hoàng ở Phú Yên vừa rồi. Cả thành phố Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu chìm trong nước sâu. Gần trăm người chết. Ruộng đồng tan hoang… Một vị có trách nhiệm rất cao giải thích: Ấy là vì biến đổi khí hậu toàn cầu, và lại nữa, vì nhân dân mất cảnh giác. Tại trời và tại dân, trời thì ngày càng tai ác, còn dân thì mãi ngu dốt! Có một chi tiết hẳn ở cương vị của ông ấy, ông ấy ắt phải biết nhưng lại không thấy ông nói: năm 2009, ở Phú Yên áp thấp nhiệt đới gây mưa 330 mi li mét; năm 1991, cũng tại chính Phú Yên này, mưa 1.300 mi li mét, gấp hơn ba lần. Năm 1991 không có gì đáng kể, năm 2009 lại là tai họa khủng khiếp, vì sao?


Ở miền Trung - mà ở cả nước đều vậy - ngày xưa chỉ có lụt và lụt là mùa rất vui, thậm chí thân thiết, mỗi năm lại trở lại một lần, người ta chờ nước lụt, nước lên từ tốn, ruộng đồng được tưới tắm phù sa, cũng là lúc làm ăn rộn rã, có lẽ cũng tương tự như mùa nước nổi ở Nam bộ thuở nào.


Ngày nay không còn lụt, chỉ có lũ. Lũ rất khác lụt, lũ là nước đột ngột đổ ập xuống, như thác, hung bạo, nhanh và dữ cho đến nỗi, như vừa rồi, có người đã leo lên trần nhà rồi còn chết ngạt trong ấy vì không kịp dỡ mái để leo lên nữa! Lũ không mang phù sa đến, lũ quét sạch tất cả những gì nó gặp trên đường đi, và kéo đất đá từ trên rừng xuống lấp hết ruộng đồng.


Tất nhiên ngày xưa cũng có lũ, nhưng chỉ trong những năm mưa đặc biệt lớn, cả đời một con người chỉ chứng kiến vài lần. Ngày nay hễ đài vừa báo áp thấp nhiệt đới, thậm chí chỉ áp thấp, là cả nước đã rùng rùng lo chống lũ, sập núi, trôi rừng…


Con số 1.300 li năm 1991 và 330 li năm 2009 là con số hùng hồn, nó nói rằng vụ Phú Yên vừa rồi không phải chủ yếu do biến đổi khí hậu toàn cầu, không phải do trời, như lời giải thích uyên bác của vị quan chức nọ.


Do người. Do cơ chế nước mội tinh tế, tinh vi, thông minh, nhân hậu tuyệt vời của thiên nhiên đã không còn, đã bị phá vỡ, đã bị con người triệt diệt bằng cách triệt diệt rừng. Rừng Tây Nguyên. Trong một cuộc trao đổi ở Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Trung ương vừa rồi, nhiều chuyên gia đã cảnh báo: không chỉ có nguy cơ lũ quét đâu, sau lũ quét sẽ tiếp đến nguy cơ hạn hán sẽ còn khốc liệt, tai hại hơn. Bởi vì nước mội và lụt hàng năm hiền lành là cùng một cơ chế, cùng một tác giả: Rừng. Rừng Tây Nguyên.


Trong hơn 30 năm qua, chúng ta đã làm xong một công việc to lớn: cơ bản phá hết, cạo sạch đến tận cùng rừng tự nhiên trên cái mái nhà sinh tử của toàn Đông Dương này. Đã quét sạch xong hết trên mặt đất, bây giờ đang bắt đầu moi sạch nốt dưới lòng đất. Cao su tuyệt đối không phải là rừng, không sinh ra cơ chế nước mội. Các khu công nghiệp của công nghiệp hóa và hiện đại hóa càng tuyệt đối không phải là rừng. Một quy luật vận hành ổn định, điều hòa, thông minh của tự nhiên đã bị triệt diệt, nhanh và cơ bản hơn tất cả mọi giai đoạn từng có trong lịch sử. Một quy luật khác đã được thiết lập, quy luật của hỗn loạn.


Hãy nhìn lên cái mái nhà chung kia mà bao nhiêu thế hệ nhiều ngàn năm qua đã giao lại cho chúng ta, trên ấy đã mất hết màu xanh của sự sống.


Có còn cứu được không?


Còn, với một điều kiện: biết giật mình, dừng lại, bắt đầu lại.


Cũng cần nói: hầu hết các nước mà ngày nay ta gọi là những nước phát triển đều đã đi qua “con đường đau khổ”, cũng từng tàn phá hết rừng trên mặt đất và đào bới tàn bạo lòng đất, ở nước họ, rồi ở các nước khác. Chỉ có điều, gần một thế kỷ trước họ đã giật mình dừng lại, và từ đó bắt đầu làm lại, khôi phục lại màu xanh cho đất đai, núi non của họ.


Đi sau, chúng ta có thể khôn ngoan hơn như lẽ ra phải thế. Sự vội vã, kiêu căng, và lòng tham không đáy, đã che mắt chúng ta. Đang còn tiếp tục che mắt chúng ta. Chúng ta vẫn còn hăng lắm trong việc chặt phá nốt đôi chút còn lại và đang bắt đầu một công cuộc đào bới hung dữ.


Cần ngay bây giờ chấm dứt mọi khai phá ở Tây Nguyên. Cần nghĩ đến một con đường sống khác, một kiểu sống khác, một kiểu phát triển khác. Trên cả nước. Trước hết trên mái nhà sinh tử Tây Nguyên. Bắt đầu lại một công cuộc cứu lấy Tây Nguyên. Bắt đầu một sự nghiệp to lớn trồng lại rừng Tây Nguyên, trong một trăm năm, quyết liệt, kiên định, thông minh, với những kế hoạch cụ thể, cho 50 năm, 20 năm, 10 năm, 5 năm, toàn Tây Nguyên, từng tỉnh, từng huyện, từng xã, từng làng.


Khôi phục lại màu xanh cho Tây Nguyên.


Bắt đầu ngay từ hôm nay, mùa xuân, mùa của màu xanh, của sự tỉnh táo, khôn ngoan.


Cho đến một ngày, có thể một trăm năm nữa, con cháu chúng ta sẽ có thể bụm vào lòng bàn tay một ngụm nước mội trong veo mát lạnh rỉ ra từ đất cát và ngửa cổ uống ngon lành. Và biết rằng cha ông chúng từng rất dại dột, nhưng rồi cũng đã từng biết khôn ngoan, để cho sự sống từng sắp bị triệt diệt, lại được cứu, lại sinh sôi, phát triển, trường tồn.

Nguyên Ngọc

Xem thêm:

 
Phá rừng ở Tây Nguyên - Lời kêu cứu từ đại ngàn


Ăn rừng
Video yêu thích   
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam

Trở về trang chính

Hoàng Kim, hoangkim, hoangkimvietnam, Ngọc Phương NamChào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, Cassava in Vietnam, Khát khao xanh, Dayvahoc, Học mỗi ngày,  Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook  Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sống Thơ cho con
 

7 tháng 2, 2010

Nguyên Ngọc: Đi xa để lại nghĩ về gần


HOCMOINGAY. Sáng sớm ở Luang Prabang của nước Lào, khoảng từ 5h, không gì hay bằng ra đường và ngắm các nhà sư đi khất thực...
Lạ thay là một dân tộc, là những con người, suốt đời, suốt ngày nào cũng vậy, mỗi buổi sáng lại dậy thật sớm, dọn mình thật thanh khiết rồi ra ngồi lặng lẽ và cung kính bên đường để chờ làm công việc hẳn là tự nguyện nhất trong những công việc ở đời. Mở đầu một ngày sống như vậy thì thật khó làm điều ác trong ngày. Và một chút nhận xét nữa: ở đây người ta sống chậm. Không quan tâm, không ham hố tốc độ. Hình như giữa sự thâm trầm của tu, chùa, sư và sự thanh thản của cuộc sống hằng ngày chẳng có mấy khoảng cách.

Tôi cũng đã được thấy các sư đi khất thực ở Sài Gòn. Rất khác, và cũng có thể ở đấy lại có cái hay khác: những người tu hành đi xin ăn giữa chợ đời chen chúc, xô bồ, cũng là tu nhưng là "tu giữa chợ". Là một thứ triết lý  tu hành thâm thuý riêng chăng?...

Ở Lào khác hẳn. Từ mờ sáng, người ta ra ngồi ven đường, mỗi người một vuông đệm nhỏ hay một chiếc ghế mây thấp, đàn bà thì quỳ, đàn ông xếp bằng, giỏ xôi đặt trước mặt. Rất sớm và rất trang trọng. Người ta bảo mình phải chờ sư, không được để sư chờ mình.

Trước khi các sư đến, người ta nâng giỏ xôi lên ngang trán, lầm rầm khấn vái. Không phải bố thí mà là dâng hiến. Các sư đi thành đoàn dài, người hai bên đường cung kính dâng thức ăn. Khi các sư đã đi qua rồi, người ta vẫn ngồi yên hồi lâu, chắp tay và nhắm mắt, một khoảnh khắc vọng về cõi vô thường, mỗi sáng lại được chạm nhẹ vào đấy trước khi dấn vào cuộc lầm bụi hằng ngày. Cũng có khi nhận thức ăn xong, các sư dừng lại, hát một bài kinh ngân nga, cảm ơn và chúc phúc...

Lạ thay là một dân tộc, là những con người, suốt đời, suốt ngày nào cũng vậy, mỗi buổi sáng lại dậy thật sớm, dọn mình thật thanh khiết rồi ra ngồi lặng lẽ và cung kính bên đường để chờ làm công việc hẳn là tự nguyện nhất trong những công việc ở đời.
Mở đầu một ngày sống như vậy thì thật khó làm điều ác trong ngày. Và một chút nhận xét nữa: ở đây người ta sống chậm. Không quan tâm, không ham hố tốc độ. Hình như giữa sự thâm trầm của tu, chùa, sư và sự thanh thản của cuộc sống hằng ngày chẳng có mấy khoảng cách.

Một chị bạn cùng đi chiêm ngưỡng cảnh khất thực buổi sáng còn chỉ cho tôi một chi tiết: một bà cụ, sau khi dâng thức ăn cho sư, dành lại một ít xôi trong giỏ, bà trở về nhà, chậm rãi đi đến từng cây trong vườn, kính cẩn gắn những vón xôi nhỏ lên các chạc cây: bà "cho cây ăn". Dâng xôi cho sư và lại dâng xôi cho cây...

Ở Luang Prabang tôi được biết một điều: cả thành phố không nhà nào cao quá hai tầng, cố đô nép mình khiêm nhường bên bờ sông Mekong đoạn này rất êm ả, và bất cứ ai muốn chặt một cây nhỏ, ngay trong vườn riêng của mình, đều phải xin phép, rất khó khăn. 
Tôi bỗng nhớ đến Tây Nguyên, ngày trước trên ấy khi phải chặt một cây trong rừng, người ta cẩn trọng làm lễ xin phép rừng và tạ lỗi với cây. Có gì đó gần nhau quá giữa bà cụ Luang Prabang dâng xôi cho sư rồi lại dâng xôi cho cây, đều kính cẩn như nhau, và người Tây Nguyên của tôi thấy mình có lỗi với rừng, với cây mỗi khi buộc phải làm đau cây, đau rừng.

Giống quá, tự trong một chiều sâu rất sâu nào đó mà Luang Prabang vẫn giữ được, còn Tây Nguyên của tôi đang mất. Đến Luang Prabang, tôi đi xa để lại nghĩ về gần...

Sau mấy ngày ở phố Luang Prabang, tôi ra vùng ngoại ô, dừng lại ở bản Xiêng Đa của người Lào Lum. Vừa qua ở Xiêng Đa đã tổ chức lễ  Buot Ton May, phong sư cho các cây trong rừng. Làng kéo nhau vào rừng, mỗi người mang theo một tấm vải dài màu vàng, cắt thành những rẻo mỏng, đem buộc vào từng cây.

Cây được buộc vải vàng cũng như người được khoác áo cà sa, được đánh thức tính Phật, được phong sư. Và khi con người đánh thức tính Phật ở cây thì cũng tự đánh thức tính Phật ở mình. Cây được phong sư là vì trong cây vốn đã có chất sư. Ở Lào tất cả thanh niên lớn lên đều phải qua mấy năm ở chùa, cũng là để đánh thức tính Phật vốn sẵn trong mỗi con người.

Buot Ton May cũng lại gợi suy ngẫm đến cách nghĩ về tự nhiên và con người ở bên này. Ở đây, giữa tự nhiên, cây cỏ, với con người có gì khác nhau?

Trong tác phẩm Nhiệt đới buồn nổi tiếng, Claude Lévi-Strauss kể rằng người Bororo Nam Mỹ vẽ lên mặt những hình khác nhau để tự phân biệt, tự tách mình ra khỏi tự nhiên, chưa vẽ mặt thì con người còn hoang dã như tự nhiên, có hình vẽ trên khuôn mặt rồi con người mới trở thành văn hoá, thành xã hội, cao lên, cao hơn tự nhiên. Và xã hội thì có đẳng cấp. Mỗi đẳng cấp khác nhau vẽ mặt theo những huy hiệu đẳng cấp vậy.

Hoá ra người Lào Lum ở Xiêng Đa không cảm thấy có nhu cầu đó, họ không cảm thấy có nhu cầu đó để được cao lên cho bằng tự nhiên, thậm chí họ cố đánh thức dậy ở mình một cái chất nào đó để được cao lên cho bằng tự nhiên.

Hoặc cũng có thể hiểu cách khác: để không từ "tự nhiên" mà tụt xuống thành "văn hoá", tức thấp hơn. Cũng chính Claude Lévi-Strauss, ở một chỗ khác, trong tác phẩm Tư duy man dã, lại viết rằng "tư duy man dã đã không phải là tư duy của người man dã, mà là một thuộc tính phổ quát của tinh thần con người, biểu hiện chẳng hạn trong thơ và nghệ thuật".

Hình như người Xiêng Đa có biết - rất có thể tự trong bản năng thuần khiết, chứ không phải bằng ý thức - những tìm tòi và trăn trở kiểu Strauss ấy và có câu trả lời riêng của họ. Họ không sợ sự man dã.
Nói như Strauss, họ là những nhà thơ và đầy chất nghệ thuật. Họ không có nhu cầu tách mình ra khỏi tự nhiên, không sợ còn là tự nhiên thì không có, chưa có văn hoá. Bởi họ tin rằng trong tự nhiên có văn hoá. Con người đi tìm văn hoá trong hoà nhập với tự nhiên.

Người Xiêng Đa đánh thức dậy trong mình chất cây, chất rừng, chất tự nhiên mà họ coi là cao quý nhất - cái mà chúng ta coi là man dại và đã đánh mất, vứt bỏ, giày xéo trong cuộc đua chen để trở thành hiện đại.

Người Xiêng Đa, tôi được biết, cũng không đứng ngoài cuộc đua chen hiện đại, và trong cuộc đua ấy họ đã thắng theo lối của họ. Vừa qua, nhiều thế lực bên ngoài, kiêu căng hùng hổ có, dụ dỗ ranh ma có, đổ vào mua rừng Xiêng Đa, thậm chí mua đất rồi đưa người đến theo một tính toán đồng hoá lâu dài. Người Xiêng Đa trả lời giản dị, nhẹ nhàng: họ không bán Phật.

Đến nay rừng Xiêng Đa vẫn xanh ngút đại ngàn.

Đến  Xiêng Đa bây giờ có thể mua được những tấm thổ cẩm thật đẹp do các cô gái Xiêng Đa thong thả dệt trên các khung cửi của từng nhà. Các cô không dùng màu hoá học để nhuộm chỉ, thổ cẩm Xiêng Đa toàn màu tự nhiên của cây, của lá, của rừng. Mộc, bền, tinh khiết, đậm đà.

Mà, như ta đã biết, rừng, cây ở đây cũng là Phật, trong thổ cẩm dưới tay các cô gái Xiêng Đa có chất Phật... thâm thuý thay, một đất nước có tục khất thực đẹp quá buổi sáng, lại biết rằng có Phật trong cả những vật dụng hằng ngày.

Các cô gái Xiêng Đa dệt thổ cẩm có thu nhập khoảng 1 triệu kíp, tức là 2 triệu đồng VN một tháng. Vừa rồi có 20 hộ người Khơ Mú xin chuyển đến sống cũng bà con Xiêng Đa, được người Xiêng Đa nhận.

Chị Xy, chị Văn người Lào Lum Xiêng Đa dạy cho các chị người Khơ Mú nghề thổ cẩm, không chỉ dệt mà cả nhuộm bằng cây, lá rừng, tạo nên màu tự nhiên đẹp và quý. Người Khơ Mú không theo đạo Phật.

Cũng không sao, người Xiêng Đa bảo nói cho đúng Phật không phải là một tôn giáo, mà là một cách hiểu về cuộc đời, một cách sống, Phật có trong bất cứ ai...
Vậy đó, kết quả của một tư duy.

Tôi mới chỉ đến Xiêng Đa một thoáng. Đang rủ một số bạn mùa xuân này trở lại Luang Prabang, trở lại Xiêng Đa. Mùa xuân, đến, nhìn, gặp rừng và người, để nghĩ thêm về một cách tồn tại trên đời, cũng là hay, đúng không?

Nguyên Ngọc

(Tuổi Trẻ Tết 2010)

3 tháng 2, 2010

Cây súng và cây bút


HOCMOINGAY. Hồ Phương. Báo Nhân dân. "...Tôi vẫn còn có cây bút. Và "nhờ trời" vẫn còn túc tắc dùng được "vũ khí" này, vào khi này khi khác, và cùng với những người cùng thời vẫn còn có chỗ đứng trong đời sống văn chương xem ra có nhiều điều mới, lạ. Và tôi vẫn không nguôi thương nhớ người anh của tôi, người đồng chí đã hy sinh, càng không quên vị tướng anh hùng (Vương Thừa Vũ, ảnh Wikipedia) xuất thân từ công nhân đã có tầm nhìn, tầm suy nghĩ đáng kính biết bao. Ông đã có một tầm văn hóa không giống như văn hóa học đường thuần túy, mà là từ ánh sáng của Cách mạng và từ cuộc chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân. "Anh có hai vũ khí"...
 
ND - Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương là một trong những nhà văn - chiến sĩ nổi tiếng của văn học cách mạng Việt Nam với nhiều tác phẩm được bạn đọc mến mộ. Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Ðảng, qua bài viết dưới đây, ông kể lại về bước đầu văn chương của mình; và qua câu chuyện của ông có thể thấy, đối với nhà văn, khi tình yêu văn chương gắn liền với tình yêu đất nước và được dẫn dắt bởi lý tưởng của Ðảng, thì có thể sáng tạo nên những tác phẩm sống cùng bạn đọc, đồng thời nhà văn sẽ tìm được chỗ đứng của mình giữa lòng dân tộc.

Thuở nhỏ tôi là đứa trẻ ham nghe kể chuyện. Tôi có mấy ông anh, trong đó một ông hơn tôi năm tuổi rất mê truyện, cả truyện ta cả truyện tây, đọc xong thường kể cho tôi nghe. Muốn nghe quá, nhưng có hôm bận hoặc vì sao đó ông không kể, tôi van nài cũng không được. Hồi ấy, hằng ngày, cha chúng tôi thường cho mỗi con một hào làm tiền ăn quà. Nhiều khi tôi nhịn quà, "đút lót" cho ông anh, để được nghe kể chuyện. Tất nhiên, tiền thì ông không chê. Nhưng, mua bánh về lại chia cho tôi một nửa. Thế là hai anh em cùng ăn, ăn xong, tôi ngồi há hốc mồm ra nghe Không gia đình, Những người khốn khổ, Pôn và Viếc-gi-ni,... lại cả Thủy hử, Tam quốc, Liêu trai chí dị... Dần dần tôi cũng tự đọc thêm cả sách truyện của Tự lực văn đoàn, Tân dân, Ðời mới, Hàn Thuyên... rồi đọc các báo Ngày nay, Phong Hóa... nữa. Rồi ông anh tôi vào đại học và lên Hà Nội... Xa anh ấy tôi rất buồn, bắt đầu thi thoảng ngồi viết, viết cho mình... Tôi thường viết về con tàu Long Môn vàng khè chuyên chạy đường sông Hồng từ Hà Nội xuống Nam Ðịnh, Thái Bình và ngược lại. Ðó là con tàu có quá nhiều kỷ niệm với thuở ấu thơ của tôi. Quê tôi ở Hà Ðông, cha tôi lại làm việc ở một huyện xa xôi thuộc Thái Bình. Hằng năm tôi được theo cha về quê một lần để ăn Tết, bằng đường sông Hồng với con tàu Long Môn. Chỉ được mấy ngày vui và gặp mẹ ở quê nhà (mẹ tôi phải quán xuyến việc ở nhà, thi thoảng mới xuống Thái Bình vài ngày), sau đó tôi lại phải theo cha ra đi. Sông nước mênh mang, nỗi nhớ mẹ, nhớ anh, cùng tiếng còi tàu rền rĩ xa vắng sao mà buồn, buồn vô hạn (cho đến bây giờ tất cả hình ảnh cùng tiếng còi tàu ấy dường như vẫn còn in sâu và vang vọng mãi trong lòng tôi). Tôi cũng viết cả về cái phố huyện đìu hiu nơi cha con tôi đang sống ở đó.

Rồi một lần anh tôi từ Hà Nội xuống thăm, tình cờ thấy những tờ tôi viết còn giữ lại. Anh đọc xong, rất ngạc nhiên: "Em viết hay ai đây? Em viết để làm gì?" - "Em cũng không biết nữa". Ông anh hay kể chuyện ấy nói: "Em viết được đấy, nhưng buồn quá". "Thì em nghĩ em thấy thế nào viết thế thôi". Anh gật đầu: "Em nói cũng phải, cuộc sống của chúng ta bây giờ có lẽ thế cả, nghèo khổ và đáng buồn. Có gì vui đâu? Có gì để hy vọng?"... Hai hôm sau, anh đã phải trở về Hà Nội. Lúc chia tay anh nói thêm "Lớn lên chút nữa em sẽ hiểu. Bây giờ cứ viết đi. Anh cầu mong sau này em có thể viết tốt". Cũng không ngờ sau đó, tháng 7-1945, gia đình tôi được tin anh bị thực dân Pháp bắt vì là "sinh viên cộng sản Việt Minh". Cha tôi cuống lên, về Hà Nội tìm mọi cách "chạy" cho anh. Nhưng vô hiệu. Cả gia đình tôi chao đảo, tuyệt vọng. Nhưng may thay chỉ mấy tháng sau, Cách mạng Tháng Tám bùng nổ. Cũng dịp ấy tôi cũng được về Hà Nội học. Nhưng còn mừng hơn: anh đã được trở về. Mừng không sao nói hết. Tuy nhiên cũng chỉ được gần một năm, anh tôi lại ra đi. Hôm ấy cả nhà ngạc nhiên: thấy anh mặc quân phục, đội mũ ca-lô đeo sao vàng. Anh cho biết, anh cùng một số bạn được điều vào quân đội và đưa một Chi đoàn đi Nam Tiến. Nói sao cho hết nỗi xúc động và vinh hạnh của cả gia đình tôi khi ấy... Anh ra đi được vài tháng thì toàn quốc kháng chiến bùng nổ. Ðến lượt tôi, tôi cũng trở thành bộ đội, cùng đơn vị lên Việt Bắc sáp nhập vào Ðại đoàn 308 - Ðại đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội ta. Theo lời anh, tôi tiếp tục viết. Bản thân cuộc sống và chiến đấu đầy gian lao nhưng vô cùng anh dũng của quân và dân ta cũng thúc giục tôi phải ghi chép lại... Hơn thế nữa, đã sớm có tờ Tạp san của Hội Văn nghệ thường xuyên phát xuống các đơn vị và địa phương, nhiều bài mang những ý kiến trao đổi của các nhà văn lớn, các nhà lý luận bàn về các quan điểm văn học - nghệ thuật của Ðảng trong chiến tranh và trong thời đại mới. Ðã có cả những cuộc tranh luận rất thẳng thắn và hữu ích trên một số báo chí cũng về các vấn đề văn hóa - văn nghệ... Bọn trẻ chúng tôi lúc bấy giờ đã đọc và vỡ vạc ra được nhiều. Từ đó, tôi viết khá liên tục. Cho tới cuối 1948 tôi mới nhận được thư của anh trai từ dưới Khu 3 gửi lên. Anh cho biết, do nhu cầu, anh được điều về mặt trận Hà Nội - Hà Ðông nhận công tác. Anh viết không nhiều và cụ thể về anh, mà hỏi tôi rất nhiều, về sức khỏe, công tác, đặc biệt anh không quên hỏi có viết được gì không? Và anh nhắc: Hãy viết tiếp đi, tất cả sẽ có ích đấy.

Tôi rất vui, và có thư trả lời anh ngay, không quên kể cho anh về những gì tôi đã viết, được in một số bài trên các báo lớn, được dư luận chú ý. Trong đó tôi kể lại trường hợp Thư nhà trong số 13 của Tạp chí Văn nghệ - Hội Văn nghệ kháng chiến, cho anh hay: Sau khi truyện ngắn ấy ra đời được hai, ba tháng, một hôm tôi được gọi lên gặp Ðại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ - người được mệnh danh là "hùm xám" - ông kiêm cả Bí thư Ðảng ủy và Chính ủy (đồng chí Song Hào về Sư đoàn 308 năm 1951). Ðược gọi lên, không biết việc gì, tôi cũng lo lo. Ông rất nghiêm. Khi gặp, ông hỏi tôi có phải là người viết Thư nhà không? Tôi càng lo. Khéo ông sẽ kỷ luật tôi về "tội" đã chiến đấu mà còn mê viết văn! Nhưng ông tươi cười nói, đại ý: Ông rất bận, ít khi đọc được sách báo, nhưng thấy anh em cho biết là Ðại đoàn ta có người viết truyện Thư nhà được hoan nghênh rộng rãi lắm, ông bảo kiếm về cho ông xem. Ðọc xong, ông rất thích, nên muốn gặp tác giả cũng để hoan nghênh. Rồi ông nghiêm trang nói: "Bây giờ anh có hai vũ khí trong tay đấy, một là cây súng, hai là cây bút. Vậy hãy dùng cả hai vũ khí ấy mà chiến đấu góp phần giải phóng đất nước!". Tôi không thể ngờ một vị tướng lại có cử chỉ đẹp và ý nghĩ hay như vậy. Tôi thật sự cảm kích, cảm ơn ông và hứa sẽ cố gắng.

Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, trong năm 1950 tôi đã được tin: anh tôi đã bị bọn Pháp giết hại. Bấy giờ mới được biết là anh được về phụ trách công tác tình báo trong nội thành và đã bị lộ, chưa rõ nguyên nhân. Tôi bị choáng mất một thời gian khá dài sau mới dần dần bình phục.

Cho tới hôm nay, tuổi đã cao, tôi không còn cây súng cụ thể như thời còn là lính của "hùm xám" Vương Thừa Vũ. Tuy nhiên, theo lời ông, tôi vẫn còn có cây bút. Và "nhờ trời" vẫn còn túc tắc dùng được "vũ khí" này, vào khi này khi khác, và cùng với những người cùng thời vẫn còn có chỗ đứng trong đời sống văn chương xem ra có nhiều điều mới, lạ. Và tôi vẫn không nguôi thương nhớ người anh của tôi, người đồng chí đã hy sinh, càng không quên vị tướng anh hùng xuất thân từ công nhân đã có tầm nhìn, tầm suy nghĩ đáng kính biết bao. Ông đã có một tầm văn hóa không giống như văn hóa học đường thuần túy, mà là từ ánh sáng của Cách mạng và từ cuộc chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân. "Anh có hai vũ khí"...
 
Thiếu tướng, nhà văn HỒ PHƯƠNG 

Người theo dõi