Lưu trữ Blog

27 tháng 2, 2009

Tháng ba - thơ của những người bạn

Trọng Toàn - bài đăng trên Phan Chí Thắng Blog

HOCMOINGAY. Thơ là khoảng khắc, là cái chớp mắt của cảm xúc, nó như một ánh chớp từ trái tim mình. Thơ vì thế rất dễ làm mà cũng rất mộng mị,làm mãi không xong. Một câu thơ có khi viết cả đời không được. Nhưng một bài thơ hay có khi vụt sáng trên trang giấy chỉ trong khoảnh khắc. Cả ba bài thơ tháng Ba này là ba ánh chớp: không chuẩn bị, không toàn tính, không cố ý, không chứng tỏ, thơ vụt ra hồn nhiên, bắt đầu từ sự vỡ òa cảm xúc một cây bút thông minh nhưng đau đời là Lâm Cúc, chuyển sang bài thơ khiêm nhường như là sự sẻ chia với người bạn mình ơi nơi xa lắm của Phan Chí Thắng, rồi cuối cùng là bài của Hoa Lục Bình như cách để kéo hai người bạn kia lại, vào bàn cà phê, nói đi chuyện khác, quên đi niềm yêu, niềm đau cho bạn vui.Thế thôi mà thành thơ hay cả ba bài... Thiếu một trong ba bài, hẳn không trọn vẹn cho chúng ta đọc hôm nay. Thơ như thế, thì ngoài đời, tình bạn của họ chắc chắn khiến chúng ta phải ngưỡng mộ.(Lời bình của Nguyễn Quang Vinh)


Có lẽ hiếm gặp trường hợp ba người bạn làm ba bài thơ dưới cùng một tên gọi "Tháng ba" với ba tâm trạng, ba lối tiếp cận chủ đề khác nhau, và bài nào cũng hay, cũng đặc sắc.

Xin cảm ơn ba tác giả và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Ở một đất nước có nhiều vùng khí hậu như Việt nam, khi ở Tây Nguyên tháng ba đang là "mùa con ong đi lấy mật", thì ở đồng bằng Bắc Bộ "tháng ba bà già chết cóng". Còn ở Nam Bộ tháng ba là tháng nóng nực gần cuối mùa khô. Cái khác biệt về khí hậu được Lâm Cúc, Phan Chí Thắng và Kim Oanh mượn để nói lên ba tâm trạng khác nhau.

Nhà thơ Lâm Cúc làm bài thơ Tháng Ba:




Tháng ba
Núi vã mồ hôi
Hổn hà hổn hển
Cõng trời oằn lưng

Gió nóng như bầy ngựa rừng
Rùng rùng tung vó, hú lưng chừng đèo.

Nắng quạt lửa dọc đường chiều
Nướng cong cả giấc mơ nghèo, dòng sông.



Đọc bài Tháng Ba của Lâm Cúc, Phan Chí Thắng ngẫu hứng làm một bài Tháng Ba khác, với cấu trúc giống như bài của Lâm Cúc gồm ba câu lục bát, câu đầu bị bẻ vụn thành thể thơ tự do; ý định ban đầu chỉ là hoạ với bạn cho vui:




Tháng ba
Trưa chẳng tan sương
Gió xuyên áo kép
Con đường mờ xa

Lạnh như cắt thịt xẻo da
Như ai đã nỡ bỏ ta đi rồi

Mưa giăng mảnh lưới ngang trời
Ta là con cá mắc hoài niềm yêu


Kim Oanh, người không hay làm thơ, thấy vậy cũng tham gia viết một bài Tháng Ba theo cách riêng của mình:



Tháng ba
Nắng òa mặt đất
Nắng lên môi cười
Thầy em, tủm tỉm gọi mời
U em, lúng liếng, tươi tươi, giòn giòn

Nửa đêm hổn hển đầu non
Sáng ra áo kép vẫn còn bỏ không

Mình ơi
Thuận vợ thuận chồng
Tháng Ba sau
Có con bồng he...he...


Cái nắng nóng kinh người được nhà thơ nữ Lâm Cúc tả chân độc đáo một cách nghiệt ngã "Núi vã mồ hôi, hổn hà hổn hển cõng trời oằn lưng" nhưng lại khoáng đạt rất nam nhi "Gió nóng như bầy ngựa rừng", để rồi cuối cùng vẫn quay trở lại làm người phụ nữ chua xót nhận thức một thực tế tàn nhẫn: người nghèo chỉ có tài sản duy nhất là giấc mơ mà tài sản đó cũng đã bị cái nắng kia làm cho khô cong đi. Tả nắng nóng đến như thế thì thật là tài!

Bài thơ Tháng Ba cũng như nhiều bài thơ khác của Lâm Cúc thường dẫn người đọc đến cực trị của cảm xúc, những biên độ lớn của hình ảnh và sự bất mãn. Đọc xong ta thấy choáng váng, đau đớn, day dứt không nguôi (trích cảm nhận của Hoài Vân).

Như tự mình đã viết: "Xin phép nhà thơ Lâm Cúc cho tôi viết một bài Tháng Ba, lấy cái lạnh đối với cái nóng, cái buồn cụ thể đối với cái buồn mông lung..." Phan Chí Thắng lấy giấc mơ yêu thương bất tận để cố quên đi giấc mơ nghèo vô vọng trong thơ Lâm Cúc.

Tháng ba lạnh, sương giăng đầy làm cho con đường trở thành mờ xa giống như hình ảnh người yêu xa vời vợi. Đối nghịch với cái nóng ngoại cảnh có bầy ngựa rừng tung vó là cái lạnh nội tâm thầm kín:

Lạnh như cắt thịt xẻo da
Như ai đã nỡ bỏ ta đi rồi

Ta lạnh không hẳn vì trời lạnh, mà còn vì ta cô đơn, nhưng ta cô đơn kiêu hãnh:

Mưa giăng mảnh lưới ngang trời
Ta là con cá mắc hoài niềm yêu

Ta chấp nhận sự cô đơn, ta sung sướng vì ta được buồn, vì trong cái lạnh cắt da cắt thịt kia ta có được hơi ấm từ bên trong - sự nồng nàn của tình yêu, của hy vọng. Yêu được gọi là một niềm, giống như niềm tin, niềm hy vọng.

Bài thơ Tháng Ba của Phan Chí Thắng như một sự chia sẻ với Lâm Cúc - bạn mình và cũng như một lời nhắn với bạn hãy cố thoát ra khỏi nỗi tuyệt vọng dai dẳng.

Rất hiểu điều này, Kim Oanh làm một bài thơ Tháng Ba nữa để tham gia vào cuộc chơi đối thoại giữa hai nhà thơ với giọng tinh nghịch xưa nay của mình. Tháng Ba của Kim Oanh đầy nhựa sống:

Nắng òa mặt đất
Nắng lên môi cười

Khi nắng đã lên môi cười thì hai vợ chồng tất nhiên trở nên tình tứ hơn:

Thầy em, tủm tỉm gọi mời
U em, lúng liếng, tươi tươi, giòn giòn

Và thật bất ngờ, tác giả mạnh dạn dẫn người đọc đến một "sự kiện" thú vị không thể khác được trong cái tháng ba mùa con ong đi lấy mật đó:

Nửa đêm hổn hển đầu non
Sáng ra áo kép vẫn còn bỏ không

Diễn tả cái chuyện vợ chồng như thế thật là tài hoa, thật là khéo? Nửa đêm hổn hển, sáng ra cái áo tội nghiệp kia vẫn còn bị bỏ quên đâu đó. Chuyện khó nói đã được nói ra một cách tinh tế và thơ mộng, một vài hình ảnh đủ cho người đọc hình dung ra một đêm tháng ba ân ái của cặp vợ chồng trẻ. Cái hổn hển của đất trời trong thơ Lâm Cúc được Kim Oanh dùng lại trong một bối cảnh khác và tuy bị dùng lại, hai từ đó vẫn đắt giá như thường.

Kim Oanh khẳng định hạnh phúc cao quý, ước mơ to lớn nhất của người đàn bà là:

Mình ơi
Thuận vợ thuận chồng
Tháng Ba sau
Có con bồng he...he...

Bài thơ kết thúc bằng một tiếng cười đùa "he... he..." như muốn làm vui vẻ hoá cuộc đối đáp giữa hai bạn thơ Lâm Cúc - Phan Chí Thắng, tác giả đã cố tình nghịch ngợm một cách thông minh hóm hỉnh.

Ba người làm thơ đều nói về thời tiết. Nắng mưa không còn là chuyện của trời, nắng mưa chính là chuyện của thời tiết nội tâm con người.

Ở bài thơ thứ nhất, bạn đọc không tìm thấy nhân vật "tôi", nhân vật đó xuất hiện ảo, nó là nỗi lòng của tác giả. Ở bài thứ hai, "Tôi" được xưng là "Ta". Là chúng ta chứ không phải một người. Tác giả cho phép mình đại diện cho cảm xúc không của riêng ai. Riêng bài thơ thứ ba, tác giả không tham gia vào câu chuyện, mà để câu chuyện tự đến với bạn đọc. Ba bài thơ, ba cách nói khác nhau.

Từ một bài thơ dữ dội, trĩu nặng đau buồn của Lâm Cúc, chúng ta có thêm bài thơ sâu lắng dịu dàng yêu thương của Phan Chí Thắng và cả bài thơ cũng rất tài hoa của Kim Oanh khi chị khẳng định rằng hạnh phúc vĩnh hằng của người đàn bà là được yêu, được làm mẹ.

Có thể nói chùm ba bài thơ Tháng Ba rất hay này là một sự lạ và vui trong thơ văn blog.


MỘT SỐ CẢM NHẬN

Cảm nhận của Hoài Vân

Một bài bình rất tuyệt, Trọng Toàn đã làm chùm thơ tháng 3 này sáng lên lấp lánh!



Cảm nhận của Thành Chung

Đọc ba bài là thấy rõ đặc điểm tính cách của từng tác giả.

Lâm Cúc lúc nào cũng trăn trở, vật lộn với từng con chữ và dù có nói đến thiên nhiên, đến thời tiết thì vẫn quay về với sự nghiệt ngã của đời thường: "nướng cong cả giấc mơ nghèo, dòng sông". Cần phải nói thêm, lời bình của Hoài Vân cũng làm cho bài thơ của Lâm Cúc lấp lánh hẳn lên.

Lão Hâm lại là người luôn đắm đuối với "YÊU". Trong cái se lạnh của rét Nàng Bân, Lão thấy như mình bị bỏ lại. Lão tự nhận mình "là con cá mắc hoài niềm yêu". Nếu có đem quẳng Lão vào giữa vùng "Gió nóng như bầy ngựa rừng" của Tánh Linh, chắc hẳn thơ của Lão cũng vẫn có những "con đường mờ xa" với những "mảnh lưới ngang trời".

Kim Oanh vốn được biết đến là một cây bút tinh nghịch, hóm hỉnh và thông minh với những "chán nhau thì cưới"; "đánh rơi một ông chồng"...Chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu ta gặp trong bài thơ Tháng Ba một Kim Oanh rất nồng nàn, đam mê, một Kim Oanh muốn đi đến tận cùng của "làm chồng làm vợ" mà vẫn rất "chân quê": "Thầy em tủm tỉm" và "U em lúng liếng". Chắc hẳn nhiều người sẽ muốn gặp Kim Oanh "Sáng ra áo kép vẫn còn bỏ không" và để nghe giọng cười "he he" của chị.

Tôi từng nói với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo khi anh ở thăm New York: Lâm Cúc, Hoài Vân, Kim Oanh là "bộ ba XE-PHÁO-MÃ".



(Bốn người bạn từ trái sang phải: Lâm Cúc, Kim Oanh, Hoài Vân, Bích Nga)

Cảm nhận của Nguyễn Quang Vinh

Hình như là đọc hơn năm lần. Vì cách đây một năm, Bọ chưa biết Blog là gì. Thế mà khi ấy, các chị Hoa Lục Bình, Lâm Cúc và anh Phan Chí Thắng đã mần tháng Ba.

Thơ- theo Bọ vốn là người rất thèm làm thơ mà không biết làm - Thơ là khoảng khắc, là cái chớp mắt của cảm xúc, nó như một ánh chớp từ trái tim mình. Thơ vì thế rất dễ làm mà cũng rất mộng mị,làm mãi không xong. Một câu thơ có khi viết cả đời không được.Nhưng một bài thơ hay có khi vụt sáng trên trang giấy chỉ trong khoảnh khắc.
Cả ba bài thơ tháng Ba này là ba ánh chớp: không chuẩn bị, không toàn tính, không cố ý, không chứng tỏ, thơ vụt ra hồn nhiên, bắt đầu từ sự vỡ òa cảm xúc một cây bút thông minh nhưng đau đời là Lâm Cúc, chuyển sang bài thơ khiêm nhường như là sự sẻ chia với người bạn mình ơi nơi xa lắm của Phan Chí Thắng, rồi cuối cùng là bài của Hoa Lục Bình như cách để kéo hai người bạn kia lại, vào bàn cà phê, nói đi chuyện khác, quên đi niềm yêu, niềm đau cho bạn vui.Thế thôi mà thành thơ hay cả ba bài.

Không ai có thể tuyên bố rằng, tớ đang chuẩn bị làm thơ hay đây như có người mới vào Blog đã vội tuyên bố rằng, các bác chuẩn bị cảm nhận nhé, cảm nhận từ từ thôi để em còn kịp trả lời. He he

Hoa Lục Bình, Lâm Cúc Phan Chí Thắng làm Tháng Ba là vì nghĩa bạn bè, là vì tiếp cho nhau một niềm an ủi, một sự sẻ chia, người xứ ấm thì gửi cho bạn ở xứ lạnh mấy câu thơ sưởi ấm. Người đang vui thì gửi cho bạn đang đau đời mấy câu thơ an ủi, cười xòa với nhau để cùng nhẹ lòng.Ba bài thơ lúc đầu chỉ đơn giản thế thôi, lấy cái nghĩa bạn, tình đời làm bệ phóng cho cảm xúc.Ba bài thơ khi ấy chỉ là riêng tư với nhau, quây quần chữ nghĩa với nhau, đốt chữ thành lửa, kéo người xa lại gần bên nhau mà tâm sự.

Nhưng ba bài thơ đã thành tài sản thơ của mọi người. Vì ngay cả người thù ghét, người đố kị, người nóng mặt nóng mũi với ba tác giả này thì trong thẳm sâu lương tri của họ, ý thức của họ, chút trí tuệ cuối cùng của họ vẫn phải thừa nhận là thơ hay.

Thơ hay không cần phiên dịch.Lâm Cúc làm thơ hay vì biết vận đời mình vào từng dấu phẩu. Thơ chị là cao đời, chắt ra từ cảm nhận, từ mồ hôi nước mắt của mình, từ cái áo đẹp chần chừ không dám mặc, đến cái chốt cửa buồng riêng hàng đêm mà vẫn khao khát thương yêu. Tháng ba của chị với chữ thơ hao gầy như đời chị, sắc nhọn, lấm lem bụi đời đã viết nên những câu thơ ép ngực người đọc.

Phan Chí Thắng bị tháng Ba của Lâm Cúc đôt cháy cảm xúc, thương bạn và nghĩ đến mình, làm thơ về tháng Ba nơi mình ở nhưng cũng là thông điệp gửi đến bạn, nếu khao khát sống, khát yêu nơi bạn bị cháy như tro than, như lửa ngút thì tôi ở ngoài nay, ôm mãi một niềm yêu nhớ, như dao cắt thịt xẻo da, như ai đã bỏ ta đi rồi. Chia sẻ thế để nói với bạn rằng, dù ở đâu, nắng hạ hay đông giá, niềm đau giống nhau, nỗi nhớ giống nhau, niềm yêu thương giống nhau và tình thương mến giống nhau. Thông điệp ấy là một thông điệp lớn.

Hai bài thơ như gửi nhau, chia sẻ nhau trên tình bạn thương mến ấy sẽ không có sự lấp lánh nếu không xuất hiện Tháng Ba của Hoa Lục Bình. Trong khi Phan Chí Thắng và Lâm Cúc vịn vào tháng Ba nơi mình đang sống để làm bật lên nỗi niềm của mình thì Hoa Lục Bình lại hồn nhiên miêu tả tháng Ba trong náo nhiệt của hạnh phúc với những câu thơ hóm hỉnh, tươi tắn và vô cùng thông minh. Những câu thơ rất hay.

Và nhờ tháng Ba của Hoa Lục Bình, Lâm Cúc và Phan Chí Thắng như có cái cầu vui để bước qua lại bên nhau, cầm lấy tay nhau trong cái tình người, tình bạn đáng quí trọng. Hoa Lục Bình dùng những câu thơ hóm hỉnh, sắc sảo và chan chứa hạnh phúc giăng ra thành một vầng sáng tươi, ấm áp, mát mẻ cho hai người bạn của mình.

Thiếu một trong ba bài, hẳn không trọn vẹn cho chúng ta đọc hôm nay. Thơ như thế, thì ngoài đời, tình bạn của họ chắc chắn khiến chúng ta phải ngưỡng mộ.

Không có nhận xét nào:

Người theo dõi