Lưu trữ Blog

13 tháng 7, 2012

Nhớ về Cha: đọc và suy ngẫm

HỌC MỖI NGÀY. Trang blog của GS. Nguyễn Lân Dũng có bài viết "Nhớ về Cha" của ông Hoàng Vĩnh Giang với những lời văn giản dị mà cảm động: "Người ta nói rằng con hơn cha là nhà có phúc, điều này có thể không sai ở những trường hợp nào đó, nhưng ở gia đình tôi, câu nói này là một sự xúc phạm. Đối với cha, một nhân sĩ trí thức, với một bề dày cống hiến, một nhân cách lớn, chúng tôi chỉ có thể thề trước vong linh của cụ là sẽ nguyện noi theo Người cống hiến cho đất nước với hết khả năng của mình để không phụ kỳ vọng của cha, không làm hổ danh là dòng dõi, là hậu duệ của cha và của gia tộc có truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng". Giáo sư Hoàng Minh Giám là một trí thức lớn, nhà giáo, nhà văn hoá mẫu mực Lời dạy của Người về văn hoá thật đáng suy ngẫm: “Văn hóa cao hay thấp không nằm trong nghề nghiệp nào đó mà nằm ở nền tảng giáo dục mà người đó đã tiếp thu được. Không có sự phân biệt nghề nào được cho là sang hay hèn, lao động chân tay hay lao động trí óc. Điều chính là cần sống, ứng xử và cống hiến theo sự nhận thức mà cá nhân đó có được sau quá trình được giáo dục trải nghiệm cuộc sống. Một người nông dân thức ngộ tốt đạo làm người còn hơn rất nhiều một trí thức lại có những hành vi không mang lại lợi ích cho đời”

NHỚ VỀ CHA


Hoàng Vĩnh Giang (*)




Cha tôi với ATK Tuyên Quang


Mỗi khi đứng trước ban thờ, khấn xin người cha kính yêu phù hộ cho toàn gia may mắn, cho sự nghiệp TDTT mà ông đã cổ vũ tôi theo đuổi cả cuộc đời được thuận buồm xuôi gió thì hình ảnh linh thiêng của Người lại hiện lên với một nụ cười thân thương không bút nào tả xiết. Ở tuổi lục tuần ước gì được cảm nhận nụ cười đó thêm dù chỉ một lần!

Cuộc đời cống hiến cho cách mạng của cha tôi đã từng được ghi lại thành sách, trong các bút ký, các tài liệu lịch sử của bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Quốc hội, Ủy ban TWMTTQ Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam với nhân dân các nước và cũng đã được nhắc đến trong các dịp kỷ niệm ngày sinh của ông do các học trò trường Thăng Long, các đoàn thể tổ chức. Song chắc chắn chưa có ai viết về cuộc sống bình dị của người theo góc độ là người cha, người trụ cột của một gia đình lớn của chúng tôi.

Là một trí thức cách mạng của một gia tộc có truyền thống nhiều thế kỷ, cha tôi đã vinh dự được theo Bác Hồ từ những ngày đầu các mạng Tháng Tám rồi sau đó đi kháng chiến lên chiến khu Việt Bắc (ATK), tham gia cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp.

Được nghe mẹ và các cô chú kể lại, tôi cảm nhận từ những câu chuyện đó có những nét nào đó rất lãng mạn. Rời xa chốn phồn hoa Hà thành lên chiến khu là cả một chặng đường dài đầy gập gềnh chông gai. Mặc dù là gia quyến của nhân sĩ, cán bộ cao cấp của Bộ Ngoại giao nhưng cũng như những người khác chúng tôi thường xuyên không đủ ăn. Dọc đường, có nhiều lúc phải ăn cơm hoặc thức ăn xin được của đồng bào thiểu số giành cho gia súc. Việc ăn rau tàu bay, lá khoai, lá sắn là thường xuyên. Cha tôi nói đùa với cả nhà rằng: “Mình cũng là một gia súc cấp cao. Nếu không ăn thì lấy đâu ra sức mà đến được ATK”. Các cô chú ở Bộ Ngoại giao khi qua Phú Thọ đã mua cho ông một con ngựa để cưỡi trên hành trình vất vả. Cha tôi đặt tên cho con ngựa là “Phú Thọ”. Chú ngựa này đã theo ông trong suốt những năm kháng chiến. Cơ quan đã chọn địa điểm và dựng cho gia đình một căn nhà sàn tại một hẻm núi ở Lũng Cò, châu Sơn Dương, Tuyên Quang. Chỗ này từ đó đến nay có tên là thung lũng “Ông Minh” - tên bí danh của cha tôi.




Hồi đó mới chỉ 3-4 tuổi nhưng mỗi lần ông đi công tác, tôi giành bằng được chiếc gối của ông nằm để có được “mùi ba” khi nằm ngủ. Mỗi khi ông cưỡi con Phú Thọ từ Bộ Ngoại giao cách nhà 5 km về, tôi thường chờ ông bước tới nhà sàn thì hét lên rồi nhảy từ trên xuống, ba tôi đã tóm gọn thằng con một cách rất điệu nghệ. Sau này tôi trở thành một vận động viên nhảy cao, không biết có mối liên hệ nào giữa “năng khiếu” nhảy từ nhà sàn có độ cao 1.8 m xuống để bố đỡ với nghề nhảy cao chuyên nghiệp sau này của tôi không?

Một nhà giáo mẫu mực


Việc bố tôi là hiệu trưởng trường Thăng Long, Hà Nội, tham gia dạy học với các bậc trí thức như các bác Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Lân… đã vất vả lại còn phải chống chèo với thực dân Pháp để đào tạo ra một thế hệ những học trò xuất sắc, lực lượng trí thức yêu nước của cách mạng sau này. Nhưng bản thân tôi lại có một hồi ức vô cùng đậm nét về cha tôi - một nhà giáo. Đó là thời điểm năm 1962-1963, lúc đó tôi đang học cấp III ở trường phổ thông III B (Nay là trường Việt Đức, Hà Nội). Là một học sinh gần ở mức cá biệt, tôi chỉ kha khá ở ngoại ngữ, sinh vật, địa lý, nhưng cực dốt về toán và hóa. Ba tôi cũng biết yếu điểm của các con, trong đó có tôi. Nhiều lần ông đến bên bàn hỏi: “Có gì nan giải không?”. Tôi đưa ngay cho ông một bài hình học không gian mà tôi loay hoay cả tối vẫn không giải được. Ông xem và nói: “Đưa ba quyển giáo khoa nào”. Ông xem khoảng 20 phút, lúc đó đã là 11 giờ 30 tối. Tôi đã ngủ gà ngủ gật. Ông vào phòng học gọi tôi dậy và giảng cặn kẽ bài toán hình học. Tôi như trút được gánh nặng vì đã trả được bài hôm sau, nhưng nhìn ông cho đến bây giờ tôi vẫn không quên được nét mặt mệt mỏi nhưng hiền từ và mãn nguyện ấy của cha. Tôi kể cho một vài người bạn về việc này. Họ nói “Đây là một minh chứng cho thấy không phải chức Hiệu trưởng trường Thăng Long nổi tiếng là hư danh”. Quả thật, ngày xưa các cụ được đào tạo hết sức căn bản, cộng với năng lực cá nhân mà qua 40 năm ông vẫn còn giải được một bài toán khó cho con trai.


Một người cha hiền từ


Công tác bận là thế, nhưng cha tôi còn đủ thời gian thể hiện tình thương vô hạn đối với các con. Trong nhà tôi có cô em gái Hoàng Vĩnh Hảo (hiện đang công tác tại Ban Tuyên giáo thành ủy thành phố HCM) bị yếu phổi bẩm sinh, mỗi khi về nhà thấy cô con gái quặt quẹo, ho hen, ông rất buồn và luôn tìm nhờ mua các loại thuốc cho con uống. Đặc biệt, hàng đêm, ông đích thân bế cô em gái là Hoàng Vĩnh Hạnh (Hiện là cán bộ Bảo tàng LSQG) vào toa lét “xi tè”. Việc này thật là không dễ đối với một người cao tuổi, và bận rộn công việc trong ngày, song ông làm việc này đều đặn với một tình thương bao la và tất nhiên với sự gắng sức của một người cha bận rộn công việc quốc gia.

Văn hóa không đánh giá qua nghề nghiệp


Gia đình tôi có nhiều anh chị em, mỗi người theo một ngành nghề khác nhau. Có người theo nghề xây dựng, người theo nghề ngoại giao, người làm việc trong ngành văn hóa, thể dục thể thao. Tôi muốn nói về một nhận định của bố tôi mà cho đến nay càng ngẫm càng thấm sự thâm thúy, sâu xa. Thời đó, nhiều người hỏi ông: “Bác là một nhà văn hóa, nhà giáo, nhà ngoại giao, tại sao lại cho anh Giang theo nghề thể dục thể thao? Khái niệm nghề thể thao là “Đầu óc ngu si, tứ chi phát triển” là rất phổ biến ở thời điểm đó. Ông mỉm cười nói: “Nó đã được anh Tạ Thúc Bình nhận là học sinh trường Cao đẳng Mỹ thuật, nhưng vì yêu thể thao nên nó xin đi học tiếp để tập ở trường Năng khiếu thể thao Hà Nội (Tôi đã được cha cho học vẽ ở Hàng Trống, nơi họa sĩ nổi tiếng Mạnh Quỳnh dạy 4 năm). Tôi cho rằng nó thích thể thao thì nên khuyến khích vì thể thao chính là văn hóa thể chất”. Cụ còn dẫn từ thể dục thể thao tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Nga đọc ra sao. Ông còn nói: “Văn hóa cao hay thấp theo tôi không nằm trong nghề nghiệp nào đó, nó nằm ở nền tảng giáo dục mà một con người đã tiếp thu được. Không có sự phân biệt nghề nào được cho là sang hay hèn, lao động chân tay hay lao động trí óc. Điều chính là cần sống, ứng xử và cống hiến theo sự nhận thức mà cá nhân đó có được sau quá trình được giáo dục trải nghiệm cuộc sống. Tôi thấy điều này đúng vì nếu người nông dân thức ngộ tốt đạo làm người còn hơn rất nhiều một trí thức lại có những hành vi không mang lại lợi ích cho đời”.

Theo lời dạy bảo của cha, tôi đã không hề mặc cảm, nguyện làm một vận động viên thể thao và không ngừng cố gắng tích lũy kiến thức cho nghề nghiệp, tuân thủ sự lựa chọn của mình theo phương hướng nâng cao, khai thác, bổ sung cho hình ảnh một vận động viên, HLV, một cán bộ công tác trong lĩnh vực thể dục thể thao thêm nhiều chất văn hóa.

Nhà văn hóa mẫu mực của châu Á


Đó là một nhận định của cố Bộ trưởng Bộ Văn hóa Liên bang CHXHCN Xô viết Phursheva, Ủy viên Trung ương Đảng CSLX (cũ). Hồi cuối những năm 60, đầu 1970, khi tôi đang theo học Đại học thể dục thể dục thể thao tại thành phố Kiev Ucraina. Bố tôi thường đi sang họp tại Liên xô hoặc transit tại Mátscơva. Thỉnh thoảng tôi xin nhà trường cho lên Mátscơva để gặp cha. Có lần tôi được ông thư ký của bà Bộ trưởng tâm sự như sau: “Bà ấy rất hiếm khi ra tận máy bay để đón khách, nhưng đối với papa của cậu thì khác, bà dặn chúng tôi rất kỹ rằng tavarish (đồng chí) Hoàng Minh Giám là một nhà văn hóa mẫu mực của châu Á. Chúng ta phải đón tiếp chu đáo con người này…” Ông thư ký còn nói đùa nhiều người ở Bộ Văn hóa Liên xô trêu bà là chắc ông Giám cũng một phần là một mỹ nam tử và lại rất có duyên trong giao tiếp nên bà thấy phần nào thân mật hơn các mister khác (Bà rất giỏi tiếng Pháp và tiếng Ý nên cha tôi giao tiếp với bà không cần qua phiên dịch).

Trọn đời cống hiến cho đất nước


Tôi không có cơ may được thấy sự vất vả của cha tôi khi tham gia phong trào cách mạng, nhưng hình ảnh ông cưỡi ngựa vượt đèo về nhà thì tôi còn nhớ như in. Trong một lần, tôi và cậu con trai tôi cùng xem phim Cao bồi Mỹ “Tên tôi là vô danh” ( My name is nobody) có ông Henry Fonda bố của Jane Fonda -ngôi sao màn bạc đoạt 2 giải Oscar đã từng chống chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam đóng, tôi nói đùa với con: “Con biết không, ngày xưa trên chiến khu trong rừng chiều, ông con cũng cưỡi ngựa nhong nhong “bên đèo lắng suối reo, ngàn thông réo” như thế đấy (Tất nhiên tôi không nói thêm là con Phú Thọ ngày xưa nó quá bé so với con ngựa mà con thấy trên màn hình)”.

Những ngày ở cố định tại ngôi nhà thân yêu số 8 Phạm Đình Hổ là quãng thời gian đầy ắp những kỷ niệm của gia đình tôi. Chúng tôi đã chứng kiến, lắng nghe những bước chân rất nhanh nhẹn, chắc chắn của cha khi tan tầm bước lên tầng hai lúc còn sung sức mỗi khi đi làm về hoặc trở về nhà sau những buổi tiếp khách quốc tế. Những tiếng bước chân đó theo năm tháng ngày càng chậm hơn, nặng nề hơn và đôi khi ngắt quãng. Anh chị em trong nhà đều tranh nhau chạy xuống xách cặp cho ba. Còn tôi nhiều lúc vừa rưng rưng nước mắt vừa liên tưởng người cha thân yêu của anh em chúng tôi đã từng cưỡi ngựa vượt đèo vượt suối, đã từng đối mặt với quân thù trên mặt trận ngoại giao, đã từng nở những nụ cười của một nhà văn hóa mang theo tình cảm của người dân Việt Nam tới những bạn bè quốc tế. Là trợ thủ đắc lực của Bác Hồ trong những chuyến thăm quan các nước, cha cũng chính là người đã động viên mình theo nghề thể dục thể thao, một nghề mà ông cho là có tính văn hóa cao. Đích thân ông cũng nhiều lần đến tận sân vận động xem con trai thi đấu và lập kỷ lục.

Nguyện noi theo Người


Người ta nói rằng con hơn cha là nhà có phúc, điều này có thể không sai ở những trường hợp nào đó, nhưng ở gia đình tôi câu nói này là một sự xúc phạm. Đối với cha, một nhân sĩ trí thức, với một bề dày cống hiến, một nhân cách lớn, chúng tôi chỉ có thể thề trước vong linh của cụ là sẽ nguyện noi theo Người cống hiến cho đất nước với hết khả năng của mình để không phụ kỳ vọng của cha, không làm hổ danh là dòng dõi, là hậu duệ của cha và của gia tộc có truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng.


(*) Hoàng Vĩnh Giang hiên là Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Châu Á,
Phó Chủ tịch  kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Quốc gia,
Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Trung (Trung Ương),
Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Trung Hà Nội

Trở về trang chính

CÂY LƯƠNG THỰCFOODCROPS.VN
DẠY VÀ HỌC TRÊN  BLOGTIENGVIET
DẠY VÀ HỌC ĐH NÔNG LÂM HCM
DẠY VÀ HỌC TRÊN  BLOGSPOT
NGỌC PHƯƠNG NAM



Người theo dõi