Lưu trữ Blog

26 tháng 1, 2013

Trần Mạnh Tuân


HỌC MỖI NGÀY. PGS-TS Trần Mạnh Tuân (Đại học Thủy Lợi, ĐT: 0913.530.266, Email: tuan_hwru@fulbrightmail.org) là chủ bút trang Thầy Giáo Già http://thaygiaogia.com. Đó là người thầy tài hoa với nhiều bài thơ hay "ứng khẩu thành thơ". Tôi lưu trang này để chọn bài yêu thích, thỉnh thoảng đọc lại.



ANH VỀ... SƯỞI LẠI NGÀY GIỜ XA EM!

Nghe tin rét lại về rồi,
Biết anh muốn trải lạnh đời cùng em.
Chiều lòng trời giá buốt thêm,
Gửi rồi, thêm nữa... nắng miền Nam ra.

Đất trời hiểu thấu lòng ta,
Rét này kéo tận tháng Ba vẫn còn.
Rét lâu lòng dạ héo hon,
Rét xơ xác lá, mục mòn cành khô.

Rét nhung nhớ đến vô bờ,
Rét làm mơ mộng hồn thơ cỗi cằn.
Rét dài thêm những xa xăm,
Rét cho mình hiểu tháng năm đợi chờ.

Rét về lạnh buốt câu thơ,
Anh về... sưởi lại ngày giờ xa em!

TGG
25/1/2013

Trở về trang chính
HỌC MỖI NGÀY
DẠY VÀ HỌC

19 tháng 1, 2013

Ngạc nhiên Nguyễn Bá Thanh Đà Nẵng


HỌC MỖI NGÀY. Blog "Người Nổi tiếng" sáng nay dẫn bài viết " Ngạc nhiên chưa?" của nhà báo Trương Duy Nhất đáng lưu ý. Một hiện tượng lạ kỳ, thú vị chưa từng có. Sử Việt chưa giai thời nào thấy chuyện hi hữu có một không hai như thế: Dân tình đi ủng hộ một quan chức bị kết luận gây ... thất thu hàng nghìn tỷ! Blog Hiệu Minh có bài: "Gấu Tam Đảo cận chiến Sư tử Đà Nẵng"(xem video dưới). Trước đó, cũng trên Blog "Người Nổi tiếng" có dẫn bài viết "NGUYỄN BÁ THANH VÀ ĐÀ NẴNG" khá sắc sảo, điềm tĩnh. Xin lưu lại để đọc và suy ngẫm.(Đà Nẵng thành phố bình yên, ảnh trên tại http://www.skydoor.net/entry/Da_Nang_thanh_pho_binh_yen/62)



"Đã định không viết bàn gì thêm về chuyện Bá Thanh nữa. Nhưng rồi vẫn cứ nổi sóng, sự thể cứ nóng hừng hực, ngạc nhiên đến mức không thể không viết tiếp. Dẫu biết rằng phần đông dân chúng ủng hộ Nguyễn Bá Thanh. Dẫu biết rằng ông Thanh không phải là vị quan “trong” đến nỗi không biết ăn. Nhưng vẫn bất ngờ. Thật bất ngờ khi thấy dân tình ủng hộ Nguyễn Bá Thanh khủng khiếp đến vậy. Càng ủng hộ đông hơn, quyết liệt hơn khi Thanh tra chính phủ... phanh phui ra hàng loạt sai phạm về đất đai dưới thời ông Thanh tại vị ở Đà Nẵng lên tới con số hơn 3000 tỷ. Chỉ trong vòng 1 ngày sau khi báo chí và các trang mạng loan tải thông báo kết luận vụ thanh tra trên 3000 tỷ, những cơn sóng còm ào ạt đến nghẽn mạng. Đa phần trong những biển trời ý kiến bình luận comment hừng hực ấy đều ủng hộ... đối tượng sai phạm. Ngay cả những trang mạng nước ngoài vốn được cho là chống Cộng quyết liệt và cực đoan nhất cũng công khai ủng hộ Nguyễn Bá Thanh. Đến mức có người còn lập hẳn một trang facebook vận động “1 triệu like kêu gọi ông Nguyễn Bá Thanh lên làm Thủ tướng”. Ngạc nhiên chưa? Một hiện tượng lạ kỳ, thú vị chưa từng có. Sử Việt chưa giai thời nào thấy chuyện hi hữu có một không hai như thế: Dân tình đi ủng hộ một quan chức bị kết luận gây... thất thu hàng nghìn tỷ!

Ấy là về phía dư luận.

Với ông Thanh, những biển trời comment ủng hộ ngút ngàn kia cũng đồng thời tạo nên một sức ép quá lớn, là thử thách chông gai trong sự nghiệp quan trường còn lại. Như tôi đã viết trong bài “Chia tay cụ Bá”: Đừng để dăm năm một nhiệm kỳ, những người đang vẫy cờ hò reo cổ vũ ông lúc này lại trở cờ ném chửi mai mỉa khinh miệt như những "đồng chí" X, Y, Z… Sự “ngạc nhiên” khi đó sẽ thành quay ngược nghĩa, không còn đẹp như thời khắc này. Đó sẽ là một sự ngạc nhiên đến ê chề. Dù sao, vẫn cứ muốn mong là cái “ngạc nhiên” quay ngược đến ê chề ấy sẽ không xảy ra."

*

Trong bài “Nguyễn Bá Thanh trước cú đòn thanh tra 3000 tỷ”: Các trang mạng bắt đầu sục sôi bình luận đoán đồn quanh cú thanh tra tiễn chân ông Thanh. Tác giả Innova, biên tập viên Dân Luận, dù ở nước ngoài nhưng tỏ ra hiểu biết nội tình hơn cả những “cây bút” điểm bình trong nước khi đưa ra nhận xét: “Tựu trung lại, tất cả các mục thanh tra đều chỉ ra Đà Nẵng đã vi phạm nhiều điều luật trung ương, gây thiệt hại ngân sách. Tuy nhiên điều đáng suy nghĩ là tất cả những vi phạm này đều theo hướng có lợi, tạo thuận lợi cho nhân dân, cho nhà đầu tư. Trong hoàn cảnh trên khắp đất nước tràn lan các vụ giải tỏa đền bù gây thiệt hại đến người dân thì có thể hiểu tại sao người dân, doanh nghiệp từ các nơi khác muốn đến lập nghiệp ở ĐN. Phải chăng đây chính là “bí quyết” của ĐN. Với bản báo cáo này, tôi nhận định nó có rất ít ảnh hưởng đến sự nghiệp Nguyễn Bá Thanh. Ngược lại, việc “bạch hóa" này còn góp phần gầy dựng thêm uy tín lãnh đạo cho NBT ngay trước thềm ra Ba Đình nhậm chức”. Điểm đặc biệt hơn nữa: Cho dù một trang vốn được xem là chống Cộng, nhưng cách viết cách nhìn, tư duy và văn phong của các cây bút Dân Luận có được cái nhìn điềm tĩnh, khách quan, chứ không sa vào qui chụp xỉa mói xỏ lá cái gì cũng chửi và văng tục ba sàm ba láp như một số “cây bút” điểm bình dán mác “dân chủ” trong nước.

Một góc nhìn khác xin giới thiệu bài viết "Nguyễn Bá Thanh và Đà Nẵng" của tác giả Inova, biên tập viên Dân Luận về sự kiện này:


NGUYỄN BÁ THANH VÀ ĐÀ NẴNG

Như một tiếng sét, kết luận của Thanh Tra hôm nay về Đà Nẵng khiến nhiều người sửng sốt. Phải chăng đây là cú ra đòn nắn gân của anh Ba? Phải chăng Nguyễn Bá Thanh sẽ theo vết chân Bạc Hy Lai của Trung Quốc? Hay chăng đây là màn tắm gội cuối cùng để tẩy sạch cho Nguyễn Bá Thanh trước khi ra trung ương? Tất cả đều là đồn đoán. Bài viết này phân tích một số thông tin có liên quan để đưa ra nhận xét.

1. Đà Nẵng (ĐN) và Nguyễn Bá Thanh (NBT)

Nhắc tới Đà Nẵng trong suốt mười năm qua thì không thể không nhắc tới NBT. NBT lên nắm quyền vừa lúc với việc trung ương cho tách ĐN ra khỏi Quảng Nam. Lúc đó ĐN được đầu tư rất mạnh để chỉnh đốn, do vậy nên NBT có nhiều việc để làm. Trong mười năm, diện tích ĐN mở rộng khoảng 3,4 lần và thu nhập bình quân cũng tăng khoảng 3,4 lần. ĐN nổi tiếng là một trong những thành phố sạch đẹp, văn minh hiếm có ở Việt Nam. Gần đây người Hà Nội đổ xô vào ĐN mua đất rất nhiều. Người Sài Gòn vốn tự hào về hòn ngọc viễn đông cũng phải bắt đầu coi lại mình so với người em ĐN. Mọi thứ bắt đầu từ đâu?

Vành đai của ĐN khi được giãn ra tứ phía





Rồi nhìn về trung tâm ĐN




Từ khi NBT nắm quyền, việc đầu tiên ông làm là mở những tuyến đường lớn ở xung quanh TP làm các trục để mở rộng như đường 2-9, đường Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, CMT8, Ngô Quyền, Tôn Đức Thắng, Trường Chinh, xây các cây cầu Lê Duẩn, cầu Tuyên Sơn, cầu Thuận Phước, cầu Cẩm Lệ, v.v... Tiếp theo là những vạt khu tái định cư lớn với đường bàn cờ ở quanh các trục lớn đó khiến quỹ đất ĐN tăng vùn vụt. Nhà kiểu mới ở ĐN đều có đường nhựa ít nhất 5,5m chạy qua trước nhà. Hệ thống điện nước đều tốt. Chính các khu tái định cư này lại làm chỗ dựa để NBT cấp đất khi cần giải tỏa trong nội đô TP. Mỗi lần giải tỏa các khu ổ chuột thì NBT dùng đất tái định cư với cơ sở hạ tầng tốt để bù lại, sau đó rồi bán lại đất cũ (sau khi đã chỉnh trang đường xá) với giá cao hơn. Tất cả đều là kinh doanh nhưng phần lớn dân ĐN hài lòng.

Việc thứ hai NBT làm là xây lại hệ thống bệnh viện, trường học. Thời NBT, các bệnh viện Đa Khoa, bệnh viện C, bệnh viện Nhi đều được xây thêm, xây mới, biến ĐN trở thành trung tâm y tế cho miền Trung. Ngoài ra các trường đại học, cao đẳng cũng được mở rộng rất nhiều. Hiện tại nhiều thanh niên miền Trung theo học ở các trường tại ĐN, đặc biệt là Bắc Trung Bộ. Song song đó, NBT cũng tiến hành du lịch hóa ĐN bằng các con đường khủng khiếp chạy ven biển, xây dựng các khu Bà Nà, Sơn Trà. Quy hoạch các bãi tắm, tổ chức các sự kiện như hội Quán thế âm, pháo hoa.

Việc thứ ba là làm mới lại bộ mặt thành phố khiến ĐN trông rất mới. Sau khi lập ra các khu tái định cư, dời dân ngoài, NBT bắt đầu giải tỏa mạnh hơn các khu đất vàng ở trung tâm TP để xây nhà cao tầng khiến dân đi xa về đều ngỡ ngàng vì thay đổi. Hiện tại có thể nói dù ĐN nhỏ, nhưng về mức độ hiện đại đô thị thì không kém gì so với HN, SG.

Việc thứ tư là thay đổi tập quán dân ĐN, nổi tiếng vì dẹp được vấn nạn ăn xin, lề đường thông thoáng, không bán dạo. Lúc đầu, NBT lập ra quân áo đen, tức các thanh niên xuất ngũ để đi giữ trật tự cho vỉa hè đường phố. Đội quân này không có quyền như công an, nhưng cũng đóng vai trò hữu hiệu lúc ban đầu để dân ĐN trật tự hơn. Công an thì nghe nói ít nhũng nhiễu hơn địa phương khác. Có lần trên trang otofun còn có bài viết nói công an ĐN tốt bụng khi thay vì phạt đã chỉ đường cho 1 bác tài đi sai đường. Việc này càng có ý nghĩa khi đời sống tinh thần ở VN hiện nay xuống cấp trầm trọng, hiện tượng đâm chém, công an hành dân ở các nơi khác càng khiến nơi yên bình như ĐN có giá hơn.

Như vậy chính sách mà NBT đưa ra trong suốt mười năm qua là giãn dân từ từ, đất đổi đất. Lấy cơ sở hạ tầng để giãn dân ra xa, bù vào đó bán đất nội đô giá cao hơn làm quỹ để tiếp tục xây cơ sở hạ tầng. Chính sự thay đổi này cộng với vẻ đẹp tự nhiên và hiền lành của ĐN thu hút người tỉnh khác đến mua đất, lại góp phần đẩy giá đất ĐN lên, góp vào quỹ nhà đất để tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng. Điều này hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh hai thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn đều nghẹt thở vì ô nhiễm nặng nề, an ninh kém. Người có tiền đều muốn tới ĐN tậu mảnh đất để chiều chiều tắm biển, ăn uống giá rẻ, giấy tờ dễ dàng mà có bệnh tật cũng có nơi chữa trị tốt.

Tuy có nhiều cái được, nhưng ĐN cũng có nhiều cái mất khiến NBT có tiếng, nhưng cũng mang tiếng.

Hiếm có lãnh đạo địa phương nào ở VN được dân ưa thích như NBT ở ĐN. Một phần do họ thấy đời sống đi lên hẳn từ thời ông làm chủ tịch hai nhiệm kỳ, rồi sau này làm bí thư. Một phần họ thích phong cách của ông, nói ít, làm nhiều. Ngay trong việc nói, NBT cũng có lối nói rất mộc mạc, thậm chí là "nhà quê", hơi hướng sâu cay Quảng Nam. Mỗi lần ông phát biểu trong cuộc họp thành phố, phần viết trong giấy thì ông đọc qua loa rất nhanh, còn lại phần lớn thời gian, NBT tự độc thoại theo một danh sách vấn đề tồn đọng cần giải quyết, từ chi li như toilet công cộng, nuôi chim bên biển, cống xả nước thải, ốc hút ngoài biển tới chuyện lớn như giải tỏa đền bù. NBT không chỉ nói mà còn chỉ rõ ai có liên quan tới từng vụ để họ làm cho rốt ráo. Lối nói hài hước của NBT cũng được dân ĐN ưa thích, mỗi đợt truyền hình trực tiếp họp TP thì nhiều người theo dõi như buổi tấu hài, táo quân cuối năm trên VTV.

Tuy nhiên, NBT cũng bị dân ĐN nghi ngờ trong vụ án Trần Văn Thanh, chính xác hơn là nghi ngờ nhận hối lộ 4,4 tỉ trong vụ xây cầu sông Hàn 2000 của Phạm Minh Thông. Bên cạnh đó, quy hoạch ĐN cũng vấp một số phản đối, đặc biệt là hai đừơng ven biển Liên Chiểu Thuận Phước và Sơn Trà Điện Ngọc. Hai đường này lấn quá sát biển khiến méo mó hình ảnh bờ biển ĐN. Bờ biển bao bọc bởi rừng cây xanh đẹp bị thay thế bởi đừờng nhựa chạy sát như nhát dao cứa vào tim người ĐN yêu biển. Một thời gian dưới điều hành của NBT, một vạt nhà hàng mọc lên ngay trên bờ cát biển khiến dân ĐN phản đối kịch liệt vì che chắn tầm nhìn và vì sợ ô nhiễm biển. Biển ĐN còn bị lên báo trong nước do tình trạng chia lô bãi biển, khiến bãi tắm của dân ĐN giờ bị thu hẹp, dân chài không có đường ra biển nhường đất cho các bãi resort như nấm.

Tội của Nguyễn Bá Thanh - Đường và nhà hàng lấn sát biển




Về mặt này, ông Nguyễn Sự của Hội An có tâm hồn hơn Nguyễn Bá Thanh.

Nhìn chung, một lãnh đạo như NBT có mặt tốt là dám chịu dám làm, quyết đoán, chi li, biết thu phục lòng người. Nhưng có vẻ như mặt hạn chế lại nằm trong chính bản thân con người thô mộc của ông, đó là không biết làm du lịch cho đúng cách và phá hoại thiên nhiên.

2. Văn bản Thanh Tra đánh vào các điểm gì?

Mục 1 và 2 của Thanh Tra nêu lên những điểm tích cực của thành phố đN.

Mục 3 nhắc đến vấn đề quy hoạch giải tỏa quá lớn của ĐN, cụ thể về kế hoạch sử dụng đất đạt từ 30-40% so với kế hoạch. Từ đó, bản báo cáo dẫn ra sự quy hoạch thiếu căn cứ, cơ sở, không phù hợp với tình hình và nhu cầu địa phương.

Tuy nhiên điều này chưa hợp lý bởi với một địa phương giải tỏa nhiều như ĐN cần phải có một quỹ đất tái định cư dồi dào để cung cấp cho dân bị giải tỏa, từ đó công tác giải tỏa đất đai mới diễn ra thuận lợi nhanh chóng. Bên cạnh đó, nhờ vào sự thừa đất đó mà giá đất ở ĐN khá mềm so với các địa phương khác. Sau cùng, ai dám nói với một thành phố đang phát triển mạnh như ĐN thì trong tương lai số đất đó không được lấp đầy. Một quy hoạch rộng hơn để đón đầu phát triển thì mới gọi là quy hoạch . Điều này là đáng nói nếu so với Hà Nội, Sài Gòn khi quy hoạch chưa xong thì đã thấy lỗi thời.

Mục 4 nhắc đến vấn đề giao đất không qua đấu giá, tạo kẻ hở cho một số người trục lợi vì được giao đất giá rẻ. Tuy nhiên không thể phủ nhận một điều rằng nhiều người dân ĐN được hưởng lợi từ chính sách giao đất giá rẻ của NBT, nhất là đối với người dân tái định cư. Một khi bị giải tỏa, người dân có quyền mua đất nền nơi khác với giá thấp hơn. Chính sách này khuyến khích người dân đồng ý dời đi nơi khác.

Mục 5 liên quan đến việc giao quyền cho các Ban quản lý dự án thực hiện chức năng quản lý quỹ đất, từ đó dẫn đến nhiều sai phạm như không đủ căn cứ, cơ sở để xác định giá thu tiền sử dụng đất; việc phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tùy tiện; nhiều nhà đầu tư sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đã không thực hiện đầu tư, tiếp tục chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác thu chênh lệch số tiền rất lớn... làm thất thu ngân sách nhà nước, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Tuy nhiên cần phải nói rõ sự năng động nhanh chóng của ĐN trong công tác giải tỏa đền bù, cũng nhờ vào chính sách này. Các Ban quản lý dự án có nhiều quyền lực thống nhất và nắm tình hình nên tự quyết định nhanh. Chính điều này giúp ĐN giảm thiểu được các vụ kiện thưa, giải quyết tốn thời gian với dân cư vùng giải tỏa.

Mục 6 liên quan đến việc thu tiền sử dụng đất chưa sát giá thị trường gây thất thu ngân sách và làm lợi cho một số công ty có liên quan. Đặc biệt báo cáo chi tiết về các vụ chuyển nhượng đất từ chủ ban đầu, qua nhiều lần chuyển nhượng, đến chủ cuối cùng, mà chênh lệch tổng cộng chỉ ra đến 2000 tỉ. Tuy nhiên báo cáo không thực tế khi không nhìn nhận thấy đâu là giá đất thật sự ở ĐN. Con số 2000 tỉ xác định dựa trên giá đất cuối cùng, vốn bị đầu cơ trong những năm đầu khủng hoảng nhà đất. Việc ĐN giao đất cho tư nhân để đầu tư với giá thấp là một cách thu hút đầu tư, đưa đất vào sử dụng nhanh chóng, kéo dân đến TP. Các tác động này không được đánh giá trong báo cáo.

Mục 7 liên quan đến giảm 10% tiền sử dụng đất nếu các đối tượng nộp tiền nhanh, dẫn đến thiệt hại 1300 tỉ đồng. Tuy nhiên báo cáo không đánh giá tác động của việc này đến việc thu tiền nhanh từ các dự án bán đất, lãi ngân hàng do thu tiền sớm, đến tác động tích cực về mặt tinh thần của các hộ dân giải tỏa khi được giảm giá đất mua lại.

Mục 8 về việc gia hạn thời gian nộp tiền sử dụng đất và miễn nộp phạt trong nhiều trường hợp, từ đó gây thất thu ngân sách. Tuy nhiên báo cáo không chỉ rõ thiệt hại bao nhiêu.

Mục 9 về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhiều dự án với giá rẻ, gây thiệt hại ngân sách. Tuy nhiên thiệt hại là bao nhiêu thì không rõ.

Tựu trung lại, tất cả các mục Thanh Tra đều chỉ ra ĐN đã vi phạm nhiều điều luật trung ương, gây thiệt hại ngân sách. Tuy nhiên điều đáng suy nghĩ là tất cả những vi phạm này đều theo hướng có lợi, tạo thuận lợi cho nhân dân, cho nhà đầu tư. Trong hoàn cảnh trên khắp đất nước tràn lan các vụ giải tỏa đền bù gây thiệt hại đến người dân thì có thể hiểu tại sao người dân, doanh nghiệp từ các nơi khác muốn đến lập nghiệp ở ĐN. Phải chăng đây chính là “bí quyết” của ĐN.

Với bản báo cáo này, tôi nhận định nó có rất ít ảnh hưởng đến sự nghiệp NBT. Ngược lại, việc “bạch hóa" này còn góp phần gầy dựng thêm uy tín lãnh đạo cho NBT ngay trước thềm ra Ba Đình nhậm chức.


Nguồn: Blog Người Nổi tiếng

Đọc thêm:

Xem toàn văn kết luận thanh tra ở Đà Nẵng (Nguồn: VietNamNet.vn)

Xem Phản hồi của thành phố Đà Nẵng về kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành pháp luật về Thanh tra, Khiếu nại, Tố cáo, Phòng, chống tham nhũng và một số dự án đầu tư liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất tại thành phố Đà Nẵng trên Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng

Trở về trang chính
Hoàng Kim
HỌC MỖI NGÀY
DẠY VÀ HỌC
CÂY LƯƠNG THỰC

18 tháng 1, 2013

Chấn hưng giáo dục: những bài tuyển chọn

HỌC MỖI NGÀY. Mời các bạn đọc bốn bài viết mới, tuyển chọn về giáo dục: Nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình: Ngành giáo dục chưa biết lắng nghe; Trần Đăng Khoa: Nhớ một thời giáo dục thanh khiết; Trần Đăng Khoa: Mở cửa nhìn thiên hạ làm giáo dục. Giáo sư Hoàng Tụy: Thay đổi tư duy giáo dục.



NGÀNH GIÁO DỤC CHƯA BIẾT LẮNG NGHE

Nguyễn Thị Bình
Nguyên Phó Chủ Tịch Nước
http://www.Giáo dục.net Thứ hai 14/01/2013

Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) đã được Hội nghị lần thứ 6 của BCH TƯ Đảng khóa XI thảo luận, cho ý kiến. BCH TƯ cho rằng đây là vấn đề lớn, hệ trọng và phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau, do đó cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, bàn bạc một cách thấu đáo, cẩn trọng, tạo sự thống nhất cao để ban hành nghị quyết vào thời điểm thích hợp.

- Vừa qua Hội nghị TƯ 6 chưa thông qua Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Theo bà, đề án này cần tiếp tục hoàn thiện thêm những nội dung gì để được kỳ vọng về đổi mới giáo dục hiện nay?

Nguyên PCT nước Nguyễn Thị Bình: Vừa rồi đề án chưa được thông qua, chứng tỏ sự chuẩn bị chưa tốt. Tôi cũng tham gia đóng góp ý kiến cho đề án nhưng có nhiều nội dung đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học chưa được tiếp thu đầy đủ. Trong xây dựng đất nước, lĩnh vực nào cũng quan trọng, có nhiều điều mới mẻ nên còn nhiều khó khăn. Nhưng điều quan trọng là người lãnh đạo phải khách quan, phải biết lắng nghe. Tôi cho là ngành giáo dục hiện nay không biết lắng nghe.

Trong 5 - 7 năm qua, trong và ngoài nước, các ý kiến đóng góp rất nhiều cho giáo dục, tất nhiên trong đó có những ý kiến không phù hợp nhưng ý kiến tốt rất nhiều. Nhưng tôi thấy lãnh đạo ngành giáo dục không tiếp nhận các ý kiến đó. Lĩnh vực giáo dục rất khó, là vấn đề khoa học tổng hợp về con người, tự nhiên, xã hội, cho nên càng phải có sự nghiên cứu nghiêm chỉnh và phải biết lắng nghe ý kiến các nhà khoa học, nhà giáo dục. Nhưng hiện nay, khuyết điểm là chúng ta chưa huy động được trí tuệ tập thể, chưa lắng nghe nhiều. Tôi mong sắp tới phải giải quyết được điều này.

Đề án đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục phải là trí tuệ tập thể của đất nước chứ không phải chỉ của ngành giáo dục. Thậm chí, chỉ vài đồng chí phụ trách đề án này là không được đâu. Giáo dục nhằm đào tạo ra một lớp người toàn diện nên một ngành không thể nghĩ ra hết. Thế nên, tới đây phải biết huy động trí tuệ của tập thể thì chúng ta mới làm được. Tôi cho vấn đề giáo dục bức xúc lắm rồi, nó quyết định hết tất cả, vì thế cần phải cấp bách đổi mới.

Một vấn đề xã hội nhức nhối vừa qua là nhiều thanh niên vướng vào tệ nạn xã hội chẳng hạn. Vấn đề này có nhiều nguyên nhân, nhưng có nguyên nhân từ giáo dục. Không phải chúng ta quy tất cả nguyên nhân cho nhà trường, nhưng phải thấy tất cả trẻ em đều qua nhà trường, qua ngành giáo dục. Dĩ nhiên, ở đây gia đình cũng có vấn đề do không quan tâm con em đầy đủ. Đổi mới giáo dục phải giải quyết được những vấn đề này.

- Theo bà, có nên thành lập ủy ban cải cách giáo dục?

Nguyên PCT nước Nguyễn Thị Bình: Trong tình hình hiện nay theo tôi phải có một ủy ban chỉ đạo vấn đề cải cách giáo dục. Ủy ban này không chỉ có ngành giáo dục mà phải có cả các nhà khoa học, nhà giáo dục trong và ngoài ngành để nghiên cứu một đề án tổng thể cả về giáo dục phổ thông, dạy nghề, giáo dục đại học. Đề án này phải được trình ra Trung ương, ra Quốc hội, với sự tham gia của các nhà chuyên môn, với những quan điểm đổi mới giáo dục rõ ràng. Phải hết sức quyết tâm, còn nếu cứ lơ mơ thế này rất khó thành công. Cần hiểu rằng, giáo dục chậm 1 năm là đất nước trễ hàng chục năm, ảnh hưởng đến cả một lớp người. Tôi rất quan tâm đến đề án này và mong đề án sớm được xây dựng một cách hoàn thiện. Tôi cũng mong muốn xã hội quan tâm hơn nữa đến giáo dục. Xã hội phải thấy giáo dục quyết định sự phát triển của chúng ta về tất cả các mặt.

- Lần này, bà mong muốn cải cách giáo dục Việt Nam theo hướng nào?

Nguyên PCT nước Nguyễn Thị Bình: Trước đây, nhiệm vụ độc lập, giải phóng đất nước là mục tiêu, mọi người đều theo hướng đó. Ngày nay, với nhiệm vụ phát triển, từng người phải phát triển tiềm năng của mình. Những tiềm năng đó sẽ được phát huy trong từng lĩnh vực, giúp tạo ra những sản phẩm một cách sáng tạo hơn, khoa học hơn. Chúng ta phải hình thành ra những lớp người tự chủ thì mới có một đất nước tự chủ. Tôi muốn giáo dục sẽ đổi mới theo hướng làm cho lớp thanh niên của Việt Nam có tự chủ. Con người tự chủ để xây dựng một đất nước tự chủ, chứ không thụ động. Còn hiện nay, giáo dục của chúng ta còn quá thụ động, chưa tự chủ.


NHỚ MỘT THỜI GIÁO DỤC THANH KHIẾT

Trần Đăng Khoa

Những nan giải của giáo dục ngày nay, các thầy cô ở trường quê Nam Sách đã giải quyết ổn thỏa từ những năm 60, 70 của … thế kỷ trước. Học sinh lớp 4 đội mũ rơm chống bom bi, dưới chiến hào nơi sơ tán (ảnh: http://bvbong.blogspot.de/2012/12/tran-ang-khoa-nho-mot-thoi-giao-duc_31.html)

Trong Blog tuần trước, tôi cùng với nhà khoa học Trần Thanh Thu bàn về việc dạy và học ở Bỉ. Có bạn đọc bảo: Quả là một Thiên đường Giáo dục. Không biết tới bao giờ, chúng ta mới lên tới đó? Xin thưa, cái Thiên đường đó không xa. Đã có thời, chúng ta cũng đã đi qua ngõ cái Thiên đường ấy rồi đấy. Ngay trong mái trường quê của tôi. Bởi vậy, trước khi bàn tiếp về việc dạy và học ở Bỉ, tôi muốn cùng bạn đọc ngoái lại gần nửa thế kỷ, nhìn lại ngành giáo dục quê nhà, ở một góc rất hẹp. Những năm tháng đẹp nhất của tuổi thơ tôi trôi qua trong mái trường quê đó.


Lớp học ban đêm (Ảnh: http://hoabinh.edu.vn/vn)

Đấy là Trường cấp III Nam Sách, nay là Trường THPT Nam Sách. Trường được thành lập từ năm 1962. Mười năm sau, tôi vinh hạnh được là học sinh của trường. Học sinh lớp 8G.

Tôi còn nhớ mãi buổi khai giảng năm ấy. Đó là 7h sáng ngày 1/9/1972. Khi đó, cuộc chiến tranh xâm lược của giặc Mỹ bằng không quân, mở rộng ra Miền Bắc đang vào thời điểm khốc liệt nhất. Bom đạn mù mịt suốt ngày đêm. Chỉ ít thời gian sau, Mỹ dùng máy bay chiến lược B52 rải thảm Hà Nội, Hải Phòng. Nam Sách là mảnh đất kiên cường, ở giữa hai thành phố lớn ấy, lại nằm bên Đường 5, con đường huyết mạch nối Thành phố Cảng với Thủ đô Hà Nội. Một trong những trọng điểm hủy diệt của Không quân Mỹ là hai cây cầu Phú Lương và Lai Vu.

Nam Sách thành trận địa sinh tử, quyết liệt bảo vệ hai cây cầu chiến lược ấy. Xã Ái Quốc và nhiều xã lân cận hóa thành “túi bom” của giặc. Chúng tàn phá bất kỳ lúc nào. Mảnh đất hậu phương, cung cấp người và của cho chiến trường Miền Nam “Thóc không thiếu một cân, Quân không thiếu một người”, giờ cũng đã thành một chiến trường khốc liệt.

Trường cấp III Nam Sách xé lẻ ra thành từng lớp, sơ tán về các làng quê. Có lớp học trong Chùa. Có lớp học ở Nhà thờ Thiên chúa giáo.

Lớp 8G của tôi sơ tán về xã Thanh Lâm. Ngày Khai giảng là buổi lao động tát nước ở giao thông hào và đắp lại những căn hầm kèo bị sạt lở sau một trận mưa lớn đêm trước. Thày Chủ nhiệm Vũ Đình Sâm đứng trên nóc hầm điểm danh học sinh và thông báo lịch trình học tập.

Buổi khai giảng đầu tiên của đời tôi khi mới lẫm chẫm bước chân vào lớp Một cũng là một buổi học độc đáo như vậy. Sau giờ khai giảng, học sinh tỏa về từng lớp để thầy trò làm quen với nhau. “Hôm nay, thầy sẽ dạy các em bài học đầu tiên…”. Bài học đầu tiên của chúng tôi đây: “Ngày khai trường”, rồi “Tổ Quốc Việt Nam”. “Tổ Quốc em đẹp lắm - Cong cong hình lưỡi liềm…”. “Không, các em gập sách lại đi. – Thầy bảo - Bài học này chưa kịp có trong sách Giáo khoa đâu…”.

Hồi hộp quá. Không chỉ trò, mà cả thầy cũng hồi hộp. Thầy dạy và rồi chính thầy cũng phải học. Bài học đầu tiên trong đời. Đó là cách tránh bom. Thầy giúp chúng tôi phân biệt từng hướng rơi của bom. Nhìn hình dạng và đường bay của bom mà biết quả bom ấy sẽ lao xuống đâu. Lúc nào thì thì ngồi in, chụp mũ rơm lên đầu. Lúc nào thì phải chạy. Chạy theo hướng nào để có độ an toàn cao nhất. Rồi thầy dạy chúng tôi cách cứu thương và băng bó vết thương, “ để khi không có thầy bên cạnh, các em còn biết cách cứu bạn và tự cứu mình”. Chúng tôi bắt đầu tập băng bó. Một lũ trẻ lau nhau, trứng gà trứng vịt mà làm rất thuần thục. Vừa làm vừa cười đùa như chơi trò trận giả. Chúng tôi cười vui. Nhưng thầy lại khóc. Khóc thầm. Nhưng nước mắt không giấu được, cứ ầng ậng sau hai hàng mi. Và tôi hiểu một điều rất hệ trọng. Chiến tranh không bao giờ là một trò đùa.

Khi tôi thành học sinh trường Cấp III Nam Sách, chiến tranh đã lên đến đỉnh điểm. Bom đạn mù mịt. Có thể chết bất cứ lúc nào. Nhưng đời sống tinh thần lại ấm áp, bình thản. Lạ thế! Một xã hội trong vắt. Không có tham nhũng. Không có kẻ cướp, đĩ điếm, trấn lột. Và đẹp nhất trong bầu khí quyển trong lành ấy là người lính và người thày. Đó là hai chiến sĩ kiên cường trên hai mặt trận: Chống giặc dốt và giặc ngoại xâm.

Chúng tôi cắp sách đến trường, tiếp nhận cùng một lúc hai nguồn kiến thức lớn. Một nguồn từ sách vở. Đó là những bài học, đúc rút kinh nghiệm sống, là trí khôn của cha ông và của cả loài người, thành nguồn sáng trong lành, tinh lọc qua tâm hồn thày cô rồi tỏa xuống mỗi học sinh. Còn nguồn kiến thức thứ hai, cũng rất quan trọng, mảng kiến thức này không nằm trong giáo án, cũng không có trong sách giáo khoa, nhưng lại tác động đến học trò rất mãnh liệt. Đó là cuộc đời các thày cô. Tấm gương các thày cô. Chính các thày cô đã thành giáo cụ trực quan, dạy chúng tôi làm người.

Thầy nào thì trò ấy. Khi thầy không gương mẫu, không còn là một vẻ đẹp, thì mọi lời giảng, dù có hay đến đâu cũng thành vô nghĩa.

May mắn cho lũ học trò nhà quê chúng tôi trong những năm tháng gian nan, vất vả ấy mà vẫn có được một ngôi trường nề nếp, quy củ. Nhờ chính sách “hạ phóng” của Bộ Giáo dục, nhiều thầy cô ở thành phố lại tỏa về các miền quê và những vùng sâu vùng xa. Trường Cấp III Nam Sách là một ngôi trường quê, học trò đều là con em nông dân ở mấy làng quê nghèo lam lũ, nhưng nhà trường lại có một đội ngũ giáo viên rất giỏi. Nhiều thầy cô người Hà Nội gốc nhưng lại về bám trụ ở đây, như thầy Độ đường Quán Thánh, cô Nga phố Hàn Thuyên, thầy Tuấn phố Quang Trung, thày Bản phố Hàng Bạc, cô Hằng đường Cầu Giấy.

Tôi không sao quên được thày Độ. Thầy dạy toán. Lên bục giảng, thầy không mang giáo án, chỉ ve vảy hai bàn tay không. Nhưng xin bạn đọc chớ hiểu lầm thầy lười nhác hay cẩu thả. Giáo án nằm hết trong đầu thầy. Cả cuốn sách Giáo khoa toán dày cộp cũng ở trong đầu thầy. Thầy chép bài tập lên bảng mà đâu có nhìn sách giáo khoa. Thầy bảo: “Nếu thầy nhớ nhầm, các em nhắc thầy nhé!”.

Nhưng chẳng bao giờ thầy nhầm. Cái tài lớn nhất của thầy mà tôi rất phục là khả năng biến những gì phức tạp thành đơn giản dễ hiểu. Tôi nghiệm thấy những người giỏi đều thế cả. Họ có khả năng đơn giản hóa những gì phức tạp. Còn người kém thì ngược lại, ngay cả điều đơn giản, qua họ, cũng thành phức tạp, rối mù. Thày Độ giảng rất thoải mái, nhưng học sinh nào cũng hiểu được. Tôi là một học trò cá biệt, rất dốt toán, mà cũng nắm được bài ngay tại lớp. Còn thầy Tuấn lại có một biệt tài khác mà chúng tôi phục lăn. Thầy dựng Hình, chẳng cần com-pa, thước kẻ, mà hình nào cũng đẹp. Có khi thầy vừa giảng, vừa quài tay ra sau lưng, khoanh một nét thành một Đường tròn tâm O, chuẩn đến mức kinh ngạc.

Trong con mắt chúng tôi, các thầy cô như những vị thánh sống. Cao cả và tinh khiết. Hồi đó có chuyện dạy thêm không? Có! Thời nào chả có những học sinh kém. Với những cô cậu học trò cá biệt ấy, sau buổi học, các thầy cô thường mời ở lại để phụ đạo thêm. Thảng hoặc, có học sinh, do hoàn cảnh khó khăn, vào các buổi tối, thầy còn đạp xe đến tận nhà phụ đạo. Thầy dạy mà không lấy tiền. Có thày còn sẻ cả một phần lương đạm bạc của mình cho học trò mua sắm quần áo hay dụng cụ học tập. Ngày Tết, hay ngày 20-11, học sinh ríu rít đến thăm thầy chỉ có hai bàn tay trắng. Phong bì không và hoa cũng không. Ở làng quê khoai lúa, muốn tặng hoa thầy cũng chẳng có để tặng. Nhưng cả thầy và trò đều vui. Một niềm vui chan hòa, ấm cúng và tinh khiết.

Bây giờ chúng ta hay kêu về nền giáo dục xuống cấp trầm trọng với bao nhiêu vấn nạn. Trong đó có cả những vấn nạn thuộc về nghiệp vụ giảng dạy, như nạn “văn mẫu”, nạn “đọc chép”. Thày đọc và trò chép. Nhà trường đã biến học sinh thành những con vẹt. Đó là những phương pháp giáo dục phản giáo dục tệ hại nhất. Những vấn đề nan giải này, các thày cô ở mái trường quê Nam Sách đã giải quyết rất ổn thỏa từ những năm 60, 70 của …thế kỷ trước.

Tôi rất phục cách dạy văn của thầy Vũ Đình Sâm, chủ nhiệm các lớp 8G, 9G, 10G mà tôi theo học. Dù những năm tháng ấy, trong mái trường này, thầy chỉ là một tên tuổi rất khiêm nhường. Khi nhắc đến những giáo viên giỏi, người ta thường nhắc đến thầy Tham, thầy Soa, thầy Hoạch, thầy Độ, thầy Tuấn, cô Nga, cô Hằng, thầy Đức, cô Thanh, cô Thu…

Và còn rất nhiều thầy cô khác nữa. Thầy Sâm thường khuất trong bóng tối. Bản thân thầy cũng tự giấu mình đi. Nhưng trong con mắt của tôi, thầy là một tấm gương sáng, không chỉ với học trò, mà còn với cả ngành giáo dục. Cách dạy của thầy theo tôi là mẫu mực, đáng để Ngành Giáo dục hôm nay tham khảo. Thầy không biến học trò thành con vẹt, cũng không tự biến mình thành Rô-bốt cứng nhắc. Mọi quy chế, hướng dẫn, quy định của ngành chỉ có ý nghĩa tham khảo quan trọng, còn Giáo viên phải có những sáng tạo riêng, nhằm đổi mới mỗi tiết giảng, truyền đạt kiến thức đến học trò một cách hiệu quả nhất, nhưng lại gợi mở cho các em sự độc lập suy nghĩ và sáng tạo.

Trong tiết giảng, thầy không đọc lại đoạn văn trích. Đấy là việc học sinh tự đọc ở nhà. Thay cho thời gian đọc tác phẩm, thầy tóm tắt cả cuốn sách, để học sinh nắm được nội dung, biết đoạn trích học nằm ở đâu. Thầy biến bài giảng thành buổi Xê-mi-na để học sinh cùng thảo luận. Có buổi học thành cuộc tranh luận rất sôi nổi. Thầy gợi mở, xới lên các vấn đề để học sinh bàn. Rồi thầy tổng kết. Có vấn đề thầy kết luận ngay, có vấn đề thầy bỏ ngỏ, để học sinh nghĩ tiếp.

Trong phần tổng kết, ngoài biểu dương những ý kiến có tính khám phá của học trò, thầy nói ba vấn đề. Một là thầy tóm tắt phần hướng dẫn giảng dạy dành cho giáo viên của Bộ Giáo dục về đoạn văn trích. Hai là thầy tóm tắt ý kiến của các nhà phê bình nghiên cứu về tác phẩm đã được in trên các báo và tạp chí từ trước đến nay, đặc biệt là những kiến giải xuất sắc có tính phát hiện. Phần thứ ba, là ý kiến riêng của thầy. Tôi thích phần thứ ba này nhất. Bởi đó là những ý kiến tôi không tìm thấy ở bất cứ tài liệu nào trên sách báo. Như vậy, một bài học, được chiếu rọi từ nhiều góc độ khác nhau. Một giờ lên lớp của thầy, bằng học sinh lục lọi hàng tháng trong thư viện với hàng đống sách vở.

Bây giờ, trong các thầy cô dạy phổ thông, có ai làm được như thầy không?

Thầy nào trò nấy. Thầy phải giỏi thì trò mới có thể giỏi được. Nhờ có một đội ngũ thầy giỏi như thế, mà trường có được một đội ngũ học sinh làm rạng danh trang sử nhà trường. Có người rất nổi tiếng, được thế giới biết đến, như nhà địa chất Tạ Phương, người được mang tên cho một loại quặng quý trong một cuốn sách khoa học về địa chất ở nước Nga. Rồi những tên tuổi được cả nước biết đến như anh hùng quân đội Vũ Ngọc Diệu, anh hùng Liệt sĩ Đỗ Chu Bỉ, Phó Giáo sư Tiến sĩ Trịnh Bá Đính, nhà báo Trịnh Bá Ninh, rồi các nhà quản lý Hoàng Bình, Nguyễn Thu Hằng, Nguyễn Thị Dung, các nhà kinh tế Vũ Văn An, Nguyễn Hữu Thắng…Và còn rất nhiều các anh các chị khác nữa.

Tôi muốn nói thêm đôi điều về hai học sinh của trường, anh hùng quân đội Vũ Ngọc Diệu và anh hùng Liệt sĩ Đỗ Chu Bỉ. Cả hai anh đều lên đường nhập ngũ khi còn đang học phổ thông. Trong trận “Điện Biên phủ trên không”, với 12 ngày đêm đánh B52 ở Hà Nội năm 1972, Vũ Ngọc Diệu là lính ra đa bảo vệ Hà Nội. B52 là vũ khí chiến lược của Mỹ, là sức mạnh tàn bạo của không lực Hoa kỳ. B52 có nhiều máy bay phản lực yểm trợ, bảo vệ, lại bay ở tầm cao, lại có hệ thống phá sóng ra đa, tung nhiễu mù mịt nên rất khó phát hiện. Kỳ tích của Vũ Ngọc Diệu cùng các cộng sự của anh là sự mày mò nghiên cứu, phát hiện chính xác B52. Sau nhiều lần tác nghiệp, anh nhận ra rằng, khi B52 cắt bom, và chỉ khi chúng cắt bom, trên màn huỳnh quang ra đa xuất hiện những điểm lóe bất ngờ giữa vô vàn những đốm sáng của những mục tiêu giả. Nhờ thế, chúng ta tiêu diệt được B52. Có ngày rụng đến cả chục chiếc.

Còn Đỗ Chu Bỉ cùng thế hệ tôi. Chúng tôi nhập ngũ khi còn học dang dở. Tổ Quốc gọi và chúng tôi ra đi. Con trai đi. Con gái cũng đi. Sau Tổng động viên, trường vắng hẳn. Phải nhiều lớp gom lại mới đủ sĩ số một lớp. Trong bài thơ gửi em gái mình, khi ở chiến trường Tây Nam, nghe tin em vào Đại học Sư phạm, tôi viết: Hôm nay em đến Giảng đường/ Anh hằng khao khát/ Thế hệ anh, mấy lớp người đi cứu nước/ Có bao anh chưa tới được lớp mười/ Có bao anh nằm lại dọc đường rồi/ Những con suối không tên. Những ngọn đồi không tuổi/ Có thể sau này, em dẫn học trò tới/ Chỉ thấy im lìm rừng xanh với núi xanh…/ Ước mong sao ngày đất nước yên lành/ Anh lại trở về, cùng em, vui chơi như thuở nhỏ/ Trên góc sân nhà, em là cô giáo nhé/ Anh làm chú học trò. Và bài học đầu tiên…

Thật bất ngờ khi Đỗ Chu Bỉ cũng nghĩ như tôi nghĩ trong những khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời mình về một thế hệ học trò chúng tôi. Anh là người lính dũng cảm, đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng bảo vệ từng tấc đất biên cương Phía Bắc Tổ Quốc. Hết đạn thì dùng dao găm và lưỡi lê. Một cuộc chiến đấu không cân sức. Mình anh đẩy lùi nhiều cuộc tấn công của địch.

Khi đồng đội tìm đến chi viện, anh đã hy sinh. Trên người anh là mười chín vết dao và vết đạn bắn. Trong túi áo ngực đẫm máu là bức thư anh viết dở cho mẹ: “Mẹ ơi, con không thể chết được đâu, dù kẻ thù tàn bạo đến thế nào. Bởi con còn có mẹ. Mẹ mỗi ngày một già yếu, ai sẽ chăm sóc mẹ nếu không phải là con? Mẹ hãy tha tội cho thằng con trai bất hiếu này. Mẹ ơi, rồi con sẽ trở về nếu biên giới im tiếng súng. Con sẽ trở về cho tuổi già mẹ không còn hưu hắt. Rồi con sẽ tiếp tục trở về ngôi trường thân yêu của con. Con sẽ tiếp tục học để mẹ không phải xấu hổ vì có một thằng con thất học. Mẹ ơi, con sẽ về. Không kẻ thù nào giết nổi con đâu…”

Cũng như 217 liệt sĩ, những học sinh ưu tú nhất của trường, Đỗ Chu Bỉ không còn trở về. Anh đã nằm lại trên điểm chốt Bình Liêu. Nhưng các em của anh, những học sinh thế hệ sau anh đã quyên góp tổ chức tạc tượng anh, rồi đưa anh trở về ngôi trường thân yêu mà anh hằng khao khát được học tiếp. Bức tượng ấy hiện đang nằm trong Phòng Truyền thống của nhà trường.

Và như thế, có một Trường Cấp III - Trường Trung học Phổ thông Nam Sách bám trụ ở quê nhà, thành một địa chỉ văn hóa, một di tích lịch sử thiêng liêng với rất nhiều thế hệ. Lại còn có những trường cấp III – Trường Trung học Phổ thông Nam sách ở những miền xa. Đấy là các thế hệ học sinh của trường, trong suốt nửa thế kỷ qua, đã mang theo hình bóng thày cô, vóc dáng mái trường đến mọi miền Tổ Quốc, và làm nên những chiến công mới, những kỳ tích mới. Đó cũng là những vẻ đẹp của trường mà đâu phải ai cũng nhận ra…./.

Trần Đăng Khoa/VOV


MỞ CỬA NHÌN THIÊN HẠ LÀM GIÁO DỤC

Trần Đăng Khoa

(VOV) - Đối thoại của Trần Đăng Khoa với một người bạn về hệ thống giáo dục ở Bỉ nêu nhiều khía cạnh để học tập. Giáo dục phổ thông ở Bỉ là phổ cập bắt buộc (Ảnh minh họa)


Nhà «hàng xóm» ấy là nước Bỉ. Một đất nước ít nhiều cũng còn xa lạ với không ít bạn đọc chúng ta. Nước Bỉ dạy dỗ, giáo dục con em mình như thế nào? Ta chỉ ngắm họ ở một góc hẹp trong lĩnh vực giáo dục thôi.

Tôi có người bạn thân là Trần Thanh Thu. Chị là nhà khoa học, tốt nghiệp xuất sắc tại Nga. Nhiều năm làm việc ở Viện Sinh học - Bộ Khoa học và Công nghệ. Hiện nay chị đang sống và công tác tại Bỉ. Con trai chị cũng đang theo học phổ thông ở đây. Vì thế, với nền Giáo dục Bỉ, chị là nhà quan sát, cũng là người trong cuộc, một phụ huynh học sinh. Bởi thế, tôi muốn qua chị, cùng với bạn đọc, thử tìm hiểu xem cái ông bạn láng giềng xa ngái này đã giáo dục con em mình ra sao.

- Thưa bà Trần Thanh Thu quý mến, trước khi bàn cụ thể về giáo dục Bỉ, xin bà nói cho bạn đọc hiểu một cách tổng quát về nước Bỉ, cũng xin bà chỉ khoanh lại ở những nét vắn tắt chung nhất có liên quan đến Giáo dục mà thôi.

Trần Thanh Thu: Nước Bỉ tuy nhỏ nhưng là một liên bang với hệ thống chính phủ liên bang, dưới nó là chính phủ Flamant (vùng nói tiếng Hà lan), chính phủ Walonie (nói tiếng Pháp) chính phủ vùng nói tiếng Đức và chính phủ Brussel.

Về mặt điạ lý, Brussels thuộc vùng đất Flamant và đồng thời là thủ phủ của vùng Flamant nhưng có tới hơn 80% dân số nói tiếng Pháp. Xin mở ngoặc thêm một tý: Dân chúng bảo chính vì nhờ cái anh Brussels này nên mới có nước Bỉ như ngày nay, nếu không thì đã có hai nước Bỉ. Hệ thống giáo dục của Bỉ không theo cơ cấu chính phủ mà theo ngôn ngữ sử dụng. Tất cả các cơ sở dạy tiếng Hà Lan chịu sự quản lý của Bộ giáo dục Flamant, cơ sở dạy tiếng Pháp do Bộ Giáo dục Walonie quản lý dù cơ sở nằm ở vùng đất nào. Về cơ bản thì không có sự khác biệt trong hệ thống giảng dạy, trừ môn tiếng mẹ đẻ, văn học và ngôn ngữ.

- Một đất nước mà có đến mấy Bộ Giáo dục. Vậy Hệ thống Giáo dục của họ thế nào?

Trần Thanh Thu: Ở Bỉ giáo dục phổ thông gồm có hai cấp: Tiểu học và trung học. Tiểu học từ 6 đến 12 tuổi; trung học từ 12-18 tuổi. Giáo dục phổ thông ở Bỉ là phổ cập bắt buộc. Khi đã bắt buộc nghĩa là nếu bạn không thực hiện tức là bạn đã phạm pháp, và nếu là phạm pháp thì bạn sẽ bị xử lý, từ phạt hành chính đến vào tù.

Trẻ con ở đây, 6 tuổi là phải đến trường, bố mẹ nào không thực hiện điều này, pháp luật sẽ sờ đến ngay. Ngay cả đối với người nước ngoài, nếu đem con đang độ tuổi đi học vào Bỉ mà không cho con đến lớp cũng sẽ bị pháp luật hỏi thăm. Tất nhiên khi đã bắt người ta thực hiện thì trước hết xã hội phải tạo điều kiện tối ưu nhất để cho người dân dễ dàng thực hiện.

Và đối với việc cho con đi học (một cách bắt buộc) ở đây ít nhất phải có hai điều kiện: Học tập miễn phí hoàn toàn, để bất cứ thành phần xã hội nào cũng có thể thực hiện được nghĩa vụ đi học này. Và trẻ con phải được an toàn và vui sướng nhất khi đi học. Có thế chúng mới tự nguyện đến trường. Cấp tiểu học ở đây hoàn toàn được chuẩn hóa. Đơn vị hành chính quan trọng nhất là cấp quận, họ phải lo đầy đủ chỗ học, chỗ chơi, khu thể thao, thư viện… theo đúng chuẩn. Tất cả sách giáo khoa, từ bài tập đến tài liệu học tập đều do nhà trường cung cấp.

Mỗi lớp ở tiểu học thường chỉ từ 15-20 cháu. Nếu quá số này phải mở thêm lớp. Nếu bạn xin học tiểu học cho con bạn ở tại quận bạn đang sinh sống thì họ bắt buộc phải nhận dù lúc đó đang là thời điểm nào của năm học. Khi tôi làm xong giấy tờ để đưa con sang đây thì đã là đầu tháng 4. Lúc đó cháu đang học lớp 1. Chỉ hai ngày sau khi cháu đến Bỉ, cháu đã bắt đầu đi học lại mặc dù cháu không biết một chữ tiếng Pháp nào.

Tại nơi tôi sống lúc đó (ngoại ô Brusela), có xe bus để chở các cháu đi học. Nếu bạn cho con đi học theo xe bus thì bạn sẽ phải đóng tiền nhưng không đáng là bao, kể cả so với học bổng của sinh viên. Và họ quy định, không một cháu bé nào phải đi bộ quá 5 phút từ nhà ra đến bến xe, vì thế khi có một «hành khách» mới họ sẽ xem địa chỉ nhà ở đâu để chỉnh lại bến.

Trước khi cháu nhà tôi đi học, gần đấy không có bạn nào đi xe bus (vì có bố mẹ chở đi học bằng xe riêng) nên không có bến gần nhà. Khi con tôi đăng ký đi học, họ mở thêm một bến ở ngay cửa nhà tôi để đón duy nhất một học sinh, lại là người nước ngoài, không có quốc tịch Bỉ. Điều này làm phụ huynh an tâm về sự an toàn cho con cái mình nhưng cũng có điều bất tiện chút ít là các cháu ở bến đầu phải đi khá sớm vì xe bus đi loanh quanh khá lâu để gom học sinh.

Để các cháu không mệt mỏi và buồn chán, trên xe bus này có trang bị màn hình và ngày nào cũng chiếu phim hoạt hình. Trên xe bus ngoài lái xe còn có một người phụ trách thu gom các cháu. Thường là những người phụ nữ trung niên làm việc bán thời gian hoặc tự nguyện cho quận. Họ nhớ cháu nào lên xuống bến nào, ai sẽ đón ở bến xuống. Nhiều gia đình cho cả con đang học mẫu giáo đi xe bus.

Suốt 6 năm con tôi học tiểu học tôi không phải đóng một euro tiền trường lớp nào, không phải mua một quyển sách quyển vở nào cho con. Duy nhất đầu năm học sinh được phát một tờ giấy cỡ nửa tờ A4 có ghi một số thứ cần mua cho cả 6 năm học, hình như khoảng 10 thứ: Cặp sách (loại nào tùy thích), compa, thước kẻ, hộp chì màu, 1 cái bút chì 2B, một quyển từ điển bỏ túi Pháp –Hà Lan, một quyển chia động từ.

Những cái này tiết kiệm thì mua một lần dùng cả sáu năm luôn, không có chuyện đầu năm phải mua các thứ mới. Cũng vì những thứ này là đồ bắt buộc phải mua nên đầu năm siêu thị luôn bán hạ giá để phục vụ ngày khai trường. Giá rất rẻ, dường như không đáng kể.

Còn ở Trung học thì mỗi năm học sinh phải đóng 80 euro tiền sử dụng sách giáo khoa, giáo cụ học tập và thuê một ngăn tủ để đồ. Việc học tập của học sinh không được để gián đoạn vì bất cứ lý do gì. Nếu các cháu bị bệnh hay tai nạn phải nằm điều trị dài ngày sẽ có giáo viên đến tận bệnh viện hoặc đến nhà để giúp các cháu theo kịp chương trình. Gia đình không phải trả lệ phí.

Hai vợ chồng sếp tôi đều là giáo sư đại học. Họ có một con trai. Cách đây vài năm khi con họ đang học tiểu học, họ có tham gia chương trình hợp tác nghiên cứu và giảng dạy với Cuba. Năm ấy họ phải sang dạy cho lớp cao học ở Cuba trong thời gian đang là năm học và họ cũng không gửi được con cho ai. Họ phải làm đơn xin cho cháu đi theo bố mẹ và họ phải bảo đảm là cháu vẫn phải học hành đầy đủ theo đúng chương trình. Thế là ngày nào bố mẹ cũng phải thay nhau dạy con học để cháu không bị gián đoạn. Việc học sinh không được bỏ học kéo theo hệ lụy là tất cả các công ty du lịch đều «ăn theo» thời khóa biểu của trường học. Cứ đến thời điểm học sinh được nghỉ học, giá vé máy bay, tàu xe du lịch, khách sạn tăng như «pháo thăng thiên».

- Vậy việc tổ chức trường lớp cho các cháu ra sao, trước hết là ở bậc tiểu học?

Trần Thanh Thu: Như tôi đã nói với ông ở trên. Mỗi lớp tiểu học chỉ khoảng từ 15-20 cháu. Nếu đông hơn số đó phải mở lớp mới hoặc học ghép với lớp khác.

Lớp học khá rộng rãi. Ngoài số bàn ghế để cho các cháu có thể ngồi học thoải mái, lớp còn có các góc cho các cháu ngồi nghỉ, đọc sách, chơi với nhau trong giờ nghỉ trưa vì các cháu học ở trường cả ngày. Bàn ghế nhẹ nhàng dễ di chuyển, bàn liền với ghế, để các cháu có thể thay đổi vị trí tùy theo bài học và cũng tùy theo ý thích. Ngoài cửa lớp có giá treo áo khoác của các cháu. Nói chung các trường tiểu học ở đây chỉ có một lối vào khu học tập, có bảo vệ, chỉ có thầy cô giáo và học sinh mới được vào khu vực này trong năm học.

Bên cạnh phòng bảo vệ có phòng rộng để trông các cháu ngoài giờ vì giờ tan học thường là 16h30. Nhà trường nhận trông các cháu đến 19h tối, tiền trông trẻ ngoài giờ là 20 cent/giờ. Phòng trông trẻ ngoài giờ nằm ngoài khu lớp học, nối với sân chơi. Trong năm học nếu phụ huynh có cần gì thì liên hệ với hiệu trưởng chứ không bao giờ liên hệ với cô giáo phụ trách lớp.

Cuối năm có buổi gặp gỡ phụ huynh. Cô giáo gặp từng phụ huynh một theo giờ hẹn chứ không họp chung. Bạn nhận được thư hẹn, đến phòng họp sẽ thấy học bạ của con mình trên bàn. Trước khi gặp trao đổi với giáo viên, bạn có thời gian đọc học bạ để có thể thảo luận với giáo viên. Con tôi học rất giỏi và không có vấn đề gì ở trường, từ năm lớp hai nhà trường cuối năm đều gửi thư nói: «cháu P học tốt, nếu ông bà không có thắc mắc gì cần trao đổi thì không cần phải có mặt tại buổi họp. Còn nếu ông bà muốn thì có thể đến vào lúc… ». Vì thế suốt 6 năm con tôi học tiểu học tôi gặp giáo viên duy nhất có một lần và không hề có một món quà cáp nào cho cô. Mà nếu có biếu, họ cũng không nhận./.

Trần Đăng Khoa/VOV

THAY ĐỔI TƯ DUY GIÁO DỤC

Hoàng Tụy

Giáo dục đang trong tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Chỉ có cải cách giáo dục toàn diện, triệt để mới đáp ứng yêu cầu khẩn thiết của cuộc sống, chứ không thể tiêp tục đổi mới liên miên nhưng vụn vặt, chắp vá, hao tốn tiền của, công sức mà rốt cục gần như quay về điểm xuất phát, với triền miên những khó khăn, bế tắc kéo dài không dứt.

Trước hết, cần tìm ra cho được căn bệnh gì là gốc đang tàn phá giáo dục ngấm ngầm nhưng khốc liệt, từ đó mới mong có biện pháp sửa chữa căn bản và mở con đường ra cho giáo dục.

Dù dễ dãi và lạc quan đến đâu, ai cũng phải thừa nhận sự lạc hậu của giáo dục. Nhưng điều nguy hiểm khó thấy hơn là giáo dục của ta đang đi lạc hướng ra xa con đường chung của nhân loại, đang phát triển lạc điệu với thế giới văn minh. Đã đi lạc hướng, đã phát triển lạc điệu thì làm sao đuổi kịp được người ta, làm sao hội nhập được với thế giới văn minh. Mà trong thời đại này, với xu thế toàn cầu hóa không thể đảo ngược, nước nào không hội nhập được, không thich nghi được, tất sẽ bị cô lập, bị bỏ rơi lại sau, “chết lâm sàng” rồi từ từ bị đào thải, nếu không sớm tỉnh ngộ.

Cho nên có thể khẳng định sự lạc hướng, lạc điệu, không giống ai đó của giáo dục là cái căn bệnh gốc, cái nguyên nhân sâu xa từ đó đẻ ra mọi khó khăn, sai lầm của giáo dục.

Mà lạc hướng, lạc điệu trước hết từ tư duy cơ bản về mục tiêu, đường lối, phương pháp giáo dục, nói gọn lại, từ triết lý giáo dục. Đánh giá sự sa sút trầm trọng của chất lượng giáo dục, nhiều ý kiến thường nhấn mạnh khuyết điểm lớn nhất của nhà trường là chỉ chú ý dạy chữ (dạy kiến thức) mà lơ là dạy người. Điều đó theo tôi có lẽ chỉ mới đúng một nửa. Trên thực tế nhà trường của ta dạy người có khi còn chặt chẽ, quyết liệt hơn ai hết. Chỉ có điều cái nội dung và cách dạy người của ta sai, lệch hướng. Sai, lệch hướng vì chỉ nhằm đào tạo ra những mẫu người hoàn toàn không phù hợp với yêu cầu cuộc sống hiện đại, thiếu những tố chất cơ bản để có thể thành công trong thế giới hiện đại: tự do, trung thực và sáng tạo.
Một thời gian dài trước đây chúng ta sống trong chế đô quản lý tập trung bao cấp. Tuy về kinh tế chế độ này đã chấm dứt với công cuộc đổi mới từ giữa thập niên 80, nhưng cho đến nay tàn tích của nó còn ngự trị trong hầu hết mọi lĩnh vực hoạt động thiết yếu của xã hôi, đặc biệt trong các lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, giáo dục.

Cứ kiểm điểm lại kỹ, chúng ta sẽ dễ thấy dấu vết chế độ bao cấp tư tưởng hiển hiện ở hầu khắp các khâu giáo dục, từ chương trình, phương pháp giảng dạy, cách thức thi cử, cho đến tổ chức giáo dục, các chính sách tuyển chọn, bồi dưỡng, sử dung cán bộ, v.v.

Đặc điểm của chế độ quản lý tập trung bao cấp là từ tư duy cho đến hành động mỗi thành viên của hệ thống chủ yếu đều trông chờ, dựa dẫm vào cấp trên. It cần suy nghĩ, it cần sáng kiến. Chỉ cần lĩnh hội, và thực hiện, chấp hành. Hệ lụy rõ nhất của chế độ bao cấp tư duy ấy là thủ tiêu ý thức tự chủ, tinh thần chủ động và khả năng độc lập suy nghĩ, tư duy phê phán, đầu óc sáng tạo. Ngược lại khuyến khich ỷ lại, lười suy nghĩ, chỉ quen nghĩ theo, tin theo, làm theo một cách máy móc, mất dần ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng, chỉ còn lại trách nhiệm đối với cấp trên. Con người thay vì là một chủ thể tự do biến thành một phương tiện, một công cụ thực hiện một lý tưởng không phải do mình lựa chọn, tin tưởng và tự chịu trách nhiệm về sự lựa chọn ấy.

Trong thời kháng chiến giành độc lập thống nhất, chế độ bao cấp khó tránh khỏi về kinh tế, mà về các mặt tư tưởng, văn hóa nó cũng có lý do chính đáng vì phải tập trung mọi cố gắng giành chiến thắng. Nhưng trong thời bình, đời sống có vô vàn nhu cầu đa dạng, thế giới cũng đã thay đổi nhiều, đất nước đã bước sang một giai đoạn lịch sử mới, với biết bao vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội chưa từng gặp trước đây. Nhiều điều mới hôm qua còn cho là đúng, là chân lý bất khả tranh luận, thì nay đều phải xem xét lại, phải nhìn nhận lại với đôi mắt khác. Ngược lại có những điều trước đây bị phê phán, bây giờ phải chấp nhận.
Kinh nghiệm khắp nơi trên thế giới đêu cho thấy trong những điều kiện ấy mà dạy người theo cách áp đặt, ưc chế tư duy một chiều trong khi giáo lý giảng dạy trong nhà trường trái ngược với thực tế phũ phàng ngoài xã hội thì hệ lụy tất yếu dẫn đến phát sinh và nuôi dưỡng gian dối, đạo đức giả và bạo lực, cuối cùng gây ra bất ổn trầm trọng trong xã hội. Những điều đang diễn ra trong xã hội ta không phải là ngoại lệ.

Cho nên phải từ bỏ những quan niệm, tập quán, cách suy nghĩ về giáo dục đã quen thuôc một thời, can đảm tiến lên thực hiện một nền giáo dục khai phóng, như ở mọi nước văn minh hiện nay, dạy người nhằm rèn luyện nhân cách, phẩm chất trí tuệ, năng lực cảm thụ, ý thức cộng đồng, hướng theo thang giá trị phổ quát của nhân loại đương thời.

Đặc biệt, giáo dục phải hướng tới đào tạo con người hiện đại có cá tính nhưng bao dung, biết giao tiếp và hợp tác, biết làm việc có hiệu quả, có tư duy cởi mở với cái mới, thích dấn thân, không ngại đương đầu với thách thức, khó khăn, sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm vì mục đích lớn và nhất là lương thiện, trung thực và có đầu óc sáng tạo, là những đức tính tối cần thiết trong đời sống xã hội hiện đại. Đó mới thật sự là dạy người theo nghĩa cao quý nhất. Đó mới thật sự là sứ mạng của giáo dục tiên tiến thời nay.

Giáo dục hiện đang đứng ở ngã ba đường, giống như kinh tế những năm giữa thập kỷ 80. Nếu lúc bấy giờ ta cứ kiên trì chế độ kinh tế tập trung bao cấp mà không nhìn thẳng vào thực tế cuộc sống, kịp thời nhận ra nguồn gốc bế tắc của xã hội để có can đảm thay đổi tư duy, chấp nhận chính cái cơ chế thị trưởng đã từng một thời bị phê phán trước đây, thì làm sao có đường lối đổi mới đã cứu đất nước khỏi sự sụp đổ nhãn tiền.

Ngày nay, sau mấy chục năm chìm đắm trong khủng hoảng triền miên bởi các ràng buộc ý thức hệ cứng nhắc, cũng đã đến lúc giáo dục phải có sự lựa chọn: hoặc là tiếp tục con đường cũ, khác biệt với thế giới văn minh, để ngày càng tụt hậu xa hơn, hoặc là cương quyết thay đổi tư duy, thực hiện bước ngoặc cơ bản, mở đường cho một giai đoạn giáo dục khai phóng phát triển, phù hợp với trào lưu tiến hóa chung của nhân loại, và đáp ứng lợi ích tôi cao của dân tộc.

Để kết thúc câu chuyện triết lý giáo dục này xin kể một kinh nghiệm. Có lần báo Tin tức của TTX Việt Nam đăng tin: theo kết quả khảo sát công bố trên một tạp chí Đức thì trình độ học vấn của học sinh tiểu học ở Hà Nội cao hơn ở Munich. Theo nhận đinh của nhóm nghiên cứu đó, học sinh Đức có phần thông minh hơn, nhưng học sinh VN vượt trội về khả năng tập trung chú ý, đặc biệt về môn toán, về tinh thần kỷ luật, kính trọng thầy cô, v.v.” Cứ theo đánh giá này, nếu là người Đức, tôi chẳng có gì phải lo lắng, còn là người VN thì tôi không cảm thấy hãnh diện, trái lại có phần cảm thấy lo lắng cho tương lai đất nước. Tôi lo lắng vì trẻ em ta vượt trội ở những đức tính mà ở các nước phát triển người ta không đặt yêu cầu quá cao cho lứa tuổi tiểu học vì muốn gìn giữ cho trẻ em tính hồn nhiên trong sáng của tuổi thơ. Nhưng trẻ em ta lại có vẻ kém trẻ em Đức về thông minh, nếu quả thật như vây thì cần suy nghĩ nguyên nhân tại sao ? Một sự quan sát kỹ hơn ở bậc đại học cũng cho thấy hình như sinh viên VN du học ở các nước phát triển thường học tốt ở vài năm đầu, nhưng càng học lên cao càng mau đuối sức khi phải cạnh tranh về sức sáng tạo. Chắc chắn cách giáo dục của ta có vấn đề gì đây, chứ không lẽ bản chất người Việt chúng ta kém thông minh, sáng tạo so với thiên hạ. Cái vấn đề ấy chính là cái triết lý giáo dục lạc hậu của chúng ta.

Nguồn: viet-studies 19-10-2012


Bài viết cùng chuyên mục:

Hoàng Kim: Đêm trắng và Bình minh
Hoàng Kim: Người Thầy với Dạy và Học

Trở về trang chính
Hoàng Kim
Thung dung
Dạy và học
Cây Lương thực

4 tháng 1, 2013

Đến với những bài thơ hay


HỌC MỖI NGÀY. Anh Thạch Hầu giới thiệu hai bài thơ "Mơ về tuổi thơ" và "Thương thầm" của một hội viên trong THI ĐÀN khu kinh tế NGHI SƠN năm nay ông đã 75 tuổi. Tôi rất tiếc là chưa biết rõ tên tác giả nhưng đồng cảm trước
hai bài thơ hay nên xin phép anh Thạch Hầu chép về đây để giới thiệu cùng bạn đọc và lưu lại một tư liệu quý.


Lời anh Thạch Hầu: Tôi đã đọc rất nhiều tập bản thảo thơ của các cá nhân và các CLB  có nhiều bài hay có những bài rất hay. Hôm nay là ngày cuối cùng của năm cũ tuy rất bận cũng về xóm Lá thăm  các ban và đem về treo trước cửa mấy bài thơ mà TH cho là hay để các bạn cùng thưởng thức. Đó làThơ của một hội viên trong THI ĐÀN khu kinh tế NGHI SƠN năm nay ông đã 75 tuổi nếu các bạn thâý hay cũng nên cho TG một lời động viên... và nếu các bạn phát hiện ra trong hai bài thơ tôi giới thiệu sau đây có gì đó không bình thường cũng có ý kiến công bằng...Vì trong thực tế đã có nhiều vị chức sắc được giáo dục từ đầu đến chân để đi giáo dục người khác... mà cũng đạo của người khác nữa là..

MƠ VỀ TUỔI THƠ

Đêm mơ được cưỡi Trâu về tuổi nhỏ
Con đường làng lấp ló của đời tôi
Nghe gió gậm vạt sương chiều nghé ọ
Tuổi ấu thơ theo chú cuội lên Trời

Mặt Trăng ấy có còn Trâu ăn lúa
Mục đồng mây nghe sáo gió thay mùa
Ai mơ phất cờ lau thành lịch sử
Cưỡi trâu về con trẻ hóa thành Vua

Mặt Trời cũ trên lưng Trâu nhún nhảy
Ngoan nhé Trâu ơi tao bảo với mày
Trâu ra ruộng kéo cày nuôi hết thảy
Trăng hóa LIỀM vơ cắt cỏ heo may

Tôi đã lấy lưng Trâu làm chiếc ghế
Chữ vỡ lòng với sáo sậu chân quê
Tuổi thơ hóa thiên đường trâu biết thế
Nghển Trâu cười làm nắng gió cũng ngô nghê

Nghé tơ gọi đưa ta về BÉ DẠI
Xin mục đồng trở lại chốn THIÊN THAI
Xuân bát ngát cưỡi Trâu về Đồng Bãi
Tìm lại hồn ta trong cỏ lúa ban mai.

2012

THƯƠNG THẦM

Mẹ già khuất bóng nơi nào
Chỉ nghe tiếng lá rụng vào thinh không
Con huơ tay đến tận cùng
Chạm đâu cũng mẹ mà không thấy người
Ngỡ vừa nghe mẹ ru hời
Đã rưng rưng nén nhang rơi tàn…về

Ước gì ở cõi xa kia
Chẳng còn cơ cực sớm khuya nhọc nhằn
Chẳng còn cái nợ lan tràn
Giằng co thả nổi đa đoan buộc chìm
Vớt lên từ đáy nỗi niềm
Mới hay cay đắng mẹ dìm thật sâu

Một mình thấm một mình đau
Vẫn lo con dại ở đâu nẻo đời
Đôi bờ sóng cuộn luân hồi
Mẹ dành bên lở, bên bồi nhường con

2012

Nguồn: Thạch Hầu Blog
 
Trở về trang chính
FOODCROPS.VN


Email

Người theo dõi