Lưu trữ Blog

23 tháng 12, 2012

Đến với bài thơ hay: Thường dân

HỌC MỖI NGÀY. Thường dân là bài thơ hay của Nguyễn Long một dân thường ở Thái Bình. Đây là bài thơ đoạt giải nhất trên bốn vạn bài thơ dự thi thơ lục bát năm 2003. Ngày ấy, người ta chuyền tay nhau bản phôtô để đọc và sau này bài thơ được lưu truyền rất rộng rãi trong dân gian. Tác giPhùng Nguyên đã có bài viết "Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân" trên Tiền phong Online ngày 12/4/2010 ở chuyên mục Văn nghệ giới thiệu bài thơ này. Tác giả Nguyễn Long (ảnh dưới) trở thành nhân vật “Hỏi chuyện một người dân” nhưng ông không hề nói về thơ mà lại nói về thường dân nguyên nghĩa. Chị Bùi Thị Bình và chị Phan Thị Thanh Minh cư dân Xóm Lá BlogtiengViet có bài thơ họa "Cỏ may" và "Người"cũng khá thú vị. Xin trân trọng mời bạn nối vần bình và họa bài thơ Thường dân tuyệt phẩm này.



THƯỜNG DÂN

Nguyễn Long
Đông thì chật, ít thì thưa
Chẳng bao giờ thấy dư thừa thường dân.
Quanh năm chân đất đầu trần
Tác tao sau những vũ vần bão giông.


Khi làm cây mác cây chông
Khi thành biển cả, khi không là gì
Thấp cao đâu có hề chi
Cỏ ngàn năm vẫn xanh rì cỏ thôi.


Ăn của đất, uống của trời
Dốc lòng cởi dạ cho người mình tin
Ồn ào mà vẫn lặng im.
Mặc ai mua bán nổi chìm thiệt hơn.


Chỉ mong ấm áo no cơm
Chắt chiu dành dụm thảo thơm ngọt lành.
Hoà vào trời đất mà xanh.
Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân.

VÔ TƯ MẤY KIẾP MỚI THÀNH THƯỜNG DÂN

Phùng Nguyên hỏi chuyện Nguyễn Long

+ Khi bài thơ “Thường dân” của ông được trao giải nhất báo Văn nghệ trẻ, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, thành viên ban giám khảo cuộc thi có lời bình: “Bài thơ nói những điều ai cũng thấy, cũng biết mà không biết nói thế nào cho thành thơ và... không sai chính trị”. Theo ông, thường dân làm thế nào để nói về nỗi khổ của mình mà không sai chính trị?

Tôi nghĩ chỉ có những lời nói cũng như những việc làm chống lại Nhà nước, chống lại quyền lợi của dân tộc thì mới gọi là sai chính trị, chứ nếu dân còn đói, còn khổ, cuộc sống còn những bất công... mà nói đúng như vậy thì không thể gọi là sai chính trị.

Trường hợp có người nói không đầy đủ hay chưa đúng là phản ánh sai thực tế chứ không phải sai chính trị. Còn nếu như những ai không hiểu hoặc cố tình quy chụp thì lại là chuyện khác.

+ Nhưng thường dân rất khó nói về những nỗi khổ của mình mà thường phải có người khác nói hộ?

Thường dân là lớp người thấp cổ bé họng, có khổ thì chỉ biết kêu trời chứ biết nói với ai, mà có nói chắc gì người ta đã nghe. Chỉ những kẻ sĩ, những nhà báo, nhà văn... có lương tâm và trách nhiệm với dân thì mới có điều kiện nói thay họ thôi.

+ Viết bài thơ “Thường dân” chắc ông thấm nỗi khổ và muốn nói hộ nỗi khổ thường dân. Theo ông, nỗi khổ của thường dân bây giờ là gì?

Tôi thấy hầu như đã là người thì ai cũng đều thấm nỗi khổ của dân thường, bởi thường dân là những người không có quyền chức gì trong xã hội. Và ai cũng phải có lúc, có thời phải làm dân. Chỉ có điều cái sự thấm ấy ở mỗi người khác nhau mà thôi.

Bản thân tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn, tuổi thơ đã phải gánh phân, cắt cỏ, bốc bùn, đã từng ăn đói mặc rách. Lớn lên đi bộ đội rồi về làm anh cán bộ nhà nước nhưng cuộc sống và tình cảm vẫn gắn với quê nên những nỗi khổ, vất vả của người dân, nhất là nông dân vẫn gắn với mình.

Còn nỗi khổ của người thường dân thời nay chủ yếu vẫn là sự nghèo khó. Cuộc sống vật chất của mọi người dân nếu so với vài chục năm về trước thì đã khấm khá hơn nhiều nhưng so với mặt bằng xã hội rộng lớn thì lại có sự chênh lệch quá xa.

Đất nước ta 70-80% dân số vẫn là nông dân và không có nghề nghiệp ổn định, thu nhập đầu người sống bằng nghề nông ở nhiều nơi chỉ vài ba triệu đồng một năm. Anh thử hình dung người ta sống ra sao với mức thu nhập ấy khi ốm đau bệnh tật, thiên tai bão gió... ập đến bất cứ lúc nào.

Tôi nghĩ, bây giờ chẳng phải đi đâu xa, ai ốm đau phải một lần vào bệnh viện, phải đưa con đến trường học không ở diện lắm tiền thì đều thấm nỗi khổ của thường dân.

+ Nói thường dân khổ, nhưng thường dân họ cũng có nhiều cái sướng hơn khối quan chức. Ông có thấy vậy không? 

Sướng, khổ là quan niệm và cuộc sống riêng của từng người nên rất khó nói cho chính xác. Nhưng tôi ít thấy có ông bà quan chức nào vất vả, khổ ải theo nghĩa thông thường hơn dân cả.

+Vậy nếu được lựa chọn, chắc ông sẽ muốn làm quan hơn là thường dân?  


Tôi tin mọi người cũng vậy, nếu được chọn chẳng ai lại không chọn làm quan. Những bậc thánh nhân ngày xưa như Khổng Tử , hay kẻ sĩ, mưu sĩ như Nguyễn Trãi... cũng đều muốn làm quan. Đó là mong muốn đẹp đẽ và cao cả. Chỉ có điều làm quan thế nào và làm quan trong thời thế nào mà thôi.

+ Làm quan phải phấn đấu nhiều, nhưng muốn là thường dân đích thực cũng không dễ. Vì sao ông lại viết “Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân”?
 

Thường dân là lớp người chịu thiệt thòi và vất vả nhất trong xã hội. Cứ nhìn người ta sống thì thấy, họ đi làm quần quật, lam lũ suốt ngày, ráo mồ hôi là hết tiền. Thế mà đại bộ phận họ sống vẫn an nhiên vui vẻ, vẫn ăn ngon ngủ yên, khỏe mạnh. Ở một khía cạnh nào đó họ sướng bởi tâm nhàn hơn cả những người có quyền, có tiền đấy thôi.

Bùi Thị Bình biết được bài thơ này vào đầu năm 2004 trong một lớp học vi tính văn phòng bởi giáo viên hướng dẫn đã lấy bài thơ này làm bài tập cho học viên. Khi nghe đọc xong từng câu của THƯỜNG DÂN - Mình đã thật sự xúc động và rất ấn tượng. Rồi mãi bốn năm sau (2008) BTB mới trải được lòng mình với THƯỜNG DÂN qua CỎ MAY sau một lần đọc lại...Xin mạo muội gửi đến các bạn  

CỎ MAY
 
Bùi Thị Bình
Trời sinh ra kiếp cỏ may
Thuỷ chung với đất, tháng ngày bình yên
Không ganh tỵ, chẳng đua chen
Dù cho hơn thiệt, đỏ đen, nỗi niềm…


Không buồn tủi, chẳng ưu phiền
Nhẹ nhàng, êm ái, dịu hiền, thẳm xanh
Mặc lòng thôi, cứ chân thành
Giản đơn, âu yếm, nghĩa tình: Cỏ may.


Bình minh ngắm áng mây bay
Hoàng hôn nghe tiếng thở dài nhân gian
Dẫu mưa nắng vẫn không tàn
Kiếp sau xin được lại làm cỏ may!

http://buithibinh.blogtiengviet.net


Phan Thị Thanh Minh: Được một người bạn đên chơi đọc nghe bài Thường dân của Nguyễn Long cách mấy năm chị cũng học viết được bài này, góp đồng cảm với Cỏ may của Bùi Thị Bình nha:

NGƯỜI

Phan Thị Thanh Minh
Rằng đông thì thật là đông
Rất nhiều dáng mặt mà không thấy thừa
Càng gần ai cũng thấy ưa
Cả đời kề cạnh vẫn chưa muốn rời


Mưa dưới đất, bão trên trời
Cùng nhau chống đỡ bao thời loạn ly
Gian nan, chìm nổi quản chi
Sao cho vui vẻ, kể gì thiệt hơn


Dẫu nghèo, tình vẫn thảo thơm
Mong nhau ấm áo, no cơm thỏa lòng
Dẫu nắng hè, dẫu mưa đông
Đầu trần, chân đất vẫn không quên người


Hòa bình, chinh chiến bao thời
Ngã rồi đứng dậy...đẹp đời thường dân.

thanhminhhn.blogtiengviet.net


Trở về trang chính
HOÀNG KIM
DẠY VÀ HỌC
DAYVAHOC

 

18 tháng 12, 2012

Trần Tâm hẹn và chùm thơ hay



HỌC MỖI NGÀY.  "Hẹn" là bài thơ hay của Trần Tâm vùng than Cẩm Phả viết cho nhà thơ Dương Phương Toại gió đồng quê đầy miền sông trăng của vùng lúa Cẩm La Quảng Yên. Thế nhưng bài thơ lại nói hộ tấm lòng của nhiều người. Lời thơ giản dị, tứ thơ chặt chẽ, một số câu hay ám ảnh "Đất gọi người như tiếng ếch đêm mưa" "Cơm áo mài mòn nét chữ"... Nhà thơ Trần Tâm là người đất Mỏ. Anh có những cảm nhận sâu sắc về thơ về đời dường như nhà thơ hoa cỏ Trần Nhuận Minh nhưng nỗi đau âm thầm và lặng lẽ hơn. Thơ anh thật đúng là chỉ nên chọn cho những người đồng cảm. Tôi qua thăm anh nhiều lần và cũng thường im lặng. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc Trần Tâm hẹn và chùm thơ hay: Qua Cổ Am nhớ Trạng Trình, Tiễn bạn về hưu, Thơ, Nghĩ về Thơ, Thăm nhà bạn.

HẸN

Trần Tâm

Đã hẹn mà không sao về được
Nửa ngày đường xa cách gì đâu
Đất mặn chua cạn kiệt mỡ màu
Bạn hôm sớm lấy lưng đội nắng
Hạt gạo đỏ mình ăn còn vị đắng
Cây lúa nhoai trong những giọt mồ hôi
Sướng khổ vui buồn như cơm độn ngô khoai
Thóc đã vào bồ còn vật vã
Gánh cà chua không nổi bao thuốc lá
Đất gọi người như tiếng ếch đêm mưa

Sẽ cùng bạn nằm dãi bày tâm tư
Gác chân lên những nỗi niềm bề bộn
Mấy đứa trẻ đẹn sài mai sẽ lớn
Ném chúng ra ngang dọc khắp phương trời
Rồi sẽ khôn ngoan rồi sẽ nên người
Chẳng phải sống nhọc nhằn như cha chúng

Sẽ cùng bạn thả câu mặt sóng
Gỡ trăng vàng quẫy cựa trên tay
Quăng ra xa những lo lắng thường ngày
Cơm áo mài mòn nét chữ

Sẽ cùng bạn gối đầu lên thơ ngủ
Để mơ gì cũng ăm ắp niềm vui
Người gặp nhau khóe mắt biết cười
Thương nhớ đầy lòng khi cách mặt
Không ai nghèo hèn không ai đốn mạt
Thả hồn bay theo khát vọng thanh cao

Lại hẹn hò mà có đến được đâu
Tôi chân trần lãng đãng cùng mây nước
Bạc thếch cuộc đời dãi dầu mơ ước
Bạn sớm hôm tất tả trên đồng
Thương những cánh cò dãi nắng dọc triền sông.

11/11/1993 


QUA CỔ AM NHỚ TRẠNG TRÌNH

Trần Tâm

Khi vua chúa thôi nghe lời nhắc nhở
Chút lòng tin cuối cùng vụn vỡ
Giữ quyền cao chức trọng làm chi
Ta lui về vui cùng cỏ ven đê


Những cuốc cày nuôi ông cử ông nghè
Nuôi lớn ước ao áo lành cơm đủ
Những khát khao những toan tính dở chừng
Bao nhiêu cử nghè hóa người gàn dở


Nỗi ấm ức trào lên từ nách cỏ
Mỡ dân đen căng ứ mặt quan hèn
Những tấm lòng tận trung dân nước
Dẫu về vườn vẫn sôi sục không yên


Vua chúa ngồi cao hóa thong manh câm điếc
Ôm lũ quan tham nhũng bất tài
Trăng gió áo cơm mãi còn nức nở
Suốt đêm ngày trĩu nặng cả vai ai


Cổ Am giờ sắt thép lấn ngô khoai
Mơ ước cháy gương mặt người lam lũ
Đồng đô la luồn đến từng ngách ngõ
Liệu mấy người còn nhắc nhớ tên ông.


TIỄN BẠN VỀ HƯU

Trần Tâm tặng P.N


Có sống đến vài mươi năm nữa
Cũng không hết những việc còn dang dở
Ngày mai anh về hưu
Xa công trường xa tầng bãi thân yêu

Cuộc sống mới với lo toan vất vả
Màu than sáng vẫn hằn nguyên trong dạ
Vắng tiếng xe tiếng máy cồn cào
Khi đèn tầng chấp chới giữa muôn sao

Quen tiếng ồn vang trộn vào giấc ngủ
Dậy sớm thức khuya cùng dòng than lên mỏ
Công trường nắng sương gió bụi gian lao
Sẽ hiện về trong cơn mỏi cơn đau


Quên tất cả hãy vui cùng bè bạn
Nắm chặt bàn tay u dày chai sạn
Mừng cho nhau gần trọn một đời
Mở vỉa cắt tầng óng ánh than phơi

Sau chén rượu mừng anh về xóm cũ
Nhà ổn chưa hay còn lo mưa đổ
Buổi tiễn đưa dăng bao nỗi thầm thì
Rồi than buồn không nói tiễn anh đi

Ai có thể níu thời gian quay lại
Ta sẽ già cho dòng than trẻ mãi
Anh trở về dù cuộc sống bình yên
Còn nỗi buồn không dễ gọi thành tên.

THƠ

Trần Tâm

Dầm mưa và đội nắng
Ngang dọc khắp phương trời
Những câu thơ lặn lội
Bật ra từ giận vui

Thơ giản dị một đời
Lặn giữa bùn giữa máu
Ngoi ngóp với mồ hôi
Nổi chìm cùng nắng bão

Phập phồng bờ thực ảo
Thắt tình người gần nhau
Nuôi lá cành nhân hậu
Bằng gốc bền rễ sâu

Dẫm đạp vào đất thẳm
Đối mặt với trời cao
Thơ không mua bán được
In ra mà...thương nhau.


NGHĨ VỀ THƠ

Trần Tâm

Sao chỉ nói những lời mây gió hát
Quăng xuân xanh vào mông lung bơ vơ
Tưởng thông thái ngờ đâu rồ dại
Giữa sương dày không một kẻ ngu ngơ

Thiên hạ khóc thế là ta thút thít
Đời đang vui mình chẳng lẽ rầu rầu
Đeo mặt nạ đến hao tâm tổn sức
Sống vì thơ mà phải thơ đâu

Tôi dẫn em đến ồn ào dung tục
Nào biết đâu sương nắng rủ đi rồi
Gã thợ vẽ lằng nhằng dăm bảy nét
Bôi lem nhem lên vạt vạt trăng tươi

Thôi em hãy cùng tôi trong cay đắng
Nâng hai tay những số phận nát nhàu
Lấy thi phẩm làm niềm vui lớn nhất
Từ chân tầng bãi thải tặng riêng nhau. 


THĂM NHÀ BẠN

Trần Tâm tặng Vũ Tư

Ngôi nhà bồng bềnh sương khói
Chênh vênh một mái thung đồi
Suối nghiêng rền rền chó sủa
Tiếng tắc kè kêu từng hồi


Bạn già - ta không còn trẻ
Bâng quơ chuyện nước chuyện nhà
Con cái đứa ngoan đứa hỏng
Vui buồn trôi dạt phương xa


Rượu vò dốc ra đối ẩm
Thương nhau biết mấy cho vừa
Nếu biết lách luồn đã khá
Nhung nhăng kẻ đón người đưa


Điều gì phải đến đã đến
Cái qua ắt cũng qua rồi
Thở than những gì còn mất
Chỉ khiến lòng nhau tả tơi


Sương khói tan rồi lại tụ
Chó nằm im tắc kè thôi
Gian lao vẫn như tiếng suối
Luôn luôn dội lên vai người



Bạn tiễn ta về - im lặng
Không sao nói được lên lời
Vẫn lửa bùng trong mắt ướt
Cháy suốt những mùa chưa vui.


Trở về trang chính
HOÀNG KIM
DẠY VÀ HỌC
DAYVAHOC 

10 tháng 12, 2012

Những góc nhìn thơ hậu hiện đại


HỌC MỖI NGÀY.
Ý đẹp lời hay nhớ mãi. Nguyễn Trãi: Chữ học ngày xưa quên hết dạng. Chẳng quên có một chữ cương thường. Đối với Trần Đăng Khoa, thơ hay là thơ giản dị, xúc động và ám ảnh. Không có thơ hiện đại và thơ không hiện đại, chỉ có thơ hay và thơ không hay. Thơ đích thực không cầu kỳ cao siêu và không bao giờ tục tĩu, vô văn hóa cả. Văn là vẻ đẹp, chương là vẻ sáng.Ngôn từ không sáng, không đẹp và không mang lại cảm xúc nhân văn và thẩm mĩ cho người đọc thì không thể gọi là văn chương. (Giếng Ngọc Tao Đàn , ảnh HTN)



Nhà giáo Nguyễn Lân Dũng
trong bài Vili bay cao nữa đi ! đã viết: "Đêm 1-12-2012 tại Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra một hiện tượng chưa từng có: một buổi trình diễn thơ văn của nhà thơ nữ trẻ Vi Thùy Linh với tên gọi là Bay cùng ViLi. Nói là chưa từng có vì chưa lần nào việc giới thiệu sách mà lại có sự tham gia của hàng chục nghệ sĩ tài danh cùng sự có mặt của hàng trăm những người yêu mến văn thơ. GS Vũ Khiêu 97 tuổi cũng chống gậy đến dự cùng không ít quan chức ở trung ương và thủ đô. Một số khách quốc tế , trong đó có Đại sứ Italia cũng tham dự (vì sách in song ngữ).Các bạn trẻ đua nhau chụp ảnh cùng thần tượng của mình và hai tập sách do NXB Hội nhà văn mới phát hành (Vili & Paris, Vili tùy bút) không có đủ để bán và tác giả đã mỏi tay để đề tặng."  Xung quanh những góc nhìn thơ hậu hiện đại mà "Vi Thùy Linh là một hiện tượng thơ Việt Nam. Ở trường hợp này đã bộc lộ rất nhiều những điều nên bàn cãi về thơ, về đạo đức, về văn hóa và về xã hội Việt Nam" nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nhận xét (1). Thủy Tím (2), Chữ Thu Hằng (3), Hà Trọng Đàm (4), Huy Việt (5) ... đã chia sẽ nhiều ý kiến thú vị. Tôi lưu lại một số trích đoạn và  góc nhìn để cùng bạn đọc suy ngẫm (tiêu đề các mục dưới đây là do Hoàng Kim đặt, ảnh trên là trong blog GS. Nguyễn Lân Dũng). Góc diễn đàn về chuyên mục này tại đây


NHẬN ĐỊNH CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN HUY THIỆP:
 

Nguyễn Huy Thiệp  (1)

"Nhiều người nói với tôi rằng Vi Thùy Linh là biểu tượng sex trong thơ. Tôi không thấy thế. Vi Thùy Linh là một biểu tượng trong trắng chứ, nhưng thật tội nghiệp, lẫn lộn trong tâm hồn Vi Thùy Linh có rất nhiều mặc cảm: đây là một thiếu nữ từng bị một nền giáo dục sai lầm (của gia đình, của nhà trường, của xã hội) làm hại, xâm hại. Ngay cả việc học tập làm thơ của Vi Thùy Linh có lẽ cũng có phần sai lầm. Tôi hiểu tại sao Vi Thùy Linh chỉ làm thơ tự do mà từ chối các thể thơ có niêm luật. Thực ra, đây là một cách đi tắt đón đầu của các nhà thơ nông nổi. Một nhà thơ phải được giáo dục thế nào? Bằng kinh nghiệm riêng tôi, trên cơ sở quan sát những kinh nghiệm của các nhà thơ cổ điển (khái niệm nhà thơ ở đây nên hiểu như một khái niệm mở rộng) thì việc giáo dục ấy phải được tiến hành y như việc nuôi dưỡng một hài nhi, một cách giáo dục nguyên thủy cổ truyền từng bước một chứ không nên đi tắt đón đầu vội vã. Thi sĩ phải được giáo dục chặt chẽ từ việc học tập tục ngữ, ca dao, học tập các nhà thơ, các nhà tư tưởng nguyên thủy. Lần theo từng bước các nhà thơ, các nhà tư tưởng trong nền văn học sử nước nhà và thế giới, đi lại con đường của họ (cổ, trung, cận và hiện đại), thậm chí phải học tập, nắm vững tất cả những niêm luật thơ chủ yếu nhất (ở nước ta là các thể thơ 4 chữ, 7 chữ, lục bát, song thất lục bát v.v...). Không phải việc từ chối các niêm luật đã là tự do. Việc nắm vững các kỹ năng và niêm luật thơ chính là một cách rèn luyện để có được tư duy tao nhã và hành vi ứng xử với thơ (nói trắng phớ ra là học lễ) cũng chính là hành vi ứng xử với cuộc đời và xã hội. Giữa hình thức và nội dung thơ sẽ có cả một mối liên quan chặt chẽ với nhau, tác động từng tí một, dần dần, không nên đốt cháy giai đoạn (y phục xứng kỳ đức). Thơ tự do ở ta ra đời với các thể chế và tiết chế thơ độc đoán, được sáng tạo bởi các thi sĩ hay sốt ruột, ít học, nóng nảy. Thơ tự do ở ta bắt đầu từ quần chúng, kiểu lũ chúng ta bọn người tứ xứ, rõ ràng tự do thật, rằng hay thì thật là hay nhưng cũng sẽ có những mặt trái của nó khi nó được dịp lên ngôi. Khi hình thức (thơ) bình dân được tư tưởng (thơ) bình dân nhân lên nhiều lần theo cấp số nhân (giống như cơm bình dân, nhà nghỉ bình dân) thì tình trạng cả nước làm thơ, thiếu vắng một đẳng cấp ngoại hạng, thượng lưu thì đấy là một bi kịch, một sự cay đắng vô cùng cho văn học. Thơ, đấy là đạo đức, là văn hóa, là xã hội.Vi Thùy Linh là một hiện tượng thơ Việt Nam. Ở trường hợp này đã bộc lộ rất nhiều những điều nên bàn cãi về thơ, về đạo đức, về văn hóa và về xã hội Việt Nam" (Nguyễn Huy Thiệp)


Thúy Tím (2)
"Khi người ta làm thơ tự do. Người ta đi theo cảm xúc của mình. Không phải người làm thơ tự do không biết gì về tất cả các loại thơ niêm luật. Nếu anh ko biết gì, hiểu gì về vần điệu và niêm luật của các thể thơ cổ điển thì bài thơ tự do của anh đọc lên sẽ trúc trắc không vần điệu. Rất khó chịu. tôi lại cho rằng người viết thơ tự do hay là người đã bay qua cánh đồng thơ cổ điển và hòa nhập được với cánh đồng thơ mới đang ăm ắp bội thu trên thế giới. Họ là người chịu đọc, đọc rộng và đọc đa chiều hơn những người khác.
Làm thơ cũng giống như hành xử đạo đức. Không phải ông cứ mũ cao, áo dài, quần là phẳng, cười tươi tắn thì ĐẠO ĐỨC hơn những kẻ trông nhếch nhác lam lũ đâu. Không phải ông lên sân khấu tổ chức trao học bổng 5 triệu thì ông vĩ đại và đáng kính hơn một người quét rác bỏ 500 đồng vào ống bơ của thương binh cụt tay đâu.
Theo tôi: Khi điều người ta muốn diễn tả rộng lớn thì tạo ra một trường ngôn ngữ rộng lớn. Khi cảm xúc nhỏ bé, riêng tư thì diễn tả bằng vài dòng, thậm chí vài chữ. Thể loại thơ xét cho cùng chỉ là hình thức để bộc lộ cảm xúc đó. Giống như đứa con sinh ra: Nó là thế: Đẹp, xấu, lành, sứt ...vô thường.Đối với mẹ nó thì nó hoàn hảo, nhưng cái khiến người ta nhớ đến nó chính là thứ cảm xúc mà nó tạo ra cho người tiếp xúc với nó kia. Thơ tự do có chỗ đứng chính bởi thứ cảm xúc đó.
Không thể nói bất cẩn rằng cứ viết lục bát hay thơ niêm luật thì mới là nhà thơ chân chính, sâu sắc, có học. Còn nếu ra khỏi trường phái đó thì toàn là bọn ngu ngốc nông nổi. Vậy sao ông NHT đưa CỨT vào văn của mình? Xưa nay có ai làm thế đâu? Đã bao đời nay ta nấu cơm bằng lá khô, rơm rạ, củi, than. Rồi bây giờ toàn là nồi cơm điện. Vậy người nấu bằng nồi cơm điện ngu hơn người nấu nồi cơm vần tro bếp hay sao? Những người đang gõ vi tính đều ngu ngốc, nông cạn hơn những người viết trên thẻ tre hay sao???

Lại còn nữa. Hiện nay hầu hết các câu lạc bộ thơ sản xuất loại mà NHT gọi là thơ bình dân (!) lại có đến 90% là thơ lục bát, thơ tứ tuyệt và các thể thơ niêm luật khác. Ô, hô, hô.. hóa ra điều chứng minh của ông này lại chính là phản biện của ông ta ư???. Xin lỗi được nói như NHT một câu nhé: "CỨT THẬT!"
Tôi thực sự thất vọng lớn khi đọc nhận xét trên đây của NHT. Hóa ra đầu ông này cũng..."
(Thúy Tím

 

TRAO ĐỔI CỦA NỮ SĨ CHỮ THU HẰNG:

Chữ Thu Hằng (3)

Chữ Thu Hằng không thủ cựu, và cũng luôn cố gắng trau dồi kiến thức của mình để không lạc hậu với những đổi mới của thơ ca. Tuy nhiên, với một số cái được gọi là "thơ hậu hiện đại", Chữ Thu Hằng cũng chịu không thể tìm ra nó hay, nó đẹp, nó thâm thúy ở chỗ nào. Hai bài viết của tác giả Triệu Lam Châu phần nào lí giải được những điều Chữ Thu Hằng trăn trở. Sau rất nhiều đắn đo, Chữ Thu Hằng quyết định chỉ mang đường link về trang để chia sẻ cùng bạn bè, vì không muốn ngôi nhà của mình bị vẩn đục bởi những cái gọi là "thơ hậu hiện đại" đó.

Xin cảm ơn các bạn cùng chia sẻ mối quan tâm của Chữ Thu Hằng.

http://vannghecuocsong.com/home/vi/news/Nghe-thuat/Phai-chang-tho-hau-hien-dai-Viet-Nam-chap-nhan-vo-van-hoa-512/
http://vanthoviet.com/news/n/493/6612/them-mot-bang-chung-ve-su-vo-van-hoa-cua-tho-hau-hien-dai-viet-nam.html?l=vn


Ý KIẾN CỦA ÔNG HÀ TRỌNG ĐÀM

Hà Trọng Đàm
(4)

 
Cảm ơn chị Chữ Thu Hằng đã mang bài viết của Triệu Lam Châu về cho bạn đọc tham khảo .

Tôi đã đọc những bài của NHHM sáng tác mấy chục năm về trước phát tán bằng tờ in vì chưa phát triển intenet như bây giờ . Tôi đã theo dõi những cuộc diễn đàn từ tập KHÁT của Vi Thùy linh , đã được đọc các bài thơ gọi là hậu hiện đại .

Nhiều người dùng những mĩ từ khen hết lời : Dòng thơ bác học , thơ cần giải mã , thơ chọn người đọc , thơ có tầng ngôn ngữ ..v..v

Ông Trần Mạnh Hảo đã tranh luận trên Văn Nghệ Trẻ , khẳng định là phương tây một thời phá cách rồi cũng vào ngõ cụt ...Kêu gọi hãy giữ gìn bản sắc thơ Việt , đừng như đàn voi hít hà bã mía .

Ai cũng biết , chưa một tập sách nào anh Gia Dũng tuyển chọn có bài thơ kiểu hậu hiện đại . Anh Nguyễn Trọng Tạo chưa viết bài nào theo lối hậu hiện đại mặc dù đã từng khen thơ Vi Thùy Linh .

Tự do sáng tác . Đặc tính của văn chương là vậy , vì thế mới có nhiều cách viết , nhiều cách thể hiện ...Nhưng ca dao tồn tại qua thời gian vì nó là thơ của vạn nhà .

Với những giờ phút thăng hoa với những câu thơ hay thì ai cũng xứng danh là thi sĩ . Ta nhận ra người quen qua dáng đi từ xa , qua mấy câu nói chuyện qua điện thoại ...Là ai trong văn chương còn quan thiết hơn nhiều . Văn của ai , thơ của ai ...Định hình phong cách riêng không dễ , cả đời làm thơ chắc gì đã có bài thơ hay hoặc câu thơ dễ nhớ...

Thời chiến tranh tôi gặp nhà thơ Đoàn Văn Cừ được cụ tâm sự : Cả đời viết về thôn trang vẫn thấy chưa hết những điều cần viết , viết cho ai , ai sẽ đọc .

Với tôi không có thơ hiện đại và thơ không hiện đại , chỉ có thơ hay và thơ không hay . Thơ hay là thơ nói được tiếng lòng tôi , đọc thơ bạn tôi tìm thấy chút tôi trong đó , đọc xong rồi phải đọc lại thêm lần .

Lan man vài dòng vậy , Cảm ơn và chúc chị Chữ Thu Hằng cùng gia đình luôn bình an, nhiều niềm vui, nhiều thành công trên văn đàn . (Hà Trọng Đàm)


 

HUY VIỆT: THỬ LÝ GIẢI VỀ THƠ HẬU HIỆN ĐẠI Huy Việt (5)
Nhân đọc bài “Phải chăng thơ hậu hiện đại Việt Nam chấp nhận sự vô văn hóa ?” trong nhà Chử Thu Hằng, tôi định comment, nhưng xem chừng không đủ “giấy” nên dành cho nó một entry. Tôi cũng muốn quý vị hãy theo đường link trong nhà CTH mà đọc, trước khi đọc bài viết này. Tình thực tôi “không dám” trích dẫn những bài thơ ấy về để trong nhà mình. Thank.

Từ lâu tôi đã nghe tiếng Bùi Chát và Lý Đợi cũng như một số nhân vật nữa, nhưng không quan tâm, chỉ khi đọc bài viết trên thì tôi “để mắt” tới. Tôi có thói quen xem kỹ rồi thoát ra, đứng ngoài suy ngẫm, như vậy sẽ có cách nhìn khách quan hơn. Tôi không chung suy nghĩ như nhiều bạn khác.

“Cân bằng động” là quy luật tất yếu của bất kỳ quá trình nào, chính nó tạo ra sự ổn định và phát triển, chẳng khác nào âm dương đắp đổi. Cái này trong lý thuyết trường gọi là nguyên lý ảnh, khi bên này xuất hiện một điện tích dương thì bên kia lập tức xuất hiện điện tích âm. Trong giao tiếp của con người nếu như xuất hiện một thái cực nào đó (tựa như trạng thái cực đoan) thì lập tức xuất hiện thái cực đối lập để cân bằng. Kể cả đôi bạn “tri âm, tri kỷ” khi tâm sự với nhau, nếu bạn mình bốc đồng nóng quá, thì phải “dội gáo nước lạnh”, ngược lại nếu bạn mình tủi quá, lạnh quá thì mình phải “đốt lửa” lên. Đó cũng là lẽ thường tình, có như vậy mới tạo ra sự cân bằng. Trong một tập hợp xã hội nào đó, nếu có kẻ nào đó sắm vai “nguỵ quân tử”, mang danh tập hợp nhưng lại “bốc thơm” thiếu lành mạnh để mang lại lợi ích cá nhân hay phe nhóm; thì lập tức sẽ xuất hiện những kẻ “chân tiểu nhân” với ngụ ý “hãy xấu như tôi còn hơn”, hãy hiểu nó như là “thông điệp của kẻ phá đám”.

Ta thử hình dung một câu chuyện không có thật như sau:

“Có một cuộc họp nhóm đang diễn ra, vợ của kẻ chủ trì đến. Anh ôm hôn vợ rồi theo đà làm những động tác không thể chấp nhận được để đến lúc cô ta không mảnh vải che thân. Bao kẻ khó chịu nhưng dường như chủ trì không chú ý hay là coi thường mọi người thì không rõ. Một người trong đám đó như vô ý đã lấy tờ báo trải ra cạnh rồi tụt quần làm một bãi. Đến lúc đó đôi kia mới dừng tay”.


Trong câu chuyện trên, đôi kia là tình yêu (tất nhiên không đúng chỗ), còn kẻ bĩnh ra nào phải tình yêu, chỉ là phá đám (nhưng phá đám đúng chỗ). Nếu tôi phê phán người phá đám một thì phải phê phán kẻ kia hai vì nó đẻ ra kẻ phá đám.

Trong thời gian qua “văn học nghệ thuật chính hiệu” của chúng ta nói chung và “thơ chính hiệu” của chúng ta nói riêng có những “hành xử”, những “thiên hướng” khó chấp nhận. Cái này đã tốn rất nhiều “giấy mực” của các nhà phê bình, đặc biệt là Trần Mạnh Hảo. Trong bối cảnh đó “THƠ HẬU HIỆN ĐẠI” xuất hiện như một thực tế khách quan.

Tóm lại:
1) Cái gọi là “THƠ HẬU HIỆN ĐẠI” thực ra là thơ phá đám thơ.
2) Cần phải phê phán một số cách “hành xử”, những “thiên hướng” khó chấp nhận trong “thơ chính hiệu” (lưu ý tôi đặt thơ chính hiệu trong dấu “…”). Cái này đáng phê phán gấp đôi thơ phá đám. (Huy Việt)



Ý ĐẸP LỜI HAY NHỚ MÃI

- Nguyễn Trãi: Chữ học ngày xưa quên hết dạng. Chẳng quên có một chữ cương thường

- Đối với Trần Đăng Khoa, thơ hay là thơ giản dị, xúc động và ám ảnh.

- Không có thơ hiện đại và thơ không hiện đại, chỉ có thơ hay và thơ không hay.

- Thơ đích thực không cầu kỳ cao siêu và không bao giờ tục tĩu, vô văn hóa cả.

- Văn là vẻ đẹp, chương là vẻ sáng.Ngôn từ không sáng, không đẹp và không mang lại cảm xúc nhân văn và thẩm mĩ cho người đọc thì không thể gọi là văn chương.

Trở về trang chính
Hoàng Kim

HỌC MỖI NGÀY
DẠY VÀ HỌC
DANH NHÂN VIỆT

Người theo dõi