Lưu trữ Blog

11 tháng 10, 2008

Không nên phán vội là viển vông, duy ý chí


GS Chu Hảo

VietNamNet đã có cuộc trao đổi với GS Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường trước thực trạng ĐH Việt Nam muốn vươn lên tầm khu vực, quốc tế đến năm 2020.


"Nghe nhạc hiệu đoán chương trình"

Phải đưa ra tiêu chí đẳng cấp quốc tế là như thế nào rồi mới bàn được. Ví dụ, đã là ĐH nghiên cứu thì hàm lượng NCKH phải rất đậm, được thể hiện bằng các công trình đăng trên các tạp chí đầu ngành của thế giới, mà mỗi ngành như vậy thường có 10-15 tạp chí đầu ngành. Đến bây giờ người ta thừa nhận những tạp chí được thống kê các công trình khoa học trên cơ sở dữ liệu của Viện Thông tin Khoa học ISI (Philadelphia).

Tiêu chí để được các ĐH nghiên cứu gọi là đẳng cấp quốc tế thì phải là số công trình hàng năm của trường đấy trên những tạp chí loại như thế là bao nhiêu. Số giáo sư thực thụ có trình độ giỏi được đo bằng các công trình nghiên cứu là bao nhiêu. Số GS đó trên đầu sinh viên là bao nhiêu. Số các hợp đồng nghiên cứu hàng năm trường đó nhận được là bao nhiêu, qua đấu thầu hay qua vận động...

Tất cả những tiêu chí đó phải được thống nhất với nhau ở một mức độ nhất định nào đấy rồi mới thống nhất là ở Việt Nam có thể xây dựng được trường ĐHĐCQT trong thời gian bao nhiêu lâu. Nếu không rõ tiêu chí đó để so với thực trạng bây giờ thì đề ra tất cả những mục tiêu đều là duy ý chí.

Tuy nhiên, tôi cũng nghĩ tất cả các trường ĐH, kể cả trường ĐH quốc gia của chúng ta, mà tuyên bố đến 2020 là sẽ phấn đấu thành trường tiên tiến trong khu vực hoặc ĐH quốc tế thì chắc là các anh ấy cũng đã xét trên tiêu chí nào đó (!?). Trước khi được nghe kỹ các anh ấy trình bày cũng không nên phán vội là viển vông hay duy ý chí. Biết đâu các anh ấy đã nghiên cứu rất kỹ, đã căn cứ vào thực lực của mình rồi? Thế thì cái đó phải được công bố. Không biết rõ tiêu chí đạt đến là cái gì, thực trạng hiện nay ra làm sao và cách hướng tới như thế nào... thì phê phán cũng khó mà chấp nhận ngay.

Tôi quan niệm rằng, trường ĐH có đẳng cấp quốc tế, nói theo ngôn ngữ chung phải là trường ĐH của VN, giảng dạy theo chương trình của VN. Mời mấy trường ĐH nước ngoài vào đây dạy chủ yếu là theo chương trình, thầy giáo của họ và họ cấp chứng chỉ thì dù có đạt đến trình độ nào đi chăng nữa cũng không phải là nền ĐH của VN. Bản thân tôi cũng nghi ngờ rằng, kể cả những trường đó với điều kiện họ tuyển sinh ở VN mà mang GS sang đây giảng dạy thì cũng chưa hẳn là điều kiện tiên quyết để nói đó là trường ĐH tốt. Bởi vì người ta cử thầy giáo sang đây cũng chưa hẳn là loại hàng đầu của họ mà có thể là loại dở của họ.

Muốn có những trường đẳng cấp quốc tế thì không phải là những trường của nước ngoài, mà phải là những trường của VN hiện nay.

Bắt đầu để có ĐH đẳng cấp quốc tế

Vậy theo ông, muốn xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế thì Việt Nam phải bắt đầu từ đâu?

- Bắt đầu bằng cách phải chấn chỉnh nền giáo dục phổ thông cho tốt để có đầu vào tốt vì hiện nay đầu vào của chúng ta đang có rất nhiều vấn đề. Thứ 2 là phải có đội ngũ giáo viên rất tốt, rất giỏi. Các trường phải tìm mọi cách thu hút được GV trẻ, giỏi có trình độ NCKH và tổ chức NCKH tốt.

Hiện nay, căn cứ vào số lượng các bài báo của các trường ĐH VN được thống kê trên ISI thì nó quá ít, chứng tỏ là NCKH yếu. Tiếp đến là cách tổ chức NCKH ở các trường ĐH theo những chương trình đề tài theo kế hoạch, cách làm đó không thích hợp nữa, mà việc quan trọng là phải có được một tập thể nghiên cứu mạnh. Muốn có được như vậy thì phải có người tâm huyết, có trình độ giỏi được mời về và tha thiết gắn bó với trường, do đãi ngộ, do điều kiện CSVC ở phòng thí nghiệm, do mức độ tạo được thông tin và giao lưu quốc tế.

Có ý kiến cho rằng, các trường ĐH có tính chất nghiên cứu đòi hỏi đầu tư rất nhiều, rất lớn và đề nghị nhập phần ĐH của Bộ GD-ĐT vào với Bộ KHCN để có thể tập trung đầu tư cho NCKH, quan điểm của ông về vấn đề này?

- Ý tưởng nhập Bộ KHCN với Bộ ĐH thành Bộ ĐH và nghiên cứu là ý tưởng đã đề ra vài ba chục năm nay rồi. Có lúc người ta đã đi theo mô hình đó, rồi người ta lại tách ra. Do đó, cũng không thể nói được là cái mô hình nào là tuyệt đối hay. Mỗi một mô hình có 1 cái tích cực và có mặt hạn chế của nó, thế nhưng việc không gắn được những kết quả NCKH, không gắn được các viện nghiên cứu vào các trường ĐH thì ở mô hình nào cũng dở.

Như tôi hiểu thì ở rất nhiều nước nghiên cứu cơ bản nói chung, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu công nghệ nền tảng, công nghệ vật liệu thì nên gắn với các trường ĐH. Cũng có một số viện nghiên cứu rất đặc thù còn hầu hết những nghiên cứu công nghệ sản phẩm thì phải do đơn đặt hàng của các doanh nghiệp.

Ở VN những bài báo được đăng ở tạp chí quốc tế hiện nay mới chỉ đang dừng lại ở các ngành Toán, Vật lý, Cơ học, ít có ở các ngành về nông nghiệp, y tế, bảo vệ môi trường là những cái mà nước mình cần hơn trước mắt. Những cái mà Thái Lan họ đã làm được, hay Đài Loan làm được mà mình lại không. Điều đó chứng tỏ định hướng về NCKH của mình có vấn đề.

Bộ KHCN liên kết với các trường ĐH như thế nào trong việc nghiên cứu?

- Hiện nay Bộ KHCN có các chương trình quốc gia sau đó các đơn vị nghiên cứu (các trường ĐH, các viện nghiên cứu) đều được đấu thầu, tham gia các đề tài. Một số cái đặc biệt thì đặt hàng, đấu thầu thì phải công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, cái đó dù có phát huy được hết tác dụng của mình đi chăng nữa thì việc gắn bó giữa các trường ĐH và các viện nghiên cứu là chưa có. Những trường ĐH hoạt động về nghiên cứu chưa gắn bó lắm trong nhiều trường hợp, với các viện nghiên cứu.

Trong điều kiện VN hiện nay có nhất thiết phải xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế không, thưa ông?

- Phải đặt kế hoạch xây dựng càng sớm càng tốt. Như tôi đã nói, các nước Singapore, Malaysia, họ đã lên kế hoạch từ những năm 50-60 và bây giờ mới đạt được. Do đó, Việt Nam bây giờ phải có kế hoạch rõ ràng để 20-30 năm nữa mới mong có được ĐHĐCQT. Nhấn mạnh, kế hoạch phải cụ thể sát sao và kiên trì thực hiện kế hoạch một cách quyết liệt. Vì lý do đó nên tôi nghĩ ở trường ĐH nên chọn ra một vài bộ môn hoặc một vài khoa có đủ năng lực để có thể trong 10 năm, 20 năm sau đó lấy mô hình.

Xin cảm ơn ông!

Bảo Anh

Không có nhận xét nào:

Người theo dõi