Lưu trữ Blog

29 tháng 4, 2009

Đọc lại thơ Trần Đăng Khoa


HOCMOINGAY. Nhà xuất bản Lao động vừa xuất bản cuốn TRẦN ĐĂNG KHOA, TUYỂN THƠ. Sách in khổ 13x 20,5 dày 576 trang. Mở đầu tập thơ bề thế này là bài viết của Nhà văn Đình Kình với tiêu đề "Đọc lại thơ Trần Đăng Khoa". Được sự đồng ý của nhà văn Đình Kính, và theo yêu cầu của nhiều bạn đọc, Cát Biển xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết trên do nhà văn Đình Kính vừa gửi tới cho Blog Cát Biển.

Đình Kính

Thơ Trần Đăng Khoa không xa lạ với tôi (và chắc cũng khỗng xa lạ với bạn đọc). Nhiều bài anh sáng tác đã trên 40 năm. Song giữa ngổn ngang hỗn độn của không biết bao nhiêu chủng loại nơi siêu thị thơ hiện nay trong đó chẳng ít những cách tân rối rắm, tự dưng tôi nảy ra ý định đọc lại thơ anh. Có nhiều nguyên do để đọc. Vừa muốn biết ngưòi thơ được gọi là thần đồng một thủa liệu có còn tồn tại với thời gian; vừa muốn khám phá, soi lại cảm xúc nơi mình. Và điều rất mừng là, sau bao năm đọc lại gần nửa ngàn bài thơ của cùng một tác giả mà vẫn vào, vẫn không nhàm, vẫn còn thích. Trong rất nhiều rất nhiều thơ đang đùn ra với không ít trường phái ta có, bắt chước những thứ đã lỗi thời của Tây Tàu có nhân danh làm mới, thơ Trần Đăng Khoa vẫn có chỗ đứng, vẫn có vị thế, và vẫn không bị bụi thời gian phủ mờ... Chẳng thể đòi hỏi một nhà thơ nhiều hơn cái mà họ không thể. Với những gì Trần Đăng Khoa có, anh đã góp cho nền thi ca Việt Nam một viên gạch không nhỏ. Đấy là điều đáng trân trọng.

Thơ Trần Đăng Khoa vẫn là một miền riêng, không trộn lẫn. Giống như ca khúc Trịnh Công Sơn, giai điệu bài hát khi cất lên, dù nghe ở đâu vẫn nhận ra chất nhạc của riêng một người. Đóng góp của Trần Đăng Khoa còn là chỗ ấy nữa. Viên Mai từng nói: "Làm người thì nên không có cái tôi; có cái tôi thì hay mắc bệnh kiêu căng, cậy tài... Nhưng làm thơ thì không thể không có cái tôi. Không có cái tôi thì dễ mắc tật cóp nhặt, phô diễn...". Còn Nguyên Hồng thì nhắc nhở: "Trên cái võ đài văn chương nghệ thuật kia, tôi không chỉ không nên bắt chước những ngòi bút có tiếng tăm của thứ văn chương thời thượng, mà ngay cả những ngòi bút cùng khuynh hướng với tôi, đã đi trước tôi, mở đường cho tôi, kích động tôi, tôi không phải là nô lệ, không là cái bóng của sự phỏng cóp". Nhà văn chỉ có thể đóng góp cái gì đó cho nền văn học khi họ có cái gì đó là của riêng mình... Trần Đăng Khoa có cái Tôi của riêng mình trong thơ.

Thơ Trần Đăng Khoa không hề mới (theo quan niệm nào đấy), càng không lạ, chỉ dung dị trung thành với một lối nói, một lối diễn. Thơ anh chân quê, giống như cô gái làng mộc mạc, không son phấn, không giả vờ ưỡn ẹo làm duyên làm dáng phô khoe cơ thể, nhưng là một thứ duyên thầm đằm thắm, nền nã, nhiều nét đồng bãi. Vẻ đẹp toả ra một cách tự nhiên, hồn hậu, chân chất, thuần khiết, đằm lắng...

Đã ngủ rồi hả trầu?/ Tao đã đi ngủ đâu /Mà trầu mày đã ngủ/ Bà tao vừa đến đó/ Muốn xin mấy lá trầu/ Tao chẳng phải ai đâu/ Đánh thức mày để hái .../Tay tao hái rất nhẹ/ Không làm mày đau đâu/ Đã dậy chưa hả trầu? (Đánh thức trầu- 1966). Cơn giông bỗng cuộn giữa làng/ Bờ ao lở. Gốc cây bàng cũng nghiêng/ Quả bòng chết chẳng chịu chìm/ Ao con mà sóng nổi lên bạc đầu...(Cơn giông - 1972)

Người xưa quan niệm, thơ không nhất thiết cầu kỳ. Thơ cần nhất sự dung dị và cái tình. Lưu Đại Khôi đã nói: "Văn chương quý ở sự giản dị. Phàm viết văn (và cả làm thơ nữa- ĐK), những cây bút già giặn thì giản dị, ý chân thực thì giản dị, vị thanh đạm thì giản dị, khí đầy đủ thì giản dị, thần cao xa mà hàm chứa khôn cùng thì giản dị. Vì vậy, giản dị là cảnh giới tận cùng của văn chương vậy". Bởi giản dị và không cầu kỳ, câu chữ lại khúc triết, ý tứ thì sâu xa hàm chưa khôn cùng mà thơ Đường hàng ngàn năm nay vẫn tồn tại, vẫn lan toả, vẫn làm say người đoc và vẫn không hề cũ...

Thơ Trần Đăng Khoa không là loại cô nhắc pha chế nhiều hợp chất nhằm đánh lừa dân nghiền, đến nỗi thoáng ngửi hơi đã thèm, cuống quýt muốn uống ngay. Thơ anh hấp dẫn như loại vang nho, nhẹ, không gây xốc, không nồng, không làm cho người ta khùng, nhưng uống rồi sẽ ngấm, sẽ say lâu và khó bỏ...

... Lá trầu khô giữa cơi trầu/ Truyện Kiều gấp lại trên đầu bấy nay/ Cánh màn khép lỏng cả ngày/ Ruộng vườn vắng mẹ cuốc cày sớm trưa/ Nắng mưa từ những ngày xưa/ Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan... (Mẹ ốm -1970)

Và hai mươi tám năm sau, trong hoàng hôn Hoa Lư -1998: Chiều mờ non nước cũ/ Bóng kinh thành khói bay/ Những vui buồn trận mạc/ Còn nhuốm vào cỏ cây/ ..../ Đường cỏ lơ mơ nắng/ Mái tranh chìm chơi vơi/ Vài tán cau mộc mạc/ Thả hồn quê lên trời. (Hoa Lư).

Nếu ai đó có ý định làm cuộc tìm kiếm, nhặt góp những câu thơ mới lạ trong mênh mông thơ Trần Đăng Khoa, có lẽ khó. Trần Đăng Khoa không mấy nhiều những câu thơ hào hoa. Ngay cả câu: Mái gianh ơi hỡi mái gianh/ Ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương, được chọn là một trong 50 câu thơ hay của nhiều tác giả để thả lên trời nhân ngày thơ Việt Nam, chưa hẳn đã là câu thơ đặc sắc. Nhưng, nhằm tìm ra những bài thơ hay, lại không thiếu. Đó cũng là một đặc trưng nữa ở thơ Trần Đăng Khoa. Bằng giọng điệu rất riêng, bằng lối viết, lối thể hiện rất duyên, dí dỏm mà có tình, lại khá tự tin, Trần Đăng Khoa có tài, như những nghệ nhân xây Tháp Chàm, biết kết dính những câu thơ (viên gạch) của mình lại thành một bài thơ (ngôi tháp) có hồn, có vía. Thơ anh cứ tuồn tuột đi vào lòng người như thể có ma lực và qua năm tháng vẫn đứng được, có lẽ bởi thế. Nhưng để làm nên ngọn tháp, ngọn tháp có hồn, có vía, với bàn tay diệu nghệ không thôi chưa đủ. Trước hết người thợ phải có một trái tim, biết cảm, phải đam mê đồng thời nhất thiết phải có sự lịch lãm và cái tình. Bài thơ cần nhất ở cái hồn, cái thần, cái vía. Không có những thứ đó, bài thơ chỉ là sự lắp đặt, chơi trò chồng xếp con chữ. Mà đã không có tình, dù sắp đặt, chồng xếp khéo tay tới mấy cũng chỉ sinh ra những hình hài chữ khô cứng, sớm muộn gì cũng chết ẻo. Wislawa Szymorska từng nói: " Cách đây chưa lâu, vào thập niên đầu của thế kỷ XX, các nhà thơ còn thích làm cho người ta bị sốc vì những bộ trang phục và cách cư xử kỳ dị. Song đó luôn là trò diễn để chiều lòng công chúng. Đã đến lúc nhà thơ phải đóng cửa lại, trút hết mọi xiêm áo của cái vẻ hào nhoáng bên ngoài để đứng im chờ đợi ở chính mình, bên một tờ giấy trắng. Bởi điều đó mới thật có ý nghĩa".

Viết tới đây, tôi bất giác liên tưởng tới đêm thơ nhạc và giao lưu do Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Hải Phòng tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hội Nhà văn Việt Nam. Trên Sân khấu không lập loè đèn xanh đèn đỏ, không váy ngắn áo cộc, không bá vai bá cổ hối hả nhảy hip hốp, không khoe đùi khoe sườn, chỉ là những ca khúc cũ kỹ, cũ kỹ như những tác giả của nó, cũ kỹ như con người Trần Đăng Khoa vậy, ấy thế mà khi Hạt gạo làng ta, (thơ Trần Đăng Khoa do Trần Viết Bính phổ nhạc), một bài thơ, một bài hát hết sức dung dị, không màu mè, không mới, không lạ và do các cháu thiếu nhi một trường phổ thông biểu diễn, nhưng hàng trăm khán giả có mặt trong Nhà hát thành phố Cảng đã im phắc, hào hứng chăm chú lắng nghe. Thì ra giá trị đích thực của thi ca nằm ở chiều sâu tâm hồn người nghệ sĩ chứ không phải là thứ màu mè hoa hoè hoa sói theo phép chồng xếp chữ đơn thuần. Mới hay, văn chương đích thực, văn hoá đích thực thì tồn tại mãi. Cái gì nhân danh văn hoá mà không văn hoá, dù vờn ve mỵ người tới mấy chẳng thể đánh lừa được sự thông tuệ của thời gian, tất yếu bị đào thải, hoặc nếu tồn tại, chỉ là thoáng chốc do bị ngợp, chưa kịp phân định mà thôi. Tôi muốn bạn đọc bớt chút thời gian lướt lại bài thơ mà người viết bài này cho rằng là một trong những bài thơ hay của Trần Đăng Khoa. Hay, bởi cái đọng lại cuối cùng nơi bài thơ vẫn là chữ TÌNH.

Hạt gạo làng ta/ Có bão tháng Bảy/ Có mưa tháng Ba/ Giọt mồ hôi sa/ Những trưa tháng Sáu/ Nước như ai nấu/ Chết cả cá cờ/ Cua ngoi lên bờ/ Mẹ em xuống cấy... (1969).

Không cầu kỳ. Rất chân thật. Bởi vậy rất cảm động. Đọc nhiều lần vẫn cảm động. Quả như Tố Hữu khi nhận định về thi ca, đã viết: "Bài thơ hay làm cho người ta không thấy câu thơ, chỉ còn cảm thấy tình người... Thơ là tiếng nói tri âm". Hạt gạo làng ta, với tôi là tiếng nói tri âm! Trần Đăng Khoa khiêm nhường cho rằng Hạt gạo làng ta bay được cao, bay được xa, được chu du khắp đó đây là nhờ nhạc của ông Bính cõng đi. Đúng một phần. Loại trừ tác dụng lan toả trong một giao diện khá rộng nhờ sự chuyển tải có hồn trong một sức sống mới của âm nhạc, Hạt gạo làng ta đủ tư cách sừng sững đứng độc lập bằng vị thế là một thi phẩm đi cùng thời gian...

Thơ không cốt ở xác chữ mà cốt ở hồn chữ. Chữ là phương tiện để tác giả gửi hồn vào đó. Và khi ấy, lẽ đương nhiên hồn người hồn chữ quyện nhập vào nhau làm một. Người viết không xúc động, không tâm, chỉ muốn phô diễn sự lạ sao có khả năng thổi hồn vào các con chữ? Sự "cưỡng hiếp" ấy chỉ cho ra đời những hình hài nhem nhuốc, gàn dở. Và đó nhất quyết không thể là thơ. Làm lạ thơ đâu khó. Ăn cơm bằng bát chuyển qua xúc cơm trong cốc, với những người có nghề, dễ ợt. Mục đích cuối cùng của thơ là hay chứ không phải là lạ. Thể hiện bài thơ bằng cách kiểu gì đều do cái hồn, cái tâm, sự lịch lãm vốn có của nhà thơ và điều chất chứa trong lòng muốn phô ra, muốn giãi bày quyết định. Điều ấy nhiều khi nằm ngoài dự định người viết. "Tôi để mặc bài thơ chọn lấy thể thơ"- J.Seervielle. Câu thơ hay, bài thơ hay chẳng phải tự dưng mà có. Đó là thứ trời cho. Nhưng để chộp được cái thứ ngọc quý giá trời phú ấy, trong mỗi nhà thơ phải luôn túc trực ý thức nghệ sĩ, phải túc trực ý thức sáng tạo. "Các thần thánh ban cho ta câu thơ thứ nhất, nhưng chính ta phải dụng công làm lấy câu thơ thứ hai"- P. Val r

Tiếng chim vách núi nhỏ dần/ Rì rầm tiếng suối khi gần khi xa/ Ngoài thềm rơi cái lá đa/ Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng (Đêm Côn Sơn- 1968 )

Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng, câu thơ bật ra tưởng chừng ngẫu nhiên, chỉ là một thoáng cảm bằng tai, nhưng đọc kỹ cả đoạn, cả bài, không khó khăn nhận ra sự bất chợt ấy bắt đầu từ sự rung động của trái tim, sự bất chợt ấy có vẻ vô thức, nhưng lại là tích góp đã được chuẩn bị của ý thức. Bởi thế câu thơ trở nên có hồn, có thần.

Và hai mươi bốn năm sau, sau Đêm Côn Sơn là buổi chiều ở một thành phố cổ nơi quê người: Thành xưa đổ bóng vào trời/ Khói sương lãng đãng - Một thời đã xa/ Tháng năm lừng lững đi qua/ Chỉ còn mấy đỉnh tháp già ngẩn ngơ/ Chiều buông ngọn khói hoang sơ/ Tiếng chuông ngàn tuổi tỏ mờ trong mây... (Qua xuzddan - 1992). Rồi mây nước ở Trường Sa: Gió rát mặt, đảo luôn thay hình dạng/ Sỏi cát bay như lũ chim hoang/ Cứ mặc nó. Nào hỡi các chiến hữu/ Ta bắt đầu thôi. Mây nước đã mở màn.../ Những giai điệu ngang tàng như gió biển/ Nhưng lời ca toàn nhớ với thương thôi/ Đêm buông xuống nhìn nhau không rõ nữa/ Cứ ngỡ như vỏ ốc cất thành lời. (Lính đảo hát tình ca trên đảo)

Chẳng rối rắm, không có câu chữ lạ. Bài thơ hiện ra tự nhiên, tự nhiên như cuộc sống vốn thế, tự nhiên như thể người làm thơ không có ý định làm thơ. Mộc mạc như bờ ao gốc rạ, chân chất tựa hạt đậu củ khoai, mà sao gần gũi, thân thiết, hoà đồng, gợi mở thế ? Phải chăng nhờ cách viết, cách cảm rất chân thành đồng quê đó mà bao năm rồi thơ Trần Đăng Khoa cứ bỏ bùa mê vào nhiều thế hệ bạn đọc để người viết ra những câu thơ dung dị nhưng cao sang ấy trở thành một thương hiệu có giá?

Khi trích những câu thơ trên, tôi chợt nhớ đến ý kiến của một người Nam ta, ông Ngô Thì Nhậm: " Thơ mà quá cầu kỳ thì sa vào giả dối, quá trau chuốt thì sa vào xảo trá, hoang lương hiu hắt thì sa vào buồn bã. Chỉ có thuần hậu giản dị, thẳng thắn không giả dối không xảo trá, không buồn bã mà rốt cục chú trọng đến sự ngăn chặn điều xấu, bảo tồn điều hay, mới là những đặc sắc chính của thơ..." Và ý kiến một ông Tây, ông Yannis Rýtsos : "Kết quả của một tác phẩm nghệ thuật hay là làm cho chúng ta cảm thấy sảng khoái và khiến cho chúng ta muốn sáng tạo ra một cái gì đó. Chúng ta muốn yêu và muốn đựơc yêu". Dù ở gầm trời nào, dù ở thời buổi nào, dù tây hay ta, quan niệm về thơ hay cũng chỉ là một.

Trần Đăng Khoa là gã có tài quan sát, quan sát rất tinh tế. Từ hương nhãn, hoa bưởi, tiếng chim chích choè, tiếng trống làng, tiếng máy cày xình xịch, đến chiếc ngõ nhỏ, cánh đồng làng, cây dừa, thầm chí cả bé Giang tập xe đap, đánh tam cúc với mèo; rồi một bông hoa duối, một cây xoan, một bến đò... cũng thành thơ, lại là thơ không xoàng thì giỏi quá!

Sự quan sát đó, nếu trước đây chỉ loanh quanh trong góc sân, vườn cải, ao nhà; hình ảnh quan sát bó gọn, tươi non trong khuôn khổ con ong, cái kiến, cây dừa, hạt gạo, cây đa, cánh diều, thì theo năm tháng, theo tỉ lệ thuận với dung nạp kiến thức, văn hoá và bằng sự dậy thì rồi hồi xuân của cảm xúc, càng về sau đã rộng lớn hơn, khái quát, nhân loại hơn, vừa nồng đượm, lại cũng vừa đằm lắng.

... Tôi đứng lặng trước em/ Không phải trước lỗi lầm biến em thành đá cuội/ Nhớ vận nước có một thời chìm nổi/ Bắt đầu từ một tình yêu/ ... Có những lỗi lầm phải trả bằng cả một kiếp người/ Nhưng lỗi lầm em phải trả bằng máu toàn dân tộc / Máu vẫn thấm qua từng trang tập đọc/ Vó ngựa Triệu Đà còn đau đến hôm nay. (Trước đá Mỵ Châu- 1974). Hoặc trước nỗi mong manh của những kiếp người: ... Ôi thiên nhiên cảm ơn người nhân hậu/ Những so le, người kéo lại cho bằng/ Ít nhất cũng là khi nằm xuống/ Trong mảnh gỗ rừng, dưới một vầng trăng../ ... Tôi đi giữa nổi chìm bao số phận/ Người xưa vẫn đây mà, có xa cách chi đâu/ Tôi thầm gọi. Sao không ai lên tiếng/ Chỉ hoang vắng dưới chân và sương khói trên đầu.../ ... Trước thiên nhiên con người như khách trọ/ Như ảo ảnh chập chờn thoáng đến, thoáng lìa xa/ Chúng ta sống bên nhau, dẫu năm này tháng khác/ Thì cũng vẫn chỉ là một thoáng giữa sân ga... ( Ở nghĩa trang Văn Điển- 1986).

Trần Đăng Khoa có nỗi đau chứ! Nhưng anh không hằn học, mà thơ anh là sự xót xa trong nỗi đồng cảm và sẻ chia. Tôi cho rằng thái độ ứng xử và cách nhìn của người làm thơ quyết định tính nhân văn của thơ

Trước những biến động của nhân loại, Trần Đăng Khoa viết: Thời gian vẫn đi lạnh lùng khắc nghiệt/ Có kiệt tác hôm nay, mai đã bẽ bàng rồi/ Bao thần tượng ta tôn thờ cung kính/ Mưa nắng bào mòn, còn trơ lại đất thôi/

Ở nơi nào kia chiến tranh đang gầm rú/ Những quốc gia nào đang thay ruột đổi ngôi/ Trái đất mỏng manh và đáng thương biết mấy/ Trước những mưu mô, toan tính của con người... (Mátx cơ va, mùa đông năm 1990)

Nhiều người cho rằng thơ Trần Đăng Khoa có hai phần, phần thơ trẻ con và phần thơ người lớn. Tôi không nghĩ có sự rạch ròi đứt đoạn như vậy. Đọc thơ anh, tôi nhận ra sự đồng nhất liền mạch trong cảm xúc, trong suy tưởng và cả sự liền mạch trong cách diễn đạt, cách nói, cách kể, cách cấu trúc thơ...(mà các nhà lý luận vẫn gọi là thi pháp). Có điều phần thơ sau này, ý tứ sâu xa hơn, thâm hậu hơn nhuần nhị hơn, và bởi thế nói được nhiều điều hơn. Càng không thể nói thơ Trần Đăng Khoa viết khi còn nhỏ hay hơn thơ viết khi anh đã lớn. Nhận định như vậy là chủ quan, thiếu công bằng. Mảng thơ sau này của anh, đặc biệt là mảng thơ viết về người lính khi anh là ngưòi lính, và mang thơ viết về nhân tình thế thái khá đặc sắc và có nhiều đóng góp.

Ta ngự giữa đỉnh trời/ Canh một vùng biên ải/ Cho làn sương mong manh/ Hoá trường thành vững chãi/... Lán buộc vào hoàng hôn/ Ráng vàng cùng đến ở/ Bao nhiêu là núi non/ Ríu rít ngoài cửa sổ/ Những mùa đi thăm thẳm/ Trong mung lung chiều tà/ Có bao chàng trai trẻ/ Cứ lặng thinh mà già... (Đỉnh núi- 1998)

Gửi bác Trần Nhuận Minh là khúc tâm sự của người đã từng trái, qua rồi những gì ngộ nhận, non trẻ; là lời tự bach của kẻ đã nhận biết mọi lẽ ở đời, với những gì là thật, những gì là phù phiếm. Là nỗi niềm của kẻ tu hành gần đắc đạo đã ngộ nhiều sự. Tôi cho rằng đây là bài thơ hay, bình dị mà lắng đọng, nhiều chiêm nghiệm, phiêu diêu mà sâu xa, lắm nghĩ ngợi... Bác làm bông lau ngàn/ Thả hồn vào hoang vắng/ Khi buồn thì hát ca/ Lúc vui thì im lặng/ Em quẩy bầu trăng gió/ Bác gánh bao nỗi người/ Sóng đôi mà đơn độc/ Đi mang mang trong đời/ Giờ thì em đã chán/ Những vinh quang hão huyền/ Muốn làm làn mây trắng/ Bay cho chiều bình yên/.../ Đất trời thì chật hẹp/ Làng quê thì mênh mông/ Thung thăng em với bác/ Ta cưỡi thơ ra đồng (1998). Sao có thể nói thơ ở giai đoạn sau này của Trần Đăng Khoa không hay được! Gửi bác Trần Nhuận Minh, một thi phẩm ngắn gọn mà chất chứa, ủ ấp bao nỗi niềm. Đọc rồi cũng thấy nao nao...

Tuy nhiên thơ Trần Đăng Khoa không hẳn đã toàn bích. Có lẽ vì quá tự tin, tự tin trong cảm xúc, tự tin trong cách thể hiện, và có thể nữa, không rõ có đúng, tự tin bằng cái danh của mình, nên có câu thơ thừa chữ.... Thậm chí nhiều câu nhận ra sự dễ dãi, thiếu tu chỉnh. Ngay thi phẩm Hạt gạo làng ta, một bài thơ rất thích nhưng câu kết khá vô duyên: Em vui em hát/ Hạt vàng làng ta. Toàn bộ bài thơ đã là vui mà hát rồi. Câu khít trên câu kết, đáng tiếc, làm bài thơ nhẹ đi một phần. Đương nhiên, như đã nói ở trên, thơ Trần Đăng Khoa hay ở sự kết dính và hơi thở toàn bài mà ít hay ở câu, do vậy tách một phần ra khỏi tổng thể để phán là vô cớ và có cái gì đó như thể thiếu chính xác...

Để kết thúc những câu chữ nghĩ sao viết vậy của mình, tôi cho rằng cái làm nên giá trị tác phẩm thi ca nói riêng và văn chương nói chung, hình như chỉ ý thức công dân ở người viết không thôi chưa đủ. Có điều ấy cũng đã là đáng quý, đã là đáng trân trọng. Nhưng để tác phẩm cao hơn, bao quát hơn và tồn tại lâu dài, ngoài ý thức công dân, người viết phải có thêm phẩm chất và ý thức nghệ sĩ. Mừng là, theo cảm nhận chủ quan của riêng người viết bài này, thơ Trần Đăng Khoa có ý thức ấy. Và chính phẩm chất và ý thức nghệ sĩ ở người cầm bút, khiến thơ anh có thể chiềng ra mà đương đầu trong sự đào thải nghiệt ngã, nhưng công tâm và sòng phẳng của thời gian..

Đình Kính

24 tháng 4, 2009

Cần tập trung đầu tư vào giáo dục, nghiên cứu và phát triển hạ tầng công nghệ


HOCMOINGAY. Chính phủ nào muốn thành công trong tương lai cần phải tập trung đầu tư vào giáo dục, nghiên cứu và phát triển hạ tầng công nghệ - Chủ tịch tập đoàn Intel , Ông Craig Barrett đã nói như vậy trong lời phát biểu nhân chuyến thăm Việt Nam ngày 10.4. 2009 (Ảnh trên: Ông Craig Barrett , Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn Intel (Hoa Kỳ) và Bill Gates , Chủ tịch Tập đoàn phần mềm Microsoft (Hoa Kỳ)

ĐẦU TƯ GIÁO DỤC LÀ CẠNH TRANH CẤP QUỐC GIA

Đây là thông điệp chung cho nhiều chính phủ ở châu Á mà ông Barrett đã truyền tải trong chuyến thăm cuối cùng của ông với cương vị là chủ tịch Intel. Lãnh đạo Intel từ trên một thập niên nay, giúp công ty này giữ vững vị trí hàng đầu trong ngành công nghệ thông tin của Mỹ, ông Barrett được coi là người có tầm nhìn sâu rộng. Những ý kiến của ông về nâng cao sức cạnh tranh quốc gia và phát triển công nghệ thường được coi trọng.

Ông Barrett cho rằng mỗi quốc gia đang ở một giai đoạn khác nhau về đổi mới công nghệ và giáo dục. Điều đó có nghĩa là khó có thể so sánh một cách hoàn hảo về mức độ phát triển của Mỹ với Trung Quốc hay Việt Nam. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng các quốc gia phải chú ý rằng khi phát triển giáo dục và nghiên cứu khoa học, họ đang phải cạnh tranh với các quốc gia khác chứ không phải chỉ trong đất nước của mình.

Việt Nam đang ở đâu trong cuộc cạnh tranh này?

Theo một số số liệu thống kê được đưa ra gần đây, Việt Nam luôn đứng hạng chót trong các tỷ lệ các báo cáo, nghiên cứu khoa học cũng như những bằng sáng chế. Theo một so sánh của Reuter Thompson về các nghiên cứu khoa học được đăng tải giữa những trường đại học lớn ở các quốc gia (không tính Mỹ), trường đại học quốc gia Hà Nội và TP.HCM đứng hạng chót với chỉ 48 nghiên cứu khoa học, trong khi quốc gia áp chót là Indonesia cũng có đến 120 nghiên cứu được xuất bản. Chỉ riêng đại học Peking (Trung Quốc) có tới 3.694 nghiên cứu, và đại học Seoul (Hàn Quốc) có 5.714 nghiên cứu. Một số liệu khác về bằng sáng chế khoa học được cấp trong năm 2006, thì Việt Nam cũng đứng hạng chót vì không có một sáng chế nào. Trong khi đó, Hàn Quốc có 102.633 sáng chế, Trung Quốc có 26.292 sáng chế và đến Thái Lan cũng có đến 158 sáng chế. Những số liệu này minh chứng cho sự thấp kém và tụt hậu của giáo dục bậc cao Việt Nam. Trong khi, chính giáo dục bậc cao là yếu tố then chốt giúp một quốc gia vươn lên.

Tại sao Việt Nam lại thiếu nghiên cứu khoa học trầm trọng đến thế? Hiện nay, Việt Nam đang có hàng trăm nhà khoa học trẻ đi học nước ngoài theo các chương trình học bổng khoa học khác nhau. Một chương trình có thể coi là lớn nhất là quỹ Học bổng Việt Nam (VEF) do Chính phủ Mỹ tài trợ, khởi đầu từ năm 2003, cho đến nay đã đưa sang Mỹ gần 300 nghiên cứu sinh. Đó là chưa kể đến các chương trình học bổng chính phủ và những chương trình học bổng ở các nước khác.

Khi đặt câu hỏi này với các nghiên cứu sinh khoa học tham gia chương trình VEF, người viết nhận được nhiều câu trả lời rất khác nhau. Có người tự nhận ngay rằng “ người Việt Nam mình lười, dốt, hoặc trí tuệ ở mức trung bình ”. Nhiều người khác lại phản đối, cho rằng mình kém may mắn, sinh ra ở một nước nghèo, nền giáo dục thấp kém, Chính phủ chưa tạo ra môi trường nghiên cứu khoa học tốt. Một nghiên cứu sinh Việt Nam đang theo học ngành công nghệ Hàng Không ở Mỹ đã chọn Mỹ là nơi làm việc vì theo anh, về Việt Nam thì người như anh khó tìm việc làm phù hợp, thậm chí “không có nhà để ở”.

Ông Barrett cho rằng có hai loại nghiên cứu khoa học. Loại nghiên cứu cơ bản, thường được thực hiện ở các phòng nghiên cứu của các trường đại học, là phần việc của chính phủ. Các chính phủ khôn ngoan biết đầu tư rất nhiều cho nghiên cứu phát triển (R&D) . Ví dụ điển hình là Israel (Nước Do Thái), đầu tư tới 5% GDP cho nghiên cứu phát triển (R&D). Chính phủ các nước phát triển khác như Mỹ, Nhật... cũng đầu tư tới 3% GDP cho lĩnh vực này. Đây là khu vực phát triển tài năng và đưa ra những nghiên cứu khoa học lớn củng cố vị trí phát triển của một quốc gia. Trong khi đó, loại nghiên cứu ứng dụng thuộc vai trò của các công ty, như Intel. Nghiên cứu ứng dụng giúp đưa ra các sản phẩm có thể bán được trên thị trường. Cả hai loại nghiên cứu này cùng góp phần củng cố sức cạnh tranh của một quốc gia trong thời đại kinh tế tri thức hiện nay. Trên thực chất, nghiên cứu ứng dụng khó có thể phát triển nếu bản thân quốc gia đó không có nền tảng nghiên cứu cơ bản vững chắc.

Intel hiện đang đầu tư một nhà máy một tỉ USD tại Việt Nam. Công ty này chứng minh cam kết của mình tại Việt Nam bằng việc trao 28 suất học bổng cho các sinh viên kỹ thuật, đưa họ sang học tại trường đại học Portland State ở Mỹ trong năm học 2009 – 2011. Đây cũng là một sự chuẩn bị nhân lực cho nhà máy này. Intel kỳ vọng những sinh viên này sẽ quay trở lại làm việc cho chính nhà máy của Intel một khi họ hoàn thành khoá học của mình. Nhìn ở một góc độ, Intel đang phần nào tự lo phần “nghiên cứu cơ bản” tại Việt Nam. Trong buổi trò chuyện với sinh viên tại đại học Bách khoa TP.HCM, ông Barrett nói: “Các bạn hãy nhớ chỉ một ý tưởng thôi có thể thách thức cả một công ty… Thế giới sẽ luôn đón nhận những tài năng với đôi bàn tay rộng mở”.

28 sinh viên nhận học bổng của Intel có một cơ hội rất lớn để tạo dựng thành công. Nhưng còn hàng ngàn sinh viên khác, để có cơ hội tương tự, sẽ phải trông đợi chủ yếu vào nỗ lực cải tiến hệ thống giáo dục cũng như đầu tư vào hệ thống giáo dục của chính phủ.

Lan Anh

SỚM CÓ SẢN PHẨM INTEL "MADE IN VIETNAM"

Nhân chuyến thăm Việt Nam ngày 10-4-2009 , ông Craig Barrett, chủ tịch Tập đoàn Intel (Mỹ), cho biết nhà máy của Intel tại Việt Nam đang trong giai đoạn hoàn tất xây dựng, đầu năm sau sẽ cho những sản phẩm đầu tiên.

Trở lại Việt Nam lần này, so với thời điểm nhấn nút khởi động nhà máy, ông thấy đâu là sự khác biệt?

Tôi thấy Khu công nghệ cao TP.HCM phát triển hơn, năng động hơn. Chính phủ Việt Nam làm nhiều việc hơn cho vấn đề giáo dục, hạ tầng được xây dựng mới và cải thiện. Tôi nghĩ có thể đọc được những tín hiệu lạc quan. Nhớ lại cách đây mười năm khi tôi đến đây lần đầu, mọi chuyện cần phải làm lắm. Hồi đó cơ sở hạ tầng cho ngành công nghệ viễn thông còn sơ khai lắm. Chương trình giảng dạy ở các trường đại học nay đã được cập nhật và cải thiện hơn.

Khủng hoảng toàn cầu đang ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực, ông có nhận xét gì về tác động của nó đến ngành công nghệ cao và liệu có ảnh hưởng xấu đến dự án của Intel ở Việt Nam?

Chúng tôi có một chiến lược phát triển được định sẵn. Chúng tôi công bố ngưng một vài nhà máy cũ, nhưng nhà máy mới như ở Việt Nam vẫn tiếp tục xây dựng đúng tiến độ. Tôi nghĩ rằng nhu cầu vẫn sẽ tăng dù không theo đường thẳng, có lên có xuống, để chúng tôi sản xuất ra thêm nhiều sản phẩm. Vì thế, kinh tế khó khăn chúng tôi vẫn tiếp tục xây dựng nhà máy cho chiến lược dài hơi. Nhà máy tại Việt Nam là một phần của sự chuẩn bị cho tăng công suất trong dài hạn của Intel. Chúng tôi sẽ hoàn tất việc xây dựng cuối năm nay và sẽ cho ra đời sản phẩm mới vào năm sau. Ngay lúc này đối với sản phẩm công nghệ cao thì nhu cầu thấp, nhưng trong vòng 6-18 tháng nữa nhu cầu sẽ tăng trở lại.

Khi Intel mở nhà máy ở Costa Rica, ngành công nghiệp phụ trợ nước này lập tức phát triển nhanh chóng, Việt Nam có thể được gì từ bài học này?

Khi Intel mở nhà máy sẽ tạo ra nhiều lợi ích. Một trong số đó là vấn đề giáo dục. Chúng tôi đã công bố tại Hà Nội chương trình học bổng, sinh viên Việt Nam sẽ sang học tại một số trường đại học ở Mỹ trong hai năm. Chúng tôi làm việc với nhiều đối tác để cải thiện chất lượng giáo dục ở trường đại học. Ở góc độ kinh doanh, từ dự án của chúng tôi sẽ có nhiều nhà đầu tư, nhà cung cấp dịch vụ, sản phẩm đến đặt nhà máy nơi đây, điều này chắc chắn sẽ góp phần làm tăng trưởng nền kinh tế...

Khi Intel đặt cơ sở lớn ở Costa Rica, rất nhiều công ty cung ứng, công ty sản xuất công nghiệp phụ trợ đã đến xây nhà máy bên cạnh chúng tôi. Tôi nghĩ tình hình tương tự sẽ xảy ra ở Việt Nam. Có thể Chính phủ sẽ lo lắng về việc khi các công ty có vốn đầu tư nước ngoài đến đây trở thành nhà cung ứng cho Intel thì liệu các công ty địa phương sẽ cạnh tranh thế nào. Chúng tôi tin sẽ có những công ty đến xây nhà máy bên cạnh Intel để giúp phát triển ngành công nghiệp phụ trợ tương tự như ở Costa Rica. Điều đó cũng xảy ra tương tự ở Malaysia, Philippines, Trung Quốc.

Intel sẽ tổ chức những buổi hội thảo, đối thoại với các nhà cung ứng để thông báo cho họ biết nhu cầu, quy chuẩn cũng như cách thức hợp tác với chúng tôi... Đó là cách chúng tôi hình thành nên một mạng lưới cung ứng. Chẳng hạn ở Mỹ, chúng tôi có “ngày của nhà cung cấp” để làm việc với các nhà cung ứng địa phương... Tôi chỉ có một góp ý là Chính phủ Việt Nam nên điều chỉnh chính sách thuế như thế nào đó để các nhà cung ứng địa phương có thể nâng cao sức cạnh tranh.

Trước đây Intel tổ chức tuyển chọn sinh viên để đào tạo làm việc cho mình, chỉ có 28 người đáp ứng đủ điều kiện trong số 200 sinh viên tham gia. Intel có thất vọng về điều đó ? Và làm thế nào để giáo dục Việt Nam đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài ?

Một phần trách nhiệm của tôi ở Intel là làm việc với các hệ thống giáo dục để làm sao có một nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của Intel. Đó không chỉ là chuyện đào tạo kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng mang tính học thuật mà còn là kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng liên quan đến ngành kỹ thuật cao của chúng tôi.

Cách mà chúng tôi đã áp dụng ở Costa Rica là làm việc chặt chẽ với các trường đại học để họ có những chương trình đào tạo phù hợp, cung ứng nhân lực cho Intel. Ở Mỹ hay Mexico chúng tôi cũng làm như vậy. Chúng tôi đã thực hiện chương trình tuyển chọn sinh viên ở Việt Nam, kỹ năng giải quyết vấn đề của họ cần phải được cải thiện. Bên cạnh đó còn một số vấn đề khác chúng tôi sẽ có phản hồi với các trường đại học.

Đúng là việc cải thiện hệ thống giáo dục luôn là vấn đề khó khăn. Việc nâng chất trong lĩnh vực giáo dục của Việt Nam không nên chỉ nhìn vào mình mà phải nhìn vào các nước xung quanh. Phải làm sao để có thể nói rằng trường đại học của chúng tôi đạt chuẩn mực quốc tế. Điều đó rất quan trọng.

"Lời khuyên của tôi với sinh viên Việt Nam là phải cố gắng học giỏi, đạt được một trình độ, kiến thức đủ tốt. Khi đạt rồi còn phụ thuộc vào mỗi cá nhân. Nhưng một trình độ, kiến thức tốt là chìa khóa để mở mọi cánh cửa. Không có trình độ thì không thể mở được cửa".

Lê Nguyên Minh

INTEL BÁN 1 TRIỆU MÁY TÍNH GIÁ RẺ CHO GIÁO VIÊN

Sáng 09-04-2009 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ - Bộ trưởng Bộ Giáo Dục & Đào Tạo Nguyễn Thiện Nhân cùng với ông Craig Barrett - Chủ tịch tập đoàn Intel đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận triển khai Chương trình Giáo dục điện tử giữa Bộ Giáo Dục & Đào Tạo Việt Nam với Intel.

Hai nội dung chính của thỏa thuận hợp tác này là phát động một cuộc thi bài giảng điện tử nhằm khuyến khích các giáo viên trong cả nước ứng dụng Công Nghệ Thông Tin trong công tác giảng dạy và phối hợp với các công ty công nghệ trong nước đưa ra thị trường một triệu máy tính giá hợp lý nhất trong thời gian hai năm tới với tên gọi “Máy tính học đường” chủ yếu nhắm vào đối tượng giáo viên và sinh viên đại học.

Ông Thân Trọng Phúc, Tổng Giám đốc Intel Việt Nam cho biết chương trình một triệu máy tính sẽ được triển khai ngay trong tháng 6-2009 và giá dự kiến cho một bộ máy vi tính với cấu hình Chip ATOM 330, Màn hình LCD 16 Inch, RAM 1GB, ổ cứng 80GB chỉ là 220USD.

Gia Khoa




QỦY BILL & MELINDA GATES GIÚP NÔNG DÂN VIỆT NAM DÙNG MÁY TÍNH

Người dân nông thôn, vùng sâu vùng xa ở ba tỉnh Nghệ An, Trà Vinh và Thái Nguyên sắp tới sẽ được hưởng nhiều lợi ích về công nghệ thông tin, truyền thông, nhờ vốn tài trợ từ Quỹ Bill & Melinda Gates.

Đó là nội dung chính của dự án "Thí điểm nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Intenet công công tại Việt Nam", vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố hôm 20-4-2009.

Dự án miễn phí sử dụng dịch vụ viễn thông, thông tin này do Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation viện trợ, sẽ được Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện trong vòng 18 tháng ( từ tháng 2-2009 đến tháng 7-2010 ) tại ba tỉnh trên.

Tổng số vốn thực hiện dự án là hơn 2,6 triệu USD, trong đó Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation viện trợ không hoàn lại hơn 2,1 triệu USD. Vốn đối ứng của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam là 31.000 USD, các doanh nghiệp viễn thông, các cơ quan ban ngành khác đóng góp gần 400.000 USD bằng việc chuẩn bị sẵn nhân lực, cơ sở hạ tầng mạng, thiết bị văn phòng, nhà trạm, điện lưới sẵn có...

Theo đó, mục tiêu lâu dài của dự án là góp phần tạo cơ hội cho người dân nông thôn, vùng sâu vùng xa được hưởng lợi ích do công nghệ thông tin và truyền thông mang lại, góp phần xóa đói giảm nghèo, nhằm rút ngắn về khoảng cách công nghệ số cũng như chất lượng thông tin giữa các vùng miền.

Theo ước tính ban đầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, sẽ có khoảng 10.000 người dân nông thôn, vùng sâu vùng xa được hưởng lợi ích từ dự án này.

Được biết, trong giai đoạn thí điểm, dự án sẽ trang bị hơn 700 máy tính tại 99 điểm truy nhập viễn thông công cộng là các điểm bưu điện văn hóa xã và các thư viện tỉnh, huyện, thư viện các trường học, bệnh viện, UBND xã.

Cụ thể mỗi điểm bưu điện văn hóa xã sẽ được trang bị 5 máy tính, 1 máy in, các trang thiết bị đi kèm cùng với chi phí khác và tiền lương cho người quản lý. Tại mỗi điểm truy nhập viễn thông kết hợp với thư viện địa phương, thư viện bệnh viện, trường học sẽ trang bị từ 5-20 máy tính, 1 máy in cùng các trang thiết bị đi kèm.

Đồng thời, dự án cũng tiến hành đào tạo cho cán bộ quản lý cũng như đào tạo kỹ năng sử dụng máy tính, truy nhập Internet, cách khai thác thông tin cho người dân nông thôn để người dân có thể khai thác những thông tin hữu ích nằm phục vụ đời sống và sản suất của chính họ.

Trong các hợp phần của dự án, Ban quản lý dự án sẽ thiết kế một trang web nhằm đưa lên các nội dung về nông nghiệp, nông thôn, kinh nghiệm sản xuất, thông tin về kinh tế, xã hội, các chính sách pháp luật, các thông tin bổ ích về sức khỏe, lối sống bằng ngôn ngữ địa phương từng miền để phục vụ các nhu cầu kiến thức, thông tin cho người thân.

Đại diện Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation, bà Deborah Jacobs cho biết, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á nhận được sự viện trợ của Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation về viễn thông công ích.

Theo bà Deborah, lý do Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation lựa chọn Việt Nam vì đây là quốc gia có mức độ sử dụng Internet cao nhất Châu Á, đồng thời Chính phủ có mức độ cam kết cao về đầu tư nâng cấp chất lượng dịch vụ viễn thông công ích cũng như chú trọng phát triển công nghệ thông tin nhằm xóa mờ khoảng cách giữa các vùng miền để toàn người dân Việt Nam có thể được hưởng lợi ích từ công nghệ thông tin và truyền thông.

Quỹ Bill & Melinda Gates ( Bill & Melinda Gates Foundation ) hiện là tổ chức từ thiện lớn nhất thế giới, do Bill Gates - chủ tịch và người lập ra tập đoàn phần mềm Microsoft, và vợ của ông, bà Melinda Gates, sáng lập. Quỹ ra đời tháng 1/2000, với mục đích nâng cao chăm sóc y tế và giảm nghèo đói trên toàn cầu.

Mạng Chung

Nguồn: http://niemtin.free.fr/15.htm

14 tháng 4, 2009

Hiện đại hóa giáo dục để đi vào nến kinh tế tri thức



HOCMOINGAY. Ngày nay, trào lưu kinh tế thế giới đang chuyển sang kinh tế trí thức. Giá trị sản phẩm không còn dựa trên vật liệu căn bản của sản phẩm mà dựa trên giá trị sáng chế của sản phẩm đó. Giá trị sáng chế của sản phẩm trở thành điểm trọng yếu trong việc cạnh tranh lâu dài. Sự phồn vinh của xã hội phụ thuộc vào sự phát triển nền kinh tế trí thức. Khoa học kỹ thuật có tiềm năng vô cùng to lớn và có khả năng đưa nền kinh tế của đất nước phát triển vượt trội : bắt đầu từ khoa học kỹ thuật và công nghệ, củng cố giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Khai thác, ứng dụng những thành quả khoa học kỹ thuật tiên tiến vào mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội - khoa học kỹ thuật, kết hợp chặt chẽ với việc canh tân đổi mới sẽ là tiền đề để Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu và giữ vững thế cạnh tranh trên thương trường. Trang tin http://niemtin.free.fr đã tổng hợp những thu thập tài liệu trao đổi, tư vấn của các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước về các lĩnh vực quan trọng để chấn hưng giáo dục và canh tân đất nước. Nội dung những bài viết chuyên ngành KHOA HỌC CÔNG NGHỆ bao gồm: giáo dục đào tạo, y học, công nghệ thông tin viễn thông, công nghệ sinh học, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, năng lượng, công nghệ dầu khí, công nghệ hàng không, công nghệ đóng tàu, công nghiệp, xây dựng, môi trường đô thị, khoa học thống kê, công nghệ nano, công nghệ bán dẫn, vi mạch, điện tử, tự động hóa, công nghệ hóa học vật liệu, công nghệ cơ học, thiên văn vũ trụ. Nội dung chuyên ngành KINH TẾ XÃ HỘI có: Thị trường tiêu thụ nội địa, đầu tư kinh doanh, kinh tế thương mại, tài chính ngân hàng, giao thông vận tải, du lịch giải trí, thị trường chứng khoán, ý kiến chuyên gia trí thức Việt Nam, những ý kiến góp ý của các tổ chức và chuyên gia nước ngoài, thế giới, thiệp chúc mừng và quà tặng cuộc sông. Đây là các trang tham khảo chuyên đề cần thiết, quan trọng, bổ ích và lý thú


Thông tin chuyên ngành Khoa Học Công Nghệ:

•Các bài mới và Các bài được đọc nhiều nhất : ( Xem chi tiết ... )

•Giáo Dục Đào Tạo : ( Xem chi tiết ... )

•Y Học : ( Xem chi tiết ... )

•Công Nghệ Nano : ( Xem chi tiết ... )

•Công Nghệ Bán Dẫn - Vi Mạch - Điện Tử - Tự Động Hóa : ( Xem chi tiết ... )

•Công Nghệ Thông Tin - Viễn Thông : ( Xem chi tiết ... )

•Công Nghệ Sinh Học : ( Xem chi tiết ... )

. Công Nghệ Hóa Học Vật Liệu : ( Xem chi tiết ... )

•Công Nghệ Cơ Học : ( Xem chi tiết ... )

•Thiên Văn Vũ Trụ : ( Xem chi tiết ... )

•Công Nghệ Hàng Không : ( Xem chi tiết ... )

. Năng Lượng : ( Xem chi tiết ... )

•Công Nghệ Dầu Khí : ( Xem chi tiết ... )

•Công Nghệ Đóng Tàu : ( Xem chi tiết ... )

•Công Nghiệp : ( Xem chi tiết ... )

•Nông nghiệp : ( Xem chi tiết ... )

•Nuôi Trồng Thủy Sản : ( Xem chi tiết ... )

•Xây Dựng : ( Xem chi tiết ... )

•Môi Trường Đô Thị : ( Xem chi tiết ... )

•Khoa Học Thống Kê : ( Xem chi tiết ... )

Thông tin chuyên ngành Kinh Tế Xã Hội:

•Kinh Tế Thương Mại : ( Xem chi tiết ... )

•Tài Chính Ngân Hàng : ( Xem chi tiết ... )

•Thị Trường Chứng Khoán : ( Xem chi tiết ... )

•Đầu Tư Kinh Doanh : ( Xem chi tiết ... )

•Thị Trường Tiêu Thụ Nội Địa : ( Xem chi tiết ... )

•Giao Thông Vận Tải :( Xem chi tiết ... )

•Du lịch giải trí : ( Xem chi tiết ... )

•Ý kiến chuyên gia , trí thức Việt nam : ( Xem chi tiết ... )

•Những góp ý của Các tổ chức và Chuyên Gia nước ngoài : ( Xem chi tiết ... )

•Thế Giới : ( Xem chi tiết ... )

•Thiệp chúc Noel và Tết : ( Xem chi tiết ... )

(xem chi tiết các chuyên đề bấm vào đây)

Người theo dõi