Lưu trữ Blog

28 tháng 12, 2008

Thu hút nguồn lực cho các trường đại học: Kinh nghiệm từ Trung Quốc



HOCMOINGAY. Trong khoảng từ năm 1978-2005, 770.300 người Trung Quốc đã đi du học và không đầy 1/4 số đó quay trở về. Tuy nhiên, đa số những người về nước sau khi tốt nghiệp đã hồi hương sau năm 2000, chỉ tính riêng trong năm 2005 là 35.000 người. Những người hồi hương thường nhắm tới quyền được giới thiệu các phương pháp giảng dạy mới, hướng dẫn nghiên cứu hoặc giám sát quá trình cải cách chương trình giảng dạy. Họ đã tìm thấy cơ hội của họ vào năm 1998, khi chính phủ trung ương công bố một dự án được lập ra nhằm chuyển hàng triệu USD vào một nhóm nhỏ các trường đại học ưu tú, nhằm giúp chúng nổi lên trên trường quốc tế. Chính phủ Trung Quốc đã cấp cho 9 trường đại học hàng đầu khoản đầu tư tương đương 120 triệu USD mỗi trường với quy định 20% trong tổng số tiền đó được dành để thuê cán bộ từ nước ngoài.Tuy nhiên, đổi mới không phải lúc nào cũng tới một cách dễ dàng. Tại các trường đại học ít danh tiếng hơn bên ngoài Thượng Hải và Bắc Kinh, những học giả hồi hương đối mặt với điều tiếng rằng họ đang quay trở về Trung Quốc vì thất bại ở nước ngoài. Khi ngày càng có nhiều học giả hồi hương, các chính sách tuyển dụng được siết chặt. Hy vọng lớn nhất cho việc giải quyết những khó khăn trên có thể nằm ở việc tiếp tục phát triển giáo dục sau đại học.Trước sức hút của một Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh, các học giả tu nghiệp ở nước ngoài vẫn tiếp tục trở về cùng với một bộ phận nhỏ nhưng ngày càng tăng các học giả ngoại quốc thích được làm việc ở đại lục. Thanh Bình - báo Việt Nam Net, đã dịch tài liệu "The Chronicle of Higher Education" về kinh nghiệm của Trung Quốc trong sự thu hút nguồn lực cho các trường đại học (ảnh HTN: Trường Đại học Sư phạm Hoa Trung)

Ngày càng có nhiều nhà học thuật Trung Quốc được đào tạo tại Mỹ trở về nước để giảng dạy và quản lý các chương trình đặc biệt của chính phủ do hàng loạt chính sách chào mời, ưu đãi nhằm lôi kéo của nhà chức trách địa phương. Là một giáo sư tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania trong những năm 1990, Trịnh Vũ Thành từng kết thân với những học giả Trung Quốc khác và mơ ước ngày trở về quê hương.

Trước kia, tại Mỹ từng có rất ít giáo sư Trung Quốc trong lĩnh vực kinh doanh và họ đã lập nên một cộng đồng nhỏ, gắn kết bền chặt và thành công. Tuy nhiên, ông Trịnh và các bạn bè của mình cảm thấy rằng tài năng của họ có thể được phát huy tốt hơn ở nơi nào đó khác.

Ông Trịnh nhớ lại: "Chúng tôi nói với nhau rằng: Tại sao chúng ta không thể xúc tiến một trường kinh doanh ở Trung Quốc?". Trung Quốc đang phát triển rất nhanh chóng. Có rất nhiều thứ cần phải học hỏi và việc đào tạo kinh doanh thì chưa phát triển lắm. Chúng tôi đã tin rằng có thể đóng góp nhiều hơn nữa ở đó".

"Lật ngược tình trạng khô cạn chất xám"

Năm 2002, các học giả đã có được cơ hội của họ khi hai nhà quản lý Trung Quốc tới để chiêu mộ tất cả về nước nhằm quản lý một trường kinh doanh mới. Ông Trịnh đã ở Mỹ kể từ những năm 1980, khi ông rời Trung Quốc để theo đuổi bằng tiến sỹ tại Đại học Columbia. Tuy nhiên, ông đã không phải mất nhiều thời gian để cân nhắc về đề xuất của nhà chức trách Trung Quốc. Quay trở về quê hương Thượng Hải, ông trở thành Phó Hiệu trưởng Trường Quản lý kinh doanh Trường Giang, nơi hiện nay 27 trên tổng số 35 cán bộ của trường là các học giả Trung Quốc từng được đào tạo tại Mỹ.

Trường quản lý kinh doanh là một trong 3 chương trình đầy tham vọng của tỉ phú Hồng Kông Lý Gia Thành nhằm cải thiện giáo dục sau đại học của Trung Quốc, một phần thông qua việc thu hút con số không nhỏ trong hàng ngàn học giả Trung Quốc đã đi du học kể từ khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa hồi những năm 1980.

Các trường đại học Trường Giang là một ví dụ tiêu biểu nhất cho dự án tuyển dụng táo bạo, đem lại kết quả mà đôi khi người ta gọi là "sự lật ngược tình trạng khô cạn chất xám" của Trung Quốc. Trong một động thái được coi là thay đổi hẳn so với chính sách ban đầu về việc tu nghiệp ở nước ngoài, các chương trình của chính phủ Trung Quốc cũng như các trường đào tạo riêng lẻ hiện đang đưa ra mức lương và những quyền lợi cạnh tranh dành cho các ứng viên quan tâm tới việc trở về từ ngoại quốc.

Cùng với sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc, các chương trình đang thu hút một số lượng ngày càng lớn số học giả hồi hương. Trong khoảng từ năm 1978-2005, 770.300 người Trung Quốc đã đi du học và không đầy 1/4 số đó quay trở về. Tuy nhiên, đa số những người về nước sau khi tốt nghiệp đã hồi hương sau năm 2000, chỉ tính riêng trong năm 2005 là 35.000 người. Những người hồi hương thường nhắm tới quyền được giới thiệu các phương pháp giảng dạy mới, hướng dẫn nghiên cứu hoặc giám sát quá trình cải cách chương trình giảng dạy.

Đối lập với những suy nghĩ hồi còn ở Mỹ trong năm 1990, ông Trịnh miêu tả sự phấn khích rõ ràng của những người đồng nghiệp của mình ở trường Trường Giang. "Ở Mỹ, bạn chỉ là một trong số hàng ngàn người tới đó mà không mong muốn. Ở Trung Quốc, mỗi người trong chúng tôi đều chọn ở lại đây". Dòng người hồi hương đổ về Trung Quốc hiện đáng chú ý đến mức hiện tượng đó đã gây ra một phản ứng dữ dội. Xung đột văn hoá, sự oán giận của người dân địa phương và thậm chí đấu đá ngấm ngầm trong nội bộ những người trở về rất phổ biến. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng các vấn đề này chỉ đang làm nảy sinh những ung nhọt sẽ biến mất theo thời gian nếu môi trường học thuật ở Trung Quốc tiếp tục được cải thiện.

Phụng sự tổ quốc

Trước đây, Chính phủ Trung Quốc không phải lúc nào cũng nhìn nhận các trường đại học ngoại quốc là lò đào tạo tài năng. Vào những năm 1980, khi các học sinh xuất sắc nhất Trung Quốc ào ạt sang Mỹ du học, các quan chức tại Uỷ ban giáo dục quốc gia, hiện là Bộ Giáo dục, đã vô cùng lo lắng. Năm 1988, nhà chức trách ủng hộ việc áp dụng các biện pháp kiểm soát hộ chiếu, đòi hỏi nhiều du học sinh Trung Quốc phải quay trở về nước để hoàn thành việc học tập của mình, khiến họ không thể có thêm những kinh nghiệm hữu ích và quan hệ ở ngoại quốc.

Tuy nhiên, khi tài năng tiếp tục bị rò rỉ ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc trong một thập niên tiếp theo, chính quyền trung ương đã thay đổi cách nhìn. Các quan chức tung ra hàng loạt khẩu hiệu chào đón, kêu gọi các du học sinh "phụng sự tổ quốc" từ nước ngoài. Để loại bỏ sự hoài nghi về quê hương, văn phòng đối ngoại thuộc Uỷ ban giáo dục quốc gia đã tài trợ cho các chuyến đi thuyết trình và nghiên cứu ngắn hạn của du học sinh về Trung Quốc. Người ta hy vọng rằng các học giả sẽ dần dần tăng cường mối quan hệ với Trung Quốc, hồi hương khi có những cơ hội phù hợp để thể hiện bản thân.

Những học giả nhớ quê hương đã tìm thấy cơ hội của họ vào năm 1998, khi chính phủ trung ương công bố một dự án được lập ra nhằm chuyển hàng triệu USD vào một nhóm nhỏ các trường đại học ưu tú, nhằm giúp chúng nổi lên trên trường quốc tế. Chính phủ Trung Quốc đã cấp cho 9 trường đại học hàng đầu khoản đầu tư tương đương 120 triệu USD mỗi trường với quy định 20% trong tổng số tiền đó được dành để thuê cán bộ từ nước ngoài.

Các nhà tài trợ tư nhân cũng tham gia đóng góp. Ngoài việc cung cấp tài chính cho các trường đại học Trường Giang, quỹ do tỉ phú Lý sáng lập còn tài trợ cho Chương trình các nhà nghiên cứu Trường Giang - chương trình cung cấp các khoản tiền thưởng hàng năm lên tới 100.000 NDT (15.000 USD) cho việc tuyển dụng các giáo sư đại học công lập từ ngoại quốc. Kể từ năm 1998, hơn 800 giáo sư Trung Quốc tu nghiệp ở nước ngoài, mà phần lớn trong số họ là người hồi hương, đã đảm nhận các cương vị trong nước thông qua chương trình này.

Theo David Zweig - giám đốc Trung tâm chuyên trách các quan hệ vượt phạm vi lãnh thổ Trung Quốc thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông kiêm tác giả nhiều bài viết về vấn đề "đảo ngược sự khô cạn chất xám", bản thân các trường đại học hiện nay cũng đã đứng ra điều hành những chiến dịch tuyển dụng của riêng họ. Ông Zweig cho biết, để cải thiện thứ hạng trong các bảng đánh giá quốc tế, các trường đại học "muốn có đội ngũ nhân viên có thể đăng tải bài trên các tạp chí phương Tây". Điều này sẽ dễ dàng hơn đối với các nhà nghiên cứu thành thạo tiếng Anh.

C.S. Khang, Hiệu trưởng Trường Khoa học môi trường thuộc Đại học Bắc Kinh, là một trong số các học giả từng được tuyển dụng theo cách như trên. Ông Khang sinh ra ở Đài Loan. Vào năm 2001, lúc đang chuẩn bị nghỉ hưu ở Viện Công nghệ Georgia - nơi ông đã giảng dạy và quản lý chương trình các ngành khoa học về khí quyển, vị giáo sư này đã bay về Bắc Kinh để hỗ trợ thành phố làm sạch không khí chuẩn bị cho Thế vận hội 2008.

Sát cánh cùng các nhà quản lý Đại học Bắc Kinh, ông Khang cuối cùng đã được chỉ định vào uỷ ban điều hành các nỗ lực của trường, nhằm sát nhập 3 khoa thành một trường trực thuộc. Thiếu cái mà ông gọi là "hành trang cá nhân" của những bộ óc được đào tạo trong nước, ông Kiang đã đoàn kết một trường đang chia rẽ quanh dự án. Ông Khang kể, Tô Trí Hồng - Chủ tịch trường Đại học Bắc Kinh khi đó, đã nói rằng: "Ông chính là người đã làm được chuyện đó. Tại sao ông không làm hiệu trưởng cơ chứ?".

Khi được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo một năm sau đó, ông Khang đã được trao quyền định hình tầm nhìn của trường mới. Ông đã giới thiệu chương trình mà ông gọi bằng tiếng Anh là "4 I": quốc tế hoá, phối kết hợp các phương pháp và tri thức khoa học, hội nhập và đổi mới. Ngay cả tên trường cũng là ý tưởng của ông, ông Khang cho biết.

Đã có một việc rắc rối là lương của ông Khang cao hơn 10-20 lần số tiền mà trường địa phương từng chi trả. Theo lời ông Khang, bản thân ông đã tìm cách từ chối ưu đãi đó nhưng các nhà quản lý đại học vốn đang háo hức được quảng bá sự hào phóng của họ tới những ứng viên hồi hương tiềm tàng khác đã nhất quyết việc này. Ông Khang cuối cùng đã ủng hộ một phần của số tiền đó cho một quỹ môi trường.

Chiến lược đã có hiệu quả. Ông Khang là vị hiệu trưởng đầu tiên của một trường trực thuộc Đại học Bắc Kinh từng tu nghiệp ở nước ngoài. Tuy nhiên, hiện nay tại Đại học Peking còn có những học giả khác như ông Khang, gồm có Trần Thế Di - Hiệu trưởng Học viện cơ khí, người từng giảng dạy ở Đại học Johns Hopkins và Di Nhượng - Hiệu trưởng Trường Khoa học cuộc sống, người từng được tuyển mộ từ Đại học Northwestern.

Đại học Thanh Hoa đối thủ cũng lôi kéo được các học giả hồi hương xuất sắc, ví dụ như nhà kinh tế Nghiêm Anh Di từ Đại học California ở Berkeley, hiện là Hiệu trưởng Trường Kinh tế và quản lý trực thuộc và Thạch Nghĩa Công - Phó Giám đốc Viện Dược sinh hoá, người trở về từ Đại học Princeton.

Trong khi đó, ông Khang đã sử dụng vị trí của mình để tạo ra một nghề nghiệp lên như diều gặp gió, bao gồm việc xuất hiện thường xuyên tại các Diễn đàn kinh tế thế giới, các cuộc gặp của CLB Rome cùng với một vị trí cố vấn trong tổ chức những bô lão toàn cầu của ông Nelson Mandela - nhóm quy tụ cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, người từng được giải Nobel hoà bình Desmond Tutu đến từ Nam Phi và doanh nhân người Anh Richard Branson. Ông Khang nhấn mạnh: "Tôi đã có rất nhiều hoạt động quảng bá khắp toàn cầu, điều mà tôi chưa từng làm hồi còn ở Viện Công nghệ Georgia. Mọi người tới Bắc Kinh. Họ không ghé qua Atlanta".

Những trở ngại cho sự đổi mới

Tuy nhiên, đổi mới không phải lúc nào cũng tới một cách dễ dàng. Tại các trường đại học ít danh tiếng hơn bên ngoài Thượng Hải và Bắc Kinh, những học giả hồi hương đối mặt với điều tiếng rằng họ đang quay trở về Trung Quốc vì thất bại ở nước ngoài.

Năm 2003, ông Zweig phỏng vấn một số học giả đang làm việc tại Đại học Vân Nam ở thành phố tây nam Kôn Minh, cả được đào tạo trong nước và từng tu nghiệp ở nước ngoài. "Chúng tôi nhận thấy vô số sự khinh miệt của người địa phương dành cho những người hồi hương, rất nhiều sự chế nhạo họ", ông nói.

Xung đột có thể trở nên trầm trọng khi số lượng và chất lượng của những người trở về tăng cao. Năm 2003, các nhà quản lý tại Đại học Bắc Kinh, bản thân cũng là các học giả hồi hương, đã ủng hộ các cải cách tuyển dụng, vốn tạo lợi thế cho những ứng viên có kinh nghiệm làm việc ở ngoại quốc, có học hàm giáo sư bắt buộc,... để dạy bằng ngôn ngữ thứ hai.

Theo Stanley Rosen - giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Nam California, người đang theo dõi sát sao quá trình đổi mới ở Trung Quốc, những cải cách như vậy đã vấp phải sự phản đối kịch liệt trong đội ngũ giảng dạy được đào tạo tại địa phương đến mức Trường Đại học Peking phải huỷ bỏ một phần kế hoạch trên.

Cao Công, một nghiên cứu sinh tại Viện Levin thuộc Đại học bang New York và là tác giả một cuốn sách về tầng lớp khoa học ưu tú của Trung Quốc, cho biết thêm rằng thậm chí còn tồn tại việc đấu đá trong nội bộ của những người trở về. Khi ngày càng có nhiều học giả hồi hương, các chính sách tuyển dụng được siết chặt. Những người trở về sớm, đã giành được các vị trí quyền lực nhờ các chiến dịch tuyển dụng khoan dung, có thể khiến mọi thứ khó khăn hơn cho những lần hồi hương về sau của những người xứng đáng hơn. "Chính phủ tuyên bố họ thực sự muốn mọi người quay trở về, nhưng ở cấp độ đơn vị hoạt động hoặc cấp trường đại học, đó thực sự là một việc phức tạp", ông Cao nói.

Các học giả hồi hương cũng bị chỉ trích vì cống hiến quá ít. Các sinh viên cho hay, họ đánh giá cao thành tích tại ngoại quốc của những học giả trở về nhưng nhiều người trong số này đã dồn mọi tâm sức cho việc nghiên cứu và dành rất ít thời gian cho việc giảng dạy tại lớp.

Nghiệp Tân, một ứng viên tiến sỹ tại Khoa Cơ khí của Đại học Chiết Giang, Hàng Châu cho hay các học giả hồi hương duy nhất tại trường này là các giáo sư bán thời gian, những người vẫn giữ cương vị ở nước ngoài. "Họ giúp trường đánh bóng tên tuổi và có thể về nước, giảng bài một hay hai lần mỗi năm. Chúng tôi hiếm khi được gặp họ".

Kết thúc cơn sốt trở về?

Hy vọng lớn nhất cho việc giải quyết những khó khăn trên có thể nằm ở việc tiếp tục phát triển giáo dục sau đại học của Trung Quốc. Một số học giả cho rằng khi các trường đại học của Trung Quốc trở nên cạnh tranh hơn, đào tạo ra các cử nhân xuất sắc hơn thì việc chú trọng vào kinh nghiệm của nước ngoài sẽ giảm đi.

Trần Trí Mẫn, một giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, nói rằng trong khi các trường đại học hạng hai có thể vẫn duy trì các biện pháp tuyển dụng bất công bằng thì trường của ông đang tiến tới sự hợp lý.

Ông Trần, người đã theo đuổi một mô hình truyền thống hơn của một tiến sỹ người Trung Quốc từng giành được học bổng 18 tháng tại Đại học danh tiếng Havard, khẳng định: "Trước đây, chúng tôi từng có các chính sách vô cùng đặc biệt dành cho các học giả hồi hương. Ngưỡng tuyển dụng hiện đã được nâng lên cao hơn. Nếu bạn không hoạt động tốt ở ngoại quốc thì bạn sẽ không có được đối xử ưu đãi".

Theo ông Trần, càng ngày những người hồi hương muốn có được một vị trí trong đội ngũ nhân viên của trường Fudan phải cạnh tranh với số lượng lớn các đối thủ được đào tạo trong nước. Tuy nhiên, trước sức hút của một Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh, các học giả tu nghiệp ở nước ngoài vẫn tiếp tục trở về cùng với một bộ phận nhỏ nhưng ngày càng tăng các học giả ngoại quốc thích được làm việc ở đại lục.

"Chúng tôi vừa mới thuê một nhà nghiên cứu người Ireland để tới làm giảng viên, như phần còn lại trong chúng tôi. Chúng tôi coi đây là một xu hướng mới", ông Trần nói.

Thanh Bình -Báo Việt Nam Net Theo The Chronicle of Higher Education)

Không có nhận xét nào:

Người theo dõi