Lưu trữ Blog

18 tháng 5, 2010

Học không bao giờ muộn

HOCMOINGAY. Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên và thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh  vừa đề xuất yêu cầu với các cấp lãnh đạo có thẩm quyền: " Đến khi nào Đại tướng Võ Nguyên Giáp trút hơi thở cuối cùng, cần tiến hành nghi lễ Quốc tang đối với Đại tướng và Ngôi nhà 30 Hoàng Diệu nên dùng làm nhà lưu niệm Đại tướng mà không dùng vào bất cứ việc gì khác." . Ý kiến này lường trước sự việc sẽ đến và nêu ra sớm ngày 9 tháng 5 năm 2010 khi Đại tướng còn khỏe mạnh là rất cần thiết, để đồng bào cả nước và bầu bạn năm châu không đột ngột và báo chí thông tin chính xác kịp thời. Nhân điều này làm tôi nhớ đến hai trong số những kiến nghị sâu sắc của  Đại tướng Võ Nguyên Giáp về biển đảogiáo dục - khoa học. Kiến nghị biển đảo được ghi vào Nghị quyết Bộ Chính Trị Trung ương Đảng ngày 25.3.1975 "Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo quân ngụy đang chiếm giữ" . Kiến nghị giáo dục -khoa học tại bài viết của Đại tướng đăng trên Tạp chí Cộng sản số 1-1989  " Để cho khoa học thật sự trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội". Những đề xuất thật trách nhiệm và quý biết bao! Học không bao giờ muộn ! (Ảnh trong bài Mùa xuân Võ Nguyên Giáp)


PHẢI ĐỐI XỬ VỚI ĐẠI TƯỚNG TỔNG TƯ LỆNH ĐÚNG VỚI VAI TRÒ MỘT KHAI QUỐC CÔNG THẦN
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên – Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh

Mọi người đều biết trong suốt cuộc đời làm Tổng tư lệnh, ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP đã chỉ huy các lực lượng vũ trang nước ta lập nên nhiều chiến công lừng lẫy: Chiến thắng Điện Biên Phủ – Tây Bắc, chiến thắng Điện Biên Phủ trên không – Hà Nội, chiến thắng Tết Mậu Thân xoay chuyển tình thế, chiến thắng Buôn-Ma-Thuột bước ngoặt, chiến thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh thần tốc… góp công to lớn hoàn thành độc lập, thống nhất Tổ quốc.

Với việc đánh thắng 2 đế quốc to giàu mạnh hơn Việt Nam rất nhiều, với việc lần lượt đánh thắng các tướng lĩnh hàng đầu của Pháp, mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được nhiều nhà nghiên cứu lịch sử quân sự thế giới ca ngợi là "Một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của mọi thời đại" và là "Một danh tướng thế giới". Đại tướng Võ Nguyên Giáp là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam ta.

Nay Đại tướng đã 100 tuổi (theo âm lịch). Lâu nay Đại tướng được chăm sóc trong Bệnh viện 108, song sức đã quá yếu, dù có hồi phục sức khỏe từ Tết AL đến nay, song vẫn khó tránh khỏi quy luật tự nhiên, tuy diễn ra sớm hay muộn thì ta chưa thể đoán trước. Thay mặt cho tâm nguyện của đông đảo chiến sĩ và tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang cũng như nhân dân cả nước, chúng tôi xin đề xuất yêu cầu với các cấp lãnh đạo có thẩm quyền: Đến khi nào Đại tướng trút hơi thở cuối cùng, cần tiến hành nghi lễ Quốc tang đối với Đại tướng.

Được biết có quy định Quốc tang chỉ tiến hành đối với 4 chức danh: Tổng bí thư BCH TW Đảng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi cho rằng trường hợp Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trường hợp đặc biệt, cần có quyết định đặc cách làm lễ Quốc tang. Nếu cứ theo quy định mà một vị nào trong 4 chức danh đó, công lao chẳng có bao nhiêu, lại có những vấn đề không minh bạch, hoặc có khuyết điểm, bị công luận chê trách… vẫn được thực hiện quốc tang, còn một vị khai quốc công thần công lao to lớn, được toàn dân kính trọng, thế giới ngưỡng mộ như Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại không được làm lễ quốc tang thì thật là đại bất công và trái đạo lý.

Ngôi nhà 30 Hoàng Diệu cũng nên dùng làm nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không dùng vào bất cứ việc gì khác. Sinh thời Đại tướng biết bao nhiêu hiện vật do các tầng lớp nhân dân đem đến chúc Tết, mừng sinh nhật Đại tướng, nhiều nguyên thủ quốc gia, nhân sĩ nổi tiếng thế giới đã đến ngôi nhà ấy thăm Đại tướng và tặng hiện vật lưu niệm. Trong ngôi nhà ấy, Đại tướng đã ngồi chỉ huy trận đánh B52 năm 1972. Ngôi nhà 30 Hoàng Diệu đã thành một di tích lịch sử quan trọng. Một nhà thờ họ của một dòng họ có nhiều người đỗ đạt cao thủa trước cũng được công nhận là di tích lịch sử, thì ngôi nhà 30 Hoàng Diệu càng xứng đáng được công nhận là di tích lịch sử.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, lão thành cách mạng
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, lão thành cách mạng.

Nguồn: http://boxitvn.wordpress.com/2010/05/09/phải-dối-xử-với-dại-tướng-tổng-tư-lệnh-dng-với-vai-tr-một-khai-quốc-cng-th/

12 tháng 5, 2010

Hoàng Cầm sông Đuống trôi đi một giòng lấp lánh

HỌC MỖI NGÀY. "Em ơi! /Buồn làm chi / Anh đưa em về bên kia sông Ðuống/ Ngày xưa cát trắng phẳng lỳ / Sông Ðuống trôi đi / Một giòng lấp lánh / Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ... " Nhà thơ Hoàng Cầm, nhà thơ đất Phúc Tằng, Việt Yên, Bắc Giang đã đi vào cõi vĩnh hằng lúc 9g 30 sáng ngày 6 tháng 5 năm 2010 nhưng các vần thơ của ông về giòng sông  Đuống thân thương vẫn còn đó như Tế Hanh với "Nhớ con sông quê hương", Lưu Quang Vũ với "Qua sông Thương" Dư âm lắng đọng là tình nước tình người


BÊN KIA SÔNG ĐUỐNG

Hoàng Cầm


Em ơi! 
Buồn làm chi
Anh đưa em về bên kia sông Ðuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lỳ
Sông Ðuống trôi đi
Một giòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ
Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc
Ðứng bên này sông luyến tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay


Bên kia sông Ðuống
Quê hương ta lúa nếp thêm nồng
Tranh Ðông Hồ gà lợn nét tươi trong
Mầu dân tộc sáng bừng trong giấy điệp
Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn
Ruộng ta khô nhà ta cháy
Chó ngộ một đàn
Lưỡi dài lê sắc máu
Kiệt cùng ngõ thẳm vườn hoang
Mẹ con đàn lợn chia lìa
Âm dương chia lìa đôi ngả
Ðám cưới chuột tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâủ ?


Ai về bên kia sông Ðuống
Cho ta gửi tấm the đen
Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên
Những hội hè đình đám
Trên núi Thiên Thai
Trong chùa Bút Tháp
Giữa huyện Lang Tài
Gửi về may áo cho ai.
Chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu ?
Những nàng môi đỏ quết trầu
Những cụ già bay tóc trắng
Những em sột soạt quần nâu
Bây giờ đi đâu về đâu ?


Ai về bên kia sông Ðuống
Có nhớ từng khuôn mặt búp sen
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng
Chợ Hồ, chợ Sủi người đua chen
Biển Trầm Chỉ người giăng tơ nghẽn lối
Những nàng dệt sợi
Ði bán lụa mầu
Những người thợ nhuộm
Ðồng tỉnh Huê Cầu
Bây giờ đi đâu về đâu ?
Bên kia sông Ðuống
Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong
Dăm miếng cau khô
Mấy lọ phẩm hồng
Vài xếp giấy đẫm hoen sương buổi sớm
Chợt lũ quỷ mắt xanh trừng trợn
Khua giầy đinh đập gẫy quán gầy teo
Xì xồ cướp bóc
Tan phiên chợ nghèo
Lá đa lác đác trước lều
Vài ba vết máu loang chiều mùa đông


Chưa bán được một đồng


Mẹ già lại quẩy gánh hàng rong
Bước cao thấp trên bờ tre hun hút
Có con cò trắng bay vùn vụt
Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu ?
Mẹ ta lòng đói dạ sầu
Đường trơn mưa lạnh mái đầu bạc phơ.


Bên kia sông Đuống
Ta có đàn con thơ
Ngày tranh nhau một bát cháo ngô
Đêm líu ríu chui gầm giường tránh đạn
Lấy mẹt quây tròn
Tưởng làm tổ ấm
Trong giấc thơ ngây tiếng súng dồn tựa sấm
Ú ớ cơn mê
Thon thót giật mình
Bóng giặc dày vò những nét môi xinh
Đã có đất này chép tội
Chúng ta không biết nguôi hờn


Đêm buông xuống dòng sông Đuống
- Con là ai ? - Con ở đâu về ?
Hé một cánh liếp
- Con vào đây bốn phía tường che
Lửa đèn leo lét soi tình mẹ
Khuôn mặt bừng lên như dựng trăng
Ngậm ngùi tóc trắng đang thầm kể
Những chuyện muôn đời không nói năng


Đêm đi sâu quá lòng sông Đuống
Bộ đội bên sông đã trở về
Con bắt đầu xuất kích
Trại giặc bắt đầu run trong sương
Dao loé giữa chợ
Gậy lùa cuối thôn
Lúa chín vàng hoe giặc mất hồn
Ăn không ngon
Ngủ không yên
Đứng không vững
Chúng mày phát điên
Quay cuồng như xéo trên đống lửa
Mà cánh đồng ta còn chan chứa
Bao nhiêu nắng đẹp mùa xuân


Gió đưa tiếng hát về gần
Thợ cấy đánh giặc, dân quân cày bừa
Tiếng bà ru cháu buổi trưa
Chang chang nắng hạ võng đưa rầu rầu
"À ơi... cha con chết trận từ lâu
Con càng khôn lớn càng sâu mối thù"
Tiếng em cắt cỏ hôm xưa
Hiu hiu gió rét mịt mù mưa bay
"Thân ta hoen ố vì mày
Hờn ta cùng với đất này dài lâu..."


Em ơi! Đừng hát nữa! Lòng anh đau
Mẹ ơi! Đừng khóc nữa! Dạ con sầu
Cánh đồng im phăng phắc
Để con đi giết giặc
Lấy máu nó rửa thù này
Lấy súng nó cầm chắc tay
Mỗi đêm một lần mở hội
Trong lòng con chim múa, hoa cười
Vì nắng sắp lên rồi
Chân trời đã tỏ
Sông Đuống cuồn cuộn trôi
Để nó cuốn phăng ra bể
Bao nhiêu đồn giặc tơi bời
Bao nhiêu nước mắt
Bao nhiêu mồ hôi
Bao nhiêu bóng tối
Bao nhiêu nỗi đời.


Bao giờ về bên kia sông Đuống
Anh lại tìm em
Em mặc yếm thắm
Em thắt lụa hồng
Em đi trảy hội non sông
Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh.


Việt Bắc, tháng 4-1948










Nhà thơ Hoàng Cầm và nhạc sĩ Phạm Duy ngày gặp lại  -
Ảnh trong Phạm Duy và tôi  (Hoàng Cầm)

CON ĐƯỜNG TÌNH



12 giờ trưa ngày thứ năm, 6 tháng 5 - 2010


Ông Hoàng của tôi ơi! (*)


Tôi vừa soạn xong bản nhạc phổ thơ bài “Bên kia sông Đuống” và đã đưa cho người soạn hòa âm để thu thanh, với ý định tặng riêng ông cho ông nghe để ông đỡ buồn (vì thấy ông không có một bài viết nào trên các báo Xuân vừa rồi, nghĩ rằng ông ốm...) thì nghe tin ông vừa qua đời sáng hôm nay!


Thế là tôi lại mất đi một người bạn tốt, đã từng chia sẻ với nhau những vinh quang và tủi nhục của cuộc đời Việt Nam trong một thời gian đang thay da đổi thịt.


Phải xa nhau gần nửa thế kỷ, khi cuộc đời Việt Nam đã bình thường rồi thì chúng ta đã trao đổi thư từ trong đó, hai ông già ngoài 70 tuổi vẫn cứ xưng hô mày tao như trong tuổi 20. Chúng ta đều cho rằng cả hai thằng bạn, vào lúc gần đất xa trời, rốt cuộc đều thấy đời mình chỉ là một cuộc chơi! Cuộc chơi đã đưa hai đứa lên rất cao, rồi cũng đã dìm hai thằng xuống rất sâu nhưng cả hai kẻ đãng tử này đều được cứu rỗi bởi một sợi dây bí ẩn. Đó là sợi dây cảm nhận, rung động và sáng tạo nghệ thuật làm cho chúng ta, sau nhiều cơn vật vã, vẫn có thể gạn đục khơi trong rồi làm ra những vần thơ điệu nhạc lung linh sức sống kỳ diệu của con người. Vâng! Nghệ thuật đã rửa hồn chúng tôi, như Hoàng Cầm nói: ton art purifie ton âme và sẽ còn giúp chúng ta đi nốt con đường chúng ta đã chọn: CON ĐƯỜNG TÌNH, tình nước, tình người.


Vĩnh biệt người bạn cố tri. Chúc Ông yên vui trong giấc ngủ ngàn thu.


Phạm Duy


(*) Trong 4 tập Hồi ký, Phạm Duy đã dành nhiều trang rất trân trọng để nói về Hoàng Cầm. Hai ông cũng có những ký ức rất đẹp và động lòng về nhau, trong hai bài ký “Hoàng Cầm trong tôi” (Phạm Duy) và “Phạm Duy và tôi” (Hoàng Cầm). Nguồn: Nhịp càu Thế giới

8 tháng 5, 2010

Cây đàn thơ Hoàng Cầm và lời bình của Phan Chí Thắng

HOCMOINGAY. Đã tắt lặng Cây đàn thơ Hoàng Cầm là bài viết của anh Phan Chí Thắng vĩnh biệt nhà thơ Hoàng Cầm đăng trên VietnamNet . Cây đàn thơ là chữ của anh Chí Thắng gọi lão nhà thơ Hoàng Cầm. Cầm là cây đàn, Hoàng Cầm lưu danh cùng non sông Việt bởi thơ. Bài bình thơ của anh Phan Chí Thắng đã giúp chúng ta hiểu sâu hơn tác phẩm Lá Diêu Bông  “Cây đàn thơ Hoàng Cầm đã tắt lặng, nhưng dư âm của nó vẫn ngân nga, vọng mãi trên thi đàn, trong lòng người và nhân thế...Trong tài sản thơ phú giầu có của ông, Hoàng Cầm có rất nhiều tác phẩm, ngay cả khi chưa công bố, đã được "ngôn truyền" trong công chúng. Và khi cất tiếng hoan ca, nó đủ sức lay động tới con tim mọi giai tầng. Lá Diêu bông là một bài thơ có số phận "hạnh phúc" như thế, cho dù nó nói về nỗi bất hạnh- hay hạnh phúc "ảo" của kiếp người. Bài thơ dạng kể chuyện, ngắn gọn đến mức tiêu biểu cho sự hàm súc, hàm súc từ hình ảnh đến ngôn từ, khó có thể lược bớt đi một từ nào trong bài thơ. "Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng / Chị thẩn thơ đi tìm/ Đồng chiều - cuống rạ/ Chị bảo đứa nào tìm được lá diêu bông/ Từ nay ta gọi là chồng/ Hai ngày em tìm thấy lá/ Chị chau mày đâu phải lá diêu bông/ Mùa đông sau em tìm thấy lá/ Chị lắc đầu trông nắng vãn bên sông/ Ngày cưới chị, em tìm thấy lá/ Chị cười xe chỉ ấm trôn kim/ Chị ba con em tìm thấy lá/ Xoè tay phủ mặt chị không nhìn/ Từ thuở ấy/ Em cầm chiếc lá / Đi đầu non cuối bể/Gió quê vi vút gọi./ Diêu Bông hời... /ới Diêu Bông”


ĐÃ TẮT LẶNG CÂY ĐÀN THƠ HOÀNG CẦM
Kim Dung - Phan Chí Thắng
http://tuanvietnam.net/2010-05-06-da-tat-lang-cay-dan-tho-hoang-cam


Thế là giữa cuộc đời dâu bể này, đã tắt lặng cây đàn thơ điệu nghệ- Hoàng Cầm. Dù thông tin ông ốm nặng khó bề qua khỏi, lặng lẽ truyền đi trong giới văn chương và những người yêu thơ ông từ khá lâu. Nhưng tin ông ra đi, vẫn khiến văn đàn và không ít người ngưỡng mộ ông hụt hẫng, thương tiếc, xót xa. Dẫu biết tử sinh là lẽ thường tình...


Bởi cái tên Hoàng Cầm- mà người viết bài này, tự đặt - Cây đàn thơ- không chỉ được tạc trong "từ điển văn chương" của nước Việt, mà từ lâu, đã "tạc" trong tâm thức của những người yêu cái đẹp của thi ca, mà nhờ đó, trên hành trình của kiếp người, giữa bao nhiêu nhọc nhằn, biết "vịn câu thơ mà đứng dậy" (Phùng Quán).


Một cuộc đời thấm đẫm chữ Tình


Ông tên thật là Bùi Tằng Việt, sinh ngày 22 tháng 2 năm 1922, tại xã Phúc Tằng, (Việt Yên, Bắc Giang); nhưng quê gốc của ông ở xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, quê hương của những làn điệu quan họ óng ả, tình tứ, trong một gia đình nhà nho lâu đời. Cụ thân sinh ông thi không đỗ, về dạy chữ Hán và làm thuốc bắc ở Bắc Giang. Tên ông được đặt ghép từ địa danh quê hương: Phúc Tằng và Việt Yên.


Thuở nhỏ, ông học tiểu học, trung học ở Bắc Giang và Bắc Ninh. Năm 1938, ra Hà Nội học Trường Thăng Long. Năm 1940, ông đỗ tú tài toàn phần và bước vào nghề văn, dịch sách cho Tân dân xã của Vũ Đình Long. Văn chương, trong đó, kịch nghệ và thi ca, với ông dường như là một duyên nghiệp, một duyên trời định. Và mảnh đất Kinh Bắc tài hoa làng nghề, tài hoa các làng quan họ như có sứ mệnh tạo nên một thi nhân- một cây đàn thơ lóng lánh muôn điệu: "Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc/ Chiều xưa giẻ quạt voi lồng/ Thân cau cụt vẫy đuôi mèo trắng mốc/ Chuồn chuồn khiêng nắng sang sông... hay Sông Đuống trôi đi/ Một dòng lấp lánh/ Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ...






Nhà thơ Hoàng Cầm (bên phải) và nhà văn Kim Lân - ảnh chụp năm 2003, Ảnh Nhasachtritue


Ông lấy bút danh Hoàng Cầm, tên một vị thuốc đắng trong các vị thuốc bắc. Ông chọn tên vị thuốc đắng cho mình, như một ám ảnh, một linh cảm của tâm hồn thi sĩ bẩm sinh quá nhạy cảm? Hay chính định mệnh khắc nghiệt đã chọn sự cay đắng "tặng"cho số phận ông?


Không biết nữa!


Chỉ biết, chẳng có người yêu nước nào, dù bé nhỏ đến đâu, vào thời tao loạn của dân tộc, có thể đứng ngoài lề. Đời ông, có đủ đầy cung bậc thăng trầm của một người nghệ sĩ chân chính. Năm 1944, vào đúng lúc Thế chiến II diễn ra khốc liệt, ông đưa gia đình về lại quê gốc tại Thuận Thành, bắt đầu tham gia hoạt động Thanh niên Cứu quốc của Việt Minh. Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, ông về Hà Nội, thành lập đoàn kịch Đông Phương. Khi chiến tranh Đông Dương bùng nổ, ông theo đoàn kịch rút ra khỏi Hà Nội, biểu diễn lưu động ở vùng Bắc Ninh, Bắc Giang, Sơn Tây, Thái Bình...


Tháng 8 năm 1947, ông tham gia Vệ quốc quân ở chiến khu 12. Cuối năm đó, ông thành lập đội Tuyên truyền văn nghệ, đội văn công quân đội đầu tiên. Năm 1952, ông làm Trưởng đoàn văn công Tổng cục Chính trị, hoạt động biểu diễn cho quân dân vùng tự do và phục vụ các chiến dịch.


Tháng 10 năm 1954, giải phóng Thủ đô, đoàn trở về Hà Nội. Do mở rộng thêm nhiều bộ môn, năm 1955, Hoàng Cầm được giao nhiệm vụ trưởng đoàn kịch nói. Nhưng trước đó, từ năm 1945, ông đã nổi tiếng vì đóng góp không nhỏ cho sân khâu kịch nghệ Việt Nam, với hai vở kịch thơ: Hận Nam Quan và Kiều Loan.



Hòa bình được lập lại, cuối năm 1955, ông trở về công tác ở Hội Văn nghệ Việt Nam, làm công tác xuất bản. rồi tham gia thành lập Hội Nhà văn và được bầu vào Ban chấp hành. Rồi, giữa lúc cuộc đời tưởng như yên ả nhất, ông bị cuốn vào bão tố của vụ án "Nhân Văn Giai Phẩm", buộc phải rút khỏi Hội Nhà văn- năm 1958 và về hưu non năm 1970, lúc mới 48 tuổi, cái tuổi sung sức nhất của sáng tạo.


Nhưng ẩn dật trong thi ca, lấy thi ca làm mái chắn che chở cho sự bình yên của tâm hồn, và con tim không ngừng náo động bồn chồn vì yêu- đời ông sống được bởi chữ Yêu- ông vẫn tiếp tục thai nghén, sáng tác trong âm thầm, lặng lẽ, trong bóng tối của số phận bất ngờ... Bởi những người vợ của ông- như Tuyết Khanh, như Hoàng Yến dẫu mặn nồng hương lửa, cũng đã lặng lẽ bỏ ông ra đi, về nơi cuối trời.


Hành trình cuộc đời ông là hành trình của những tập thơ nổi tiếng: "Tiếng hát quan họ", "Men đá vàng", "Mưa Thuận Thành" và đặc biệt là "Về Kinh Bắc"...Một cuộc đời hoạt động sôi nổi, khi thăng khi giáng, lúc ấm áp lúc cô đơn, nhưng luôn thấm đẫm chữ Tình: Yêu nước- yêu người- yêu đời, dù không ít cay đắng và bi kịch số phận cá nhân.


Đôi khi, người viết bài này tự hỏi, trong những đêm dài giá lạnh của cõi nhân gian, ông nghĩ gì, và tìm cho mình cuộc sống như thế nào nhỉ? Bỗng nhớ tới cái quán rượu số 43 con phố nhỏ Lý Quốc Sư. Rượu và Thơ- hai người bạn "tâm giao" không thể thiếu để đến lượt ông "vịn" vào, trong hành trình còn lại dằng dặc, cô độc, dù có thể lúc này lúc khác, bạn bè vẫn thăm hỏi...


Cho đến năm 75 tuổi, cái chữ Tình thấm đẫm cuộc đời ông như được kết tinh nhất, ngọt ngào nhất, đằm thắm nhất, ở tập "Thơ Hoàng Cầm- 99 tình khúc".


Còn sự bình yên với nhân thế, phải gần 40 năm sau mới đem đến cho con tim người nghệ sĩ tài hoa. Đầu năm 2007, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật do Chủ tịch Nước ký quyết định tặng riêng.


Lá Diêu bông- hành trình kiếm tìm hạnh phúc


Trong tài sản thơ phú giầu có của ông, Hoàng Cầm có rất nhiều tác phẩm, ngay cả khi chưa công bố, đã được "ngôn truyền" trong công chúng. Và khi cất tiếng hoan ca, nó đủ sức lay động tới con tim mọi giai tầng. Lá Diêu bông là một bài thơ có số phận "hạnh phúc" như thế, cho dù nó nói về nỗi bất hạnh- hay hạnh phúc "ảo" của kiếp người.


Bài thơ dạng kể chuyện, ngắn gọn đến mức tiêu biểu cho sự hàm súc, hàm súc từ hình ảnh đến ngôn từ, khó có thể lược bớt đi một từ nào trong bài thơ.


Câu chuyện có hai nhân vật: Em - tác giả và Chị - đối tượng mối tình thơ ấu của ông. Người ta thường cho rằng bài thơ nói về mối tình đầu đơn phương mộng ảo của người nghệ sỹ tài ba. Nhiều người đã kiếm tìm để biết thêm về cuộc sống tình duyên của hai nguyên mẫu - tác giả và chị Vinh, khai thác sâu các tầng bậc chất lãng mạn trong con người và thơ Hoàng Cầm.


Nhưng thực ra, ngoài phần nổi của bài thơ đã là khá đẹp và hấp dẫn, còn có phần chìm, phần hồn- đó cũng chính là thông điệp của của bài thơ nữa. Cũng giống như người đi tìm trầm hương, cái lõi trầm bên trong mới thực sự quý giá.

Ta hãy quay lại bài thơ và cùng thưởng thức nó.


"Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều - cuống rạ"


Chỉ với ba câu, tác giả giới thiệu ngay với chúng ta nhân vật chính: Cô thiếu nữ dậy thì mặc váy (con gái Đình Bảng từ tuổi nào đó mới mặc váy), đang vu vơ đi tìm một cái gì đó phi vật thể giữa cuống rạ đồng chiều (có phiên bản chép là thẫn thờ, đúng ra phải là thẩn thơ, chữ thẫn thờ không hợp với tuổi thơ).


Đồng thời tác giả cũng đã tự giới thiệu về mình: Một chú nhi đồng. Một người trai mười tám chắc đã tả "em" nào là hai mắt lá răm, nào đôi môi hồng, nào làn thu thuỷ nét xuân sơn v.v. Còn chú bé nhi đồng chắc chắn chưa hề biết về những cái đó, chú chỉ nhìn thấy có mỗi cái váy (chắc vì ngang tầm mắt của chú!).


Tuổi Trẻ ngày nay ít người biết cửa võng là gì. Cửa võng- một thứ cửa làm bằng gỗ hoặc vải thêu, nhà giàu thì sơn son thếp vàng, hình chữ ∏, ba bên chạm trổ nhiều hoạ tiết, hoặc ghép thêm những chi tiết phụ nhằm tăng thêm sự cầu kỳ của cửa.


Váy buông chùng cửa võng nghĩa là hai thân váy thu sang hai bên rồi buông chùng xuống. Có thể Chị chưa hết tuổi lớn nên váy mặc còn tém sang hai bên như cửa võng.


"Chị bảo đứa nào tìm được lá diêu bông
Từ nay ta gọi là chồng"


Chắc hẳn có mấy chú bé nhằng nhẵng bám theo nên chị nói cho qua chuyện. Xin lưu ý chữ "bảo", không phải Chị nói mà là bảo, bảo là khi người trên nói với người dưới. Hơn nữa, Chị chỉ gọi là chồng, như một trò chơi đóng giả vợ chồng con cái của trẻ con chứ không như Trần Tiến "Em đố ai tìm được lá diêu bông, xin lấy làm chồng"


"Hai ngày em tìm thấy lá
Chị chau mày đâu phải lá diêu bông"


"Chau mày" không phải vì thằng bé dốt quá, làm gì có lá Diêu bông (lá Diêu bông là do nhà thơ sáng tạo ra, có thể hiểu là lá của một loài hoa phiêu diêu, không có thực, giống như hạnh phúc ở trên đời này vậy, cũng là một cái gì đó hư ảo). Hãy phân tích tiếp xem vì cái gì.


"Mùa đông sau em tìm thấy lá
Chị lắc đầu trông nắng vãn bên sông"


"Lắc đầu' là một động tác mạnh hơn "chau mày", cộng thêm động tác nhìn về phía xa xa, như trông đợi một cái gì đó.


"Ngày cưới chị, em tìm thấy lá
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim"


Chữ "cười" ở đây cho ta lời giải thích vì sao chị "chau mày" và "lắc đầu" ở hai thời điểm trước đó. Nghiã là chị đã đi tìm, đã mong mỏi hạnh phúc lứa đôi. Khi làm đám cưới, chị cảm thấy hạnh phúc, mãn nguyện (có bản chép xe chỉ cắm trôn kim hay ấn trôn kim, nghe thô lỗ quá, ấm trôn kim mới đúng, nó nói lên người con gái đã sẵn sàng cho vai trò làm vợ, may vá thêu thùa, giữ gìn mái ấm gia đình).


"Chị ba con em tìm thấy lá
Xoè tay phủ mặt chị không nhìn"


Khi đã có ba con, lúc nghe nhắc lại lá Diêu bông, Chị có thái độ hoàn toàn thất vọng, không còn muốn nhìn thấy một sự thật phũ phàng: Làm gì có hạnh phúc lứa đôi trong cuộc đời Chị, cái hạnh phúc mà Chị mong mỏi khi nhẩn nhơ đi tìm trong đồng chiều cuống rạ trước đây?


Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
Đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi.
Diêu Bông hời...
ới Diêu Bông!


Khổ cuối của bài thơ như một lời kết cho câu chuyện, như láy lại sự kiên trì ngây thơ suốt cả cuộc đời "Em" trong mối tình vô vọng với "Chị", như một lời than cho số phận bất hạnh của người đàn bà nói riêng và kiếp người nói chung.


Bài thơ thoạt tưởng chỉ là kể về câu chuyện tình liêu trai bất thành, mà thực ra nó là khúc ca xót xa, khóc cho người mình yêu chứ không phải là than thân trách phận. Nó triết lý về hành trình tìm kiếm hạnh phúc đời người. Và nó nói hộ nỗi lòng khát khao. Ai đọc, cũng thấy mình trong đó...


Hạnh phúc chỉ là ảo. Nhưng người ta vẫn không ngừng kiếm tìm...


Vì khát vọng vẫn mạnh hơn ảo vọng. Đó là cái lẽ, bài thơ Lá Diêu bông luôn được mọi lớp người yêu thích, nhập tâm suốt hơn nửa thế kỷ qua.


Và vì thế, cho dù tiếng tơ đồng của cây đàn thơ Hoàng Cầm đã tắt lặng, nhưng dư âm của nó vẫn ngân nga, vọng mãi trên thi đàn, trong lòng người và nhân thế...

Người theo dõi