Lưu trữ Blog
11 tháng 9, 2008
Cần nhìn lại văn hoá Việt Nam một cách sòng phẳng
Phỏng vấn Nguyên Ngọc
Minh Thi thực hiện
Khi văn hoá xuống cấp, đó là trách nhiệm của cả dân tộc, tất nhiên không thể không có vai trò của nhà văn? Sau đây là cách nhìn của nhà văn Nguyên Ngọc về khía cạnh này.
Vì sao ông nhấn mạnh thị hiếu con người xuống cấp chính là mảnh đất gieo cái ác, cái xấu?
Văn hoá không phải là vấn đề đúng - sai, mà là hay - dở. Mình hay canh gác "đúng - sai", mà coi thường cái dở, để cái dở tràn lan, điều đó rất nguy hiểm. Bởi chính cái dở mài mòn thị hiếu con người, làm con người thấy sự dung tục là bình thường. Đó chính là môi trường cho cái ác, cái xấu phát triển.
Theo ông, vấn đề của văn hoá Việt Nam hôm nay là gì?
Vấn đề rất lớn của văn hoá Việt Nam là chưa lúc nào có sự bàn bạc, nhìn lại cho nghiêm túc, toàn diện những vấn đề văn hoá. Ở ta có rất nhiều kiêng kỵ, nên nhiều vấn đề văn hoá chưa được nhìn đến nơi đến chốn. Phải nhìn lại một cách sòng phẳng, minh bạch lịch sử Việt Nam, lịch sử văn hoá Việt Nam ít nhất vài thế kỷ qua. Nói chung theo tôi, cần một sự tự vấn của dân tộc. Thực ra, nền văn học của một dân tộc phải góp phần to lớn để làm việc đó. Bởi nếu không, xã hội sinh ra nhà văn để làm gì?
Dĩ nhiên, do điều kiện địa lý, dân tộc ta có nhiều ưu điểm, nhưng nhược điểm cũng không ít. Việt Nam đứng giữa hai nền văn hoá khổng lồ là Ấn Độ và Trung Hoa, nên người Việt có khả năng tiếp nhận giỏi, ứng dụng ngay, có hiệu quả. Chính sự tiếp nhận dễ dàng này cũng mang nét thực dụng và cũng không sâu. Một dân tộc không có triết học thì không triệt để. Người Việt làm gì phần lớn đều dở dang.
Những doanh nhân Việt Nam khi đã giàu thường dừng lại rất sớm, không có chí lớn trở thành những tỉ phú của hành tinh. Tương tự, lâu nay mình diễn đạt lịch sử bằng mục đích thực dụng, vẫn còn nhiều kiêng kỵ. Chẳng hạn, 3 thế kỷ Nam tiến vẫn chưa được nói rõ. Phần đất phương Nam trong lịch sử Việt Nam rất quan trọng, vì chiếm hết cả một nửa lịch sử và chiều dài đất nước. Lâu nay, người ta phân tích văn hoá Việt là văn hoá phía bắc, chứ chưa nói nhiều về phía nam...
Thưa ông, chính ông đã đề ra việc cần thiết khai hoá, khai trí trở lại cho dân ta. Điều đó bắt đầu từ đâu?
Ngay từ đầu thế kỷ 20, con đường cứu nước của cụ Phan Chu Trinh là không dùng bạo lực. Cụ chủ trương khai trí cho dân bằng cách mở nhiều trường học với cách đào tạo khá tân tiến theo kiểu Châu Âu ở miền Trung. Muốn nước mạnh, vững, thì trước tiên dân chúng phải sáng láng. Lẽ ra sau 1975, chúng ta cần bình tĩnh trở lại. Lịch sử bị cắt suốt 100 năm giành độc lập, ta phải nối lại đoạn bỏ dở đầu thế kỷ 20 là khai hoá dân tộc, mở mang dân trí.
Chúng tôi nghĩ, trước một thực trạng văn hoá đang xuống cấp về mọi mặt, điều quan trọng là phải bắt đầu từ một nền giáo dục toàn diện. Để thực hiện điều này, nhóm giáo sư Hoàng Tụy đã trình lên Thủ tướng dự án mở trường đại học hoa tiêu đầu tiên của Việt Nam ở Hội An. Cái hổng nhất của giáo dục nước ta là ở triết lý giáo dục. Giáo dục tiên tiến dạy cho con người ta khả năng đầu tiên là khả năng phản đối trước khi đồng ý, với nguyên lý cơ bản là tạo ra con người độc lập, tự do cho xã hội.
Xin cảm ơn ông
Minh Thi thực hiện
Nguồn: Báo Lao Động
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét