Lưu trữ Blog

27 tháng 2, 2011

Chi tiết: tản văn hay của Nguyễn Ngọc Tư

HỌC MỖI NGÀY. Trang Nguyễn Ngọc Tư do giáo sư Trần Hữu Dũng lập một trang báo mạng rất hay. Tôi thường vào đọc và học ý tưởng này để thu thập thông tin về những chủ đề mình yêu thích. Hôm trước, tôi bần thần về bài viết của Tư "Chậm từng giọt chữ". Sáng nay, đọc bài "Chi tiết" lại giật mình với Ngiyễn Ngọc Tư ẩn ngữ của tác giả. Dạy và học làm người chớ xem thường chi tiết ! (hình Nguyễn Ngọc Tư trên trang NHD)






Dùng bản Tư gởi
Lên trang này ngày 24-2-11
Nguồn Viet studies

Chi tiết
Tạp văn
Ngiyễn Ngọc Tư

Sáng nay lại khổ sở vì chi tiết.


Hăm hở vác máy ảnh, giấy bút lại cơ quan tiếp dân, không gặp nhân vật đâu, chỉ thấy vài người dân cặp nách giấy tờ, bồn chồn đứng nép bên cổng, vẻ chờ trông. Một lão nông liên tục đổi chân trụ. Chị phục vụ chắc đã quen với mấy cảnh này, nên chỉ mời cà phê cho mỗi mình nhà báo. Cô ngó ngoài sân, thấy cồn cào, như thể những giọt cà phê nghi ngút khói kia từ phin rơi thẳng xuống lòng chứ chẳng phải vào ly. Cuối cùng nhân vật cũng tới, chực thấy anh qua cổng thì bài báo của cô lập tức rụi ngọn, như bị hắt nước lạnh. Không, chính xác là bị cây tăm đang đỏng đảnh ngoắc ngoắc trên khóe miệng nhân vật chọc thẳng vào mắt.

Nói cho cùng thì cây tăm không có lỗi, nó được tạo ra là để xỉa răng, nhưng nhiều lúc nó biến thành biểu tượng của sự phè phởn, thoả mãn, vô cảm. Một người có cởi mở, nhiệt thành đến đâu, cái tâm tốt đến đâu, cũng bị đè bẹp bởi bề ngoài vô duyên và vô tình khi cây tăm cứ nhịp theo lời nói. Cô nghĩ vậy. Cô xách xe ra về, tự trách mình hay làm hư việc bởi những chuyện không đâu.

Chi tiết “hành” cô không phải lần đầu. Có lần xuống địa phương, hăm hở lặn lội trên những con đường quê vòng vèo, thấy những đứa trẻ đi học về ngoi ngót trong mưa thương quá, nhác thấy anh chủ tịch xã cười khoe tám cái răng bịt vàng choé, bỗng thấy mệt muốn ngất đi. Có lần đi mua mấy hộp sữa cho con, thấy chị bán hàng chửi người ăn mày xoi xói, cô bỏ đi mua chỗ khác. Có lần đi Đất Mũi thấy người ta xây ở đó một nhà rông kiểu… Tây Nguyên, cô hết muốn quay lại. Có lần định viết gương người tốt việc tốt một cán bộ Đoàn, nhưng ngặt nỗi anh này hay khệ nệ cái cặp táp dày ù, móng tay thì để dài. Có lần …

Cô tự làm cuộc sống của mình mệt ngoài. Nhưng không từ bỏ được, vì ngấm nỗi buồn chi tiết trước khi vào nghề viết lách. Cô dở toán bởi thầy dạy toán hay giơ tay ra bộ đếm tiền vào đầu tháng, làm thót ruột mấy đứa học thêm. Cô ghét tham gia những cuộc thi của trường chỉ vì câu nói “làm cho có phong trào để cuối năm trường mình được xếp loại khá” của người phụ trách. Có những quán cà phê cô chỉ đến một lần, nhưng lần đó bị tra tấn bởi thứ nhạc kiểu như “Em biết tôi yêu em mà em từ chối tôi làm tôi đau, tôi thương, tôi buồn” (chú thích: thấy dài ngoằng vậy chứ chỉ là tên của bài hát thôi). Thần tượng nhà thơ nọ nhưng bắt gặp cọng bún khô queo vắt trên bộ râu ông, cô buồn hết mấy bữa. Cô hay rước bực dọc vào mình, chỉ vì tấm panô tróc sơn loang lổ ở quãng trường, tiếng chuông điện thoại bằng giọng con gái ỏng ẹo, hay lá cờ xiêu vẹo trên cổng cơ quan… Đáng ra được thanh thản, nhưng cô cứ rối bời.

Cô hay tự lừa dối mình rằng, ta là người phóng khoáng. Té ra không phải, cô rất trọng tiểu tiết. Có lần gặp lại người yêu cũ, cô ngồi nhắc lần gặp đầu tiên, mắt anh lúc đó, miệng anh cười lúc đó, tóc anh lúc đó. Và kiểu áo anh hay mặc, những câu anh thường nói… Cô ngó anh, cười bảo, đi đâu, gặp mùi nước hoa cũ, là em nhớ, ngày xưa thơm bựng trên áo anh. Mỗi câu nói như một mũi kim buốt vào lòng, cô cảm giác vậy. Anh ta ngẩn ngơ, vậy a, vậy à, rõ ràng, chi tiết làm anh ta anh ta xúc động đến thảng thốt. Cô đọc được sự bối rối của một kẻ không nhớ ra những gì người khác nhớ, tăm tắp.

Rốt cuộc dường như chỉ phụ nữ là nhớ đằm, nhớ sâu…

Những chuyện không đâu

12 tháng 2, 2011

Lên nhà rẫy với Nguyên Ngọc

HỌC MỖI NGÀY. Báo Lao động đăng bài của Đan Phương  (GiaLai Online) Lên nhà rẫy với Nguyên Ngọc. Đã “đầu tám” nhưng ông đi không biết mỏi: Ngoài nước, trong nước, Bắc- Trung-Nam; rừng và biển. Những năm lại đây ông đau đáu với Trường đại học Phan Chu Trinh như một công cuộc “duy tân” mới, chuyện đã có từ trăm năm trước; lại đau đáu nỗi lo văn hóa làng- rừng trên đà biến dạng; lại cay đắng về nỗi trầm luân cống hiến của Viện IDS. Và, sau sự đau đáu ấy, ông lại đeo ba lô ngược núi. Khi thì một mình, khi cùng “đồng đội”...

Quen biết ông đã lâu nhưng chỉ vài năm lại đây mới có vẻ như được coi là bạn vong niên với ông. Mỗi lần trở về Tây Nguyên ông lại gọi. Nhiều khi lang thang cả tuần với ông về những vùng làng kỷ niệm; có khi là một khoảnh khắc transite ở Sân bay Pleiku… Mà lần nào cũng thế, người dân ở các làng vẫn coi ông là Bok Núp thứ 2, là già làng Tây Nguyên, là người con của núi rừng.


Ông già cực đoan đáng kính

Từ lâu Nguyên Ngọc đã không còn là nhà văn; ông là nhà văn hóa, nhất là văn hóa Tây Nguyên- thông qua những công trình đáng nể mà ông đã dịch hoặc hiệu đính: “Rừng, đàn bà điên loạn”, “Chúng tôi ăn rừng” hay “Rừng người Thượng”… Đi với ông nhiều, tôi cũng… “đúc kết” rằng: Công chúng vẫn yêu mến ông nhiều lắm, ai gặp cũng xin chụp ảnh cùng như một vinh hạnh đời người. Thế nhưng hầu hết công chúng chỉ biết ông với “Đất nước đứng lên” và “Rừng xà nu”. Cái “hậu nghiệp” của ông, theo tôi, đồ sộ hơn nhiều thì ít người biết đến… Cũng có lần, khi còn sơ giao, tôi hỏi ông: “Gần đây chú có đọc không, và đọc ai?”.


Nhà văn Nguyên Ngọc. Ảnh: Đan Phương

Ông từ tốn bảo: “Ba người khác và Cánh đồng bất tận”. Theo ông, cả miền Trung bây giờ chỉ còn có 2 người thực sự viết văn, tôi biết một là T.B.L, và… Tôi lại hỏi, “thế Tây Nguyên có ai đáng đọc”. Ông im lặng. Tôi đem câu chuyện này kể lại với một người làm thơ quen biết, tên tuổi cũng đang dần đình đám theo kiểu xu thời. Anh bảo: “Ông ấy già rồi, có đọc nữa đâu mà biết”. Tôi hiểu, người già có quyền đọc ít đi, nhưng chọn lọc kỹ hơn. Còn thì chao ôi, cái sự hãnh tiến vẫn là căn bệnh truyền kiếp của số đông hậu bối vẫn nghĩ mình là văn nhân.

Đã “đầu tám” nhưng ông đi không biết mỏi: Ngoài nước, trong nước, Bắc- Trung-Nam; rừng và biển. Những năm lại đây ông đau đáu với Trường đại học Phan Chu Trinh như một công cuộc “duy tân” mới, chuyện đã có từ trăm năm trước; lại đau đáu nỗi lo văn hóa làng- rừng trên đà biến dạng; lại cay đắng về nỗi trầm luân cống hiến của Viện IDS. Và, sau sự đau đáu ấy, ông lại đeo ba lô ngược núi. Khi thì một mình, khi cùng “đồng đội”.

Hiền minh ở nhà rẫy Bok Tơ

Ở cái làng Kon Drấp Du (xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) này có hai già làng, uy tín như nhau. Bok Đeng-nguyên là cán bộ nghỉ hưu, hồ hởi đón “Bok Ngọc” cùng khách vào nhà trong niềm trọng thị mộc mạc đối với người em của Bok Núp. Bok Đeng giải thích: Kon là người, Drấp là tên người đàn bà từ hơn trăm năm trước đã có công đưa người làng trèo đèo lội suối hàng mấy trăm cây số từ mãi An Khê lên vùng đất mới lập làng, Du là tên khe nước.

Trong nhà rẫy Bok Tơ.


Hàng thế kỷ trước Kon Drấp Du ở mãi trên vùng nhà rẫy bây giờ. Dời xuống thấp từ năm 1992, đến 1993 làng đã chết nhiều người vì dịch bệnh; giờ đời sống mới tạm ổn thì đất đai canh tác đã cạn nhiều. Xã Tân Lập giờ lại thêm di dân từ Quảng Nam và nhiều nơi khác. “Văn hóa đa sắc tộc” đã không còn giữ được một Kon Drấp Du vẹn nguyên bản sắc. “Lên nhà rẫy vậy”.

Từ làng leo núi ngược lên vùng nhà rẫy chúng tôi đi mất hơn 2 tiếng (đồng bào đi chỉ mất nửa giờ). Kon Drấp Du có 142 hộ thì cũng có ngần ấy “nhà rẫy” trên núi. Vài hộ co cụm lại thành khu nhà rẫy vài căn, rào nứa bao quanh; chăn thả, chọc trỉa, và hái lượm; không điện, không đài, không điện thoại-như ngày xưa.

Bốn đứa con nhỏ của Bok Tơ- chủ nhà rẫy- thấy khách lạ dúi hẳn vào một xó nhà sàn như lũ cún con. Thằng anh lớn nhất chừng 6 tuổi sau khi hiểu ra đã chạy xuống giọt lấy nước về nấu mời khách. Cuối chiều Bok Tơ cùng vợ và con lớn từ rẫy về. Cơm rồi rượu. Ngà ngà rồi mới vói tay lên mái nhà, Bok Tơ bắt đầu chỉnh dây cây đàn Brưng đã lâu không đụng đến. Khuya, trăng 16 lên cao; một nửa núi rừng chìm trong đêm tối mịt mùng, nửa còn lại như dát vàng, hư ảo. Tiếng đàn Brưng da diết, giọng mí Blếch ngọt ngào hát không biết mỏi những bài tình ca Bahnar.

Nguyên Ngọc với chiếc áo thun rách lỗ chỗ cứ điềm nhiên ngồi vít cần rượu, lắng nghe. Không gian như đã thuộc về một thời đại cũ kỹ nào. Cho đến gần sáng rồi ngả lưng lên sàn mà ngủ. Jason-chàng tiến sĩ người Úc, và Aude Genet-cô gái Pháp sống và làm việc tại Hà Nội đã mấy năm, đồng tình: Họ sống giữa thiên nhiên giàu có và họ thật hạnh phúc.

Sáng sau xuống núi, lại thêm 2 giờ vượt qua nhiều khe vực với tầm nhìn mênh mông, thoáng đãng và những khu nhà rẫy đẹp như tranh, Nguyên Ngọc im lặng. Cái im lặng sau mấy thập kỷ gắn bó với vùng đất huyền thoại giờ đã nhuốm quá nhiều màu sắc, kỳ thực, đã nói rất nhiều điều.

Theo Đan Phương (Gia Lai Online)

10 tháng 2, 2011

Giáo sư Vũ Đình Hoè người tạo nền cho giáo dục


HỌC MỖI NGÀY
Giáo sư Vũ Đình Hoè người tạo nền cho giáo dục với ba chủ trương lớn khởi đầu của nước Việt Nam mới : Một là, quyết tâm thanh toán nạn mù chữ trong vòng một năm với mức tốn phí tiền bạc không đáng kể, vì chủ yếu dựa vào sức dân. Hai là, dạy học bằng tiếng Việt ở tất cả các cấp, kể cả bậc đại học.Ba là, nhanh chóng thực hiện cải cách giáo dục. “Thay thế hẳn nền giáo dục nhồi sọ của thực dân Pháp trước đây bằng nền giáo dục mới theo ba phương châm: dân chủ, dân tộc, khoa học”. Người Thầy tròn 100 tuổi vừa thanh thản ra đi ngày 29.1.2011, Thế hệ vàng Vũ Đình Hòe không lặp lại nhưng sức cảm hoá và ý nguyện của Người vẫn tiếp tục tạo đà cho sự nghiệp trồng người của dân tộc Việt đi tới.


Tuổi Trẻ - Chỉ trong sáu tháng ở cương vị bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục, ông đã làm được nhiều việc quan trọng, đáng kể là ba chủ trương mang tính “tạo nền” được Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn toàn tán thành và quyết định cho làm ngay. Giáo sư Vũ Đình Hòe (trái) nhận hoa chúc mừng của TS Huỳnh Công Minh, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, tại lễ kỷ niệm 65 năm nền giáo dục cách mạng VN ngày 8-9-2010 - Ảnh: MINH ĐỨC


Giáo sư Vũ Đình Hòe sinh năm 1912 trong một gia đình Nho học, nguyên quán tại làng Lương Ngọc, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Tiếp thu một cách tự nhiên chí hướng của tổ tiên, từ khi bắt đầu cắp sách đi học đến lúc bảo vệ thành công luận án cử nhân luật khoa tại Trường ĐH Đông Dương, giáo sư luôn kiên trì vượt qua hoàn cảnh ngặt nghèo của gia đình, cố gắng tự bươn chải kiếm sống mà vẫn nổi tiếng học giỏi, mọi kỳ thi đều đạt hạng tối ưu.

Không mưu cầu giàu sang cho riêng mình

Nhà trí thức trẻ tuổi này không nhằm mưu cầu giàu sang phú quý cho riêng mình. Ông sớm xác định một lý tưởng sống cao đẹp mà nhiều thanh niên ưu tú thuộc thế hệ ông đã hướng tới: bằng trình độ văn hóa cao và nhiệt huyết của tuổi trẻ, các vị đó muốn chung tay góp sức đẩy mạnh việc nâng cao dân trí, đưa đất nước thoát cảnh lầm than nô lệ.

Vì thế ngay khi còn ngồi trong giảng đường đại học (1932-1935) ông đã hăng hái tham gia các hoạt động xã hội của Tổng hội sinh viên.

Tốt nghiệp đại học, thay vì dễ dàng có một vị trí tốt trong hàng ngũ quan lại, công chức cao cấp của chính quyền thực dân, ông đã chọn con đường dạy học tốt đẹp và thanh bạch tại hai trường trung học tư thục nổi tiếng lúc đó: Thăng Long và Gia Long.

Cùng các giáo sư đồng nghiệp có uy tín khác như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Minh Giám, Đặng Thai Mai..., ông đã góp phần đào tạo lớp lớp thanh niên mới, có trình độ văn hóa vững vàng và có tinh thần yêu nước sâu nặng.

Nhiều người trong số đó đã âm thầm theo bước các ông thầy đáng kính, đến với chiến khu Việt Bắc những ngày tiền khởi nghĩa. Và hầu như tất cả học sinh của các thầy sau đó đều đã trở thành cán bộ nòng cốt trong bộ máy chính quyền các cấp của nhà nước cách mạng non trẻ.

Vừa dạy học ông vừa tham gia hoạt động trong Hội Truyền bá quốc ngữ. Với vai trò phó chủ tịch, ông phụ giúp đắc lực cho cụ chủ tịch hội - cố học giả Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố (sau này là chủ tịch Quốc hội đầu tiên của nước VN Dân chủ cộng hòa).

Hai vị, một già một trẻ, đã đến các địa phương kiên nhẫn xây dựng phong trào, với ước muốn thiết tha cháy bỏng sao cho dân mình ngày càng nhiều người thoát nạn mù chữ. Không chỉ đầu tư công sức vào lĩnh vực giáo dục, ông còn ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của báo chí trong công cuộc “nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí”.

Ba chủ trương mang tính “tạo nền” của GS Vũ Đình Hòe

Một là, quyết tâm thanh toán nạn mù chữ trong vòng một năm với mức tốn phí tiền bạc không đáng kể, vì chủ yếu dựa vào sức dân. Hai là, dạy học bằng tiếng Việt ở tất cả các cấp, kể cả bậc đại học. Ba là, nhanh chóng thực hiện cải cách giáo dục. “Thay thế hẳn nền giáo dục nhồi sọ của thực dân Pháp trước đây bằng nền giáo dục mới theo ba phương châm: dân chủ, dân tộc, khoa học”. (Hồi ký Vũ Đình Hòe, NXB Hội Nhà Văn,  2004 - trang 738)

Năm 1941, ông cùng một nhóm bạn chí cốt, tâm huyết như các tiến sĩ luật khoa Phan Anh, Vũ Văn Hiền, nhà doanh nghiệp Hoàng Thúc Tấn, nhà báo Lê Huy Vân chủ trương tờ Thanh Nghị - một trong những tờ báo nổi tiếng thời ấy, tập hợp hàng trăm cây bút có uy tín, tài năng và đức độ thuộc cả hai giới cựu học và tân học, cả những vị cao niên và tráng niên.

Dưới sự điều hành linh hoạt, uyển chuyển của giáo sư với tư cách chủ nhiệm của báo, nhiều bài viết trong 120 số Thanh Nghị đã cung cấp cho giới trí thức VN lúc đó những hiểu biết cần thiết, đặc biệt về hiện trạng đất nước trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, để nhằm kín đáo nhắc mọi người quan tâm đến vận mệnh của đất nước trong hiện tại và tương lai. Số đầu xuân 1944, báo đã gióng chuông “giải phóng trong đau khổ” và nghiêm trang dự báo “không còn xa nữa bước ngoặt của lịch sử”.

Cải cách giáo dục

Tháng 3-1945, giáo sư bí mật thoát ly lên Việt Bắc. Tháng 8-1945, ông tham dự Quốc dân đại hội ở Tân Trào (Tuyên Quang). Cuối tháng đó, ông được mời tham gia chính phủ cách mạng lâm thời và giữ chức bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục.

Nhờ những đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, ngành giáo dục cách mạng non trẻ ngay từ những ngày độc lập đã dồi dào sức sống, tác động tích cực đến mọi mặt hoạt động của đất nước.

Sau sáu tháng tại vị, ông được điều sang một lĩnh vực khác cũng rất quan trọng - lĩnh vực tư pháp, vẫn với cương vị bộ trưởng. Trong non 15 năm (1946-1960), ông đã có những đóng góp tích cực vào việc hiện thực hóa “tư tưởng pháp quyền” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dựa trên tư tưởng gốc “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Từ nằm 1961 trở đi, ông thôi chức bộ trưởng, chuyển sang hoạt động nghiên cứu tại Viện Luật học trực thuộc Ủy ban Khoa học xã hội. 15 năm làm việc với tư cách chuyên viên cao cấp (1961-1975) rồi tiếp đến thời kỳ nghỉ hưu, dù hoạn lộ thăng trầm ông luôn giữ được cốt cách một kẻ sĩ: bình tĩnh, ung dung, điềm đạm, vẫn say mê mài miệt viết sách, viết báo, làm từ điển, tham gia các cuộc hội thảo khoa học của Quốc hội và Bộ Tư pháp.

Những công trình của ông về luật học, đặc biệt về Dân luật đã phục vụ thiết thực công cuộc đổi mới của đất nước.

Giờ đây, ở tuổi tròn 100, giáo sư Vũ Đình Hòe đã thanh thản về với thế giới những con người cao thượng, với Chủ tịch Hồ Chí Minh - người mà ông hằng luôn tôn kính “về nhân tính - nhân tình và phong cách sống” (Hồi ký Vũ Đình Hòe, trang 703).

Vĩnh biệt giáo sư Vũ Đình Hòe

Giáo sư Vũ Đình Hòe - bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục đầu tiên của nước VN Dân chủ cộng hòa - đã từ trần lúc 9g20 ngày 29-1-2011 tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), hưởng thọ 100 tuổi. Lễ viếng GS Vũ Đình Hòe bắt đầu từ 8g ngày 10-2-2011 (tức mồng 8 tháng giêng năm Tân Mão) tại Nhà tang lễ thành phố, 25 Lê Quý Đôn, TP.HCM. Lễ truy điệu lúc 11g ngày 11-2. An táng tại Nghĩa trang thành phố.
Giáo sư Vũ Đình Hòe đã ra đi nhưng những gì ông để lại khiến chúng ta như thấy người vẫn đang đồng hành với dân tộc hôm nay. Những đổi mới quyết liệt ban đầu trong ngành giáo dục mà giáo sư chủ trương đã và đang tiếp tục tạo đà cho sự nghiệp trồng người.

Tập báo Thanh Nghị còn đó, bất cứ ai khi lật giở từng trang vẫn có thể rút ra những bài học quý từ những nhận thức, suy tư nặng tình yêu nước của thế hệ trí thức cha anh. Và cuốn Hồi ký Vũ Đình Hòe dày non 1.200 trang, trung thực, tâm huyết, giúp ta nhớ lại những biến động dữ dội của lịch sử cùng những bước đi đúng hướng nhưng đầy trăn trở của trí thức VN.

Tất cả những sản phẩm tinh thần xuất sắc ấy cùng với nhân cách phẩm hạnh cao đẹp của ông sẽ luôn gợi nhớ cho những người hôm nay một mẫu hình sống đẹp mà bất cứ ai cũng cần chân thành học hỏi.

TRẦN HỮU TÁ
Báo Tuổi Trẻ

Tìm trong di sản


Hồi ký Thanh Nghị: Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh 1500 trang
Vị Bộ trưởng khuyến khích sinh viên cãi thầy (VNN 31.1. 2011) GS Vũ Đình Hoè (15/11/2005)
Ba ước nguyện đầu xuân của vị giáo sư 100 tuổi (VNN 1.2.2011) GS Vũ Đình Hoè kể, Vân Phong ghi


Những bài tưởng nhớBộ trưởng Giáo dục đầu tiên từ trần  (VNN 31.1.2011) Lê Vĩnh Thọ Giáo sư Vũ Đình Hòe: Người “tạo nền” cho giáo dục (TT 9.2. 2011) - Trần Hữu TáThế hệ vàng Vũ Đình Hòe không lặp lại (VNN 8-2. 2011)  - Dương Trung Quốc Chuyện chưa kể về chú tôi, cụ Vũ Đình Hòe (VNN 9-2. 2011) Vũ Thị Tuyết Tâm hương đưa tiễn
Người Thầy tròn 100 tuổi vừa thanh thản ra đi, Thế hệ vàng Vũ Đình Hòe không lặp lại nhưng sức cảm hoá và ý nguyện của Người vẫn tiếp tục tạo đà cho sự nghiệp trồng người của dân tộc Việt đi tới. Xin đồng cảm sâu sắc với ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc: "Thế hệ vàng đã để lại tên tuổi trong lịch sử, trong đó GS Vũ Đình Hòe có may mắn là sống trọn gần một thế kỷ, trải nghiệm qua tất cả thăng trầm. Ông là người vượt qua tất cả những thử thách của cuộc cách mạng. Hòa nhập vào được trào lưu chính thống của cuộc cách mạng là một thử thách rất lớn... Cốt lõi của giáo dục cần phải quan tâm đến, nhất là trong bối cảnh hiện nay, là vẫn phải giáo dục con người. Kiến thức làm người là quan trọng nhất, sau đó mới đến kỹ năng và tri thức khác....Những nhà Duy Tân đầu thế kỷ cũng từng đứng trước sự lựa chọn như chúng ta- từ bỏ cái gì và lựa chọn cái gì. Ngày xưa các cụ có triết lý rất đơn giản: thực học và thực nghiệp, cho nên không bị hư hỏng. Chúng ta đang khủng hoảng vì tiếp nhận quá nhiều giá trị ảo. " Thành kính vĩnh biệt GS. Vũ Đình Hoè !

8 tháng 2, 2011

Sóng ngầm Nguyễn Ngọc Tư

HỌC MỖI NGÀY. Sáng mồng sáu Tết đi làm, bầu bạn hỏi: "Tết có đọc thêm được cái gì không?" "Có, xem lại được khá kỹ về Đào Duy Từ với chúa Nguyễn và đọc Sóng ngầm Nguyễn Ngọc Tư" "Ở̉ đâu vậy?" "À. Ở ... báo Tiền Phong, nhiều chuyện lớn vẫn khởi nguồn từ Thanh Hoá và Nam Bộ". HK

TP - Nguyễn Ngọc Tư là người ít bộc lộ mình, ít tuyên ngôn, thậm chí, ở chốn đông người, chị thường nép vào một góc khuất để lắng nghe, đôi khi thấy chị tủm tỉm cười với đôi người quen biết. Tuy vậy, bên trong con người nhà văn của sông nước này, dường như luôn có những con sóng ngầm, dù chị luôn sợ những mảnh vỡ và luôn tránh xa giông bão…

Nguyễn Ngọc Tư, ảnh Nguyễn Đình Toàn.

Thưa nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, chị thấy năm 2010 của mình thế nào?

Tôi cũng khá… hài lòng!

Thành công tiếp nối thành công, đó là Ngọc Tư, tôi có cảm giác, vận may đang đeo bám chị?

Nhìn thì có vẻ tôi được nhiều người ưu ái nhớ đến.

Không chỉ nhớ, mà còn nhắc hoài, như vụ phim Cánh đồng bất tận vừa xong?

Tôi vẫn nghĩ năm nay không quá tồi, nhưng không phải vì bộ phim đó. Cho tới bây giờ tôi vẫn thấy mình được chúc mừng nhầm, tôi không vơ lấy doanh thu rực rỡ của phim làm vinh dự của mình.

Chị có ngại người ta nói là mình “ăn theo”?

Không, tôi có ăn đâu mà theo.

Nguyễn Ngọc Tư được nhận xét là một người có sự thâm trầm rất duyên dáng. Tưởng thì hiền và yếu đuối song kỳ thực lại là một người khá… dí dỏm và thậm chí hơi đanh đá (?) trong cách đấu khẩu và tôi có cảm tưởng rằng, trong chị có một nghị lực khá phi thường?

Ôi, bạn thấy tôi đanh đá hồi nào thế? Ừ thì chữ tôi có chút đanh đá, nhưng miệng tôi hiền khô mà. Bạn bè tôi ai cũng nói, từ ngữ từ những ngón tay tôi (qua thư, chat, hay tin nhắn) thì sinh động lanh lợi hơn là khi thể hiện bằng lời nói. Có những chuyện mình nghĩ ra được nhưng khó nói bằng lời được.

Chị có nhớ kỷ niệm về những trang viết đầu tiên đã đưa chị đến với văn chương?

Tôi lấy tên anh trai mình làm bút danh khi viết tác phẩm đầu tay vì nghĩ rằng viết văn là một việc làm kỳ cục lắm. Đến giờ vẫn nghĩ ôi cái công việc của mình quái dị làm sao, khác thường thế nào ấy…

Có vẻ như chị luôn có sự may mắn?

Ngược lại, tôi thường thất bại, có thể nói là thất bại tỉ lệ khá cao. Tôi bỏ chúng vào ngăn kéo và quên đi, quên đến nỗi khi đọc lại tôi không nghĩ là mình đã viết ra những trang này. Chỉ những người từng làm việc với tôi mới hay tôi cũng vật vã khổ ải với chữ nghĩa, chứ không phải đặt tay lên bàn phím là văn vẻ tuôn trào.

Những lúc đó chị đã làm thơ?

Tôi chỉ lấn sân tí thôi, nhưng rõ ràng, có những cảm xúc những ý nghĩ không đi dài hơi thành truyện thế là tôi tận dụng vào… thơ. Tôi là kẻ tham lam, không muốn bỏ xó một cảm xúc nào, vì đến một lúc nào đó mình sẽ rỗng đi.

Cuộc sống gia đình có là bến đỗ bình an với chị không?

Tôi theo chủ nghĩa tương đối, cảm thấy lúc này cuộc sống của mình cũng được… Tôi cố gắng để không gì có thể làm xáo trộn tổ ấm của mình. Tôi ít mang văn chương, không mang Nguyễn Ngọc Tư về nhà, hoặc có thì tôi che giấu đi, tôi chỉ là vợ, là mẹ của hai nhóc con.

Ngọc Tư sống quá bình yên và lặng lẽ, chẳng có scandal, không có sự nổi loạn… Những phẩm chất này hình như rất ít nữ nhà văn đương đại có được?

Ôi tôi thấy nhiều người viết còn lặng lẽ hơn tôi. Họ ẩn dật trong một góc tối nào đó, miệt mài làm việc. Và mỗi khi nhớ tới họ, đọc tác phẩm mới nhất của họ, tôi lại nghĩ mình ở ngoài sáng hơi nhiều, phơi bày mình hơi nhiều (ví dụ như ngồi trò chuyện với bạn đây, thực chất là một cuộc phơi bày). Còn nổi loạn á, tôi cũng nổi loạn theo kiểu của tôi, cũng có những cơn sóng ngầm…

Có lúc nào chị muốn phá bung mình lên để giải thoát cái tôi cá nhân, (cũng có thể bằng cách viết văn)?

Tôi chết nhát lắm, phá thì dễ nhưng xây lại khó. Và những mảnh vỡ đó có thể làm đau ai khác, ngoài tôi.

Nguyễn Ngọc Tư dường như được ông trời dành cho nhiều sự ưu ái,… có lúc nào chị thấy cũng khá… khâm phục mình không?

Có chứ. Tôi tự khen tôi miết, bảo rằng mày vậy là giỏi là đã cố gắng gấp đôi rồi. Sống chậm lại thôi, đừng vội. Chơi đi. Và tôi quyết định mình sẽ dành cả năm tới để… chơi.

Những ngày tết, chị thường làm gì?

Loanh quanh thăm họ hàng. Ngủ. Chơi với con. Có tết tôi nhận ra chỉ dịp này tôi và chồng mới đi chung… xe.

Chị có cảm giác gì khi vừa cuối năm nay, có người lại muốn chuyển thể một tác phẩm của chị sang điện ảnh?

Tôi thấy vui vì sắp lại được… đi xem phim! (cười)

Xin cảm ơn chị!

Trần Hoàng Thiên Kim
http://www.tienphong.vn/Van-Hoa/526959/Song-ngam-Nguyen-Ngoc-Tu.html

7 tháng 2, 2011

Chào mừng mạng doanh nhân trí thức NES

HỌC MỖI NGÀY. Chào mừng mạng doanh nhân trí thức NES kho tri thức giàu thông tin về phản biện xã hội, văn hoá, khoa học kỹ thuật  Trong chùm bài đầu xuân có bài của giáo sư Phan Huy Lê " Khách quan- Trung thực- Công bằng về chúa Nguyễn, triều Nguyễn"   và bài  của  giáo sư Joseph S. Nye, "Tính hiện thực của quyền lực ảo" .



Khách quan- Trung thực- Công bằng
về chúa Nguyễn, triều Nguyễn


GS. Phan Huy Lê

Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX:



1. Quá trình nhận thức và yêu cầu của hội thảo


Nhận thức lịch sử là một quá trình tiến tới tiếp cận lịch sử một cách càng ngày càng khách quan, trung thực, gần với sự thật lịch sử nhất trong khả năng của các nhà sử học. Tôi nói gần với sự thật lịch sử nhất trong hàm ý là giữa lịch sử khách quan và lịch sử được nhận thức bao giờ cũng có một khoảng cách mà mục tiêu và ước vọng của các nhà sử học là rút ngắn khoảng cách đó.


Khả năng này tùy thuộc vào rất nhiều nhân tố, trước hết năng lực của nhà sử học biểu thị ở trình độ lý thuyết và phương pháp luận, cách tập hợp và xử lý các nguồn thông tin, mặt khác là cách nhìn và động cơ của nhà sử học liên quan đến những tác động chi phối hay ảnh hưởng của bối cảnh chính trị của mỗi thời kỳ lịch sử. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta cùng nhau thảo luận để nhìn nhận, đánh giá lại một số sự kiện, nhân vật lịch sử hay cả một giai doạn, một thời kỳ lịch sử.


Thời kỳ các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn từ thế kỷ XVI cho đến thế kỷ XIX là một trong những thời kỳ lịch sử đã trải qua những cách nhìn nhận và đáng giá hết sức khác nhau, có lúc gần như đảo ngược lại.


Vương triều Nguyễn để lại những bộ chính sử đồ sộ của vương triều biểu là bộĐại Nam thực lục[1]và Đại Nam liệt truyện[2]. Những bộ chính sử của vương triều bao giờ cũng chép theo quan điểm chính thống của vương triều đang trị vì và nhằm tôn vinh công lao, sự nghiệp của vương triều. Trên quan điểm chính thống đó, Sử quán triều Nguyễn phê phán những thế lực đối lập như chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, các lực lượng chống đối như coi Tây Sơn là "ngụy triều"...


Trong xu hướng canh tân phát triển mạnh thời Tự Đức, một số nhà trí thức cấp tiến đã dâng lên triều đình nhiều bản điều trần đầy tâm huyết. Trong số điều trần này, một số tác giả đã nêu lên trên tinh thần phê phán những mặt tiêu cực, lạc hậu của đất nước thời Nguyễn, nhất là về kinh tế, quốc phòng và giáo dục. Tiêu biểu nhất là Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Đặng Huy Trứ.


Như vậy là trong thời kỳ các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn, bên cạnh quan điểm chính thống tôn vinh vương triều, cũng đã có những góc nhìn khác từ những đề nghị canh tân của những trí thức cấp tiến.


Trong thời Pháp thuộc, xuất hiện nhiều công trình nghiên cứu của người Việt Nam, người Pháp, phần lớn theo xu hướng vận dụng phương pháp luận hiện đại của phương Tây. Các công trình nghiên cứu tập trung nhiều nhất vào việc khảo tả các di tích lịch sử, văn hóa, các nghi lễ, các công trình nghệ thuật và các nhân vật lịch sử cùng quan hệ giao thương với nước ngoài, các thương cảng, đô thị, nhất là kinh thành Huế. Những kết quả nghiên cứu này, ngoài những ấn phẩm in thành sách, thường là các luận văn đăng tải nhiều nhất trên Bulletin des Amis du Vieux Hue (BAVH), Bulletin de l’ Ecole française d’ Extrême-Orient (BEFEO) và trên tạp chí tiếng Việt như tạp chí Tri tân, Nam phong, Trung Bắc chủ nhật"[3]... .Một số bộ sử An Nam của người Pháp như Histoire moderne du pays d’ Annam của Charles Maybon[4], Lecture sur l’ histoirre d’ Annam của Ch. Maybon và H. Russier[5] cũng nhấn mạnh công thống nhất đất nước và những thành tựu của triều Nguyễn, đồng thời có xu hướng nêu cao vai trò trợ giúp của một số sĩ quan và kỹ thuật Pháp.


Trong những nghiên cứu cụ thể về từng phương diện như vây tuy không đưa những nhận xét đánh giá chung về các chúa Nguyễn hay vương triều Nguyễn, nhưng tạo ra cơ sở khoa học cho những khái quát về thời kỳ lịch sử này. Những nhận xét mang tính đánh giá thể hiện rõ hơn trong những một số công trình về thông sử Việt Nam.


Ví dụ Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, trong đó một mặt tác giả biện giải triều Tây Sơn không phải là "ngụy triều" như cách nhìn nhận chính thống của sử triều Nguyễn, mặt khác nêu cao công cao thống nhất đất nước "đem giang sơn về một mối, nam bắc một nhà, làm cho nước ta thành một nước lớn ở phương nam vậy"[6] Tác giả đánh cao những thành tựu thời Gia Long, Minh Mệnh, nhưng cũng phê phán triều Tự Đức để cho đất nước suy yếu và lâm vào"sự nguy vong.


Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 cho đến năm 1975, trong thời kỳ chiến tranh, công việc nghiên cứu nói chung có bị hạn chế, số lượng các công trình nghiên cứu chuyên đề không nhiều. Nhưng chính trong bối cảnh này đã xuất hiện một khuynh hướng phê phán gay gắt các chúa Nguyễn cũng như các chúa Trịnh và đặc biệt là vương triều Nguyễn thế kỷ XIX. Khuynh hướng này phát triển ở miền Bắc trong thời gian từ 1954 phản ánh trên một số luận văn trên tạp chí Văn sử địa, Đại học sư phạm, Nghiên cứu lịch sử và biểu thị tập trong những bộ lịch sử, lịch sử văn học, lịch sử tư tưởng Việt Nam...


Mỗi tác giả và tác phẩm tuy có mức độ khác nhau, nhưng tựu trung đều chung khuynh hướng phê phán các chúa Nguyễn (cũng như các chúa Trịnh) đã chia cắt đất nước, vương triều Nguyễn mở đầu bằng hành động cần viện tư bản Pháp, phong kiến Xiêm để tiến hành cuộc chiến tranh chống Tây Sơn và kết thúc bằng sự đầu hàng quân xâm lược Pháp. Thời kỳ nhà Nguyễn bị kết án là thời kỳ chuyên chế phản động nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Khuynh hướng đó gần như trở thành quan điểm chính thống trong biên soạn sách giáo khoa đại học và phổ thông.


Thái độ phê phán gay gắt trên có nguyên do sâu xa trong bối cảnh chính trị của đất nước thời bấy giờ và trong cách vận dụng phương pháp luận sử học của các nhà nghiên cứu.


Quan điểm trên nẩy sinh, xác lập trong những năm từ 1954-1956 và phát triển mạnh cho đến những năm 70 của thế kỷ XX. Đó là thời kỳ cả dân tộc đang tiến hành cuộc chiến tranh vô cùng ác liệt hoàn thành nhiệm vụ giải phóng đất nước, thống nhất tổ quốc. Trong thời kỳ đó, độc lập dân tộc và thống nhất quốc gia là mục tiêu cao cả, có ý nghĩa thiêng liêng của cuộc chiến đấu. Vì vậy khi nhìn lại lịch sử, bất cứ hành động nào xúc phạm hay đi ngược lại độc lập và thống nhất đều bị phê phán. Cuộc tranh luận về sự thống nhất đất nước thời Tây Sơn và nhà Nguyễn cũng tiến hành trong không khí chính trị đó và đã xuất hiện quan điểm cực đoan cho rằng Tây Sơn đã hoàn thành, thậm chí hoàn thành triệt để nhiệm vụ khôi phục quốc gia thống nhất. Bối cảnh lịch sử của cuộc chiến tranh đã tác động đến thái độ của nhiều nhà sử học trong nhìn nhận và đánh giá về các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn, nhất là các cơ quan khoa học trong hệ thống chính trị đương thời.


Nguyên nhân về vận dụng phương pháp luận là thuộc trách nhiệm của các nhà sử học. Đây là thời kỳ nền sử học hiện đại xây dựng trên hệ tư tưởng Mácxít đang hình thành và trong vận dụng phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nhĩa duy vật lịch sử phạm những sai lầm của chủ nghĩa giáo điều, công thức, máy móc. Theo lý thuyết về hình thái kinh tế xã hội, thời bấy giờ đang thịnh hình quan điểm cho rằng chế độ phong kiến Việt Nam hình thành trong thời Bắc thuộc, phát triển đạt đến độ cực thịnh ở thời Lê sơ thế kỷ XV và bắt đầu suy vong từ thế kỷ XVI, rồi lâm vào tính trạng khủng hoẳng trầm trọng vào thời cuối Lê và nhà Nguyễn.

Như vậy là thời kỳ các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn được đặt vào khung suy vong, khủng hoẳng của chế độ phong kiến và trong bối cảnh đó thì giai cấp phong kiến không còn vai trò tích cực, không còn đại diện cho lợi ích dân tộc. Áp dụng lý thuyết hình thái kinh tế xã hội và đấu tranh giai cấp một cách giáo điều đã dẫn đến những hệ quả đưa ra những phân tích và đánh giá lịch sử thiếu khách quan, không phù hợp với thực tế lịch sử. Không riêng các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn mà những nhân vật lịch sử liên quan, và rộng ra cả vương triều Mạc trước đó, đều bị đánh giá theo quan điểm chưa được khách quan, công bằng như vậy.


Công cuộc Đổi mới khởi đầu từ năm 1986, bắt đầu từ đổi mới tu duy kinh tế, sau đó dần dần được mở rộng sang các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Năm 1988 Hội Khoa học lịch sử Việt Nam được tổ chức lại trên phạm vi cả nước và một trong những hoạt động khoa học đầu tiên là tổ chức cuộc Hội thảo khoa học"Sử học trước yêu cầu Đổi mới của đất nước" tại Hà Nội năm 1989 và tại thành phố Hồ Chí Minh năm 1990 với sự tham gia của nhiều nhà sử học và những ngành liên quan của khoa học lịch sử như khảo cổ học, dân tộc học, bảo tàng và bảo tồn học, văn hóa học. .


Hội thảo đã đạt được sự đồng thuận cao trong khẳng định những thành tựu của nền sử học hiện đại Việt Nam, vai trò và cống hiến của sử học trong thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, trong cuộc sống xã hội đồng thời nghiêm khắc nêu lên những mặt hạn chế, những yếu kém và khuyết tật để khắc phục. Về mặt này, hội thảo đã nêu lên ba mặt yếu kém quan trọng nhất về tư duy sử học là: - Khuynh hướng giáo điều, công thức trong vận dụng các nguyên lý của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, - Khuynh hương "chính trị hóa lịch sử", dùng lịch sử để minh họa một số quan điểm chính trị có sẵn, tự hạ thấp tính độc lập, vai trò sáng tạo của khoa học lịch sử, - Khuynh hướng "hiện đại hóa lịch sử" theo ý nghĩa là trình bày lịch sử quá khứ như hiện đại, không tôn trọng tính đặc trưng của từng thời kỳ lịch sử[7]


Trong hội thảo, nhiều tham luận và phát biểu cũng đã nêu lên yêu cầu đổi mới tu duy sử học theo hướng tiếp cận và nhận thức đối tượng một cách khách quan, trung thực nhất trong khả năng cao nhất của sử học. Một loạt vấn đề, trong đó có những giai đoạn lịch sử như triều Hồ, triều Mạc, các chúa Nguyễn, triều Nguyễn được đưa ra phân tích để minh chứng cho những nhận định phiến diện, thiếu tính khách quan, khoa học trước đây.

Từ cuối những năm 80, nhất là từ những năm 90 của thế kỷ XX trở lại đây, công việc nghiên cứu về thời kỳ các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn đã được triển khai và đạt nhiều thành tựu mới theo xu hướng tư duy khách quan, trung thực. Ngoài các công trình nghiên cứu của cá nhân, một đề tài Khoa học cấp nhà nước mang tiêu đê " Khảo cứu kinh tế và tổ chức bộ máy nhà nước triều Nguyễn, những vấn đề đặt ra trong thực tiễn đổi mới đất nước hiện nay", mã số KX-ĐL: 94-16 do PGS Đỗ Bang làm chủ nhiệm đã được thực hiện năm 1995-1996 với sự tham gia gần như của giới sử học cả nước. Phạm vi nghiên cứu dần dần được mở rộng trên tất cả lĩnh vực của thời kỳ lịch sử này, từ kinh tế, xã hội đến chính trị, văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật...Nhiều công trình khoa học được xuất bản hay đăng tải trên các tạp chí khoa học, gần hai chục cuộc hội thảo khoa học đã được tổ chức ở thành phố Huế, thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Hà Nội[8]. Một số luận án Tiến sĩ đã chọn đề tài trong thời kỳ lịch sử các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn. Một số học giả nước ngoài cũng quan tâm nghiên cứu thời kỳ này và khá nhiều công trình đã được công bố, trong đó có một số công trình đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam[9].


Trong nhận định và đánh giá về các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX dĩ nhiên còn có những khác biệt giữa các tác giả và còn nhiều vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu, thảo luận. Nhưng mẫu số chung của những công trình nghiên cứu trong vài thập kỷ trở lại đây ở trong nước cũng như nước ngoài là thống nhất cần phải khai thác những nguồn tư liệu phong phú, phân tích và xử lý một cách khoa học để nâng cao nhận thức về thời kỳ này một cách khách quan, trả lại các giá trị đích thực cho các triều vua chúa, các nhân vật lich sử, nêu cao những cống hiến tích cực, đồng thời phân tích cả những mặt hạn chế, tiêu cực.


Về cơ sở tư liệu thì trong lịch sử Việt Nam cho đến cuối thế kỷ XIX, chưa có thời kỳ nào có những nguồn tư liệu phong phú, đa dạng như thời kỳ các chúa Nguyễn, nhất là thời kỳ vương triều Nguyễn. Ngoài các bộ chính sử và địa chí của vương triều, còn có nhiều nguồn tư liệu gốc mang giá trị thông tin rất cao như Châu bản[10] , địa bạ[11], văn bia[12], gia phả và các tư liệu do người nước ngoài ghi chép. Các nguồn tư liệu trên đang được sưu tầm và khai thác có hiệu quả cung cấp những dữ liệu mới cực kỳ phong phú để nghiên cứu sâu các vấn đề của thời kỳ lịch sử các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn.


Các nguồn tư liệu và kết quả nghiên cứu cho đến nay đã tạo lập một cơ sở khoa học vững chắc để giới sử học và các nhà khoa học trên các lĩnh vực liên quan cùng nhau nhìn nhận và đánh giá một cách công bằng đối với vai trò và cống hiến của các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, phân tích một cách khách quan mặt tích cực và cả mặt hạn chế, mặt mạnh và cả mặt yếu. Đó chính là lý do và yêu cầu của cuộc Hội thảo khoa học tầm cỡ quốc gia của chúng ta tổ chức nhân dịp 450 năm chúa Nguyễn Hoàng rời quê hương xứ Thanh vào mở cõi phương Nam.


2. Phạm vi và nội dung chủ yếu của hội thảo


2.1. Về khung thời gian


Thời kỳ các chúa Nguyễn bắt đầu từ năm 1558 khi chúa Nguyễn Hoàng rời quê hương xứ Thanh vào nhậm chức Trấn thủ xứ Thuận Hóa rồi năm 1570 kiêm Trấn thủ xứ Quảng Nam. Vương triều Nguyễn khởi đầu từ khi chúa Nguyễn Ánh sáng lập vương triều năm 1802. Giữa thời kỳ các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn có thời kỳ Tây Sơn tính từ khi cuộc khởi nghĩa bùng nổ năm 1771 cho đến khi chính quyền Tây Sơn cuối cùng là triều vua Nguyễn Quang Toản thất bại năm 1802. Rõ ràng thời Tây Sơn nằm giữa liên quan đến sự thất bại của chúa Nguyễn cuối cùng là Nguyễn Phúc Thuần năm 1776, Nguyễn Phúc Dương năm 1777 và sự thắng lợi của Nguyễn Ánh năm 1802. Tuy nhiên, vừa rồi nhân dịp kỷ niệm 320 năm lễ đăng quang Hoàng đế của Quang Trung Nguyễn Huệ (1788-2008), Ủy ban nhân dân và Hội khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức Hội thảo khoa học tại thành phố Huế ngày 06-06-2008 nên trong Hội thảo này chúng ta không bàn về thời Tây Sơn để tập trung vào nội dung chủ yếu của Hội thảo. Nhưng dĩ nhiên trong những mối quan hệ như sự thất bại của chúa Nguyễn, kháng chiến chống Xiêm, thắng lợi của Nguyễn Ánh, chúng ta vẫn đề cập đến thời Tây Sơn trong mức độ cần thiết.


Vương triều Nguyễn còn kéo dài cho đến năm 1945, kết thúc với thắng lợi của Cách mạng tháng 8 và sự thóai vị của vua Bảo Đại năm 1945. Nhưng từ khi đất nước đã bị chủ nghĩa thực dân Pháp thống trị thì vai trò và tính chất của triều Nguyễn đã thay đổi hoàn toàn. Vì vậy trong Hội thảo này, vương triều Nguyễn chỉ giới hạn trong thời kỳ độc lập của vương triều cho đến khi bị thất bại trước cuộc xâm lược của thực dân Pháp năm 1858-1884. Tuy nhiên trong Hội thảo chúng ta cũng không đi sâu vào cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa thực dân mà chỉ làm sáng tỏ nguyên nhân và trách nhiệm của triều Nguyễn trong thất bại của cuộc kháng chiến.


Như vậy về thời gian, chúng tôi đề nghị giới hạn từ giữa thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX, trong phạm vi thời kỳ trị vì của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong và vương triều Nguyễn trên cương vị quốc gia Việt Nam rồi Đại Nam độc lập, có chủ quyền. Thời gian trước và sau ranh giới thời gian này cũng như thời Tây Sơn ở giữa chỉ đề cập trong mức độ liên quan cần thiết.


Trong giới hạn thời gian như trên, dĩ nhiên cũng cần đặt Việt Nam trong mối quan hệ với các nước trong khu vực và thế giới. Thế kỷ XVI-XIX là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của hệ thống thương mại châu Á và cũng là thời kỳ bành trướng dữ dội của chủ nghĩa tư bản phương Tây sang phương Đông. Bối cảnh lịch sử đó tác động đến mọi nước Đông Nam Á và Đông Á, nhưng mỗi nước lại có cách ứng phó khác nhau và dẫn đến hệ quả khác nhau, ảnh hưởng đến sự tồn vong của mỗi quốc gia-dân tộc.


2.2. Về thời kỳ các chúa Nguyễn


Những kết quả nghiên cứu đã cho phép khẳng định công lao mở mang bờ cõi từ Thuận Hóa, Quảng Nam vào đến vùng đồng bằng sông Cửu Long của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong trong thời gian từ giữa thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XVIII. Công cuộc khai phá với những chính sách và biện pháp tích cực của chính quyền chúa Nguyễn, đã biến vùng Thuận Quảng còn hoang sơ vào giữ thế kỷ XVI, trở thành một vùng kinh tế phát triển làm bàn đạp cho công cuộc mở mang bờ cõi về phía nam. Vào thế kỷ XVII-XVIII, vùng đồng bằng sông Cửu Long là một vựa lúa của Đàng Trong với năng xuất đạt tới 100, 200, 300 lần như Lê Quý Đôn đã ghi chép. Các nghề thủ công, quan hệ hàng hóa tiền tệ trong nước và quan hệ mậu dịch với nước ngoài đều phát triển nhanh chóng.


Một loạt đô thị, thương cảng ra đời thu hút nhiều thuyền buôn và thương gia nước ngoài, kể cả các công ty tư bản phương Tây như Hà Lan, Anh, Pháp...trong đó nổi lên các cảng thị Phú Xuân-Thanh Hà (Thừa Thiên-Huế), Hội An (Quảng Nam), Nước Mặn (Bình Định), Vũng Lấm (Phú Yên), Gia Định (thành phố Hồ Chí Minh), Cù Lao Phố (Đồng Nai), Mỹ Tho, Hà Tiên... Các chúa Nguyễn Hoàng (Chúa Tiên, Đoan Quận công: 1558-1613), Nguyễn Phúc Nguyên (Chúa Sãi, Thụy Quận công:1613-1635), Nguyễn Phú Lan (Chúa Thượng, Nhân Quận công: 1635-1648), Nguyễn Phú Tần (Chúa Hiền, Dũng Quận công: 1648-1687)...có công lớn trong sự nghiệp khai phá và phát triển vùng đất mới, mở rộng lãnh thổ phía nam bao gồm cả các hải đảo ven bờ và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên Biển Đông.


Vấn đề cần đi sâu nghiên cứu làm sáng tỏ là phương thức khai phá có hiệu quả kinh tế cao kết hợp với việc xây dựng và củng cố chủ quyền quốc gia trên vùng đất mới của các chúa Nguyễn. Đối với vùng đất Nam Bộ, cần chú trọng vai trò của các lớp lưu dân người Việt, sự tham gia của một số người Hoa và các cộng đồng cư dân tại chỗ như người Khmer, người Mạ, Xtiêng, Chơ Ro...cùng quá trình cộng cư và giao thoa văn hóa tạo nên sắc thái đặc trưng của vùng đất phương nam này.


2.3. Về vương triều Nguyễn


Từ khoảng giữa thế kỷ XVIII, chính quyền chúa Nguyễn thời chúa Nguyễn Phúc Thuần (Định vương: 1765-1776) trở nên suy yếu và bị phong trào Tây Sơn lật đổ. Nhưng cuộc chiến tranh giữa Tây Sơn với người kế tục chúa Nguyễn là Nguyễn Ánh vẫn tiếp tục và cuối cùng kết thúc bằng thắng lợi của Nguyễn Ánh năm 1802. Hội thảo không đi sâu vào lịch sử Tây Sơn, nhưng không thể không đề cập và xem xét một số vấn đề liên quan với Tây Sơn, cụ thể là ba vấn đề sau đây:


- Cắt nghĩa sự thành bại của mỗi bên trong cuộc chiến tranh giữa Tây Sơn với chúa Nguyễn. Từ năm 1771 khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ và cho đến năm 1777 đã đánh bại toàn bộ hệ thống chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong mà đại diện cuối cùng là chúa Nguyễn Phúc Thuần và Nguyễn Phúc Dương. Đây là cuộc chiến tranh giữa một bên là phong trào Tây Sơn tiêu biểu cho sức mạnh quật khởi của nhân dân Đàng Trong và bên kia là thế lực suy đồi của một chính quyền phong kiến đã bị nhân dân óan ghét, bất bình. Thắng lợi của Tây Sơn trong thời gian này là thắng lợi của một cuộc khởi nghĩa nông dân, một phong trào đấu tranh mang tính nhân dân rộng lớn, đang tập hợp được các lực lượng của mọi tầng lớp xã hội bất bình với chế độ chúa Nguyễn thời suy vong.


Trên cơ sở thắng lợi của phong trào Tây Sơn, một vương triều phong kiến mới được thiết lập gồm chính quyền Đông Định vương Nguyễn Lữ ở Gia Định, Trung Ương Hoang đế Nguyễn Nhạc ở Qui Nhơn và Bắc Bình vương Nguyễn Huệ ở Phú Xuân. Trong ba chính quyền Tây Sơn, chỉ có chính quyền Nguyễn Huệ tồn tại vững vàng nhưng sau khi vua Quang Trung Nguyễn Huệ mất năm 1792, vương triều Nguyễn Quang Toản cũng suy yếu rất nhanh. Cuộc chiến tranh Nguyễn Ánh - Tây Sơn đã thay đổi tính chất và chuyển hóa thành cuộc đấu tranh giữa hai thế lực phong kiến mà thất bại của Nguyễn Lữ, rồi Nguyễn Nhạc và Quang Toản là thất bại của những chính quyền phong kiến đã suy yếu và mất lòng dân.


- Trong cuộc đấu tranh chống Tây Sơn, thời gian bị thất bại nặng nề ở trong nước, Nguyễn Ánh phải nhờ vào sự cứu viện của nước ngoài biểu thị tập trung trong Hiệp ước Versailles ký kết năm 1787 với Pháp và việc cầu cứu vua Xiêm đưa 5 vạn quân Xiêm vào Gia Định năm 1784. Dù cho Hiệp ước Versailles không được thực thi và lực lượng viện trợ do Bá Đa Lộc vận động không bao nhiêu, quân xâm lược Xiệm cũng bị quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy, đánh tan trong trận Rạch Gầm-Xoài Mút đầu năm 1785, nhưng hành động của Nguyễn Ánh cần được đặt trong bối cảnh cụ thể lúc bấy giờ và phân tích, đánh giá một cách công minh.


- Giữa năm 1786 quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy tiến ra bắc, đánh bại quân Trịnh và phong trào Tây Sơn đã làm chủ cả nước. Tiếc rằng sau đó, do bất hòa và mâu thuẫn giữa các thủ lĩnh Tây Sơn dẫn đến việc thành lập ba chính quyền Tây Sơn. Vấn đề đặt ra và đã từng gây cuộc tranh luận trong năm 1960, 1963 là công lao thống nhất đất nước của Tây Sơn và Nguyễn Ánh[13]. Lúc bấy giờ xuất hiện hai quan điểm hoàn toàn đối lập, phủ định hay khẳng định công lao thống nhất thuộc về Tây Sơn hay Nguyễn Ánh. Hai quan điểm đối lập theo lối cực đoan đó không có sức thuyết phục cao và gần đây xu hướng chung là không ai có thể phủ nhận được công lao thống nhất đất nước của vương triều Nguyễn mà người sáng lập là vua Gia Long Nguyễn Ánh, nhưng từ đó phủ nhận luôn cả những cống hiến của Tây Sơn thì cũng cần trao đổi thêm.


Phong trào Tây Sơn đã đánh bại chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong, chính quyền vua Lê- chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và đã xóa bỏ tình trạng phân chia đất nước kéo dài trên hai thế kỷ, đánh tan quân xâm lược Xiêm ở phía nam và quân xâm lược Thanh ở phía bắc, đó là những thành tựu của Tây Sơn đã đặt cơ sở cho công cuộc khôi phục quốc gia thống nhất mà sau này Nguyễn Ánh và triều Nguyễn đã kế thừa. Như vậy là hai kẻ thù không đội trời chung lại góp phần tạo lập nên sự nghiệp thống nhất đất nước của dân tộc, bề ngoài như một nghịch lý nhưng lại nằm trong xu thế phát triển khách quan của lịch sử và yêu cầu bức thiết của dân tộc.


Vương triều Nguyễn trong thời gian tồn tại độc lập từ khi thành lập cho đến khi bị thất bại trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đã có nhiều cống hiến tích cực trên nhiều phương diện. Thời phát triển của vương triều bao gồm các đời vua Gia Long (1802-1820), Minh Mệnh (1820-1841) và Thiệu Trị (1841-1847), tức khoảng nửa đầu thế kỷ XIX, thời thịnh đạt nhất là dưới triều vua Minh Mệnh.


Nước Việt Nam, quốc hiệu đặt năm 1804, và Đại Nam năm 1838, là một quốc gia thống nhất trên lãnh thổ rộng lớn gần như tương ứng với lãnh thổ Việt Nam hiện nay, bao gồm cả Đàng Trong và Đàng Ngoài cũ. Trên lãnh thổ thống nhất đó, triều Nguyễn đã xây dựng một cơ chế quân chủ tập quyền mạnh mẽ với một bộ máy hành chính và một thiết chế vận hành qui củ, chặt chẽ, nhất là sau cải cách hành chính của Minh Mệnh năm 1831-1832. Các công trình nghiên cứu gần đây đều đánh giá cao công lao thống nhất đất nước của triều Nguyễn và hệ thống tổ chức chính quyền với qui chế hoạt động có hiệu lực của nhà Nguyễn. Trong lịch sử chế độ quân chủ Việt Nam, cải cách của vua Minh Mệnh năm 1831-1832 và vua Lê Thánh Tông năm 1471 là hai cải cách hành chính có qui mô toàn quốc và đạt hiệu quả cao nhất.
Các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận một số thành tựu khai hoang, thủy lợi, phát triển nông nghiệp thời Nguyễn, nhất là vùng đồng bằng Nam Bộ và vùng đồng bằng ven biển Bắc Bộ. Hệ thống giao thông thủy bộ phát triển mạnh, nhất là hệ thống kênh đào ở Nam Bộ và hệ thống đường dịch trạm nối liền kinh đô Huế với các trấn/tỉnh thành trên cả nước. Các trạm dịch được tổ chức rất chặt chẽ với những qui định về thời hạn chuyển văn thư phân làm ba loại: tối khẩn, khẩn, thường. Ví dụ loại "tối khẩn", từ kinh đô Huế vào đến Gia Định là 9 ngày, ra đến Hà Nội là 4 ngày 6 giờ.


Về phương diện văn hóa, giáo dục, triều Nguyễn cũng lập Quốc tử giám, mở khoa thi Hương và thi Hội để đào tạo nhân tài. Từ khoa thi Hội đầu tiên năm 1822 đến khoa thi cuối cùng năm 1919, triều Nguyễn tổ chức được 39 khoa thi Hội, lấy đỗ 292 Tiến sĩ và 266 Phó bảng, cộng 558 người. Khu Văn Miếu tại kinh đô Huế còn lưu giữ 32 tấm bia Tiến sĩ thời Nguyễn. Cùng với các kỳ thi tuyển chọn Tiến sĩ Văn, nhà Nguyễn còn nâng cấp đào tạo võ quan từ Cử nhân lên Tiến sĩ Võ. Tại khu Võ Miếu còn bảo tồn hai tấm bia Tiến sĩ Võ. Công việc biên soạn quốc sử, các bộ chính sử của vương triều, các bộ tùng thư và địa chí được đặc biệt quan tâm và để lại một di sản rất đồ sộ. Có thể nói, trong thời quân chủ, chưa có Quốc sử quán của vương triều nào hoạt động có hiệu quả và để lại nhiều công trình biên soạn đến như thế.


Trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản phương Tây đang đe dọa chủ quyền của các nước trong khu vực, vua Gia Long và Minh Mệnh ý thức sâu sắc về nguy cơ đó và đã tiến hành những hoạt động điều tra, thăm dò, đồng thời lo củng cố quốc phòng, cố gắng tiếp thu thành tựu kỹ thuật phương Tây. Từ thời chiến tranh với Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã học tập được khá nhiều kỹ thuật phương tây, nhất là kỹ thuật xây thành kiểu Vauban, đóng tàu, đúc vũ khí, phát triển thủy quân. Vua Minh Mệnh là người có tầm nhìn xa và hướng biển khá cao. Nhà vua đã cử nhiều phái đoàn vượt biển đến các căn cứ phương Tây ở Đông Nam Á như Batavia (Jakarta, Indonesia), Singapore, Pinang (Malaysia), Semarang (Java), Luçon (Philippines), Tiểu Tây Dương; ở Ấn Độ như Bengale, Calcutta; ở Trung Hoa như Macao...Những chuyến vượt biển đó, bề ngoài là mua hàng hóa cho triều đình nhưng chủ yếu nhằm thăm dò tình hình.


Cầm đầu các phái đoàn thường là những quan chức cao cấp, những trí thức có tầm hiểu biết rộng như Lý Văn Phức, Hà Tông Quyền, Phan Thanh Giản, Phan Huy Chú, Cao Bá Quát...Vua Minh Mệnh cho đo đạc độ sâu các cảng biển, lập hệ thống phòng thủ ven biển, chế tạo vũ khí, đóng thử tàu hơi nước kiểu phương Tây, phát triển thủy quân, cho dịch một số sách kỹ thuật phương Tây sang chữ Hán, đo đạc, vẽ bản đồ và cắm cột mốc trên quần đảo Hoàng Sa, tăng cường quản lý các hải đảo...Hình như vua Minh Mệnh đang nuôi dưỡng một ý tưởng canh tân nào đó, nhưng đang ở trong tình trạng hình thành, chưa thực hiện được bao nhiêu.


Những cống hiến tích cực của vương triều Nguyễn đã được nhìn nhận và đánh giá lại một cách khách quan, công bằng. Nhưng bên cạnh đó, còn tồn tại một số vấn đề cần nghiên cứu và thảo luận để đi đến những nhận xét toàn diện:

- Nhà Nguyễn chủ trương phục hội và củng cố hệ tư tưởng Nho giáo. Không ai phủ nhận trong học thuyết Nho giáo chứa đựng nhiều nội dung tích cực, nhất là về mặt giáo dục và xử thế, coi trọng học vấn, đề cao nhân cách, nhưng đứng về phương diện tư duy triết học, vào thế kỷ XIX có còn khả năng giúp con người nhận thức và giải thích thế giới trong bối cảnh mới của thời đại hay không? Về vấn đề này còn những quan điểm khác nhau. Có người cho đến thế kỷ XIX hệ tư tưởng Nho giáo đã trở nên bảo thù và chủ trương phục hồi Nho giáo của triều Nguyễn đã cản trở sự tiếp nhận những tư tưởng và thành tựu mới của thế giới. Nhưng cũng có người cho rằng vấn đề không phải là bản thân Nho giáo mà là người vận dụng hệ tư tưong đó.


- Một thực trạng cần lưu ý khi nghiên cứu về vương triều Nguyễn là dù ban hành nhiều chính sách khẩn hoang tích cực, kể cả một số chính sách giảm nhẹ tô thuế, nhưng xã hội thời Nguyễn không ổn định. Trong gần như suốt thòi Nguyễn, khởi nghĩa nông dân nổ ra triền miên và triều Nguyễn không thể nào giải quyết nổi. Tại sao và đánh giá thực trạng đó như thế nào cho thỏa đáng.


- Từ triều Tự Đức (1848-1883), vương triều Nguyễn càng ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, làm cho thế nước càng ngày càng suy yếu và cuối cùng thất bại trước cuộc xâm lược của thực dân Pháp. Ở đây có hai vấn đề quan trọng đặt ra là thái độ của triều Nguyễn đối với xu hướng canh tân phát triển khá mạnh dưới triều Tự Đức và trách nhiệm của triều Nguyễn trong kết quả bi thảm của cuộc kháng chiến thất bại. Canh tân đất nước và chống chủ nghĩa thực dân là hai yêu cầu bức xúc, quan hệ mật thiết với nhau. Vấn đề đặt ra không chỉ ở Việt Nam mà gần như cả phương Đông và khi phân tích cũng cần nhìn rộng ra trong góc nhìn so sánh với một số nước tương tự trên phạm vi phương Đông, nhất là khu vực gần gụi của Đông Nam Á và Đông Á.


Làm sáng rõ những vấn đề trên sẽ đưa đến một cách nhìn nhận và đánh giá toàn diện, cả mặt tích cực lẫn mặt hạn chế đối với vương triều Nguyễn trong tiến trình lịch sử Việt Nam.


2.4. Về di sản văn hóa


Trong thời gian trên 3 thế kỷ từ giữa thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX, thời kỳ các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn đã để lại cho dân tộc một di sản lớn lao nhất là một giang sơn đất nước thống nhất bao gồm cả đất liền và hải đảo về cơ bản tương ứng với lãnh thổ Việt Nam hiện đại. Lãnh thổ đó vừa kế thừa công lao xây dựng và bảo vệ của các thế hệ tổ tiên từ khi dựng nước Văn Lang - Âu Lạc cho đến giữ thế kỷ XVI, vừa tiếp tục mở mang, khai phá về phía nam cho đến tận đồng bằng sông Cửu Long. Trên lãnh thổ quốc gia đó, thời kỳ lịch sử này còn để lại một di sản văn hóa đồ sộ bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể. Di sản đó một phần đang hiện hữu trên đất nước Việt Nam với những di tích kiến trúc, thành lũy, lăng mộ... và tất cả đã hòa đồng với toàn bộ di sản dân tộc cùng đồng hành với nhân dân, với dân tộc trong cuộc sống hôm nay và mãi mãi về sau, góp phần tạo nên bản sắc và bản lĩnh dân tộc, sức sống và sự phát triển bền vững của đất nước.


Cố đô Huế là nơi hội tụ và kết tinh các giá trị văn hóa dân tộc trong một thời kỳ lịch sử khi mà kinh đô này lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc trở thành trung tâm chính trị, văn hóa của một quốc gia với lãnh thổ thống nhất trải dài từ bắc chí nam, từ đất liền đến hải đảo. Quần thể di tích cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới ngày 11-12-1993 và ngày 7-11-2003 Nhã nhạc cung đình lại được công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.


Trong số các đô thị hình thành và phát đạt trong thời kỳ này, Hội An là cảng thị tiêu biểu nhất và Khu di tích phố cổ Hội An cũng đã được UNESCO công nhận làDi sản Văn hóa Thế giới ngày 4-12-1999.


Chưa có một thời kỳ lịch sử nào để lại cho dân tộc ba di sản văn hóa được thế giới công nhận và tôn vinh với những giá trị mang ý nghĩa toàn cầu như vậy.


Trong di sản văn hóa phi vật thể, có thể nói rất nhiều đình, đền, miếu, nhà thờ họ trong tín ngưỡng dân gian, chùa tháp của Phật giáo, đạo quán của Đạo giáo..., còn lại đến nay phần lớn đều được xây dựng hay ít ra là trung tu trong thời nhà Nguyễn. Nhiều nhà thờ của Kitô giáo, trong đó có Nhà thờ Phát Diệm nổi tiếng cũng được xây dựng trong thời kỳ này. Tất cả di sản này rải ra trên phạm vi cả nước từ bắc chí nam.


Về di sản chữ viết, thời kỳ các chúa Nguyễn, nhất là thời kỳ vương triều Nguyễn, để lại một kho tàng rất lớn với những bộ chính sử, những công trình biên khảo trên nhiều lĩnh vực, những sáng tác thơ văn của nhiều nhà văn hóa lớn, những tư liệu về Châu bản triều nguyễn, văn bia, địa bạ, gia phả, hương ước, những sắc phong, câu đối trong các kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, những văn khắc trên hang núi, vách đá...


Văn học truyền khẩu của thời kỳ này cũng vô cùng phong phú, gắn liền với ký ức của các thế hệ và hòa quyễn vào các lễ hội dân gian, các phong tục tập quán của các dân tộc mà gần đây công việc sưu tầm đã đạt nhiều kết quả khả quan.


Bàn về chúa Nguyễn và triều Nguyễn, không thể không trở về Thanh Hóa, nơi có Quý Hương (Hà Trung), có Gia Miêu Ngọai trang là quê hương của chúa Nguyễn Hoàng, gốc tích của dòng họ Nguyễn Gia Miêu và xứ Thanh cũng là quê hương của nhiều bề tôi trung thành, nhiều người dân lao động đã theo chúa Nguyễn vào mở cõi ở phương Nam trong những năm tháng khởi nghiệp gian truân nhất. Vì vậy trên đất Thanh Hóa còn để lại nhiều dấu tích về chúa Nguyễn.

Nguồn:
http://11111.vef.vn/topblog/article/20/81

Tính hiện thực của quyền lực ảo




GS. Joseph S. Nye


Khi mà các chính quyền của thế giới Ả-rập đang phải đấu tranh với các cuộc “biểu tình” tràn ngập trên trang web Twitter và kênh truyền hình Al Jazeera, và các nhà ngoại giao Mỹ đang cố gắng tìm hiểu tác động của Wikileaks, thì rõ ràng chúng ta cần có một cách hiểu sâu sắc hơn về cách thức vận hành của quyền lực trong nền chính trị thế giới, khi nhân loại bước sang kỷ nguyên thông tin toàn cầu.


Đó là nội dung vắn tắt của cuốn sách mới của tôi, Tương lai của Quyền lực. Có hai cách thức của sự dịch chuyển quyền lực đang diễn ra trong thế kỷ này – chuyển dịch quyền lực (power transition) và phân tán quyền lực (power diffusion). Chuyển dịch quyền lực từ một nhà nước thống trị sang một nhà nước khác là một mô thức lịch sử quen thuộc, nhưng phân tán quyền lực thì lại là một hiện tượng mới lạ và thú vị hơn nhiều. Vấn đề đặt ra cho tất cả các nhà nước hiện nay là ngày càng nhiều sự kiện diễn ra ngoài tầm kiểm soát của thậm chí các nhà nước mạnh nhất.


Đối với hiện tượng chuyển dịch quyền lực, thế giới ngày nay đang tập trung thái quá vào một vấn đề mang tính giả thuyết – sự suy tàn của Quyền lực Hoa Kỳ. Hiện tượng này thường được so sánh với sự suy tàn của Đế quốc Anh và Đế chế La Mã. Nhưng La Mã vẫn duy trì ảnh hưởng trong suốt ba thế kỷ đối với thậm chí các thuộc địa xa trung tâm nhất của nó. Và La Mã không phải bị sụp đổ bởi một nhà nước khác, mà bởi sự trỗi dậy của hàng loạt các “bộ lạc nguyên thủy” khác nhau trong thuộc địa của nó.


Quả thật là có nhiều dự đoán hợp thời rằng Trung Quốc, Ấn Độ hay Brazil sẽ vượt qua Mỹ trong những thập niên tới. Tuy vậy, những đe dọa lớn nhất lại tới từ các “bộ lạc nguyên thủy” của thời hiện đại, và các nhân tố phi nhà nước. Trong một thế giới thông tin được xây dựng trên cơ sở nền an ninh mạng máy tính chưa chắc chắn, thì hiện tượng “phân tán quyền lực” có thể sẽ là mối đe dọa lớn hơn so với hiện tượng “chuyển dịch quyền lực”.


Làm thế nào để nắm được quyền lực trong kỷ nguyên thông tin toàn cầu của thế kỷ XXI? Những nguồn lực nào sẽ sản sinh ra quyền lực?


Mỗi thời đại đều tạo ra câu trả lời riêng cho mình. Vào thế kỷ XVI, sự kiểm soát các thuộc địa và các mỏ vàng đã đưa Tây Ban Nha lên vị trí siêu cường. Sang thế kỷ XVII, Hà Lan đã kiếm lợi được từ thương mại và tài chính. Đến thế kỷ XVIII, nước Pháp đã trỗi dậy bằng dân số đông đúc và lực lượng quân đội hùng hậu. Tiếp đến thế kỷ XIX, quyền lực của nước Anh dựa trên sự thống trị về công nghiệp và hải quân.


Nhận thức truyền thống về quyền lực thống trị của một quốc gia thường quy về một nhà nước với những ưu thế tuyệt đối về quân sự. Tuy vậy, trong kỷ nguyên thông tin ngày nay, khi các yếu tố nhà nước và phi nhà nước đang cùng vận hành và ảnh hưởng lẫn nhau, thì sẽ rất khó để xác định được sự cân bằng quyền lực, và càng khó khăn hơn để phát triển các chiến lược sinh tồn thành công trong một thế giới mới.


Phần lớn các dự báo hiện nay về sự dịch chuyển trong cân bằng quyền lực toàn cầu đều dựa chủ yếu vào một yếu tố: tăng trưởng GDP của quốc gia. Do đó, những dự báo này đã bỏ qua các bình diện khác của quyền lực, bao gồm cả quyền lực “cứng” về quân sự và quyền lực “mềm” về đối thoại, đồng thời không tính đến những khó khăn về mặt chính sách để kết hợp hai thứ quyền lực “cứng” và “mềm” này vào các chiến lược nhằm đạt tới thành công.


Nhà nước sẽ vẫn là nhân tố chi phối trên sâu khấu chính trị thế giới, nhưng các nhà nước sẽ nhận ra rằng sân khấu này đã đông “người chơi” hơn xưa, và sẽ khó khăn hơn để kiểm soát. Tỷ lệ dân số có khả năng tiếp cận với quyền lực thông qua sự tiếp cận thông tin ngày càng tăng. Các chính phủ luôn lo lắng về sự chuyển dịch và năng lực kiểm soát các luồng thông tin. Sự chuyển dịch các luồng thông tin đang ngày càng tăng và năng lực kiểm soát của các chính phủ đang suy giảm vì những thay đổi nhanh chóng của công nghệ thông tin. Và yếu tố mới – như những gì đang diễn ra tại Trung Đông trong thời gian qua – chính là tốc độ truyền thông và năng lực tiếp cận công nghệ của rất nhiều các thành viên khác trong nền chính trị toàn cầu.


Kỷ nguyên thông tin đương đại, thỉnh thoảng vẫn được gọi là “Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ ba”, dựa trên những tiến bộ ngày một nhanh chóng của công nghệ máy tính, truyền thông và phần mềm. Những tiến bộ công nghệ này đang làm giảm mạnh chi phí khởi tạo, xử lý, truyền dẫn và tìm kiếm thông tin về tất cả các chủ đề và lĩnh vực. Và điều này có nghĩa là nền chính trị thế giới không còn là nơi độc diễn của các chính phủ.


Một khi chi phí điện toán và truyền thông giảm đi, thì các hàng rào ngăn cản sự gia nhập nền chính trị thế giới cũng suy tàn. Các cá nhân và các tổ chức tư nhân, với nhiều loại hình đa dạng từ các công ty, tổ chức phi chính phủ tới các tổ chức khủng bố, đều đang được tăng cường năng lực để tham gia trực tiếp và nền chính trị thế giới.


Tộc độ truyền tin ngày một tăng đồng nghĩa với một thực tế là quyền lực đang được phân bổ rộng rãi hơn, và các mạng lưới chính trị-xã hội “phi chính thống” sẽ làm suy giảm tính độc quyền của các tổ chức chính trị quan liêu truyền thống. Tốc độ truy cập mạng Internet gia tăng đồng nghĩa với việc tất cả các chính phủ sẽ ít có khả năng kiểm soát hơn đối với các chương trình nghị sự của họ. Các nhà lãnh đạo chính trị sẽ được hưởng ít tự do hơn trong việc phản ứng với các sự kiện, và họ phải cạnh tranh với các nhân tố mới đang xuất hiện ngày một nhiều hơn trên sân khấu chính trị.


Chúng ta có thể quan sát thấy điều này thông qua những nỗ lực của giới lập định chính sách tại Mỹ nhằm đối phó với những biến động tại Trung Đông trong những ngày này. Sự sụp đổ của chế độ độc tài Tunisia có nguồn gốc sâu sa từ trong nội bộ quốc gia này, nhưng trong những nhân tố tác động đến việc đẩy nhanh sự sụp đổ đó, có nhiều nhân tố đến từ bên ngoài. Một số nhà quan sát đã đánh giá rằng chính Twitter và WikiLeaks đã góp phần thúc đẩy cuộc cách mạng dân chủ tại Tunisia.


Trong kỷ nguyên thông tin, một chính sách thông minh phải kết hợp được cả quyền lực “cứng” lẫn quyền lực “mềm”. Các chính phủ không thể cứ mãi phớt lờ quyền lực “mềm” của những đối thoại về dân chủ, tự do và sự minh bạch. Tôn trọng và thúc đẩy quyền tự do tiếp cận thông tin sẽ trở thành một phần quan trọng của quá trình vận hành quyền lực thông minh của các chính phủ trong thế kỷ này.


Joseph S. Nye, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, hiện là Giáo sư tại Đại học Harvard, và là tác giả của cuốn sách Tương lai của quyền lực.


Nguồn: http://11111.vef.vn/topblog/article/20/81

Người theo dõi