Lưu trữ Blog

18 tháng 6, 2011

BS. Nguyễn Ý Đức: Thuốc ở trong rau



HỌC MỖI NGÀY. Kinh nghiệm dân gian ta vẫn thường nói: “Đói ăn rau, đau uống thuốc”. Nhưng thực ra, rau không chỉ là món ăn nhiều chất dinh dưỡng mà còn là những liều thuốc trị bệnh quý giá. Chẳng thế mà danh y Hải Thượng Lãn Ông của ta đã có nhận xét: “Nên dùng các thứ thức ăn /Thay vào thuốc bổ có phần lợi hơn” Và thánh tổ y học phương tây Hippocrates có đưa ra một đề nghị hết sức thuyết phục là “Hãy để rau là vị thuốc”. Mà những loại rau củ có vị đắng chứng tỏ các nhận xét này là rất đúng.

Trái Mướp Đắng màu xanh có bề ngoài gồ ghề ngộ nghĩnh đã được ghi trên sáu con tem biểu tượng cho sáu loại cây thuốc thiên nhiên có dược tính trị bệnh cao mà Liên Hiệp Quốc phát hành vào năm 1980.

Mướp đắng chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng căn bản như nước, đạm, carbohydrat, béo, sinh tố và một số khoáng chất với tỷ lệ khác nhau. Mướp đắng có thể dùng để ăn sống, nấu canh, xào với thịt bò, muối dưa, phơi khô làm trà pha nước uống...

Canh thịt heo bằm nhỏ nhồi vào mướp đắng là món ăn đặc biệt ở miền Bắc Việt Nam.

Mướp đắng hấp với tôm tươi, thịt nạc, mộc nhĩ, nấm hương, hành khô, mắm muối tiêu, xào với thịt.. tạo ra vị hơi đắng hòa với hương thơm mùi tôm thịt là món ăn giải nhiệt, bổ dưỡng.. Món xà lách mướp đắng cũng rất hấp dẫn, ăn vào mát cơ thể..

Mướp đắng được coi như có khả năng làm hạ đường huyết, hạ huyết áp, chữa ho, giảm đau nhức, sát trùng ngoài da, trừ rôm sẩy ở trẻ em.

Trong mướp đắng cũng có một hóa chất có khả năng ngăn ngừa sự thụ thai ở loài chuột.

Trên thị trường hiện nay có bán trà khổ qua, được giới thiệu là có thể giúp ngủ ngon, đại tiện dễ dàng, mát gan, bổ mật, giải nhiệt, giải độc trong cơ thể và khi dùng thường xuyên sẽ ngừa được các biến chứng của bệnh tiểu đường, sỏi thận, mật....

Actiso Đà Lạt là loại thảo mộc nổi danh ở nước ta. Nổi danh vì khí hậu luôn luôn mát lạnh nơi cao nguyên nhiều nắng khiến cho actiso có năng suất cao.

Actisô có nhiều chất dinh dưỡng như các sinh tố C, B, folacin, chất xơ và một vài khoáng chất như sắt, kali. Về phương diện ẩm thực, actisô thường được luộc, hấp cách thủy để ăn hoặc ninh với thịt gà, thịt lợn. Actisô có thể được dùng tươi, để đông lạnh hoặc đóng hộp.

Nhiều nghiên cứu cho biết Actisô có tác dụng bảo vệ gan, làm hạ cholesterol trong máu và đường huyết, kích thích sản xuất mật, giảm đau khớp xương, thông tiểu tiện.

Tại vài quốc gia, dung dịch chế biến từ actisô được dùng làm thuốc chích chữa các bệnh về gan. Trà Actisô là thức uống được rất nhiều người ưa dùng.

Theo nhiều nhà chuyên môn, actisô không gây tác hại cho cơ thể.

Diếp cá hoặc rau Giấp là món ăn ưa thích của bà con miền Nam.

Cách đây mấy chục năm, dân cư miền sông Hồng, núi Ngự vào giao lưu với Cửu Long Giang là rất lắc đầu “nhăn mặt” vì vị tanh tanh “lợm giọng” khi ăn phải cọng rau này. Vậy mà bây giờ, Nam Trung Bắc một nhà, nhiều người cũng đều ưa thích diếp cá.

Nhưng cái tanh tanh, béo béo của diếp cá lại rất “hiệp nhất” với cái tanh của những miếng cá còn tươi. Phải chăng đây là duyên tiền định với tên “diếp cá”. Trung Quốc gọi diếp cá là “Ngư Tinh Thảo” và tiếng Anh gọi là Fish Mint

Ở nước ta, diếp cá mọc hoang khắp vùng đất ẩm thấp và cũng được trồng làm rau ăn hoặc làm thuốc trị bệnh. Diếp cá có thể ăn sống hoặc dùng làm gia vị chung với các rau khác trong bữa ăn. Có người hầu như ghiền với diếp cá, thiếu nó như thiếu người tình hơi “bị” cho là chanh chua nhưng dễ thương.

Lá diếp cá ăn vào rất mát, có thể làm trĩ hậu môn xẹp xuống. Ngoài ra, diếp cá cũng được y học dân gian tại nhiều quốc gia dùng làm lợi tiểu tiện, hạ cao huyết áp, giảm ho, tiêu diệt vi khuẩn. Nghiên cứu tại viện y dược Toyama, Nhật Bản, cho hay diếp cá có chất chống oxy hóa rất mạnh quercetin có thể ngăn chặn nhiều loại ung thư và tăng cường tính miễn dịch..

Trong Lĩnh Nam Bản Thảo, danh y Hải Thượng Lãn Ông tóm tắt:

“Ngư Tinh Tảo gọi cây rau Giấp

Ấm cay, hơi độc, mùi hôi tanh

Ung thũng, thoát giang với đầu chốc

Đau răng, lỵ ngược chữa mau lành”.

Khát khô cả họng trong nắng tháng Bảy của Sài Gòn mà gặp một xe bán Nước Rau Má xanh mát thì cơn khát không những hết đi mà tâm hồn cón thấy sảng khoái.

Thực vậy, nghiên cứu tại Ấn Độ cho hay nước chiết rau má không những tăng khả năng trí tuệ của trẻ em có thương số thông minh (IQ) thấp mà còn làm người cao tuổi giảm bớt những quên này quên kia, giúp thị lực bớt nhạt nhòa.

Nhiều nghiên cứu khác còn gợi ý rằng rau má trị được cả bệnh vẩy nến, vết phỏng, vết thương, viêm khí quản, chống nhiễm trùng, chống độc, giải nhiệt, lợi tiểu.

Từ những năm 1960, Giáo sư Bửu Hội đã nghiên cứu tác dụng trị bệnh phong với rau má. Ngày nay, nhiều khoa học gia cho là chất Asiatioside của rau má có tác dụng tương đương với dược phẩm trị phong chính là Dapsone.

Rau má có tính lạnh cho nên người tỳ vị hàn, hay đi tiêu chảy, cần cẩn thận khi dùng.

Rau Đắng đã đi vào văn hóa âm nhạc trong những bài viết nhiều tình người, tình quê hương của nhạc sĩ Bắc Sơn từ rừng cao su Dầu Tiếng.

Nhăc phẩm “Còn thương rau đắng mọc sau hè” với tiếng hát Hương Lan, Như Quỳnh đã làm bao nhiêu khách ly hương khi nghe mà mắt nhòe ướt lệ.

“Ai cách xa cội nguồn

Ngồi một mình nhớ lũy tre xanh

Dạo quanh khung trời kỷ niệm

Chợt thèm rau đắng nấu canh”

Vì nhớ tới những lũy tre xanh nơi có người chị đầu bạc tóc ân cần nhổ tóc sâu cho chú em từ xa về thăm quê. Có những bà mẹ hiền luôn luôn chăm sóc miếng ăn, thức uống cho chồng cho con.

Rau đắng nấu canh với các loại cá, nhúng lẩu hoặc chấm mắm kho là những món ăn tuyệt hảo của bà con miệt đồng. Rau đắng còn có thể nấu với thịt heo bầm nhuyễn, với tép, với tôm…

Mới ăn rau có vị khá đắng, chỉ kém có khổ qua, nhưng ăn quen lại thấy ngòn ngọt, nhớ hoài.

Rau đắng cũng được dùng trong y học. Theo Giáo sư Đỗ Tất lợi, rau đắng được dùng làm thuốc lợi tiểu, bổ thận, giúp ăn ngon và giảm đau khi đắp lên nơi tê thấp, rắn cắn.


Kết luận

Nhà dinh dưỡng uy tín Hoa Kỳ Jean Carpenter phát biểu rằng “Trong thực phẩm có dược phẩm. Thay đổi dinh dưỡng có thể ngăn ngừa và giảm sự trầm trọng của bệnh tật”

Đây là lời khuyên khá hữu ích mà chúng ta cũng nên theo.



Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức, Texas- Hoa Kỳ

14 tháng 6, 2011

Đọc và suy ngẫm về nhà văn hóa Nguyên Ngọc



HỌC MỖI NGÀY. "Có thể buôn để làm giáo dục chứ không buôn giáo dục!" Nhà văn hóa Nguyên Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học Phan Châu Trinh đã trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên: "Chúng tôi muốn đi theo con đường đó (của Phan Châu Trinh), tìm mọi hình thức, đa dạng, năng động, sáng tạo “đi buôn”, để nuôi một ngôi trường nghĩa thục. Rất linh hoạt, nhưng để đi đến nghĩa thục. Đây là con đường rất khó khăn, nhưng chúng tôi quyết làm. Vì sao phải làm nghĩa thục? Tôi không tin một ngôi trường buôn bán giáo dục lại có thể tạo nên những con người như ta đang muốn tạo cho đất nước: trung thực, độc lập, tự chủ, sáng tạo, có trách nhiệm cao với xã hội, giỏi giang, thành đạt ở đời. Một con người như vậy chỉ có thể được tạo nên bởi một nền giáo dục trung thực".

CÓ THỂ BUÔN ĐỂ LÀM GIÁO DỤC CHỨ KHÔNG BUÔN GIÁO DỤC!

* Tại cuộc hội thảo "Chiến lược phát triển của trường ĐH Phan Châu Trinh trong giai đoạn mới" vừa tổ chức tại Hội An, ông có phát biểu: Muốn cải cách giáo dục một cách thực sự, cần phải thực hiện tư tưởng của nhà yêu nước Phan Châu Trinh "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh". Ông có thể nói rõ hơn về nội dung này?

- Phan Châu Trinh chỉ ra rằng: chỉ trên cơ sở dân trí được khai sáng, dân khí bừng lên mạnh mẽ, mới có thể mưu tính “hậu dân sinh”, xây dựng những con người năng nổ, có bản lĩnh vững và kỹ năng giỏi, cho phát triển kinh tế và xã hội, cho dân giàu nước mạnh, đuổi kịp năm châu.

Vế đầu tiên trong phương châm của Phan Châu Trinh là Khai dân trí, vế cuối mới là Hậu dân sinh. Mở mang đầu óc con người đã, giải phóng họ ra khỏi sự u tối, trì trệ, tạo nên con người độc lập, tự chủ, sáng tạo (tạo Dân khí), rồi sau đó mới có thể nói đến có được một nghề giỏi giang, để đi đến giàu có, phát đạt (Hậu dân sinh). Trong thời hiện đại của chúng ta, chúng tôi hiểu khai dân trí là cố gắng trang bị cho người học một nền tảng tri thức nhân văn cơ bản, phổ quát, không chỉ để làm cơ sở vững chắc cho việc học sâu vào chuyên ngành, mà còn để cho con người ấy có được ý chí và khả năng tiếp tục tự học suốt đời để luôn tự chủ suốt đời (bởi người ta không thể ngồi ở nhà trường suốt đời, nhưng lại phải học suốt đời). Đi đôi với nền tảng tri thức nhân văn cơ bản, là các kỹ năng cần thiết, như: làm chủ vững chắc ít nhất một ngoại ngữ (tiếng Anh), có hiểu biết về tin học, có khả năng tự học, tự nghiên cứu, có tư duy phản biện lành mạnh, dám hỏi, biết hỏi, và biết tự mình đi tìm câu trả lời…

* Với tư cách là Chủ tịch HĐQT của trường ĐH mang tên nhà yêu nước Phan Châu Trinh, ông chọn cách đi của trường như thế nào trong tình hình hiện nay?

- Chúng tôi muốn làm một nghĩa thục, như Phan Châu Trinh từng làm. Nghĩa là không buôn bán giáo dục. Cuộc vật lộn trong hơn 3 năm qua của trường ĐH Phan Châu Trinh cũng chính là chung quanh vấn đề hướng đi này.

Hãy nhớ lại Phan Châu Trinh và các đồng chí tâm huyết nhất của ông thời bấy giờ. Các ông đi buôn để làm giáo dục nhưng không buôn giáo dục. Cụ thể: các ông lập Công ty Liên Thành, đi buôn đến cả nước mắm, để làm giáo dục khai dân trí, từ đó mà cứu nước (rất thú vị, Công ty Liên Thành được lập từ thời ấy đến nay vẫn còn và vẫn làm ăn phát đạt). Chúng tôi muốn đi theo con đường đó, tìm mọi hình thức, đa dạng, năng động, sáng tạo “đi buôn”, để nuôi một ngôi trường nghĩa thục. Rất linh hoạt, nhưng để đi đến nghĩa thục. Đây là con đường rất khó khăn, nhưng chúng tôi quyết làm.

Vì sao phải làm nghĩa thục? Tôi không tin một ngôi trường buôn bán giáo dục lại có thể tạo nên những con người như ta đang muốn tạo cho đất nước: trung thực, độc lập, tự chủ, sáng tạo, có trách nhiệm cao với xã hội, giỏi giang, thành đạt ở đời. Một con người như vậy chỉ có thể được tạo nên bởi một nền giáo dục trung thực. Như chúng ta đều biết, một căn bệnh hiểm nghèo đang gặm nhấm đến xương cốt xã hội chúng ta, là bệnh giả dối. Trong giáo dục, giả dối cũng đang tràn ngập. Chỉ có thể chống lại căn bệnh chết người ấy, cứu xã hội, cứu đất nước, bằng một nền giáo dục trung thực, những ngôi trường trung thực, con người trung thực từ trên ghế nhà trường. Một ngôi trường buôn bán giáo dục thì tức đã dối trá ngay từ đầu. Chỉ có những ngôi trường trung thực mới tạo nên được con người trung thực, cho xã hội trung thực.

Hiện các trường ĐH tư được xem như các công ty cổ phần, tức các hội buôn, ai muốn tham gia phải bỏ tiền, và ai nhiều tiền hơn thì chỉ huy tuyệt đối và toàn diện ngôi trường! Gần đây hiện tượng “bán trường” đang diễn ra ngày càng trắng trợn và phổ biến. Chúng tôi muốn thoát ra tình cảnh thê thảm đó.

* Hiện nay đa phần học sinh không thích dự thi vào các trường cao đẳng (CĐ) hay học nghề. Ông nghĩ gì về điều này?

- Tôi đã nghe nhiều trao đổi sôi nổi về các trường “đẳng cấp quốc tế” đang được nhà nước bỏ tiền rất lớn đầu tư để vào tốp nọ tốp kia. Hẳn đều tốt cả thôi. Duy chỉ có điều không thấy ai nhắc một câu, một chữ, đến các khoa học xã hội nhân văn!

Và tại sao không làm CĐ? Đúng hơn đây là mô hình ĐH cộng đồng 2 năm, có liên thông tốt, mềm với ĐH 4 năm. Trong hội thảo vừa qua, một chuyên gia có rất nhiều kinh nghiệm trong giáo dục và từng nghiên cứu sâu về ĐH Mỹ, cho biết: ở Mỹ có những ĐH rất lớn và lừng danh như Harvard, Princeton, MIT… nhưng bên ấy người ta tự hào nhất không phải là về các ĐH đó mà là về hệ thống ĐH cộng đồng của họ! Tôi cho rằng coi thường mô hình ĐH cộng đồng là một trong những sai lầm lớn của giáo dục Việt Nam. Chúng ta nghèo mà bao giờ cũng chỉ muốn “chơi sang”. CĐ (hay ĐH cộng đồng được liên thông tốt) vừa đảm bảo cho con người sớm có nghề, là việc hết sức thiết thực, đồng thời cũng là tạo đầu vào tốt cho ĐH. Miền Trung nghèo, rất nên suy nghĩ về điều này.

Và cũng cần nghĩ đến một hình thức dự bị ĐH, vì nhiều lý do: Với lối học và thi hiện nay, các em không qua được kỳ thi ĐH chưa hẳn tất cả đều là kém. Thậm chí những em có tư duy độc lập lại thường dễ bị trượt trong lối học và thi “thuộc lòng” còn chưa chữa được hiện nay. Cần tạo lại cơ hội cho các em. Mặt khác, lối học ở phổ thông hiện nay quả thật không chuẩn bị được tốt cho sinh viên vào ĐH, khiến ĐH thành một thứ “phổ thông cấp 4” (mà cũng là phổ thông tồi). Cần chuẩn bị lại cho các em cách học ĐH (đúng ra là cách học nói chung, kể cả ở phổ thông) mà chúng ta đã làm hỏng.

Mai Nhung (thực hiện)
(Báo Thanh Niên)

NHÀ VĂN NGUYÊN NGỌC VÀ NỖI ƯU TƯ VĂN HÓA

Thỉnh thoảng, bạn đọc vẫn gặp nhà văn Nguyên Ngọc trên các báo, ông viết những bài viết ngắn, tâm huyết có tính chất trao đổi, mạn đàm. Thỉnh thoảng lại gặp ông ở một cuộc hội thảo, ở một giờ trao đổi về thể loại văn chương. Và nay thì những bài viết ấy được tập hợp trong một cuốn sách...


Có đọc Nghĩ đọc đường (NXB Văn nghệ) mới thấy trong nhà văn nổi tiếng Nguyên Ngọc luôn ẩn hiện một con người ưu thời mẫn thế. Trong tác phẩm của ông, gần như làm gì để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là câu hỏi và cũng là chủ đề nhất quán và xuyên suốt. Kiến giải những vấn đề văn hóa, bao giờ Nguyên Ngọc cũng có những ý kiến cá nhân hết sức độc đáo. Nghĩ về bản sắc văn hóa dân tộc, ông cho rằng "nên thử nghĩ lại về bản sắc, thế nào là bản sắc ?". Từ câu hỏi này, nhà văn đã tìm lại trong lịch sử và chứng minh rằng, bản sắc văn hóa dân tộc không phải là cái gì bất biến trong tiến trình vận động, nó luôn luôn là một sự tiếp biến, hội nhập. Và ở đây, một bài học lớn được rút ra là "Người ta chỉ có thể trở thành phong phú và cường tráng chính bằng khả năng hội nhập được với cái khác mình" và "Thay đổi được bản sắc của mình cũng là một biểu hiện sức mạnh tinh thần của một cộng đồng" (Nghĩ thêm về bản sắc). Thông qua một người bạn Philippines, Nguyên Ngọc đồng ý rằng văn hóa phải là cái thắng, cái phanh, cái hãm của xã hội : "Văn hóa là sự bình tâm của xã hội, là phần lương tâm sâu xa bền vững nhất của nó, phần tự vấn thường xuyên của con người, của xã hội, của dân tộc" (Anh bạn “ánh chớp" lặng thầm của tôi). Nói như vậy có nghĩa động lực văn hóa là động lực của sự thức tỉnh lương tâm con người trước những biến đổi rất nhiều dâu bể.

Hết sức bình tĩnh và công tâm, nhà văn Nguyên Ngọc đề cập đến những vấn đề cốt lõi nhất cần thay đổi trong chính sách giáo dục ở nước ta hiện nay - một bức xúc lớn mang tính thời sự. Ông cho rằng “xây dựng một nền giáo dục không phải để nhằm đào tạo nên những cái máy tinh xảo được nạp một bộ nhớ kiến thức khổng lồ... mà là tạo nên những con người tự do, biết và dám độc lập suy nghĩ, biết cách tự mình chiếm lĩnh lấy kiến thức, tự mình đi khám phá ra chân lý, lẽ phải”. Ông sâu sắc chỉ ra cái gọi là "hư học" của một nền giáo dục. Ông chỉ ra sự cần thiết phải xem xét “sự nặng nề” trong sách giáo khoa; đề nghị "về cơ bản bỏ thi, bỏ tất cả các kỳ thi ở các cấp, đặc biệt bỏ thi vào đại học"; xem xét và thay đổi toàn bộ quá trình giáo dục từ nội dung chương trình đến phương pháp giảng dạy và học ở từng cấp, tôn trọng sự phát triển tối đa của cá tính, bảo đảm sự bình đẳng về cơ hội học tập, lưu ý đào tạo người tài mở cửa đại học cho số đông... với một trách nhiệm công dân nghiêm túc.


Một ngày bình yên. Ảnh :Tư liệu

Và như bấy lâu nay Nguyên Ngọc vẫn ưu tư, ông đã trở lại với một vấn đề hết sức nhạy cảm: sự phát triển bền vững ở Tây Nguyên. Đây có lẽ là những trang viết hay nhất của cuốn sách. Với những luận điểm chặt chẽ khoa học và một tình yêu mãnh liệt dành cho đất và người Tây Nguyên, nhà văn Nguyên Ngọc đã chỉ ra những sai lầm rất lớn khi vùng đất Tây Nguyên bị vắt kiệt bởi nạn tăng dân số cơ học có khi lên đến 7%, bởi chính sách khoán rừng đến hộ gia đình không phù hợp. Những kế sách kinh tế sai lầm đã phá vỡ cơ chế xã hội đặc sắc đó là văn hóa làng - rừng của đồng bào Tây Nguyên. Rừng là không gian sinh tồn của làng, mất rừng là mất làng, đồng bào Tây Nguyên không hề có quan niệm tư hữu về cái gọi là hộ gia đình. Chính vì vậy, phát triển ổn định vùng đất Tây Nguyên phải nắm vững tổ chức xã hội của đồng bào Tây Nguyên, hiểu rõ sự bảo tồn không tách rời văn hóa rừng và làng.

Cũng từ góc độ văn hóa, tình yêu dành cho văn hóa Tây Nguyên, nhà văn Nguyên Ngọc đã đề cập hai thành tố văn hóa Tây Nguyên đặc sắc đó là căn phòng chung và sử thi. Dù gọi là nhà gươl (Cơtu), nhà rông (Bana, Xơđăng) hay nhà dài (Êđê)... thì căn phòng chung ấy là linh hồn của làng và tượng trưng cho tinh thần cộng đồng. Ông cho rằng, "giải pháp kiến trúc chẳng hạn cho các căn phòng trong một ngôi nhà Tây Nguyên hóa ra chẳng đơn giản tí nào, chẳng hề đơn thuần là một vấn đề kỹ thuật hay thậm chí một vấn đề thẩm mỹ" vì "từ vị trí, diện tích cho đến trang trí, đều có căn nguyên và ý nghĩa văn hóa xã hội sâu xa" . Sử thi Tây Nguyên đã thực sự làm kinh ngạc thế giới kể từ phát hiện viên ngọc vô giá Trường ca Đam San những năm 20 của thế kỷ trước. Cho đến nay đã có hơn 200 bộ sử thi được sưu tầm, và người ta không thể giải thích được hiện tượng mật độ sử thi kỳ lạ này ở Tây Nguyên. Cũng theo nhà văn Nguyên Ngọc không chỉ kỳ lạ ở số lượng đồ sộ khó tưởng tượng, nó còn kỳ lạ vô cùng ở cách thức biểu hiện trong đời sống hằng ngày của người Tây Nguyên "khi kể sử thi, không phải người ta đọc lại một bản sử thi đã thuộc lòng mà người ta nhìn thấy, nhìn thấy tất cả những cái ấy, tất cả những nhân vật, những cảnh tượng ấy". Trái tim rung động bồi hồi, Nguyên Ngọc kể lại một đêm nghe sử thi để được "nhân cuộc sống của mình lên thêm vô số lần, sống thêm được bao nhiêu cuộc đời khác nữa".

Suốt một đời cầm bút với những năm tháng lăn lộn ở chiến trường sống và viết, rồi những năm tháng hòa bình nhiều trăn trở, suy ngẫm về văn hóa là nỗi lo canh cánh của nhà văn Nguyên Ngọc. Đọc Nghĩ dọc đường, bất chợt tôi nhớ những cánh rừng xà nu bị pháo bắn tan tành, nhưng rồi sau đó như có phép lạ, những chiếc chồi nhỏ lại mọc lên đâm thủng những vết cháy từ thân cây mẹ. Phải chăng sức sống của cây xà nu chính là biểu trưng của những giá trị văn hóa bền vững, và sức sống ấy chỉ bất diệt khi nó được gìn giữ và bảo tồn thường xuyên. Đây cũng là bức thông điệp phát đi từ trách nhiệm công dân của nhà văn gốc Quảng Nam, Nguyên Ngọc.

Xuân Hoàng
(Báo Quảng Nam)
http://baoquangnam.com.vn/van-hoa-van-nghe/van-hoa/1544-nha-van-nguyen-ngoc-va-noi-uu-tu-van-hoa.html

HỌC MỖI NGÀY, DẠY VÀ HỌC

5 tháng 6, 2011

Cà rốt, nhân sâm của người nghèo

Tác giả: Bs Nguyễn Ý Đức


1. CÀ RỐT, NHÂN SÂM CỦA NGƯỜI NGHÈO

HOCMOINGAY. Sâm là món thuốc quý trong y học đông phương mà ngày nay y học thực nghiệm Tây phương cũng phần nào công nhận. Nhưng sâm là dược thảo đắt tiền nên dân bạch đinh ít người có cơ hội sử dụng. Và các nhà y học cổ truyền đã khám phá ra một thảo mộc có giá trị tương tự như sâm để thay thế. Đó là củ cà rốt nho nhỏ, màu đỏ mà các vị lương y này coi như là một thứ nhân sâm của người nghèo.


Có lẽ vì là “nhân sâm của người nghèo”, nên cà rốt được tạo hóa đặc biệt ưu tiên ban cho dân chúng ở vùng đất sỏi đá Afghanistan từ nhiều ngàn năm về trước để dân chúng bồi bổ, tăng cường sức khỏe.

Từ mảnh đất nghèo khó đó, cà rốt được các đế quốc La Mã, Hy Lạp khi xưa biết tới giá trị dinh dưỡng cũng như y học. Họ mang về trồng làm thực phẩm và để chữa bệnh. Các danh y hai quốc gia này như Hippocrattes, Galen, Diocorides..đã lên tiếng ca ngợi cà rốt vừa là thức ăn ngon, vừa là dược thảo tốt để chữa bệnh cũng như tăng cường khả năng tình dục.

Trải qua nhiều thế kỷ, cà rốt du nhập tới các quốc gia khác trên khắp trái đất và là món ăn ưa chuộng của mọi người dân, không kể giầu nghèo. Người Tây Ban Nha mang cà rốt đến châu Mỹ vào thế kỷ thứ 15, rồi người Anh cũng mang theo khi họ đi chinh phục Mỹ vào thế kỷ thứ 16.

Hiện nay, Trung Hoa đứng đầu về số lượng sản xuất cà rốt, tiếp theo là Hoa Kỳ, Ba Lan, Nhật Bản, Pháp, Anh và Đức. Mỗi năm, Hoa kỳ thu hoạch trên 1,5 triệu tấn cà rốt, hơn một nửa được trồng ở tiểu bang California.

Cà rốt có nhiều mầu khác nhau như trắng, vàng, đỏ và tím đỏ. Loại cà rốt đầu tiên ỏ A Phú Hãn có mầu trắng, đỏ, vàng. Hòa Lan là quốc gia đầu tiên trồng cà rốt màu cam vào khoảng đầu thế kỷ 17.

Mầu của cà rốt tùy thuộc vào một số yếu tố như là: nhiệt độ nóng quá hoặc lạnh quá làm giảm mầu cà rốt; cà rốt thu hoạch vào mùa Xuân và Hạ có mầu xậm hơn là vào mùa Thu và Đông; tưới nước quá nhiều và nhiều ánh sáng làm giảm mầu cà rốt...

Cà rốt được trồng bằng hạt từ tháng Giêng tới tháng Bảy, nẩy mầm sau hai tuần lễ và có củ trong thời gian từ hai tới ba tháng.

Cà rốt có thể nhỏ síu bằng đầu ngón tay em bé hoặc dài tới ba gang tay, đường kính bằng cổ tay.

Cà rốt là tên phiên âm từ tiếng Pháp carotte. Tên khoa học là Dacus carota. Người Trung Hoa gọi là Hồ La Bặc. Theo họ, loại rau này có nguồn gốc từ nước Hồ, và có hương vị như rau la-bặc, một loại cải của Trung Hoa.

1.- Giá trị dinh dưỡng

Một củ cà rốt cỡ trung bình có 19 mg calci, 32 mg phospho, 233 mg kali, 7 mg sinh tố C, 7 gr carbohydrat, 5 gr đường, 2gr chất xơ, 1gr chất đạm, 6.000mcg sinh tố A, 40 calori, không có chất béo hoặc cholesterol.

Một ly (240ml) nước cà rốt lạnh nguyên chất cung cấp khoảng 59 mg calci, 103 mg phospho, 718 mg kali, 21 mg sinh tố C, 23 g carbohydrat và 18.000mcg sinh tố A. Thật là một món giải khát vừa ngon vừa bổ dưỡng.

*Cà rốt như thực phẩm

Vị dịu ngọt của cà rốt rất thích hợp với nhiều thực phẩm khác, cho nên có nhiều cách để nấu nướng cà rốt.

Cà rốt có thể ăn sống hay nấu chín với nhiều thực phẩm khác, nhất là với các loại thịt động vật. Người viết không dám lạm bàn. Chỉ xin thưa rằng: bò kho mà không có cà rốt thì chẳng phải bò kho. Cảm lạnh mà được một bát canh thịt nạc nấu với cà rốt, đậu hà lan thêm vài nhánh hành tươi, ăn khi còn nóng hổi thì thấy nhẹ cả người. Chả giò chấm nước mắm pha chua, cay, ngọt mà không có cà rốt thái sợi thì ăn mất ngon. Cà rốt cào nhỏ, thêm chút bơ ăn với bánh mì thịt nguội thì tuyệt trần đời...

Dù ăn cách nào, sống hay chín, cà rốt vẫn giữ được các chất bổ dưỡng. Đặc biệt khi nấu thì cà rốt ngọt, thơm hơn vì sức nóng làm tan màng bao bọc carotene, tăng chất này trong món ăn. Nhưng nấu chín quá thì một lượng lớn carotene bị phân hủy.

Cà rốt ăn sống là món ăn rất bổ dưỡng vì nhiều chất xơ mà lại ít calori. Cà rốt tươi có thể làm món rau trộn với các rau khác.

Cà rốt đông lạnh cũng tốt như cà rốt ăn sống hoặc nấu chín, chỉ có cà rốt phơi hay sấy khô là mất đi một ít beta carotene. Cà rốt ngâm giấm đường cũng là món ăn ưa thích của nhiều người.

Ăn nhiều cà rốt đưa đến tình trạng da có màu vàng như nghệ. Lý do là chất beta caroten không được chuyển hóa hết sang sinh tố A nên tồn trữ ở trên da, nhất là ở lòng bàn tay, bàn chân, sau vành tai. Tình trạng này không gây nguy hại gì và màu da sẽ trở lại bình thường sau khi bớt tiêu thụ cà rốt.

*Nước vắt cà rốt là món thức uống tuyệt hảo.

Rửa sạch cà rốt với một bàn chải hơi cứng, đừng bỏ hết vỏ vì sinh tố và khoáng chất nằm ngay dưới vỏ. Sau khi ép, nên uống ngay để có hương vị tươi mát. Muốn để dành nước cà rốt, nên cho vào chai đậy kín để tránh oxy hóa rồi cất trong tủ lạnh. Nên lựa cà rốt lớn, chắc nịch với mầu vàng đậm hơn là loại vàng nhạt, để có nhiều caroten.

Có thể pha uống chung nước cốt cà rốt với nước trái cam, cà chua, dứa để tạo ra một hỗn hợp nước uống mang nhiều hương vị khác nhau.

Lá cà rốt cũng có thể ăn được, nhưng hơi đắng vì chứa nhiều kali. Lá có nhiều chất đạm, khoáng và sinh tố. Để bớt cay, trộn một chút giấm đường. Lá có tính cách sát trùng nên nước cốt lá cà rốt được thêm vào nước súc miệng để khử trùng.

2.- Công dụng y học

Cà rốt chứa rất nhiều beta carotene, còn gọi là tiền- vitamin A, vì chất này được gan chuyển thành sinh tố A với sự trợ giúp của một lượng rất ít chất béo.

Trong 100 gr cà rốt có 12.000 microgram (mcg) caroten, có khả năng được chuyển hóa thành khoảng 6000mcg vitamin A trong cơ thể. Trong khi đó thì lượng caroten do 100gr khoai lang cung cấp là 6000 mcg, xoài là 1,200 mcg, đu đủ từ 1,200 đến 1,500 mcg, cà chua có 600mcg, bắp su có 300 mcg, cam có 50 mcg caroten...

Nhà dinh dưỡng uy tín Hoa Kỳ Roberta Roberti đã liệt kê một số công dụng của cà rốt đối với cơ thể như: làm tăng tính miễn dịch, nhất là ở người cao tuổi, giảm cháy nắng, giảm các triệu chứng khó chịu khi cai rượu, chống nhiễm trùng, chống viêm phổi, giảm bớt mụn trứng cá, tăng hồng huyết cầu, làm vết thương mau lành, giảm nguy cơ bệnh tim mạch

Bản hướng dẫn về dinh dưỡng của Bộ Canh Nông Hoa Kỳ vào năm 1995 có ghi nhận rằng ‘Các chất dinh dưỡng chống oxy hóa trong thực phẩm thực vật như sinh tố C, carotene, sinh tố A và khoáng selenium đều được các nhà khoa học thích thú nghiên cứu và quần chúng ưa dùng vì chúng có khả năng giảm thiểu rủi ro gây ra ung thư và các bệnh mãn tính khác’

Từ thời xa xưa ở Ấn Độ, Hy Lạp và La Mã, cà rốt, nước ép cà rốt, trà cà rốt đã được dùng để trị bệnh

*Cà rốt với bệnh ung thư

Beta carotene có tác dụng chống ung thư trong thời kỳ sơ khởi, khi mà các gốc tự do tác động để biến các tế bào lành mạnh thành tế bào bệnh. Beta carotene là chất chống oxi hóa, ngăn chận tác động của gốc tự do, do đó có thể giảm nguy cơ gây ung thư phổi, nhiếp hộ tuyến, tụy tạng, vú và nhiều loại ung thư khác.

Theo nhà thảo mộc học J.L.Hartwell thì cà rốt được dùng trong y học dân gian tại một số địa phương rải rác trên thế giới như Bỉ, Chí Lợi, Anh, Đức, Nga, Mỹ... để trị các chứng ung thư, mụn loét có tính ung thư, chứng suy gan và suy tủy sống.

Kết quả nghiên cứu tại Anh và Đan Mạch cho hay chất Falcarinol trong cà rốt có thể giảm nguy cơ ung thư. Bác sĩ Kirsten Brandt, giáo sư tại Đại học Newcastle và là một thành viên của nhóm nghiên cứu cho hay, họ sẽ tiếp tục tìm hiểu coi phải dùng một số lượng là bao nhiêu để hóa chất này có tác dụng ngừa ung thư. Giáo sư Brandt cũng tiết lộ là vẫn ăn cà rốt mỗi ngày.

*Cà rốt với ung thư phổi

Kết quả nghiên cứu của giáo sư dinh dưỡng Richard Baybutt và cộng sự tại Đại học Kansas, Hoa Kỳ, cho hay chất gây ung thư benzo(a)pyrene có thể gây ra thiếu sinh tố A trong cơ thể chuột và đưa tới bệnh emphysema. Ông kết luận rằng một chế độ dinh dưỡng có nhiều sinh tố A sẽ bảo vệ cơ thể đối với ung thư phổi và khí thũng phổi (emphysema).

*Cà rốt với hệ tiêu hóa

Súp cà rốt rất tốt để hỗ trợ việc điều trị bệnh tiêu chẩy, đặc biệt là ở trẻ em. Súp bổ sung nước và các khoáng chất thất thoát vì tiêu chẩy như K, sodium, phosphor, calcium, magnesium..

Một số bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa nhận xét rằng cà rốt làm bớt táo bón, làm phân mềm và lớn hơn vì có nhiều chất xơ. Do công dụng này, cà rốt cũng có thể làm giảm nguy cơ ung thư ruột già

*Cà rốt với thị giác

Cà rốt không ngăn ngừa hoặc chữa được cận thị hay viễn thị nhưng khi thiếu sinh tố A, mắt sẽ không nhìn rõ trong bóng tối. Cà rốt có nhiều beta caroten, tiền thân của sinh tố A. Ở võng mạc, sinh tố A biến đổi thành chất rhodopsin, mầu đỏ tía rất cần cho sự nhìn vào ban đêm. Ngoài ra, beta caroten còn là một chất chống oxy hóa rất mạnh có thể ngăn ngừa võng mạc thoái hóa và đục thủy tinh thể. Đây là hai trong nhiều nguy cơ đưa tới khuyết thị ở người cao tuổi.

Chúng ta chỉ cần ăn một củ cà rốt mỗi ngày là đủ sinh tố A để khỏi bị mù ban đêm.

Nhiều người còn cho là cà rốt với số lượng sinh tố A và Beta Carotene lớn còn có khả năng chữa và ngăn ngừa được các chứng viêm mắt, hột cườm mắt, thoái hóa võng mạc...

Một sự trùng hợp khá lạ là khi cắt đôi, củ cà rốt với các vòng tròn lan ra chung quanh trông giống như đồng tử (pupils) và mống mắt (iris). Như vậy phải chăng tạo hóa đã sắp đặt để con người nhận ra giá trị của cà rốt đối với cặp mắt...

*Cà rốt với bệnh tim

Nghiên cứu tại Đại học Massachsetts với 13,000 người cao tuổi cho thấy nếu họ ăn một củ cà rốt mỗi ngày thì có thể giảm nguy cơ cơn suy tim tới 60%. Đó là nhờ có chất carotenoid trong cà rốt.

*Cà rốt với cao cholesterol

Bác sĩ Peter Hoagland thuộc Bộ Canh Nông Hoa Kỳ cho hay chỉ ăn hai củ cà rốt mỗi ngày có thể hạ cholesterol xuống từ 10-20%.

Thí nghiệm bên Scotland cho thấy tiêu thụ 200 g cà rốt sống mỗi ngày, liên tục trong 3 tuần lễ, có thể hạ mức cholesterol xuống khoảng 11%.

Các nhà nghiên cứu tại Đài Loan cũng có cùng ý kiến.


*Cà rốt với bệnh tiểu đường

Theo S Suzuki, S Kamura, tiêu thụ thực phẩm có nhiều carotenoid có thể làm giảm nguy cơ mắc tiểu đường loại 2 bằng cách tăng tác dụng của insulin.


*Cà rốt với phụ nữ

Với phụ nữ, cà rốt có thể mang tới nhiều ích lợi như làm giảm kinh nguyệt quá nhiều, giảm triệu chứng khó chịu trước khi có kinh, bớt bị chứng viêm âm hộ và nhiễm trùng đường tiểu tiện nhất là giảm nguy cơ loãng xương sau thời kỳ mãn kinh.

3.- Cà rốt trong đời sống

Các khoa học gia tại Đại học York bên Anh đã phân tách từ cà rốt một loại chất đạm đặc biệt có thể dùng để chế biến chất chống đông lạnh (antifreeze) . Nếu thành công, chất chống đông lạnh này sẽ rất hữu dụng ở trong phòng thí nghiệm để lưu trữ tế bào cho mục đích khoa học cũng như cho việc trồng thực vật khỏi bị đông giá.

Tại phòng thí nghiệm của Đại học Uwate, Nhật Bản, nhà nghiên cứu Hiroshi Taniguchi đã khám phá ra rằng, một vài loại rau như cà rốt ớt xanh, pumpkins...có thể được sử dụng để chế biến tia laser. Laser hiện nay dược dùng rất phổ biến trong mọi lãnh vực y khoa học.

Trong thế chiến II, phi cơ Đức quốc Xã thường oanh tạc Luân Đôn vào ban dêm để tránh bị phòng không Anh bắn hạ. Quân đội Anh lại mới sáng chế ra máy radar để tìm bắn máy bay địch vào ban đêm. Để dấu phát minh này, giới chức quân sự Anh nói rằng phi công của họ ăn nhiều cà rốt nên phát hiện được máy bay dịch rất rõ, ngày cũng như đêm. Quân đội Đức không tìm hiểu thêm vì tại nước họ cũng có nhiều người tin như vậy. Đây chỉ là một giai thoại mà thôi.

4.- Lựa và Cất giữ cà rốt

Mua cà rốt, nên lựa những củ còn lá xanh tươi, củ phải chắc nịch, mầu tươi bóng và hình dáng gọn gàng, nhẵn nhụi. Cà rốt càng có đậm mầu cam là càng có nhiều beta caroten. Tránh mua cà rốt bị nứt, khô teo. Nếu cà rốt không còn lá, nhìn cuống coi có đen không. Nếu cuống đen là cà rốt quá già.

Vì đa số đường của cà rốt nằm trong lõi, nên củ càng to thì lõi cũng lớn hơn và ngọt hơn.

Cà rốt là loại rau khỏe mạnh, chịu đựng được điều kiện thời tiết khó khăn nên có thể để dành lâu hơn nếu biết cách cất giữ.

Trước hết là đừng để thất thoát độ ẩm của rau. Muốn vậy, cất cà rốt ở ngăn lạnh nhất của tủ lạnh, trong túi nhựa hoặc bọc bằng giấy lau tay. Đừng rửa trước khi cất tủ lạnh, vì cà rốt quá ướt trong túi sẽ mau bị hư. Chỉ rửa trước khi ăn. Cất như vậy có thể để dành được hơn hai tuần lễ.

Đừng để cà rốt gần táo, lê, khoai tây vì các trái này tiết ra hơi ethylene làm cà rốt trở nên đắng, mau hư.

Nếu cà rốt còn lá, nên cắt bỏ lá trước khi cất trong tủ lạnh, để tránh lá hút hết nước của củ và mau hư.

Trước khi ăn, rửa củ cà rốt với một bàn chải hơi cứng. Ngoại trừ khi cà rốt quá già hoặc e ngại nhiễm thuốc trừ sâu bọ, không cần gọt bỏ vỏ.

Cà rốt có thể làm đông lạnh để dành mà vẫn ngon.

Trước hết, phải trụng cà rốt trong nước sôi. Đây là cách để dành đông lạnh cho tất cả các loại rau. Trụng như vậy sẽ ngăn cản tác dụng làm mất hương vị, cấu trúc của thực phẩm.do các enzym có sẵn trong rau.

Sau khi trụng trong nước sôi độ mươi phút, lấy cà rốt ra, cho vào bao nhựa rồi để ngay vào ngăn đông đá.


5.- Kết luận

Cà rốt là món ăn khá rẻ tiền so với lượng dinh dưỡng quý giá mà rau cung cấp. Nhiều người ít ăn cà rốt chỉ vì thiếu hiểu biết đầy đủ về giá trị dinh dưỡng của thực phẩm này. Mặt khác, tập quán ăn uống vốn được thành hình từ thói quen lâu ngày. Cà rốt là loại cây trồng mới được đưa vào Việt Nam từ thế kỷ trước, nên đối với phần đông người Việt, nhất là những người ở xa thành phố, vẫn chưa quen thuộc với việc sử dụng cà rốt thường xuyên trong ngày.



Xin nhắc lại một số đặc tính của cà rốt:

-Cà rốt có hương vị thơm ngọt, có thể ăn chung với thực phẩm khác

-Cà rốt có thể ăn sống hoặc nấu chín

-Trẻ em rất thích ăn cà rốt vì hương vị nhẹ nhàng của cà rốt

-Cà rốt sống mang đi cắm trại hoặc ăn giữa ngày snack rất tiện

-Giá cà rốt tương đối rẻ, lại có sẵn quanh năm

-Cà rốt có nhiều sinh tố A, beta caroten, sinh tố A cần cho làn da, mắt, tóc, sự tăng trưởng và phòng chống bệnh nhiễm. Beta caroten có khả năng giảm thiểu các bệnh kinh niên như tim mạch, ung thư

-Cà rốt có nhiều chất xơ, giảm cholesterol và bệnh đường ruột

-Cà rốt cung cấp rất ít calori, nên ăn nhiều không sợ bị mập phì

Nếu biết tận dụng loại thực phẩm này với các đặc tính như trên, chắc chắn chúng ta sẽ nâng cao tình trạng sức khỏe cũng như phòng ngừa được hầu hết các bệnh do thiếu vitamin A.

BS. Nguyễn Ý Đức, Texas

5 phút thư giản:

El verdadero Baile del Perro.flv

Người theo dõi